Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 05-12-2022] Trong hai tháng 10 và 11 năm 2022, Minghui.org đã xác nhận thêm tổng cộng 31 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết vì kiên định đức tin.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cổ xưa dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, có rất nhiều người đã sống chiểu theo các Pháp lý cao thâm của pháp môn và thu được nhiều lợi ích về sức khỏe và tinh thần. Lo sợ trước sự phổ biến nhanh chóng của Pháp Luân Công, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999 nhằm tiêu diệt pháp môn này.

Trong 31 trường hợp tử vong mới được xác nhận này, 7 người đã qua đời vào các năm 2007, 2008, 2012, 2013, 2015, 2019, và 2020 (mỗi năm 1 người); 3 trong năm 2016, 4 trong năm 2021, và 17 trong năm 2022.

Trong 31 trường hợp tử vong, 18 người là nữ, sinh sống ở 17 tỉnh và thành phố khác nhau. Liêu Ninh và Hắc Long Giang đứng đầu danh sách với mỗi tỉnh 5 trường hợp; tiếp theo là Giang Tô 4; Nội Mông Cổ 3; Hà Nam 2. Trong 12 khu vực còn lại gồm An Huy, Quảng Đông, Quý Châu, Hà Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Cát Lâm, Sơn Đông, Thượng Hải, Sơn Tây, Tứ Xuyên và Vân Nam, mỗi khu vực có 1 trường hợp.

Ngoại trừ 4 học viên chưa rõ tuổi, những học viên còn lại có độ tuổi từ 45 đến 82, trong đó có 7 người ở độ tuổi 70 và 2 người ở độ tuổi 80. Họ đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm một kỹ sư, một nhà buông bán trang sức, một cựu cảnh sát và một giáo viên. Một số học viên lớn tuổi đã bị treo lương hưu và lâm vào cảnh túng quẫn trước khi qua đời.

Ba trong số các học viên đã tử vong trong khi vẫn đang bị giam giữ. Hầu hết những người khác đã qua đời sau khi không chịu nổi sự đau khổ về tinh thần, từng bị giam giữ và tra tấn trong thời gian dài. Nhiều gia đình đã tan cửa nát nhà vì cuộc bức hại, trong đó có 3 gia đình mỗi gia đình đã mất đi 3 thành viên.

Dưới đây là một số trường hợp tử vong chọn lọc. Danh sách đầy đủ 31 học viên qua đời có thể được tải về (PDF)) (tiếng Trung và tiếng Anh).

Tử vong trong lúc bị giam giữ

Người đàn ông Sơn Tây qua đời trong khi thụ án tù vì kiên định đức tin

Ông La Bảo Tuấn (ngoài 60 tuổi) ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây đã qua đời vào tháng 4 năm 2021.

Ông bị bắt vào ngày 25 tháng 6 năm 2018 vì học bài giảng của Pháp Luân Công cùng với các học viên khác. Cảnh sát đã phá cửa để đột nhập vào nhà ông. Sau cuộc đột kích này, cảnh sát niêm phong cửa nhà và giam ông trong Trại tạm gaim Cổ Giao.

Trong ngày hôm đó còn có 8 học viên khác cũng bị bắt giữ, gồm bà Vương Lan Mai, bà Vương Tố Bình, bà Tôn Chí Phân, bà Trương Thanh Hương, bà Trương Nhuận Anh, bà Quách Nhuận Tiên, bà Điền Ngọc Cầm, và bà Hồ Lan Anh. Hầu hết các học viên đều đã ngoài 60 tuổi tại thời điểm bắt giữ.

Viện Kiểm sát quận Nghênh Trạch đã truy tố 9 học viên vào ngày 2 tháng 1 năm 2019. Sau đó Tòa án quận Nghênh Trạch đã xét xử họ vào ngày 2 tháng 4 năm 2019. Các học viên vẫn bị còng tay và xích chân trong toàn bộ phiên tòa. Luật sư của các học viên đã bào chữa vô tội cho họ. Họ chỉ ra rằng cảnh sát đã lục soát nhà của các học viên mà không có lệnh khám xét, đồng thời ngụy tạo bằng chứng chống lại thân chủ của họ.

Tám người trong số họ bị kết án từ 1-10 năm tù. Vụ án của bà Vương Lan Mai đã bị tạm dừng trong 2 năm và sau đó đã được mở lại. Bà đã bị kết án 2 năm tù giam.

Ông La bị kết án 5 năm và bị phạt 20.000 nhân dân tệ. Ông bị đưa đến Nhà tù Tấn Trung vào khoảng tháng 6 năm 2019. Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch “Xóa sổ” hồi đầu năm 2020 nhằm buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình, lãnh đạo nhà tù đã ráo riết thực hiện chiến dịch này.

Nhà tù cung cấp một chiếc bánh bao cho mỗi bữa ăn của các học viên và tịch thu mọi đồn ăn mà họ đã mua trước đó. Những học viên từ chối từ bỏ Pháp Luân Công bị biệt giam, buộc phải đứng quay mặt vào tường trong nhiều giờ, hoặc bị treo người lên bằng cổ tay và đánh đập. Ngay cả khi một số người đã không chịu nổi sự tra tấn và ký tên vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý muốn của họ, lính canh vẫn bắt họ phải lăng mạ Pháp Luân Công trước khi ngừng tra tấn.

Theo một học viên khác từng bị giam ở đó, ông La đã bị ngã khi đang tắm rửa vào tháng 4 năm 2021 và nhanh chóng qua đời. Bởi sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của nhà tù, hiện vẫn chưa rõ chi tiết về vụ việc của ông La.

Một người đàn ông 67 tuổi đã bị chết ở trong tù trong khi phải thi hành án 7 năm vì tín ngưỡng của mìnhÔng Cát Chấn Hoa ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã tử vong trong tù vào ngày 22 tháng 10 năm 2022, ở tuổi 67.

Ngày 20 tháng 6 năm 2016, ông Cát bị bắt vì treo biểu ngữ và phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Tòa án thành phố Thượng Chí đã kết án ông 12 năm tù và phạt 50.000 tệ vào ngày 2 tháng 12 năm 2016. Ông đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Thượng Chí, và cơ quan này vẫn kết án ông, nhưng giảm thời hạn tù của ông xuống còn 7 năm và giảm tiền phạt xuống còn 30.000 nhân dân tệ.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, lãnh đạo Nhà tù Hô Lan đã ra lệnh quản lý chặt chẽ các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ ở trong nhà tù. Các học viên phải ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ suốt cả ngày và bị tước quyền thăm thân. Nhà tù còn ra lệnh cho các học viên phải từ bỏ đức tin của mình và những người từ chối sẽ bị tra tấn tàn bạo.

Khoảng đầu tháng 10 năm 2022, gia đình ông Cát đã nhận được thông báo của nhà tù, rằng ông đã bị đột quỵ và đang được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Số 2 thuộc Đại học Y Cáp Nhĩ Tân. Nhà tù ra lệnh cho gia đình phải trả chi phí y tế cho ông với hơn 10.000 tệ mỗi ngày. Gia đình ông không thể trả được khoản tiền đó và nhà tù đã bắt họ phải ký vào một bản dừng điều trị. Ông Cát đã qua đời ngày 22 tháng 10.

Người phụ nữ bị kết án oan sai qua đời sau vài ngày bị từ chối tạm tha y tế

Bà Lưu Hồng Hà, một học viên Pháp Luân Công 47 tuổi, đã bị từ chối tạm tha y tế dù đang trong tình trạng nguy kịch và đã qua đời vào ngày 8 tháng 11 năm 2022.

Bà Lưu ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vào ngày 28 tháng 10 năm 2021 vì treo những áp phích về Pháp Luân Công. Bà bắt đầu tuyệt thực vào ngày 14 tháng 2 năm 2022 để phản đối bức hại.

Khi luật sư đến thăm bà vào ngày 28 tháng 2, ông mới hay bà Lưu đã bị chuyển đến Bệnh viện Tân Hoa, một cơ sở liên kết với trại tạm giam thành phố Đại Liên và các nhà tù địa phương.

Trong bệnh viện, bà bị trói vào giường, bị bức thực và ép tiêm thuốc không rõ nguồn gốc. Không ai được vào thăm bà kể cả luật sư và gia đình bà.

Thẩm phán Quách Đan Hoa của Toà án quận Cam Tỉnh Tử đã xét xử bà Lưu trực tuyến và kết án bà 4 năm tù vào ngày 13 tháng 7 (chỉ 6 ngày sau khi bà bị đưa trở lại trại tạm giam). Không một ai trong gia đình bà được phép tham gia phiên toà. Yêu cầu hoãn phiên toà của luật sư cũng bị từ chối. Bà Lưu gầy yếu và tiều tụy đến nỗi không thể ngồi dậy và đổ gục xuống ghế trong suốt phiên xét xử.

Khi luật sư được gặp bà sau phiên toà, bà không thể nhớ ra thời gian nằm viện của mình, nhưng bà biết mình đã bị bức thực và ép tiêm thuốc. Luật sư đã giúp bà kháng cáo nhưng toà án cấp cao hơn vẫn ra quyết định giữ nguyên bản án ban đầu của bà vào tháng 10.

Cuối tháng 8 bà Lưu lại bị đưa vào Bệnh viện Tân Hoa và được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt vào cuối tháng 10. Bác sỹ đã ra thông báo về tình trạng nguy kịch của bà. Gia đình đã làm đơn xin cho bà được tạm tha y tế vào ngày 25 tháng 10 nhưng Toà án quận Cam Tỉnh Tử và trại tạm giam thành phố Đại Liên đã từ chối.

Bà Lưu rất yếu khi gia đình được vào thăm bà vào ngày 29 tháng 10. Bà bắt đầu bị chảy máu ở miệng và mũi vào ngày 4 tháng 11. Bác sỹ tiên lượng bà chỉ còn sống được vài ngày nữa nên đã yêu cầu gia đình đưa con của bà đến gặp bà lần cuối. Một cảnh sát đã giám sát toàn bộ cuộc gặp này. Bà Lưu đã qua đời vào sáng ngày 8 tháng 11.

Cái chết của những học viên cao tuổi

Ông cụ 81 tuổi qua đời sau 1 năm mãn hạn án tù thứ ba

Ông Liêu Tùng Lâm đã phải vật lộn với tình trạng sức khỏe kém sau khi được trả tự do vào ngày 13 tháng 7 năm 2021, sau khi thụ án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Người đàn ông 81 tuổi ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam này đã qua đời vào ngày 14 tháng 10 năm 2022.

Ngay cả sau khi ông qua đời, nhân viên cộng đồng địa phương vẫn đến sách nhiễu ông và thậm chí còn cố gắng xác minh cái chết của ông bằng cách kiểm tra nơi chôn cất ông.

823f2c8ff941a2190638183fe4320fff.jpg

Ông Liêu Tùng Lâm bị còng tay ở trong phòng thăm thân của Nhà tù Tân Thị vào năm 2008

Ông Liêu, một cựu chiến binh đã nghỉ hưu tại Trạm tiếp đón Quân nhân, đã bị bắt tại nhà vào ngày 19 tháng 7 năm 2018. Sau nhiều ngày ở trong trại tạm giam, ông Liêu (lúc đó 77 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim, và đột quỵ nhẹ, và bệnh lao. Tuy nhiên thay vì thả ông, chính quyền đã chuyển ông đến một bệnh viện quân đội. Vợ ông yêu cầu thả ông, nhưng vô ích.

Tòa án quận Bắc Hồ đã mở phiên tòa xét xử vụ án của ông Liêu tại bệnh viện vào ngày 27 tháng 9. Ông bị còng tay, xích chân và không được phép tự bào chữa cho mình. Thẩm phán đã kết án ông 3 năm tù vào ngày 22 tháng 10 năm 2018. Chính quyền đã đình chỉ lương hưu của ông một cách phi pháp trong thời gian ông ngồi tù oan sai.

Ông cụ 82 tuổi qua đời vì suy sụp tinh thần khi bị kết án tù oan sai

Ông Chu Thiệu Đường ở thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 17 tháng 11 năm 2022, sau khi không chịu nổi áp lực tinh thần từ bản án 1 năm tù oan sai vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông hưởng thọ 82 tuổi.

Ông Chu bị bắt vào ngày 13 tháng 1 năm 2021 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công tại một hội chợ cộng đồng. Khi bị đưa đến đồn công an, ông đã nhìn thấy một bức ảnh cỡ lớn của mình để ở trên bàn. Ông nghi ngờ cảnh sát đã theo dõi và tìm cơ hội để bắt giữ ông.

Cảnh sát đã đưa ông Chu về nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của ông. Vì hai vợ chồng ông đều đang gặp vấn đề sức khỏe, cảnh sát đã không đưa ông trở lại đồn công an mà cứ 3 ngày lại đến nhà ông để sách nhiễu ông một lần.

Tòa án Hưng Long Đài đã xét xử ông Chu vào ngày 28 tháng 9 năm 2021. Gia đình đã đưa ông đến đó bằng xe lăn. Ông bị ngất xỉu trong phiên tòa do huyết áp cao, và thẩm phán đã cho hoãn phiên tòa.

Với tình trạng của ông Chu, thẩm phán đã tổ chức một phiên tòa khác tại nhà ông vào đầu tháng 12 năm 2021 và kết án ông 1 năm giám sát tại nơi cư trú vào ngày 8 tháng 12. Họ để một chiếc điện thoại di động ở nhà ông để theo dõi các hoạt động hàng ngày của ông.

Việc bị kết án và giám sát bằng điện thoại di động đã quá mức chịu đựng của ông Chu. Ông mắc bệnh phổi và qua đời vào ngày 17 tháng 11 năm 2022.

Trước khổ nạn cuối cùng này, ông Chu đã từng bị bắt vào ngày 31 tháng 12 năm 2000 vì giương biểu ngữ về Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó ông bị kết án 4 năm tù. Cảnh sát tiếp tục theo dõi và sách nhiễu ông sau khi ông ra tù.

Cụ bà gần 80 tuổi bị chết sau khi bị giam giữ và xét xử trong khi bị ung thư hạch cấp tính

Cụ bà La Cầm Tiên (gần 80 tuổi) đã bị cầm tù vì kiên định tin vào Pháp Luân Công dù lúc đó bà đang trong tình trạng nguy kịch do bị ung thư hạch cấp tính. Bà đã qua đời ngày 5 tháng 9 năm 2022 (chỉ 1 tháng sau khi bà bị giám sát tại nơi cư trú).

Cư dân thành phố Khải Lý, tỉnh Quý Châu này đã bị bắt ngày 12 tháng 10 năm 2021 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Tòa án thành phố Khải Lý đã lên lịch xét xử bà vào ngày 12 tháng 4 năm 2022, nhưng đã hoãn lại sau khi gia đình bà thuê một luật sư để biện hộ vô tội cho bà.

Ngày 13 tháng 4 năm 2022, cục an sinh xã hội địa phương đã treo lương hưu của bà La và yêu cầu bà phải trả lại những khoản tiền hưu trí mà bà đã nhận được từ tháng 12 năm 2021 (không lâu sau khi vụ bắt giữ bà được phê chuẩn). Họ viện dẫn một chính sách mới rằng một người nghỉ hưu bị giam giữ sẽ không được nhận bất kỳ phúc lợi hưu trí nào, mặc dù thực tế không có luật lao động nào của Trung Quốc có quy định như vậy. Họ đe dọa sẽ kiện bà nếu bà không trả lại số tiền đó đúng hạn.

Bà La đã bị chẩn đoán là bị ung thư hạch cấp tính, một loại ung thư gây ảnh hưởng đến các tế bào bạch huyết, vào ngày 16 tháng 5 năm 2022, và đã được phẫu thuật tại một bệnh viện địa phương. Trong khi bà vẫn đang hồi phục, chính quyền đã đưa bà trở lại trại tạm giam thành phố Khải Lý vào ngày 27 tháng 5 và không cho phép bà được bảo lãnh tại ngoại, bất chấp tình trạng nguy kịch của bà.

Tòa án thành phố Khải Lý đã tổ chức một phiên tòa xét xử vụ án của bà La ngay tại trại tạm giam ngày 19 tháng 7. Vì tình trạng của bà vẫn tiếp tục xấu đi, cuối cùng tòa án đã thả bà vào ngày 12 tháng 8 và giám sát bà tại nơi cư trú trong 6 tháng.

Vào thời điểm đó, cơ thể bà La đã trở nên biến dạng nghiêm trọng. Bà bị đau nghiêm trọng ở đầu và toàn thân. Một động chạm nhẹ cũng có thể khiến bà đau đớn. Có dịch lỏng rỉ ra ở hai chân bà và mặt bà bị sưng lên. Bà hầu như đã bị mất thính lực và chỉ còn lại một chút thị lực. Một tháng sau bà qua đời vào ngày 5 tháng 9.

Gia đình bị tàn phá

Tin muộn: Cha mẹ và con trai đều qua đời trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Một gia đình 3 người ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Thông qua tu luyện, những căn bệnh lâu năm của họ đều đã biến mất và họ đã được tận hưởng một cuộc sống yên bình.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, người con trai Thái Văn Minh đã bị kết án 7 năm tù. Anh phải vật lộn với bệnh tim dai dẳng và qua đời ở tuổi 47 vào năm 2013, sau 6 năm được trả tự do khỏi nhà tù. Sự ra đi của anh là một nặng giáng xuống bà Trấn Tường Anh mẹ anh, và bà đã qua đời 3 năm sau đó. Người cha của gia đình là ông Thái Kiến Hoa đã bị kết án 3 năm tù vào đầu năm 2020. Ông qua đời ở tuổi 77 vào tháng 5 năm 2020 trước khi bắt đầu thụ án.

Cái chết của người con trai

Anh Thái Văn Minh bị bắt vào ngày 27 tháng 10 năm 2000. Trong khi đánh đập anh, cảnh sát nói: “Chúng tôi có thể bắt giữ những người như anh bất cứ khi nào chúng tôi muốn mà không cần tuân theo trình tự luật pháp nào”. Cảnh sát cũng còng tay anh Thái, bịt mắt anh và treo anh vào khung cửa bằng cổ tay. Anh lơ lửng trên không và cảnh sát còn đánh anh bằng thắt lưng và dùi cui.

Cảnh sát đổ đầy nước vào một cái thùng và nhấn đầu anh vào đó. Họ tra tấn anh đến khi họ kiệt sức. Trước bình minh, họ lột đồ của anh và bắt anh quỳ gối trên sàn bê tông.

Ngày hôm sau, cảnh sát tiếp tục tra tấn anh Thái như vậy. Kết quả là anh bị mất kiểu soát đại tiểu tiện. Người dân sống gần đồn công an đó có thể nghe được tiếng thét thất thanh đầy đau đớn của anh vào ban đêm.

Trong 4 ngày giam giữ và tra tấn anh Thái, cảnh sát Hồng đã cố gán anh là người cầm đầu tổ chức cho các học viên địa phương đến Bắc Kinh vào đầu tháng 10 để kháng nghị cho Pháp Luân Công, trong khi thực tế là anh đã đi công tác xa nhà theo yêu cầu của đơn vị vào thời gian đó.

Toà án Vũ Tiến đã kết án anh 7 năm tù vào ngày 9 tháng 8 năm 2001. Sau khi được thả vào tháng 10 năm 2007, anh thường bị đau ngực dữ dội, có đợt kéo dài trong nhiều ngày. Anh bắt đầu bị đau toàn thân vào tháng 7 năm 2013 và không thể ngủ vào ban đêm. Anh đã qua đời vào cuối tháng 10 ở tuổi 47.

Cái chết của người mẹ

Bốn tháng sau vụ bắt giữ anh Thái vào tháng 10 năm 2000, cha mẹ anh, ông Thái Kiến Hoa và bà Trấn đã bị bắt vào ngày 24 tháng 2 năm 2001 và bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Họ bị đánh bằng thanh sắt và gậy gỗ. Sau khi chân họ sưng lên nghiêm trọng, cảnh sát ép họ đứng trong nhiều giờ trước khi cho họ đi ngủ.

Bà Trấn bị đau lưng đến nỗi không thể duỗi thẳng lưng và phải dựa vào tường để bước đi. Sợ bà có thể tử vong trong khi bị giam, cảnh sát đã thả bà vào ngày 13 tháng 4 năm 2001. Bà đã bị nằm liệt giường trong 3 tháng.

Sau khi hồi phục, bà Trấn đã đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và phân phát tài liệu nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Bà bị bắt và kết án 2,5 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Cú Đông.

Sự tra tấn trong trại lao động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của bà, tiếp đó là cái chết của con trai vào năm 2013. Bà sớm đổ bệnh và 3 năm sau bà qua đời vào tháng 4 năm 2016.

Cái chết của người cha

Ông Thái Kiến Hoa bị bắt lần đầu vào ngày 18 tháng 7 năm 2000 khi đến Bắc Kinh để kháng nghị cho Pháp Luân Công. Cảnh sát lột đồ của ông và bắt ông quỳ xuống. Cảnh sát cũng tát vào mặt ông và đánh vào đầu ông.

Ngày 24 tháng 7, cảnh sát còng tay ông và treo ông lên bằng cổ tay vào một khung cửa rồi đánh đập ông. Sau khi đánh đập trong suốt buổi sáng, cảnh sát đã thả ông xuống vào buổi trưa. Ông bất tỉnh khoảng 50 phút và Hồng đổ nước lạnh lên người ông nhằm khiến ông tỉnh lại. Khi ông khôi phục ý thức, ông đã bị mất kiểm soát đại tiểu tiện.

Ông Thái lại đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào đầu tháng 10 năm 2000. Ông bị bắt và bị đưa trở lại Thường Châu vào ngày 8 tháng 10. Cảnh sát đã tra tấn ông, còng tay và làm ông nghẹt thở. Vào buổi tối, họ còn lột đồ của ông và bắt ông quỳ trên nền bê tông.

Sau gần hai thập kỷ liên tục bị bắt giữ và sách nhiễu, ông Thái lại bị bắt đến đồn công an vào năm 2018 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Hai tháng sau ông lại bị bắt giữ sau khi bị trình báo vì nói với hành khách trên xe buýt về Pháp Luân Công.

Vì lý do sức khoẻ, trại tạm giam từ chối nhận ông và ông đã được bảo lãnh tại ngoại. Một năm sau, khi hết thời hạn bảo lãnh, cảnh sát lại gia hạn bảo lãnh của ông thêm 1 năm nữa.

Năm 2020, toà án đã kết án ông Thái 3 năm tù. Tháng 5 năm đó, ông qua đời trước khi bị đưa vào nhà tù.

Tin muộn: Người phụ nữ 55 tuổi qua đời vì bị bức hại, để lại người chồng tàn tật và con gái nhỏ 13 tuổi

Sau khi mang thai con gái ở tuổi 44, cô Giang Hải Huỳnh, một cư dân thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ, đã quyết tâm sẽ dành cho con những gì tốt đẹp nhất có thể. Thế nhưng, chuyến đi vào năm con gái 4 tuổi của cô đã mãi mãi thay đổi số phận của gia đình cô.

Ngày 1 tháng 9 năm 2014, khi cô Giang và con gái (lúc đó đang 4 tuổi) đang đợi để lên tàu tại Ga xe lửa thành phố Bao Đầu thì bị cảnh sát chặn lại. Họ bắt cô Giang ngay trước mặt con gái nhỏ của cô.

Sau đó, cô bé quá sợ hãi và từ đó không bao giờ dám đến nhà ga xe lửa nữa. Cô bé cũng run lên mỗi khi nhìn thấy cảnh sát. Một cô bé vốn có tính cách hướng ngoại giờ đây đã trở nên thu mình và ít nói. Cha cô bé đã nỗ lực không biết mệt mỏi để cố gắng giải cứu mẹ cô bé, nhưng vô ích.

Cảnh sát đã giam cô Giang 2 năm và mưu tính để bỏ tù cô vì cô từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công

Thậm chí ngay cả sau khi cô Giang được thả vào năm 2016 vì cảnh sát không thể thu thập đủ bằng chứng để buộc tội cô, họ vẫn liên tục đến nhà sách nhiễu cô.

Năm 2019, chỉ 3 năm sau khi cô Giang trở về với gia đình và lúc đó con gái cô lên 9 tuổi, chồng cô đột ngột lâm vào tình trạng nguy kịch. Mặc dù sống sót nhưng kể từ đó anh ấy đã mất khả năng lao động và cần cô chăm sóc.

Để lo tài chính cho gia đình, cô Giang đã quay trở lại với nghề dạy học trước đây của mình và bắt đầu mở các lớp dạy kèm để kiếm thu nhập.

Thế nhưng, sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát cuối cùng đã khiến cô kiệt sức. Ngực cô xuất hiện một khối u và cô buộc phải thuê một bảo mẫu để chăm sóc cho con gái, còn cô chuyển đến sống với bố mẹ (cả hai đều đã gần 80 tuổi). Người mẹ già cà của cô vừa phải chăm sóc cô ấy, vừa phải chăm sóc cha cô, người đang phải vật lộn với di chứng sau lần bị nghẽn mạch máu não.

Cô Giang đã qua đời vào ngày 10 tháng 7 năm 2021, khi mới chỉ 55 tuổi.

Hiện em trai cô Giang đang giúp chăm sóc chồng cô, còn mẹ cô thì đang chăm sóc cho con gái chừng 13 tuổi của cô.

Những trường hợp qua đời sau một thời gian dài bị bức hại

Tin muộn: Một doanh nhân buôn bán trang sức đã qua đời sau 3 năm mãn hạn án tù oan sai

Hai năm sau khi ông Chu Diễm Đông, một người buôn bán đồ trang sức ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, theo học Pháp Luân Công, ông đã bị bắt và bị kết án 3 năm tù vì phơi bày cuộc bức hại của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa này. Sự tra tấn tàn bạo ở trong tù đã khiến sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng. Sau khi về nhà vào ngày 8 tháng 9 năm 2016, ông không thể hồi phục do vẫn liên tục bị chính quyền sách nhiễu. Ba năm sau, ông đã qua đời vào ngày 25 tháng 8 năm 2019, ở tuổi 51.

Ông Chu từng là một nhà doanh nhân rất thành đạt trong lĩnh vực buôn bán ngọc phỉ thúy và tận hưởng một cuộc sống xa hoa. Mặc dù giàu có về mặt vật chất, nhưng nội tâm ông lại cảm thấy trống vắng và không cảm thấy niềm hạnh phúc đích thực.

Tháng 2 năm 2011, một người bạn thân của ông đã theo học Pháp Luân Công và giới thiệu pháp môn này với ông. Cả hai đều vô cùng chấn động trước những Pháp lý thâm sâu của Pháp Luân Công. Ông Chu đã giải khai được rất nhiều câu hỏi về nhân sinh, những điều mà ông đã luôn khắc khoải trong hơn 20 năm qua.

Kể từ đó, ông bắt đầu siêng năng tu luyện Pháp Luân Công, đọc sách và luyện công. Trong vòng một năm, ông đã cai bỏ hết những thói quen xấu: uống rượu, hút thuốc và cờ bạc. Đồng thời, chứng cao huyết áp, cholesterol cao và nhiều vấn đề sức khỏe khác của ông cũng biến mất. Ông đã hiểu mục đích chân chính của đời người và nội tâm ông vô cùng an tĩnh.

Thế nhưng, chỉ bởi chia sẻ trải nghiệm của mình với mọi người và phơi bày cuộc bức hại, ông Chu đã bị bắt vào ngày 9 tháng 9 năm 2013 và sau đó bị kết án 3 năm tù. Lính canh tù đã đánh đập và tiêm thuốc độc vào người ông. Lượng đường trong máu của ông nhanh chóng tăng cao khiến thị lực của ông giảm sút. Lính canh cũng cưỡng chế ông mặc áo bó (một dụng cụ tra tấn).

Tại thời điểm ông được trả tự do vào ngày 8 tháng 9 năm 2016, cả thể chất và tinh thần ông Chu đều vô cùng suy nhược. Sau khi ông về nhà, chính quyền vẫn tiếp tục sách nhiễu ông, khiến sức khỏe của ông càng suy giảm hơn nữa. Cuối cùng, ông đã không gắng gượng nổi và đã hàm oan qua đời vào ngày 25 tháng 8 năm 2019.

Cựu lính canh tù qua đời do bị bức hại vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Bà Hà Trung Bình, một lính canh tù về hưu của Nhà tù A Bá Châu ở tỉnh Tứ Xuyên, đã qua đời vào ngày 30 tháng 9 năm 2022, sau khi bị bức hại vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Bà hưởng dương 67 tuổi.

Bà Hà ở thành phố Đô Giang Uyển, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt vào ngày 14 tháng 2 năm 2003, vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công và bị giam tạm giam 15 ngày. Bà lại bị bắt vào tháng 5 năm 2003 vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công và bị giam trong trại lao động trong hơn 2 năm. Bà đã được thả vào khoảng tháng 8 năm 2006.

Năm 2008, chính quyền đã đình chỉ tiền lương hưu của bà Hà với lý do bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Họ chỉ cho phép bà được nhận trợ cấp thu nhập thấp 300 nhân dân tệ/tháng. Khi bà khiếu nại, các nhà chức trách tuyên bố rằng bà đã vi phạm pháp luật, nên việc họ để bà được hưởng trợ cấp thu nhập thấp đã là quá hào phóng.

Mặc dù khoản trợ cấp thu nhập thấp của bà Hà sau đó đã được tăng lên 600 nhân dân tệ, nhưng vẫn không thể đủ để bà có thể sinh hoạt ở mức tối thiểu. Bà đã liên tục phản ánh lên các cơ quan ban ngành liên quan và yêu cầu được khôi phục lương hưu, đồng thời giảng chân tướng Pháp Luân Công cho họ, nhưng vô ích.

Những năm gần đây, sức khỏe của bà Hà bắt đầu giảm sút và bà bị mất thị lực. Vào ngày 6 tháng 6 năm 2022, ba lính canh của Nhà tù A Bá Châu đã đến nhà bà, tuyên bố rằng họ sẽ phục hồi lương hưu cho bà, chỉ cần bà ký tên vào một số giấy tờ thủ tục. Lúc đó bà không nhìn rõ nội dung, nhưng vì tin tưởng họ nên bà đã đặt bút ký tên.

Ngày hôm sau, khi con gái bà tới thăm bà, cô nhận ra lính canh đã lừa bà Hạ ký tên vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà Hạ đã vô cùng suy sụp và khóc suốt hai ngày ròng rã. Sau đó sức khỏe của bà nhanh chóng sụt giảm và bà đã qua đời vào ngày 30 tháng 9.

Cựu giáo viên qua đời sau khi phải chịu hai án lao động cưỡng bức và sách nhiễu không ngừng vì đức tin của mình

Sau 2 lần thụ án lao động cưỡng bức, 6 lần bị bắt, và sự sách nhiễu không ngừng từ phía chính quyền vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Hồ Nguyên Hoan, một cựu giáo viên ở thành phố Ân Bình, tỉnh Quảng Đông, đã qua đời vào tháng 6 năm 2022, ở tuổi 51.

Chỉ vài ngày trước khi ông mất, một số cảnh sát địa phương vẫn đến sách nhiễu ông, đe dọa sẽ phá cửa để xông vào nhà ông.

Ông Hồ bị bắt vào tháng 3 năm 2001. Ông đã tuyệt thực để phản kháng nhưng bị bức thực qua đường mũi bằng một chiếc ống nhựa cỡ to được mua ở một cửa hàng dụng cụ. Phó giám đốc trại tạm giam bảo với những tù nhân mà ông ta ra lệnh phải thực hiện việc bức thực ông Hồ rằng giám đốc trại sẽ xử lý mọi thứ nếu ông Hồ chết vì bị bức thực.

Lỗ đã đe dọa sẽ thiêu sống ông Hồ hoặc đưa ông đến bệnh viện để mổ lấy nội tạng của ông và làm giả giấy tờ để nói rằng ông đã tự nguyện hiến tạng.

Ông Hồ đã có lần bị rơi vào hôn mê do bị tra tấn nhưng lính canh vẫn đưa ông đến Trại Lao động Cưỡng bức Tam Thủy và cáo buộc ông giả vờ chết. Tại bệnh viện của trại lao động, lính canh đã trói ông vào một cái giường ở tư thế hai chân hai tay dang rộng và lại bức thực ông. Ông được thả 2 tháng sau đó trong khi đã đang ở bên cửa tử.

Cảnh sát Trần Kiến Hoa đã lẻn vào nhà ông Hồ bằng cách trèo qua hàng rào vào tháng 3 năm 2007 để bắt giữ ông. Ông Hồ lại tuyệt thực để phản kháng và bị cùm và xích vào ghế cọp. Ông bị lĩnh án lao động khác và thụ án trong Trại Lao động Cưỡng bức Tam Thủy. Trong 8 tháng ông bị giam ở bệnh viện của trại lao động, lính canh lại xích ông vào một cái giường và bức thực ông. Trong khi đó, tù nhân đứng bên cạnh chửi rủa ông và cố gắng tẩy não ông bằng cách bôi nhọ Pháp Luân Công. Ông lại được thả khi đang ở bên bờ vực sinh tử.

Sau khi ông hồi phục, ông đã rời nhà đến địa phương khác và tìm được một công việc. Cảnh sát lại bắt ông vào tháng 12 năm 2019 tại chỗ làm mới của ông. Ông bị đưa về trụ sở Công an thành phố Ân Bình và sau đó được bảo lãnh tại ngoại.

Cảnh sát đã theo dõi chặt chẽ cuộc sống hàng ngày của ông và lắp các camera giám sát ở bên ngoài nhà ông. Họ cũng ra lệnh cho anh trai ông là ông Hồ Nguyên Hoàng phải kiểm tra ông suốt cả ngày và báo cáo cho họ tình hình của ông. Việc tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông. Ông trở nên rất yếu và bị huyết áp cao. Ông đã qua đời vào tháng 6 năm 2022.

Bài liên quan (tiếng Trung):

十月份获知14名法轮功学员被中共迫害含冤离世

Bài liên quan:

Thêm 33 học viên đã qua đời vì cuộc bức hại được ghi nhận trong các báo cáo từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2022

92 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết trong nửa đầu năm 2022

Báo cáo tháng 5 năm 2022: 17 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Ghi nhận trong tháng 4 năm 2022: 19 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022: 44 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 1 năm 2022: 20 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo năm 2021: 132 học viên Pháp Luân Công qua đời trong cuộc bức hại đức tin của họ

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/2/452629.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/5/205047.html

Đăng ngày 14-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share