Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

Tên: Ngô Đại Hưng
Tên tiếng Hán: 吴大兴
Giới tính: Nam
Tuổi: 52
Thành phố: Thẩm Dương
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp: Nhà thầu sửa chữa nhà cửa
Ngày mất: Ngày 4 tháng 2 năm 2021
Ngày bị bắt gần đây nhất: Ngày 13 tháng 3 năm 2007
Nơi giam giữ gần đây nhất: Nhà tù Khê Hồ

Trong suốt 23 năm bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Ngô Đại Hưng ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã nhiều lần bị bắt giữ và sách nhiễu. Trong khi thụ án ba năm từ năm 2007 đến năm 2009, ông đã phải chịu đựng sự tra tấn khốc liệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông. Khi ông không bị giam giữ, ông đã nhiều lần phải trốn chạy cảnh sát, nhưng họ vẫn tìm thấy ông và tiếp tục sách nhiễu. Con trai của ông cũng bị bắt nạt ở trường và bị cảnh sát đe dọa. Ông Ngô đã không thể chịu đựng nổi nỗi đau khổ về mặt tinh thần và qua đời vào ngày 4 tháng 2 năm 2021. Ông mất khi 52 tuổi.

2022-5-8-173541-0--ss.jpg

Ông Ngô Đại Hưng

Tu luyện Pháp Luân Công

Vào năm 1996, lần đầu tiên khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, ông Ngô đã bị cuốn hút với các nguyên lý uyên thâm mà cuốn sách giảng dạy. Sáu tháng sau kể từ thời điểm ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, các bệnh nhẹ, bao gồm ho và sổ mũi, đã biến mất. Ông cũng bỏ hút thuốc và uống rượu. Ông ngừng tranh đấu, luôn chu đáo và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Vợ của ông Ngô đã bị cắt bỏ một trong các ống dẫn trứng sau khi mang thai ngoài tử cung. Vì ống dẫn trứng còn lại của bà bị xoắn nên bác sĩ cho biết khả năng có thai là rất mong manh. Sau khi ông Ngô học Pháp Luân Công, bà cũng đã đọc Chuyển Pháp Luân cùng ông. Ngay sau đó, bà vui mừng khi biết rằng mình đã có thai.

Tu luyện Pháp Luân Công cũng giúp ông Ngô có thêm trí huệ để học hỏi các kỹ năng chuyên môn trong việc cải tạo, sửa chữa nhà cửa và quản lý tài chính của các dự án. Nhiều khách hàng đã rất hài lòng với công việc của ông.

Kết án tù ba năm

Sau khi chính quyền phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ông Ngô đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, tuy nhiên ông đã bị bắt và bị giam giữ trong bảy ngày. Sau đó, cảnh sát địa phương và các nhân viên ủy ban khu dân cư thường xuyên sách nhiễu ông.

Lúc 7 giờ 30 tối vào ngày 13 tháng 3 năm 2007, khoảng mười cảnh sát đã đột nhập vào nhà và tịch thu nhiều tài sản cá nhân của ông bao gồm một máy tính, một ổ ghi DVD, một máy in, một máy ghi âm, một điện thoại di động Samsung mới, một máy MP3, một đầu đọc điện tử, sách Pháp Luân Công và ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Cảnh sát ở nhà ông Ngô trong ba ngày tiếp theo, cố gắng bắt các học viên khác nếu họ đến thăm ông Ngô.

Cảnh sát Lý Chinh và những người khác đã tra tấn ông Ngô tại Đồn Công an Khinh Công. Họ đã cào cấu đùi trong của ông đến nỗi ông hầu như không thể đi lại được trong hai tuần. Họ cũng dùng thắt lưng da quất vào đầu và đấm vào mặt ông. Họ đè ông xuống đất, dẫm lên người, dùng roi điện sốc giật vào tay và lòng bàn chân cho đến nửa đêm. Sau khi buộc ông Ngô phải lăn tay vào hồ sơ vụ án của mình vào sáng hôm sau, họ đưa ông đến trại tạm giam thành phố Thẩm Dương.

Cảnh sát sau đó đã đệ trình vụ việc của ông Ngô lên viện kiểm sát. Tòa án quận Thiết Tây đã kết án ông ba năm trong nhà tù Khê Hồ vào ngày 13 tháng 7 năm 2007.

Vì ông Ngô từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, các lính canh đã bắt ông ngồi trên một chiếc ghế đẩu với bề mặt có nhiều rãnh, đôi khi bắt đặt hai tay lên đầu và ấn đầu vào tường. Họ cũng chửi bới và bắt ông xem các video phỉ báng Pháp Luân Công và sau đó phải lao động nặng nhọc không công. Họ cũng xúi giục các tù nhân tra tấn ông, chẳng hạn như dùng gậy đánh vào đầu ông.

2022-5-8-173541-2--ss.jpg

Hình minh họa tra tấn: Ngồi trên ghế đẩu với bề mặt có nhiều rãnh

Vào mùa đông năm 2008, một người nào đó được thả ra khỏi nhà tù đã nói với vợ của ông Ngô rằng chồng bà đã bị tra tấn khốc liệt. Vợ ông, người không được phép đến thăm ông, đã nộp đơn xin ông được tạm tha để điều trị y tế. Các lính canh đã từ chối và cố gắng tìm hiểu làm thế nào bà biết về tình hình của chồng mình.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của bà đã hạn chế các lính canh tra tấn ông Ngô một cách thường xuyên. Ông được trả tự do vào ngày 13 tháng 12 năm 2009.

Tiếp tục sách nhiễu và hoàn cảnh tuyệt vọng của gia đình

Khi trở về nhà, ông Ngô phải vật lộn để hồi phục sức khỏe của mình do bị tra tấn. Ông không còn là người đàn ông mạnh mẽ như trước và thường xuyên phải nghỉ ngay cả khi nấu bữa ăn cho gia đình.

Lo sợ bị trở thành mục tiêu bị bức hại lần nữa, ông đã chuyển nhà vào năm 2010, nhưng cảnh sát đã tìm thấy ông ngay sau đó. Một ngày nọ, khi một cảnh sát gõ cửa phòng lúc 7 giờ tối, ông đã nhảy ra khỏi cửa sổ và trốn thoát. Sau đó, cảnh sát đã sách nhiễu con trai ông tại trường học để cố gắng tìm xem ông đang ở đâu. Cậu bé, khi đó đang học tiểu học, phải nghỉ học trong vài tháng. Sự sách nhiễu của cảnh sát tiếp tục diễn ra trong nhiều năm, đặc biệt là khi cha của cậu bị bỏ tù. Các giáo viên của cậu thường bắt nạt cậu, điều này khiến cậu mang vết sẹo tâm lý suốt đời.

Việc ông Ngô bị bắt vào năm 2007 đã khiến mẹ ông buồn bã đến mức bà đột nhiên bị mù. Mặc dù ông đã cố gắng chăm sóc chu đáo cho bà sau khi được trả tự do, sức khỏe của bà tiếp tục suy giảm và bà đã qua đời sau đó. Sự ra đi của bà và sự sách nhiễu của cảnh sát khiến ông Ngô rất đau khổ. Ông quyết định rời nhà một lần nữa vào năm 2019, nhưng cảnh sát vẫn tìm được ông và bắt đầu lại sách nhiễu ông.

Mỗi lần sau khi bị sách nhiễu, ông Ngô luôn ở trong tâm trạng tồi tệ. Sức khỏe của ông ngày càng xấu đi và ông bị bệnh tim nghiêm trọng. Ông qua đời vào ngày 4 tháng 2 năm 2021. Ông mất khi 52 tuổi.

Thông tin của các thủ phạm:

Phong Lực Cường (封 力强), trưởng Đồn Công an Khinh Công

Trần Cách (陈 革), cảnh sát, Đồn Công an Khinh Công

Lý Hoành Vĩ (李宏伟), cảnh sát, Đồn Công an Khinh Công

Lưu Ba (刘波), cảnh sát, Văn phòng An ninh Nội địa quận Thiết Tây

Liễu Thanh (柳青), cảnh sát, Văn phòng An ninh Nội địa quận Thiết Tây

Lý Chinh (李 征), cảnh sát, Lực lượng Cảnh sát Hình sự quận Thiết Tây

Bào Kiệt Thanh (鲍杰青), giám đốc Nhà tù Khê Hồ

Điền Đăng Phong (田登峰), phó giám đốc Nhà tù Khê Hồ

Trần Trung Duy (陈忠维), chủ nhiệm chính trị của Nhà tù Khê Hồ

Triệu Học Tăng (赵 学 增), chủ nhiệm ban giáo huấn của Nhà tù Khê Hồ

Đinh Siêu (丁 超), chủ nhiệm ban giáo huấn của Nhà tù Khê Hồ

Điền Dũng (田 勇), lính canh, Nhà tù Khê Hồ

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/9/442298.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/12/200517.html

Đăng ngày 06-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share