Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 27-1-2019] Bà Tống Triệu Hằng, 76 tuổi, một giáo viên nghỉ hưu ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời vào ngày 14 tháng 1 năm 2019 khi đang đợi phán quyết sau phiên toà. “Tội” của bà là nói chuyện với mọi người về đức tin Pháp Luân Công của mình.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân ôn hoà với các bài công pháp đơn giản và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại môn này vào tháng 7 năm 1999, hàng chục nghìn học viên đã bị bắt, giam giữ, tra tấn, và nhiều người mất đi sinh mạng.
Bà Tống tin rằng Pháp Luân Công đã cải thiện sức khoẻ và đạo đức của bà. Được thụ ích từ pháp môn, bà đã tận dụng mọi cơ hội để nói với mọi người rằng Pháp Luân Công không giống những gì được miêu tả trong các tuyên truyền thù hận của ĐCSTQ.
Bà Tống bị bắt vào ngày 27 tháng 8 năm 2018 khi đang nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà đã bị đưa đến Trại tạm giam Thành phố Du Thụ sau khi bị thẩm vấn ở đồn công an địa phương.
Một tháng sau, Viện Kiểm sát Thành phố Du Thụ đã chuyển hồ sơ của bà đến Toà án Thành phố Du Thụ. Bà đã biện hộ cho quyền được tu luyện và chia sẻ thông tin Pháp Luân Công trong phiên tòa diễn ra vào ngày 16 tháng 11 năm 2018.
Được biết các quan chức đã dự định kết án bà Tống 9 năm tù, nhưng bà đã đột ngột tử vong trong trại tạm giam vào ngày 19 tháng 1, ba tuần trước Tết Nguyên đán 2019 (rơi vào ngày 5 tháng 2 dương lịch). Tại thời điểm viết bài này, chính quyền vẫn không tiết lộ nguyên nhân bà tử vong.
Theo nguồn tin nội bộ, Du Thân, phó thị trưởng và cục trưởng Cục Công an Thành phố Du Thụ, đã điên cuồng bức hại các học viên Pháp Luân Công địa phương từ khi ông ta nhậm chức vào tháng 1 năm 2008 đến nay. Theo chỉ đạo của Du, công an địa phương, viện kiểm sát và các toà án đã bắt tay nhau để bắt giữ, tức tốc buộc tội và kết án các học viên, những người từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Trước kia, các học viên từ 70 tuổi trở lên không bị giam giữ, song Du đã ra lệnh tống giam tất cả các học viên bị bắt. Bà Tống không phải là học viên địa phương duy nhất bị nhắm đến gần đây bởi đức tin của mình. Bà Lý Khánh Hà và bà Lưu Thục Nham, đều 75 tuổi, và ông Từ Cảnh Siêu, 85 tuổi, vẫn đang bị giam giữ và đang đối mặt với việc bị truy tố.
Cái chết của bà Tống xảy ra chỉ sau ba ngày bà Quách Chấn Hương, 82 tuổi, một cư dân ở tỉnh Sơn Đông, qua đời sau vài giờ bị bắt vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công.
Ngày càng nhiều học viên lớn tuổi trên khắp Trung Quốc bị bắt vì kiên định đức tin của họ. Trong năm 2018, có 403 học viên trên 65 tuổi đã bị bắt, người lớn nhất là 90 tuổi. Ngoài ra, 99 học viên trên 65 tuổi đã bị kết án tù vào năm 2018, với án tù dài nhất là 9 năm.
Các báo cáo liên quan:
Cát Lâm: Mười học viên Pháp Luân Công bị giam trong Trại tạm giam Du Thụ, và đang bị truy tố
Tin tức bổ sung về cuộc bức hại ở Trung Quốc – 29 tháng 9 năm 2018 (10 báo cáo)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/27/380911.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/28/174797.html
Đăng ngày 02-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.