Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Trùng Khánh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 23-08-2023] Bà Trương Hoa (61 tuổi, ngụ tại quận Đồng Nam, Trùng Khánh) đã bị bắt vào ngày 8 tháng 8 năm 2023 vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tinh thần đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp từ năm 1999.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Trương Hoa (một cựu nhân viên Công ty Máy nông nghiệp Huyện Đồng Nam) bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của mình. Trước đây bà từng bị lĩnh án 1 năm lao động cưỡng bức (từ 2000 đến 2001) và 10 năm tù (từ 2005 đến 2015). Bà bị tra tấn tàn bạo trong lúc giam cầm. Mẹ bà đã qua đời trước khi bà được ra tù và bà không được phép gặp mẹ mình lần cuối.
1 năm lao động cưỡng bức
Một ngày trong tháng 3 năm 2000, khi bà Trương đang dọn dẹp nhà cửa thì một nhóm cảnh sát đã xông vào và tra hỏi bà. Họ hỏi liệu bà có còn tập Pháp Luân Công hay không. Khi bà nói “Có”, họ đã bắt bà đến đồn công an. Tại đây bà bị nhốt trong phòng tối qua đêm cùng với một nghi phạm nam. Họ chuyển bà đến một Trại tạm giam vào ngày hôm sau. Cảnh sát yêu cầu gia đình bà phải nộp 2.700 Nhân dân tệ khi bà được thả 2 tháng sau đó.
Bà Trương đã cùng các học viên khác đã đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Khi họ trưng một biểu ngữ lớn trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 5 tháng 7 năm 2000, họ đã bị cảnh sát đánh đập và lần đó bà Trương đã trốn thoát. Sau đó, bà đã tập các bài pháp của Pháp Luân Công tại cầu Kim Thủy ở phía trước Quảng trường Thiên An Môn và lại bị bắt giữ.
Bà từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát khi bị thẩm vấn tại đồn công an. Một chỉ đạo viên đã dùng một cuộn giấy quất vào mặt và chửi bới bà. Bà Trương sau đó bị đưa đến trại tạm giam Đại Hưng ở Bắc Kinh trước khi bị chuyển về Trùng Khánh.
Khi trở về Trùng Khánh, ban đầu bà Trương bị giam ở trong trại tạm giam Huyện Đồng Nam, sau đó bị chuyển tới Trại giam Huyện Đồng Nam và Trung tâm Cai nghiện ma túy Huyện Đồng Nam. Bà đã tuyệt thực 13 ngày trong khi bị giam cầm và bị bức thực 6 lần.
Vì bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, cảnh sát đã phạt bà 1 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Mao Gia Sơn. Các tù nhân theo dõi bà suốt ngày đêm. Họ thường trói bà lại, đè bà xuống đất và đánh đập bà. Họ bịt miệng hoặc nhét khăn vào miệng bà sau khi dùng chiếc khăn đó để lau rửa chân của họ. Ngoài ra, bà cũng bị buộc phải ngồi xổm hoặc đứng nhiều giờ mà không được cử động. Các tù nhân còn còng tay bà ra sau lưng trong nhiều giờ. Bà đã tuyệt thực nhiều lần và liên tục bị bức thực.
Vì bà từ chối hợp tác trong các phiên tẩy não nên thời hạn của bà bị kéo dài thêm 2 tháng. Thay vì thả bà khi thời hạn giam kéo dài của bà kết thúc, người của Phòng 610 Đồng Nam đã đưa bà đến trại tạm giam Đồng Nam. Bà đã tuyệt thực để phản đối và được thả sau đó 7 ngày.
Khoảng 2 tuần sau khi bà Trương trở về nhà, bà quay lại trại lao động để giải quyết chi phí trong thời gian ở tù. Vu Khánh Hoa, đội trưởng đội quản giáo, tố giác bà Trương đã đưa cho bà ta một số tài liệu có thông tin về Pháp Luân Công. Bà Trương lại bị bắt. Bà bị giam tại Trại tạm giữ Đồng Nam và một trại tẩy não trong vài tháng. Đến trước Tết Nguyên Đán bà mới được thả vào ngày 12 tháng 2 năm 2002.
Vì sau đó cảnh sát thường xuyên sách nhiễu bà nên bà buộc phải sống xa nhà để thoát khỏi bàn tay cảnh sát.
Tra tấn trong trại tạm giam sau khi bị bắt vào năm 2005
Bà Trương bị báo cảnh sát khi trở về nhà vào tháng 7 năm 2005 để thăm cha mẹ. Lương, đội trưởng Đội An ninh Nội địa Huyện Đồng Nam đã dẫn theo hơn mười cảnh sát đột nhập vào nhà bố mẹ bà Trương. Họ còng tay và lôi bà ra ngoài.
Để phản kháng, bà đã hô to trên đường phố: “Pháp Luân Đại Pháp hảo“, “Chân Thiện Nhẫn hảo!” Cảnh sát đang bắt giữ những người tốt!” Một số người chứng kiến vốn quen biết bà đã lên án cảnh sát vì bắt giữ bà. Để tránh gây chú ý, cảnh sát đã gọi taxi và đưa bà đến Đồn Công an Đường Chính Hưng, sau đó chuyển bà đến trại tạm giam Huyện Đồng Nam vào tối hôm đó.
Đội trưởng Trương ở Đội An ninh Nội địa Huyện Đồng Nam đã tổ chức một đội gồm hơn 10 cảnh sát để thẩm vấn bà Trương, trong đó có Cao Tường, La Vĩnh Hồng, Trương Thế Mậu, Lý Hằng Nghị, Khâu Trọng Dương và một cảnh sát họ Lý. Họ chia thành từng nhóm hai người và thay phiên nhau thẩm vấn và tra tấn bà Trương.
Khi bà Trương tuyệt thực để phản đối, họ đã cấm bà ngủ trong 10 ngày. Khi bà rơi vào tình trạng nguy kịch, cảnh sát đưa bà đến bệnh viện để truyền dịch trong khi vẫn còng tay bà vào giường bệnh trong tư thế đại bàng sải cánh. Bà bị đưa trở lại trại tạm giam để tiếp tục thẩm vấn sau khi truyền dịch.
Cảnh sát đã đưa bà trở lại bệnh viện để truyền dịch nhiều lần trong 3 tuần tiếp theo. Cơ thể bà bị mất nước nghiêm trọng. Cuối cùng, cảnh sát đã đưa bà đến một bệnh viện nội bộ và để bà nhập viện. Lính canh có vũ trang canh bên ngoài phòng bệnh của bà suốt ngày đêm để theo dõi bà. Bác sỹ và y tá cũng cố bức thực bà. Khi bà Trương từ chối hợp tác, cảnh sát đã đánh vào mặt bà. Sau đó, y tá nhét ống truyền thức ăn vào từ lỗ mũi, chiếc ống chạm tới tận dạ dày của bà. Mũi bà bắt đầu chảy máu đầm đìa và bụng bà đau dữ dội. Mặc dù bác sỹ nói rằng bà chỉ có thể được ăn một lượng nhỏ thức ăn do bà đã không ăn trong nhiều ngày, nhưng Cao Tường vẫn bơm một lượng lớn nước vào ống truyền. Bà Trương ngay lập tức nôn mửa và gối của bà ướt sũng.
Do không thể dùng bạo lực để lay chuyển sự kiên định đức tin của bà, cảnh sát đã gọi điện cho cha của bà Trương và ông cụ đã khóc cầu xin bà ăn. Không muốn để cha lo lắng cho mình, bà Trương bắt đầu ăn. Ngay khi bà bình phục được một chút, cảnh sát liền đưa bà trở lại trại tạm giam và tiếp tục tra tấn bà.
Bà nhận được thông báo từ Tòa án Huyện Đồng Nam vào đầu tháng 11 năm 2005 rằng trường hợp của bà sẽ sớm được xét xử. Bà tuyệt thực một lần nữa để phản đối và bị mất nước trầm trọng. Đến ngày xét xử bà, viên chức ở tòa đã bế bà đến tòa án. Người bà cực kỳ yếu và bác sỹ của tòa xác định bà không đủ khả năng để hầu tòa. Do đó, thẩm phán đã hủy bỏ phiên tòa và bà Trương được đưa trở lại trại tạm giam.
Sau gần 6 tháng bị giam giữ, bà Trương quyết định tuyệt thực lần nữa. Lính canh đã tìm một bác sỹ để bức thực bà và còn đưa bà đến bệnh viện để truyền dịch.
Sau khi Công an Đồng Nam nghe tin về vụ tuyệt thực của bà Trương, họ đã ra lệnh cho trại tạm giam tăng cường tra tấn bà để trả đũa.
Bà Trương bị nhốt một mình trong phòng và bị trói trên giường trong tư thế đại bàng sải cánh. Bác sỹ đã tiêm cho bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Hai mắt bà bắt đầu chảy nước mắt, sưng tấy và đau đớn và trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Chân bà tê cứng và bà cảm thấy buồn nôn. Cân nặng của bà nhanh chóng giảm từ 65 kg xuống còn 25 kg. Tình trạng của bà trở nên nguy kịch sau 69 ngày tuyệt thực. Lo sợ rằng bà có thể chết trong trại tạm giam, trại đã ra lệnh cho cha và con bà đưa bà về nhà.
Không muốn gia đình bị cảnh sát sách nhiễu, vài ngày sau bà Trương đã rời khỏi nhà đi trốn.
Bị tra tấn 10 năm trong tù
Bà Trương bị bắt tại thị trấn Tiểu Độ, huyện Đồng Nam vào tháng 9 năm 2006. Vài ngày sau, cảnh sát và người của Phòng 610 khiêng bà thẳng đến phòng xử án. Lúc đó, bà còn đang phải đeo mặt nạ dưỡng khí. Thẩm phán tuyên bố bà bị kết án 10 năm tù.
Bà Trương bị đưa đến Khu 6 của Nhà tù Nữ Vĩnh Xuyên ở Trùng Khánh vào tháng 10 năm 2006. Tù nhân đã cưỡng chế lột quần áo của bà và mặc đồng phục tù nhân cho bà. Ban đầu, lính canh đã sắp xếp hai cựu học viên (vì áp lực nên đã từ bỏ Pháp Luân Công) để tẩy não bà Trương. Tuy nhiên, bà từ chối nghe họ. Bà được lệnh phải đọc thuộc lòng nội quy nhà tù. Lính canh còn ép bà viết “báo cáo tư tưởng”. Khi bà ký tên, “học viên Pháp Luân Công”, lính canh đã cấm bà sử dụng nhà vệ sinh và bức ép bà phải đại tiểu tiện trong quần.
Sau đó, bà Trương bị chuyển đến Khu 3. Vì cố gắng ngăn cản lính canh Đường An Trí vu khống Pháp Luân Công nên bà bị lính canh Đường đe dọa tra tấn tàn bạo. Sau đó, lính canh Đường và trưởng Khu 3 đã giữ bà Trương trong “phòng học” và mở các video phỉ báng Pháp Luân Công suốt cả ngày ở mức âm lượng tối đa.
Bà Trương từ chối xem các đoạn video và tuyệt thực để phản kháng. Lính canh sốc điện bà bằng dùi cui điện cho đến khi chúng hết pin. Bà Trương lăn lộn trên mặt đất vì quá đau đớn. Việc tẩy não này diễn ra trong hơn 1 tháng.
Trong thời gian bà Trương tuyệt thực, 15 tù nhân trong phòng giam của bà đã bị lính canh xúi giục bức thực bà. Họ đẩy bà xuống đất và dùng đũa và thìa cạy miệng bà. Kết quả là miệng của bà bị tổn thương nặng và răng của bà bị lung lay. Vì các tù nhân vẫn không thể bức thực bà nên cảnh sát đã đưa bà đến bệnh viện để bức thực.
Lính canh sau đó bắt đầu ép bà Trương làm việc vào ban ngày và xem các chương trình tẩy não vào ban đêm. Khi bà từ chối tuân theo, bà thường xuyên bị sốc điện bằng dùi cui điện và bị đánh đập.
Họ chuyển bà đến Nhà tù Nữ Trùng Khánh vào năm 2009. Một lính canh họ Phàn đã ra lệnh cho bà viết bài bôi nhọ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, lính canh đã kéo rèm trong phòng của bà và sốc điện bà bằng dùi cui điện.
Năm 2010, nhà tù đã nhốt tất cả các học viên Pháp Luân Công không từ bỏ đức tin của mình trong một phiên tẩy não vào Khu 1. Các học viên bị buộc phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, đọc sách và viết báo cáo tư tưởng mỗi ngày. Trước mỗi bữa ăn, họ còn bị buộc phải hát những bài hát ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì bà từ chối hát “những bài nhạc đỏ” đó, lính canh Đường đã cưỡng chế bà tiếp tục xem các video tuyên truyền vào buổi tối và trì hoãn thời gian đi ngủ của bà.
Đường cũng ra lệnh cho bà Trương và một số học viên khác dọn dẹp nhà vệ sinh từ tầng 1 đến tầng 5, nhưng chỉ đưa cho họ một chiếc bàn chải đánh răng nhỏ và một miếng giẻ nhỏ để lau sàn. Khi các học viên không thể hoàn thành công việc được giao, lính canh Đường lấy đó làm cái cớ để không cho họ ngủ. Bà Trương bị rụng một lượng tóc đáng kể và bắt đầu bị hói đầu.
Cuối cùng, khi bà được trả tự do vào tháng 8 năm 2015, mẹ bà đã qua đời. Bà vô cùng đau buồn vì không thể đồng hành và chăm sóc mẹ trong những ngày cuối đời của bà cụ.
Bài liên quan:
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/23/464504.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/29/211062.html
Đăng ngày 18-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.