Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 20-07-2023] Ngày 20 tháng 7 năm 2023 đánh dấu tròn 24 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công. Các học viên ở 44 quốc gia đã gửi một danh sách thủ phạm khác cho chính phủ nước sở tại kêu gọi chính phủ buộc những cá nhân này phải chịu trách nhiệm về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đề nghị chính phủ của họ cấm thủ phạm và người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản ở nước ngoài của những người này.

Trong số những thủ phạm lần này có Lý Như Lâm, cựu cục trưởng Cục Lao động Cải tạo.

Thông tin thủ phạm

Tên đầy đủ của thủ phạm: Lý (họ) Như Lâm (tên) (李如林)
Giới tính: Nam
Quê quán: Bí Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
Ngày/năm sinh: Tháng 1 năm 1955

2023-7-19-201943-0.jpg

Lý Như Lâm

Chức vụ

1998 – tháng 3 năm 2001: Phó Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tứ Xuyên

Tháng 3 năm 2001 – Tháng 3 năm 2009: Cục trưởng Cục Lao động Cải tạo thuộc Bộ Tư pháp Trung Quốc

Tháng 3 năm 2009 – Tháng 9 năm 2009: Ủy viên Ban Lãnh đạo ĐCSTQ và Vụ trưởng Vụ Chính trị thuộc Bộ Tư pháp

Tháng 9 năm 2009 – tháng 4 năm 2014: Ủy viên Ban Lãnh đạo ĐCSTQ và Vụ trưởng Vụ Chính trị thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

Tháng 4 năm 2014 – Tháng 10 năm 2018: Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

Tháng 12 năm 2018 đến nay: Chủ tịch Hiệp hội Luật Chống Tham nhũng Trung Quốc

Từ năm 1998, Lý Như Lâm đã đảm nhận một số vị trí quan trọng trong hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật của ĐCSTQ. Sau khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông ta đã tích cực tham gia thực hiện chính sách của ĐCSTQ nhằm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể”, dẫn đến cái chết của nhiều học viên.

Phạm tội khi là Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tứ Xuyên

Trong nhiệm kỳ của Lý với cương vị là Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tứ Xuyên (1998-2001), Tứ Xuyên là một trong những địa phương bức hại Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc. Mặc dù không biết chính xác số học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong các nhà tù và trại lao động, nhưng những dữ liệu sau đây do Minghui.org thu thập có thể cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về mức độ nghiêm trọng của cuộc bức hại vào thời điểm đó.

Năm 2000, chỉ riêng tại huyện Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên, 15 học viên Pháp Luân Công đã bị đưa vào trại lao động cưỡng bức, và sáu học viên khác bị giam giữ. Từ năm 1999 đến năm 2000, khoảng 30 – 50 học viên đã bị giam giữ từ 15 ngày đến hai tháng rưỡi vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.

Đến cuối năm 2000, khoảng 40 học viên nam đã bị giam giữ trong Trại Lao động Cưỡng bức Đại Yển ở Tư Dương, tỉnh Tứ Xuyên, và ít nhất 100 học viên khác đã bị giam giữ trong Trại Lao động Cưỡng bức Nam Tân Hoa ở Miên Dương. Hơn 200 học viên nữ đã bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức Nữ Nam Mộc Tư ở Tư Trung và con số này đã tăng đến gần 2.000 vào năm 2001. Cả Nhà tù Nữ Dưỡng Mã Hà và Nhà tù Đức Dương cũng giam giữ một số lượng lớn các học viên.

Vào thời điểm Lý thôi giữ chức Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 3 năm 2001, hơn mười học viên đã bị bức hại đến chết ở Tứ Xuyên, bao gồm Điền Thế Cường, Mâu Quần, Phương hiển Trí, Lưu Chí Phân, Tô Quỳnh Hoa, và Vương Húc Chí.

Phạm tội khi là Cục trưởng Cục Cải tạo Lao động

Hơn 300 trại cải tạo thông qua các trại lao động cưỡng bức trên khắp Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giam giữ và tra tấn các học viên.

Cục Lao động Cải tạo thuộc Bộ Tư pháp là cơ quan hành chính cao nhất trong các cơ sở lao động cưỡng bức của ĐCSTQ. Cơ quan này không chỉ trực tiếp kiểm soát các cơ sở lao động cưỡng bức ở tất cả các cấp mà còn có quyền đưa ra các chính sách bức hại Pháp Luân Công.

Trong tám năm, từ tháng 3 năm 2001 đến tháng 3 năm 2009, khi Lý làm cục trưởng, cuộc bức hại đã lên đến đỉnh điểm. Lý đã không quản công sức để thực hiện chính sách bức hại Pháp Luân Công và thậm chí còn đích thân tham gia vào nó.

Theo một bài viết được đăng trên Legal Evening News vào ngày 16 tháng 11 năm 2013, số người bị giam giữ trong các trại lao động tăng lên hàng năm trong những năm 1990, với số người bị giam giữ hàng năm cao nhất ước tính là 300.000 người từ năm 2000 – 2006. Năm 2006, con số này bắt đầu suy giảm. Năm 2012, ước tính có khoảng 90.000 người đã bị giam giữ.

Ngoài ra, theo “Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2008” và “Báo cáo Nhân quyền” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố năm 2008, hơn một nửa số người bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc là các học viên Pháp Luân Công. Khi ở trong các trại lao động, các học viên phải chịu hàng trăm phương pháp tra tấn và tẩy não chuyên sâu được thiết kế để buộc họ từ bỏ đức tin của mình. Hầu hết họ cũng bị buộc phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày mà không được trả lương.

Theo phân tích về 3.653 trường hợp tử vong được xác nhận bởi Minghui.org vào năm 2013, 714 học viên đã thụ án trong các trại lao động và 546 học viên đã bị tra tấn đến chết khi còn ở trong các trại lao động. Tổng cộng có 127 trại lao động cưỡng bức trên khắp Trung Quốc có liên quan.

Những con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn và hại chết trong các trại lao động cưỡng bức, nhưng cái chết của họ đã bị chính quyền che đậy.

Các phương pháp tra tấn được sử dụng trong các trại lao động cưỡng bức:

Tra tấn

Hơn 100 phương pháp tra tấn đã được ghi nhận trong các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, bao gồm:

– Cấm ngủ nhiều ngày liên tiếp

– Sốc điện đồng thời bằng nhiều dùi cui điện áp cao trong thời gian dài

– Nhiều kiểu còng tay và xiềng xích

– Đánh bằng gậy cao su, thanh thép và chùy

– “Giường chết”

– Ngồi im trên ghế đẩu nhỏ

– Quất bằng thắt lưng da, dây đồng và dây thừng

– Đâm kim vào móng chân móng tay

– Dùng kìm sắt để vặn da hoặc rút móng

– Biệt giam

– Bức thực bằng nước ớt, nước muối và chất thải của người

– Dội nước lạnh lên đầu vào mùa đông

– Cấm sử dụng nhà vệ sinh

Hãm hại bằng thuốc độc

Ngoài tra tấn thể xác, các trại lao động cưỡng bức còn cho các học viên uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bao gồm tiêm thuốc, bức thực và bí mật thêm thuốc vào thức ăn và nước uống của họ.

Những phương thức hãm hại như vậy đã được báo cáo ở hầu hết các trại lao động cưỡng bức, trong đó có Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia ở Liêu Ninh, Trại lao động Nữ Bản Kiều ở Thiên Tân và Trại Lao động Cưỡng bức Sa Dương ở Hồ Bắc.

Tấn công tình dục

Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong các trại lao động cũng cho biết tình trạng lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp và các vụ tấn công tình dục khác diễn ra phổ biến.

Ví dụ về các hành vi tấn công tình dục đối với các học viên nữ, kể cả các em gái vị thành niên, bao gồm: Dùng dùi cui điện chọc vào âm đạo, điện giật núm vú, móc ngực, cấu véo, đá vào hậu môn và âm đạo, và ép phá thai.

Chín học viên nữ, bao gồm Trâu Quế Vân, Tô Cúc Trân, Doãn Lệ Bình, Chu Mẫn, Vương Lệ, Chu Diễm Ba, Nhậm Đông Mai, và Triệu Tố hoàn bị đưa vào các buồng giam nam trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia vào tháng 4 năm 2001 và bị cưỡng hiếp tập thể. Cô Trâu và bà Tô sau đó đã qua đời vì bị bức hại.

Không chỉ các học viên nữ bị lạm dụng tình dục mà lạm dụng tình dục đối với các học viên nam cũng phổ biến.

Một số trường hợp bị bức hại đến chết trong các trại lao động cưỡng bức.

1. Cô Cao Dung Dung

Cô Cao Dung Dung, 37 tuổi, từng làm việc tại Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn ở thành phố Thẩm Dương, đã nhiều lần phải chịu án lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 7 tháng 5 năm 2004, cô Cao bị lính canh tại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn ở Thẩm Dương sốc điện bằng dùi cui điện trong 6 đến 7 giờ đồng hồ, khiến khuôn mặt cô bị biến dạng nghiêm trọng. Trong khi cô nằm viện, một số học viên đã đến và chụp ảnh khuôn mặt của cô. Câu chuyện của cô đã được truyền thông quốc tế đăng tải. Cô Cao đã trốn khỏi bệnh viện và ẩn trốn.

Các lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ, bao gồm cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và các đồng phạm của ông ta là La Cán và Chu Vĩnh Khang, sợ rằng cô Cao sẽ rời khỏi Trung Quốc nên đã thành lập một đội đặc nhiệm để truy lùng cô. Hứu Văn Hữu, cựu Trưởng phòng Điều tra Hình sự thuộc Sở Công an tỉnh Liêu Ninh, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc bắt giữ cô Cao. Sau gần sáu tháng, cô Cao đã bị bắt vào sáng sớm ngày 6 tháng 3 năm 2005. Một số học viên đã giúp giải cứu cô cũng bị bắt. Vào ngày 16 tháng 6 năm 2005, cô Cao, với khuôn mặt đầy những vết sẹo do bị sốc bằng dùi cui điện, đã qua đời trong trại giam ở tuổi 37.

2. Ông Trương Trường Minh

Khi ông Trương Trường Minh bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức Giai Mộc Tư vào giữa tháng 1 năm 2003, lính canh còng tay ông xuống đất và đánh đập ông. Họ xúi giục các tù nhân dùng đinh đâm hơn 20 lần vào lòng bàn chân ông. Ngày hôm sau, ông Trương bị chuyển đến một buồng giam nhỏ, bị còng tay vào một chiếc vòng gắn chặt vào sàn bê-tông và bị tra tấn trong ba ngày.

Nửa đêm ngày 28 tháng 2 năm 2003, ông Trương bị còng tay vào một đường ống sưởi nóng. Các lính canh đã trùm đầu ông và đánh đập ông dã man bằng những vật cứng tựa như tua-vít. Đầu của ông bị biến dạng, bầm tím nhiều và xuất huyết nội sọ. Ông đã bị đánh đập đến chết ở tuổi 50.

3. Anh Diêu Tam Trung

Anh Diêu Tam Trung bị kết án ba năm vào tháng 7 năm 2000 tại Trại Lao động Số 3 ở tỉnh Hà Nam. Anh đã phải chịu sự tra tấn vô nhân đạo trong suốt một thời gian dài. Các lính canh trói anh lại, sốc điện anh bằng dùi cui điện cao thế, và dùng đế giày tát vào mặt anh.

Khi các lính canh biết anh Diêu là một giáo viên dạy nhạc, họ đã đá vào cổ anh, khiến dây thanh quản của anh bị đứt. Vào cuối tháng 12 năm 2002, khi anh Diêu hấp hối, lính canh đã quẳng anh bên vệ đường để gia đình anh đến đón. Khi gia đình đưa anh đến bệnh viện, bác sỹ phát hiện tất cả các cơ quan nội tạng của anh đều bị tổn thương nghiêm trọng và không thể cứu chữa. Anh qua đời vào tháng 1 năm 2003, khi mới 34 tuổi.

4. Cô Vương Vân Khiết

Cô Vương Vân Khiết bị kết án hai năm tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia vào năm 2002. Cô bị buộc phải đứng úp mặt vào tường trong nhiều giờ, bị cấm ngủ và còng tay từ phía sau. Cô bị buộc phải đứng ngoài trời nắng như thiêu như đốt trong 20 ngày. Các lính canh cũng đã sốc điện vào ngực của cô bằng hai dùi cui điện cao thế trong nhiều giờ, khiến chúng bị lở loét.

Hai lính canh đã trói chân cô Vương trong tư thế song bàn, và sau đó quấn dây quanh tay và cổ cô. Sau đó, họ treo cổ tay cô lên. Khi họ nới lỏng sợi dây bảy giờ sau đó, cô Vương không thể ngồi, đứng hoặc đi lại bình thường được nữa. Cô rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, trại lao động vội vã yêu cầu gia đình cô đến đưa cô về nhà. Cô qua đời vào tháng 7 năm 2006.

5. Ông Lục Hạnh Quốc

Trong thời gian thụ án tại Trại Lao động Số 3 Thượng Hải, ông Lục Hạnh Quốc đã bị tra tấn trên “ghế cọp” trong hai ngày liên tiếp từ ngày 13 – 15 tháng 10 năm 2003. Ngày 15 tháng 10, lính canh đã xúi giục các tù nhân kéo ông Lục, người không thể đi bộ được nữa, vào một căn phòng. Hơn mười tù nhân đóng cửa ra vào và cửa sổ, vặn to âm lượng TV, nhét khăn vào miệng ông để ngăn ông la hét, sau đó đánh đập ông thô bạo. Ông Lục bị đánh chết chỉ trong một giờ, ở tuổi 45. Cổ ông bê bết máu, và thân thể ông đầy những vết điện giật. Trại lao động cưỡng bức vội vàng hỏa táng thi thể của ông và cử hơn 60 cảnh sát bảo vệ nhà tang lễ. Người thân trong gia đình ông không được phép nhìn thấy thi thể của ông.

Phạm tội khi là nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao

Trong bốn năm giữ chức phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 4 năm 2018, Lý đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc kết án phi pháp các học viên vì kiên định đức tin của họ.

Theo thông tin mà Minh Huệ thu thập được, ít nhất 4.683 học viên đã bị kết án từ năm 2014 đến năm 2018, bao gồm 633 trường hợp vào năm 2014, 878 trường hợp vào năm 2015, 1.265 trường hợp vào năm 2016, 974 trường hợp vào năm 2017 và 933 trường hợp vào năm 2018. Độ tuổi của các học viên dao động từ 23 đến 83 và án tù dài nhất là 13 năm.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/20/463192.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/6/210669.html

Đăng ngày 24-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share