Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 22-01-2020] Một cư dân ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án năm năm tù vì treo một biểu ngữ có nội dung về Pháp Luân Công.
Đây là lần thứ năm bà Triệu Quế Anh bị bắt giữ kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999. Trước đó, bà bị giam giữ một năm tại một trại lao động cưỡng bức vì tìm công lý cho một học viên khác. Gia đình bà cũng bị sách nhiễu và sự thăng tiến của người con lớn cũng bị hủy hoại vì bà không từ bỏ đức tin của mình.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân, giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Trong suốt 20 năm qua ở Trung Quốc, môn tu luyện này đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại.
Lĩnh án năm năm tù vì treo một tấm biểu ngữ
Hai nhân viên chính phủ đã đưa bà Triệu tới đồn cảnh sát địa phương sau khi có người tố cáo bà treo một biểu ngữ vào ngày 18 tháng 3 năm 2019. Lệnh bắt giữ bà được phê chuẩn sau đó 15 ngày.
Cảnh sát đã trình vụ việc của bà Triệu lên Viện Kiểm sát Thành phố Giai Mộc Tư nhưng đã bị gửi trả vì thiếu chứng cứ. Cảnh sát đã ngụy tạo thêm bằng chứng rồi trình vụ việc của bà lên một viện kiểm sát khác. Viện kiểm sát này sau đó đã truy tố bà Triệu và trình vụ việc của bà lên Tòa án Quận Hướng Dương vào ngày 28 tháng 8.
Hai người thân của bà Triệu đã bị đưa vào danh sách nhân chứng truy tố mà họ không hề hay biết.
Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, cảnh sát hay các công tố viên thường lừa gạt thân nhân của các học viên nhằm khiến họ phải cung cấp thông tin. Sau đó, họ ghi lại những gì mà người thân của các học viên đã nói vào biên bản lời khai mà không có sự đồng thuận của họ.
Bà Triệu bị đưa ra xét xử vào ngày 5 tháng 11 ở bên trong Trại tạm giam Gai Mộc Tư. Bà đã không nhận tội.
Hai tuần sau đó, Tòa án Quận Hướng Dương đã thông báo cho gia đình bà Triệu qua tin nhắn điện thoại di động về bản án năm năm tù của bà cùng mức phạt 20.000 Nhân dân tệ. Nhân viên tòa án đã từ chối tiếp gia đình bà Triệu khi họ đến để hỏi về vụ việc của bà. Bà Triệu đã kháng án.
Các lần bắt giữ trước đó
Bà Triệu, 67 tuổi, từng là nhân viên kế toán ở thành phố Giai Mộc Tư. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bà đã khỏi các bệnh về tim, phụ khoa, các vấn đề về dạ dày và suy nhược thần kinh. Thay vì phải hao tổn hết các khoản tiền tiết kiệm để chi trả viện phí thì bà đã có thể tiếp tục làm việc và trợ giúp gia đình.
Tuy nhiên, việc mưu cầu một cuộc sống khỏe mạnh của bà đã tiêu tan khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999. Bà đã bị bắt giữ nhiều lần vì kiên định đức tin của mình.
Ba lần bắt giữ đầu tiên
Lần bắt giữ đầu tiên diễn ra vào năm 2005 khi bà đang nói chuyện với người dân về lý do vì sao cuộc bức hại này là sai trái. Trước khi để bà đi, bốn nhân viên cảnh sát đã tống tiền gia đình bà 2.000 Nhân dân tệ rồi chia nhau số tiền đó.
Lần bắt giữ thứ hai cũng trong tình huống tương tự (dù vậy, thời điểm bắt giữ vẫn đang được điều tra). Một cảnh sát đã từ chối thả bà Triệu cho tới khi gia đình bà đưa cho anh ta 5.000 Nhân dân tệ tiền mặt.
Bà Triệu bị bắt giữ lần thứ ba vào ngày 5 tháng 4 năm 2010. Bà đã tuyệt thực trong thời gian bị giam giữ tại trại tạm giam Nam Xóa. Bà bị bức thực hai lần. Lính canh Tưởng Ngọc Dân đã đá bà Triệu mạnh đến mức khiến bà bị thương nghiêm trọng. Đến tận 10 ngày sau, bà Triệu mới được thả.
Vì giúp đỡ một học viên mà bị bắt giữ lần thứ tư
Bà Mã Xuân Lợi, một học viên Pháp Luân Công địa phương khác, đã bị kết án hai năm tại một trại lao động cưỡng bức vì không từ bỏ đức tin của mình. Bà Mã bị liệt sau khi bị tra tấn tại Trung tâm Phục hồi Chức năng Cáp Nhĩ Tân, để lại cậu con trai nhỏ không có người chăm sóc. Cháu buộc phải bỏ học để kiếm sống.
Lo lắng về tình cảnh nghiêm trọng của mẹ con bà Mã, ngày 22 tháng 6 năm 2010, bà Triệu đã cùng con trai bà Mã tới Đồn Cảnh sát Giai Đông để yêu cầu trả tự do cho bà Mã.
Trưởng Đồn Cảnh sát Phùng Khải Đông không hề màng đến tới những khó khăn của bà Mã và còn liên tục chất vấn bà Triệu: “Ai đã bảo bà đến đây? Bà sống ở đâu? Hãy giao nộp lại hết các sách Pháp Luân Công của bà!” Ông ta đã tát bà Triệu nhiều lần cho tới khi bà choáng váng và đứng không vững. Khi bà cần sử dụng nhà vệ sinh, trong khi bà còn chưa kịp kéo quần lên thì ông ta đã đạp tung cửa nhà vệ sinh để làm bẽ mặt bà.
Sau đó, cảnh sát đã bắt giữ bà Triệu và xử bà một năm lao động cưỡng bức. Bà bị bức thực và tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc trong thời gian bị giam giữ tại trại tạm giam Giai Mộc Tư. Sau khi bà Triệu bị chuyển tới Trung tâm Cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân để thụ án lao động cưỡng bức vào ngày 11 tháng 8 năm 2010, bà vẫn còn rất yếu do bị tra tấn tại trại giam. Bà cứ ăn vào bất kể thứ gì liền nôn ra. Mặc cho sức khỏe của bà vẫn còn yếu, các lính gác vẫn cố ép bà phải từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà kiên quyết không kí tên vào bản tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, một lính canh đã dùng tên của bà để ký vào đó. Họ còn tiếp tục bắt bà phải chịu đựng nhiều hình thức ngược đãi khác nữa.
Ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần
Bà Triệu đã bị đưa vào biệt giam vì nhắc nhở những học viên khác không được tin vào những tuyên truyền tẩy não mà lính canh truyền phát. Để trả thù, các lính canh đã bắt bà phải ngồi yên 17 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên một chiếc ghế cao hơn 15 cm. Mặt ghế có sọc nổi khiến áp lực dồn rất nhiều lên mông. Cuối cùng, phần mông của bà trở nên bầm tím và thịt bị nứt ra.
Thức ăn bà được cấp rất ít và mất vệ sinh. Bà Triệu luôn bị đói nhưng quản lý nhà tù đã ngăn cấm bà không được mua thêm thức ăn tại cửa hàng trong trung tâm cai nghiện.
Bà còn bị hạn chế thời gian sử dụng nhà vệ sinh. Điều này tạo thành khó khăn đối với bà Triệu vì chế độ ăn của bà ở đây khiến bà bị táo bón nghiêm trọng. Cứ khi nào hết thời gian sử dụng nhà vệ sinh, lính canh liền lôi bà ra khỏi nhà vệ sinh, bất kể là bà đã dùng xong hay chưa.
Lính canh cho phép bà Triệu gọi điện về nhà một năm ba lần nhưng đã nhiều lần từ chối yêu cầu được vào thăm trực tiếp của gia đình bà. Luật sư cũng bị từ chối vào gặp bà Triệu.
Lao động cưỡng bức và bản án bị kéo dài tùy tiện
Quản lý của trung tâm cai nghiện đã bắt những người bị giam giữ đóng gói tăm và ống hút trong nhiều giờ mỗi ngày mà không trả tiền công cho họ. Bà Triệu đã nói với một đội trưởng rằng bà không thể hoàn thành khối lượng công việc đó bởi tình trạng sức khỏe yếu. Đội trưởng này đã không phản đối và bảo bà cố gắng có thể làm được nhiều đến đâu thì làm. Đến cuối tháng, thời hạn của bà bị kéo dài thêm một ngày bởi vì bà đã không hoàn thành chỉ tiêu công việc. Bà phản đối và bị đưa vào biệt giam và tại đó bà phải hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu công việc mỗi ngày rồi mới có thể ngủ.
Một lần khác, bà Triệu đã từ chối viết những bài viết phỉ báng Pháp Luân Công theo yêu cầu của quản lý trung tâm. Lính canh đã kéo dài bản án của bà thêm hai ngày.
Việc liên tục phải lao động không công nhiều giờ trong tình trạng thức ăn vô cùng đói kém và áp lực tinh thần cực độ đã gây tổn hại đến sức khỏe của bà Triệu. Bà thường xuyên bị chóng mặt, mẫn cảm với ánh sáng, mệt mỏi và không thể tự đi lại. Quản lý của trung tâm cai nghiện đã từ chối điều trị cho bà Triệu dù cho bà đã yêu cầu được giúp đỡ.
Thời điểm bà Triệu được thả, em trai bà đã phải cõng bà trên lưng khi họ rời khỏi trung tâm cai nghiện.
Bị sách nhiễu vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân
Bà Triệu đã viết lại chi tiết những gì đã phải chịu đựng trong suốt những năm bị bức hại và đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Bà đã nộp đơn kiện lên Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án Tối cao vào năm 2015.
Hai người đàn ông từ chối tiết lộ danh tính đã tìm thấy bà Triệu và sách nhiễu bà về đơn kiện của bà vào tháng 7 năm 2015.
Bài viết liên quan bằng tiếng Anh:
Zhao Guiyin Detained at Heilongjiang Provincial Drug Rehabilitation Forced Labor Camp
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/22/399641.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/13/183223.html
Đăng ngày 11-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.