Bài viết của một phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 02-08-2023] Ngày 20 tháng 7 năm 2023 ghi dấu 24 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công tại 44 quốc gia đã đệ trình một bản danh sách thủ phạm bổ sung lên chính phủ nước sở tại của họ nhằm hối thúc chính phủ truy cứu trách nhiệm của những cá nhân này trong cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đã yêu cầu chính phủ của họ cấm những thủ phạm và thành viên gia đình của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.
Trong số những thủ phạm bị liệt kê có Đàm Tôn Hoa và Y Kiến Dân, hai giám đốc của Cục quản lý nhà tù Hắc Long Giang.
Thông tin thủ phạm:
Họ và tên: Đàm Tôn Hoa (谭尊华)
Giới tính: Nam
Ngày tháng năm sinh: tháng 11 năm 1962
Nơi sinh: không rõ
Đàm Tôn Hoa
Họ và tên: Y Kiến Dân (伊建民)
Giới tính: Nam
Ngày tháng năm sinh: tháng 4 năm 1968
Nơi sinh: không rõ
Y Kiến Dân
Vị trí và chức vụ
Đàm Tôn Hoa
9/2021 – hiện nay: Thanh tra cấp I của Cục quản lý Nhà tù Hắc Long Giang
4/2019 – 8/2021: Ủy viên Đảng ủy Sở Tư pháp, Phó Giám đốc Đảng ủy Cục Quản lý trại giam tỉnh.
12/2015 – 4/2019: Ủy viên Đảng ủy Sở Tư pháp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù Hắc Long Giang
8/2011 – 12/2015: Ủy viên Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù Hắc Long Giang
Y Kiến Dân
14/9/2021 – hiện nay: Ủy viên Đảng ủy Sở Tư pháp tỉnh Hắc Long Giang, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù Hắc Long Giang
15/01/2023 – hiện nay: Phó Giám đốc Ủy ban Pháp luật và Xã hội của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Hắc Long Giang
Các chức vụ trước đây: Phó Trưởng đoàn Thanh tra Kỷ luật Sở Tư pháp tỉnh Hắc Long Giang, Trưởng Đoàn Thanh tra kỷ luật của Nhật báo tỉnh Hắc Long Giang, Ủy viên Đảng bộ của Nhật báo Hắc Long Giang.
Tội ác chính
Hắc Long Giang là một trong những tỉnh có cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc. Hiện tại, có 18 nhà tù thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý Nhà tù tỉnh Hắc Long Giang, trong đó Nhà tù Nữ Hắc Long Giang, Nhà tù Thái Lai, Nhà tù Hồ Lan, Nhà tù Mẫu Đơn Giang, Nhà tù Đại Khánh và Nhà tù Giai Mộc Tư nổi tiếng bởi số lượng lớn các trường hợp bị bức hại.
Trong thời gian giữ chức vụ giám đốc Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Hắc Long Giang, Đàm Tôn Hoa (tháng 4 năm 2019 – tháng 8 năm 2021) và Y Kiến Dân (tháng 9 năm 2021 – hiện nay) đã kiểm soát toàn bộ hệ thống nhà tù cấp tỉnh và tiếp tay cho việc bức hại các học viên.
Theo thông tin có được, trong thời gian Đàm Tôn Hoa đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau tại Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Hắc Long Giang, từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 8 năm 2021, ít nhất 25 học viên Pháp Luân Công đã chết trong tù hoặc ngay sau khi được thả. Những học viên bị hại bao gồm bà Lý Quế Nguyệt (2021), bà Tô Vân Hà (2021), bà Vương Phương (2020), bà Dương Lập Hoa (2019), bà Lý Tú Cần (2018), bà Triệu Xuân Diễm (2018), bà Vương Thái Vân (2018), bà Sắc Quế Vinh (2018), bà Dương Thụy Cần (2016), bà Triệu Bích Húc (2012), ông Lã Quan Như (2021), ông Vương Phụng Thần (2020), ông Lã Thụ Bân (2018), ông La Tỉnh Sơn (2018), ông Chu Kim Thụy (2014), ông Lý Hồng Khuê (2012) và ông Tôn Thiệu Dân (2012).
Trong nhiệm kỳ của Y Kiến Dân, từ tháng 9 năm 2021 tới tháng 5 năm 2023, có ít nhất 7 học viên đã qua đời vì bị tra tấn, bao gồm bà Đằng Thục Lệ (2023), bà Phí Thục Cần (2023), bà Trương Xuân Úc (2022), ông Cát Chấn Hoa (2022), ông Trương Diệu Minh (2022), ông Lý Dân (2022), và ông Chung Quốc Toàn (2022).
Các hình thức tra tấn phổ biến trong các nhà tù
Nhà tù Hô Lan
Từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, Ngụy Ngọc Xuyên, tân giám đốc Nhà tù Hô Lan, và Đặng Hiểu Canh, giám đốc khu cải huấn, đã ra lệnh giám sát chặt chẽ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Họ buộc các học viên phải ngồi trên những chiếc ghế nhỏ suốt cả ngày và không cho phép gia đình họ đến thăm. Quản lý nhà tù cũng ra lệnh cho các học viên từ bỏ đức tin của mình và những ai không chịu tuân theo sẽ bị tra tấn tàn bạo.
Vì ông Cù Diên Lai từ chối mặc đồ tù nhân nên lính canh đã trùm đầu, còng tay và biệt giam ông. Ông đã tuyệt thực để phản đối trong 15 ngày và bị bức thực trong 10 ngày.
Nhà tù Thái Lai
Nhà tù Thái Lai được các quan chức cấp tỉnh sử dụng làm điểm tập trung để bức hại các học viên. Những học viên từ chối từ bỏ Pháp Luân Công ở các nhà tù khác thường được chuyển đến Nhà tù Thái Lai. Ở đó, họ phải chịu sự tra tấn trong thời gian dài và áp lực nặng nề từ cai ngục và tù nhân.
Sau khi đến nhà tù này, các học viên bị ép phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Người nào từ chối viết sẽ phải chịu nhiều hình thức tra tấn như bị treo lên, đứng im hoặc ngồi xổm trong thời gian rất dài, cấm ngủ, đổ nước đá vào cổ họng, bị bắt đứng trong nước đóng băng vào mùa đông, biệt giam, ghế cọp, cùng nhiều hình thức tra tấn khác.
Nhà tù Nữ Hắc Long Giang
Nhà tù Nữ Hắc Long Giang là nhà tù nữ duy nhất trong tỉnh và là một trong những nhà tù có số học viên Pháp Luân Công bị cầm tù cao nhất ở Trung Quốc. Theo thông tin nhận được, tính đến tháng 12 năm 2021, có ít nhất 37 học viên Pháp Luân Công đã qua đời bởi sự bức hại tàn khốc của nhà tù này. Ước tính có khoảng 90% học viên bị giam giữ tại đây bị tàn tật, trong đó có nhiều người bị tổn thương vĩnh viễn về thể chất.
Tại Nhà tù Nữ Hắc Long Giang, các học viên Pháp Luân Công phải chịu nhiều hình thức đối xử vô nhân đạo. Những hành vi tra tấn dã man và ngược đãi thường xuyên này đã dẫn đến hàng loạt những tổn thương về thể chất lẫn tinh thần.
Tái hiện cảnh tra tấn
Các hình ảnh minh họa ở trên cho thấy một số hình thức tra tấn được sử dụng trong nhà tù này, gồm có ghế cọp, đánh đập dã man, giường chết (hoặc giường kéo căng), sốc điện, còng tay treo lơ lửng trên không, bức thực, và tiêm thuốc độc.
Các phương pháp tra tấn khác thường được sử dụng bao gồm: treo lên cao, còng tay trong tư thế đau đớn, phơi mình dưới thời tiết khắc nghiệt, buộc ngồi im trên một chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ, cấm ngủ, tấn công tình dục, đâm kim vào mặt hoặc các bộ phận nhạy cảm. Đôi khi các tù nhân làm nhục các học viên bằng cách nhét giẻ rách, giẻ lau sàn bẩn, tất hôi và quần lót vào miệng họ.
Một số trường hợp tử vong
Người phụ nữ 53 tuổi tử vong trong tù khi đang thụ án 7 năm vì kiên định đức tin của mình
Bà Đằng Thục Lệ ở thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang, qua đời vào ngày 10 tháng 1 năm 2023 khi đang thụ án bảy năm tù giam, hưởng thọ 53 tuổi.
Bà Đằng bị bắt cóc vào ngày 12 tháng 10 năm 2020 và bị kết án bảy năm tù cùng khoản tiền phạt 80.000 nhân dân tệ vào ngày 2 tháng 6 năm 2021. Sau khi bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang vào năm 2021, hàng ngày bà bị ép phải xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Bà bị cấm ngủ và buộc phải ngồi im trên một chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ. Nỗi đau về tinh thần và thể chất đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà Đằng. Bà ăn rất ít và trở nên gầy yếu hốc hác. Bà phát hiện có một khối u ở bụng khiến bà bị chảy máu nghiêm trọng mỗi khi đại tiện.
Bà Đằng yếu đến mức phải nằm liệt giường. Bà không thể ngồi dậy ngay cả khi lính canh đến kiểm tra phòng giam. Những tù nhân cùng phòng giam lo sợ rằng bà có thể qua đời bất cứ lúc nào. Sau đó, bà được phát hiện mắc bệnh ung thư gan và trực tràng giai đoạn cuối.
Nhà tù đã nhiều lần từ chối yêu cầu thăm nom của chồng bà. Họ cũng từ chối yêu cầu bảo lãnh tại ngoại để chữa bệnh ngay cả khi bà Đằng đang nguy kịch.
Ông Cát Chấn Hoa ở Thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã chết trong tù vào ngày 22 tháng 10 năm 2022, hưởng thọ 67 tuổi.
Ông Cát bị bắt ngày 20 tháng 6 năm 2016 vì treo các biểu ngữ về Pháp Luân Công và phát tặng tài liệu chân tướng cho người dân. Ngày 2 tháng 12 năm 2016, Tòa án Thành phố Thượng Chí đã kết án ông Cát 12 năm tù giam cùng mức phạt 50.000 Nhân dân tệ. Ông đã gửi kháng cáo tới Tòa án Trung cấp Thành phố Thượng Cát. Tuy nhiên, tòa trung cấp vẫn giữ nguyên bản án nhưng giảm xuống còn bảy năm tù giam cùng mức phạt 30.000 Nhân dân tệ.
Kể từ khi đại dịch nổ ra vào năm 2020, chính quyền Nhà tù Hô Lan đã ra lệnh giám sát nghiêm ngặt các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Họ buộc các học viên ngồi trên những chiếc ghế nhỏ suốt cả ngày và không cho gia đình họ tới thăm. Những ai không nghe lời sẽ bị tra tấn dã man.
Gia đình ông Cát được nhà tù thông báo vào đầu tháng 10 năm 2022 rằng ông bị đột quỵ và đang được điều trị trong bệnh viện. Nhà tù đã yêu cầu gia đình ông chi trả toàn bộ chi phí y tế, hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi ngày. Gia đình không đủ khả năng chi trả nên nhà tù buộc họ phải ký [biên bản] ngừng điều trị. Ông Cát đã qua đời vào ngày 22 tháng 10.
Một người phụ nữ tử vong ở trong tù ngay trước khi mãn hạn tù hai ngày
Bà Tô Vân Hà ở Thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã chết trong tù, hai ngày trước khi mãn hạn bản án 5 năm tù giam vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Tô bị bắt vào ngày 7 tháng 9 năm 2016, sau khi bị tố cáo phổ biến cho mọi người về Pháp Luân Công trên phố. Để giải cứu bà, người chồng nằm liệt giường của bà, với sự giúp đỡ của cháu gái, đã đến đồn cảnh sát trên chiếc xe lăn nhưng bị chặn bên ngoài.
Viện Kiểm sát Quận Đạo Ngoại đã truy tố bà Tô vào ngày 27 tháng 10. Tòa án Quận Đạo Ngoại đã kết án bà 5 năm tù giam cùng 10.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 31 tháng 3 năm 2017.
Theo dự kiến, bà Tô sẽ được thả khỏi Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 6 tháng 9 năm 2021, nhưng bà đã bị bức hại đến chết hai ngày trước đó, trước khi bà có thể trở về nhà để đoàn tụ với gia đình, hưởng thọ 67 tuổi.
Bị đánh đập hàng ngày trong suốt 5 năm thụ án, người phụ nữ đã chết sau khi được thả một năm
Sau nhiều vụ bắt bớ, cưỡng bức lao động, tù đày và tra tấn vì đức tin vào Pháp Luân Công, bà Lý Quế Nguyệt, một cư dân ở huyện Y Lan, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời vào ngày 6 tháng 8 năm 2021 ở tuổi 52.
Bà Lý bị bắt vào tháng 5 năm 2015 vì đã phát tặng các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và bị kết án 5 năm tù giam. Tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang, bà thường xuyên bị đánh đập, buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong thời gian dài, và bị xúc phạm lăng mạ hàng ngày.
Khi được thả vào ngày 16 tháng 5 năm 2020, bà Lý gầy yếu hốc hác, trông khó có thể nhận ra. Bà bị đau đớn toàn thân thể, yếu cơ, thẫn thờ và mất cảm giác thèm ăn.
Một năm sau khi được thả, đôi khi bà đột nhiên thức dậy vào nửa đêm, sợ hãi run rẩy nói lầm bầm với chính mình. Thỉnh thoảng, bà không ngồi ăn cùng gia đình mà lại mang bát ăn cơm của mình sang một góc, ngồi xổm trên mặt đất rồi cúi đầu lặng lẽ ăn. Bà thường nói với chính mình “Họ đã đánh tôi mỗi ngày! Họ đánh tôi mỗi ngày! ” Bà lo lắng và sợ hãi nhìn xung quanh với đôi mắt đầy vẻ u uất. Gia đình bà nghi ngờ rằng bà đã bị tiêm thuốc độc khi còn ở trong tù, gây ra những tổn thương không thể vãn hồi cho thể chất và tinh thần của bà.
Sau một năm đau yếu bệnh tật, bà Lý đã qua đời vào ngày 6 tháng 8 năm 2021, ở tuổi 52.
Người đàn ông 69 tuổi đột ngột qua đời khi đang thụ án tù
Ông Lữ Như Quan, ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt cóc vào ngày 9 tháng 11 năm 2018. Trong khi ông đang bị giam giữ trog Trại tạm giam Thành phố Đại Khánh, cảnh sát đã thẩm vấn ông, buộc ông phải đeo cùm và đứng trong nhiều giờ. Khi ông Lữ tuyệt thực để phản đối sự bức hại, lính canh đã bức thực ông khiến ông nôn ra máu và suy tim. Ông nhiều lần ở bên bờ vực của cái chết và được hồi sức tại bệnh viện.
Ông Lữ bị kết án 7 năm tù giam cùng 40.000 nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 1 tháng 7 năm 2019. Ông bị chuyển tới Nhà tù Thái Lai vào tháng 11 năm 2019. Nhà tù đã ra lệnh giám sát nghiêm ngặt và biệt giam ông trong một tháng. Ông Lữ qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2021, hưởng thọ 69 tuổi.
Một giáo viên ở tỉnh Hắc Long Giang đã chết sau 2 tháng ra tù
Bà Vương Phương, một giáo viên tiểu học ở thành phố Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt cóc vào ngày 3 tháng 10 năm 2018. Tại Trại giam Lan Khê, bà đã bị tra tấn vì từ chối cung cấp danh tính cho cảnh sát. Sau khi bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố An Đạt, bà đã bị bắt phải mang những chiếc cùm nặng 24/24 giờ trong hơn 1 tháng.
Sau đó, Bà Vương bị kết án hai năm tù giam và đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang. Ở đó, bà đã bị chà đạp cả về thể chất lẫn tinh thần. Do vậy bà bị đau đầu, tê tay, mất trí nhớ, ngất xỉu và huyết áp cao.
Đầu tháng 10 năm 2020, bà Vương trở về nhà thì được biết bà đã bị Trường tiểu học Thượng Chí cho thôi việc mặc dù bà đã dạy ở đó trong suốt 30 năm. Sau hai tuần làm gia sư ở một cơ sở tư nhân để giải quyết những khó khăn tài chính, bà đã ngất xỉu tại nhà vào ngày 30 tháng 12 và được đưa đến bệnh viện. Bà được chẩn đoán mắc bệnh xuất huyết cuống não và qua đời vào ngày hôm sau, ở tuổi 54.
Một bà mẹ hai con bị đánh đến chết trong thời gian thụ án tù vì đức tin của mình
Cô Dương Lập Hoa, 43 tuổi, cư dân của thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị các tù nhân đánh chết khi đang thụ án 3 năm tù giam vì đức tin của cô vào Pháp Luân Công. Tro cốt của cô đã được đưa về bên chồng và hai con tuổi niên thiếu của họ.
Cô Dương bị bắt cóc vào ngày 17 tháng 11 năm 2017 và bị Tòa án Huyện Tôn Ngô kết án ba năm tù giam vào ngày 26 tháng 12 năm 2017. Tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang, bởi từ chối lao động không công, các tù nhân đã đánh và giẫm lên mặt cô. Ngay cả khi cô Dương đang nguy kịch, người phụ trách khu giam số tám vẫn cáo buộc cô giả vờ.
Vào ngày 5 tháng 11 năm 2019, gia đình cô Dương được nhà tù thông báo rằng cô đang trong tình trạng nguy kịch do bệnh tật. Khi chồng, anh trai và chị dâu vội vã đến bệnh viện thì cô đã qua đời.
Được trả tự do sau khi thụ án 19 năm tù vì đã chặn tín hiệu truyền hình để phát sóng các chương trình vạch trần tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công [của ĐCSTQ], ông Trương Diệu Minh đã rất gầy yếu và hốc hác. Cư dân của thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang này đã qua đời một năm sau đó, ở tuổi 59. Tro cốt của ông được đưa về cho vợ ông là bà Phạm Phượng Trân và con cái của ông bà.
Ông Vương Phụng Thần, 50 tuổi, giáo viên dạy địa lý ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt cóc vào ngày 18 tháng 1 năm 2017 cùng với vợ ông là bà Lãnh Tú Hà. Ngày 11 tháng 10 năm 2017, ông bà Vương bị kết án 4 năm tù giam cùng số tiền phạt 30.000 nhân dân tệ. Sau đó, ông Vương bị đưa đến Nhà tù Hô Lan còn bà Lãnh đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang. Trong thời gian thụ án, ông Vương đã bị ngược đãi đến mức ho và nôn ra máu. Ông qua đời tại bệnh viện vào ngày 9 tháng 8 năm 2020.
Các trường hợp bị tra tấn
Cựu cai ngục bị đánh đập dã man trong khi bị giam, lá lách bị vỡ và bị cắt bỏ
Ông Đới Khải Hồng, một cựu cai ngục, đã bị các tù nhân đánh vỡ lá lách trong khi thụ án 5 năm tù giam tại Nhà tù Hô Lan. Từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, chính quyền nhà tù đã ra lệnh giám sát chặt chẽ hơn các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Nhiều học viên bị buộc phải ngồi trên những chiếc ghế nhỏ suốt ngày mà không được cử động. Những người từ chối từ bỏ Pháp Luân Công sẽ bị biệt giam và không cho gia đình vào thăm.
Vào ngày 29 tháng 9 năm 2022, ông Đới từ chối không nhận ca gác đêm nên bị các tù nhân đánh đập. Bụng ông đau dữ dội và trở nên mất kiểm soát. Đến khoảng nửa đêm, các tù nhân kéo ông ra khỏi giường, đá vào ngực vào bụng ông và dùng giày quật vào người ông.
Ngày hôm sau, ông Đới bị đau bụng dữ dội. Mặt ông tái nhợt và ông bị sốc. Lính canh đã đưa ông đến bệnh viện và bác sỹ phát hiện ra ông bị sốc xuất huyết do bị vỡ lá lách. Vì lá lách ông bị tổn thương không thể phục hồi nên bác sĩ đã thực hiện thủ thuật để cắt bỏ nó. Ông Đới bị đưa trở lại nhà tù vào ngày 8 tháng 10.
Người phụ nữ 75 tuổi bị tra tấn đến rối loạn tâm thần trong khi thụ án 6 năm tù vì kiên định đức tin
Bà Mưu Vĩnh Hà, một giáo viên đã nghỉ hưu 75 tuổi ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần vào đầu năm nay sau khi bị ngược đãi trong tù.
Bà Mưu bị bắt cóc vào ngày 11 tháng 9 năm 2019 và bị Tòa án Quận Nhượng Hồ Lô ở thành phố Đại Khánh kết án sáu năm tù giam vào tháng 5 năm 2020. Bà đã phải chịu nhiều hình thức ngược đãi khác nhau trong thời gian thụ án tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang.
Vào một ngày tháng 8 năm 2022, bà Mưu bị đại tiểu tiện mất tự chủ và làm bẩn quần. Tù nhân Triệu Siêu đã đánh đập bà thậm tệ và dội nước lạnh vào người bà. Từ đó trở đi, bà Mưu có biểu hiện trạng thái tinh thần bất ổn. Tuy nhiên, các tù nhân và lính canh vẫn không ngừng đánh đập cho đến khi bà bị phát hiện mắc chứng rối loạn tâm thần.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/2/463674.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/18/210871.html
Đăng ngày 22-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.