Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-08-2023] Một cư dân 66 tuổi ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã được trả tự do vào ngày 28 tháng 3 năm 2023, sau khi thụ án 3,5 năm tù vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Tuy nhiên ông lại phải đối mặt với sự sách nhiễu liên tục từ phía chính quyền địa phương.

Pháp Luân Công là một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ tháng 7 năm 1999.

Ngày 28 tháng 9 năm 2019, ông Trần Kính Vũ bị bắt và sau đó bị xét xử thông qua một phiên tòa trực tuyến vào ngày 22 tháng 4 năm 2020.

Đến cuối tháng 5 năm 2020, ông bị kết án 3,5 năm tù và phạt tiền 3.000 Nhân dân tệ. Đơn kháng cáo của ông bị bác bỏ vào ngày 23 tháng 7 năm 2020 và ông bị đưa vào Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam vào ngày 30 tháng 11 năm đó.

Vào ngày dự kiến được trả tự do 28 tháng 3 năm 2023, ông Trần phát hiện cảnh sát thuộc Đồn Công an Đường Tiền Hưng và Ủy ban Đường Tiền Hưng đã đợi ông ở cổng nhà tù. Họ chở ông về nhà và chụp ảnh ông. Họ cũng cảnh cáo ông không được đi ra ngoài để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Một tháng sau, 2 cảnh sát của Đồn Công an Giao Lăng, trong đó có Lý Đức Cương, cùng 3 nhân viên của Ủy ban Đường Tây Viên Bắc đã đi đến nhà ông Trần để “nói chuyện” với ông.

Tháng 6 năm 2023, ông Trần bị triệu tập đến Cục Tư pháp Long Tường, nơi ông bị buộc phải ký một thỏa thuận để “giúp ông ấy nhận thức ra tội của mình khi tu luyện Pháp Luân Công”. Họ không đưa cho ông bản sao của thỏa thuận, trong đó cơ bản là họ được phép sách nhiễu ông bất cứ lúc nào chỉ vì đức tin của ông. Hàng tháng họ đều gọi điện cho ông để “kiểm tra”.

Sơ lược về sự bức hại

Ông Trần trước đây là trưởng bộ phận dinh dưỡng của Cơ sở Huấn luyện Thể thao Hải Canh ở Côn Minh. Sau khi bước vào tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, ông đã cải biến trở thành một người tốt hơn và là một nhà quản lý tốt hơn, nhưng lại liên tục bị chính quyền nhắm đến sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999.

Năm 2002, ông bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức và bị giáng xuống làm việc bảo trì sân bóng sau khi được thả vào năm 2003. Năm 2004, ông Trần lại bị bắt giữ và bị kết án lao động cưỡng bức 3 năm, sau đó bị gia hạn thêm 10 tháng. Đơn vị công tác đình chỉ tiền lương của ông trong thời gian ông thụ án lao động cưỡng bức lần thứ 2. Không thể chống chọi nổi với khó khăn tài chính và sự sách nhiễu thường xuyên sau khi ông được thả vào năm 2007, vợ ông đã ly dị ông.

Sau khi bị bắt vào năm 2011, ông Trần bị kết án 3 năm tù và đơn vị công tác của ông đã sa thải ông vào ngày 9 tháng 10 năm 2013, khi ông vẫn ở trong tù. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2013, đơn vị công tác vẫn cấp cho ông khoản trợ cấp hàng tháng 500 Nhân dân tệ, nhưng đã cắt khoản trợ cấp này sau khi sa thải ông. Ông Trần phải làm những việc vặt để kiếm sống sau khi được ra tù vào ngày 26 tháng 3 năm 2014.

Lãnh đạo đơn vị công tác của ông Trần và văn phòng an sinh xã hội địa phương từ chối chi trả mọi khoản phúc lợi hưu trí cho ông Trần khi ông đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2017. Sau án tù thứ 2 (thụ án từ năm 2019 đến năm 2023) sức khỏe của ông bị tổn hại nghiêm trọng và mất khả năng lao động. Không có lương hưu, ông Trần phải dựa vào số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để trang trải cuộc sống.

Phần còn lại của bài viết cung cấp thông tin chi tiết về đợt bức hại gần đây nhất của ông Trần.

Vụ bắt giữ mới nhất

Khoảng 4 giờ chiều ngày 28 tháng 9 năm 2019, khi ông Trần vừa bước vào khu chung cư của mình thì bị 2 cảnh sát mặc thường phục chặn lại và hỏi ông có phải là Trần Kính Vũ không. Ông trả lời là đúng và 1 cảnh sát xác minh lại bằng cách đối chiếu mặt ông với một bức ảnh chụp.

Khi ông Trần hỏi họ đến từ đồn công an nào, họ nói là từ Đồn Công an Vĩnh Xương ở quận Tây Sơn. Họ xuất trình giấy tờ chứng minh thân phận, sau đó đưa ông đến Đồn Công an Giao Lăng. Kế tiếp, họ gọi thêm 4 cảnh sát mặc thường phục nữa (sau này ông Trần mới biết là họ người của Đội An ninh Nội địa Quận Tây Sơn.

Sau đó, 6 cảnh sát này đưa ông Trần quay về căn hộ của ông. Họ giật chìa khóa của ông, nhưng sau 1 tiếng đồng hồ loay hoay vẫn không thể mở được cửa. Họ tìm một thợ khóa, nhưng cũng không thể mở cửa. Sau đó, cảnh sát lấy một chiếc máy khoan điện và cắm phích cắm vào ổ cắm bên trong căn hộ đối diện với chăn hộ nhà ông Trần.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát cũng tịch thu điện thoại di động của ông Trần và gọi điện cho người thân của ông sau khi xem danh bạ của ông. Vào lúc cảnh sát phá cửa, con trai và cháu trai của ông đến nhà ông. Một cảnh sát đưa ra lệnh khám xét khi bị hỏi tại sao lại đột kích vào căn hộ của ông Trần. Ông Trần không được đọc nội dung ghi trên lệnh khám xét. Cảnh sát tịch thu các sách Pháp Luân Công và tài liệu thông tin, 2 máy tính xách tay, 2 máy in, 1 hộp giấy photocopy, túi nhựa và vật phẩm có giá trị khác. Họ còn bắt ông Trần đứng cạnh tang vật bị tịch thu, rồi chụp ảnh và ghi hình ông.

Trói vào ghế sắt suốt 1 đêm

Khoảng 7 giờ tối cùng ngày, cảnh sát đưa ông Trần đến Đồn Công an Vĩnh Xương và trói ông trên một chiếc ghế tựa bằng sắt. Một cảnh sát đưa cho ông một chút đồ ăn.

2013-6-22-minghui-persecution-kuxing-02.jpg

Dụng cụ tra tấn: Ghế sắt

Khoảng 2 tiếng sau, một số cảnh sát mặc đồng phục đến thẩm vấn ông Trần. Ông từ chối trả lời và cũng từ chối ký tên vào biên bản thẩm vấn. Họ cưỡng chế lấy dấu vân tay và mẫu nước tiểu của ông. Cảnh sát rời đi lúc khoảng 11 giờ đêm.

Ông Trần bị trói trên ghế sắt suốt đêm. Vào khoảng 9 giờ sáng ngày hôm sau, một số cảnh sát chở ông đến Bệnh viện Nhân dân Số 1 Thành phố Côn Minh để khám sức khỏe, bao gồm chụp X-quang, siêu âm và xét nghiệm máu. Sau đó họ chở ông đến trại tạm giam Quận Tây Sơn. Lúc đó là 12 giờ trưa, giờ ăn trưa của trại tạm giam. Họ đợi đến 2 giờ chiều để xử lý việc giam giữ ông Trần.

Lệnh bắt giữ chính thức ông Trần được ban hành vào ngày 5 tháng 11 năm 2019.

Lĩnh án 3,5 năm tù

Cuối năm 2019, nhân viên của Viện Kiểm sát Quận Tây Sơn lấy lời khai của ông Trần 2 lần tại trại tạm giam. Sau đó, ông bị các công tố viên Trương Hạm Văn và Triệu Văn Huy truy tố.

Viện cớ đại dịch, Tòa án Quận Tây Sơn đã lên lịch xét xử trực tuyến vào ngày 22 tháng 4 năm 2020, mà không thông báo cho ông Trần biết về quyền từ chối các phiên tòa trực tuyến.

Chủ tọa phiên tòa Lý Lệ Quân, trợ lý thẩm phán Đông Môn Lệ và Quảng Hân, cũng như thư ký Ô Nhuận, có mặt tại phiên tòa trực tuyến. Thẩm phán Lý chỉ định một luật sư nhận tội cho ông Trần. Khi ông Trần hỏi liệu luật sư có thể tuyên bố vô tội cho ông hay không, Lý nói luật sư không được phép. Ông Trần tự đọc lập luận bào chữa và nhấn mạnh không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công hoặc xác định đây là tà giáo. Ông yêu cầu công tố viên Trương cung cấp bằng chứng về cáo buộc “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” – một cái cớ tiêu chuẩn dùng để truy tố các học viên Pháp Luân Công.

Công tố viên Trương không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào và thẩm phán Lý kết thúc phiên tòa.

Cuối tháng 5 năm 2020, ông Trần nhận phán quyết có tội. Ông bị kết án 3,5 năm tù và phạt tiền 3.000 Nhân dân tệ. Ông nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Côn Minh và cơ quan này đã mở một cuộc họp trực tuyến để xác minh một số thông tin nhất định, nhưng không tổ chức phiên tòa công khai như nguyện vọng của ông Trần.

Ngày 23 tháng 7 năm 2020, thẩm phán Lý Thạch Hữu cùng các trợ lý thẩm phán Trịnh Hoành và Trình Tư Tiến ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của ông Trần. Tên của các trợ lý thẩm phán, Lý Tú Giang và thư ký Quách Hân Minh, cũng được ghi trên bản án.

Bị ngược đãi ở trong tù

Ngày 30 tháng 11 năm 2020, ông Trần bị chuyển đến Nhà tù Số 1 Tỉnh Vân Nam. Khi vừa đến nơi, ông bị lột trần và bị bắt phải mặc quần áo tù nhân. Ông chỉ được phép giữ hai đồ vật là bản cáo trạng và bản án của ông. Tiếp đó, lính canh trùm một chiếc mũ màu đen lên đầu ông và đưa ông đến bệnh viện nhà tù để cách ly 15 ngày. Sau đó, ông phải khám sức khỏe trước khi bị đưa đến Đội 1 (còn được gọi là Đội Nghiêm quản), ở đây, ông lại lập tức bị lột trần và buộc phải ngồi xổm và nhảy cóc liên tục trong khoảng 5 phút.

Thời điểm đó, Đội 1 được đặt trong một tòa nhà 6 tầng mới xây. Mỗi tầng đều có cửa điện tử và khoảng 14 buồng giam. Mỗi buồng giam còn có cửa điện tử và phòng tắm riêng để thuận tiện cho lính canh nhốt tù nhân trong buồng giam của họ 24/7.

Hàng ngày, các học viên Pháp Luân Công bị giam ở Đội 1 đều phải thức dậy vào lúc 6 giờ sáng và đi ngủ vào lúc 10 giờ đêm. Ngoại trừ 3 bữa ăn và các buổi tẩy não được tổ chức ở bên ngoài buồng giam, họ đều phải ngồi trên những chiếc ghế nhỏ suốt cả ngày, bắt đầu từ 6 giờ 30 phút sáng. Họ chỉ được cung cấp những khẩu phần ăn ít ỏi. Hầu hết bữa sáng chỉ gồm có bánh bao hấp. Mỗi tuần một lần, các học viên được phát một quả trứng và một chiếc bánh bao hấp (vào những ngày khác nhau) cho bữa sáng.

Ngồi trên ghế đẩu nhỏ suốt ngày trong phòng biệt giam

Lính canh phân công các tù nhân hình sự mới vào tù theo dõi các học viên Pháp Luân Công, cứ 4 tù nhân theo dõi 1 học viên.

Mỗi học viên bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ, xung quanh có 4 tù nhân dùng đầu gối thúc vào người để ngăn học viên động đậy. Vì các tù nhân mới vào phải học thuộc nội quy của nhà tù, nên lính canh ra lệnh cho họ đọc to nội quy từ hơn 7 giờ sáng (sau bữa sáng) cho đến 6 giờ 30 phút chiều. Mục đích là buộc các học viên phải nghe những nội quy đó.

Cứ mỗi 2 tuần nhà tù lại tiếp nhận một đợt tù nhân mới và lính canh phân công 4 tù nhân mới thay thế những tù nhân trước đó. Mục đích là không cho phép bất kỳ tù nhân nào tiếp xúc quá lâu với các học viên, vì lo sợ họ sẽ dao động trước sự thiện lương của các học viên và phản kháng lại lệnh bức hại của lính canh.

Mỗi học viên chỉ được phép đi vệ sinh 4 lần một ngày, vào lúc 6 giờ sáng, 11 giờ sáng, 3 giờ chiều và trước khi đi ngủ. Thời gian còn lại, họ phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ.

Khi đến giờ ăn, học viên trong mỗi buồng giam phải thay phiên nhau lấy bát và vật dụng từ một nơi được chỉ định, rồi quay lại buồng giam để chờ được đưa đồ ăn. Những tù nhân phụ trách phân phát thực phẩm đẩy xe thức ăn đến từng buồng giam để các học viên lấy thức ăn. Sau bữa ăn, các học viên đi rửa bát. Sau đó, họ lại phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ cho đến giờ ăn tiếp theo.

Sau bữa tối, vào khoảng 6 giờ 30 phút chiều, tất cả học viên đi xuống sảnh để xem bản tin của chế độ cộng sản trước khi xem các chương trình truyền hình khác. Họ trở về buồng giam lúc 8 giờ 30 phút tối. Sau đó, họ phải tham gia cuộc họp hàng ngày. Thời gian tắm rửa là lúc 9 giờ 30 phút tối, và thời gian đi ngủ là 10 giờ tối. Nhưng đèn vẫn chiếu sáng cả đêm.

Mông của ông Trần bị nhiễm trùng, sau đó bị chai sần vì ngồi trên ghế nhỏ quá lâu. Lính canh cũng yêu cầu các học viên viết “báo cáo tư tưởng“ hàng tuần. Ông Trần từ chối chấp hành.

Học viên được phép tắm 2 lần mỗi tuần, nhưng mỗi lần chỉ được tắm 3 phút. Ông Trần không được phép thay quần áo (kể cả đồ lót) trong hơn 40 ngày. Ông đã báo cáo cho lính canh Lưu Địch và sau đó được phép thay quần áo vào ngày thứ 45 ông ở Đội 1. Sau đó, vào thứ Bảy hàng tuần ông được phép giặt quần áo cùng với các tù nhân khác.

Ông Trần chỉ được phép chi tiêu 50 Nhân dân tệ mỗi tháng cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Số tiền đó giảm xuống còn 30 Nhân dân tệ sau 6 tháng. Hàng tháng thường có hai cảnh sát từ ban giáo dục nhà tù tới nói chuyện với ông nhằm cố khiến ông từ bỏ đức tin của mình.

Một tù nhân bị kết án giết người tên là Cung Khiêm Long được giao nhiệm vụ “làm việc” với các học viên. Anh ta đi khắp các buồng giam và cố thuyết phục các học viên từ bỏ đức tin của mình.

Ông Trần bị chuyển qua lại giữa các buồng giam và lính canh cũng lục soát buồng giam của ông 3 hoặc 5 ngày 1 lần để xem có vật phẩm Pháp Luân Công nào không. Ông được lệnh đặt tất cả đồ đạc tùy thân của mình xuống đất. Ông không được phép gọi điện cho thân nhân, hoặc tiếp bất kỳ ai đến thăm.

Ngồi trên ghế đẩu nhỏ ở trong xưởng

Khoảng tháng 6 năm 2021, Đội 1 được chuyển đến tòa nhà khác có nhà xưởng. Kể từ tháng tiếp theo, tất cả học viên phải đến xưởng vào ban ngày. Nhà xưởng có chia ô và mỗi học viên ngồi trên một ghế đẩu nhỏ trong một ô vuông từ 7 giờ 45 phút sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày. Hai tù nhân ngồi cạnh mỗi học viên, một người ở phía trước và một người ở phía sau.

Ban giáo dục nhà tù lắp đặt một chiếc ti vi ở trong xưởng và yêu cầu các học viên xem phải xem những chương trình phỉ báng Pháp Luân Công.

Ông Trần và 5 học viên khác, bao gồm ông Khâu An (lúc đó ngoài 40, quê ở tỉnh Hồ Nam, thụ án 3 năm), ông Sài Mậu Vinh (ngoài 60 tuổi, thụ án 3,5 năm), ông Hà Kiến Quang, ông Văn Xuân Phúc (khi đó 63 tuổi, thụ án 4 năm), ông Chu Chung Phú (thụ án 6 năm) bị yêu cầu cùng nhau xem các tuyên truyền phỉ báng.

Ngày hôm sau, ông Khâu kiên quyết cự tuyệt việc xem các chương trình ti vi đó. Ông bị xịt hơi cay vào mắt và toàn bộ khuôn mặt. Mắt ông đau đến mức không thể nhìn thấy gì cả. Mũi và miệng của ông đau đớn dữ dội. Thế nhưng mãi nửa tiếng sau lính canh mới cho phép tù nhân đưa ông vào nhà vệ sinh để rửa mặt và mắt. Đến chiều ông mới có thể mở mắt ra.

Sau sự việc này, lính canh ngừng cố ép các học viên xem những tuyên truyền phỉ báng.

Nhiều tuần sau, lính canh đưa khoảng 60 máy may đến và ra lệnh cho các học viên học may vá. Lúc đó đang là cao điểm của đại dịch và các học viên bị cưỡng bức may túi đựng thi thể. Sau đó, họ còn sản xuất túi xách và các sản phẩm khác.

Các phiên tẩy não

Khoảng tháng 5 năm 2022, ban giáo dục nhà tù đưa ra một phương pháp khác để tẩy não các học viên Pháp Luân Công kiên định. Ở một tòa nhà khác, vì tất cả tù nhân khác đều bị bắt lao động khổ sai vào ban ngày, nên trong xưởng chỉ có một số tù nhân trực ca đêm. Ban giáo dục sau này tổ chức các phiên tẩy não nhắm vào các học viên Pháp Luân Công kiên định tại sảnh của tòa nhà đó.

Mỗi phiên chỉ tập trung vào một vài học viên. Những học viên bị ép phải từ bỏ đức tin trái với nguyện vọng của họ được phép trở lại buồng giam của mình. Những người vẫn kiên định với đức tin lại phải tham gia phiên tẩy não tiếp theo.

Nhóm học viên đầu tiên bị nhắm tới bao gồm ông Hầu Văn Cần (thụ án 3,5 năm tù), ông Sài Mậu Vinh và ông Hà Kiến Quang đã đề cập ở trên. Vào buổi sáng, họ bị cưỡng chế phải đọc các bài viết phỉ báng Pháp Luân Công. Sau bữa trưa, họ buộc phải xem video đến 10 giờ đêm. Họ cũng được lệnh phải viết báo cáo tư tưởng mỗi ngày.

Ông Sài từ bỏ đức tin trái với ý nguyện của ông. Ông Hà kiên định với đức tin của mình và bị tra tấn. Lính canh treo ông vào xà lim cho đến gần nửa đêm. Ông bị áp-xe và nổi mụn khắp cơ thể.

Ông Hầu cũng không từ bỏ đức tin của mình. Do đó, ông Hầu và ông Hà bị bắt tham gia phiên tẩy não lần thứ 2 bắt đầu từ tháng 6 năm 2022. Các học viên khác bị nhắm đến bao gồm ông Trần và ông Ngô Hưng Minh (khi đó 43 tuổi và thụ án 5 năm). Ông Trần bị xịt hơi cay vì từ chối đeo phù hiệu nhà tù.

Tội phạm giết người họ Cung nói trên được đưa đến để tra tấn các học viên. Anh ta lừa ông Trần rằng nhà tù sẽ kiện ông vì tội gây rối trật tự nhà tù và kéo dài thời hạn tù của ông. Ông Trần bị chuyển hóa và từ bỏ đức tin trái với ý nguyện của mình. Sau đó, ông cảm thấy vô cùng hối hận và cho biết muốn tuyên bố vô hiệu hóa bản cam kết của mình.

Phiên tẩy não thứ 3 nhắm vào học viên ông Chu Chung Phú và một số người khác. Nhà tù vẫn tổ chức những phiên tẩy não như vậy cho đến thời điểm ông Trần được trả tự do vào tháng 3 năm 2023.

Bị bắt lao động nặng nhọc

Tháng 7 năm 2022, ông Trần bị chuyển đến Đội 11 (dành cho người già, yếu, ốm đau, tàn tật). Ông bị buộc phải lao động không công cường độ cao, bao gồm đóng gói các phụ kiện điện tử thành các ống, lắp ráp máy may và túi dệt, cũng như lắp nút khóa kéo vào quần áo.

Ngày 23 tháng 3 năm 2023, vài ngày trước khi ông Trần được phóng thích, nhà tù buộc ông phải ký vào “Thư xác nhận thông tin của những người được phóng thích khi mãn hạn tù”. Văn bản nêu rõ các tù nhân được trả tự do nên hợp tác với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn đại dịch, trong khi thực tế là để cho phép cảnh sát, ủy ban khu phố, cục tư pháp và các cơ quan khác theo dõi và sách nhiễu họ.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/21/464423.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/27/211018.html

Đăng ngày 08-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share