Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-05-2023] Ông Điền Hảo Đào, một cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã bị đơn vị công tác sa thải vào năm 2000 vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Đơn vị công tác không ban hành bất kỳ thông báo chính thức nào theo như yêu cầu của pháp luật. Ông đã khiếu nại sự sa thải vô lý này, nhưng vô ích. Hiện ông đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng lại bị cấm làm thủ tục để xin hưởng phúc lợi hưu trí.

Ông Điền từng là một kỹ thuật viên IT của Ngân hàng Nông nghiệp ở thành phố Phú Cẩm. Ông làm việc rất chăm chỉ và từng được khen thưởng là nhân viên xuất sắc cấp tỉnh và thành phố trong nhiều năm liền.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ngân hàng nơi ông Điền công tác đã cấu kết với Phòng 610 địa phương để bức hại ông. Kể từ năm 2000, ông không được bố trí công tác hay nhận được bất kỳ khoản chi trả nào và ngân hàng cũng không ban hành thông báo sa thải chính thức nào dành cho ông. Khi ông Điền viết thư cho lãnh đạo đơn vị công tác lúc bấy giờ của mình để tìm cách khôi phục công tác, giám đốc ngân hàng lúc đó là Lưu Chí Dân đã nói với ông: “Tôi không thể xếp việc cho anh được. Anh có thể nộp đơn khiếu nại tôi nếu muốn”.

Khi ông Điền đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 5 năm 2023, ông đã liên hệ với ngân hàng một lần nữa để làm thủ tục hưu trí. Nhưng ngân hàng từ chối tiếp nhận đơn của ông và giám đốc hiện tại của ngân hàng là Trương Thụy Phong nói: “Ông đã bị sa thải vào năm 2000 vì bỏ bê công việc. Ông có thể nộp đơn lên ủy ban kỷ luật để khiếu nại chúng tôi”.

Ông Điền nói ông không nhận được thông báo sa thải vào năm 2000. Khi ông đang thụ án lao động cưỡng bức năm 2001 vì tu luyện Pháp Luân Công, ngân hàng vẫn nộp tiền vào tài khoản hưu trí cho ông. Ông nói với Trương rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động bằng lời nó là không có hiệu lực pháp lý. Trương trả lời: “Ông cứ kiện chúng tôi thoải mái”.

Gần đây, ông Điền đã viết một lá thư gửi cho ngân hàng. Ông chỉ ra rằng ngân hàng không thể vì ông có đức tin vào Pháp Luân Công mà tước việc làm của ông. Ông nói rằng bất cứ ai liên quan tới việc đưa ra quyết định này đều là lạm dụng chức quyền và xâm phạm các nhân quyền cơ bản của ông.

Ông Điền đã trích dẫn Điều 44 của Hiến pháp Trung Quốc, trong đó quy định rằng “Nhà nước áp dụng chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức của các doanh nghiệp, tổ chức và đối với các cơ quan chức năng của Nhà nước theo luật định. Sinh kế của người đã nghỉ hưu do Nhà nước và xã hội đảm bảo”.

Ngoài ra, Điều 73 của Luật Lao động cũng quy định rằng “Điều kiện và tiêu chuẩn để người lao động hưởng bảo hiểm xã hội chỉ có thể do pháp luật quy định, các cơ quan chính quyền địa phương không có quyền quyết định điều kiện và tiêu chuẩn của đãi ngộ bảo hiểm xã hội mà người về hưu được hưởng”.

Giam giữ, tra tấn và cưỡng bức dùng thuốc hướng thần trước đây

Ngoài bức hại về tài chính, ông Điền còn bị bắt giữ nhiều lần và chịu đựng sự tra tấn tàn bạo khi bị giam giữ trong cuộc bức hại kéo dài 24 năm qua của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Bởi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 2000, ông Điền đã bị bắt và lĩnh án 1 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Giai Mộc Tư. Ông bị bắt thêm vài lẫn nữa trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2008, ngoài ra ông còn bị đe dọa và tống tiền.

Tối ngày 12 tháng 2 năm 2009, ông Điền bị bắt một lần nữa trong khi đang tới gặp một học viên khác. Ông bị đưa tới Trại tạm giam Thành phố Giai Mộc Tư vào buổi tối cùng ngày. Ba tù nhân được chỉ định giám sát ông. Ông đã tuyệt thực để phản bức hại và các tù nhân đã bức thực ông, họ trộn thêm một lượng muối lớn vào thức ăn của ông.

Lính canh còn tiêm thuốc không rõ nguồn gốc cho ông Điền khi đang trói ông trên mặt đất trong tư thế “đại bàng sải cánh”. Mặc dù bác sỹ trại tạm giam khẳng định rằng đó là thuốc kháng viêm, nhưng sau đó ông Điền luôn cảm thấy đau nhức toàn thân và khó chịu.

Một tuần sau, ông đã bị chuyển tới phòng kiểm soát nghiêm ngặt. Dưới sự xúi giục của lính canh, các tù nhân đã lăng mạ ông, nhổ lông mu của ông, nhét ớt cay vào miệng ông, đánh và giẫm lên người ông. Xương sườn của ông đã bị thương và ông phải chịu đựng những cơn đau dữ dội. Trên ngực của ông cũng xuất hiện một vùng sưng lớn.

Ông Điền suýt chết do ngạt thở trong một lần bức thực. Sau đó, lính canh và các tù nhân đã để lại ống dẫn thức ăn trong mũi của ông. Hai tuần sau, khi họ thay ống dẫn thức ăn, thành trong của ống đã đầy nấm mốc. Bất chấp tình trạng nghiêm trọng của ông Điền, cảnh sát vẫn thẩm vấn ông.

Ông Điền trở nên tiều tụy và hầu như lúc nào cũng bất tỉnh do bị tra tấn. Nhưng cảnh sát vẫn cố tống ông vào Trại Lao động Cưỡng bức Tuy Hóa. Trong khi khám sức khỏe cho ông Điền, họ đã cưỡng chế trói tay và chân của ông lại. Sau khi các bác sỹ trại lao động phát hiện các cơ quan nội tạng của ông đang bị suy kiệt, trại đã từ chối tiếp nhận ông. Ông Điền được trả tự do sau 48 giờ bị tra tấn và ở trong tình trạng hấp hối. Gia đình ông cũng bị tống tiền 2.000 Nhân dân tệ.

Sau khi trở về nhà, ông liên tục sốt và nôn ra máu. Sự đau đớn khiến ông thức giấc và không thể nằm xuống. Khi gia đình đưa ông tới bệnh viện để kiểm tra thì phát hiện trong phổi của ông có dịch và tích tụ mủ đờm. Bác sỹ nói họ không thể điều trị cho ông và đưa ông về nhà. Sau đó, ông Điền khôi phục tu luyện Pháp Luân Công và đã dần dần phục hồi.

e205012699ddce8e29942b7d318fa28a.jpg

Ông Điền sau khi được trả tự do

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/26/461300.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/5/209745.html

Đăng ngày 28-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share