Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-08-2023] Ông Uông Trạch Tuyên ở Xích Thủy, tỉnh Quý Châu đã bị bắt vào ngày 9 tháng 8 năm 2023 vì nói với người dân về cuộc bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.

Ông Uông hiện bị giam ở trong Trại tạm giam Số 3 thành phố Tuân Nghĩa. Hiện chưa có thông tin chi tiết về việc bắt giữ.

Ông Uông ở huyện Hợp Giang, tỉnh Tứ Xuyên. Ông từng là giáo viên, đồng thời là chủ một studio chụp ảnh và một nhà hàng. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Ông tin rằng pháp môn tu luyện này đã giúp ông từ bỏ nhiều thói quen xấu, bao gồm hút thuốc, uống rượu và cờ bạc.

Hai tháng sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông bị bắt giam hơn 10 ngày. Ông lại bị bắt vào đầu tháng 5 năm 2000 và bị giam giữ. Trong 2 thập kỷ tiếp theo, ông thường xuyên phải đối mặt với sự sách nhiễu và bắt giữ từ phía chính quyền. Ông đã thụ án 2 lần trong trại lao động và 1 án tù với tổng thời hạn 7,5 năm.

Hai bản án lao động

Vì làm tài liệu thông tin về Pháp Luân Công, ông Uông đã bị cảnh sát bắt giữ vào tháng 3 năm 2003 tại thành phố Xích Thủy, tỉnh Quý Châu (cách quê nhà của ông ở huyện Hợp Giang khoảng 96 km). Cảnh sát phạt ông 2 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nam tỉnh Quý Châu. Lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân đánh đập ông khiến ông bất tỉnh.

Sau khi được trả tự do trước thời hạn 1 năm, ông Uông chuyển đến thành phố Thẩm Dương phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh (cách quê nhà khoảng hơn 2.700km) để làm việc. Cảnh sát Hợp Giang đã bám theo ông tới đó và thường xuyên sách nhiễu ông. Cảnh sát gây áp lực để nhà máy nơi ông làm việc sa thải ông và buộc ông phải quay trở lại Hợp Giang.

Ông Uông lại bị bắt vào mùa đông năm 2005 bởi công an Xích Thủy và Hợp Giang. Ở trong trại tạm giam thành phố Xích Thủy, lính canh trói ông vào một cái cây và quất ông bằng thắt lưng da. Ông bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nam tỉnh Quý Châu vào tháng 3 năm 2006 để thụ án 3 năm.

Ba lính canh, trong đó có Uông, Đồ Trọng Cửu và một người không rõ danh tính, đã đánh đập ông Uông vào ngày 16 tháng 5 năm 2007, nhằm ép ông từ bỏ Pháp Luân Công. Cơ thể ông đầy thương tích và vết bầm tím. Để ngăn ông la hét, lính canh đã bịt miệng và tiếp tục đánh ông. Khi họ kiệt sức vì đánh ông, họ lấy một ấm nước sôi và đổ lên người ông Uông khiến ông bị bỏng nặng và phải nằm viện 2 tháng.

2023-8-23-200543-1.jpg

Tái hiện phương thức tra tấn: Đổ nước sôi lên người một học viên

Ông Uông được thả vào tháng 11 năm 2008. Ông ở trong một ngôi nhà hoang ở Hợp Giang trong khi vẫn bị cảnh sát sách nhiễu.

Kết án 3 năm 7 tháng tù

Ông Uông lại bị bắt vào ngày 7 tháng 6 năm 2012 vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở thành phố Lô Châu (nơi có thẩm quyền với Hợp Giang). Ông bị giam ở trong Trại giam quận Nạp Khê (ở Lô Châu). Tòa án quận Nạp Khê đã tổ chức xét xử ông vào ngày 10 tháng 1 năm 2014.

Đến cuối tháng 7 năm 2014, gia đình ông xác nhận được rằng ông đã bị kết án 3 năm 7 tháng tù. Ông bị chuyển đến Nhà tù Gia Châu vào ngày 5 tháng 11 năm 2014.

Nhà tù Gia Châu được sử dụng để giam giữ các nam học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Tứ Xuyên kể từ năm 2006. Các học viên bị giam giữ ở đó bị tra tấn bằng nhiều hình thức tàn bạo. Trong 17 năm qua, ít nhất 24 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết ở trong tù hoặc qua đời ngay sau khi được thả.

Một trong những thủ đoạn tra tấn là các học viên chỉ được phép ăn trong 20 giây. Học viên bị buộc phải ngồi trong tư thế song bàn và không được phép nhấc bát lên khỏi mặt đất mà phải cúi đầu xuống để ăn uống như động vật. Sau khi lính canh đếm từ 1 đến 20, các học viên phải ngừng ăn ngay lập tức.

Các thủ đoạn tra tấn khác bao gồm đứng nhiều giờ, cấm ngủ, sốc điện, đánh đập và cưỡng bức lao động khổ sai không công. Học viên không được phép nói chuyện với nhau và bị yêu cầu viết “báo cáo tư tưởng” và “cam kết” để từ bỏ đức tin của mình. Những người không tuân theo mệnh lệnh sẽ bị “quản lý nghiêm ngặt”, xịt nước cay hoặc bị các tù nhân khác tra tấn. Đôi khi lính canh đội mũ bảo hiểm xe máy lên đầu các học viên ngay sau khi xịt nước cay vào họ. Lính canh gọi hình thức tra tấn này là “lái xe máy”.

Sau khi ông Uông được thả, ông liên tục đổi chỗ ở từ nơi này đến nơi khác để trốn cảnh sát. Không thể tìm ra ông, cảnh sát thường gọi điện đến gia đình ông để sách nhiễu. Năm 2021, khi cảnh sát Hợp Giang gọi điện lại cho gia đình ông, họ tuyên bố rằng chỉ cần ông trở về nhà và hứa không luyện Pháp Luân Công nữa thì họ sẽ thôi sách nhiễu ông. Không rõ liệu ông Uông có hợp tác với họ hay không.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/24/464522.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/29/211064.html

Đăng ngày 19-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share