Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-05-2022]

Tên:Trương Diệu Minh (张耀明)
Giới tính:Nam
Tuổi:59
Thành phố:Hạc Cương
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp:Giảng viên toán học
Ngày qua đời: Đầu tháng 4 năm 2022
Ngày xảy ra vụ bắt cuối cùng:20 tháng 4 năm 2002
Nơi giam giữ cuối cùngNhà tù Thái Lai

Năm 2002, ông Trương Diệu Minh (cư dân thành phố Hạc Cương, tỉnh Liêu Ninh) đã bị kết án 19 năm tù vì chèn tín hiệu truyền hình để phát sóng chương trình vạch trần những tuyên truyền thù hận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào Pháp Luân Công.

Ông Trương chỉ còn da bọc xương khi được thả vào tháng 4 năm 2021. Ông đã qua đời một năm sau đó ở tuổi 59. Ông ra đi để lại vợ con của mình.

Bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công

Ông Trương là một giáo viên dạy toán trung học. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, ông phải vật lộn với chứng viêm họng nghiêm trọng, cũng như bệnh viêm xoang và viêm túi mật. Ở tuổi ngoài 30 tuổi, ông thường phải nghỉ việc dài hạn do bệnh nặng. Dù vợ ông là bà Phạm Phượng Trân là bác sỹ, nhưng cũng không thể chữa khỏi bệnh cho ông.

Bà Phạm (60 tuổi) là giám đốc khoa nội ở một bệnh viện. Bà bị ho gà khi mới lên ba và thường xuyên ho dữ dội vào mùa đông. Bà cũng bị thiếu máu và các vấn đề sức khoẻ khác khiến bà phải chật vật trong công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Vài ngày sau khi bà Phạm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 8 năm 1995, bà cảm thấy mọi mệt mỏi biến mất và cơ thể nhẹ nhàng thoải mái. Không lâu sau đó, bà thấy ông Trương cũng thay đổi và ông không còn nóng nảy nữa. Bà tò mò và hỏi ông tại sao việc bà tu luyện Pháp Luân Công cũng thay đổi ông trở nên tốt hơn. Ông Trương nói ông đã đọc các sách của Pháp Luân Công sau khi bà đi ngủ và ông đã đọc suốt sáu tháng qua.

Kể từ đó, hai người đã tận hưởng sức khoẻ tốt và sống theo Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Ông Trương không bao giờ bị bệnh nữa. Bà Phạm đã ngừng nhận quà từ gia đình bệnh nhân và đối xử với gia đình nhà chồng tốt hơn.

Bị bắt vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Khi ĐCSTQ phát động bức hại tàn khốc Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, tất cả các kênh truyền thông do nhà nước kiểm soát đăng tải phô thiên cái địa những tuyên truyền vu khống và bôi nhọ Pháp Luân Công. Chỉ trong một đêm, 100 triệu học viên của pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân ôn hoà này đã bỗng chốc trở thành kẻ thù hàng đầu của đất nước.

Tháng 10 năm 2000, ông Trương và bà Phạm đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông Trương đã bị bắt vì treo một biểu ngữ trên Quảng trường Thiên An Môn. Bà Phạm lúc đó đang ở trong một khách sạn cũng bị bắt giữ.

Hai người đã bị đưa trở lại Hạc Cương và bị ép nộp 8.000 Nhân dân tệ. Tại Trại tạm giam Số 2 Thành phố Hạc Cương, các tù nhân đã dùng trùm chăn lên ông Trương và đánh đập ông. Sau đó ông bị kết án 1 năm trong Trại Cưỡng bức Lao động thành phố Hạc Cương.

Ban đầu bà Phạm bị giam 2 tháng ở trong Trại tạm giữ thành phố Hạc Cương và bị tống tiền 1.000 Nhân dân tệ trước khi bị chuyển đến một trại tạm giam để bị giam thêm 7 tháng. Bà đã tuyệt thực để phản đối bức hại và 5 ngày sau bà đã được thả ra. Sau khi bà được trả tự do, bệnh viện đã sa thải bà khi bà quay trở lại làm việc.

be11baeba49aefd514487173f3c91ab6.jpg

Minh hoạ tra tấn: Bức thực

Bà Phạm lại bị bắt vào đầu tháng 1 năm 2002. Trưởng đồn Diêu của Đồn Công an thôn Công Nhân đã đánh đập bà khiến hai mắt bà sưng lên và mặt đầy vết bầm tím. Khi đang thụ án 15 ngày ở Trại tạm giữ thành phố Hạc Cương, bà bắt đầu tuyệt thực để phản bức hại lần nữa. Đến ngày thứ chín, các lính canh đã bức thực bà bằng bột ngô trộn với một lượng muối lớn. Bụng bà đau rát dữ dội và cổ họng bị thương nặng. Bà đã suýt chết ngạt.

Bị kết án 19 năm vì chèn tín hiệu vào sóng truyền hình

Ngày 20 tháng 4 năm 2002, ông Trương, ông Vương Thụ Sâm, ông Quách Trung Quyền, ông Quách Hưng Vượng (còn gọi là Quách Hưng Quốc) và ông Dương Vĩnh Anh đã không màng rủi ro sinh mạng của họ để chèn tín hiệu vào sóng truyền hình địa phương để phát một đoạn video với thời lượng 20 phút để lật tẩy vụ tự thiêu giả mạo mà ĐCSTQ dàn dựng nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công ở trên Quảng trường Thiên An Môn. Trương Hưng Phúc, khi đó là bí thư thành ủy Hạc Cương, đã rất tức giận. Ông ta ra lệnh bắt giữ các học viên liên quan, tuyên bố: “Thậm chí có bắt sai 1.000 người cũng không được để sót 1 người có liên can!”

Chỉ trong vài ngày, hơn 500 học viên Pháp Luân Công địa phương ở thành phố Hạc Cương đã bị bắt giữ. Ông Trương và bà Phạm bị bắt vào giữa đêm ngày 24 tháng 4 tại nhà của một người thân. Ông Vương, ông Quách Trung Quyền và ông Quách Hưng Vượng cũng bị bắt không lâu sau đó.

Tòa án quận Công Nông đã kết án nặng đối với bốn học viên vào tháng 10 năm 2002: Ông Trương 19 năm tù, ông Vương 18 năm tù, ông Quách Hưng Vượng 15 năm tù và ông Quách Trung Quyền 13 năm tù.

Ông Dương đã thoát khỏi vụ bắt giữ và bị bắt vào ngày 7 tháng 9 năm 2005, sau đó bị kết án 17 năm tù vào năm 2006.

Ông Quách Hưng Vượng đã bị tra tấn tàn bạo ở trong trại tạm giam Số 1 thành phố Hạc Cương và Nhà tù Hô Lan. Ông đã được bảo lãnh chữa trị vào ngày 7 tháng 5 năm 2009 và qua đời ba tuần sau đó vào ngày 3 tháng 6.

Ban đầu ông Trương bị giam ở Nhà tù Số 3 Cáp Nhĩ Tân. Vào đầu năm 2004, Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Hắc Long Giang yêu cầu tỉ lệ chuyển hoá các học viên là 95%. Sau khi một học viên bị tra tấn đến chết vào tháng 5 năm đó, quản lý nhà tù đã chuyển hầu hết các học viên Pháp Luân Công đến những nhà tù khác nhằm che đậy tội ác.

Ngày 30 tháng 6 năm 2014, ông Trương và 27 học viên khác bị đưa đến Nhà tù Thái Lai. Quản lý nhà tù hứa thưởng 2.000 Nhân dân tệ cho mỗi trưởng khu giam giữ và 1.000 Nhân dân tệ cho mỗi lính canh nếu bất kỳ đội nào có thể chuyển hoá thành công tất cả các học viên trong đội từ bỏ Pháp Luân Công. Bất kỳ quản giáo hay lính canh nào không đạt được tỉ lệ chuyển hoá 100% sẽ bị giảm lương, cách chức hay thậm chí mất việc. Các lính canh được phép dùng bất kể phương thức tra tấn nào miễn là có thể làm suy sụp ý chí của các học viên. Nếu không đủ dụng cụ tra tấn thì họ có thể tự chế ra.

Các học viên thường xuyên bị treo lên bằng còng tay hoặc bị trói vào các dụng cụ tra tấn kéo căng. Họ không được ngủ vào ban đêm. Khi trời lạnh, lính canh sẽ dội nước lạnh lên người họ. Có lúc họ bị treo dưới nắng nóng (lên tới 40°C). Có lúc họ bị để dưới hố sâu gần 1 mét trong nhiều ngày với chân tay bị trói hướng lên trên. Ngoài ra, lính canh còn tra tấn họ bằng cách đặt hai trái bóng thép dưới mông của một học viên trong bảy ngày. Bên cạnh đó, các học viên cũng bị cưỡng bức phải lao động nặng nhọc không công.

Ông Trương bị thiếu máu trầm trọng, mắc bệnh ngoài da và bệnh trĩ do bị tra tấn. Mặc dù có thời điểm ông được tạm tha để chữa trị y tế nhưng sau đó bị đưa trở lại nhà tù vào ngày 17 tháng 8 năm 2015 để hoàn thành án tù.

Khi ông mãn hạn tù vào ngày 23 tháng 4 năm 2021, thay vì thông báo cho gia đình đến đón thì nhà tù đã giao ông cho nhân viên của Uỷ ban Chính trị và Pháp luật thành phố Hạc Cương, Phòng 610 và Đồn Công an Hồng Quân. Họ đưa ông đến Đồn Công an Hồng Quân và ép gia đình thay mặt ông viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trước khi để ông về nhà.

Do bị huỷ hoại sức khoẻ nặng nề sau án tù dài hạn và tra tấn không ngừng, ông Trương đã không thể hồi phục và đã qua đời vào đầu tháng 4 năm 2022.

Khổ nạn của người vợ

Sau khi ông Trương bị kết án vào năm 2002, bà Phạm đã bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức. Bà đã bị giam trong Trung tâm Cai nghiện Ma tuý thành phố Cáp Nhĩ Tân.

Ngày 12 tháng 11 năm 2002, trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc của ĐCSTQ, trung tâm cai nghiện bắt đầu một đợt tra tấn hơn 100 học viên đang bị giam giữ, trong đó hai học viên đã bị đánh đập đến chết.

Bà Phạm và các học viên khác bị bắt ngồi xổm thành một hàng vào buổi sáng. Lính canh sẽ gọi ngẫu nhiên các học viên ra để tra tấn. Trưa ngày 14 tháng 11, lính canh Trương Ngọc Thư đã gọi tên bà Phạm.

Trong mùa đông lạnh giá, lính canh Triệu lột quần và áo len ấm của bà Phạm và bắt bà đi chân trần xuống tầng hầm, nơi có 70 học viên khác đã bị tra tấn ở đó. Anh ta còng tay bà vào một vật cố định trên sàn và mở cửa sổ để gió lạnh thổi vào các học viên.

Một lính canh khác dùng dùi cui sốc điện vào chân bà Phạm. Một người khác cuộn tròn một cuốn tạp chí và đánh vào mặt bà khiến mặt bà bị sưng vù và bầm tím. Sau đó tù nhân Lục Bội Anh nhét một quả bóng gạc có mùi hôi vào miệng bà và dán lại. Tù nhân Chu Lệ Quyên cắt tóc bà một cách nham nhở để khiến diện mạo bà trông khó coi nhằm hạ nhục bà.

Khoảng nửa đêm, lính canh Vương Đan ép bà Phạm ngồi trên một thùng nước và sốc điện trực tiếp vào lưng và hai cánh tay của bà. Sau đó họ lôi bà ra ngoài trời và năm lính canh, mỗi người cầm một dùi cui điện, tiếp tục sốc điện bà. Bà cảm thấy đầu mình như muốn nổ tung và bà co người lăn lộn trên mặt đất do quá đau đớn.

36a0e4394fd5c0d16c46ea699c572cab.jpg

Minh hoạ tra tấn: Sốc điện

Kể từ đó, bà Phạm phải vật lộn với chứng tê bì toàn thân và chóng mặt. Bà không thể giữ thăng bằng khi đi và mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Dù vậy, mãi đến gần 2 năm sau, vào tháng 10 năm 2004, chính quyền mới thả bà. Lúc đó bà rất yếu ớt và hốc hác. Bà không có sức để nói chuyện và ăn uống khó khăn.

Khi hai vợ chồng bị giam giữ, đứa con nhỏ của họ phải sống với một người thân. Đứa bé thường khóc và không thể tập trung học hành. Cha của bà Phạm cũng bị tổn hại sức khoẻ nghiêm trọng do cuộc bức hại và đã qua đời vào ngày 1 tháng 7 năm 2004, 3 tháng trước khi bà được thả.

Bài liên quan:

Chèn sóng truyền hình nhà nước tại Trung Quốc: Góc nhìn lịch sử về cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công đối với cuộc bức hại tại Trung Quốc

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/29/444215.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/31/201621.html

Đăng ngày 02-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share