Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 19-07-2023] Ngày 20 tháng 7 năm 2023 đánh dấu tròn 24 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công ở 44 quốc gia đã gửi một danh sách thủ phạm khác lên chính phủ nước sở tại của họ, kêu gọi chính phủ buộc những cá nhân này phải chịu trách nhiệm về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đề nghị chính phủ của họ cấm các thủ phạm và người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản ở nước ngoài của những người này.
Trong số những thủ phạm bị liệt kê có Phạm Lý Băng, cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù thuộc Bộ Tư pháp Trung Quốc.
Thông tin thủ phạm
Họ và tên của thủ phạm: Phạm (họ) Lý Băng (tên) (范履冰)
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày/năm sinh: Tháng 2 năm 1970
Nơi sinh: Huyện Tây Sung, tỉnh Tứ Xuyên
Phạm Lý Băng
Chức vụ
Phạm Lý Băng nhậm chức Cục trưởng Cục Quản lý Trại giam thuộc Bộ Tư pháp vào ngày 8 tháng 12 năm 2020. Trước đó, ông ta giữ chức Ủy viên Thường vụ Thành ủy kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật quận Bắc Bội, Trùng Khánh, Phó Cục trưởng Cục Chỉ đạo Công tác Cơ sở Bộ Tư pháp, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm Tạp chí Tư pháp Trung Quốc, Bí thư Đảng ủy Khoa Tư pháp Hình sự Đại học Cảnh sát Quốc gia.
Các tội chính
Trong 24 năm bức hại Pháp Luân Công, các nhà tù là một phần quan trọng trong chuỗi áp bức này. Các quan chức nhà tù sử dụng nhiều phương pháp tra tấn khác nhau để ép buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ. Nhiều học viên đã bị tàn tật hoặc bị tra tấn đến chết.
Cục Quản lý Nhà tù của Bộ Tư pháp là cơ quan phụ trách tất cả các nhà tù trên khắp Trung Quốc, với nhiệm vụ chính là giám sát và kiểm tra việc thực hiện các luật, quy định và chính sách của nhà tù. Cục này cũng cung cấp hướng dẫn cho việc thực thi pháp luật trại giam, quản lý và cải tạo tội phạm. Mặc dù các học viên Pháp Luân Công không phải là tội phạm nhưng trong tù họ phải chịu sự đối xử tàn bạo và khắc nghiệt hơn nhiều so với những tội phạm thực sự.
Phạm Lý Băng đóng vai trò quan trọng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Với tư cách là Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù của Bộ Tư pháp, ông ta liên tục thực hiện chính sách bức hại trên toàn hệ thống nhà tù quốc gia.
Kể từ ngày 1 tháng 10 năm 2021, ông ta cũng đã triển khai quy chế tính điểm mới để đánh giá hiệu suất làm việc của các tù nhân. Quy định mới này làm tăng cường bức hại hơn nữa bằng cách đưa ra các chủ trương chính sách. Đầu tiên, quy định này coi Pháp Luân Công là một “tà giáo”. Bất kỳ học viên nào từ chối từ bỏ đức tin sẽ không đủ tiêu chuẩn để đánh giá và bị tra tấn ngày càng nặng hơn.
Chính sách này cũng khuyến khích các lính canh và tù nhân tra tấn các học viên thậm chí còn tàn bạo hơn, để nâng điểm đánh giá của họ và có cơ hội được giảm án, cả hai điều này đều liên quan chặt chẽ đến việc có bao nhiêu học viên Pháp Luân Công bị “chuyển hóa” thành công (buộc phải từ bỏ đức tin của họ).
Các phương pháp tra tấn phổ biến được sử dụng đối với các học viên Pháp Luân Công trong tù bao gồm đánh đập, bắt đứng nhiều giờ, cấm ngủ, ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ mà không cử động, cũng như sốc điện, bức thực, biệt giam và các hình thức ngược đãi tàn ác khác.
Theo thông tin có được từ Minghui.org, từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 5 năm 2023, trong nhiệm kỳ Phạm làm Giám đốc Cục Quản lý Nhà tù, 42 học viên Pháp Luân Công đã chết do bị bức hại. Trong số này, 35 người đã bị tra tấn đến chết trong tù, trong khi 7 người khác qua đời ngay sau khi ra tù. Nhiều học viên bị thương hoặc bị tàn tật vĩnh viễn do bị tra tấn.
Một số trường hợp tử vong
Bị bức hại thành người thực vật ở trong tù, người phụ nữ Tứ Xuyên qua đời sau 8 tháng được trả tự do
Tại thời điểm bà Liêu Quang Huy được trả tự do vào ngày 20 tháng 7 năm 2022, bà đã ở trong tình trạng thực vật sau khi thụ án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Tám tháng sau, cư dân thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên này đã qua đời vào ngày 23 tháng 3 năm 2023, hưởng thọ 70 tuổi.
Ngày 10 tháng 3 năm 2021, bà Liêu bị ngã khi đang bị giam giữ trong Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên. Nhà tù đã từ chối đề nghị tạm tha y tế của gia đình bà và giam bà cho đến khi mãn hạn tù, bất chấp tình trạng hôn mê của bà sau cú ngã.
Do bệnh viện nhà tù không chữa trị đúng cách trong quá trình phẫu thuật cắt mở sọ, nên phần đầu bà xuất hiện một vùng lõm lớn ở phía bên phải. Bà còn bị cắm ống thông hút đờm qua cổ họng, một ống cho ăn qua đường mũi và một ống thông tiểu. Toàn bộ cơ thể bà cứng đờ.
Sau khi được đưa về nhà vài giờ từ nhà tù vào ngày 20 tháng 7 năm 2022, gia đình bà đã phải gấp rút đưa bà đến bệnh viện địa phương vì họ không biết cách chăm sóc cho bà. Một tuần sau, vào lúc 8 giờ sáng ngày 27 tháng 7 năm 2022, toàn thân bà đột nhiên co giật, môi và phần trên cơ thể tím tái. Mặc dù bà đã sống sót sau khi hồi sức nhưng gia đình bà không đủ khả năng chi trả cho bà nằm viện để điều trị thêm. Sau đó, người thân đưa bà về nhà để tự chăm sóc. Gia đình bà chịu sự đả kích nặng nề khi bà Liêu từ trần vào ngày 23 tháng 3 năm 2023.
Bà Liêu Quang Huy trong tình trạng hôn mê
Bà Liêu bị bắt tại nhà vào ngày 20 tháng 7 năm 2019 và bị Tòa án Quận Phù Thành kết án ba năm tù. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 2021, gia đình bà nhận được điện thoại của lính canh nhà tù, yêu cầu họ đến Bệnh viện Hoa Tây để ký giấy đồng ý phẫu thuật sọ não cho bà. Người lính canh này nói rằng bà “bị ngã đập đầu khi đi vệ sinh,” nhưng bác sỹ tiết lộ rằng bà còn bị thương ở khí quản và một bên phổi.
Ngày 14 tháng 3, khi chồng của bà Liêu, ông Lý Song Toàn, và con trai của họ đến thăm bà trong bệnh viện, đầu bà được quấn băng gạc và bà đang thở oxy. Bà vẫn hôn mê và gia đình không được phép gặp bà cho đến khi bà mãn hạn tù.
Ngày 2 tháng 12 năm 2022, một cựu người dẫn chương trình 30 tuổi của Đài Phát thanh Nhân dân Tứ Xuyên đã bị đánh đến chết khi đang thụ án 5 năm tại Nhà tù Gia Châu, tỉnh Tứ Xuyên.
Anh Bàng Huân
Cơ thể anh Bàng Huân đầy vết bầm tím do bị đánh đập, còn có dấu vết bị điện giật và bị trói chặt bằng dây thừng. Anh cũng bị mất tự chủ do bị tra tấn.
Nhà tù phủ nhận việc tra tấn anh Bàng và tuyên bố rằng anh chết vì bệnh cường giáp.
Ngày 27 tháng 7 năm 2020, anh Bàng bị bắt vì phát tài liệu Pháp Luân Công và sau đó bị kết án 5 năm ở Nhà tù Gia Châu.
Anh Bàng Huân đầy vết bầm tím khi qua đời.
Người phụ nữ 53 tuổi tử vong ở trong tù khi đang thụ án 7 năm vì kiên định đức tin của mình
Ngày 10 tháng 1 năm 2023, bà Đằng Thục Lệ ở thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang qua đời khi đang thụ án bảy năm ở tuổi 53.
Bà Đằng bị bắt vào ngày 12 tháng 10 năm 2020 và bị kết án bảy năm tù giam cùng số tiền phạt 80.000 nhân dân tệ vào ngày 2 tháng 6 năm 2021. Sau khi bị đưa đến Nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang vào năm 2021, ngày nào bà cũng bị buộc phải xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Bà cũng bị cấm ngủ và buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ suốt nhiều tiếng đồng hồ mà không được cử động.
Sự hành hạ về tinh thần và thể xác đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà Đằng. Bà ăn rất ít và ngày một tiều tụy. Bà cũng hình thành một khối u ở bụng, gây chảy máu nghiêm trọng mỗi khi đi đại tiện.
Bà Đằng yếu đến mức phải nằm liệt giường. Bà không thể đứng dậy ngay cả khi lính canh đến kiểm tra phòng giam. Tù nhân cùng phòng lo sợ bà có thể chết bất cứ lúc nào. Sau đó, bà được phát hiện mắc bệnh ung thư trực tràng và gan giai đoạn cuối.
Chồng của bà Đằng đã bị tước quyền thăm thân mặc dù ông đã nhiều lần đề nghị. Nhà tù cũng từ chối yêu cầu của ông về việc cho vợ ông được tạm tha y tế, ngay cả khi bà đang trên bờ vực của cái chết.
Hai năm sau cái chết của vợ, người đàn ông ở Liêu Ninh cũng qua đời trong khi thụ án tù 10 năm
Đã bị mất cha mẹ và vợ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông Doãn Quốc Chí qua đời vào ngày 22 tháng 5 năm 2022, khi đang thụ án 10 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, ở tuổi 56.
Ông Doãn ở thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt ngày 26 tháng 9 năm 2019, sau khi căn hộ cho thuê của ông bốc cháy và cảnh sát đã đến điều tra vụ tai nạn. Vụ bắt giữ xảy ra sau 10 năm ông phải sống trôi dạt để trốn cảnh sát. Ông bị giam giữ trong Trại giam huyện Kiến Bình và bị những người đang bị giam giữ ở đó đánh đập.
Tòa án Huyện Kiến Bình đã bí mật kết án ông Doãn 10 năm tù. Họ không thông báo cho gia đình ông về tình trạng của vụ án cho đến khi ông bị đưa đến Nhà tù Cẩm Châu.
Không lâu sau khi ông Doãn bị kết án, vợ ông là bà Phó Cảnh Hoa (cũng đang sống xa nhà) đã qua đời tại căn phòng thuê trọ của bà vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, sau nhiều năm bị bức hại vì đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công.
Ngày 8 tháng 3 năm 2022, hai lính canh và một cán bộ thôn đã đến gặp một người thân của ông Doãn. Họ nói ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối và đang thở oxy trong bệnh viện. Họ yêu cầu gia đình phải chi trả chi phí y tế cho ông (không rõ là gia đình có hợp tác hay không). Hơn hai tháng sau, ông Doãn đã qua đời vào ngày 22 tháng 5.
Người mẹ chết trong hoàn cảnh đáng ngờ trong khi bị giam giữ, con gái bị ngược đãi trong tù
Bà Phó Quế Hoa, cư dân thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm, bị kết án bảy năm rưỡi tù vì tin vào Pháp Luân Công. Ngày 27 tháng 5 năm 2021, bà bị đưa đến Nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm và qua đời ở đó vào ngày 25 tháng 7 năm 2021. Gia đình và luật sư của bà đã yêu cầu các phòng ban liên quan điều tra cái chết của bà nhưng các viên chức nhà tù đã gây áp lực buộc gia đình bà phải hỏa táng thi thể càng sớm càng tốt.
Ngày 15 tháng 8 năm 2019, bà Phó bị bắt cùng với chồng, con gái lớn, hai con rể và cha mẹ ruột của họ chỉ bởi họ có chung niềm tin vào Pháp Luân Công. Con gái út của bà đã được tha vì cô có con nhỏ ba tháng tuổi.
Bà Phó Quế Hoa
Chồng của bà Phó và mẹ chồng của cô con gái út đã được trả tự do sau 15 ngày giam giữ. Những người còn lại bị kết án tù vào tháng 2 năm 2021. Bà Phó và con rể, chồng của người con gái nhỏ Vu Kiện Bình, là anh Mạnh Tường Nhất, 37 tuổi, đều bị kết án 7,5 năm. Năm thành viên khác trong gia đình mỗi người bị kết án 7 năm, bao gồm con gái lớn của bà Phó, cô Vu Kiện Lý, 30 tuổi; chồng của cô Vu Kiện Lý, anh Vương Đông Cát, 40 tuổi; cha mẹ của anh Vương (ông Vương Khắc Dân, 69 tuổi, và bà Vương Phượng Chi, 69 tuổi); và cha của anh Mạnh, ông Mạnh Phàm Quân, 59 tuổi.
Bà Phó và con gái lớn của bà là cô Vu Kiện Lý bị đưa đến Nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm vào ngày 27 tháng 5 năm 2021.
Tối ngày 25 tháng 7, gia đình bà Phó nhận một cuộc gọi từ nhà tù thông báo rằng bà Phó đang trong tình trạng nguy kịch và đang được cấp cứu tại bệnh viện. Nhưng khi họ đến bệnh viện, các lính canh không cho phép gia đình bà gặp bà với lý do là bà đang được “cứu chữa”.
Khoảng một giờ sau, gia đình bà nhận được điện thoại từ bệnh viện nói rằng bà Phó qua đời lúc 21 giờ 48 phút tối. Tuy nhiên, gia đình bà xem giờ cuộc trò chuyện của họ trên điện thoại thì thấy hiển thị 21 giờ 18 phút. Khi họ thắc mắc về thời gian, người gọi ngay lập tức thay đổi thời gian qua đời của bà thành 20 giờ 18 phút tối. Gia đình được cho biết bà qua đời vì bệnh xơ gan.
Gia đình bà yêu cầu được gặp thi thể của bà ngay lập tức nhưng được thông báo rằng họ cần phải lau vết máu và dọn dẹp một số thứ. Gia đình bà cuối cùng nhìn thấy hài cốt của bà vài ngày sau đó sau nhiều lần yêu cầu nhưng họ không được phép mang theo điện thoại di động hoặc chụp ảnh. Bà Phó hưởng dương 55 tuổi.
Gia đình bà và luật sư của họ vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân thực sự về cái chết của bà.
Chỉ vì ông Ngưu Học Đông, ở thành phố Đồng Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, không chịu từ bỏ Pháp Luân Công trong khi thụ án với thời hạn không xác định tại Nhà tù Vị Nam, ông đã từng bị tù nhân Vương Khải kéo ra ngoài trời tuyết trong khi trên người chỉ mặc một lớp quần áo mỏng. Vương đã dùng gậy đánh ông Ngưu hơn 100 cái, khiến ông rơi vào trạng thái hôn mê. Ông không thể nhận ra bất cứ ai và thường đại tiểu tiện ra quần, ông cũng không ý thực được mình đang làm gì.
Sau đó, tù nhân trưởng đã cắt suất ăn của ông Ngưu và không cho phép bất cứ ai cho ông ăn, khiến ông luôn bị đói. Vào ngày 26 tháng 2 năm 2022, khi cuối cùng được cấp cho hai chiếc bánh bao nóng, ông Ngưu đã ăn nhanh đến mức bị mắc nghẹn và tử vong.
16 tháng sau khi bị chuyển đến Nhà tù số 5 Kí Đông để thi hành bản án 7 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Dương Trí Hùng ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, đã qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm 2022 trong bệnh viện liên kết với nhà tù ở tuổi 58.
Theo gia đình ông Dương Trí Hùng, thì khi họ nhìn thấy thi thể của ông tại Bệnh viện Liên hiệp Đường Sơn, ông gầy hốc hác với hai mắt và miệng ông mở to.
Ông Dương rơi vào tình trạng hôn mê do u tủy (ung thư tế bào plasma) vào ngày 30 tháng 6 năm 2022, nhưng sau hai ngày các lính canh mới đưa ông đến bệnh viện. Trước đó, ông thường xuyên phải vật lộn với cơn đau ở lưng và hai chân.
Trong gần 40 ngày, từ ngày 2 tháng 7 đến ngày 10 tháng 8, ông Dương đã bị giữ ở phòng hồi sức cấp cứu và việc vào thăm của gia đình ông bị hạn chế. Một lính canh nói với gia đình ông sau khi ông qua đời rằng nếu như ông Dương từ bỏ Pháp Luân Công thì họ sẽ không đối xử với ông đến vậy.
Ông Dương Trí Hùng
Ông Dương bị bắt vào ngày 26 tháng 9 năm 2019 và bị kết án 6 năm rưỡi tù vào ngày 1 tháng 12 năm 2020. Kháng cáo của ông bị bác bỏ và ông bị đưa đến Nhà tù số 5 Kí Đông vào khoảng tháng 4 năm 2021.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/19/463160.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/3/210622.html
Đăng ngày 22-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.