Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-06-2023] Khoảng 5 giờ sáng ngày 9 tháng 5 năm 2023, hơn 100 cảnh sát ở thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông đã được huy động để bắt giữ các học viên Pháp Luân Công địa phương. Cảnh sát mặc thường phục di chuyển bằng xe hơi riêng để thực hiện vụ bắt giữ quy mô lớn này. Họ lừa các học viên mục tiêu ra mở cửa bằng cách mạo xưng là nhân viên uỷ ban dân phố hoặc hàng xóm ở tầng dưới có trần nhà bị rỉ nước.
Một số người trong cuộc tiết lộ, cảnh sát đã theo dõi các học viên ít nhất 6 tháng trước khi thức hiện bắt giữ. Nhiều cảnh sát tham gia là những người trẻ tuổi bị tuyên truyền dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lừa dối mà hiểu sai về Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công từ tháng 7 năm 1999.
Nhà của tất cả học viên mục tiêu đều bị lục soát, cảnh sát lục lọi mọi ngóc ngách, thậm chí cả dưới gầm giường. Một lượng lớn các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, cùng những tài sản giá trị khác của các học viên đã bị tịch thu. Các học viên cho biết rằng sau khi đưa họ đến đồn công an, những cảnh sát mặc thường phục đó đã thay cảnh phục.
Ít nhất 21 học viên và 2 người thân của họ đã bị bắt giữ và 6 người trong số họ hiện vẫn đang bị giam giữ.
Những người bị bắt giữ có 4 cặp vợ chồng, 2 người con của một cặp vợ chồng, 2 cặp anh anh chị em ruột và 9 học viên khác.
Cha mẹ cùng 2 con của họ bị bắt giữ
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 9 tháng 5, khoảng 10 cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông Vương Thụ Đức ở khu Nam Sơn, thành phố Long Khẩu và lục soát nơi này trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung của Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Công) cùng các tài sản giá có trị khác của ông Vương.
Ông Vương, bà Trương Thục Cầm (vợ ông Vương) cùng con gái họ là cô Vương Dương đã bị đưa vào ba chiếc xe hơi khác nhau chở tới Đồn Công an Đông Lai để thẩm vấn. Một cảnh sát đã hỏi gia đình họ chân tướng Pháp Luân Công. Ngay trước khi họ có cơ hội để trả lời, một cảnh sát khác đã nói: “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân-Thiện-Nhẫn hảo. Pháp Luân Công không phải là tà giáo”, như một cách để ngăn các học viên lên tiếng.
Cảnh sát cũng cho họ xem tên của một số học viên địa phương khác và hỏi họ có biết những người này không.
Trong khi ba người nhà ông Vương đang bị bắt thì cảnh sát cũng nhắm mục tiêu vào người con trai của gia đình là anh Vương Bác đang sống ở đơn căn hộ khác trong cùng toà nhà.
Trước 6 giờ sáng ngày 9 tháng 5, anh Vương nghe thấy có tiếng gõ. Cảnh sát mạo xưng là hàng xóm ở tầng dưới có trần nhà bị rỉ nước và yêu cầu được vào nhà anh để xem qua. Ngay khi anh Vương vừa mở cửa thì 6 cảnh sát lập tức xông vào. Anh Vương yêu cầu được xem giấy tờ chứng minh thân phận của họ và lệnh lục soát. Một người đã cho anh xem giấy tờ và sau đó trói anh vào ghế sô-pha.
Cảnh sát đã tịch thu 1 bản chép tay cuốn Hồng Ngâm, 1 cuốn Giải thể văn hoá đảng, 1 ổ cứng mà anh Vương lưu trữ dữ liệu cho công việc của mình và 1 cuốn sổ tay của anh Vương. Họ cũng đưa anh đến Đồn Công an Đông Lai.
Vào khoảng 9 giờ tối hôm đó, cô Vương được thả còn anh Vương bị giam 10 ngày tại Trại tạm giữ Trương Gia Khẩu ở thành phố Long Khẩu. Người cha bị giam ở trong Trại tạm giam thành phố Long Khẩu, còn người mẹ bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Yên Đài. (Thành phố Long Khẩu trực thuộc sự quản lý của thành phố Yên Đài).
Cặp vợ chồng bị bắt giữ, cha mẹ già bị uy hiếp
Ông Nhâm Thao và vợ là bà Vu Tiểu Mai sống ở Khu Phát triển Kinh tế Long Khẩu đã bị lừa mở cửa sau khi 5-6 cảnh sát mạo xưng là hàng xóm ở tầng dưới có trần nhà bị rỉ nước. Cảnh sát tịch thu hơn 30 cuốn sách Pháp Luân Công của hai vợ chồng và đưa họ đến phòng dạy cờ vây của ông Nhâm và tịch thu 2 máy tính, 1 ổ USB, các tài liệu Pháp Luân Công và máy nghe nhạc tại phòng học.
Hai vợ chồng bị đưa đến Đồn Công an Khu Phát triển Kinh tế. Ông Nhâm bị giam giữ hình sự ở trong trại tạm giam Thành phố Long Khẩu và bà Vu bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Yên Đài.
Cha mẹ bà Vu đã thuê một luật sư cho bà và đã bị sách nhiễu. Cảnh sát đã đến nhà ông bà để yêu cầu họ xác nhận danh tính ảnh của các học viên địa phương. Cảnh sát cũng hỏi họ về việc ai đã giúp họ thuê luật sư, những học viên nào đã đến gặp họ và họ đậu xe ở đâu, nhằm cố gắng bắt giữ thêm nhiều học viên địa phương khác.
Ông Nhâm được thả vào ngày 24 tháng 5, còn vợ ông hiện vẫn đang bị giam giữ ở trong trại tạm giam thành phố Yên Đài.
Vợ chồng bị bắt giữ, người vợ bị giam 19 ngày
Bà Vương Văn Hoa và chồng là ông Lý Diên Đông (không tu luyện Pháp Luân Công) cư trú ở khu Nam Sơn thuộc thành phố Long Khẩu. Ngày 9 tháng 5, 5 đến 6 cảnh sát đã bắt giữ họ và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng tài liệu giảng chân tướng của họ. Hai ông bà bị còng tay và bị đưa đến Đồn Công an Tân Gia. Ông Lý được thả ra trong ngày, bà Vương được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 28 tháng 5, sau 19 ngày bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Yên Đài.
Vợ chồng bị bắt, người vợ có triệu chứng bệnh tim trong khi bị giam giữ
Ông Hầu Bảo Tài và vợ là bà Ngô Tĩnh Côn sống ở khu Đông Hải thuộc thành phố Long Khẩu đã bị 8 người đàn ông và một người phụ nữ bắt giữ. Cảnh sát đưa ra một lệnh khám xét chưa điền thông tin và hỏi cặp vợ chồng rằng căn hộ của họ là 201 hay 301. Hai vợ chồng nghi ngờ rằng cảnh sát đã bắt rất nhiều học viên đến nỗi họ nhầm lẫn địa chỉ của từng người.
Cảnh sát đã tịch thu máy tính xách tay, máy nghe nhạc, 6 cuốn sách Chuyển Pháp Luân (các bài giảng chính của Pháp Luân Công), những bài giảng khác (kinh văn) của Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Công), Tuần báo Minh Huệ cùng nhiều tài liệu thông tin khác, các ổ USB, thẻ nhớ và lịch có thông tin về Pháp Luân Công.
Họ bị đưa đến Đồn Công an Chư Do. Ông Hầu được thả vào đêm hôm đó, còn bà Ngô bị giam giữ hình sự ở trại tạm giam thành phố Yên Đài. Bà đã xuất hiện các triệu chứng của bệnh tim và được thả vào ngày 23 tháng 5.
Hai chị em bị bắt giữ
Cảnh sát đã tịch thu máy tính xách tay của con bà Trần Quế Chi và điện thoại di động của chồng bà. Họ đưa bà đến Đồn Công an Nam Sơn. Bà được thả vào hôm sau và bị giám sát tại nhà 6 tháng. Cảnh sát cũng đe doạ không cho bà ra ngoài và liên tục sách nhiễu bà tại nhà.
Chị gái bà Trần là bà Trần Quế Phương cũng bị bắt giữ trong ngày hôm đó khi đang chăm sóc cho một người chị khác của họ là bà Trần Yến đang hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật chân.
Bà Trần Quế Phương hiện đang bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Yên Đài. Cả hai chị em bà Trần đều cư trú ở khu Nam Sơn của thành phố Long Khẩu.
Chị và em trai bị bắt giữ
Ông Tôn Quảng Quân, một phi công ưu tú, đã bị kết án tù sau khi bị bắt vào tháng 3 năm 2006 vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Ông đã bị tra tấn tàn bạo khi đang thụ án ở trong Nhà tù Bảo An Chiểu thuộc khu tự trị Mông Cổ. Đầu và cơ thể của ông lắc lư qua lại một cách mất kiểm soát. Trông ông vô hồn và không thể nói chuyện hay tự chăm sóc bản thân. Gia đình nghi ngờ ông bị tiêm thuốc độc khi ở trong tù. Sau khi được thả, ông chuyển đến ở cùng chị gái là bà Tôn Quảng Linh (không tu luyện Pháp Luân Công) ở khu Đông Hải thuộc thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông để bà có thể chăm sóc cho ông.
Khi cảnh sát đột nhập vào ngày 9 tháng 5, bà Tôn sợ đến mức xuất hiện các triệu chứng bệnh tim. Cảnh sát đã tịch thu máy tính xách tay và sác sách Pháp Luân Công của em trai bà, đồng thời cũng đe doạ sẽ kết án ông ấy một lần nữa.
Do vấn đề về sức khoẻ của ông Tôn nên trại tạm giam htành phố Long Khẩu từ chối tiếp nhận ông. Khi cảnh sát thả hai chị em vào tối hôm đó, họ quay lại nhà bà Tôn và hỏi ông Tôn rằng ai đã mua cho ông máy tính xách tay và ai đã cài đặt hệ điều hành cho máy tính. Họ đã theo dõi điện thoại di động của ông và phát hiện ông có liên lạc với một học viên khác là ông Khương Vệ Cương.
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 26 tháng 5, ba cảnh sát, trong đó có một người họ Đô, đã xông vào nhà ông Khương và hỏi vì sao ông ấy biết ông Tôn.
Chín người khác bị bắt giữ
Bà Cát Lệ Quyên ở khu Nam Sơn thuộc thành phố Long Khẩu đã bị bắt vào ngày 9 tháng 5 khi đang tới thăm một người bạn bị bệnh. Cảnh sát đã định vị bà bằng cách theo dõi điện thoại của bà. Sau đó, họ xông vào nhà bà và tịch thu tài sản của bà. Hiện bà bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Yên Đài.
Ông Vương Chu Lâm ở khu Nam Sơn thuộc thành phố Long Khẩu bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Long Khẩu sau khi bị bắt. Trưởng tù nhân đã hạn chế ông đi vệ sinh và ông phải đại tiểu tiện ra quần của mình.
Bà Vương Phượng Mai (77 tuổi) và bà Tôn Thục Hoa ở khu Nam Sơn thuộc thành phố Long Khẩu đã được thả ra trong ngày bị bắt vì tuổi tác cao và sức khoẻ kém.
Từ 5-6 cảnh sát đã xông vào nhà bà Vu Hoa ở khu Hạ Đinh Gia thuộc thành phố Long Khẩu. Cảnh sát đã tịch thu 1 cuốn sách Pháp Luân Công, 3 tờ lịch, 1 cái loa, nhiều tài liệu thông tin của bà. Chồng bà đã ngăn cảnh sát bắt bà đi và cảnh sát đã gọi thêm 5-6 người nữa tới. Họ bắt giữ bà Vu và đưa bà đến Đồn Công an Hạ Đinh Gia. Bà được thả vào khoảng 10 giờ tối ngày hôm đó.
Bà Trương Linh Phương, bà Lý Phi, bà Vương Diễm Vinh và một học viên họ Lý ở khu Hạ Đinh Gia thuộc thành phố Long Khẩu bị lục soát nhà và các sách Pháp Luân Công bị tịch thu. Họ bị đưa đến trại tạm giam thành phố Yên Đài. Bà Trương được thả ra trong ngày và bà Lý được thả vào ngày hôm sau. Bà Vương được thả vào giữa tháng 5 và bị quản thúc tại nhà.
Hai trường hợp khác
Khi cảnh sát đến nhà ông Vương Văn Hoa thì ông vẫn đang được cấp cứu ở Bệnh viện Dục Hoàng Đính. Cảnh sát đã lục soát nhà ông và tịch thu tất cả sách Pháp Luân Công của ông.
Một học viên họ Giáo đã mất liên lạc với gia đình từ tháng 5. Hiện không rõ học viên này đang ở đâu.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/2/461505.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/10/209815.html
Đăng ngày 29-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.