Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 05-10-2022] Tháng 9 năm 2022 đã ghi nhận thêm 47 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin của họ. Trong đó 5 trường hợp đã xảy ra vào năm 2021 và số còn lại xảy ra vào năm 2022, gồm 2 người vào tháng 5; 1 người vào tháng 6; 7 người vào tháng 7 và tháng 8, 24 người vào tháng 9; và 1 người không rõ thời điểm bị kết án.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Kể từ đó, vô số học viên đã bị bắt, giam giữ, kết án và tra tấn vì kiên định đức tin của họ. Bởi sự phong tỏa thông tin nghiêm ngặt tại Trung Quốc, các trường hợp không thể luôn được báo cáo kịp thời hoặc mọi thông tin không thể luôn có sẵn.

Các học viên bị kết án phân bố ở 18 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Sơn Đông là tỉnh dẫn đầu danh sách với 13 trường hợp, tiếp theo là Liêu Ninh với sáu trường hợp. Hồ Bắc và Hà Bắc mỗi nơi có bốn trường hợp. 14 khu vực khác có một đến hai trường hợp.

684a3b629f233cd9ad5cdc68861a0fed.jpg

Tổng cộng 17 học viên (36%) từ 60 tuổi trở lên tại thời điểm bị kết án. Các học viên ngoài 80 tuổi cũng bị chính quyền nhắm đến. Cụ thể, 1 bà cụ 82 tuổi bị kết án 1 năm vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công và một ông cụ 82 tuổi bị kết án 3 năm.

Thời hạn bản án của các học viên kéo dài từ 9 tháng đến 8 năm. Ngoài ra, 16 người bị phạt tổng cộng 170.000 nhân dân tệ, trong đó có 1 người bị phạt 50.000 nhân dân tệ, 1 người bị phạt 30.000 nhân dân tệ, 4 người bị phạt từ 10.000 đến 20.000 nhân dân tệ.

99083b889329e0c29a33d74eadd6e614.jpg

Các học viên bị kết án đến từ mọi tầng lớp, bao gồm một giảng viên nghệ thuật, một chủ doanh nghiệp nhỏ, các nông dân trồng rau và một công nhân nhà máy ngói về hưu. Nhiều người trong số họ đã trải qua những thống khổ khôn tả do cuộc bức hại, gồm bị giam nhiều năm, mất cha mẹ hoặc bạn đời vì cuộc bức hại, và phải rời khỏi nhà sống lưu lạc hàng thập niên trước khi bị kết án.

Khi cuộc bức hại bước sang năm thứ 23, chính quyền cộng sản còn trở nên vô nhân đạo hơn trong việc kết án các học viên Pháp Luân Công: chính quyền kết án học viên mà không thông qua xét xử, hoặc tuỳ tiện gia hạn án tù của họ. Khi được hỏi về bản án bí mật của một học viên, một viên chức toà án đã thốt lên: “Các vị cứ việc nộp đơn kháng cáo nếu không phục”.

Dưới đây là tóm tắt một số trường hợp bị kết án. Danh sách đầy đủ của các học viên bị kết án có thể được tải tại đây (tiếng Anh).

Bị kết án vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại

Tỉnh Hà Bắc: Một người đàn ông bị kết án 8 năm tù vì đăng thông tin Pháp Luân Công trên WeChat

Ông Tôn Vạn Soái, một giáo viên mỹ thuật ngoài 50 tuổi ở thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt tại nhà vào ngày 3 tháng 12 năm 2020 bởi cảnh sát mạng ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (cách nơi cư trú của ông Tôn khoảng 960 km). Cảnh sát tịch thu máy tính và điện thoại di động của ông. Họ tuyên bố lý do bắt giữ là vì ông đã gửi những thông tin “nhạy cảm” Pháp Luân Công trên WeChat và bắt ông đến Lạc Dương.

Ngày 11 tháng 12 năm 2021, sau khi ông Tôn bị giam giữ 1 năm, Tòa án quận Giản Tây ở Lạc Dương đã tổ chức một phiên tòa xét xử vụ án của ông. Thẩm phán không cho phép gia đình thuê luật sư biện hộ vô tội cho ông. Ông Tôn chỉ có 5 phút để tự bào chữa cho mình. Tháng 7 năm 2022, thẩm phán tuyên án ông 8 năm tù và phạt tiền 30.000 nhân dân tệ.

Kể từ năm 2019, công an Hà Nam đã di chuyển khắp Trung Quốc và bắt giữ nhiều học viên vì chia sẻ thông tin cuộc bức hại Pháp Luân Công trên mạng Internet. Không chỉ ông Tôn, tòa án trên cũng tuyên án bà Đái Chi Dĩnh ở Thượng Hải 9,5 năm tù và bà Trương Hà ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc 9 năm tù vì đăng tải thông tin về Pháp Luân Công trên WeChat.

Người đàn ông Hà Bắc ngoài 70 tuổi bị kết án 1 năm tù vì dán tài liệu thông tin Pháp Luân Công

Ông Lý Ngũ Quần, ngoài 70 tuổi, ngụ tại huyện Vô Cực, tỉnh Hà Bắc đã hai lần bị báo cảnh sát, vào các năm 2020 và 2021, vì dán tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Cả hai lần đó cảnh sát đều lục soát nhà ông và lấy đi các sách Pháp Luân Công cùng tài liệu liên quan của ông. Trong cả hai lần đó, ông đều bị phạt hơn 10.000 nhân dân tệ. Sau vụ bắt giữ năm 2020, cảnh sát cố gắng tống giam ông nhưng bất thành vì hai Trại tạm giam địa phương đều từ chối nhận ông.

Tháng 6 năm 2022, cảnh sát lại sách nhiễu ông Lý. Sau đó họ bắt giam ông trong trại tạm giam Thành Bắc. Đầu tháng 8 vừa qua, Tòa án huyện Chính Định đã kết án ông 1 năm tù.

Người phụ nữ Tứ Xuyên bị cầm tù vì liên tiếng cho đức tin của mình, không được gặp người thân trong hai năm

Tết Trung thu 2022 (vào ngày 10 tháng 9 Dương lịch) có lẽ là một ngày vô cùng cay đắng đối với gia đình bà Vương Minh Huệ. Bởi lẽ, trong khi các gia đình khác đang được tận hưởng thời gian đoàn viên bên nhau, thì những người thân yêu của bà Vương lại không được phép đến thăm bà dù chỉ một lần kể từ khi bà bị bắt vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công từ hai năm trước.

Bà Vương, 44 tuổi, là cư dân thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên. Vợ chồng bà sở hữu một nhà hàng nhỏ và hai con trai đều đang học trung học phổ thông. Vào lúc 10 giờ tối ngày 29 tháng 8 năm 2020, bà bị bắt vì nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.

Tòa án quận Danh Sơn đã xét xử bà Vương lần đầu vào tháng 1 năm 2021 và lần hai vào ngày 16 tháng 7 năm 2021. Bà được đại diện bởi một luật sư do tòa án chỉ định và người này được chỉ đạo phải “nhận tội” thay bà.

Bà Vương đã bị kết án 7 năm 4 tháng và phạt 10.000 nhân dân tệ vào ngày 26 tháng 9 năm 2021. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Nhã An. Mặc dù tòa án cấp cao hơn này chưa hề công bố quyết định liên quan đến kháng cáo của bà, nhưng bà đã bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 15 tháng 6 năm 2022 để chấp hành bản án.

Những học viên lớn tuổi bị kết án

Một bà cụ 82 tuổi bị kết án một năm tù vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công

Ngày 8 tháng 9 năm 2022, cụ bà Lưu Xuân Bình 82 tuổi ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đã nhận được một cuộc điện thoại của Tòa án quận Chương Khâu, yêu cầu bà đến tòa án vào ngày hôm sau.

Ngày 9 tháng 9, con trai bà Lưu đã chở bà đến tòa án theo yêu cầu. Vì bà không thể tự leo lên cầu thang để vào tòa án, hai nhân viên đã tới chỗ xe hơi và đưa cho bà bản án, trong đó tuyên bà bị 1 năm tù giam cùng khoản tiền phạt 5.000 nhân dân tệ. Họ cũng yêu cầu bà phải đi khám sức khỏe và sẵn sàng để chuẩn bị vào tù.

Vào tháng 10 năm 2021, bà Lưu bị bắt vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà bị đưa ra xét xử vào ngày 26 tháng 7 năm 2022 với cáo buộc “lợi dụng tổ chức tà giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan và phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ tiêu chuẩn được sử dụng để hình sự hóa Pháp Luân Công.

Tỉnh Sơn Đông: Ông cụ 82 tuổi bị kết án 3 năm tù vì kiên định đức tin

Ông Vương Chí Cương, một giáo viên đã nghỉ hưu 82 tuổi ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông bị cảnh sát bắt tại nhà vào ngày 15 tháng 8 năm 2022. Sau khi ông bị đưa tới Đồn Công an Bắc Hải Lộ, một viên chức tòa án đã đến đó và giao bản sao của cáo trạng và thông báo giám sát cư trú cho ông. Sau đó, cảnh sát đã gọi con trai ông Vương đến đón ông về.

Sáng ngày 26 tháng 8 (thứ Sáu), một nhóm 9 người gồm cảnh sát, công tố viên và thẩm phán, đã đến nhà của ông Vương để mở một phiên tòa ngay tại đó. Ông bị kết án 3 năm tù và phạt 5.000 nhân dân tệ. Sau khi giao bản án cho ông Vương, cảnh sát đưa ông đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Tại thời điểm họ đưa ông đến trại tạm giam thành phố Duy Phường thì trời đã về khuya. Lính canh từ chối tiếp nhận ông và yêu cầu cảnh sát quay trở lại vào sáng thứ Hai.

Khổ nạn này của ông Vương bắt nguồn từ vụ bắt giữ trước đó xảy ra vào ngày 23 tháng 10 năm 2019, khi cảnh sát tuyên bố rằng họ phải bắt ông Vương vì trước đó hai tuần ông đã dán các tấm áp phích Pháp Luân Công. Ngày 9 tháng 7 năm 2020, con trai ông Vương đã nhận được điện thoại của Tòa án quận Khuê Văn thông báo rằng cha anh sẽ bị đưa ra xét xử vào tháng sau. Không rõ phiên tòa đó có diễn ra trước khi ông bị kết án 2 năm hay không.

Liên tục bị bức hại

Từng bị cầm tù oan sai 10 năm và mất cha vì cuộc bức hại, người đàn ông Hồ Bắc lại bị kết án 4 năm tù

Bà Ngô Yến Văn đã vô cùng suy sụp khi cảnh sát gọi điện cho bà để thông báo rằng con trai bà, anh La Lập Đằng đã bị kết án 4 năm tù vào giữa tháng 9 năm 2022 vì đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công.

Anh La, ở thành phố Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc đã bị bắt vào ngày 21 tháng 5 năm 2021 tại Ga xe lửa Ma Thành. Vụ bắt giữ xảy ra sau khi an ninh nhà ga tìm thấy trong điện thoại di động của anh có lưu một đoạn video lưu quay lại sự kiện các học viên địa phương kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới tại nhà của anh vào ngày 10 tháng 5. Anh đã bị giam trong trại tạm giam Ma Thành và bị từ chối thăm thân.

Bà Ngô và chồng là ông La Khai Quân cùng con trai La Lập Đằng của họ đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1995. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, gia đình ba người họ đã lên đường tới Bắc Kinh vào ngày 3 tháng 12 năm 2000 để kháng nghị cho quyền thực hành Pháp Luân Công và bị bắt giữ. Trong những tháng bị giam giữ, ông La Khai Quân bị tra tấn tàn bạo. Tại thời điểm được trả tự do vào ngày 28 tháng 4 năm 2001, ông bị phù nề toàn thân và đang trong tình trạng nguy kịch. Sau đó, ông đã qua đời vào ngày 23 tháng 9 năm 2002, khi bà Ngô vẫn đang thụ án 2 năm lao động trong Trại Lao động Cưỡng bức Sa Dương (bà bị kết án lao động ngay sau khi bị bắt).

Về phần anh La Lập Đằng, anh bị bắt một lần nữa vào tháng 6 năm 2007 và bị giam trong trại tạm giam thành phố Ma Thành 1 năm. Trong thời gian đó, cảnh sát đã hai lần bắt anh tới Trung tâm tẩy não tỉnh Hồ Bắc và cố gắng ép anh từ bỏ Pháp Luân Công thông qua tra tấn và uy hiếp, nhưng bất thành.

Anh La bị kết án 10 năm tù và thụ án trong Nhà tù Phạm Gia Đài vào tháng 6 năm 2008. Bởi anh vẫn kiên định đức tin của mình, lính canh tù đã đánh đập, đốt anh bằng thuốc lá và cưỡng bức anh lao động khổ sai không công. Anh đã ra tù vào tháng 11 năm 2015.

Thượng Hải: Một người phụ nữ từng bị cầm tù oan sai 10 năm, nay lại bị kết án 4 năm tù vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công

Gần đây, một cư dân Thượng Hải khoảng 70 tuổi đã bị kết án 4 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công sau khi ngồi tù 2 lần và một lần thụ án lao động động với tổng thời gian 10 năm.

51d1364a683cd6d87b073b0e027209a8.jpg

Bà Tương Lâm Anh

Ngày 3 tháng 2 năm 2021, cảnh sát lại nhà sách nhiễu bà Tương và ra lệnh cho bà ký tên tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, họ đã bắt bà và lục soát nhà bà. Người mẹ già của bà vô cùng đau khổ khi thấy con gái mình bị bắt giữ và đã qua đời không lâu sau đó.

Bà bị lên cơn suyễn vào ngày 26 tháng 3, sau đó bị sốt và ho dai dẳng. Nhưng mãi đến ngày 2 tháng 4, lính canh mới đưa bà đi khám bác sĩ, lúc này bác sỹ đã phát hiện bà bị viêm phổi do hen suyễn.

Lo lắng cho sức khỏe của bà, gia đình đã yêu cầu các nhà chức trách để bà được tạm tha y tế, nhưng vô ích. Sau hơn 1 năm ở trong trại tạm giam, bà bị kết án 4 năm tù bởi Tòa án quận Tĩnh An vào ngày 8 tháng 9 năm 2022.

Sau 11 năm sống trôi giạt để tránh bị bức hại, người phụ nữ Hồ Bắc đã bị bắt và bị bí mật kết án 1 năm tù

Bà Hoàng Văn Phân 60 tuổi ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc bị đưa đến một trung tâm tẩy não vào ngày 30 tháng 10 năm 2021 vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công khi cảnh sát sách nhiễu bà một tháng trước.

Gia đình bà không nhận được bất kỳ thông tin gì về tình huống của bà. Mãi đến gần đây, gia đình mới hay bà đã bị kết án 1 năm tù và phạt 2.000 nhân dân tệ. Theo dự kiến, bà sẽ được thả vào tháng 11 năm 2022.

Trước lần bắt giữ gần đây nhất này, bà Hoàng và con gái đã rời khỏi nhà và chuyển chỗ ở tổng cộng 23 lần trong 11 năm để tránh bức hại. Do nhiều năm sống lang thang, bà Hoàng không có việc làm hay tiền tiết kiệm. Bà phải dựa vào nguồn chu cấp tài chính của con gái bà. Hiện con gái bà phải chăm sóc người bà 96 tuổi từ khi bà bị bắt.

Mất chồng và mẹ vì cuộc bức hại Pháp Luân Công, người phụ nữ bị kết án 8 năm tù oan sai và đang trong tình trạng nguy kịch

Bà Trương Tú Lan đã bị goá chồng vì cuộc bức hại Pháp Luân Công, giờ đây, bản thân bà cũng bị chính quyền kết án 8 năm tù oan sai vì kiên định đức tin. Mặc dù bà Trương chỉ còn da bọc xương và không còn sức lực, nhưng lính canh trại tạm giam vẫn tiếp tục đánh đập bà và ra lệnh cho bà từ bỏ đức tin của mình. Gia đình bà đang yêu cầu các nhà chức trách để bà được tại ngoại điều trị y tế.

Bà Trương là người thành phố Giao Châu, tỉnh Sơn Đông. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cùng với chồng bà là ông Lưu Phúc Tỳ vào năm 1996. Sau đó, chứng đau nửa đầu, các vấn đề về dạ dày, chứng nghiện thuốc lá và rượu của ông Lưu đã biến mất. Cũng giống như chồng mình, bà Trương tin rằng Pháp Luân Công đã chữa khỏi bệnh viêm khớp và bệnh phụ khoa cho bà.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, hai vợ chồng ông bà đã buộc phải rời xa nhà trong 5 năm để thoát khỏi bàn tay cảnh sát.

Sau đó ông Lưu bị mất khả năng lao động và nằm liệt giường. Vào lúc 1 giờ sáng ngày 28 tháng 8 năm 2016, cảnh sát bất ngờ ập vào nhà của hai vợ chồng sau khi bà Trương bị trình báo vì đã phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục tung ngôi nhà của họ và lấy đi một lượng lớn tài sản cá nhân của họ. Cuộc đổ bộ đã khiến ông Lưu vô cùng sợ hãi. Áp lực tinh thần to lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông Lưu, và chưa đầy ba tuần sau cuộc đổ bộ, ông đã hàm oan qua đời ở tuổi 59.

Ngay khi vừa lo xong hậu sự cho chồng, bà Trương lại buộc phải rời xa nhà để tránh bị bức hại thêm nữa. Mỗi khi nghe thấy tiếng còi xe cảnh sát, bà lại sợ đến ngây người. Sức khỏe của bản thân bà cũng bắt đầu giảm sút. Bà sụt cân đáng kể và lưng bà ngày càng còng xuống.

Không thể tiếp tục sống một mình được nữa, bà phải chuyển đến ở với con gái để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và nhờ cậy vào sự chăm sóc của con gái. Thế nhưng, trước khi bà có thể phục hồi, cảnh sát lừa con gái bà mở cửa bằng cách giả làm nhân viên quản lý tài sản vào ngày 16 tháng 12 năm 2021. Sau đó 4 cảnh sát xông vào và bắt bà Trương đi. Khi ấy, mẹ của bà Trương cũng đang có mặt ở đó, bà cụ sợ hãi cực độ và qua đời vào ngày hôm sau.

Tòa án quận Hoàng Đảo đã xét xử bà vào ngày 23 tháng 8 năm 2022 và kết án bà 8 năm tù. Gia đình bà không được phép tham dự phiên tòa.

Một nguồn tin cho hay, hiện giờ bà Trương vô cùng gầy yếu và chỉ còn da bọc xương. Bất chấp tình trạng của bà, lính canh vẫn đánh đập và chửi rủa bà, nhằm ép bà từ bỏ Pháp Luân Công.

Vi phạm quy trình pháp luật

Tòa án ở tỉnh Giang Tây kết án một người phụ nữ ngoài 70 tuổi mà không tổ chức xét xử

Bà Từ Phượng Lan, ngoài 70 tuổi, ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây bị bắt vào ngày 29 tháng 1 năm 2021. Cảnh sát lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin Pháp Luân Công, máy in và máy tính của bà. Sau hơn 10 giờ thẩm vấn, bà đã được tại ngoại.

Đầu tháng 9 năm 2022, Tòa án quận Tây Hồ đã thông báo tới bà Từ rằng bà đã bị kết án 2,5 năm tù và phạt tiền 50.000 nhân dân tệ, mà không hề tổ chức xét xử. Không rõ hiện tại bà có bị giam giữ hay không.

Sau chưa đầy 2 năm mãn hạn tù, người phụ nữ 68 tuổi lại bị kết án 2,5 năm tù vì kiên định đức tin

Chỉ một năm rưỡi sau khi bà Dương Phượng Anh, 68 tuổi, ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh kết thúc án tù 8 tháng vì tu luyện Pháp Luân Công, bà lại bị bắt và bí mật kết án 2,5 năm tù.

Ngày 9 tháng 1 năm 2022, cảnh sát đã bắt giữ và lục soát nhà bà Dương sau khi ai đó trình báo bà vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Đầu tháng 9 năm 2022, bởi không nhận được bất kỳ thông tin cập nhật nào về trường hợp của bà Dương, gia đình bà đã gọi điện cho Tòa án thành phố Lăng Hải và được cho biết rằng bà đã bị kết án 2,5 năm tù và bị phạt 4.000 nhân dân tệ hồi tháng 7. Khi gia đình bà chất vấn tại sao tòa án không thông báo cho họ về bản án, người trả lời điện thoại nói: “Các vị cứ việc nộp đơn kháng cáo nếu không phục”.

Trước bản án gần nhất này, bà Dương đã liên tục bị bắt, giam giữ và tra tấn. Bà từng bị kết án 5 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng từ năm 2000 đến 2005. Bà lại bị bắt vào ngày 15 tháng 11 năm 2019 và bị kết án 8 tháng vào tháng 5 năm 2020.

Một tòa án ở tỉnh Hà Bắc tùy tiện sửa bản án của một người đàn ông từ 3,5 năm lên 6 năm

Một cư dân thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc đã bị kết án 3,5 năm tù vào giữa tháng 4 năm 2022 vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Mặc dù ông được phép chấp hành án tại nhà vì sức khỏe kém, song vài tháng sau đó, tòa án lại tổ chức một phiên xử khác và tăng thời hạn bản án của ông lên thành 6 năm.

Ông Triệu Trường Dư, 64 tuổi, đã bị bắt sau khi bị báo cảnh sát vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Mặc dù cảnh sát đã cho ông tại ngoại vài ngày sau đó, nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục sách nhiễu ông nhiều lần. Tổn thương tinh thần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông và ông đã mất khả năng đi lại. Thậm chí ngay cả trong thời gian ông đang điều trị ở bệnh viện, cảnh sát vẫn kéo đến đó để sách nhiễu ông.

Tòa án quận Ký Châu đã xét xử ông Triệu từ xa qua video vào giữa tháng 4 năm 2022 và kết án ông 3,5 năm tù. Bởi ông không thể đi lại, thẩm phán đã cho phép ông thụ án tại nhà.

Tuy nhiên, 2 tháng sau, thẩm phán đến nhà ông Triệu và tổ chức một phiên tòa xét xử khác đối với ông, tăng thời hạn tù của ông lên thành 6 năm.

Ông Triệu đã bị bắt và bị giam sau khi bị lừa vì tin rằng cảnh sát đưa ông đến bệnh viện để xét nghiệm COVID-19.

Một giáo viên trung học bị kết án oan sai vì kiên định đức tin

Một cựu giáo viên trung học ở thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông đã bị kết án tù oan sai vào tháng 6 năm 2022 vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước đó, chồng bà đã nỗ lực để giải cứu bà, nhưng không thành công.

Bà Mạnh Dục là giáo viên của Trường THCS Số 1 Thắng Lợi. Bà bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 23 tháng 4 năm 2021. Khi lục soát nhà bà, cảnh sát lấy đi máy tính làm việc, điện thoại di động, và ổ cứng di động của chồng bà dù ông không tu luyện Pháp Luân Công. Con trai họ (vừa mới đi du học về nước) vẫn còn đang ngủ khi cảnh sát đến. Họ lật tung chăn của anh ấy một cách thô bạo, khiến anh ấy vô cùng kinh hãi. Trải qua lần kích động và sợ hãi này, anh ấy đã gặp vấn đề về tiêu hóa và thường xuyên bị ói mửa sau khi ăn.

Ông Chu Công chồng bà Mạnh là một kỹ sư thiết kế cấp cao, đang làm việc tại nhà vào sáng hôm đó. Ông đã bị đưa đến đồn công an và bị thẩm vấn trong một phòng riêng từ 2:20 chiều đến 8:30 tối. Không một cảnh sát nào xuất trình bất kỳ tài liệu pháp lý nào cho cuộc đột kích hoặc thẩm vấn ông Chu, đồng thời, cảnh sát cũng không cung cấp biên bản tịch thu cho ông. Vì bị áp lực khủng khiếp, nên không thể nhớ ông đã trả lời họ những gì. Ông bị cưỡng chế ký tên vào cái gọi là “bản khẩu cung”.

Sau khi được thả, ông đã vài lần quay lại đồn công an để hỏi về tình hình của vợ mình và yêu cầu cảnh sát cung cấp giấy tạm giam của bà, nhưng đều vô ích. Trong mỗi lần ông liên lạc hoặc tìm đến, cảnh sát hoặc là từ chối trả lời cuộc gọi của ông hoặc chặn ông ở lối vào của đồn công an. Tình huống tương tự cũng xảy ra khi ông đến viện kiểm sát.

Mặc dù không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bà Mạnh đã vi phạm pháp luật khi tu luyện Pháp Luân Công, nhưng công tố viên Nhâm Diêu Hải đã phê chuẩn vụ bắt giữ bà và truy tố bà với tội danh “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” (một cái cớ tiêu chuẩn được chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng để khép tội các học viên Pháp Luân Công). Bản khẩu cung mà ông Chu bị cưỡng chế ký sau 6 tiếng thẩm vấn đề cập ở trên cũng bị công tố viên liệt vào “chứng cứ” truy tố bà Mạnh.

Tòa án quận Đông Dinh đã mở hai phiên tòa xét xử vụ án của bà Mạnh vào các ngày 10 tháng 3 và vào tháng 5 năm 2022. Luật sư đã bào chữa vô tội cho bà, nhưng thẩm phán Diêm Hiểu Huy đã ngăn cản bà Mạnh đọc phần tuyên bố bào chữa của mình.

Ông Chu đã bị cấm tham dự các phiên tòa, vì thẩm phán tuyên bố ông là nhân chứng vì “lời chứng” của ông đã được công tố viên sử dụng.

Các bằng chứng khác mà công tố viên Nhâm đưa ra là các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và thẻ nhớ tịch thu từ nhà của bà Mạnh, nhưng không có tài liệu nào được trình ra trước tòa. Thẩm phán chỉ dựa trên số lượng các cuốn tài liệu mà kết án bà Mạnh 3,5 năm tù và phạt tiền 30.000 nhân dân tệ vào ngày 23 tháng 6.

Sau khi nghe nói bà Mạnh đã bị các tù nhân tại trại tạm giam Tân Hải đánh đập hai lần, ông Chu đã rất lo lắng cho tình hình của vợ mình. Hai cặp kính của bà đã bị vỡ. Bà phải đeo còng tay và cùm chân mỗi ngày trong suốt một tháng.

Các báo cáo liên quan:

Báo cáo tháng 8 năm 2022: 57 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin

Báo cáo tháng 7 năm 2022: 55 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo nửa đầu năm 2022: 366 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ

Báo cáo tháng 5 năm 2022: 42 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 4 năm 2022: 57 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 3 năm 2022: 74 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Báo cáo tháng 2 năm 2022: 33 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin

Báo cáo tháng 1 năm 2022: 132 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin

Báo cáo năm 2021: 1187 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/10/5/450442.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/8/204206.html

Đăng ngày 03-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share