Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 28-02-2020] Theo thông tin trang web Minh Huệ nhận được, ít nhất sáu học viên Pháp Luân Công ở ba tỉnh thành đã qua đời trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 1 đến ngày 16 tháng 2 năm nay. Tất cả các học viên đều bị ngược đãi trong thời gian thụ án vì tu luyện Pháp Luân Công. Ba học viên trong số đó đã qua đời trong khi vẫn đang bị cầm tù.

Bà Lý Quế Vinh, 78 tuổi, một cựu hiệu trưởng ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào giữa tháng 1 tại Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh.

Bà Phạm Văn Tú, 53 tuổi, cư dân thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, đã qua đời vào ngày 21 tháng 1, sau khoảng hai năm kể từ khi bà bị kết án 3,5 năm tù vì đức tin của mình.

Ông Trương Chấn Tài, cư dân thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 7 tháng 2 tại Nhà tù Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Bà Ngô Tú Phương, 64 tuổi, cư dân thành phố Phụ Tân, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 8 tháng 2, sau khoảng 16 tháng kể từ khi bà mãn hạn ba năm tù vì đức tin của mình.

Ông Hồ Lâm, 47 tuổi, kỹ sư hàng không ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 16 tháng 2 tại Nhà tù Khang Gia Sơn, tỉnh Liêu Ninh.

Ông Lý Huệ Phong, 48 tuổi, cư dân thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào ngày 28 tháng 2, sau bảy năm kể từ khi ông mãn hạn 12 năm tù vì đức tin của mình.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một hệ thống thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại môn tu luyện này vào tháng 7 năm 1999, một số lượng lớn các học viên đã bị bắt, bị giam giữ, bị cầm tù và bị tra tấn.

Cựu hiệu trưởng bị cầm tù vì đức tin của mình và qua đời ở tuổi 78

Một phụ nữ 78 tuổi đã qua đời tại Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh vào giữa tháng 1 năm 2020, chỉ vài tuần trước khi bà kết thúc thời hạn năm năm tù vì không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Lý Quế Vinh, cựu hiệu trưởng của một trường tiểu học ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt giữ vào ngày 7 tháng 2 năm 2015, sau khi bị trình báo vì phát tặng tài liệu chân tướng về Pháp Luân Công. Ngày 24 tháng 6 năm 2015, bà bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Hỗn Nam và bị kết án năm năm. Lần bắt giữ gần đây nhất của bà Lý xảy ra chỉ 15 tháng sau khi bà mãn hạn bảy năm tù, cũng vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 17 tháng 10 năm 2006, bà Lý, khi đó 64 tuổi, đã bị bắt giữ vì trò chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Ngày 14 tháng 5 năm 2007, bà bị Tòa án Quận Hòa Bình kết án bảy năm tù. Trong thời gian bà Lý bị giam giữ ở Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh, lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân đánh đập, đá bà và dẫm lên bàn tay bà. Mặt bà chảy máu, bàn tay sưng vù và toàn thân đầy vết bầm tím. Rất nhiều tóc của bà bị kéo đứt ra.

Thời điểm bà Lý được thả vào ngày 17 tháng 10 năm 2013, bà chỉ còn da bọc xương, tóc bà đã ngả bạc và toàn bộ răng của bà đã bị rụng hết. Thế nhưng, các đặc vụ của Phòng 610 địa phương, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được tạo lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công, thỉnh thoảng vẫn sách nhiễu bà.

Qua đời sau khi bệnh ung thư tái phát trong thời gian bị cầm tù

Bệnh ung thư của bà Phạm Văn Tú đã tái phát sau khi bà bị kết án vì truyền bá thông tin về Pháp Luân Công. Sau đó, cư dân của thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam này đã được thả tại ngoại để điều trị y tế. Bà không thể phục hồi và đã qua đời vào ngày 21 tháng 1 năm 2020, ở tuổi 53.

8bcaa898e2ceb5750e680b930770f4ea.jpg

Bà Phạm Văn Tú nằm liệt giường

Bà Phạm bị trình báo và bị bắt giữ vào ngày 1 tháng 9 năm 2017 vì phát tặng tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Một toán cảnh sát đã lục soát nơi ở của bà khi mẹ bà ở nhà một mình. Điện thoại di động, các sách Pháp Luân Công và tài liệu liên quan của bà Phạm đã bị tịch thu.

Viện Kiểm sát Quận Quân Sơn đã phê chuẩn lệnh bắt giữ bà vào ngày 6 tháng 9 năm 2017 và chuyển vụ án của bà đến Tòa án Quận Quân Sơn vào ngày 29 tháng 12 năm 2017. Ngày 2 tháng 2 năm 2018, bà Phạm đã ra hầu tòa và bị kết án 3,5 năm tù cùng mức phạt 5.000 Nhân dân tệ. Anh chị của bà đã hối thúc để bà được thả do trước đây bà từng có bệnh án, nhưng không thành công.

Ngày 13 tháng 3 năm 2018, bà Phạm bị đưa đến Nhà tù Nữ Trường Sa. Bà bị tẩy não tăng cường hòng nỗ lực ép bà phải từ bỏ đức tin của mình. Do áp lực tinh thần, bệnh ung thư của bà đã sớm tái phát. Bà còn bị thủng đại tràng. Bà đã được phẫu thuật vào ngày 27 tháng 7 năm 2018 và đã được cắt bỏ khối u buồng trứng. Chỉ khi đó, nhà tù mới chấp thuận việc bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế và thả bà.

Sau khi trở về nhà, hàng ngày bà Phạm lại tiếp tục luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công và bắt đầu lấy lại được sức khỏe. Bà đã có thể nấu ăn và đi ra ngoài để mua đồ tạp hóa. Tháng 3 năm 2019, các nhân viên của Phòng Tư pháp Quận Quân Sơn đã đến nhà sách nhiễu bà Phạm và cưỡng ép bà phải đeo thiết bị giám sát kỹ thuật số. Vài ngày sau, bà bắt đầu bị lẫn máu trong phân và bị phù. Tuy vậy, cảnh sát vẫn thỉnh thoảng sách nhiễu bà.

Áp lực của bức hại đã khiến sức khỏe của bà Phạm xấu đi và bà đã qua đời tại một bệnh viện địa phương vào ngày 21 tháng 1 năm 2020.

Một người đàn ông Liêu Ninh qua đời trong thời gian bị cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 14 tháng 7 năm 2019, ông Trương Chấn Tài và vợ là bà Trương Liên Vinh đã bị bắt giữ vì phát tặng tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Ngày hôm sau, cảnh sát đã lục soát nhà họ và tịch thu các tài liệu Pháp Luân Công và đồ đạc cá nhân khác của họ.

Viện kiểm sát địa phương đã phê chuẩn lệnh bắt giữ vợ chồng ông Trương vào ngày 29 tháng 7 năm 2019. Sau đó, Tòa án Huyện Hắc Sơn đã kết án họ, bà Trương bị kết án 23 tháng tù, còn ông Trương 26 tháng.

Ông Trương bị đưa tới một nhà tù ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ngày 23 tháng 1 năm 2020, một lính canh tù đã gọi điện cho gia đình ông nói rằng ông bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy. Hai tuần sau, nhà tù thông báo cho gia đình ông Trương rằng ông đã qua đời vào ngày 7 tháng 2. Tên của nhà tù và thông tin chi tiết xung quanh cái chết của ông Trương hiện vẫn đang được điều tra.

Bà Trương hiện đang bị giam giữ tại Khu Mã Tam Gia của Nhà tù Nữ Liêu Ninh.

Một phụ nữ bị cầm tù được thả trong tình trạng sống thực vật và đã qua đời sau đó

Ngày 8 tháng 2 năm 2020, một phụ nữ ở thành phố Phụ Tân, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời ở tuổi 64, chưa đầy hai năm sau khi bà được ra tù trong tình trạng sống thực vật. Bà Ngô Tú Phương đã bị bắt giữ vào ngày 18 tháng 8 năm 2015, khi đang dán tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.

Tháng 6 năm 2016, bà bị kết án ba năm và bị đưa đến Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Bà Ngô bị đột quỵ do xuất huyết não vì bị lính canh ngược đãi trong tù. Bà mất hoàn toàn khả năng vận động và phải sống nhờ ống dẫn thực.

Mặc cho bà Ngô đang trong tình trạng nguy kịch, nhà tù vẫn bắt bà phải hoàn thành toàn bộ thời hạn ba năm tù. Tại thời điểm bà được trả tự do vào ngày 19 tháng 8 năm 2018, bà đã ở trong tình trạng sống thực vật. Con gái của bà đưa bà tới bệnh viện, nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng nhân viên y tế không thể giúp được gì nhiều cho bà.

Bà Ngô đã bị ngừng cấp lương hưu do cuộc bức hại, nên con gái và con rể của bà đã phải vật lộn để chăm sóc bà cũng như trang trải chi phí y tế cho bà trong khi cả hai vợ chồng họ đều làm việc toàn thời gian.

Kỹ sư máy bay bị từ chối bảo lãnh điều trị y tế và đã qua đời trong tù

Ông Hồ Lâm, cư dân thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã rơi vào tình trạng nguy kịch sau nhiều tháng tuyệt thực và bị tra tấn, nhưng ông đã bị từ chối bảo lãnh y tế với lý do ông không chịu từ bỏ đức tin của mình. Kỹ sư máy bay 47 tuổi này đã qua đời vào ngày 16 tháng 2 năm 2020 khi đang trong thời gian thụ án hai năm vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 23 tháng 5 năm 2019, ông Hồ đã bị bắt vì phát tặng tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Sau khi bị đưa đến Trại tạm giam Huyện Pháp Khố, ông đã bắt đầu tuyệt thực để phản bức hại. Ông đã bị trói vào giường trong tư thế đại bàng sải cánh và bị bức thực. Các lính canh đã để lại ống dẫn thực trong bụng ông nhằm gia tăng đau đớn lên ông.

8b8aafc2995b04bc9f58d7a3f202a89a.jpg

Minh họa tra tấn: Bức thực trong khi bị trói vào giường

Ngày 20 tháng 6 năm 2019, ông Hồ đã bị Tòa án Huyện Pháp Khố kết án hai năm tù và bị đưa tới Nhà tù Khang Gia Sơn vào ngày 30 tháng 10 năm 2019. Ngày 7 tháng 11 năm 2019, khi gia đình tới nhà tù thăm ông Hồ, ông chỉ còn da bọc xương. Ông còn bị mất cảm giác ở chân và bị suy đa tạng.

Gia đình ông đã yêu cầu chăm sóc y tế cho ông, nhưng chức trách nhà tù đã từ chối với lý do ông Hồ đã hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” sau khi bị đưa đến đó. Các lính canh tù nói rằng ngay cả khi ông có chết thì họ cũng sẽ không thả người.

Với sự bùng phát của dịch vi-rút corona trong dịp Tết Nguyên đán, nhà tù đã cấm gia đình ông đến thăm hoặc thậm chí là gọi điện thoại cho ông. Ông Hồ đã qua đời vào khoảng 1 giờ chiều ngày 16 tháng 2.

Qua đời sau 12 năm bị cầm tù và sách nhiễu sau đó

Ba ngày sau dịp Tết Nguyên đán 2020, một người đàn ông 48 tuổi đã qua đời và trở thành nạn nhân gần đây nhất trong cuộc bức hại Pháp Luân Công của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Ông Lý Huệ Phong, cư dân thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, đã thụ án tù 12 năm vì không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Sau khi ông được trả tự do vào tháng 1 năm 2013, cảnh sát vẫn liên tục sách nhiễu ông.

Ngay cả khi ông đã chuyển đến sống tại các thành phố khác để tránh bức hại, cảnh sát vẫn luôn cố tìm ra ông và đôi khi còn sách nhiễu cả người thân trong gia đình ông.Tháng 10 năm 2019, trước dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập của chính quyền cộng sản Trung Quốc, cảnh sát đã đến sách nhiễu ông Lý tại nơi làm việc, khiến ông vô cùng căng thẳng. Ông bị đột quỵ vào ngày 20 tháng 1 năm 2020 và qua đời sau đó tám ngày.

Ông Lý cùng vợ là bà Trương Thục Triết bị bắt ngày 22 tháng 1 năm 2001. Trong lúc thẩm vấn ông Lý, cảnh sát đã còng hai tay ông ra phía sau lưng rồi dùng còng tay này treo ông lên. Sau đó, họ trói từng chân của ông lại rồi kéo dây thừng ra hai phía, khiến hai chân của ông dạng ra ở tư thế song song với mặt đất, gây cho ông đau đớn tột cùng. Họ còn đấm đá khiến ông bị văng đi văng lại như một con lắc.

Một cảnh sát cười nhạo ông và nói: “Ông đau khổ như thế tôi mới vui“. Rồi cảnh sát dùng dùi cui điện 100.000 vôn để sốc điện vào bộ phận sinh dục của ông Lý, gây bỏng nặng. Hai tay ông cũng bị thương đến mức tới tận sáu tháng sau ông mới có thể nâng tay lên được.

1bf55633143d7bb80e852ef24c7476a0.jpg

Minh họa tra tấn: Bị sốc điện với nhiều dùi cui điện cùng lúc

Ông Lý bị đưa tới trại tạm giam Số 2 Thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ và bị Toà án Quận Kiến Hoa kết án 12 năm tù vào tháng 7 năm 2001. Ông đã kháng án nhưng chỉ nhận được một văn bản của Toà Trung cấp Thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ nói rằng ông đã chấp nhận bản án và từ bỏ quyền kháng án.

Vợ ông Lý bị kết án bốn năm tù tại Nhà tù Nữ Cáp Nhĩ Tân.

Các báo cáo liên quan:

Kỹ sư máy bay ở trong tình trạng nguy kịch bị từ chối điều trị y tế, qua đời ở trong tù

Hiệu trưởng đã nghỉ hưu của một trường tiểu học bị bức hại đến qua đời trong tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Một cư dân Hắc Long Giang qua đời sau 12 năm bị cầm tù và sách nhiễu sau đó

Người đàn ông Liêu Ninh qua đời trong khi bị cầm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Một phụ nữ được trả tự do trong tình trạng sống thực vật và đã qua đời sau đó một năm rưỡi

Một phụ nữ ở tỉnh Hồ Nam trong lúc bị cầm tù chỉ vì tín ngưỡng của mình đã tái phát bệnh ung thư và qua đời


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/28/401790.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/1/183456.html

Đăng ngày 19-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share