Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 28-07-2023] Ngày 20 tháng 7 năm 2023 đánh dấu năm thứ 24 kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công ở 44 quốc gia đã đệ trình một danh sách thủ phạm bức hại Pháp Luân Công lên chính phủ quốc gia sở tại của họ, yêu cầu những cá nhân này phải chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đã kêu gọi chính phủ của họ cấm những thủ phạm và người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản ở nước ngoài của những người này.

Trong số những thủ phạm bức hại được liệt kê có ông Lý Thành Lâm, Phó Tỉnh trưởng đương nhiệm, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Giám đốc Sở Công an Sơn Tây, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Liêu Ninh.

Thông tin về thủ phạm bức hại

Họ tên thủ phạm: Lý Thành Lâm (李成林)
Giới tính: Nam
Quê quán: Thành phố Đại An, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
Ngày/năm sinh: Tháng 3 năm 1968

3349a7c3b6c9114fe3a98af03aaf964f.jpg

Ông Lý Thành Lâm

Chức vụ và vị trí

Trước đây, ông Lý Thành Lâm đã làm việc ở nhiều cấp chính quyền khác nhau ở tỉnh Cát Lâm. Ông từng là cán bộ thuộc Ban Pháp quy của Văn phòng Chính quyền Thành phố Trường Xuân và Công ty Công trình Thành phố. Ông còn từng giữ chức vụ thư ký tại Cục Pháp chế Chính quyền tỉnh Cát Lâm, sau đó được thăng chức lên trợ lý thanh tra cấp phó phòng, rồi phó giám đốc Phòng chính trị Viện Kiểm sát tỉnh Cát Lâm.

Từ tháng 11 năm 2000 đến tháng 11 năm 2001, ông Lý Thành Lâm giữ nhiều chức vụ như Phó giám đốc phòng khởi tố số 1 thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Chánh Văn phòng và Giám đốc Phòng Công tố Viện Kiểm sát tỉnh Cát Lâm; Chánh Văn phòng Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật số 4, Thường trực Ủy ban Kỷ luật tỉnh Cát Lâm; và Phó Giám đốc Cục Giám sát tỉnh Cát Lâm

Năm 2014, ông Lý Thành Lâm trở thành phó bí thư ban lãnh đạo Đảng và phó chủ tịch Tòa án tối cao tỉnh Cát Lâm. Từ tháng 5 năm 2019 đến tháng 1 năm 2020, ông giữ chức bí thư ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, phó trưởng công tố viên và quyền trưởng công tố viên Viện kiểm sát tỉnh Liêu Ninh; đồng thời là thành viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Liêu Ninh.

Vào tháng 1 năm 2020, ông được thăng chức làm bí thư ban lãnh đạo Đảng và Quyền Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Liêu Ninh và tiếp tục giữ vai trò thành viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật của tỉnh Liêu Ninh.

Từ tháng 1 năm 2023 đến nay, ông Lý Thành Lâm giữ chức vụ Ủy viên Ban lãnh đạo Đảng, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Sơn Tây, Bí thư Đảng ủy và Giám đốc Văn phòng Công an tỉnh Sơn Tây.

Những tội ác chính

Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông Lý Thành Lâm đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng trong viện kiểm sát và tòa án của tỉnh Cát Lâm và tỉnh Liêu Ninh, vốn là nơi đàn áp diễn ra nghiêm trọng nhất so với các địa khu khác trong nước. Trong số 4.980 trường hợp tử vong được trang web Minh Huệ Net xác nhận tính đến ngày 13 tháng 8 năm 2023, tỉnh Liêu Ninh đứng thứ hai với 626 trường hợp tử vong và tỉnh Cát Lâm đứng thứ tư trong cả nước với 525 trường hợp tử vong.

Khi ông Lý Thành Lâm vẫn còn là quyền công tố viên trưởng Viện kiểm sát tỉnh Liêu Ninh, ông nói trong báo cáo công việc thường niên vào ngày 15 tháng 1 năm 2020: “Tỉnh Liêu Ninh năm 2019 đã phê chuẩn việc bắt giữ 213 thành viên tổ chức “tà giáo” và khởi tố 261 người”. Hầu hết các học viên bị khởi tố phi pháp sau đó đều bị kết án tù và liên tục bị tra tấn trong khi ở trong tù. Kết quả là một số học viên đã qua đời, một số người khác bị thương hoặc bị tàn tật.

Điểm lại tình hình bức hại ở tỉnh Liêu Ninh

Bức hại trong năm 2022

Theo thống kê chưa đầy đủ của Minh Huệ Net, trong năm 2022 tại tỉnh Liêu Ninh, 29 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết và 88 người bị kết án tù phi pháp, trong đó học viên lớn tuổi nhất là 82 tuổi và mức án dài nhất là 7 năm, 119 học viên đã bị xét xử phi pháp.

Trong một vụ bắt bớ tập thể tại thành phố Cẩm Châu vào ngày 27 tháng 11 năm 2021, 11 học viên đã bị bắt cóc tại nhà của bà Khang Quế Vân. Trong số đó, bảy người đã bị Tòa án thành phố Lâm Hải kết án sau phiên tòa vào ngày 13 tháng 7 năm 2022.

– Bà Trương Anh Linh, 61 tuổi và bà Kim Hiểu Mai, 52 tuổi, mỗi người bị kết án phi pháp 3 năm với mức phạt 5.000 nhân dân tệ.
– Bà Khang Quế Vân, 70 tuổi, bị tuyên án phi pháp 2,5 năm tù với mức phạt 5.000 nhân dân tệ.
– Bà Lý Thục Phương, 80 tuổi và bà Trần Văn Học, 77 tuổi, mỗi người bị kết án phi pháp một năm tù và bị phạt 2.000 nhân dân tệ.
– Bà Lưu Bảo Liên, 81 tuổi, bị kết án một năm tù, hai năm án treo và 2.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Ông Doãn Quốc Chí, người ở huyện Kiến Bình, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt vào ngày 26 tháng 9 năm 2019. Vụ bắt giữ diễn ra sau khi ông đã bỏ trốn trong suốt 10 năm để tránh việc bị cảnh sát bắt giữ phi pháp. Tòa án huyện Kiến Bình sau đó đã kết án phi pháp 10 tù giam đối với ông Doãn Quốc Chí. Lúc đầu, ông bị giam tại Nhà tù Cẩm Châu, sau đó bị chuyển đến Nhà tù số 1 Thẩm Dương, tại đây ông đã bị tra tấn đến chết vào ngày 22 tháng 5 năm 2022, khi đó ông 56 tuổi.

Không lâu sau khi ông Doãn bị kết án, vợ ông, bà Phó Cảnh Hoa, trước đó từng phải lưu lạc khắp nơi sau thời gian bị tù oan, dưới sự đả kích và đau buồn cực độ, đã qua đời oan ức vào ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Bức hại trong năm 2021

Năm 2021, 25 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Liêu Ninh đã chết vì bị bức hại. Ít nhất 141 người đã bị kết án và ít nhất 101 học viên đã bị xét xử oan sai. Các học viên bị kết án đã bị phạt tổng cộng 670.000 nhân dân tệ. Bản án dài nhất là 10 năm, học viên cao tuổi nhất bị kết án là một người 85 tuổi. Ba mươi học viên đã trên 70 tuổi. 501 học viên khác bị bắt và nhà của họ bị cảnh sát đột nhập lục soát.

Cô Lưu Hiểu Hồng, một y tá tại Bệnh viện Nhân dân số 4 Thành phố Đại Liên, đã bị bắt cóc vào ngày 24 tháng 11 năm 2020. Sau đó, Tòa án quận Cam Tỉnh Tử đã kết án oan 7 năm tù giam đối với cô Lưu Hiểu Hồng. Cô đã đệ đơn kháng cáo nhưng tòa án cấp cao hơn đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của cô.

Trong một phiên tòa tập thể, bảy học viên đến từ thành phố Triều Dương đã bị xét xử vào ngày 16 và 17 tháng 12 năm 2021 và bị Tòa án thành phố Lăng Nguyên kết án phi pháp.

– Ông Trương Côn Sơn, khoảng 50 tuổi, bị kết án bảy năm tù oan. Ông đã đệ đơn kháng cáo.
– Bà Vu Thục Phân, 56 tuổi, bị kết án ba năm hai tháng. Bà đã kháng cáo nhưng bị bác bỏ.
– Bà Lật Tĩnh, 65 tuổi, bị kết án ba năm rưỡi.
– Bà Ngô Diễm Linh và chồng bà, ông Vương Trung Học, cả hai đều ở độ tuổi 60, lần lượt bị kết án ba và hai năm tù.
– Bà Lưu Tố Lan, 76 tuổi, bị kết án một năm rưỡi.
– Bà Vạn Quế Anh, 73 tuổi, bị kết án một năm.

Ông Lưu Hy Vĩnh, 80 tuổi, sống ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án ba năm tù vì giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho người dân vào tháng 2 năm 2017. Ông bị đưa tới Nhà tù Đông Lăng ở thành phố Thẩm Dương vào ngày 9 tháng 4 năm 2018. Khi mãn hạn tù, vào ngày 8 tháng 4 năm 2021, chính quyền đã chuyển ông đến trại tạm giam quận Cẩm Châu, thành phố Đại Liên và kết án ông thêm bốn năm tù giam. Ông đã bị đưa tới Nhà tù số 3 Đại Liên vào ngày 28 tháng 9 năm 2021. Ba tháng sau, vào ngày 9 tháng 12 năm 2021, ông được đưa đến Bệnh viện Trung ương Đại Liên do tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi. Gia đình ông đã nhiều lần yêu cầu thả ông để chữa bệnh nhưng bị nhà tù từ chối. Ông mất ngày 29 tháng 12 năm 2021, ở tuổi 81.

Bức hại trong năm 2020

Vào năm 2020, ít nhất 20 trường hợp bị bức hại đến chết đã được ghi nhận ở Liêu Ninh, mức cao nhất trong số các tỉnh. Bảy người trong số các học viên đã chết trong khi bị giam giữ, trong khi những người khác qua đời ngay sau khi được trả tự do hoặc do bị tra tấn kéo dài.

Ngoài ra, 74 học viên bị kết án và bị phạt tổng cộng 126.000 nhân dân tệ. Bản án dài nhất là 7,5 năm. 20 học viên bị kết án đều từ 65 tuổi trở lên và học viên lớn tuổi nhất là 82 tuổi.

Bức hại trong năm 2019

Năm 2019, 91 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án. Người lớn tuổi nhất là 81 tuổi và mức án dài nhất là 8 năm. Tổng số tiền phạt lên tới 227.000 nhân dân tệ.

Bà Lý Diễm Thu, người ở thành phố Cẩm Châu, bị Tòa án quận Thái Hà xét xử bí mật vào ngày 21 tháng 1 năm 2019 và bị kết án 5 năm tù phi pháp. Bà bị đưa đến Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh vào ngày 19 tháng 2 năm 2019, tại đây bà đã bị bức thực. Các lính canh cũng đã lột trần và nhốt bà vào phòng biệt giam. Bà bị tra tấn đến chết vào ngày 4 tháng 3 năm 2019, chỉ 14 ngày sau khi vào tù, khi đó bà 52 tuổi.

Một số trường hợp bị tra tấn đến chết sau khi bị bắt, truy tố, kết án phi pháp

Người đàn ông mắc bệnh ung thư qua đời vài ngày sau khi bị từ chối cho phép tại ngoại chữa bệnh, phút cuối trước khi qua đời tay chân vẫn bị cùm

Ông Đằng Ngọc Quốc, đến từ thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt vào ngày 13 tháng 10 năm 2020 và bị Tòa án quận Vu Hồng kết án 5 năm tù oan vào khoảng tháng 2 năm 2021. Khoảng tháng 5 năm 2022, ông bị chẩn đoán ung thư ruột kết và mắc chứng đi tiểu không tự chủ khi đang ở Nhà tù Đông Lăng. Tuy nhiên, quản lý nhà tù đã không cho phép ông tại ngoại để điều trị y tế. Ông yếu đến mức thậm chí không còn có sức để ngồi dậy, cũng không thể đi vệ sinh.

Ông Đằng qua đời ở tuổi 67 vào ngày 2 tháng 12, trong tình trạng bị giám sát chặt chẽ. Các lính canh vẫn không cho phép gia đình ông đến gần thi thể hay mặc quần áo cho ông. Thay vào đó, họ thuê một công ty để xử lý việc tang lễ cho ông, thi thể của ông Đằng được đưa về nhà tang lễ và hỏa táng vào ngày 4 tháng 12 dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cảnh sát. Sau cái chết của chồng, vợ ông bị mất ngủ nhiều đêm và thường bật khóc khi nghĩ về chồng mình. Bà kể lại, mỗi khi nhắm mắt, bà lại nhìn thấy cảnh tượng người chồng gầy gò và đến khi hấp hối vẫn bị cùm trên giường bệnh với lính canh vây xung quanh.

Ông lão 82 tuổi chết do suy sụp tinh thần vì bị kết án oan

Ông Chu Thiệu Đường, 82 tuổi, đến từ thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 17 tháng 11 năm 2022, sau khi phải chịu áp lực tinh thần do bản án oan một năm tù chỉ vì ông là người tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Chu bị bắt vào ngày 13 tháng 1 năm 2021 vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công tại một hội chợ cộng đồng. Cảnh sát đưa ông về nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của ông. Vì cả ông và vợ đều bị bệnh nên công an không đưa ông về đồn mà cứ ba ngày lại quay lại để sách nhiễu ông.

Tòa án Hình Long Đài đã xét xử ông Chu vào ngày 28 tháng 9 năm 2021. Gia đình ông đã đưa ông đến đó bằng xe lăn. Ông đã bị ngất xỉu trong phiên tòa do bị huyết áp cao nên thẩm phán đã phải hoãn phiên tòa.

Vì tình trạng sức khỏe của ông Chu, thẩm phán đã tổ chức một phiên xét xử khác tại nhà ông vào đầu tháng 12 năm 2021 và kết án ông một năm giám sát tại gia vào ngày 8 tháng 12. Họ để một chiếc điện thoại di động ở nhà ông để theo dõi hoạt động hàng ngày của ông.

Việc bị tuyên án oan và giám sát bằng điện thoại di động khiến ông Chu phải chịu áp lực tinh thần quá lớn. Sau đó ông đã qua đời oan uổng vào ngày 17 tháng 11 năm 2022.

Người phụ nữ bị kết án oan chết vài ngày sau khi bị từ tại ngoại chữa bệnh

Cô Lưu Hồng Hà, một học viên Pháp Luân Công 47 tuổi, đã bị từ chối tại ngoại để điều trị y tế, mặc dù cô đang ở trong tình trạng nguy kịch, sau đó cô đã qua đời vào ngày 8 tháng 11 năm 2022.

Cô Lưu, người ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt cóc vào ngày 28 tháng 10 năm 2021, vì đã dán các tấm áp phích có thông tin về Pháp Luân Công. Cô bắt đầu tuyệt thực vào ngày 14 tháng 2 năm 2022 để phản đối bị bức hại.

Khi luật sư của cô đến thăm cô vào ngày 28 tháng 2 năm 2022, ông được thông báo rằng cô đã được chuyển đến Bệnh viện Tân Hoa Xã, liên kết với Trại giam Thành phố Đại Liên và các nhà tù địa phương. Trong bệnh viện, cô Lưu bị trói vào giường, bị bức thực và tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Cô đã bị từ chối mọi cuộc viếng thăm, kể cả từ luật sư và gia đình.

Thẩm phán của Tòa án quận Cam Tỉnh Tử đã kết án oan bốn năm tù đối với cô Lưu Hồng Hà vào ngày 13 tháng 7, sáu ngày sau đó cô bị đưa trở lại trại tạm giam. Không ai trong gia đình cô được phép tham dự phiên xét xử. Yêu cầu tạm hoãn phiên tòa của luật sư của cô cũng bị thẩm phán từ chối. Cô Lưu yếu ớt và hốc hác đến nỗi thậm chí không thể tự ngồi dậy và chỉ có thể ngồi dựa vào ghế trong suốt quá trình xét xử.

Khi gia đình được phép vào thăm cô vào ngày 29 tháng 10, lúc này sức khỏe cô Lưu đã vô cùng yếu nhược. Cô bắt đầu chảy máu miệng và mũi vào ngày 4 tháng 11. Nghĩ rằng vài ngày nữa cô sẽ chết, bác sĩ yêu cầu gia đình đưa con của cô đến, để hai mẹ con gặp nhau lần cuối, dưới sự giám sát của một cảnh sát. Cô Lưu đã qua đời vào sáng ngày 8 tháng 11.

Một gia sư toán bị kết án tù trong khi bất tỉnh nhân sự, qua đời trong oan ức

Trong tình trạng đang hôn mê, ông Đinh Quốc Thần đã bị kết án hai năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông là gia sư toán ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, ông đã qua đời hai tháng sau khi bị kết án, vào ngày 30 tháng 4 năm 2022, khi mới 51 tuổi.

Ông Đinh bị bắt trong một cuộc truy quét của cảnh sát trên toàn tỉnh vào ngày 11 tháng 7 năm 2019. Vụ bắt giữ là một phần trong nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm “duy trì ổn định” trước lễ kỷ niệm 70 năm kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1949. Tại Trại giam Cẩm Châu, ông đã tuyệt thực suốt 4 tuần để phản đối việc bị giam giữ phi pháp và bị bức thực. Ông bị mất thính giác và bị đột quỵ do bị tra tấn. Sau đó ông được tại ngoại vào ngày 19 tháng 10 năm 2019.

Ngày 27 tháng 1 năm 2021, ông bị đột quỵ một lần nữa và rơi vào tình trạng hôn mê. Sau đó ông không thể tỉnh lại và rơi vào trạng thái người thực vật. Bất chấp tình trạng sức khỏe của ông, Tòa án quận Cẩm Châu đã kết án ông hai năm tù cùng khoản tiền phạt 5.000 nhân dân tệ vào ngày 23 tháng 2. Ông qua đời hai tháng sau đó.

Bị ban quản lý nhà tù từ chối tại ngoại y tế, người đàn ông đã qua đời chỉ sau đó 1 ngày

Chưa đầy một tháng sau khi ông Lý Chấn Đông bị đưa vào tù với thời hạn giam 3 năm rưỡi, ông đã bị chứng cổ chướng nghiêm trọng và không thể ăn uống. Khi gia đình đến thăm tại bệnh viện, người ông Lý đã rất gầy gò hốc hác, nhưng bụng ông lại sưng nghiêm trọng và mỗi ngày đều phải làm thủ thuật để loại bỏ chất lỏng dư thừa. Bất chấp tình trạng của ông, lính canh vẫn còng tay ông vào giường bệnh và theo dõi ông suốt ngày đêm.

Gia đình ông Lý nộp đơn xin tại ngoại để điều trị y tế nhưng bị nhà tù từ chối. Nhà tù cũng yêu cầu họ chi trả toàn bộ chi phí y tế cho ông ấy. Ông đã bắt đầu bị hôn mê vào ngày 9 tháng 11 và sốt cao 41 độ C trong thời gian dài.

Các lính canh theo dõi ông Lý đã báo cáo tình trạng của ông vào sáng ngày 12 tháng 11. Hai viên chức từ Cục Quản lý Nhà tù Thành phố Thẩm Dương đã đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng của ông. Sau khi bác sĩ xác nhận rằng ông Lý có thể không qua khỏi vào tối hôm đó, ban quản lý nhà tù đã đưa ra thông báo chấp thuận tại ngoại y tế và yêu cầu bốn lính canh đã theo dõi ông Lý rời khỏi bệnh viện. Vợ, con gái, con rể, anh trai và em gái của ông Lý đã đến bệnh viện và ở lại với ông vào lúc cuối đời. Ông qua đời lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau, ở tuổi 68.

Kỹ sư hàng không Hồ Lâm bị bức hại đến chết

Anh Hồ Lâm là một kỹ sư hàng không, bị bắt vào ngày 23 tháng 5 năm 2019 và bị đưa đến Trại giam quận Pháp Khố. Khi ở đó, anh thường xuyên bị đánh đập. Anh đã tuyệt thực để phản đối bị bức hại. Các lính canh còng tay chân của anh trong tư thế đại bàng vào một tấm ván trên giường tầng. Họ cũng bức thực và để lại ống truyền thức ăn trong bụng anh.

Anh Hồ Lâm bị kết án hai năm tù vào ngày 20 tháng 6 năm 2019. Mặc dù anh đang trong tình trạng nguy kịch nhưng tòa án đã ra lệnh chuyển anh đến Nhà tù Khang Giang Sơn vào ngày 30 tháng 10 năm 2019. Cơ thể anh trở nên gầy gò ốm yếu, thậm chí không đủ sức để lật người. Quản lý nhà tù từ chối trả tự do cho anh và không điều trị y tế cho anh. Họ tuyên bố rằng họ sẽ không trả tự do ngay cả khi anh tử vong vì anh đã không đồng ý từ bỏ Pháp Luân Công. Anh Hồ Lâm qua đời vào ngày 16 tháng 2 năm 2020.

Người đàn ông Liêu Ninh tử vong trong nhà tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công

Ông Trương Chấn Tài và vợ ông, bà Trương Liên Vinh, người ở huyện Hắc Sơn, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt vào ngày 14 tháng 7 năm 2019 vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đột nhập lục soát nhà của họ vào ngày hôm sau và tịch thu các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công và các đồ dùng cá nhân khác của họ.

Viện kiểm sát địa phương đã phê chuẩn việc bắt giữ họ vào ngày 29 tháng 7 năm 2019. Sau đó, họ bị Tòa án quận Hắc Sơn kết án, ông Trương bị tuyên án 23 tháng và bà Trương bị tuyên án 26 tháng tù oan.

Ông Trương bị đưa đến một nhà tù ở thành phố Đại Liên. Một viên lính canh đã gọi điện cho gia đình ông vào ngày 23 tháng 1 năm 2020 để thông báo rằng ông đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Hai tuần sau, nhà tù thông báo cho gia đình ông rằng ông đã qua đời vào ngày 7 tháng 2.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/28/463428.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/15/210821.html

Đăng ngày 21-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share