Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 05-02-2023] Tháng 1 năm 2023 đã ghi nhận tổng cộng 117 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin.
Trong số các trường hợp mới được xác nhận này, 11 xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2020, 19 xảy ra vào năm 2021, 61 trong năm 2022 và 26 trong tháng 1 năm 2023. Bởi sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt từ chính quyền cộng sản Trung Quốc nhằm cố gắng giấu cuộc bức hại trong bóng tối để tránh sự theo dõi từ quốc tế, khiến các trường hợp bức hại vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời hoặc đầy đủ thông tin.
Các học viên bị kết án phân bố ở 15 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Tỉnh Sơn Đông báo cáo nhiều trường hợp nhất với 24 trường hợp, tiếp theo là Liêu Ninh (20), Cát Lâm (18), Quảng Đông (14) và Bắc Kinh (10); 10 tỉnh còn lại báo cáo từ 1 đến 6 trường hợp.
Thời hạn bản án của các học viên dao động từ 8 tháng đến 8,5 năm, trung bình là 3,4 năm. Có 38 học viên đã bị phạt tiền từ 2.000 đến 100.000 nhân dân tệ, tổng cộng là 420.000 nhân dân tệ và trung bình là 11.053 nhân dân tệ.
Với 59 học viên đã có thông tin về độ tuổi, tuổi của họ nằm trong khoảng 20-80 (tại thời điểm vụ việc của họ được báo cáo lần đầu); 19 học viên ở độ tuổi 60; 14 học viên ở độ tuổi 70 và 2 học viên ở độ tuổi 80. Trong những học viên đó có người là giáo viên, kỹ sư, tài xế xe buýt, kế toán, công nhân nhà máy và cục trưởng cục thuế.
Dưới đây là bản tóm lược các trường hợp bị kết án. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể tải xuống tại đây (PDF) (bản tiếng Anh).
Bị chính quyền nhắm mục tiêu vì lên tiếng cho Pháp Luân Công
Gần đây, ông Lý Sỹ Hải (57 tuổi), một cư dân thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, đã bị kết án 4 năm tù vì nâng cao nhận thức về Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại suốt 23 năm qua.
Ông Lý bị cảnh sát thành phố Lạc Dương bắt giữ vào ngày 14 tháng 6 năm 2022 vì đăng thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên WeChat (một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến ở Trung Quốc). Điện thoại di động của hai vợ chồng ông đều bị tịch thu. Ông đã bị đưa đến Lạc Dương ngay trong ngày hôm đó.
Cảnh sát tuyên bố đã phát hiện ông Lý lập và làm quản trị của hai nhóm chat trực tuyến trên ứng dụng Potato và đăng thông tin về Pháp Luân Công. Nhóm đầu tiên có hơn 700 người dùng và nhóm thứ hai có hơn 3.000 người dùng.
Ngày 10 tháng 1 năm 2023, ông Lý có mặt tại Tòa án huyện Triền Hà, Lạc Dương. Luật sư đã bào chữa vô tội cho ông.
Ngày 21 tháng 1 (đêm trước Tết Nguyên đán), luật sư của ông Lý đã thông báo cho gia đình ông rằng ông đã bị kết án 4 năm tù.
Kể từ khi cuộc bức hại diễn ra, ông Lý đã nhiều lần bị bắt và tra tấn. Ông đã hai lần bị nhốt trong bệnh viện tâm thần và nhiều lúc ông bị suy sụp tinh thần vì cuộc bức hại. Ông lại bị bắt vào năm 2016 và sau đó bị kết án hai năm.
Tám cư dân Sơn Đông bị kết án tù từ 3 đến 7,5 năm vì treo tranh nghệ thuật Pháp Luân Công tại nhà
Ngày 4 tháng 1 năm 2023, 8 học viên Pháp Luân Công ở huyện Quan, tỉnh Sơn Đông đã bị kết án từ 3 đến 7,5 năm tù.
Tám học viên này (hầu hết là nông dân) đã bị bắt giữ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2022. Bằng chứng truy tố chống lại các học viên bao gồm các câu đối, tranh Tết có chủ đề Pháp Luân Công và đồ trang trí mà cảnh sát đã tịch thu từ nhà của họ. Tuy nhiên cả công tố viên và thẩm phán đều không đưa ra giải thích rằng các học viên đã phá hoại việc thực thi pháp luật bằng những đồ vật đó như thế nào.
Dưới đây là chi tiết về 8 học viên và bản án của họ:
Bà Trương (51 tuổi) bị kết án 7,5 năm và phạt tiền 18.000 nhân dân tệ. Ngày 18 tháng 8 năm 2022, bà bị bắt và đến ngày 13 tháng 9 thì bị tạm giam hình sự. Khi cảnh sát lục soát nhà bà, họ còn lấy đi 20.000 nhân dân tệ tiền mặt của bà.
Ông Hứa Hằng Khuê (60 tuổi) cũng bị kết án 7,5 năm tù và phạt tiền 18.000 nhân dân tệ. Ngày 13 tháng 5 năm 2022, ông bị bắt và được tại ngoại vào đầu tháng 6 do tình trạng sức khỏe. Trước kia ông từng bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức vào ngày 28 tháng 2 năm 2002.
Ông Khổng Đức Toàn (61 tuổi) bị bắt vào ngày 29 tháng 7 năm 2022. Ông bị kết án 7 năm 4 tháng tù và phạt tiền 16.000 nhân dân tệ. Trước kia ông đã từng bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức vào ngày 5 tháng 5 năm 2001.
Ông Chu Xuân Bảo (48 tuổi), nguyên phó cục trưởng cục thuế, đã bị bắt vào ngày 15 tháng 5 năm 2022. Ông bị thẩm vấn nhiều lần và bị cấm ngủ trong 3 ngày. Ông bị kết án 4 năm tù và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ.
Bà Cao Thục Trinh (47 tuổi) bị kết án 4 năm tù và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ. Trước đó vào ngày 1 tháng 3 năm 2022, bà đã bị bắt và bị giam một thời gian ngắn. Ngày 13 tháng 5, cảnh sát sách nhiễu bà và tịch thu máy tính của bà và sau đó bắt giữ bà vào ngày 26 tháng 7. Đến Ngày 30 tháng 7, cảnh sát ra quyết định giám sát bà tại nơi cư trú và sau đó tạm giam hình sự bà vào ngày 22 tháng 9.
Ông Hàn Chấn Lâm (71 tuổi) bị bắt vào ngày 28 tháng 7 năm 2022 và sau đó bị kết án 4 năm và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ. Cảnh sát tuyên bố ông bị giam trong Trung tâm Pháp luật huyện Quan, nhưng gia đình ông không thể tìm thấy bất kỳ thông tin nào về nơi này trên mạng. Trước bản án án gần đây nhất, ông đã từng bị giam 5 ngày sau vụ bắt giữ ngày 18 tháng 11 năm 2015.
Ông Trương Bính Lượng (68 tuổi) bị bắt vào ngày 19 tháng 8 năm 2022. Số tiền 200.000 nhân dân tệ tiền mà ông kiếm được từ việc buôn bán phân bón đã bị cảnh sát vô cớ tịch thu. Ông bị kết án 4 năm và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ.
Ông Vương Thụy Tường (55 tuổi) bị kết án 3 năm và phạt tiền 8.000 nhân dân tệ.
Một tiểu thương bị lĩnh án tù 6 năm vì tặng lịch Pháp Luân Công cho khách hàng
Bà Lý Hồng Hồng (53 tuổi), một cư dân thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, là chủ của một cửa hàng nhỏ buôn bán chăn ga gối đệm. Vì tặng cho khách hàng một cuốn lịch có thông tin về Pháp Luân Công vào ngày 29 tháng 10 năm 2021, bà đã bị báo cảnh sát và bị bắt vào ngày 23 tháng 1 năm 2022. Cả cửa hàng và nhà của bà đều bị lục soát.
Ngày 24 tháng 11 năm 2022, thẩm phán mở phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án của bà Lý. Gia đình bà không được phép tham dự phiên tòa. Bà đã tự bào chữa cho mình và khẳng định rằng bản thân không vi phạm bất kỳ luật nào khi tu luyện Pháp Luân Công.
Đến đầu tháng 1 năm 2023, gia đình bà Lý được thông báo rằng bà đã bị kết án 6 năm tù và phạt tiền 20.000 nhân dân tệ. Bà đã đệ đơn kháng cáo.
Trong 1 năm bị giam giữ, bà Lý sụt hơn 13kg, tóc bà ngả bạc và bà bị huyết áp cao. Việc kinh doanh của bà bị gián đoạn và điều này đã gây ra nhiều khó khăn về tài chính cho gia đình bà. Người chồng ốm đau bệnh tật của bà bị bỏ lại ở nhà và phải chật vật để tự lo cho bản thân.
Học viên lớn tuổi bị nhắm mục tiêu
Bà lão 71 tuổi bị kết án 8 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công
Gần đây bà Hàn Lệ Hoa (71 tuổi), một cư dân của thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị kết án 8 năm tù và phạt 50.000 nhân dân tệ vì đức tin vào Pháp Luân Công.
Bà Hàn Lệ Hoa là nhân viên về hưu của Nhà máy Sản xuất Dầu Đại Khánh. Bà bị bắt và nhà của bà bị lục soát vào ngày 22 tháng 11 năm 2020 bởi hơn 20 cảnh sát. Bà đã được bảo lãnh tại ngoại trong ngày.
Toà án quận Nhượng Hồ Lộ đã xét xử bà vào ngày 2 tháng 8 năm 2022. Thẩm phán Lãnh Chí Cường hỏi bà có thừa nhận các tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu ở nhà bà là bằng chứng chống lại bà không. Bà lập luận rằng bản thân các tài liệu đó không vi phạm pháp luật nào cả, và bà không có mặt khi cảnh sát lục soát nhà bà, và họ chưa từng xác nhận với bà những đồ vật bị tịch thu hay cung cấp danh sách các đồ vật tịch thu.
Luật sư của bà Hàn đã biện hộ vô tội cho bà và phủ nhận cáo buộc gọi là “phá hoại việc thực thi pháp luật” (một cái cớ được chính quyền cộng sản Trung Quốc quy chuẩn nhằm kết tội các học viên Pháp Luân Công) chống lại bà. Ông chỉ ra rằng công tố viên đã không chứng minh được động cơ cũng như không có chứng cứ chứng minh bà phạm tội. Những thứ mà công tố viên chỉ ra không cấu thành phạm tội, không có tính nguy hại và không gây nguy hại cho xã hội hay cho bất kỳ ai, cũng không tạo thành tổn thất cho quốc gia. Chiểu theo quốc pháp, bà Hàn không cấu thành phạm tội, do đó bà hoàn toàn vô tội và cần phải được tha bổng.
Thẩm phán hỏi bà Hàn có khả năng nộp được tiền phạt không. Bà nói rằng bà không thể vì lương hưu của bà đã bị đình chỉ suốt 8 năm qua.
Do bà Hàn bị huyết áp cao nên trại tạm giam địa phương đã từ chối tiếp nhận bà. Con dâu của bà đã nhận được một văn bản do Toà án quận Nhượng Hồ Lộ và Toà án Cấp cao tỉnh Hắc Long Giang đồng ban hành vào ngày 29 tháng 12, nói rằng họ đã tuyên án bà có tội và sẽ có thông báo trong thời gian tới.
Ngày 3 tháng 1 năm 2023, bà Hàn được thông báo đến nhận phán quyết tại toà án vào hôm sau. Tại toà án, bà được cho biết rằng bà đã bị kết án 8 năm tù và phạt tiền 50.000 nhân dân tệ. Phán quyết này được ban hành vào ngày 28 tháng 12. Hiện không rõ bà đã bị đưa vào nhà tù hay chưa.
Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Hàn đã liên tục bị nhắm đến vì kiên định đức tin của mình. Bà từng bị giam 6 tháng trong một trung tâm tẩy não và lãnh một bản án 3 năm lao động cưỡng bức vào năm 2001 (bà không phải thụ án do sức khoẻ kém) và bị kết án 7 năm tù vào năm 2008.
Mặc dù bà Khương Thục Mai (67 tuổi) bị chẩn đoán mắc ung thư vú nhưng vẫn bị bỏ tù một cách phi pháp từ hồi tháng 10 năm 2022 để chấp hành bản án 5 năm.
Bà Khương, một cư dân của thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt vào ngày 26 tháng 2 năm 2021 trong lúc đang cùng với một học viên khác là bà Hứa Chấn Anh (76 tuổi) học các bài giảng của Pháp Luân Công tại nhà.
Cả bà Khương và bà Hứa đều bị giam ở trại tạm giam thành phố Thẩm Dương. Bà Khương được phát hiện có các triệu chứng của bệnh ung thư vú trong cuộc kiểm tra sức khỏe đầu vào tại trại tạm giam.
Tòa án quận Hoàng Cô đã kết án bà Hứa 2 năm tù vào tháng 5 năm 2021 và kết án bà Khương 5 năm tù vào tháng 9 năm 2021. Cả hai bà đều đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Thẩm Dương, nhưng cơ quan này đã ra quyết định giữ nguyên phán quyết ban đầu của hai học viên.
Bất chấp lời chẩn đoán của bác sỹ về bệnh ung thư vú của bà Khương, Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Liêu Ninh đã tiếp nhận bà Khương vào tháng 10 năm 2022, dù trước đó đã từ chối nhận bà. Gia đình bà đã nộp đơn xin tạm tha y tế cho bà, nhưng nhà tù từ chối với lý do là bà không đáp ứng điều kiện để được tạm tha y tế.
Sau bản án 4 năm lao động, một người ông lại bị bí mật kết án 2,5 năm tù
Cư dân Tô Ngọc Tài của thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm là người cuối cùng ở trong khu vực bị kết án lao động cưỡng bức trước khi hệ thống trại lao động bị bãi bỏ vào năm 2013 ở Trung Quốc. Gần đây, ông Tô đã bị xét xử bí mật 2,5 năm tù sau khi một chủ cửa hàng ghi âm lại những lời giảng chân tướng Pháp Luân Công của ông.
Ông Tô bị biệt giam kể từ khi bị bắt vào ngày 16 tháng 8 năm 2022. Ngay cả khi gia đình ông gần đây đã xác nhận được việc ông đã bị kết án bí mật vào tháng 11 năm 2022, thì phía chính quyền vẫn từ chối tiết lộ địa điểm giam giữ và tình hình hiện tại của ông.
Ông Tô (67 tuổi) đã nói với một chủ cửa hàng tiện lợi về Pháp Luân Công khi đi mua sắm ở đó vào ngày 25 tháng 5 năm 2022. Người chủ đã bí mật ghi âm và gọi điện thoại báo cảnh sát. Khi ông Tô mua đồ xong, người chủ đã giữ ông lại cho đến khi cảnh sát kéo đến.
Sau đó cảnh sát đã đưa ông Tô đến Đồn Công an Nam Hồ và tịch thu giấy tờ tùy thân của ông. Ngoài ra, họ còn ra lệnh cho ông hàng tuần phải đến báo cáo tình hình cho cảnh sát.
Sau ba ngày bị giữ ở đồn công an, ông Tô bị đưa đến Trại tạm giam Số 2 Thành phố Trường Xuân. Gia đình không được vào thăm và ông cũng không được liên lạc với gia đình kể từ đó. Cảnh sát sau đó đã chuyển hồ sơ của ông tới Viện Kiểm sát quận Triều Dương. Sau khi công tố viên khởi tố ông và chuyển vụ án của ông tới Tòa án quận Triều Dương, gia đình ông liên tục gọi điện cho cảnh sát và tòa án, nhưng không có ai bắt máy.
Vụ bắt giữ ông Tô đã khiến con trai ông, người đã mất khả năng lao động do bị đột quỵ, bị suy sụp tinh thần nặng nề. Anh phải vật lộn với tình trạng huyết áp không ổn định và thường xuyên bị co giật.
Người thân bị bỏ lại không ai chăm sóc
Gần 2 năm kể từ khi cư dân 75 tuổi ở thành phố Đại An, tỉnh Cát Lâm bị mất tích vào năm 2021, gia đình của bà cuối cùng đã xác nhận được rằng bà bị bí mật bỏ tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công và bị giam ở trong Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm.
Hai năm trước, khi hay tin con gái bị bệnh phải nhập viện, bà Triệu Thục Cầm liền đi tới Bắc Kinh để chăm sóc cho con gái cùng hai cháu ngoại nhỏ tuổi của mình. Ngày 9 tháng 3 năm 2021, khi đang đổi chuyến ở Ga tàu Trường Xuân, bà bị chặn lại và lục soát hành lý. Cảnh sát đã bắt giữ bà sau khi tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công ở trong túi của bà.
Cảnh sát tuyên bố họ tạm giam bà Triệu vì thời gian đó chính quyền cộng sản đang tổ chức Hội nghị Toàn quốc ở Bắc Kinh và bà ấy có biểu hiện của phần tử “gây rối trật tự xã hội”.
Cảnh sát giam bà Triệu ở trong trại tạm giam thành phố Bạch Thành và từ chối yêu cầu thăm thân từ gia đình bà. Bà Triệu liên tục yêu cầu được trả tự do để có thể đến chăm sóc cho người con gái đang bệnh của mình, nhưng vô ích.
Sau khi bà Triệu được chuyển đến một cơ sở giam giữ khác, chính quyền đã giấu kín tung tích của bà với gia đình. Mãi đến gần đây gia đình bà mới xác nhận được rằng bà đã bị kết án 3,5 năm tù và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ. Bà bị đưa đến buồng giam số 10 của Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm.
Theo một nguồn tin bên trong, bà Triệu bị bức hại đến đổ bệnh và có khả năng bà đang ở trong bệnh viện nhà tù để điều trị. Đồng thời, con gái bà cũng đang ở trong tình trạng nguy kịch do sức khỏe của cô ngày càng suy giảm trong 2 năm qua.
Gần đây, ông Vương Tự Chu, một cư dân 73 tuổi ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam đã bị kết án 3,5 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Việc ông bị cầm tù đã khiến người vợ mù lòa của ông rơi vào tình cảnh thê thảm.
Ông Vương bị bắt tại nhà vào ngày 8 tháng 6 năm 2021. Các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, 3 điện thoại di động và 1 máy nghe nhạc của ông đã bị tịch thu. Cảnh sát đã giam ông trong trại tạm giam huyện Xã Kỳ, để lại người vợ mù của ông ở nhà một mình và phải tự lo cho bản thân.
Ngày 15 tháng 6, một tuần sau vụ bắt giữ ông Vương, cảnh sát đã sách nhiễu con gái ông, đe dọa bắt giữ cô và đưa đứa con sơ sinh của cô tới trại trẻ mồ côi.
Ngày 25 tháng 6, cảnh sát lại lục soát nhà ông Vương và phá một số ổ khóa của ông. Họ lấy đi nhiều đồ đạc cá nhân của ông, bao gồm 2 chiếc điện thoại di động.
Cảnh sát quay lại nhà ông Vương lần thứ ba vào ngày 6 tháng 12 năm 2021 và lục lọi nơi này. Lúc đó, con gái của ông đã đến nhà ông để chăm sóc cho mẹ mình, đã bị bắt và bị giam ở trong trại tạm giam huyện Xã Kỳ trong 10 ngày, trong thời gian đó, cô không thể cho đứa con mới 1 tháng tuổi của mình bú sữa mẹ, khiến đứa trẻ khóc gào cả đêm.
Gần đây gia đình ông Vương mới biết rằng ông đã bị kết án 3,5 năm tù và đưa tới Nhà tù Tân Mật ở thành phố Trịnh Châu.
Đây là lần thứ hai ông Vương bị kết án vì kiên định đức tin của mình. Trước đó ông từng bị bắt vào ngày 18 tháng 7 năm 2019. Các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và các bức tranh treo tường có chủ đề Pháp Luân Công của ông đều bị cảnh sát lấy đi. Vụ bắt giữ ông đã được Viện Kiểm sát huyện Xã Kỳ phê chuẩn vào ngày 22 tháng 7 và sau đó ông bị kết án 1 năm tù.
Người phụ nữ Hồ Bắc bị cầm tù gần 4 năm, người chồng mất khả năng vận động không có ai chăm sóc
Bà Thư Vận Lan, một cư dân 56 tuổi của thành phố Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, đã bị bắt giữ vào ngày 14 tháng 9 năm 2022. Vụ bắt giữ bà đã khiến chồng bà, một người đã mất khả năng lao động do bị đột quỵ, rơi vào tình cảnh thê thảm. Ngày 10 tháng 10, luật sư của bà đã nộp đơn lên Công an thành phố Hán Xuyên để xin cho bà được tại ngoại về nhà chăm sóc chồng, nhưng cảnh sát không có bất kỳ hồi đáp nào.
Giữa tháng 12 năm 2022, con gái của bà Thư nhận được cuộc điện thoại của Tòa án quận Hiếu Xương, thông báo rằng tòa đã lên lịch xét xử mẹ cô từ xa qua video trong một tuần nữa. Do đại dịch, luật sư của bà Thư không thể tham dự phiên tòa. Gia đình bà Thư cũng chỉ có thể ở nhà chờ tin tức.
Ngày 18 tháng 1 năm 2023, khi con gái của bà Thư gọi điện đến tòa án để hỏi về mẹ mình, cô được cho biết rằng bà Thư đã bị kết án tù. Đến nay tòa án vẫn chưa gửi cho họ bản án của bà Thư.
Trước kia, bà Thư đã bị bắt giữ nhiều lần. Bà từng bị kết án 5 năm tù vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công vào năm 2008.
Từng bị tra tấn đến chỉ còn da bọc xương ở trong trại lao động, người đàn ông Sơn Đông lại bị kết án tù vì kiên định đức tin của mìnhÔng Cao Hoành (55 tuổi), một cư dân thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt vào ngày 29 tháng 8 năm 2022. Ông bị Tòa án quận Truy Xuyên kết án 3 năm tù vào ngày 5 tháng 12 năm 2022.
Sau khi cha của ông Cao qua đời vào năm 2018, ông trở thành người thân duy nhất chăm sóc cho người mẹ già 85 tuổi của mình. Do áp lực từ cuộc bức hại, mẹ ông đang phải chống chọi với căn bệnh cao huyết áp và bệnh tim nặng. Việc ông bị cầm tù đã khiến bà cụ rơi vào tình cảnh thê thảm.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tự động hóa của Trường Đại học Dầu khí Trung Quốc vào năm 1991, ông Cao đã được nhận vào Viện Nghiên cứu Hóa dầu Tề Lỗ. Năm 1997, sau khi chứng kiến những thay đổi tích cực của cha mẹ nhờ tu luyện Pháp Luân Công, ông cũng theo họ tu luyện. Pháp môn đã khai mở trí huệ cho ông và ông đã được trao một số giải thưởng về sự tiến bộ và đổi mới công nghệ của viện nghiên cứu.
Vì giữ vững đức tin của mình và lên tiếng về cuộc bức hại, ông đã nhiều lần bị bắt và bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức vào ngày 26 tháng 8 năm 2008.
Ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Số 2 tỉnh Sơn Đông, ông Cao bị cấm ngủ trong 7 ngày, bị đánh đập và còng tay ra sau lưng. Ông phản kháng bằng cách tuyệt thực và từ chối lao động cưỡng bức. Để trả đũa, lính canh đã bắt ông phải đứng liên tục trong 3 ngày và ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ từ 5 giờ 30 sáng đến 23 giờ đêm mỗi ngày trong suốt 81 ngày. Ông ấy chỉ còn da bọc xương và được tạm tha y tế vào ngày 3 tháng 10 năm 2009.
Ông Cao Hoành chỉ còn da bọc xương vì bị tra tấn trong trại lao động.
Ngày 15 tháng 7 năm 2020, cảnh sát đã đột kích vào nhà của ông Cao khi mẹ của ông, bà cụ Lương Trung Tiên, đang ở nhà một mình. Cảnh sát tuyên bố đã tìm thấy một tập sách nhỏ nói về Pháp Luân Công trong khu vực và nghi ngờ bà cụ Lương là người phân phát. Họ bắt bà cụ tới đồn công an để thẩm vấn và tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp, máy tính, máy in, máy tính bảng và thậm chí là đèn bàn của gia đình bà.
Ông Cao cũng bị cảnh sát bắt giữ khi vừa đi làm về vào chiều hôm đó. Ông bị thẩm vấn đến chiều hôm sau. Do đại dịch COVID, cảnh sát đã để ông tại ngoại 1 năm thay vì giam giữ ông.
Học viên ở mọi tầng lớp xã hội đều bị nhắm đến
Cựu chiến binh tỉnh Tứ Xuyên bị tước quyền thuê luật sư và bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công
Ngày 15 tháng 3 năm 2022, anh La Bảng Lâm, một cựu chiến binh 40 tuổi tại huyện Mễ Dịch, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt giữ tại nhà. Các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, nhiều thẻ ghi nhớ máy tính, điện thoại di động, cũng như máy tính và máy in mà anh sử dụng cho hoạt động kinh doanh của mình đều đã bị tịch thu.
Vợ anh La đã đến viện kiểm sát để làm thủ tục đăng ký làm người bào chữa không phải luật sư cho anh. Công tố viên phụ trách vụ án là Hồ Thọ Hoa đã yêu cầu cô ký tên vào bản cam kết không thuê luật sư cho chồng mình. Cô Hồng đã từ chối ký tên vào bản cam kết đó.
Ngày 12 tháng 8, cô Hồng nộp phần nội dung biện hộ của mình và 3 ngày sau cô nhận được cuộc gọi của Hồ. Hồ nói rằng cô không được phép đại diện cho chồng với tư cách người bào chữa không phải luật sư và không được phép vào thăm anh ở trong trại tạm giam.
Ngày 23 tháng 12 năm 2022, Tòa án huyện Mễ Dịch đã ra quyết định kết án tù mà không cho phép anh La thuê luật sư. Anh La từng đi nghĩa vụ quân sự 2 năm ở Tây Tạng (từ năm 2003 đến năm 2005). Anh bị mắc chứng say độ cao và phải vật lộn với sức khỏe kém sau khi kết thúc nghĩa vụ. Anh bắt đầu bị suy nhược thần kinh, mất ngủ, cả ngày đầu óc thơ thẩn và không có sức lực. Sau đó, anh đã học Pháp Luân Công theo lời giới thiệu của một người bạn và đã phục hồi sức khỏe. Anh bắt đầu mở một trang trại trồng xoài và một cửa hàng trực tuyến để bán trái cây.
Cựu giáo sư đại học bị kết án tù lần thứ ba vì nói với mọi người về Pháp Luân Công
Kể từ năm 2008, một cựu giáo sư đại học đã ba lần bị kết án tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Mỗi vụ bắt giữ điều xảy ra chỉ vài tháng sau khi bà được mãn hạn tù trước đó.
Vụ bắt giữ gần đây nhất của bà Vương Gia Phương (58 tuổi), một cư dân thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, là vào ngày 10 tháng 9 năm 2021, trong khi bà đang nói với mọi người về Pháp Luân Công ở bên ngoài một trung tâm mua sắm. Tháng 7 năm 2022, Tòa án quận Lệ Loan đã kết án bà Vương 4 năm tù với khoản tiền phạt 10.000 nhân dân tệ. Bà đã đệ đơn kháng cáo. Ngày 26 tháng 12 năm 2022, Tòa án Trung cấp thành phố Quảng Châu đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của bà.
Vụ bắt giữ gần đây nhất của bà Vương xảy ra chỉ 3 tháng sau khi bà được trả tự do vào ngày 26 tháng 4 năm 2021, sau khi kết thúc bản án 3,5 năm (cũng do Tòa án quận Lệ Loan xét xử). Lần bắt giữ trước đó của bà là vào ngày 27 tháng 10 năm 2017, xảy ra chưa đầy 1 năm sau khi bà được trả tự do sau 9 năm thụ án oan sai trong Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông. Bà thường khổ sở với những cơn đau dữ dội ở vùng gan do bị tra tấn dã man và đá vào bụng ở trong tù.
Bà Vương từng là phó giáo sư toán học tại Trường Đại học Quảng Châu. Bà Vương có một người con trai bị bệnh tim bẩm sinh và bà đã quan tâm tới Pháp Luân Công sau khi được nghe rất nhiều câu chuyện về uy lực chữa bệnh thần kỳ của Đại Pháp. Bà Vương và con trai quyết định thử tập Pháp Luân Công. Sau khi học luyện, tình trạng sức khỏe của con trai bà đã có sự cải thiện đáng kể, điều này đã tăng thêm quyết tâm tu luyện Pháp Luân Công của bà Vương.
Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, bà Vương đã tận dụng mọi cơ hội có thể để nói với mọi người rằng Pháp Luân Công không giống như những gì được miêu tả trong tuyên truyền dối trá của nhà nước. Hành động của bà chỉ đơn giản là giúp nâng cao nhận thức về cuộc bức hại trong công chúng, nhưng lại khiến bà bị chính quyền bắt giam rất nhiều lần.
Một cựu sỹ quan cảnh sát bị kết án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân CôngÔng Lâm Lập Thịnh (65 tuổi), một cư dân thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, từng làm cảnh sát tại Ga xe lửa Mậu Danh. Ngày 11 tháng 3 năm 2020, khi đang đi tàu ông đã bị các đồng nghiệp cũ của mình bắt giữ sau khi họ tìm thấy một cuốn sách Pháp Luân Công và một số tờ tiền giấy có in thông điệp Pháp Luân Công trong túi xách của ông. Do sự kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc, nhiều học viên sử dụng những cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, bao gồm in thông tin lên trên tiền giấy.
Cảnh sát đã lục soát nhà ông Lâm và giam ông ở trong trại tạm giam Số 1 thành phố Mậu Danh. Vì lo lắng cho ông, gia đình ông đã hối lộ cảnh sát để ông ấy được thả ra. Vì sợ hãi trước cuộc bức hại, ông Lâm đã ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Không lâu sau, ông bị đột quỵ và bác sỹ nói rằng họ không thể chữa khỏi cho ông. Khi trở về nhà, ông Lâm khôi phục việc tu luyện Pháp Luân Công và nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Sau khi cảnh sát phát hiện ra, họ lại bắt giữ ông ấy một lần nữa vào ngày 27 tháng 6 năm 2021 và chuyển vụ án của ông ấy tới Viện Kiểm sát quận Mậu Nam. Ngày 23 tháng 12 năm 2022, ông bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Mậu Nam và bị kết án 3 năm tù.
Một tài xế xe buýt bị kết án bí mật vì đức tin của mình, cha mẹ già không có người chăm sóc
Bà Vu Trân, một tài xế xe buýt của Công ty Hoá dầu Tề Lỗ, đã bị bắt vào cuối tháng 10 năm 2022. Một nguồn tin bên trong tiết lộ rằng cảnh sát đã nhắm đến bà vì bà chia sẻ thông tin Pháp Luân Công trên Internet và học các bài giảng của Pháp Luân Công cùng những học viên khác. Gần đây Minghui.org đã xác nhận được rằng bà đã bị kết án 3,5 năm tù, nhưng các thông tin chi tiết khác vẫn không rõ.
Người cha 95 tuổi và người mẹ 87 tuổi của bà Vu đều dựa vào sự chăm sóc của bà, bao gồm đi chợ, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc y tế. Hiện họ đang vô cùng tuyệt vọng trước việc con gái bị bắt giữ và không có ai chăm sóc.
Trước bản án mới nhất này, bà Vu đã từng bị bắt vào ngày 24 tháng 3 năm 2018 và nhà bị lục soát. Bà đã được bảo lãnh vào ngày 7 tháng 7 sau gần 4 tháng bị giam trong trại tạm giam Trương Điếm.
Nguyên cán bộ cục thuế bị kết án 1,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công
Chỉ vài ngày trước Tết Nguyên đán 2023 (Ngày 22 tháng 1), một cư dân thành phố Quảng Thủy, tỉnh Hồ Bắc, đã bị kết án 1,5 năm tù và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công.
Trước bản án gần đây nhất, ông Trần đã từng thụ án 3 năm và bị cục thuế địa phương sa thải.
Ông Trần (61 tuổi) bị bắt vào tháng 7 năm 2022, sau khi bị trình báo vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát hai chỗ ở và tịch thu 8 cuốn sách Pháp Luân Công của ông. Ông bị giám sát cư trú vào ngày 24 tháng 7. Viện Kiểm sát thành phố Quảng Thủy đã truy tố ông vào ngày 15 tháng 9 năm 2022 với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” (một cái cớ tiêu chuẩn được chính quyền sử dụng để vu khống Pháp Luân Công), và chuyển hồ sơ của ông sang Tòa án thành phố Quảng Thủy. Sau đó tòa án đã tuyên án ông vào giữa tháng 1 năm 2023.
Bị kết án nhiều lần
Từng bị giam giữ 15 năm, người phụ nữ Liêu Ninh lại bị kết án 2 năm tù vì kiên định đức tin
Gần đây một cư dân thành phố Đông Cảng, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án 2 năm tù và phạt 3.000 nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công.
Trước khi nhận bản án mới nhất này, bà Lưu Mai đã bị giam giữ tổng cộng 15 năm, bao gồm 2 năm trong trại lao động cưỡng bức và 13 năm trong tù. Sự tra tấn tàn bạo đã khiến bà đã mắc bệnh tim, bệnh lao phổi và chứng teo não và nhiều lần suýt mất mạng.
Ngày 7 tháng 11 năm 2021, bà Lưu đang trên đường về nhà sau khi đi chợ thì bị bắt giữ. Cảnh sát đã hứa sẽ thả bà Lưu sau 2 tiếng nữa nếu bà chịu hợp tác, để lừa bà ký tên vào một số giấy tờ có nội dung thừa nhận năm tấm thẻ có thông tin về Pháp Luân Công mà họ tịch thu từ một học viên khác thực chất là của bà. Sau khi ký tên, bà Lưu yêu cầu được về nhà, thì cảnh sát lại tuyên bố rằng bà cần làm xét nghiệm PCR để đảm bảo rằng bà không bị nhiễm COVID-19 vì một số quan chức đã tiếp xúc gần với bà. Họ lo sợ bị nhiễm virus nếu bà như bà Lưu bị nhiễm. Tuy nhiên, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày hôm sau, cảnh sát đã chuyển từ tạm giam hành chính sang tạm giam hình sự bà Lưu trong thời gian 15 ngày.
Do vấn đề sức khỏe nên bà Lưu đã được thả vào ngày 17 tháng 12 năm 2021. Trong năm 2021, cảnh sát đã đến nhà bà Lưu để sách nhiễu nhiều lần và nói dối rằng vụ án của bà đã bị hủy bỏ và bảo bà ký tên vào giấy tờ bảo lãnh tại ngoại. Khi bị lừa đến viện kiểm sát vào ngày 11 tháng 10 năm 2022, bà Lưu đã sốc khi biết rằng mình bị khởi tố.
Bà Lưu bị đưa ra xét xử vào ngày 13 tháng 12. Bà yêu cầu công tố viên kiểm tra video thẩm vấn tại đồn cảnh sát, tuy nhiên công tố viên lại tuyên bố rằng đồn công an đã bị mất điện vào ngày hôm đó và không ghi lại được gì. Ngày 29 tháng 12 năm 2022, bà Lưu bị kết án 2 năm tù và bị phạt 3.000 nhân dân tệ.
Những lần bức hại trước đây
Bà Lưu sinh ra ở vùng nông thôn. Cha bà là giáo viên ngữ văn cấp ba, giỏi văn nghệ và thể thao. Ông biết chơi nhiều loại nhạc cụ, nên bà Lưu và các anh chị em của bà đều học chơi các loại nhạc cụ khác nhau. Hầu như mỗi đêm, họ đều dành thời gian đàn hát và chơi nhạc cụ. Người thân và hàng xóm ai cũng ngưỡng mộ cuộc sống của họ.
Sau đó, cha của bà Lưu đã chuyển công tác và gia đình họ dời đến sống ở thành phố. Với việc được thuyên chuyển và thăng chức, cha của bà Lưu đã có những thay đổi to lớn về suy nghĩ và quan niệm. Vào năm 1980, ông quyết định ly hôn, khiến mẹ bà Lưu và các anh chị em của bà đều bị sốc. Những anh chị em trong nhà ai cũng buồn bã và oán hận cha mình, sau khi chứng kiến những tổn thương từ mẹ họ.
Năm 1995, bà Lưu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn. Bà dần dần tha thứ cho cha mình. Ở đơn vị, năm nào bà cũng được đề cử là nhân viên xuất sắc của năm.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Lưu bị bắt vì đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Một hôm, một số cảnh sát ở trong trại tạm giam đã đè bà xuống và dùng thắt lưng và vỏ tre quất bà dữ dội. Bà lịm dần đi và cảm thấy bản thân đang lơ lửng trong không trung và cứ tiến về phía trước một cách vô định. Tuy nhiên, bà lại nghe thấy ai đó gọi tên mình từ xa nên đi theo giọng nói đó. Một lúc sau, bà thấy một nhóm người vây quanh thân thể mình. Một số người đang đâm kim vào cơ thể bà, một số đang khóc và một số đang cố gọi tên bà. Sau đó bà cảm thấy toàn thân đau đớn nhưng không biết mình đang ở đâu. Cuối cùng, bà nhận ra rằng mình đang ở trong trại tạm giam. Vào lúc đó, bà ấy nghe thấy ai đó nói rằng đôi mắt của bà ấy đang máy động và bà ấy còn sống. Sau đó bà Lưu tỉnh lại.
Sau khi tỉnh dậy, bà Lưu vô cùng đau đớn khi vùng mông, lưng dưới và đùi bị sưng tấy và thâm đen.
Bà Lưu và chồng bà, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị bắt và bị kết án 13 năm tù vào năm 2002. Bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Vào cuối năm 2007, hậu quả của những lần tra tấn khiến bà bị huyết áp cao và bệnh tim.
Bệnh lao còn khiến bà thường ho ra máu mỗi ngày. Rối loạn nội tiết tố khiến bụng bà ấy sưng to hơn cả ngực, có máu trong phân và nước tiểu của bà, chứng teo não… Nhãn cầu của bà bị co rút làm cho mắt bà bị mờ. Một nửa khuôn mặt của bà ấy sưng đỏ và nửa còn lại thì hóp lại, bàn chân thì sưng tấy, rỉ máu và thối rữa… Bà lúc nào cũng cảm thấy như thể có bầy dã thú đang rượt đuổi và gào rú trong đầu não mình. Các động mạch ở phía bên cổ trái sưng tấy và chảy máu cũng làm cổ bà rất ngứa rát, như thể có ai đó đang cố bóp nghẹt nó. Bà ấy bị khó thở và xuất hiện một khối u ở ngực. Tệ hơn nữa, bà ấy trở nên gầy yếu đến mức không thể tự chăm sóc cho bản thân. Bà ấy luôn cần có người trợ giúp khi đi lại hoặc sử dụng nhà vệ sinh.
Năm 2015, bà Lưu được trả tự do và đến ở nhờ nhà của một người họ hàng. Dù cho bản thân bà vẫn chưa hồi phục từ những tổn thương do tra tấn, nhưng khi mẹ chồng lâm bệnh, bà vẫn cùng chồng đến nơi chăm sóc trong suốt gần một tháng, trong khi các anh chị em khác của chồng đều đùn đẩy việc này.
Bà Lưu và chồng bà sau đó đã đón mẹ chồng về nhà của họ để phụng dưỡng, dù thực tế là mẹ chồng bà không chấp nhận cuộc hôn nhân của họ do vết thương ở tay của bà Lưu trong một lần bị tai nạn nơi làm việc. Khi mẹ chồng nằm liệt giường, bà Lưu đã nấu những món ăn mà mẹ chồng thích, xoa bóp, tắm rửa và đem những đồ ăn vặt ngon cho bà.
Người phụ nữ Vân Nam bị kết án tù lần thứ tư vì tu luyện Pháp Luân Công
Không lâu sau khi bà Lý Quần, một cư dân của huyện Nghiễn Sơn, tỉnh Vân Nam, được trả tự do sau 4 năm bị cầm tù oan sai vì tu luyện Pháp Luân Công, bà lại bị bắt và bị kết án 6 năm tù.
Đây là lần thứ tư bà Lý, một cựu viên chức của Cục Điện lực huyện Nghiễn Sơn, bị kết án kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999.
Bà Lý bị bắt lần đầu vào năm 2004 và bị kết án 4 năm tù. Bà đã bị đơn vị công tác sa thải sau khi được trả tự do vào ngày 22 tháng 5 năm 2008. Bà mưu sinh bằng cách bán tạp hóa trong một gian hàng ở chợ.
Vì nói chuyện với khách hàng của mình về Pháp Luân Công, bà Lý lại bị bắt vào ngày 20 tháng 4 năm 2009. Bà bị bức thực vì đã tuyệt thực để phản bức hại. Tòa án địa phương kết án bà 5 năm tù và thụ án trong Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam hai tuần sau đó.
Lần bắt giữ tiếp theo của bà Lý là vào tháng 6 năm 2017. Bà đã bị Tòa án Thành phố Văn Sơn kết án 4 năm tù vào ngày 1 tháng 9 năm 2017 và bị bỏ tù vào giáp Tết Nguyên Đán năm 2018.
Bài báo liên quan:
Báo cáo năm 2022: 633 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/5/456459.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/11/207279.html
Đăng ngày 14-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.