Bài viết của Lương Tâm

[MINH HUỆ 03-08-2019] Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện mà người học chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để hành xử. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, nhiều học viên đã bị bắt và giam giữ.

Sau khi bị đưa tới các cơ sở giam giữ và nhà tù, nhiều học viên đã bị bóc lột như phải lao động không công và phải làm việc từ 12 đến 19 tiếng mỗi ngày. Các sản phẩm họ sản xuất gồm có tăm, đũa, kẹo, bánh quy và băng vệ sinh. Một số sản phẩm còn được xuất khẩu sang nước ngoài.

Ngoài việc bị giao những công việc với mức chỉ tiêu cao, những người bị giam giữ, tuổi từ 16 đến 70, còn thường xuyên bị cấm ngủ và bị tước đoạt các nhu cầu cơ bản. Nhiều người còn phát sinh bệnh do môi trường làm việc độc hại và mất vệ sinh.

Dưới đây là khái quát về các sản phẩm được sản xuất tại nhiều trại lao động khác nhau ở Trung Quốc, cũng như việc lính canh đã bức hại các học viên Pháp Luân Công như thế nào chỉ vì họ kiên định đức tin của mình.

Phần 1 báo cáo về các cơ sở ở tỉnh Hắc Long Giang. Phần 2 báo cáo về các cơ sở ở tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Cát Lâm. Phần 3 báo cáo về các địa khu khác.

Nhà tù Nữ Hắc Long Giang

Hai thiếu nữ ở tuổi vị thành niên bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2003 và bị bắt phải lao động trong nhiều giờ đồng hồ.

Cô Từ Tử Ngạo, khi đó 17 tuổi, vẫn còn là học sinh trung học, bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Đạo Lý ở thành phố Cáp Nhĩ Tân vào tháng 3 năm 2004. Cô bị kết án ba năm tù và bị chuyển đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang.

Cô Tôn Như Nhạn, khi đó 16 tuổi, ở thành phố Song Áp Sơn, trong khi đang ở cùng một học viên khác vào tháng 4 năm 2003 thì cả hai bị cảnh sát địa phương đột nhập vào nhà và tiến hành bắt giữ. Các cảnh sát đã tát vào mặt cô Tôn và lăng mạ cô. Sau đó, cô bị kết án ba năm tù và bị chuyển đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang.

Năm nào Nhà tù Nữ Hắc Long Giang cũng tăng dây chuyền sản xuất ở mỗi bộ phận, và trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2010, số dây chuyền đã tăng gấp ba lần. Nhà tù này đã sản xuất các sản phẩm có thể sinh lời, bao gồm tăm bông, que kem, đóng gói tăm, đính đồ trang sức, mũ và đệm ghế xe hơi. Nhà tù cũng tiếp nhận cả những việc như sửa chữa vải lanh và xâu chuỗi hạt.

Nhà tù đã tiếp nhận một lô tăm cần đóng gói vào tháng 7 và tháng 8 năm 2010. Do thiếu nước trong thời gian dài nên các tù nhân đã không có nước để rửa ly bát sau khi ăn trưa, chứ nói gì đến việc rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, ấy vậy mà sau đó họ lại phải tiếp tục đóng gói tăm.

Nhà tù thực hiện một cơ chế giám sát gồm năm người, trong đó bốn tù nhân được chỉ định theo dõi một học viên suốt ngày đêm. Những học viên nào không thừa nhận có tội vì tu luyện Pháp Luân Công đều bị cấm không được thăm thân hay bất kỳ hình thức liên lạc nào với gia đình.

Các tù nhân bị bắt phải làm việc hàng ngày trong nhiều năm, từ 6 giờ sáng đến tận gần nửa đêm và những người không hoàn thành nhiệm vụ sẽ không được nghỉ ngơi.

Đôi khi các tù nhân được phát loại keo độc hại để làm hộp bánh trung thu, may mũ, cũng như làm tăm bông và tăm xỉa răng. Mùi keo trong xưởng gây ngột ngạt khó thở, thế nhưng, trên nhãn bao bì vẫn ghi rằng các sản phẩm này là tăm bông được khử khùng cao cấp.

Do điều kiện làm việc khắc nghiệt, học viên Pháp Luân Công Trương Nhã Cầm đã bị tái phát bệnh tim và hai chân trở nên sưng vù. Cô đã qua đời tại nhà sau khi được thả tại ngoại để điều trị y tế.

Báo cáo liên quan:

Các em gái tuổi vị thành niên không thoát khỏi cảnh lao động nặng nhọc trong Nhà tù nữ Hắc Long Giang

Trung tâm Cai nghiện Ma túy Hắc Long Giang

Một học viên từng bị giam giữ tại Trung tâm Cai nghiện Ma túy Hắc Long Giang đã kể lại việc cô và những người khác đã phải đóng gói nhiều loại tăm mỗi ngày vào tháng 12 năm 2009 như thế nào. Họ đã phải làm việc thêm giờ hoặc phải mang những sản phẩm này về phòng giam để làm tiếp. Kết quả công việc của họ sẽ quyết định việc họ sẽ được giảm hay bị tăng thời hạn tù.

Đặc biệt, một công việc trong đó yêu cầu phải chọn tăm nên đặc biệt gây mỏi mắt. Một số tù nhân đã trở nên buồn nôn sau khi làm việc này, và học viên này cũng cảm thấy chóng mặt, họ đều bị đau mắt sau khi làm việc này một thời gian.

Trong thời gian đó, nhiều học viên đã bị bắt và bị giam giữ trong trung tâm cai nghiện này. Đầu tiên họ sẽ bị giam biệt lập, và trong thời gian đó họ bị gây áp lực phải từ bỏ đức tin của mình. Sau này, một học viên sau khi trở về nhà đã hay tin, bà Lưu Thuật Linh, một học viên ngoài 60 tuổi, đã qua đời tại trung tâm đó sau khi bị sốc điện bằng dùi cui điện.

Khi các học viên tuyệt thực để phản đối bức hại, một số lính canh đã giả vờ chăm sóc họ. Nhưng khi “các chiến thuật mềm dẻo” của lính canh không thuyết phục được các học viên ăn, họ đã quay sang đối xử rất thô bạo với các học viên.

Một học viên khác kể lại rằng tại Trung tâm Cai nghiện Ma túy Cáp Nhĩ Tân này không có ngày cuối tuần. Các học viên và một số tù nhân đã bị bắt phải lao động, bao gồm dệt vải lanh, phân loại giấy, nhặt hạt đậu nành, trồng ngô, đóng gói đũa, đóng gói tăm và làm đồ thủ công.

Họ còn phải làm việc trong một tầng hầm mà không có hệ thống thông gió. Trong những năm gần đây, họ đã đóng gói một lượng tăm lớn. Nếu họ không thể hoàn thành với số lượng được giao, thời hạn tù của họ sẽ bị kéo dài.

Báo cáo liên quan:

Nhân chứng đã chứng kiến học viên Pháp Luân Công bà Lưu Thuật Linh bị ĐCSTQ bức hại đến chết như thế nào (Ảnh)

Trại Lao động Cưỡng bức Tiền Tiến ở tỉnh Hắc Long Giang

Trại Lao động Cưỡng bức Tiền Tiến giam giữ hơn 40 học viên Pháp Luân Công bị chuyển đến từ Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia. Họ bị bắt phải làm việc hơn 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, bao gồm việc bốc và dỡ hàng lên xuống xe tải. Vào mùa hè, họ làm que kem và tăm, trồng cây, làm việc ở các trang trại, và nhiều việc khác nữa. Nhiều học viên đã sinh bệnh do điều kiện khắc nghiệt.

Tháng 2 năm 2009, trại lao động đã tắt hệ thống sưởi trung tâm trong khi thời tiết vẫn còn lạnh. Tất cả các lính canh đều mặc áo khoác ấm, trong khi các tù nhân phải làm việc phân loại tăm trong một môi trường lạnh cóng. Hơn 30 tù nhân ở hai khu đã bị tê cóng ở các mức độ khác nhau.

Trại lao động này giam giữ gần 70 người, và thức ăn cấp cho những người bị giam giữ toàn là đồ ôi thui và rất ít ỏi, khiến nhiều người bị suy dinh dưỡng. Nhưng thực đơn dán trên tường ở nhà ăn khiến khách vào thăm tưởng rằng hàng tháng các tù nhân đều được cung cấp cơm, mì, thịt lợn, thịt gà, rau, đậu phụ và các loại gia vị khác.

Hầu hết các Trại tạm giam, nhà tù và trại lao động cưỡng bức đều hạn chế thực phẩm cấp cho những người bị giam giữ.

Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:

Officials from Wanjia Forced Labor Camp of Harbin City Continue to Persecute Falun Gong Practitioners

Trại Lao động Trường Lâm Tử ở tỉnh Hắc Long Giang

Khu số 5 trong Trại Lao động Trường Lâm Tử của thành phố Cáp Nhĩ Tân bắt đầu tiếp nhận nhiệm vụ phân loại tăm vào tháng 4 và tháng 5 năm 2004. Dòng chữ trên bao bì có ghi “được khử trùng dưới nhiệt độ cao”, nhưng một học viên bị giam giữ trong trại lao động này cho biết cô chưa thấy một chiếc tăm nào từng được khử trùng ở đây cả.

Một phụ nữ ngoài 60 tuổi thường đưa tăm đến khu giam này. Có thông tin rằng bà có một nhà máy ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Bà đưa một xe tải chứa từ 500 đến 800 hộp tăm đến khu này và yêu cầu trại lao động hoàn thành công việc trong một thời gian cụ thể.

Để đáp ứng yêu cầu của người phụ nữ này, trưởng khu giam đã bắt mọi người hàng ngày phải làm việc từ 5 giờ sáng ngày hôm trước đến 3 giờ sáng ngày hôm sau trong nhiều ngày và chỉ có hai giờ đồng hồ để ngủ. Mỗi người được phân công đặt bốn thùng tăm (bốn thùng có tất cả 40 hộp, mỗi hộp có hơn 10.000 chiếc tăm) vào một cái đĩa rồi sau đó dùng nhíp để phân loại ra thành tăm hạng nhất, hạng hai và tăm không sử dụng được.

Tăm hạng nhất sử dụng cho răng, tăm hạng hai được bán cho các nhà hàng để sử dụng cho xúc xích hoặc trái cây. Những chiếc tăm này thường được rải đầy trên sàn và phủ đầy bụi, sau đó chúng được để lên đĩa, rồi phân loại và đóng gói. Hơn nữa, một số tù nhân còn bị ghẻ, mủ và máu của họ chảy ra từ các vết thương. Một số tăm còn bị dính nước đái mèo (khu này có nuôi chó và mèo).

Trại Lao động Trường Lâm Tử cũng có một nhà máy sản xuất bóng rổ và giày. Chất keo được sử dụng chủ yếu là benzen và xylene, cả hai đều là hóa chất độc hại. Benzen và xylene có thể gây ra nhiều bệnh, kể cả bệnh ung thư và bạch cầu. Trại lao động này không bao giờ tuân thủ quy trình xử lý chất thải thích hợp, bởi vậy những chất độc hại này được đổ thẳng ra hệ thống nước thải, và cuối cùng có thể đổ ra sông Tùng Hoa Giang trong thành phố.

Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:

Practitioners Forced to Toil in Unsafe Conditions at Changlinzi Forced Labor Camp in Harbin City

Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia của thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang

Khu số 7 của Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia giam giữ hơn 100 học viên. Khu này được chia thành ba đội. Hàng ngày, những người bị giam giữ phải làm công việc nặng nhọc và chỉ được cấp bánh bột ngô và một ít súp bắp cải để ăn. Ngay cả những phụ nữ lớn tuổi, trên 70 tuổi, cũng phải bọc đế giày, túi đựng thuốc trừ sâu, cũng như làm que kẹo que và tăm. Họ phải làm việc từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm, và không được phép đi ngủ ngay cả khi đã quá nửa đêm, cho đến khi hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Trong một bài viết trên trang web Minh Huệ với tiêu đề “Cô Cao Huân Hoành thuật lại những bức hại mà cô phải chịu đựng”, cô đã viết: “Tôi bị bắt phải bọc đế giày, và các đầu ngón tay của tôi bị phồng rộp lên, hai mắt đỏ ngầu do bị thiếu ngủ. Sau đó tôi bị giao nhiệm vụ phải đóng gói tăm. Tôi bị kiệt sức, nhưng vẫn bị bắt phải lao động nặng nhọc. Cứ vài ngày một lần, chúng tôi lại phải chất đồ lên các xe tải giao hàng trong 2 đến 3 giờ mỗi lần. Mỗi thùng nặng hơn 30 kg. Các học viên lớn tuổi cũng phải khiêng những thùng như vậy.”

Trong một bài viết khác, một học viên kể lại rằng tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại Khu số 13 đều bị bắt phải nhặt tăm và vỏ hạt hướng dương. Trại lao động cũng sản xuất các thực phẩm như hạt bí ngô và đậu. Họ cưỡng ép các tù nhân phải gấp những túi gạo lớn, đóng gói tăm và khay đá. Các tù nhân luôn bị nổi ghẻ, vết thương chảy mủ và máu. Tuy nhiên lại không có các quy định về vệ sinh.

Các học viên không thể đáp ứng được định mức sản xuất được giao của trại lao động trước 10 giờ tối, vốn là thời gian đi ngủ. Các công việc này bao gồm may đệm ghế xe hơi, dán lông mi giả và dép đi trong nhà, vá vải lanh, phân loại que kem và tăm, in sách lậu, đan áo len, v.v. Học viên Triệu Phượng Vân trong Khu số 12 đã qua đời do bị nhiễm độc chất phenol, được sử dụng khi sản xuất sách lậu.

Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:

Ms. Gao Xunhong Recounts the Persecution She Suffered

trại tạm giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang

Những người bị giam giữ tại trại tạm giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân đã bị bắt phải trang trí tăm lậu. Dù phải làm việc trong môi trường dơ bẩn nhưng họ lại không được phép rửa tay. Những người bị giam giữ sẽ dán những hình ảnh trang trí vào tăm ăn trái cây, và thậm chí còn phải đóng gói vào thùng để xuất khẩu. Những tù nhân hình sự mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng được giao những công việc như vậy mà không rửa tay. Vào ban đêm, tù nhân phải nằm chen chúc nhau khi ngủ, thậm chí họ còn phải nằm nghiêng vì không có chỗ. Họ không được sử dụng nhà vệ sinh vào ban đêm.

Trại lao động Song Hợp ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang

Trại Lao động Song Hợp bắt các học viên và tù nhân phân loại tăm và đũa trong phòng giam của họ, hoặc dọc theo hành lang trong điều kiện cực kỳ mất vệ sinh vào mùa hè năm 2005.

Khi không có việc, các chức trách của trại lao động đã bắt họ quét sàn rồi nhặt tăm từ đó lên, sau đó tiếp tục phân chia cho họ để phân loại lần nữa, nói là để đỡ lãng phí. Tuy nhiên, khi những chiếc tăm này được quét lại thành đống, chúng đã bị lẫn cùng tàn thuốc và rác.

Sự việc cũng xảy ra tương tự như vậy với đũa. Những chiếc đũa để đóng gói thường được chất ở hành lang, nơi mà nhiều tù nhân khạc nhổ ra sàn, và một tù nhân bị rối loạn tâm thần thậm chí còn đi tiểu ở đó.

Trại lao động đã phân nhóm lại các đội vào tháng 1 năm 2006 và tìm được một xưởng để sử dụng cho việc sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có một số ít người làm việc ở hành lang. Các tù nhân bị bệnh cũng bị bắt phải làm việc bất chấp môi trường kém vệ sinh.

Những người bị giam giữ ngày nào cũng bị bắt phải làm việc thêm giờ để phân loại đũa và tăm, may mũ, khăn quàng cổ, cũng như ghép các thùng thuốc. Sản phẩm có chất lượng không đạt tiêu chuẩn bị trả lại và được đóng gói lại. Những người không thể hoàn thành chỉ tiêu công việc sẽ không được phép ngủ mà phải tiếp tục làm việc trong phòng giam. Một số người còn thường xuyên phải làm việc đến tận nửa đêm hay thậm chí là thâu đêm.

Bà Lữ Tân Sinh, một học viên 56 tuổi, bị mệt đến mức bị nôn ra máu và không thể ra khỏi giường.

Những học viên nào từ chối viết các tuyên bố đảm bảo bị còng tay vào ghế sắt, bị trói bàn tay và cánh tay bằng dây thừng rồi treo lên. Sau đó, các lính canh kéo dây rồi đột ngột thả ra, khiến các học viên ngã xuống. Một số học viên còn bị tra tấn đến ngất đi và việc tra tấn này lại tiếp tục được thực hiện sau khi các học viên này tỉnh lại.

Học viên Vương Diên Hưng bị tra tấn đến mức chỉ có thể thở hắt ra mà không thể hít vào được. Bàn tay và chân của học viên Cao Thục Anh đều bị tím đen. Hai cánh tay của học viên Trương Lập Quần bị thâm tím và cô không thể duỗi thẳng lưng được. Học viên Khương Ngọc Trúc bị tra tấn đến mức không thể nhận diện được nữa. Học viên Thịnh Dịch đi lại khó khăn, và học viên Vương Quốc Phương bị tra tấn đến chết. Cổ tay cô hằn sâu những rãnh tròn do bị còng tay, và ngực cô bị đánh đập.

Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:

Ms. Wang Yongfang Persecuted to a State of Mental Collapse; Her Family in Tragic Situation

Trại lao động và trại tạm giam Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang

Các trại lao động và trại tạm giam ở Giai Mộc Tư cố gắng tăng sản lượng bằng cách cưỡng bức tù nhân phải làm thêm giờ. Hàng ngày, nhà tù bắt mỗi học viên và tù nhân phải sản xuất ít nhất 8.000 tăm, đũa dùng một lần và que kem, đôi khi số lượng còn lên tới 12.000. Tù nhân sẽ bị đánh đập nếu họ không đáp ứng được chỉ tiêu, và vẫn phải tiếp tục sản xuất một lượng tương đương vào ngày hôm sau. Do đó, một số người đã phải làm việc suốt ngày đêm, còn những người khác phải làm việc đến tận 3 giờ sáng. Được biết, loại tăm và đũa này đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ thông qua Hàn Quốc.

Đây chính là một địa ngục trần gian đối với những người bị giam giữ tại trại tạm giam Giai Mộc Tư. Trại tạm giam này đã bắt mọi người mỗi ngày phải sản xuất hơn 1.000 tăm có hình ảnh trang trí. Nếu không thể hoàn thành công việc, người đó sẽ bị phạt và không được ngủ. Trại tạm giam này đã gây khó khăn cho các học viên bằng cách không đưa họ ga trải giường mà gia đình đã mua cho họ, hay cố tình viết sai tên của các học viên để đồ đạc không thể tới tay họ.

Các học viên bị giam giữ tại trại tạm giam Giai Mộc Tư phải hoàn thành một lượng sản phẩm nhất định để xuất khẩu. Sau khi đóng gói tăm, họ phải sử dụng loại keo độc hại để dán bao bì lại trước khi sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài.

Các học viên không thể đáp ứng được chỉ tiêu quy định của trại tạm giam ngay cả khi họ đã phải làm việc suốt ngày đêm. Hơn nữa, đồ ăn trong trại tạm giam rất nghèo nàn, hàng ngày mọi người chỉ được cấp hai đĩa bột ngô. Loại bột ngô này thường dùng làm thức ăn cho động vật, do vậy nó bị trộn lẫn với rất nhiều cát.

Nhà tù Mẫu Đơn Giang ở tỉnh Hắc Long Giang

Đầu tháng 6 năm 2010, Nhà tù Mẫu Đơn Giang đã điều chỉnh thời gian làm việc của họ từ 6 giờ 30 sáng đến 8 giờ tối, như vậy thời gian làm việc kéo dài 13 hoặc 14 giờ đồng hồ. Để ứng phó với việc kiểm tra, các tù nhân đã bị bắt phải nói dối rằng họ chỉ làm việc 8 giờ một ngày và mỗi tháng có hai ngày nghỉ.

Những tù nhân bị lỡ thời gian rửa mặt mũi chân tay sau khi làm việc trở về đã phải đi làm mà không được rửa tay hay giặt quần áo trong 10 đến 20 ngày. Một vài người trong số đó vốn bị bệnh ghẻ và bệnh vẩy nến còn phải làm việc trong tình trạng tay bị chảy mủ và dùng bàn tay đầy vết ghẻ lở đó để đóng đũa, que kem, tăm, gắn lông mi giả và làm quần áo. Bệnh ghẻ và bệnh vẩy nến làm bẩn quần áo. Các sản phẩm này mang theo nhiều bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh ghẻ, gây nguy hại lớn đối với sức khỏe người dùng. Những sản phẩm này không chỉ được cung cấp cho người dân địa phương, mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Một tù nhân đã viết một thông điệp trên một tờ giấy thuật lại cách sản xuất đũa trong nhà tù này năm 2004 và cố gắng giấu miếng giấy này giữa những chiếc đũa, nhưng đã bị các lính canh phát hiện. Các linh canh đã đánh đập tù nhân này bằng dùi cui điện và gậy gỗ cho đến khi anh rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh. Anh được đưa đến bệnh viện mà không hề được điều trị. Anh đã qua đời vài ngày sau đó.

trại tạm giam Mẫu Đơn Giang cũng giam giữ nhiều người tình nghi phạm tội giết người, cố ý gây hỏa hoạn và bán dâm. Nhiều người trong số họ bị các bệnh truyền nhiễm khác nhau, bao gồm AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, Viêm gan B, lao phổi, bệnh ghẻ và rận mu. Họ gãi khắp thân thể và nhiều người không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Tuy nhiên, trại tạm giam bắt tất cả các tù nhân phải dùng tay để đóng gói đũa và tăm vào những túi nhựa nhỏ có ghi “đũa cao cấp”, hay đóng thành từng gói chuyên dùng cho các khách sạn. Những bàn tay này có dính phân và máu rỉ từ các vết thương và vết ghẻ, nhưng họ không được rửa tay.

Trại Lao động Cưỡng bức Thành phố Tuy Hóa ở tỉnh Hắc Long Giang

Trại Lao động Cưỡng bức Thành phố Tuy Hóa ở tỉnh Hắc Long Giang bắt đầu làm tăm vào năm 2008. Anh Lưu Cao Phong, một học viên ngoài 40 tuổi ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ và đưa đến trại lao động cưỡng bức này vào tháng 10 năm 2008. Hai tù nhân Tôn Lập Phong, Phạm Chí Trung đã đánh đập anh Lưu theo lệnh của lính canh Điêu Tuyết Tùng. Có một lần, Tôn dùng ghế đánh vào đầu anh Lưu cho đến khi cái ghế vỡ thành nhiều mảnh, khiến anh Lưu ngã xuống sàn bất tỉnh.

Các tù nhân còn tra tấn các học viên bằng nhiều cách, bao gồm đánh đập bằng dùi cui điện và gậy cao su, gây bỏng thân thể bằng tàn thuốc. Các học viên bị bắt phải lao động khổ sai trong hơn 16 giờ đồng hồ một ngày và đôi khi còn bị bắt phải làm thêm giờ. Sau khi thức dậy lúc 5 giờ 30 sáng, họ chỉ có 15 phút để ăn, gồm có bánh bao và cơm, đôi khi còn chưa được nấu chín rồi sau đó họ bị gọi đến xưởng để phân loại tăm, may đệm và làm quần áo.

Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:

Gross Abuse of Falun Gong Practitioners at Suihua City Forced Labor Camp in Heilongjiang Province

Nhà tù Hô Lan ở tỉnh Hắc Long Giang

Những người bị giam giữ trong Nhà tù Hô Lan phải làm việc từ 14 đến 15 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhiều người bị mắc các bệnh khác nhau do môi trường làm việc khắc nghiệt và suy dinh dưỡng. Nhà tù này giam giữ khoảng 3.000 người, và ít nhất một phần mười số người bị giam giữ được chẩn đoán mắc bệnh lao. Họ không được cách ly mà vẫn phải làm việc.

Công việc bao gồm viền quần áo, làm đồ thủ công, tăm và may quần áo,các sản phẩm này được xuất khẩu hoặc được bán tại địa phương. Tăm xỉa răng được đóng gói bằng tay, không được khử trùng hay kiểm tra trước khi xuất khẩu. Với điều kiện làm việc khắc nghiệt và nhà xưởng bẩn thỉu, không có mấy người có sức khỏe tốt, người ta có thể hình dung ra mức độ vệ sinh của các sản phẩm này là như thế nào.

Hơn nữa, các tù nhân, bao gồm một số lượng lớn người mắc các bệnh truyền nhiễm khác nhau như bệnh lao và viêm gan, đã dùng tay và miệng của họ để mở và niêm phong các túi tăm.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/3/390958.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/19/183702.html

Đăng ngày 02-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share