Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 30-11-2022]
Tên: Lý Dân (李民)
Giới tính: Nam
Tuổi: 52
Thành phố: Cáp Nhĩ Tân
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Nông dân
Ngày qua đời: 6 tháng 7 năm 2022
Ngày bị bắt gần nhất: 12 tháng 3 năm 2013
Nơi bị giam cuối cùng: Nhà tù Hô Lan
Sau hơn 10 năm bị tra tấn ở trong tù vì tu luyện Pháp Luân Công, một cư dân thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần và đã qua đời vào ngày 6 tháng 7 năm 2022, ở tuổi 52.
Năm 1997, ông Lý Mân bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Bệnh thận và cổ của ông đã nhanh chóng biến mất. Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông đã liên tục bị nhắm đến vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.
Rụng hết răng do bị cảnh sát đánh đập
Ngày 25 tháng 10 năm 2000, ông Lý đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã trưng một băng rôn có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trên Quảng trường Thiên An Môn. Cảnh sát Bắc Kinh đã bắt ông và đưa đến văn phòng của thành phố Cáp Nhĩ Tân đặt tại Bắc Kinh. Khi ông đến nơi, đã có 30 học viên khác từ Cáp Nhĩ Tân cũng đến Bắc Kinh thỉnh nguyện đã đang bị giam ở đó.
Bảy ngày sau ông Lý bị đưa về Cáp Nhĩ Tân và bị giam ở Trại tạm giam huyện Thông Hà. Lính canh dùng giày của họ tát vào mặt ông, còng tay xích chân ông lại. Sau 23 ngày giam giữ, cuối cùng lính canh đã thả ông sau sự kháng nghị mạnh mẽ từ phía gia đình ông. Bởi đánh đập, không lâu sau đó tất cả răng của ông bị rụng hết.
Gia đình bị tàn phá khi đang thụ án 1 năm cưỡng bức lao động
Ông Lý lại bị bắt vào ngày 31 tháng 3 năm 2001. Cảnh sát đã đánh ông trước mặt người con gái chín tuổi, khiến cô bé òa khóc và van xin: “Đừng đánh cha cháu! Cha cháu là người tốt!” Nhưng cảnh sát đã phớt lờ cô bé.
Trưởng đồn của Đồn Công an Trấn Nông Hà khi đó là Trì Hải Ba đã đánh đập ông Lý ở trong trại tạm giam huyện Thông Hà. Kết quả là, ông Lý bị chảy máu mũi rất nhiều. Một cảnh sát khác là Quách Bưu đã đá vào cổ họng của ông, khiến ông không thể nói chuyện trong một thời gian dài.
Giám đốc trại tạm giam là Đằng Chấn Tân đã bắt ông Lý đeo xích chân nặng khoảng 10kg trong 16 ngày. Lính canh Mã Quân lệnh cho tù nhân đánh đập ông bằng những chiếc ống PVC khiến người ông đầy vết bầm tím. Tù nhân cũng cấm ông ngủ, lột quần áo của ông khi thời tiết đang rất lạnh giá và ép ông đứng đối diện với một ô cửa sổ mở toang.
Ba tháng sau, ông Lý bị lĩnh án cưỡng bức lao động 1 năm. Trước khi bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Trường Lâm Tử, giám đốc Đằng đã tống tiền gia đình ông 300 nhân dân tệ khi họ đến thăm ông. Nhiều gia đình của các học viên khác cũng bị tống tiền.
Ngày 15 tháng 7 năm 2001, ông Lý và các học viên khác đã bắt đầu tuyệt thực trong 12 ngày. Trong số họ, ông Cúc Á Quân đã bị bức thực bằng bột đậu nành ngâm nước muối trong 17 ngày. Ông đã qua đời sau 3 ngày được thả.
Việc ông Lý bị cưỡng bức lao động và bị cảnh sát sách nhiễu đã khiến cha ông vô cùng suy sụp và đã qua đời không lâu sau đó. Điều này cũng khiến mẹ ông bị áp lực tinh thần và đã đổ bệnh nằm liệt giường. Cùng lúc đó, vợ ông Lý đã ly dị ông và bỏ lại đứa con gái 9 tuổi ở lại cùng với người mẹ đang nằm liệt giường.
Sau khi ông Lý được trả tự do vào ngày 15 tháng 3 năm 2002, cảnh sát vẫn liên tục sách nhiễu ông.
Ngày 25 tháng 10 năm 2002, trước Đại hội lần thứ 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lý lại bị bắt và bị giam giữ 33 ngày ở trong một trung tâm tẩy não.
Bị kết án 5 năm tù
Ngày 20 tháng 7 năm 2005, ông Lý lại bị bắt sau khi cảnh sát phát hiện ông đang in tài liệu Pháp Luân Công tại nhà. Máy tính, máy in, đầu ghi DVD, điện thoại di động và thẻ ngân hàng của ông cũng bị tịch thu. Hai học viên khác là ông Phó Hải và bà Lưu Dĩnh cũng bị bắt.
Ba học viên đã tuyệt thực để phản đối bức hại ngay sau khi họ bị đưa đến trại tạm giam địa phương. Lính canh đã trùm đầu họ bằng túi nhựa và sau đó bức thực họ.
Tái hiện phương thức tra tấn: Trùm đầu bằng túi nhựa
Lính canh Trần Vĩnh Khoan cũng lăng mạ làm nhục bà Lưu vào ngày 21 tháng 7. Khi ông Lý ngăn Trần cố gắng ngăn lại thì anh ta đưa ông đến một căn phòng không có camera giám sát và đánh đập ông vô cùng tàn nhẫn khiến xương hàm dưới bên phải của ông bị gãy.
Sau 9 tháng ở trong trại tạm giam, ông Lý bị Toà án huyện Phương Chánh kết án 5 năm tù. Ông Phú và bà Lưu bị kết án lần lượt 6 và 4 năm tù.
Ông Lý bị đưa đến trung tâm tập huấn ở Nhà tù Hô Lan vào ngày 13 tháng 4 năm 2006. Ông ở cùng phòng với 80 người khác. Họ ngủ trên một giường tầng dài 15 mét. Trong 13 ngày bị giam ở đó, ông phải lao động không công, chủ yếu là đan áo len từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, có lúc phải làm đến tận 1 giờ sáng. Mỗi người phải đan 5 mét len mỗi ngày. Họ sẽ bị lính canh đánh đập nếu không thể đan xong số mét len được yêu cầu.
Vì ông Lý từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh ra lệnh cho tù nhân đánh đập ông. Một tù nhân trùm đầu ông bằng túi nhựa và nhét hai điếu thuốc đang cháy vào hai lỗ mũi của ông khiến ông suýt chết ngạt. Sau đó tù nhân chà xát nắm đấm lên ngực và xương sường của ông, đồng thời giẫm chân lên hai cánh tay của ông để ngăn ông cử động.
Sau 15 phút, tù nhân thấm mệt và họ bắt ông Lý cúi người và đặt hai tay và đầu chạm vào tường. Họ gọi hình thức tra tấn này là “lái máy bay”.
Tranh vẽ minh hoạ tra tấn: “Lái máy bay”
Họ nhét ông Lý vào gầm giường vào ban đêm khiến lưng ông gần như bị gãy. Sáng hôm sau, lính canh Lý Quý đánh đập ông trong hơn 10 phút bằng một chiếc ống PVC và bắt ông ký tên vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Tranh vẽ minh họa tra tấn: Nhét vào gầm giường
Ngày 26 tháng 4 năm 2006 ông Lý bị chuyển đến Nhà tù Thái Lai. Tháng 6 năm 2007, quản lý nhà tù thuê một người ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây để tổ chức một buổi hội thảo nhằm lăng mạ Pháp Luân Công. Những người từ chối từ bỏ pháp môn bị ép phải tham dự. Nhà tù treo thưởng 1.000 nhân dân tệ cho bất kỳ lính canh nào có thể “chuyển hoá” được một học viên.
Bởi ông Lý vẫn kiên định đức tin, lính canh trói ông vào thanh ngang của một khung kim loại hình chữ H“ với hai tay hai chân bị trói chặt vào khung, sau đó họ phơi ông ở ngoài trời từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Nhiệt độ cao khiến đầu óc ông quay cuồng, và ông cũng không được ngủ vào ban đêm.
Đầu óc ông không còn tỉnh táo sau ba ngày bị tra tấn như vậy. Không thể chịu nổi tra tấn nữa nên ông buộc phải viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi lính canh thả ông ra khỏi khung sắt, ông đã suýt ngã và phải mất một hồi lâu ông mới lấy lại được thăng bằng để bước đi.
Sự tra tấn cũng khiến ông bị tổn thương nặng ở vùng lưng và thường xuyên bị chảy máu và mủ ở vùng hậu môn.
Qua đời sau khi thụ án tù lần hai 5,5 năm
Ngày 12 tháng 3 năm 2013, chỉ 3 năm sau khi được thả, ông Lý lại bị bắt vì in ấn tài liệu Pháp Luân Công tại nhà. Máy tính, máy in, các thiết bị hỗ trợ văn phòng và những sách Pháp Luân Công của ông bị tịch thu.
Ở trong trại tạm giam Thông Hà, cảnh sát treo ông lên bằng cổ tay và lấy 1.300 nhân dân tệ tiền mặt trong túi của ông. Sau đó tòa án đã kết án ông 5,5 năm và cũng thụ án ở Nhà tù Hô Lan. Ông đã suýt chết do bị tra tấn và được thả vào ngày 11 tháng 9 năm 2018.
Ông chuyển đã đến phía nam thành phố nơi con gái ông đang ở và tìm được một công việc ở đó. Tuy nhiên, với hơn 10 năm bị tra tấn tàn bạo ở trong tù đã phá hủy nghiêm trọng sức khoẻ của ông. Ông phát bệnh lao vào tháng 10 năm 2021 và qua đời vào ngày 6 tháng 7 năm 2022.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/11/30/452534.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/3/205016.html
Đăng ngày 04-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.