Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 07-06-2023] Nhà tù Gia Châu nằm ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, được thành lập sau khi sáp nhập Trại Lao động Cưỡng bức Ngũ Mã Bình và Nhà tù Sa Loan. Nhà tù Gia Châu được biết đến với tên “Công ty TNHH Tập đoàn Thần Mã”, trên thực tế, đây là một trong những nhà tù được chỉ định để giam giữ và bức hại các nam học viên Pháp Luân Công ở nhiều khu vực khác nhau của tỉnh từ năm 2006.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm bị bức hại ở Trung Quốc từ tháng 7 năm 1999.
Trong khi bị cầm tù, các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn bằng nhiều hình thức khác nhau, như đứng trong nhiều tiếng liên tiếp, sốc điện, đánh đập, buộc phải ăn hết bữa trong vài giây và lao động khổ sai không công. Họ không được phép giao tiếp với nhau và phải viết báo cáo tư tưởng và tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Những người không tuân thủ sẽ bị đặt dưới sự nghiêm quản, xịt hơi cay hoặc bị các tù nhân khác tra tấn. Tù nhân tham gia bức hại học viên Pháp Luân Công thường được giảm án.
Theo các báo cáo của Minh Huệ, ít nhất 23 học viên và 1 người nhà của một học viên đã chết do bị tra tấn ở trong tù. Một số đã chết khi vẫn đang bị giam giữ trong tù, số khác qua đời sau khi được thả lúc đang cận kề cái chết.
24 người qua đời vì bị tra tấn ở Nhà tù Gia Châu
1. Ông Trương Hưng Tài ở thành phố Phàn Chi Hoa đã bị đưa tới Nhà tù Gia Châu vào ngày 8 tháng 9 năm 2006. Ông bị tra tấn đến tàn phế và chết ở trong nhà tù vào ngày 31 tháng 3 năm 2007, ở tuổi 59.
2. Ông Lý Nguyên Vinh ở thành phố Nghi Tân đã bị kết án 5 năm tù vào năm 2006 và bị bức hại đến chết ở trong Nhà tù Gia Châu vào tháng 7 năm 2007. Khi đó ông ngoài tuổi 70.
3. Ông Triệu Quốc Cát ở thành phố Ba Trung đã bị đưa đến Nhà tù Gia Châu vào ngày 18 tháng 10 năm 2007. Ông nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tra tấn. Ông được tạm tha y tế vào tháng 4 năm 2008 và qua đời vào ngày 18 tháng 10 năm 2008, ở tuổi 63.
Ông Triệu Quốc Cát
4. Ông Lưu Thiên Hậu ở châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn (thuộc sự quản lý của tỉnh Tứ Xuyên). Ông bị bắt vào ngày 15 tháng 4 năm 2006 và sau đó bị kết án 3 năm tù và thụ án trong Nhà tù Gia Châu. Ông tử vong ở trong nhà tù vào ngày 27 tháng 10 năm 2008, khi đó ông ngoài 70 tuổi.
Ông Lưu Thiên Hậu
5. Ông Trương Khôn Dương ở huyện Nam Giang, thành phố Ba Trung đã bị bắt vào ngày 29 tháng 5 năm 2006, sau khi cảnh sát nghi ngờ ông phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Ông bị kết án và thụ án trong Nhà tù Gia Châu và chịu đựng sự tra tấn tàn bạo ở trong đó. Sau khi về nhà năm 2008, bệnh bụi phổi silic của ông tái phát dẫn đến khí thũng. Ông qua đời tại bệnh viện vào tháng 7 năm 2009, ở tuổi 55.
6. Ông Tưởng Vân Hoành, một kỹ sư nhà máy máy nén khí, đã suýt tử vong sau khi bị bức hại ở trong Nhà tù Gia Châu. Ông được trả tự do vào năm 2009 sau khi mãn hạn. Bụng của ông sưng phù và chảy máu khoang miệng sau khi trở về nhà. Bác sỹ nói rằng ông không còn sống được bao lâu nữa. Ông đã qua đời vào ngày 8 tháng 3 năm 2011, khi mới 43 tuổi.
7. Ông Phùng Trung Lương từng làm việc tại Phòng Quản lý Thiết kế Cục Xây dựng thành phố Phàn Chi Hoa. Ông mất khả năng đi lại, suy nội tạng và khó thở khi được trả tự do khỏi Nhà tù Gia Châu vào ngày 28 tháng 4 năm 2009. Ông qua đời vào ngày 6 tháng 6 năm 2011, ở tuổi 48.
Ông Phùng Trung Lương
8. Ông Cao Quang Sung ở châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn. Ông đã bị kết án 3 năm tù vào ngày 28 tháng 3 năm 2008. Sau khi bị bức hại ở trong Nhà tù Gia Châu, cơ thể ông bị sưng tấy và đại tiểu tiện mất tự chủ. Ông được tạm tha y tế vào ngày 16 tháng 8 năm 2009 và qua đời vào ngày 19 tháng 11 năm 2011. Lúc đó ông ngoài 60 tuổi.
9. Ông Lưu Học Minh ở huyện Tân Tân, thành phố Thành Đô đã bị kết án 7 năm tù. Ông qua đời trong Nhà tù Gia Châu vào ngày 11 tháng 2 năm 2012, hưởng dương 57 tuổi.
Ông Lưu Học Minh
10. Anh Từ Lãng Chu, một cảnh sát ở thành phố Phàn Chi Hoa, đã bị kết án 8,5 năm tù. Anh bị giam ở trong một số nhà tù trước khi bị chuyển đến Nhà tù Gia Châu vào năm 2010. Anh phải nhập viện do bị tra tấn vào đầu năm 2012. Anh qua đời vào ngày 18 tháng 3 năm 2012, hưởng dương 39 tuổi.
11. Ông Đặng Kiến Cương ở huyện Bàng Sơn, thành phố Mi Sơn đã bị ngược đãi tàn bạo ở trong Nhà tù Gia Châu khiến ông bị nôn ra máu. Ông được đưa đến bệnh viện vào ngày 4 tháng 5 năm 2012 và xuất viện trong tình trạng nguy kịch vào ngày 14 tháng 6. Ông qua đời vào ngày 18 tháng 7 năm 2012, hưởng dương 60 tuổi.
Ông Đặng Kiến Cương
12. Ông Ngô Danh Sơn, nguyên là thợ sửa chữa của Công ty Vận tải Gang thép Ô tô ở thành phố Phàn Chi Hoa, đã bị kết án 4 năm vào tháng 12 năm 2009. Sau khi rơi vào tình trạng nguy kịch ở trong Nhà tù Gia Châu, ông được đưa đến Bệnh viện Nhà tù Song Lưu để cấp cứu vào ngày 8 tháng 4 năm 2010. Ông được tạm tha y tế vào tháng 5 năm 2010 và qua đời tại quê nhà ở tỉnh Hồ Nam vào ngày 26 tháng 11 năm 2012, ở tuổi 63.
13. Ông Trương Thế Tường ở thành phố Giản Dương đã bị kết án 6 năm tù vào năm 2008. Ông bị cho uống những loại thuốc không rõ chủng loại ở Nhà tù Gia Châu và ở bên bờ vực của cái chết khi được thả vào tháng 11 năm 2014. Thân thể và chân ông sưng phù và chảy máu. Ông đã qua đời vào ngày 4 tháng 12 năm 2014, chỉ 1 tháng sau khi được thả. Ông hưởng dương 66 tuổi.
14. Ông Trâu Vân Chúc ở thị trấn Thị Lộc, thành phố Hoa Oanh đã bị bắt vào ngày 31 tháng 10 năm 2012 và bị kết án 3,5 năm tù. Ông đột ngột qua đời vì lên cơn đau tim ở trong Nhà tù Gia Châu vào ngày 11 tháng 5 năm 2015. Một người trong cuộc tiết lộ rằng trước khi qua đời ông đã bị cưỡng bức lao động nặng nhọc trong nhiều giờ mỗi ngày. Khi đó ông ngoài 60 tuổi.
15. Ông Đàm Đức Cương ở thành phố Nội Giang đã bị tra tấn đến hấp hối ở trong Nhà tù Gia Châu vào tháng 11 năm 2014. Ông bị đưa đến Bệnh viện Nhà tù Song Lưu và được tạm tha y tế vào tháng 1 năm 2015. Ông qua đời vào ngày 8 tháng 3 năm 2015, khi mới 42 tuổi.
16. Ông Trần Quang Trung ở thành phố Thành Đô bị bắt vào ngày 9 tháng 2 năm 2017 và bị kết án 3 năm tù. Ông bị bức hại đến chết trong vòng 6 tháng.
17. Ông Trình Hoài Căn ở quận Thiên Phủ, thành phố Thành Đô đã bị kết án 4 năm tù và thụ án trong Nhà tù Gia Châu. Ông bị bức hại đến chết vào ngày 29 tháng 5 năm 2017, ở tuổi 54.
Ông Trình Hoài Căn
18. Ông Lưu Thư Minh ở huyện Uy Viễn, thành phố Nội Giang đã bị kết án 5 năm tù vào tháng 2 năm 2012 và bị giam trong Nhà tù Gia Châu. Ông đã được trả tự do vào tháng 3 năm 2016 và qua đời vào ngày 3 tháng 10 năm 2017 ở tuổi 52.
19. Ông Trần Triệu Trọng là người thân của một học viên. Ông đã tử vong trong khu 2 của Nhà tù Gia Châu vào cuối năm 2017.
20. Ông Vương Hoài Phú ở thành phố Miên Dương đã bị tiêm một lượng lớn thuốc không rõ chủng loại trong khi đang thụ án 18 tháng tại Nhà tù Gia Châu vào năm 2018. Ông vô cùng tiều tụy khi được trả tự do vào ngày 10 tháng 6 năm 2018. Ông qua đời 1 năm sau đó, vào ngày 16 tháng 7 năm 2019, hưởng thọ 71 tuổi.
Ông Vương Hoài Phú
21. Ông La Học Phóng ở huyện Lân Thủy, thành phố Quảng An đã bị bắt vào tháng 7 năm 2014 và bị kết án 7 năm tù. Ông bị đưa đến Nhà tù Gia Châu vào tháng 4 năm 2017 và bị tra tấn đến chết vào đầu tháng 4 năm 2020. Ông hưởng dương 67 tuổi.
22. Ông Tưởng Lợi Bân ở huyện tự trị dân tộc Khương Bắc Xuyên, thành phố Miên Dương đã bị đưa đến Nhà tù Gia Châu vào năm 2015 để thụ án 3 năm. Cơ thể ông sưng tấy và ông rơi vào tình trạng nguy kịch khi được trả tự do vào năm 2018. Ông nôn ra máu vào ngày 13 tháng 10 năm 2020 và qua đời vào đêm hôm đó. Ông hưởng dương 59 tuổi.
23. Ông Tôn Nhân Trí, một cựu chủ nhiệm Hợp tác xã Tín dụng Tân Tạo ở thành phố Miên Dương, đã bị kết án 3 năm tù vào ngày 22 tháng 5 năm 2018. Ông bị đưa đến Nhà tù Gia Châu vào ngày 9 tháng 8 năm 2018. Ông gầy gò và rất yếu khi được trả tự do vào năm 2020. Ông qua đời ngày 25 tháng 6 năm 2022, hưởng dương 68 tuổi.
24. Anh Bàng Huân nguyên là người dẫn chương trình của Đài Phát thanh Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên. Anh đã bị bắt vào tháng 7 năm 2020 và bị kết án 5 năm tù. Anh bị tra tấn đến chết ở trong tù vào ngày 2 tháng 12 năm 2022, khi mới chỉ 30 tuổi.
Những trường hợp điển hình
Sĩ quan cảnh sát xuất sắc bị tra tấn đến chết
Anh Từ Lãng Chu, một cảnh sát ở thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1994. Từ khi bắt đầu tu luyện, hàng năm anh đều được khen thưởng là cảnh sát xuất sắc. Đài truyền hình thành phố Phàn Chi Hoa cũng từng làm một phóng sự về anh.
Vì không từ bỏ Pháp Luân Công, anh Từ bị phạt lao động cải tạo 2 năm. Sau đó anh bị kết án 8,5 năm và bị tra tấn trong nhiều nhà tù khác nhau. Sau nhiều năm bị ngược đãi trong quá trình giam giữ, anh qua đời vào ngày 18 tháng 3 năm 2012 tại bệnh viện của nhà tù, khi ới 39 tuổi.
Thi thể anh Từ Lãng Chu 3 ngày sau khi anh qua đời
Thông tin chi tiết về sự bức hại
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, anh Từ đến văn phòng khiếu nại ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công nhưng bị bắt giữ và khai trừ khỏi ngành. Anh lại bị bắt vào năm 2000 và bị giam tại Trại tạm giam thành phố Phàn Chi Hoa vì luyện các bài công pháp Pháp Luân Công bên ngoài nhà anh. Lính canh trói anh vào “giường chết” trong 13 ngày liên tục.
Ngày 15 tháng 3 năm 2000, anh Từ bị Phòng 610 thành phố Phàn Chi Hoa phạt 2 năm lao động cưỡng bức. Sau đó anh bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Tân Hoa Xã ở Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên và bị tra tấn dã man ở đó.
Ở trong trại lao động, lính canh sốc điện anh Từ bằng dùi cui điện. Một số lính canh đè anh xuống đất và trói anh bằng dây thừng, sợi dây cứa sâu vào da thịt anh. Sau đó, anh bị ném ra ngoài trời để phơi mình dưới ánh mặt trời như thiêu như đốt.
Anh Từ cũng buộc phải cưỡng bức lao động nung gạch ở nhiệt độ cực cao. Anh bị bắt nhặt những viên gạch nóng đỏ đến mức có thể châm thuốc sau khi được đưa ra khỏi lò nung. Bởi vì anh kiên định đức tin nên án tù của anh bị kéo dài thêm 9 tháng.
Để mưu sinh, anh Từ mở một xưởng cung cấp sơn. Ngay khi xưởng bắt đầu sản xuất sơn, anh lại bị bức hại. Ngày 9 tháng 4 năm 2004, hàng chục cảnh sát đã bắt anh tại nơi làm việc. Sau đó anh bị kết án 8,5 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Quảng Nguyên vào tháng 1 năm 2005. Ngay sau đó, anh bị chuyển đến Nhà tù Gia Châu.
Khi án tù của anh Từ sắp mãn hạn vào năm 2012, nhà tù từ chối thả anh vì không từ bỏ đức tin. Tù nhân treo anh lên và đánh đập anh trong 7 ngày liên tiếp cho đến khi anh rơi vào tình trạng nguy kịch. Sau đó anh được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Anh qua đời vào ngày 18 tháng 3 năm 2012.
Theo lời kể của người nhà anh, khi xem thi thể anh, họ thấy có một vết rạch của dao ở vùng bụng và dạ dày của anh, hai bên eo và bụng có hai lỗ tròn nhỏ, bên trong hai mạng sườn trước ngực có một vết tụ máu lớn. Gia đình yêu cầu khám nghiệm tử thi, nhưng chính quyền từ chối cung cấp kết quả và thậm chí đe dọa bắt giữ họ. Thi thể của anh Từ được giữ tại Nhà tang lễ Đông Lâm cho đến khi chính quyền cưỡng chế hỏa táng nó vào tháng 1 năm 2017.
Anh Bàng Huân (30 tuổi) nguyên là người dẫn chương trình của Đài Phát thanh Nhân dân Tứ Xuyên. Anh đã bị đánh chết vào ngày 2 tháng 12 năm 2022, khi đang chấp hành bản án oan sai 5 năm trong Nhà tù Gia Châu.
Theo thông tin từ một người trong cuộc, thi thể anh Bàng đầy những vết bầm tím do bị đánh đập, vết thương do bị điện giật và vết trói bằng dây thừng. Trước lúc mất, anh còn đại tiểu tiện không tự chủ.
Nhà tù không thừa nhận việc tra tấn anh Bàng, và khẳng định anh chết là do bệnh cường giáp.
Anh Bàng bị bắt vào ngày 27 tháng 7 năm 2020 vì phát tài liệu Pháp Luân Công, và sau đó bị kết án 5 năm ở Nhà tù Gia Châu.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/7/461670.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/17/209927.html
Đăng ngày 08-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.