Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 17-01-2022] Theo Minh Huệ Net xác nhận, tính đến tháng 12 năm 2021, 24 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Giai Tư Mộc, tỉnh Hắc Long Giang vẫn đang bị giam giữ.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999.
Những học viên Pháp Luân Công ở thành phố Giai Tư Mộc, tỉnh Hắc Long Giang vẫn đang bị giam giữ.
Hàng đầu tiên (từ trái sang phải): Tống Ngọc Chi, Lý Quế Hoa, Lý Xuân Hoàn, Giải Uy, Lý Tố Hiền
Hàng thứ hai (từ trái sang phải): Lưu Diễm Vĩ, Triệu Hội Linh, Trương Bảo Xuân, Lưu Diên Thường, Văn Anh
Hàng thứ ba (từ trái sang phải): Lý Thiệu Chí, Vương Thục Ba, Lưu Kim Bình, Lưu Lệ Kiệt
24 học viên này đến từ 4 quận, 3 thành phố cấp huyện và 4 huyện thuộc địa khu Giai Tư Mộc, gồm quận Giao, quận Hướng Dương, quận Đông Phong và quận Tiền Tiến; thành phố Phú Cẩm, thành phố Đồng Giang, thành phố Phủ Viễn; huyện Hoa Xuyên, huyện Hoa Nam, huyện Thang Nguyên và huyện Kiến Tam Giang. Bởi sự kiểm duyệt nghiêm ngặt tại Trung Quốc, cuộc bức hại thường không được đưa tin một cách kịp thời, cũng như các thông tin chi tiết.
Trong số 24 học viên kể trên có 18 học viên nữ. Người trẻ nhất là 41 tuổi, người già nhất là 72 tuổi; 11 người ngoài 50 tuổi, 8 người ngoài 60 tuổi.
22 người đã bị kết án tù với thời hạn từ 15 tháng đến 10 năm. Bản án dài nhất bị tuyên cho một phụ nữ 68 tuổi, và có học viên sẽ được trả tự do trong năm 2022.
Dưới đây là sơ lược về một số trường hợp.
Những bản án nặng
Một phụ nữ 68 tuổi bị kết án 10 năm tù
Bà Tống Ngọc Chi, 68 tuổi, ở quận Tiền Tiến, thành phố Giai Tư Mộc bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1998. Bà đã bị cảnh sát huyện Y Lan bắt giữ vào ngày 9 tháng 10 năm 2017. Nhà của bà bị lục soát. Sau đó bà bị kết án 10 năm tù. Hiện bà vẫn đamg bị giam ở trong Nhà tù Nữ Hắc Long Giang.
Bà Tống Ngọc Chi
Trước lần bắt giữ gần nhất này, bà Tống đã liên tục bị sách nhiễu, bị bắt giữ và giam cầm vì không từ bỏ đức tin của mình. Gia đình bà cũng bị liên lụy và bị bức hại.
Một phụ nữ 51 tuổi bị kết án 8 năm tù
Bà Triệu Hội Linh 51 tuổi ở huyện Thang Nguyên, tỉnh Hắc Long Giang bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 2020 sau khi bà hồi phục sức khỏe sau một vụ tai nạn nghiêm trọng nhờ niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện- Nhẫn hảo.”
Bà Triệu Hội Linh
Vào tối ngày 24 tháng 4 năm 2020, bà Triệu và một học viên khác là bà Lưu Phượng Vân đang dán tài liệu thông tin về Pháp Luân Công trên đường phố thì bị cảnh sát phát hiện và theo dõi. Sáng hôm sau, cả hai học viên này bị bắt giữ và nhà của họ thì bị lục soát.
Bà Lưu được đưa đến bệnh viện vì ốm nặng và sau đó được tại ngoại. Ngày 28 tháng 4, bà Triệu được tại ngoại nhưng cảnh sát vẫn liên tục sách nhiễu bà.
Tháng 10 năm 2020, hồ sơ vụ án của bà Triệu được trình lên Viện Kiểm sát Quận Hướng Dương và chuyển đến Tòa án Quận Hướng Dương sau một tháng.
Ngày 29 tháng 12 năm 2020, bà Triệu bị kết án 8 năm tù và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ. Bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang vào ngày 8 tháng 7 năm 2021.
Một phụ nữ 59 tuổi ở Giai Mộc Tư bị bắt giữ tại thành phố Đại Liên, bị kết án 7 năm tù
Bà Văn Anh 59 tuổi ở thành phố Giai Mộc Tư bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996. Vào năm 2016, bà bị bắt khi đến thăm con trai ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Bà Văn Anh
Năm 2017, bà Văn bị Tòa án khu Khai Phát kết án 7 năm tù tại thành phố Đại Liên. Hiện bà vẫn đang thụ án ở trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh.
Bị bức hại vì lên tiếng cho Pháp Luân Công
Một phụ nữ bị kết án 5 năm tù vì treo một tấm biểu ngữ
Bà Triệu Quế Anh 69 tuổi từng là một nhân viên kế toán ở thành phố Giai Mộc Tư. Ngày 18 tháng 3 năm 2019, bà bị bắt vì treo một tấm biểu ngữ thông tin về Pháp Luân Công. Vụ bắt giữ bà được phê chuẩn 15 ngày sau đó.
Cảnh sát đã trình hồ sơ vụ án của bà lên Viện Kiểm sát Thành phố Giai Mộc Tư, và nó đã bị trả lại cho cảnh sát vì thiếu bằng chứng. Tuy nhiên cảnh sát đã ngụy tạo bằng chứng bổ sung và nộp hồ sơ cho một viện kiểm sát khác. Sau đó, cơ quan này đã truy tố bà Triệu và chuyển hồ sơ sang Tòa án Quận Hướng Dương vào ngày 28 tháng 8 năm 2019.
Tháng 11 năm 2019, bà Triệu Quế Anh bị kết án 5 năm tù và đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang vào ngày 28 tháng 9 năm 2020.
Một phụ nữ bị kết án 4 năm tù, kháng cáo bị bác bỏ
Vào ngày 20 tháng 6 năm 2019, bà Lý Quế Hoa 67 tuổi, một công nhân về hưu của nhà máy gỗ, đã bị bắt giữ vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Nhà của bà bị lục soát. Bà đã bị đưa đến Trại tạm giam Giai Mộc Tư.
Bà Lý Quế Hoa
Ngày 28 tháng 12 năm 2019, bà bị kết án 4 năm tù. Bà đã kháng cáo nhưng bị bác bỏ. Ngày 28 tháng 9 năm 2020, bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang.
Những trường hợp bị xét xử bí mật
Người phụ nữ Hắc Long Giang bị kết án bí mật bốn năm tù
Bà Lý Xuân Hoàn (60 tuổi) ở thành phố Giai Mộc Tư bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1999. Bà bị bắt giữ vào ngày 8 tháng 11 năm 2019. Cảnh sát lục soát nơi ở của bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công và tài liệu liên quan. Bà bị giam tại trại tạm giam Thành phố Giai Mộc Tư.
Bà Lý Xuân Hoàn
Bà Lý bị Tòa án quận Hướng Dương xét xử và kết án 4 năm tù vào tháng 12 năm 2020. Nhà cầm quyền đã che giấu, không cho gia đình bà biết về vụ xét xử. Gia đình chưa bao giờ nhận được phán quyết.
Ngày 20 tháng 5 năm 2021, bà Lý bị chuyển tới Nhà tù Nữ Hắc Long Giang.
Người phụ nữ Hắc Long Giang bị bí mật kết án 6 năm tù giam
Bà Giải Uy, 59 tuổi, một công nhân nhà máy giấy đã về hưu, đã trở thành mục tiêu bị bức hại vì kiên định đức tin của mình. Vào tháng 8 năm 2017, bà Giải bị bắt và bị kết án 1,5 năm tù. Chưa đầy hai năm sau vụ bắt giữ đó, cảnh sát lại tiếp tục nhắm vào bà.
Bà Giải Uy
Ngày 27 tháng 7 năm 2019, ngay khi gia đình bà vừa trở về nhà, cảnh sát ập vào và bắt giữ bà. Cảnh sát tịch thu hơn 30 cuốn sách của Pháp Luân Công, 2 điện thoại di động, 1 máy tính xách tay, 1 chiếc loa, 1 máy phát MP3 và các đồ đạc cá nhân khác. Cảnh sát không đưa ra lý do bắt giữ mà chỉ nói với gia đình rằng sẽ đưa bà đến Đồn Công an Thuận Hà. Bà Giải bị lôi vào xe cảnh sát và đưa đến đồn công an để thẩm vấn.
Sau khi bị bắt, bà Giải bị giam tại trại tạm giam Giai Mộc Tư. Vào ngày 8 tháng 11 năm 2019, cảnh sát đệ trình hồ sơ của bà lên Viện kiểm sát quận Hướng Dương. Sau đó, gia đình đã thuê luật sư cho bà và vị luật sư này thường xuyên tới đồn công an và viện kiểm sát để yêu cầu trả tự do cho bà, nhưng vô ích.
Tháng 7 năm 2021, gia đình mới hay tin bà đã bị kết án 6 năm tù sau khi nhận được cuộc gọi từ Nhà tù Nữ Hắc Long Giang thông báo rằng bà đã bị đưa đến đó. Nhà tù không cho gia đình vào thăm bà mà chỉ cho phép họ gửi tiền mặt cho bà.
Một người đàn ông ở Hắc Long Giang bị kết án bí mật vì kiên định
Ngày 27 tháng 7 năm 2019, ông Trương Quốc Hải, 50 tuổi, từng là nhân viên của Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân, đã bị cảnh sát thuộc Đồn Công an Trung Sơn bắt giữ. Nhà của ông bị lục soát. Bà Trương Thục Lan, 72 tuổi, cũng là học viên Pháp Luân Công và là hàng xóm của ông Trương cũng bị bắt giữ.
Ông Trương Quốc Hải và bà Trương Thục Lan bị đưa đến Đội An ninh Nội địa quận Tiền Tiến để thẩm vấn. Chiều hôm đó, họ bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư. Cảnh sát gấp rút trình hồ sơ của các học viên lên Viện Kiểm sát quận Hướng Dương để truy tố họ và sau đó hồ sơ đã được chuyển tiếp đến Tòa án quận Hướng Dương.
Kể từ khi ông Trương bị bắt, mọi yêu cầu thăm thân của gia đình ông đều bị từ chối. Mãi đến gần đây, gia đình ông mới biết tin ông đã bị Tòa án quận Hướng Dương kết án bí mật 4 năm tù, và theo dự kiến ông sẽ kết thúc án tù vào ngày 27 tháng 7 năm 2023.
Gia đình ông Trương cũng xác nhận rằng ông bị đưa tới đội tập huấn của Nhà tù Song Áp Sơn vào ngày 10 tháng 5 năm 2021 và bị chuyển tới Nhà tù Thái Lai vào ngày 3 tháng 6. Hiện ông đang bị giam giữ tại khu Số 16 của Nhà tù Thái Lai và vẫn không được phép gặp người nhà.
Ông Trương tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996. Vì kiên định với đức tin của mình trong cuộc bức hại, ông đã nhiều lần bị bắt giữ. Hai lần, ông bị bắt vào trung tâm tẩy não và trại lao động cưỡng bức. Trong khi bị giam giữ, ông bị sốc điện bằng dùi cui, bị đánh đập và ép ngồi trên một ghế đẩu nhỏ mà không được cử động trong nhiều giờ. Nơi làm việc đã sa thải ông và cảnh sát còn tống tiền gia đình ông một số tiền rất lớn. Không thể chịu nổi cuộc bức hại, vợ ông đã ly hôn ông. Kể từ năm 2008, ông đã buộc phải sống phiêu bạt để tránh bị bức hại và cảnh sát đã liệt ông vào danh sách truy nã vào năm 2009.
Nhiều lần bị bắt giữ
Người phụ nữ Hắc Long Giang bị kết án tù và tài sản của gia đình bị cảnh sát tịch thu
Bà Tỉnh Ngọc Hoa, 64 tuổi, một nhân viên công ty thiết bị sưởi đã nghỉ hưu đã bị cảnh sát bắt giữ bên ngoài tòa nhà căn hộ của bà vào ngày 31 tháng 8 năm 2020. Cảnh sát đã lấy chìa khóa của bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính và đồ dùng cá nhân khác.
Cảnh sát đã thẩm vấn bà tại đồn cảnh sát địa phương trước khi đưa bà đến Trại giam thành phố Giai Mộc Tư. Cảnh sát nhanh chóng đệ trình hồ sơ của bà lên Viện Kiểm sát quận Hướng Dương. Không lâu sau, cơ quan này đã truy tố bà và chuyển hồ sơ của bà tới Tòa án quận Hướng Dương.
Cuối tháng 12 năm 2020, bà Tỉnh bị đưa xét xử. Vài ngày sau, thẩm phán tuyên án bà 3,5 năm tù.
Sau khi chính quyền phát động cuộc bức hại, bà Tỉnh đã nhiều lần bị bắt vì kiên định đức tin của mình. Bà đã bị kết án lao động cưỡng bức 3 năm và bị bỏ tù cũng như chịu đựng nhiều hình thức tra tấn khác nhau bao gồm đánh đập, bức thực, tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc và bị cùm tay chân xuống sàn nhà. Để tránh bị ngược đãi, bà đã buộc phải sống xa nhà. Thay vào đó, cảnh sát đã sách nhiễu gia đình và tống tiền bà cũng như gia đình bà một số tiền lớn.
Một cư dân tỉnh Hắc Long Giang bị kết án tù vì lên tiếng cho đức tin của mình
Ngày 3 tháng 7 năm 2019, bà Lưu Xuân Tĩnh, 60 tuổi, bị bắt vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Nhà của bà bị lục soát.
Viện kiểm sát huyện Hoa Nam đã phê chuẩn lệnh bắt bà Lưu vào ngày 17 tháng 7 năm 2019 và chuyển hồ sơ của bà đến Viện Kiểm sát quận Hướng Dương vào ngày 14 tháng 10 năm 2019. Bà bị truy tố vào tháng 4 năm 2020 và bị xét xử bởi Tòa án quận Hướng Dương ngày 8 tháng 12 năm 2020. Bà đã bị kết án 4 năm tù vào giữa tháng 1 năm 2021 và đã kháng cáo.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Lưu bị bắt giữ. Vào năm 2005, bà từng bị bắt và bị kết án 2 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Tây Cách Mộc. Chỉ một năm sau khi bà được về nhà, bà lại bị bắt vào ngày 5 tháng 8 năm 2008 vì phát tờ rơi thông tin về Pháp Luân Công. Ngày 26 tháng 12 năm 2009, Tòa án huyện Hoa Nam kết án bà 4 năm tù. Bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang.
Từng bị cầm tù 5 năm, một người đàn ông ở Giai Mộc Tư lại bị kết án vì đức tin của mình
Ngày 26 tháng 7 năm 2019, ông Đoàn Nghi Pháp bị bắt giữ tại nhà. Cảnh sát đã lục soát căn hộ của ông và tịch thu nhiều kinh sách Pháp Luân Công của ông, 1 điện thoại di động, thẻ công dân và sổ hộ khẩu của ông. Họ không xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận cũng như lệnh khám xét. Gia đình ông Đoàn không nhận được thông báo tạm giam cũng như danh sách đồ vật bị tịch thu.
Cuối năm 2020, khi gia đình ông Đoàn gọi đến Tòa án quận Hướng Dương để hỏi ngày xét xử ông, thì thẩm phán cho biết rằng phiên tòa đã được tổ chức và hiện đang trong quá trình ra phán quyết. Sau đó, gia đình mới được biết là ông Đoàn đã bị kết án 5 năm tù.
Vào ngày 11 tháng 5 năm 2021, vợ ông Đoàn nhận được cuộc gọi từ Nhà tù Thái Lai thông báo với bà rằng ông Đoàn đã được chuyển đến đó.
Ông Đonà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 6 năm 1998. Sau khi chính quyền cộng sản Trung quốc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ tháng 7 năm 1999, ông từ bị kết án 5 năm tù và được trả tự do vào ngày 9 tháng 1 năm 2007.
Một giáo viên bị kết án 4 năm tù
Ông Lưu Diên Trường, 57 tuổi, là một cựu giáo viên của trường Trung học thành phố Lâm Giang, tỉnh Hắc Long Giang. Vào ngày 1 tháng 8 năm 2019, ông Lưu bị bắt giữ và nhà của ông bị lục soát. Ông đã bị kết án bốn năm tù và hiện đang bị cầm tù trong Nhà tù Thái Lai.
Ông Lưu Diên Trường
Trước lần bắt giữ này, ông Lưu từng bị bỏ tù vì phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công tại thôn Đông Hoành, thành phố Đồng Giang vào năm 2007
Người phụ nữ Hắc Long Giang bi kết án 4 năm tù vì kiên định đức tin, kháng cáo bị bác bỏ
Ngày 24 tháng 9 năm 2021, bà Vương Thục Ba, 56 tuổi, bị kết án 4 năm tù. Bà đệ đơn kháng cáo, nhưng gần đây đã bị Tòa án Trung cấp thành phố Giai Mộc Tư đã bác bỏ kháng cáo của bà.
Bà Vương Thục Ba
Ngày 20 tháng 2 năm 2021, bà Vương bị bắt tại nhà riêng sau khi cảnh sát ập vào và lục soát căn hộ đi thuê của bà. Bà đã bị đưa đến đồn công an và sau đó bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư, và hiện bà vẫn đang bị giam giữ ở đó.
Bà Vương Thục Ba, nguyên quán ở thành phố Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997. Nhờ tu luyện Pháp Luân Công mà bệnh tim của bà được chữa lành. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu từ năm 1999, bà bị bắt giữ khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị giam hai tháng. Bà được trả tự do sau khi cảnh sát tống tiền gia đình bà với số tiền 7.000 nhân dân tệ.
Vợ chồng bị kết án
Hai vợ chồng bị bắt cách nhau hai tháng vì đức tin vào Pháp Luân Công
Bà Lưu Diễm Vĩ, 50 tuổi, và chồng là ông Trương Bảo Xuân, 47 tuổi, đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 2004.
Bà Lưu Diễm Vĩ và ông Trương Bảo Xuân
Vào ngày 1 tháng 8 năm 2019, ông Trương bị bắt tại nhà và nhà cửa bị lục soát. Hai tháng sau, tức vào ngày 1 tháng 10, bà Lưu cũng bị bắt.
Ngày 10 tháng 1 năm 2020, ông Trương bị kết án 4,5 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Thái Lai. Trong khi đó, bà Lưu bị kết án 5 năm tù sau phiên xét xử diễn ra vào ngày 17 tháng 12 năm 2020. Bà đã yêu cầu được đệ đơn kháng cáo, nhưng không rõ liệu bà có được phép hay không.
Cảnh sát bắt giữ một người đàn ông 44 tuổi sau khi bắt vợ ông trước đó vài ngày
Ông Khâu Bách Thành, 44 tuổi, bị bắt giữ tại cửa hàng của ông vào trưa ngày 18 tháng 9 năm 2020. Xe ô tô của ông bị tịch thu. Bà Định Thục Diễm vợ ông, đã bị bắt trước đó. Cả hai đều bị giam tại trại tạm giam Giai Mộc Tư.
Năm 2021, hồ sơ của họ được trình lên Tòa án quận Hướng Dương. Ông Khâu bị kết án 3 năm tù và tiếp tục bị giam tại trại tạm giam Giai Mộc Tư; bà Đinh bị kết án 3 năm quản thúc tại gia và đã được trả tự do.
Bị bắt tập thể
Bị kết án 3,5 năm tù vì đọc sách Pháp Luân Công
Ngày 4 tháng 1 năm 2022, Tòa án quận Hướng Dương thông báo cho gia đình của bà Lưu Kim Bình 41 tuổi, rằng bà đã bị kết án 3,5 năm tù và bị phạt 15.000 nhân dân tệ.
Bà Lưu Kim Bình
Ngày 14 tháng 5 năm 2021, bà Lưu bị bắt giữ tại nhà trong khi đang học các bài giảng của Pháp Luân Công cùng với 4 học viên khác, trong đó có mẹ của bà. Nhà của bà bị lục soát, kinh sách Pháp Luân Công, máy in và một bức ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công đã bị tịch thu. Bà bị cảnh sát đánh đập và bị thẩm vấn, sau đó bị đưa đến trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư. Ba học viên khác được trả tự do trong ngày.
Tháng 8 năm 2021, hồ sơ của bà Lưu được chuyển tới Tòa án quận Hướng Dương.
Bà bị đưa ra xét xử vào ngày 31 tháng 12 năm 2021 và bị tuyên án vào ngày 4 tháng 1 năm 2022.
Một phụ nữ ở Hắc Long Giang bị kết án tù vì kiên định đức tin
Bà Lưu Lệ Kiệt, 52 tuổi, là một cựu giáo viên ở thành phố Giai Mộc Tư, từng bị bức hại vì phơi bày sự tàn bạo của cảnh sát vào năm 2014.
Bà Lưu Lệ Kiệt
Ngày 14 tháng 10 năm 2020, bà Lưu bị cảnh sát theo dõi khi bà đi đến nhà của bà Đổng Thục Hiền (92 tuổi) để họp mặt. Khoảng 3 giờ chiều, cảnh sát xông vào và bắt giữ 9 học viên Pháp Luân Công tại buổi họp mặt, gồm bà Đổng, bà Lưu, bà Vu Tú Lan, (mẹ của bà Lưu, 79 tuổi), bà Thiện Ngọc Cầm (74 tuổi), bà Thái Vinh, bà Trương Thục Hoa, bà Thôi Thắng Vân, bà Lý Tú Vinh và bà Tần Ngọc Trân (5 học viên này ở độ tuổi 50 – 60). Ông Wang Xu (chồng bà Lưu), không phải là học viên Pháp Luân Công, chỉ đưa bà đến đó nhưng cũng bị bắt. Mặc dù bà Lưu sớm được tại ngoại sau khi có kết quả khám sức khỏe không đạt, nhưng cảnh sát vẫn liên tục sách nhiễu bà qua điện thoại.
Đầu tháng 9 năm 2021, cảnh sát trình hồ sơ của bà lên Viện Kiểm sát quận Hướng Dương. Sau đó công tố viên ban hành lệnh quản thúc bà tại gia trong 6 tháng.
Lúc đầu, Tòa án quận Hướng Dương lên lịch xét xử bà Lưu vào ngày 24 tháng 9 năm 2021, sau đó hoãn đến ngày 28 tháng 8 nhưng lại hủy một lần nữa. Trong quá trình này, chủ tọa Tống Đào đã nhiều lần cản trở người bào chữa gia đình (không phải là luật sư) đại diện cho bà trước tòa.
Luật sư của bà Lưu thông báo cho tòa biết rằng phiên tòa theo lịch mới vào ngày 12 tháng 10 không phù hợp với lịch làm việc của ông. Tuy nhiên, chủ tọa Tống Đào đã bác bỏ yêu cầu đổi ngày xét xử khác, đồng thời ông ta đã chỉ định một luật sư khác đại diện cho bà Lưu.
Ngày 4 tháng 11, cảnh sát trưởng thông báo cho bà Lưu và gia đình rằng thẩm phán Tống Đào đã thừa nhận phiên tòa ngày 12 tháng 10 là không có giá trị bởi vì luật sư của bà Lưu không có mặt. Ông ta đã sắp xếp phiên tòa khác vào ngày 16 tháng 11 và bà Lưu có thể yêu cầu luật sư của bà tham dự.
Sau khi thảo luận với bà Lưu, luật sư đồng ý là ông sẽ không tham dự phiên tòa bởi vì thẩm phán Tống Đào đã vi phạm thủ tục pháp lý và không có lý nào để ông tham dự phiên tòa này. Thay vào đó, ông sẽ tìm công lý cho bà bằng cách khác.
Trong suốt phiên tòa ngày 16 tháng 11, bà Lưu giữ im lặng để phản đối bức hại. Chủ tọa đe dọa sẽ kết án nặng đối với bà nếu bà không hợp tác.
Một ngày sau phiên tòa, thẩm phán Tống Đào đã ra phán quyết kết án bà Lưu 3,5 năm tù và phạt 15.000 nhân dân tệ.
Bà Lưu đã kháng cáo nhưng Tòa án Trung cấp Giai Mộc Tư vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu.
Đối mặt với truy tố
Hai học viên Pháp Luân Công đối diện với truy tố vì kiên định đức tin
Ngày 8 tháng 8 năm 2021, bà Tả Thành Hoa, 60 tuổi, bà Đồ Tú Hà, 59 tuổi và một học viên khác bị cảnh sát thuộc Đồn Công an Nông trường Thắng Lợi bắt giữ vì nói với mọi người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Hồ sơ của họ được chuyển đến Công an Kiến Tam Giang, bởi từ trước đến nay Đồn Công an Nông trường Thắng Lợi chưa từng xử lý vụ án Pháp Luân Công
Nhà của các học viên bị lục soát và họ bị giam trong 15 ngày tại trại tạm giam Đồng Giang.
Ngày 24 tháng 8 năm 2021, người học viên thứ ba được trả tự do trong khi bà Tả và bà Đồ bị đưa đến trại tạm giam huyện Hoa Nam, sau đó bị chuyển đến trại tạm giam Giai Mộc Tư. Lệnh bắt giữ các học viên được phê chuẩn vào ngày 3 tháng 9. Sau đó, hồ sơ của họ được trình lên Tòa án Kiến Tam Giang.
Hai học viên này vẫn đang bị giam tại trại tạm giam Giai Mộc Tư và hiện phải đối mặt với sự truy tố.
Được trả tự do trong năm 2022
Sau gần 9 tháng bị tạm giam, ba cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang bị kết án tù vì đức tin của mình.
Ngày 1 tháng 7 năm 2020, bà Lý Tố Hiền, 72 tuổi, bà Hứa Diễm Bình, 61 tuổi và bà Tả Anh, 57 tuổi, bị bắt giữ sau khi có người tố giác họ dán thông tin về Pháp Luân Công tại một ngôi làng. Cảnh sát đã lục soát nhà của họ và tịch thu nhiều sách Pháp Luân Công và máy tính.
Bà Lý Tố Hiền
Bà Tả và bà Hứa bị giam tại trại tạm giam Giai Mộc Tư trong khi bà Lý được tại ngoại sau khi trại giam từ chối tiếp nhận bà do tình trạng cao huyết áp. Vào ngày 7 tháng 8, cảnh sát cho quản thúc bà tại nhà.
Ngày 12 tháng 11 năm 2020, Viện Kiểm sát quận Hướng Dương đã truy tố ba học viên. Đến ngày 20 tháng 12, luật sư của bà Tả và bà Lý được thông báo rằng phiên xét xử sẽ được tổ chức vào ngày 31 tháng 12 năm 2020, nhưng sau đó đã hoãn đến ngày 18 tháng 3 năm 2021.
Bà Lý bị kết án 2 năm và 3 tháng tù, bà Tả 1 năm và 10 tháng tù, và bà Hứa 1 năm và 8 tháng tù. Họ còn bị phạt mỗi người 5.000 nhân dân tệ. Các học viên đều đã kháng cáo.
Nhà cầm quyền cố gắng giam bà Lý sau phiên tòa nhưng trại tạm giam Giai Mộc Tư từ chối tiếp nhận bà do tình trạng sức khỏe của bà không đảm bảo.
Cuối tháng 7 năm 2021, Tòa án Trung cấp thành phố Giai Mộc Tư thông báo quyết định giữ nguyên phán quyết ban đầu của các học viên.
Ngày 6 tháng 8 năm 2021, bà Lý bị bắt giam lại tại trại tạm giam Hoa Nam. Bà Tả và bà Hứa bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư kể từ khi bị bắt, và đã bị chuyển đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang vào ngày 11 tháng 8.
Ngày 27 tháng 12 năm 2021, gia đình Lý nhận được thông báo từ Nhà tù Nữ Hắc Long Giang cho biết bà Lý đã được chuyển đến cơ sở này.
Bà Tả và bà Hứa sẽ được trả tự do trong năm 2022.
Ông Lý Thiệu Chí, 59 tuổi, từng là công nhân Xí nghiệp Khai thác Than thành phố Giai Mộc Tư bị bắt giữ vào ngày 22 tháng 9 năm 2017. Nhà của ông bị lục soát và ông bị kết án 5 năm tù vào ngày 10 tháng 5 năm 2019. Ông bị đưa đến Nhà tù Trường Xuân.
Ông Lý Thiệu Chí
Ông Lý Thiệu Chí bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 8 năm 1998. Trước lần bị án tù này, ông Lý từng thụ án 5 năm tù từ năm 2006 đến năm 2011 cũng vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/19/436995.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/13/199167.html
Đăng ngày 07-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.