Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 23-07-2023] Ngày 20 tháng 7 năm 2023 là ngày kỷ niệm 24 năm kể từ khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công ở 44 quốc gia đã đệ trình một danh sách khác về các thủ phạm lên chính phủ của họ, kêu gọi buộc những cá nhân này phải chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, đồng thời yêu cầu chính phủ của họ phong tỏa tài sản và cấm những cá nhân này cùng các thành viên gia đình họ nhập cảnh vào các quốc gia này.

Trong số các thủ phạm được liệt kê có Diệp Hàn Băng, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Tứ Xuyên

Thông tin thủ phạm

Họ và tên thủ phạm: Diệp Hàn Băng
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày sinh: Tháng 10 năm 1965
Nơi sinh: Tam Môn, Chiết Giang.

Chức danh hay chức vụ

Từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 1 năm 2018, Diệp Hàn Băng giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Chiết Giang, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Hàng Châu, Bí thư Thành ủy, Giám đốc và Chánh Thanh tra Sở Công an Hàng Châu.

Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2018, Diệp giữ các chức vụ Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy.

Từ tháng 5 năm 2018 đến nay, giữ chức vụ Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên, Ủy viên Ban Lãnh đạo Đảng, Giám đốc Công an tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh.

Tội ác chính

Kể từ khi bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, tỉnh Tứ Xuyên là nơi đã diễn ra những cuộc đàn áp tàn bạo và nghiêm trọng nhất. Trong số 4.973 trường hợp tử vong được xác nhận tính đến ngày 4 tháng 8 năm 2023, có 319 học viên đã qua đời ở Tứ Xuyên, xếp cao thứ sáu cả nước.

Kể từ khi Diệp Hàng Băng nắm quyền lãnh đạo Sở Công an tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 5 năm 2018, ông ta đã tích cực thực hiện chính sách đàn áp. Với tư cách là phó tỉnh trưởng và thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp luật, ông ta đã giám sát và chỉ đạo các hoạt động ở tất cả các cấp công an, viện kiểm sát và các cơ quan pháp luật trong việc bức hại các học viên. Đáng chú ý, nhiều bài phát biểu công khai của ông Diệp đều có nội dung vu khống Pháp Luân Công và kêu gọi “tăng cường các nỗ lực chống tà giáo”.

Từ năm 2018 đến tháng 4 năm 2023, trong nhiệm kỳ của Diệp, đã có ít nhất 44 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Tứ Xuyên chết vì bị bức hại. Nhiều người khác bị thương do bị tra tấn và ngược đãi.

Cuộc đàn áp tại tỉnh Tứ Xuyên

Năm 2018, có ít nhất hai học viên đã chết trong cuộc đàn áp, 67 người bị kết án và 270 người bị bắt. Hầu hết nhà của các học viên đều bị lục soát và tài sản của họ bị tịch thu.

Năm 2019, 9 học viên đã chết trong cuộc đàn áp, 51 người bị kết án và 530 người bị bắt. Tổng cộng 480.000 nhân dân tệ tiền mặt đã bị tịch thu từ nhà các học viên.

Năm 2020, có ba học viên được ghi nhận là đã chết, 76 trường hợp bị tuyên án, 348 vụ bắt giữ và 788 vụ quấy rối.

Năm 2021, tám học viên đã thiệt mạng do bị bức hại, 512 người bị bắt và 1.083 người bị sách nhiễu. Số học viên bị bắt và sách nhiễu cao thứ ba cả nước. Khi một sĩ quan cảnh sát ra lệnh cho một học viên từ bỏ Pháp Luân Công trong chiến dịch “Zero-out”, anh ta đã đe dọa người học viên đó: “Nếu anh không ký khi còn sống thì anh sẽ ký khi chết. Anh sẽ phải ký ít nhất ba lần.” Một số học viên cho biết họ đã bị sách nhiễu hơn 30 lần.

Năm 2022, cái chết của 16 học viên đã được báo cáo. 38 học viên khác bị kết án, 275 người bị bắt và 519 người bị sách nhiễu. Bốn mươi học viên khác bị giam giữ trong các trung tâm tẩy não.

Trong bốn tháng đầu năm 2023, ít nhất sáu học viên đã bị bức hại đến chết ở tỉnh Tứ Xuyên. Hơn nữa, 27 người bị kết án, 71 người bị bắt và 84 người bị sách nhiễu.

Các trường hợp tử bị bức hại đến

Trường hợp 1: Cựu phát thanh viên 30 tuổi bị đánh chết trong tù

Một cựu phát thanh viên Đài Phát thanh Nhân dân Tứ Xuyên, 30 tuổi, đã bị đánh chết vào ngày 2 tháng 12 năm 2022, khi đang thụ án 5 năm tù tại Nhà tù Gia Châu, tỉnh Tứ Xuyên.

Thi thể của anh Bàng Huân đầy những vết bầm tím do bị đánh đập, có dấu hiệu bị điện giật và bị trói chặt bằng dây thừng. Anh cũng bị mất tự chủ do bị tra tấn. Nhà tù phủ nhận việc tra tấn và cho rằng anh bị chết vì bệnh cường giáp.

Anh Bàng bị bắt vào ngày 27 tháng 7 năm 2020 vì phân phát các tài liệu Pháp Luân Công và sau đó bị kết án 5 năm tù tại Nhà tù Gia Châu.

Trường hợp 2: Người phụ nữ Tứ Xuyên đã chết sau 8 tháng ra tù trong tình trạng thực vật

Ngày 20 tháng 7 năm 2022, bà Liệu Quang Huệ cư dân thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên được thả ra trong tình trạng thực vật sau khi thụ án ba năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó 8 tháng, vào ngày 23 tháng 3 năm 2023, bà đã qua đời ở tuổi 70.

Ngày 10 tháng 3 năm 2021, bà Liệu bị ngã khi đang bị giam tại Nhà tù nữ tỉnh Tứ Xuyên. Nhà tù đã từ chối yêu cầu của gia đình bà để bà được tại ngoại chữa bệnh và giam giữ bà cho đến hết thời hạn, mặc dù thực tế là bà vẫn hôn mê sau cú ngã.

Do bệnh viện nhà tù đã không thực hiện đúng cách trong quá trình phẫu thuật sọ não nên có một vùng trũng lớn ở phía bên phải đầu của bà. Bà cũng có một ống thở ở cổ họng, một ống dẫn thức ăn ở mũi và một ống thông tiểu. Toàn thân bà cứng đờ.

Trường hợp 3: Người phụ nữ Tứ Xuyên chết khi đang thụ án 5 năm tù

Sáu tháng sau khi bà Khanh Lập Cúc bị kết án 5 năm tù vì tín ngưỡng vào Pháp Luân Công, một người phụ nữ từng khỏe mạnh 51 tuổi ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã qua đời.

Bà Khanh bị bắt vào ngày 9 tháng 3 năm 2021 khi đang phân phát các tài liệu chân tướng về Pháp Luân Công. Vụ bắt giữ xảy ra chỉ hai năm sau khi bà Khanh được trả tự do sau 10 năm giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Kể từ khi bà Khanh bị bắt, chính quyền đã cấm gia đình bà đến thăm. Họ chỉ được phép đưa quần áo cho bà hai lần. Sau đó, trại giam lấy lý do là đại dịch và không cho phép họ tiếp tục cung cấp quần áo. Tòa án Bành Châu đã kết án bà Khanh 5 năm tù tại Nhà tù Cung Lai vào ngày 21 tháng 6 năm 2022.

Vào ngày 1 tháng 10, gia đình bà Khanh nhận được cuộc gọi từ nhà tù, thông báo với họ rằng bà đang trong tình trạng nghiêm trọng. Gia đình bà đã đến nhà tù cùng ngày hôm đó và được phép trò chuyện qua video với bà. Nhưng khi họ nộp đơn xin tạm tha để điều trị bệnh cho bà, nhà tù đã từ chối đơn của họ.

Hai tuần sau, vào ngày 14 tháng 10, nhà tù gọi cho gia đình bà và nói rằng bà đã phải nhập viện. Gia đình đã đến bệnh viện nhà tù vào ngày 16 tháng 10 và có một cuộc trò chuyện video khác với bà. Lúc đó, bà đã trở nên vô cùng yếu ớt cùng với đôi chân bị sưng tấy nghiêm trọng. Gia đình lại yêu cầu tạm tha để chữa bệnh cho bà nhưng nhà tù vẫn từ chối.

Vài tuần sau đó, gia đình đã có buổi trò chuyện khác với bà qua video và tình trạng của bà thậm chí còn tồi tệ hơn. Khi gia đình lại yêu cầu được gặp bà vào giữa tháng 11, nhà tù đã từ chối, lấy lý do là lệnh phong tỏa do đại dịch.

Cuộc gọi cuối cùng mà gia đình nhận được từ nhà tù là vào ngày 11 tháng 12 và họ được thông báo rằng bà Khanh đang được điều trị khẩn cấp tại bệnh viện. Khi gia đình vội vã đến bệnh viện, bà Khanh đã qua đời. Bác sĩ nói với họ rằng bà đã tắt thở vào buổi sáng khi được chuyển đến bệnh viện.

Trường hợp 4: Kế toán chết khi đang thi hành án 11,5 năm tù

Khi đang ở trại tạm giam chờ kết quả kháng cáo bản án 11,5 năm tù, bà Mao Khôn, nhân viên kế toán ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện vào khoảng ngày 9 tháng 4 năm 2021. Gia đình bà được yêu cầu nộp đơn xin tạm tha để điều trị y tế cho bà. Nhưng trước khi họ có cơ hội nộp đơn, bà Mao đã qua đời ở tuổi 57 tại bệnh viện vào tối ngày 11 tháng 4. Gia đình bà nghi ngờ rằng tra tấn có thể là nguyên nhân gây ra cái chết đột ngột của bà.

Bà Mao bị bắt tại nhà vào ngày 10 tháng 7 năm 2019. Cánh tay của bà đã bị gãy và mặt bị bầm tím trong vụ bắt giữ bạo lực này. Hàng chục cảnh sát đã lục soát nhà bà từ 4 giờ chiều cho đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Nhiều đồ dùng cá nhân và tài liệu thông tin về Pháp Luân Công đã bị tịch thu. Cha mẹ của bà Mao, đã ngoài 80 tuổi và sống cùng bà, vô cùng kinh hãi trước cuộc đột kích của cảnh sát. Họ khóc ở hành lang trong khi cảnh sát đang lục soát nhà của họ.

Ngày 28 tháng 12 năm 2020, Bà Mao hầu tòa và bị kết án 11,5 năm tù cùng với số tiền phạt 20.000 nhân dân tệ.

Trường hợp 5: Người phụ nữ tốt bụng đã chết sau khi vào tù ba tháng

Bà Đinh Quốc Cầm ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt vào ngày 16 tháng 10 năm 2017. Bà bị kết án hai năm sáu tháng và bị đưa đến Nhà tù nữ Thành Đô vào ngày 22 tháng 8 năm 2018. Lần đầu tiên khi các con trai và con gái đến nhà tù thăm bà, họ thấy mẹ mình không thể cử động tay chân và đã được các bạn tù bế vào phòng thăm nom. Họ được biết rằng bà đã bị tra tấn đến mức bị liệt tứ chi sau khi ở tù chưa đầy ba tháng. Vài ngày sau đó gia đình bà nhận được thông báo từ nhà tù rằng bà bị bệnh nặng và đã được đưa đến bệnh viện nhà tù. Bà qua đời tại bệnh viện nhà tù vào ngày 21 tháng 5 năm 2019, thọ 69 tuổi.

Trường hợp 6: Người phụ nữ ở độ tuổi 50 đã chết sau ba ngày bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Hoàng Tố Lan, người Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt bên ngoài tòa nhà chung cư của bà vào ngày 20 tháng 1 năm 2022 và bị giam tại một cơ sở giam giữ bí mật ở Bành Châu.

Cảnh sát trùm đầu bà bằng một chiếc mũ trùm đầu màu đen và đưa bà đến một khách sạn ở Thành Đô. Bà bị cùm, còng tay và có hai người giám sát suốt ngày đêm.

Trong hai ngày tiếp theo là 22 và 23 tháng 01, cảnh sát tiếp tục thẩm vấn bà. Đến tối ngày 23 tháng 01, những người ở phòng gần đó nghe thấy bà bị đánh và có tiếng ghế bị kéo lê xung quanh. Bà được đưa đến bệnh viện vào khoảng nửa đêm và được xác định là đã chết. Chiều ngày 24 tháng 01, công an đã thông báo cho gia đình đưa thi thể bà từ nhà tang lễ về.

Trường hợp 7: Người phụ nữ đã chết ngay trong ngày bị bắt

Bà Lưu Tố Trân ở thành phố Thành Đô đã bị cảnh sát từ Đồn cảnh sát đường Hoàng Oa bắt giữ vào ngày 24 tháng 12 năm 2018, khi bà đang phát tờ thông tin về Pháp Luân Công. Bà đã chết tại đồn cảnh sát ngay ngày hôm đó.

Các viên chức từ Đồn Cảnh sát đường Hoàng Oa nói với gia đình bà rằng bà đột ngột ngã gục và qua đời. Khi đến đồn cảnh sát người nhà bà đã rất sốc khi biết rằng bà đã chết. Người thân yêu cầu xem lại đoạn băng ghi hình và cảnh sát đã cho anh xem nhưng anh không biết được nó đã qua biên tập chưa. Khi cảnh sát đe dọa anh, anh không dám hỏi thêm câu nào nữa.

Các trường hợp bị bức hại đáng chú ý

Trường hợp 1: Người đàn ông Thành Đô bị đánh tại một khách sạn, bị thương ở chân và túi mật

Một cư dân 53 tuổi ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, ông Lưu Giáp bị gãy xương ở chân trái và viêm túi mật sau khi bị cảnh sát đánh đập vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã được phẫu thuật và cắt bỏ túi mật.

Sau khi ông Lưu bị bắt vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, cảnh sát đã đưa ông lên tầng 4 của “Khách sạn Urban Cloud” ở Bành Châu. Trong phòng có một camera giám sát. Tất cả các cửa sổ đều bị che kín và không có ánh sáng lọt vào. Nhiều cảnh sát đã thay phiên nhau theo dõi ông.

Vì từ chối cho cảnh sát biết mật khẩu điện thoại di động nên cảnh sát đã đưa ông đến một căn phòng không có camera giám sát và đánh ông khiến chân trái của ông bị gãy và ông bị viêm túi mật. Sau đó ông được đưa đến bệnh viện để cắt bỏ túi mật.

Ông Lưu bị giữ trong khách sạn 18 ngày. Với sự can thiệp của luật sư, ngày 24 tháng 1, cảnh sát đã chuyển ông đến Trại giam thành phố Bành Châu. Khi được đưa tới trại giam, cả hai chân của ông đều bị sưng tấy nghiêm trọng và ông không thể tự đứng hoặc đi lại. Ngoài ra ông còn bị sưng ở đầu gối phải.

Trường hợp 2: Vụ bắt giữ hàng loạt năm 2019

Từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2019 đã có ít nhất 214 học viên đã bị bắt. Trong đó, từ ngày 5 đến ngày 18 tháng 7 năm 2019, 64 học viên ở bảy thành phố đã bị bắt. Hầu hết các vụ bắt giữ ở mỗi thành phố đều diễn ra trong một ngày, điều này rất có thể đã được dàn dựng và chỉ đạo bởi toàn bộ lực lượng cảnh sát tỉnh Tứ Xuyên.

Vụ 3: Người đàn ông 80 tuổi bị kết án 8,5 năm tù

Một cư dân thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên, 80 tuổi, Ông Tiêu Đại Phú đã bị bắt tại nhà vào ngày 16 tháng 10 năm 2018. Những người biết về vụ án của ông cho biết, ông đã bị thẩm vấn 7 lần trong một thời gian dài. Để buộc ông từ bỏ Pháp Luân Công, cảnh sát đã ra lệnh cho ba đứa con của ông phải từ bỏ ông.

Ông Tiêu hầu tòa tại Tòa án thành phố Đạt Châu vào ngày 20 tháng 6 năm 2019. Tòa án đã không thông báo cho gia đình ông về phiên xét xử. Luật sư của ông đã đưa ra lời bào chữa vô tội cho ông và ông cũng đã làm chứng để bào chữa cho chính mình. Tuy nhiên một năm sau đó, vào ngày 30 tháng 9 năm 2019, thẩm phán đã kết án ông 8,5 năm tù.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Đã đăng ký Bản quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/23/463316.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/8/210689.html

Đăng ngày 20-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share