Bài viết của Vương Anh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 17-05-2023] Ngày 15 tháng 5 năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) đã ban hành Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022. Báo cáo viết: “Minh Huệ báo cáo rằng 172 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết vì đức tin của họ trong năm 2022, so với 132 học viên trong năm 2021”. Ngoài ra, hành vi phạm tội thu hoạch nội tạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện “có thể cấu thành tội phản nhân loại”.

2023-5-16-us-report_01.jpg

Ngày 15 tháng 5 năm 2023, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, chủ trì cuộc họp báo về việc công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022.

Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain đã nhận xét trong cuộc họp báo: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bắt giữ, bỏ tù và tống những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo. Họ tiếp tục đàn áp tín đồ Phật giáo Tây Tạng, tín đồ Cơ-đốc Trung Quốc và các học viên Pháp Luân Công – nhiều người trong số [nhóm người bị đàn áp] đang tị nạn để thoát khỏi sự bức hại của CHND Trung Hoa“.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ ông Antony Blinken nói: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh và hỗ trợ những người ủng hộ tự do tôn giáo dũng cảm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục khởi xướng và ủng hộ quyền tự do tôn giáo ở các quốc gia nơi mà các quyền này đang bị xâm phạm một cách công khai lẫn trực tiếp khi chúng tôi tiếp xúc với các quan chức chính phủ”. Đồng thời, ông cũng cho biết rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những hành động để bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo ở quốc nội.

Trong ngày hôm đó, Thượng nghị sỹ Marco Rubio của Florida cũng đưa ra thông cáo báo chí. Ông viết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thành thục trong việc bức hại tôn giáo, minh chứng rõ ràng là các hành vi diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc khác. Ngoài việc liên tục sách nhiễu học viên Pháp Luân Công, gần đây ĐCSTQ còn thực thi các lệnh cấm đối với nội dung tôn giáo đăng tải trên Internet ở trong nước và cấm chỉ các tổ chức nước ngoài cung cấp các dịch vụ thông tin tôn giáo ảo ở Trung Quốc”.

446 học viên bị kết án tù

Ngoài 172 trường hợp tử vong vào năm 2022, báo cáo đã trích dẫn thông tin từ Minh Huệ và viết: “Trong năm 2022, chính quyền [ĐCSTQ] đã kết án 446 học viên Pháp Luân Công đến từ 28 tỉnh và khu vực vì tín ngưỡng của họ và áp khung hình phạt từ 6 tháng đến 15 năm tù cho họ. Trang web cũng đưa tin rằng chính quyền đã bắt giữ 3.488 học viên và sách nhiễu 3.843 học viên khác.”

Hơn nữa, ĐCSTQ duy trì một bộ máy an ninh do Đảng điều hành hoạt động ngoài vòng pháp luật nhằm loại bỏ Pháp Luân Công và các nhóm bị đàn áp khác. Theo Tổ chức phi chính phủ Nhân quyền không biên giới (NGO Human Rights Without Frontiers), trong năm 2022 , ĐCSTQ đã bỏ tù 2.649 cá nhân vì sự thực hành quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ, trong đó có 2.102 học viên Pháp Luân Công.

Trích dẫn các tài liệu từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo: “Các học viên bị nhắm mục tiêu đến từ mọi tầng lớp xã hội, trong đó có các cựu nhân viên chính phủ, giáo sư, quản lý công ty, giáo viên, bác sỹ, kỹ sư và kế toán”.

Báo cáo tiếp tục: “Ming Huệ cho biết cảnh sát thường sử dụng bạo lực trong các vụ bắt giữ các học viên Pháp Luân Công và nhiều cá nhân đã chết trong những tình huống bí ẩn trong khi bị giam giữ vào năm 2022. Trong nhiều trường hợp, chính quyền được cho là đã từ chối trao thi thể của những học viên đã tử vong cho thân nhân, thay vào đó, lại cho hỏa táng thi thể mà không có sự đồng ý từ phía gia đình”.

Cưỡng ép hỏa táng thi thể

Báo cáo của DOS cũng liệt kê rất nhiều dẫn chứng về các học viên Pháp Luân Công bị ngược đãi. Báo cáo viết: “Ngày 10 tháng 2, chính quyền đã bắt giữ học viên Quý Vân Chi tại nhà của bà ấy. Họ đánh đập và ngược đãi thể xác bà ấy trong khi giam giữ và bà ấy đã tử vong tại một bệnh viện ở thành phố Xích Phong, khu tự trị Nội Mông Cổ, sau 7 tuần. Theo báo cáo, khi bà Quý tuyệt thực để phản đối việc đối xử bất công, người của chính quyền đã bức thực và tát vào mặt bà nhiều lần. Sau khi bà ấy qua đời, chính quyền đã chỉ đạo cảnh sát vũ trang chuyển thi thể của bà ấy tới lò hỏa táng dù không được gia đình bà ấy đồng ý.”

Tình huống tương tự cũng xảy ra với cụ bà Thôi Kim Thạch (88 tuổi) ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Ngày 3 tháng 4, cảnh sát đã bắt bà và 6 học viên khác trong khi họ đang học các bài giảng của Pháp Luân Công tại nhà. Báo cáo viết: “Vài giờ sau, cảnh sát nói với con trai bà rằng bà đã được đưa đến phòng cấp cứu, bác sĩ ở đây tuyên bố là bà đã chết. Sau khi nhìn thấy thi thể của mẹ mình, người con trai nói rằng cổ họng của bà Thôi đã bị cắt mở“.

Những thảm kịch như vậy cũng xảy ra ở các tỉnh khác của Trung Quốc. Cảnh sát ở thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam đã bắt giữ ông Lý Quốc Huân và vợ của ông ấy vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công vào ngày 18 tháng 7. Báo cáo viết: “Cảnh sát đột nhập vào nhà của họ và tịch thu sách, máy tính, điện thoại di động và các tài sản khác. Ngày hôm sau, cảnh sát thả vợ của ông Lý và nói với bà ấy rằng ông Lý bị bệnh nặng; sau đó họ nói với con trai của ông Lý rằng cha anh ấy đã qua đời vì đột quỵ. Gia đình không thể xác thực điều này vì cảnh sát đã hỏa táng thi thể của ông Lý mà không trao trả cho gia đình”.

Tra tấn và cưỡng bức tiêm thuốc độc

Sau khi sức khỏe của các học viên xấu đi vì bị ngược đãi, các nhân viên chính quyền thường bác bỏ yêu cầu để họ được tạm tha y tế.

Báo cáo của DOS giải thích: “Trong năm 2021, các nhân viên chính quyền đã bắt giữ bà Lưu Hồng Hà ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh vì treo các áp phích Pháp Luân Công. Bà ấy đã tuyệt thực vào tháng 2 và người của chính quyền đã trói bà ấy vào giường, bức thực và tiêm cho bà ấy những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Khi tình trạng của bà trở nên nguy kịch vào tháng 10, gia đình bà đã thay bà nộp đơn xin tạm tha y tế, nhưng Tòa án quận Cam Tỉnh Tử và Trại tạm giam thành phố Đại Liên đã từ chối. Bà Lưu tử vong ở trong tù vào ngày 8 tháng 11”.

Một trường hợp khác là học viên Đằng Ngọc Quốc, bị bắt giữ vào năm 2020 và chết trong tù vì ung thư ruột kết giai đoạn cuối vào ngày 2 tháng 12. Báo cáo viết: “…chính quyền đã phớt lờ việc chăm sóc y tế cho ông ấy trong nhiều tháng và sau đó từ chối để ông ấy được tạm tha điều trị y tế chỉ vì ông ấy không từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Khi ông ấy qua đời, họ từ chối giao thi thể cho thân nhân mà thay vào đó là ra lệnh hỏa táng nó”.

Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp cho biết chính quyền thường ngược đãi và tra tấn thể xác các học viên Pháp Luân Công trong khi giam giữ họ. Báo cáo của DOS viết rằng: “Vào tháng 7, ngươi của chính quyền còng tay một cựu giáo sư đại học, xịt nước mù-tạt (wasabi) vào mũi và tấn công tình dục bà ấy. Vào tháng 8, chính quyền đã trói một chủ tiệm chụp ảnh vào một chiếc ghế sắt trong 3 ngày. Vào ngày 9 tháng 10, Minghui.org đưa tin các cảnh sát của Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang đã ngược đãi thể xác các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ và lôi kéo các tù nhân khác tham gia”.

Tội ác phản nhân loại

Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ đã đăng một bài báo vào ngày 4 tháng 4 với tiêu đề “Hành quyết thông qua thu hoạch nội tạng: Vi phạm quy tắc về hiến người chết ở Trung Quốc“. ” Các tác giả nhận định rằng sau khi tiến hành thẩm tra pháp y đối với 2.838 bài báo rút ra từ bộ dữ liệu gồm 124.770 ấn phẩm về cấy ghép bằng tiếng Trung Quốc, họ đã tìm thấy 71 trường hợp trên toàn quốc mà sự chết não trong quá trình mổ lấy nội tạng “không được khai báo chính xác”. Báo cáo của DOS nhận định: “Trong những trường hợp này, việc cắt bỏ tim trong quá trình mổ lấy nội tạng chắc chắn là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của người hiến tạng“.

Ngoài ra, tác giả của bài báo tin rằng: “Danh tính của tất cả những người hiến tạng là tù nhân cũng không được biết và từ lâu đã có sự tranh luận về việc liệu các tù nhân chính trị không bị kết án, cũng như các học viên Pháp Luân Công và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ có bị sử dụng làm nguồn [cung] nội tạng hay không”.

Theo Minh Huệ, chính quyền vẫn tiến hành thu thập các mẫu máu và sinh trắc học từ các học viên Pháp Luân Công trái với ý nguyện của họ trong năm 2022, nhiều học viên nghi ngờ rằng đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của chính phủ nhằm thu thập thông tin y tế cho cơ sở dữ liệu ghép tạng. Báo cáo của DOS còn viết: “Trong một trường hợp, vào ngày 4 tháng 10, cảnh sát ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đã bắt giữ học viên Pháp Luân Công Từ Văn Long và em họ của ông ấy. Theo lời kể của người em họ (người đã được thả sau đó vài ngày), cảnh sát đã đeo cùm chân nặng cho ông Từ, lấy mẫu máu và đe dọa sẽ giết ông ấy. Em họ của ông ấy cho biết cảnh sát cũng đã cưỡng chế lấy mẫu máu của cô”.

Cộng đồng quốc tế đã chú ý đến việc này. Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết vào ngày 4 tháng 5, nhận định rằng “xét thấy hệ thống cấy ghép tạng ở Trung Quốc không tuân thủ các yêu cầu của WHO về tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong lộ trình có được nội tạng, và hơn nữa, xét thấy chính phủ Trung Quốc luôn một mực từ chối việc tiến hành một cuộc kiểm tra độc lập của hệ thống này”.

Nghị viện Châu Âu bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về “các báo cáo liên quan tới nạn thu hoạch nội tạng tồn tại dai dẳng, một cách có hệ thống, vô nhân đạo do nhà nước hậu thuẫn từ các tù nhân ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và cụ thể hơn là từ các học viên Pháp Luân Công”. Nghị quyết cũng tuyên bố rằng hành vi này “có thể dẫn đến tội ác chống lại loài người, như được định nghĩa trong Điều 7 của Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế”.

Đàn áp các học viên cao tuổi

Theo Minh Huệ Net, chính quyền đã kết án một số học viên cao tuổi trong năm 2022.

Ví dụ vào ngày 9 tháng 9, Tòa án quận Trường Cửu đã kết án học viên Lưu Xuân Bình (82 tuổi) ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông 1 năm tù và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ vì tội “truyền bá mê tín dị đoan và lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật“. Chính quyền bắt giữ bà Lưu vào tháng 10 năm 2021 vì phân phát tài liệu thông tin liên quan đến Pháp Luân Công.

Ngoài ra, cảnh sát ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông đã bắt giữ một giáo viên đã nghỉ hưu 82 tuổi là Vương Chí Canh tại nhà riêng của bà vào ngày 15 tháng 8 vì bà dán các áp phích Pháp Luân Công trong năm 2019. Chính quyền đã kết án ông 3 năm tù giam và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ.

Bức hại trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20 của ĐCSTQ

Theo Minh Huệ, trong 2 tháng trước Đại hội Đảng lần thứ 20 (vào tháng 10), ĐCSTQ đã “tăng cường sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công” nhằm đảm bảo “sự ổn định” cho đại hội.

Báo cáo của DOS viết: “Minh Huệ đã nêu việc cảnh sát, quan chức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ và các quan chức từ các cơ quan chính quyền, ủy ban khu dân cư đã giám sát nhà của các học viên Pháp Luân Công và cố gắng chụp ảnh, lấy dấu vân tay, xác nhận số điện thoại cũng như thẩm vấn về việc làm của họ. Trong một trường hợp, cảnh sát ở thị trấn Cửu Châu, huyện Thương, tỉnh Hà Bắc tiết lộ với một học viên Pháp Luân Công: ‘Cấp trên đã ra lệnh cho chúng tôi làm việc này. Chúng tôi được lệnh chụp ảnh để chứng minh rằng chúng tôi đã tới đây để gặp các vị’. Minh Huệ báo cáo rằng những vụ việc tương tự đã xảy ra ở các khu vực khác ở tỉnh Hà Bắc, cũng như các tỉnh Sơn Đông, Liêu Ninh, Sơn Tây và Hắc Long Giang, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10”.

DOS đã có một loạt hành động để chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. “Vào ngày 9 tháng 12, Bộ Ngoại giao đã công bố các biện pháp trừng phạt và hạn chế thị thực đối với ba quan chức đương nhiệm và các cựu quan chức vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tây Tạng, bao gồm cả những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo và việc tùy tiện giam giữ các học viên Pháp Luân Công ở Trùng Khánh”. Báo cáo giải thích thêm: “Các quan chức đó gồm bí thư đảng ủy khu tự trị Tây Tạng Ngô Anh Kiệt (nhiệm kỳ 2016-2021), Cục trưởng Cục Công an Tây Tạng Trương Hồng Ba và Đường Dũng, nguyên phó giám đốc của Nhà tù địa khu Trùng Khánh.”

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/17/460898.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/18/209406.html

Đăng ngày 16-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share