Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-08-2022] Một cựu giáo viên trung học ở thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông đã bị kết án tù oan sai vào tháng 6 năm 2022 vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước đó, chồng bà đã nỗ lực để giải cứu bà, nhưng không thành công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Vụ bắt giữ

Bà Mạnh Dục là giáo viên của Trường THCS Số 1 Thắng Lợi. Bà bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 23 tháng 4 năm 2021. Cũng trong ngày hôm đó, ít nhất 20 học viên khác ở địa phương cũng bị bắt giữ. Cảnh sát đã theo dõi và giám sát hoạt động hàng ngày của các học viên trong nhiều tháng trước khi tiến hành cuộc bắt giữ hàng loạt này.

Ông Chu Công chồng bà Mạnh là một kỹ sư thiết kế cấp cao. Ông kể rằng buổi sáng hôm đó, khi ông đang làm việc tại nhà thì một nhóm cảnh sát mặc thường phục ập vào và bắt giữ bà Mạnh. Thẻ tên gắn trên áo của họ đều được che lại bằng kẹp đen. Chỉ trong chớp mắt, vài cảnh sát đã đưa bà Mạnh ra ngoài và những cảnh sát còn lại bắt đầu lục soát nơi ở của họ.

Lúc cảnh sát đột nhập vào nhà, con trai họ (vừa mới đi du học về nước) vẫn còn đang ngủ. Họ lật tung chăn của anh ấy một cách thô bạo, khiến anh ấy vô cùng kinh hãi. Trải qua lần kích động và sợ hãi này, anh ấy đã gặp vấn đề về tiêu hóa và thường xuyên bị ói mửa sau khi ăn.

Cuộc đổ bộ này kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Cảnh sát lấy đi nhiều tài sản cá nhân của hai vợ chồng, trong đó có máy tính làm việc, điện thoại di động, và hai ổ cứng di động để lưu trữ những dữ liệu quan trọng trong công việc của ông Chu. Vài tháng sau, cảnh sát mới trả lại máy tính cho ông. Cảnh sát còn lấy 160.000 nhân dân tệ tiền mặt mà hai vợ chồng ông Chu đang cất ở nhà (sau này cảnh sát đã trả lại số tiền này cho ông Chu sau khi ông liên tục yêu cầu).

Chưa kịp hoàn hồn, ông Chu đã bị đưa đến đồn công an và bị thẩm vấn trong một phòng riêng từ 2:20 chiều đến 8:30 tối. Không một cảnh sát nào xuất trình bất kỳ tài liệu pháp lý nào cho cuộc đột kích hoặc thẩm vấn ông Chu, đồng thời, cảnh sát cũng không cung cấp biên bản tịch thu cho ông.

Ông Chu nói rằng lúc đó ông bị áp lực khủng khiếp, nên không thể nhớ ông đã trả lời họ những gì. Ông bị cưỡng chế ký tên vào cái gọi là “bản khẩu cung”.

Sau khi được thả, ông đã vài lần quay lại đồn công an để hỏi về tình hình của vợ mình và yêu cầu cảnh sát cung cấp giấy tạm giam của bà, nhưng đều vô ích. Trong mỗi lần ông liên lạc hoặc tìm đến, cảnh sát hoặc là từ chối trả lời cuộc gọi của ông hoặc chặn ông ở lối vào của đồn công an. Tình huống tương tự cũng xảy ra khi ông đến viện kiểm sát.

Bản cáo trạng

Ông Chu đã liên lạc với hơn 10 luật sư để tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc giải cứu vợ mình. Hầu hết luật sư đều né tránh tiếp nhận các vụ án Pháp Luân Công và nói rằng Ủy ban Chính trị và Pháp luật giám sát chặt chẽ các hoạt động của họ, không cho họ tham gia vào các vụ án Pháp Luân Công.

Một luật sư đã yêu cầu 200.000 nhân dân tệ để giúp ông Chu hối lộ một giám đốc nào đó nhằm ngăn vụ án của bà Mạnh. Một luật sư khác cho biết nếu ông Chu nộp đơn khiếu nại cảnh sát, họ có thể trả đũa bằng cách gia tăng cáo buộc đối với bà Mạnh. Người luật sư thứ ba nói rằng cảnh sát thường bắt giữ nhiều học viên hơn vào khoảng tháng 5 (tháng có dịp kỷ niệm ngày Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng). Họ làm vậy vì thành tích chính trị làm bàn đạp để được thăng chức và kiếm thêm tiền bỏ túi, và không ai tuân theo pháp luật khi truy tố các vụ án Pháp Luân Công.

Sau nhiều trắc trở, cuối cùng, một luật sư nhân quyền từ một tỉnh khác đã đồng ý tiếp nhận vụ án của bà Mạnh. Người luật sư này đã giúp ông Chu soạn thảo một lá thư, yêu cầu cảnh sát cho bà Mạnh tại ngoại. Ông đã gửi lá thư vào ngày 19 tháng 5. Bởi không hề nhận được phản hồi từ phía cảnh sát, ông đã gọi đến số 12389 (đường dây nóng trình báo công an) để khiếu nại Mã Kiến, trưởng Đồn Công an Tân Hải.

Vài tháng sau, Mã gọi điện cho ông Chu và chất vấn ông tại sao lại gọi điện khiếu nại mình. Ông Chu không nản lòng hay sợ hãi, và tiếp tục nỗ lực giải cứu vợ mình. Sau đó, ông biết rằng cảnh sát đã cố gắng tìm nơi làm việc của ông để gây áp lực với ông, nhưng không đạt được mục đích vì ông làm việc tự do.

Sau khi cảnh sát chuyển hồ sơ vụ án của bà Mạnh tới viện kiểm sát, ông Chu tiếp tục liên lạc với các cơ quan chính quyền địa phương để tìm kiếm công lý cho vợ mình, nhưng vô ích.

Mặc dù không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bà Mạnh đã vi phạm pháp luật khi tu luyện Pháp Luân Công, nhưng công tố viên Nhâm Diêu Hải đã phê chuẩn vụ bắt giữ bà và truy tố bà với tội danh “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” (một cái cớ tiêu chuẩn được chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng để khép tội các học viên Pháp Luân Công). Bản khẩu cung mà ông Chu bị cưỡng chế ký sau 6 giờ thẩm vấn đề cập ở trên cũng bị công tố viên liệt vào “chứng cứ” truy tố bà Mạnh, và ông trở thành “nhân chứng”.

Tòa án xét xử và kết án

Tòa án quận Đông Dinh đã mở hai phiên tòa xét xử vụ án của bà Mạnh vào các ngày 10 tháng 3 và và tháng 5 năm 2022. Luật sư đã bào chữa vô tội cho bà, nhưng thẩm phán Diêm Hiểu Huy đã ngăn cản bà Mạnh đọc phần tuyên bố bào chữa của mình.

Ông Chu đã bị cấm tham dự các phiên tòa, vì thẩm phán tuyên bố rằng ông là nhân chứng trong vụ án của bà Mạnh, vì lý do ông là nhân chứng, và “lời chứng” của ông đã được công tố viên sử dụng.

Các bằng chứng khác mà công tố viên Nhâm đưa ra là các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và thẻ nhớ tịch thu từ nhà của bà Mạnh, nhưng không có tài liệu nào được trình ra trước tòa. Thẩm phán chỉ dưa trên số lượng các cuốn tài liệu đó để xác định thời hạn tù của bà Mạnh. Đây là hành vi vi phạm luật hình sự, phạm tội lạm dụng chức quyền và bẻ cong luật pháp.

Thẩm phán kết án bà Mạnh 3,5 năm tù và phạt tiền 30.000 nhân dân tệ vào ngày 23 tháng 6. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Đông Dinh. Ông Chu cũng thuê luật sư để đại diện cho bà Mạnh trong vụ kháng cáo.

Sau khi nghe nói bà Mạnh đã bị các tù nhân tại Trại tạm giam Tân Hải đánh đập hai lần, ông Chu đã rất lo lắng cho tình hình của vợ mình. Hai cặp kính của bà đã bị vỡ. Bà phải đeo còng tay và cùm chân mỗi ngày trong suốt một tháng.

Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại:

Thành Thu Lâm (成秋林), bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Đông Dinh
Đinh Tây Siêu (丁西超), viện trưởng của Viện Kiểm sát quận Đông Dinh: +86-546-3011066
Diêm Hiểu Huy (闫晓辉), chánh án của Tòa án quận Đông Dinh: +86-546-7035198

(Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại khác có trong bản gốc tiếng Hán.)

Bài liên quan:

Tỉnh Sơn Đông: Một cựu giáo viên đối mặt với án tù vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/27/448143.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/1/204095.html

Đăng ngày 20-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share