Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 21-07-2023] Ngày 20 tháng 7 năm 2023 đánh dấu tròn 24 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công. Các học viên ở 44 quốc gia đã đệ trình một danh sách thủ phạm mới cho chính phủ nước sở tại kêu gọi chính phủ buộc những cá nhân này phải chịu trách nhiệm về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đề nghị chính phủ cấm thủ phạm và người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản ở nước ngoài của những người này.
Trong số những thủ phạm trong danh sách lần này có Lưu Gia Nghĩa, cựu bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông.
Thông tin thủ phạm
Họ tên đầy đủ của thủ phạm: Lưu (họ) Gia Nghĩa (tên) (刘家义)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày/năm sinh: tháng 8 năm 1956
Nơi sinh: Huyện Khai, Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên
Lưu Gia Nghĩa
Chức vụ
Tháng 8 năm 1976: Gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc
Tháng 3 năm 2008: Tổng kiểm toán và Tổng thư ký Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc
Tháng 4 năm 2017 – tháng 9 năm 2021: Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông, Trưởng ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Tỉnh Sơn Đông
Tháng 10 năm 2021: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội
Tháng 3 năm 2023 đến nay: Ủy viên Ủy ban Thường vụ kiêm Giám đốc Ủy ban Đề xuất của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc khóa 14
Các tội chính
Từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, tỉnh Sơn Đông là một trong những tỉnh dẫn đầu trong việc thi hành chính sách bức hại, số học viên bị nhắm đến ở đó cũng cao so với các địa phương khác trên toàn quốc.
Phòng 610 đã huy động lực lượng cảnh sát địa phương và các ủy ban cộng đồng để trực tiếp sách nhiễu và giám sát các học viên Pháp Luân Công cùng người nhà của họ. Một số học viên còn bị phạt một số tiền lớn và/hoặc bị đình chỉ lương hưu. Một số đã bị tra tấn tàn bạo sau khi bị bắt và hậu quả là một số học viên đã qua đời.
Trong nhiệm kỳ bốn năm làm Bí thư Tỉnh ủy, Lưu Gia Nghĩa là một trong những người chỉ huy và tổ chức cấp cao nhất trong việc giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông, ông ta cũng là người thúc đẩy chính sách bức hại.
Ngày 13 tháng 6 năm 2017, Lưu Gia Nghĩa, với tư cách là Bí thư Tỉnh Sơn Đông và là quan chức cấp cao nhất của tỉnh, đã có bài phát biểu tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 11 ở tỉnh Sơn Đông. Ông ta cho rằng an ninh của chế độ phải là ưu tiên hàng đầu và kêu gọi “trận chiến chống xâm nhập, chống gián điệp, chống chủ nghĩa ly khai, chống khủng bố và chống tà giáo”.
Ngày 23 tháng 7 năm 2018, Lưu đã chủ trì cuộc họp thứ hai của Nhóm Lãnh đạo về công tác tuyên truyền và lãnh đạo của Tỉnh ủy Sơn Đông. Tại cuộc họp, Lưu nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu là “tăng cường toàn diện sự lãnh đạo của ĐCSTQ đối với công tác tôn giáo và trấn áp mạnh tay các hoạt động truyền bá tôn giáo và tà giáo phi pháp”.
Ngày 26 tháng 1 năm 2019, tại Hội nghị Công tác Chính trị và Pháp luật của Tỉnh ủy Sơn Đông, Lưu phát biểu: “Chúng ta phải kiên quyết đặt việc duy trì an ninh chính trị quốc gia và an ninh thể chế làm nhiệm vụ cốt lõi, kiên quyết ngăn chặn sự xâm nhập, phá hoại của các thế lực thù địch nước ngoài, ngăn chặn sự truyền bá và xâm nhập của các tôn giáo, tà giáo bất hợp pháp, đồng thời tăng cường nỗ lực ngăn chặn sự hỗn loạn và làm sạch Internet.”
Lưu là tác giả của một bài bình luận trên tạp chí Nghiên cứu Xây dựng Đảng Cộng sản vào năm 2019, có tựa đề “Phấn đấu trở thành người lãnh đạo, người thực hiện và người thúc đẩy kiến thiết chính trị của Đảng Cộng sản”. Ông ta viết, “Tỉnh ủy tích cực hướng dẫn các đảng viên và cán bộ của ĐCSTQ… triển khai và thực hiện chiến dịch chống tà giáo kéo dài ba năm, với năm mục tiêu đặc biệt, trong đó có sự xâm nhập tôn giáo từ nước ngoài và các địa điểm hội họp bí mật của Cơ Đốc giáo.”
Từ ngày 11 tháng 4 đến ngày 18 tháng 6 năm 2019, Ủy ban Tỉnh ủy Sơn Đông đã tổ chức chuyến thị sát tại thành phố Bồng Lai. Sau chuyến tham quan, Thành ủy Bồng Lai đã chuyển các chỉ thị và phê bình của Lưu: “Ý kiến của đoàn kiểm tra là thành phố yếu kém trong việc trấn áp các giáo phái và tổ chức phi pháp… Để khắc phục tình hình, trước tiên thành phố phải đẩy mạnh “chuyển hóa” [tẩy não] những người chủ chốt của Pháp Luân Công cũng như các nhóm khác và liên tục giảm số người không đáng tin cậy. Thứ hai, thành phố nên tiến hành các cuộc đàn áp có mục tiêu, trong đó có chiến dịch 100 ngày chống lại Pháp Luân Công và Hội thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng để nhổ tận gốc các giáo phái và tổ chức phi pháp.”
Cuộc bức hại Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông
Cuộc bức hại năm 2017
Trong nửa cuối năm 2017, 588 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt ở Sơn Đông, có tỷ lệ cao nhất trong cả nước và chiếm 15% trong tổng số 3.973 vụ bắt giữ đã được ghi nhận. Ba học viên đã tử vong vì bị bức hại trong thời gian đó.
Cuộc bức hại năm 2018
Năm 2018, 1.006 học viên đã bị bắt và 107 người bị kết án ở tỉnh Sơn Đông, số trường hợp bị bắt giữ và số trường hợp bị kết án đều cao thứ hai trong cả nước.
Trước Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2018 tại Thanh Đảo, Tôn Khởi Sanh, bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Duy Phường, đã công khai lăng mạ Pháp Luân Công trong một cuộc họp video. Chỉ trong vòng hai tháng, 153 học viên đã bị bắt ở Duy Phường – 36 người vào tháng 4 và 117 người vào tháng 5. Nhiều học viên trong số này sau đó đã bị kết án.
Cũng trong năm 2018, ĐCSTQ đã phát động “chiến dịch chống tội phạm” trên toàn quốc và tỉnh Sơn Đông đã thực hiện “Chiến dịch bão táp”. Chiến dịch này đã dẫn đến việc 18 học viên bị bắt giữ, nhà của họ cũng bị lục soát. Số tiền mặt bị tịch thu từ các cuộc khám xét nhà vượt quá 500.000 nhân dân tệ. Ít nhất 9 học viên đã bị kết án từ bốn năm trở lên.
Ngày 18 tháng 11 năm 2018, 36 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt tại huyện Thanh Vân, thành phố Đức Châu. Người cao tuổi nhất đã hơn 80 tuổi. Trước khi tiến hành bắt giữ, cảnh sát địa phương đã bắt đầu giám sát hoạt động hàng ngày của các học viên từ tháng 7 năm 2018.
Cuộc bức hại năm 2019
Năm 2019, tỉnh Sơn Đông cũng ghi nhận sự bức hại nghiêm trọng nhất, với 124 học viên bị kết án (chiếm 15,7% tổng số học viên cả nước). 16 học viên khác đã qua đời do bị bức hại.
Trong số 12 thành phố có nhiều vụ kết án nhất cả nước, có 5 thành phố thuộc Sơn Đông, bao gồm Thanh Đảo (20 học viên), Lâm Nghi (16 học viên), Thái An (15 học viên), Duy Phường (14 học viên) và Yên Đài (14 học viên) ). 27 học viên bị kết án có độ tuổi từ 65 trở lên. 45 học viên đã bị phạt tổng cộng 641.000 nhân dân tệ, trung bình 14.244 nhân dân tệ mỗi người.
Bà Trịnh Toàn Hoa, 63 tuổi, bị bắt tại nhà vào ngày 17 tháng 7 năm 2018. Bà ra hầu tòa tại Tòa án Tức Mặc vào cuối tháng 7 năm 2019 và ba tháng sau bà bị kết án bảy năm.
Cuộc bức hại vào năm 2020
Năm 2020, hơn 2.000 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông bị bức hại dưới nhiều hình thức khác nhau, tăng 44% so với năm trước. Trong số những học viên bị bức hại, bốn người đã chết, 76 người bị kết án, 785 người bị bắt giữ (cao nhất trong cả nước), 536 người bị lục soát nhà, 985 người bị sách nhiễu, 21 người buộc phải sống xa nhà, 165 người bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não, và 108 người bị phạt.
Cuộc bức hại vào năm 2021
Vào năm 2021, hơn 2.835 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông đã bị bức hại dưới nhiều hình thức, tăng 42% so với năm trước. Trong số đó, 8 người bị bức hại đến chết, 101 người bị kết án, 964 người bị bắt giữ, 412 người bị lục soát nhà, 544 người bị giam giữ, 1.562 người bị sách nhiễu, 28 người bị buộc phải sống xa nhà, 234 người bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não và 129 người bị phạt.
Trong chiến dịch “Xóa sổ” vào năm 2021, hầu hết tất cả các học viên Pháp Luân Công trong danh sách của chính quyền đều bị sách nhiễu và bị ép viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Nếu chính quyền không thể tìm ra các học viên, người nhà cũng như những người thân của họ sẽ bị sách nhiễu.
Các trường hợp tử vong nghiêm trọng
1. Ông Tôn Phi Tiến qua đời một ngày sau khi bị bắt, thi thể ông bị cưỡng ép hỏa táng tám ngày sau đó
Ông Tôn Phi Tiến, ở huyện Mông Âm, tỉnh Sơn Đông, bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 18 tháng 6 năm 2021. Gia đình ông được thông báo về cái chết của ông vào ngày hôm sau. Phòng 610 tuyên bố rằng ông đã tự tử bằng cách nhảy từ một tòa nhà cao tầng xuống, nhưng họ không cho phép gia đình ông được khám nghiệm tử thi. Gia đình thấy ông Tôn bị mất nhãn cầu, nửa đầu và lồng ngực của ông bị lõm vào. Để che đậy tội ác, cảnh sát đã cử công an mặc thường phục đi tuần trong làng và giám sát các thành viên trong gia đình ông Tôn. Gia đình ông không được phép thuê luật sư để đi đòi công lý. Cuối cùng, gia đình buộc phải đồng ý hỏa táng thi thể ông và tiêu hủy bằng chứng về hành vi sai trái của cảnh sát.
2. Bà Lý Linh bị đánh đập dã man, tử vong 16 ngày sau khi bị bắt
Bà Lý Linh ở thành phố Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông, bị bí thư thôn và dân quân bắt giữ vào ngày 28 tháng 6 năm 2020 sau khi bị tố cáo lưu giữ tài liệu Pháp Luân Công. Bà bị đưa đến một ngôi nhà hoang ở trên núi và bị đánh đập dã man. Miệng của bà bị thương nặng và bà bị gãy mấy cái răng do bị đánh đập. Người bà đầy vết bầm tím và lồng ngực bên trái của bà bị thương. Theo một người dân làng lớn tuổi được yêu cầu trông chừng bà, một trong những dân quân đã dùng gậy đâm mạnh vào ngực bà Lý.
Tuy vậy, bà Lý vẫn không chịu từ bỏ tu luyện hay trả lời các câu hỏi. Một trong những kẻ hành hạ bà đã đưa bà ra ngoài để “xử lý”. Anh ta đá bà mạnh đến nỗi bà loạng choạng và đập hông vào một tảng đá. Sau đó trời bắt đầu đổ mưa, anh ta bắt bà đứng dưới mưa rất lâu. Bà đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi đó.
Ngày 13 tháng 7, bà Lý được đưa đến một phòng khám tư nhân để cấp cứu và được tuyên bố là đã tử vong ở tuổi 55. Thi thể của bà bị buộc phải hỏa táng ngay trong ngày. Người chồng không phải là học viên của bà không chịu nổi cú sốc đó đã tự sát bằng cách uống thuốc diệt cỏ.
3. Bà Mạnh Khánh Mai qua đời khi đang thụ án ba năm rưỡi
Bà Mạnh Khánh Mai, ở thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vào ngày 20 tháng 5 năm 2017 vì phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Sau đó, bà bị kết án ba năm rưỡi ở Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông.
Gia đình bà Mạnh nhận được cuộc gọi từ nhà tù vào khoảng ngày 13 tháng 6 năm 2020, thông báo rằng bà đang trong tình trạng nguy kịch. Họ vội vã đến bệnh viện thì bà đã qua đời. Giấy chứng tử của bà viết rằng bà chết vì suy đa tạng do mất cân bằng điện giải. Quản lý nhà tù cho biết bà Mạnh đã tuyệt thực trong 28 ngày trước khi chết, nhưng họ phủ nhận việc bức thực hay tra tấn bà.
Gia đình bà Mạnh yêu cầu đưa thi thể của bà về huyện Thiện, tỉnh Sơn Đông, nơi bà sinh sống để hỏa táng, nhưng chính quyền từ chối điều đó. Họ buộc phải hỏa táng bà Mạnh ở Tế Nam và đưa tro cốt của bà về nhà vào ngày 16 tháng 6.
4. Bà Lý Trường Phương tử vong trong hoàn cảnh đáng ngờ trong bệnh viện nhà tù
Bà Lý Trường Phương ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vào ngày 23 tháng 10 năm 2018. Bà bị kết án hai năm rưỡi tù giam và bị phạt 10.000 nhân dân tệ vào ngày 27 tháng 3 năm 2019.
Bà Lý bắt đầu bị đau bụng vào tháng 6 năm 2019 khi đang bị giam trong Nhà tù Thành phố Lâm Nghi. Sau đó, cơn đau lan xuống hông và chân bà. Ngay sau khi bà nhập viện vào ngày 6 tháng 7, các bác sỹ đã phẫu thuật cho bà mà không có sự đồng ý của gia đình bà. Sau cuộc phẫu thuật, bà vẫn hôn mê và hai mắt của bà bị dán băng keo suốt thời gian đó. Các bác sỹ tuyên bố rằng bà bị biến chứng gan và thận nên họ phải đưa bà đi lọc máu. Bà qua đời vào ngày 12 tháng 7 sau khi cảnh sát rút máy thở ra khỏi người bà. Thi thể của bà đã được hỏa táng mà không có sự đồng ý của gia đình bà.
5. Bà Hình Tây Mỹ qua đời 13 ngày sau khi bị bắt
Bà Hình Tây Mỹ, ở huyện Nghị Nam, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vào ngày 7 tháng 11 năm 2017 tại một hội chợ địa phương sau khi bị tố cáo vì phát tài liệu phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công. Gia đình bà không được thông báo về việc bà bị bắt giam. Hai ngày sau, một số cảnh sát, bao gồm cả cảnh sát trưởng, bất ngờ xuất hiện và yêu cầu người nhà của bà phải nộp 410 nhân dân tệ tiền khám sức khỏe cho bà và 3.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh bà.
Khi gia đình từ chối nộp tiền, cảnh sát đã đưa họ đến Bệnh viện Nhân dân thành phố Lâm Nghi, ở đó họ thấy bà Hình đang được điều trị cấp cứu. Bà bị liệt nửa người, bụng chướng to. Khi người nhà hỏi chuyện gì đã xảy ra, bà mơ mơ tỉnh tỉnh và chỉ trả lời: “Họ đang hãm hại tôi”. Thấy vậy, cảnh sát liền đưa cho gia đình bà 3.000 nhân dân tệ và nhanh chóng rời đi.
Bà Hình qua đời vào ngày 20 tháng 11, hưởng thọ 66 tuổi. Bà được chẩn đoán bị đột quỵ và viêm phổi, trong khi bà hoàn toàn khỏe mạnh vào ngày bị bắt. Sau đó, cảnh sát đã tịch thu hồ sơ bệnh án của bà và ra lệnh cho chính quyền địa phương bồi thường cho gia đình bà 25.000 nhân dân tệ.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/21/463229.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/7/210672.html
Đăng ngày 25-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.