Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 10-08-2019] Theo thông tin tổng hợp bởi trang web Minh Huệ, trong tháng 7 năm 2019 ghi nhận 922 trường hợp học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị bắt giữ và 289 trường hợp bị sách nhiễu chỉ bởi niềm tin của họ.
Trong số những học viên bị nhắm đến, 481 trường hợp đã bị lục soát nhà; ít nhất 571 trường hợp vẫn bị tạm giam tại thời điểm viết bài báo này.
Ngày 20 tháng 7 vừa qua đánh dấu 20 năm chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn”.
Ngay sau khi pháp môn này được giới thiệu ra công chúng vào tháng 5 năm 1992, trong vòng bảy năm đã có khoảng 100 triệu người dân Trung Quốc thực hành môn tu luyện này. Sự phổ biến nhanh chóng ngoài dự đoán và việc giữ gìn các phẩm chất đạo đức cổ xưa của pháp môn này đã khiến chính quyền Trung Quốc phải bỏ nhiều công sức để thay thế bằng hệ tư tưởng cộng sản, cuối cùng đã gây ra sự đàn áp chưa từng có cho đến hôm nay.
Hàng năm cứ quanh ngày kỷ niệm cuộc bức hại, được coi là một trong những ngày nhạy cảm của chính phủ, chính quyền Trung Quốc thường gia tăng bắt bớ và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công hòng tìm cách bịt miệng họ, không cho họ lên tiếng về sự đàn áp đức tin của họ.
Theo nguồn tin có sẵn, các học viên bị nhắm đến trong tháng 7 đến từ 27 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Trong số khu vực này, 21 trường hợp đã báo cáo các vụ bắt giữ lên đến hai chữ số, tỉnh Hà Bắc được xem là có nhiều học viên bị bắt giữ nhất (181), tiếp theo là tỉnh Tứ Xuyên (133) và tỉnh Sơn Đông (89).
Trong tháng 7 này, nhiều vụ bắt giữ đã được chuẩn bị kỹ càng và bắt theo nhóm, với số trường hợp được báo cáo xảy ra tại ít nhất một phần ba các tỉnh.
Cụ thể, trong số các học viên bị nhắm đến trong tháng 7, 123 học viên có độ tuổi từ 65 trở lên, học viên cao tuổi nhất là 90 tuổi và năm người có tuổi từ 85 đến 88. Trong số những học viên cao tuổi này, có 105 trường hợp đã bị bắt và 18 trường hợp bị sách nhiễu.
Ông Ngô Tiên Quốc, 90 tuổi, và vợ là bà La Diện Cẩm, 80 tuổi, ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, bị sách nhiễu vào ngày 20 tháng 7 năm 2019, ngay sau khi họ chuyển đến một căn hộ mới thuê. Cảnh sát đã lục soát nhà và yêu cầu họ mở từng ngăn tủ để tìm xem có tài liệu nào liên quan đến Pháp Luân Công không.
Đáng chú ý là cùng với việc kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các trường hợp bức hại không thể được báo cáo kịp thời, cũng như không phải tất cả các thông tin đều có sẵn.
Dưới đây là thông tin tóm tắt của một số vụ bắt giữ và sách nhiễu.
Bắt giữ theo nhóm
Thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang: 15 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong vòng ba ngày
Chỉ trong ba ngày của tháng 7 năm 2019, đã có 15 cư dân của thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt giữ trong đó có một cụ ông 86 tuổi. Được biết, những vụ bắt bớ này do Sở Công an Tỉnh Hắc Long Giang dàn xếp và thực hiện. Một số đồn công an địa phương ở Giai Mộc Tư còn bị giao chỉ tiêu. Công an đã nghe lén điện thoại của các học viên, giám sát sinh hoạt hàng ngày của họ qua camera giám sát, và trực tiếp theo dõi họ trước khi tiến hành bắt giữ.
Bà Phùng Quế Phân và bà Xa Hồng Ngọc đã bị bắt khi đang ở nhà bà Phùng vào chiều ngày 25 tháng 7.
Bà Phùng Quế Cần bị bắt tại nhà, ngay trước mặt người chồng nằm liệt giường của bà vào sáng ngày 26 tháng 7. Chiều hôm đó, công an đã bắt và thẩm vấn con trai và con gái của bà Phùng, là anh Văn Thái và cô Văn Hoa, cả hai người đều không tu luyện Pháp Luân Công.
Ông Dương Miên Giang, ông Xa Duy Kỳ; một nam học viên họ Đoàn; một nữ học viên họ Thạch; và một nam học viên khác (chưa rõ danh tính) cũng bị bắt vào ngày 26 tháng 7 năm 2019.
Ông Trương Quốc Hải; bà Đoàn Nghi Phát; một nữ học viên họ Lý (ngoài 60 tuổi); một nữ học viên họ Đổng và mẹ, em gái và em rể của bà cũng bị bắt giữ trong ngày 27 tháng 7.
Có ít nhất 24 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, và hai người nhà không tu luyện Pháp Luân Công của họ đã bị bắt vào ngày 19 tháng 7 năm 2019. Các cuộc bắt giữ bắt đầu từ 2 giờ sáng ngày 19 tháng 7.
Một nửa số trường hợp bị bắt đều bị lục soát nhà và tịch thu các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công và máy tính của họ.
Tỉnh Tứ Xuyên: 64 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong hai tuần
64 học viên Pháp Luân Công tại bảy thành phố ở tỉnh Tứ Xuyên đã bị bắt giữ trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến ngày 18 tháng 7 năm 2019 chỉ bởi họ không chịu từ bỏ đức tin của mình. Toàn bộ các vụ bắt giữ tại mỗi thành phố đều xảy ra trong một ngày, có vẻ như chúng được tổ chức và điều hành bởi toàn bộ lực lượng cảnh sát tỉnh Tứ Xuyên.
Trong số 64 vụ bắt giữ ở tỉnh Tứ Xuyên, có 37 vụ bắt giữ ở thành phố Thành Đô vào ngày 10 tháng 7, 11 vụ ở khu tự trị người Di Lương Sơn vào ngày 14 tháng 7, 6 vụ ở thành phố Nam Sung vào ngày 5 tháng 7, 6 vụ ở thành phố Toại Ninh vào ngày 18 tháng 7, 2 vụ ở thành phố Mi Sơn, 1 vụ ở thành phố Phàn Chi Hoa vào ngày 6 tháng 7, và 1 vụ ở thành phố Miên Dương vào ngày 11 tháng 7.
Ngoài ra, một số học viên ở thành phố Đạt Châu đã bị cảnh sát sách nhiễu từ ngày 18 tháng 7.
Thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc: Chín học viên Pháp Luân Công bị bắt trong cùng một ngày
Chín học viên Pháp Luân Công tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt giữ chỉ vì đức tin của họ vào sáng ngày 3 tháng 7 năm 2019.
Các học viên bị bắt giữ là ông Dương Hiểu Minh, ông Điền Thế Thánh, bà Điền Thục Lan, ông Thạch Vệ Đông, bà Lục Thúy Quân (vợ ông Thạch), bà Thạch Diễm Lệ (chị gái ông Thạch), bà Lưu Tú Hoa, bà Lưu Tiểu Phương, và một học viên nam đang được điều tra danh tính.
Ngoài chín học viên này, ông Bành Thụ Tài cũng bị bắt giữ vào hai ngày sau, ngày 5 tháng 7. Đây là lần thứ ba ông Bành bị bắt giữ chỉ vì đức tin của mình.
Trong số các học viên này, có ba học viên bị lục soát nhà.
Tám cư dân ở thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông, trong đó có một cụ già 81 tuổi, đã bị bắt trong đợt bắt giữ hai ngày trong tháng 7 năm 2019 chỉ vì không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Năm học viên Pháp Luân Công khác đã bị sách nhiễu.
Dưới sự chỉ đạo của Đội An ninh Nội địa Thành phố Long Khẩu, nhiều đồn cảnh sát địa phương đã phái đặc vụ đi bắt giữ và sách nhiễu 13 học viên nêu trên sau một thời gian theo dõi điện thoại của họ.
Ông Diêu Tân Nhân, bà Viên Ngọc Cần, bà Tu Vĩnh Kiệt và một học viên khác, họ Phó, đã bị bắt vào ngày 3 tháng 7.
Vào ngày 4 tháng 7, bà Trần Quế Hoa, bà Trần Quế Chi, bà Tống Ngọc Thu và bà Từ Quế Khanh, 81 tuổi bị bắt giữ.
Hơn 20 cư dân Trùng Khánh đã bị bắt trong khi đang cùng nhau đọc sách Pháp Luân Công
Hơn 20 cư dân ở Trùng Khánh, trong đó có một cụ bà 82 tuổi, đã bị bắt ngày 23 tháng 7 năm 2019, trong lúc đang cùng nhau đọc các bài giảng của Pháp Luân Công tại nhà bà Văn Đình Ngọc. Các học viên bị bắt đã được xác định danh tính gồm: bà Văn Đình Ngọc; bà Trương Hữu Hạo (82 tuổi); bà Trương Lan; bà Viên Dung; bà Chu Đốc Luân; bà Quách Trọng Bích và bà Trương Hồng Dung.
Hơn 70 cảnh sát đã tham gia vào cuộc bắt giữ. Cảnh sát đã đưa các học viên này về các khu dân cư tương ứng của họ và tiến hành thẩm vấn. Họ cũng lục soát nhà của các học viên và tịch thu sách và tài liệu Pháp Luân Công của họ.
Ngoài các học viên đề cập ở trên, còn có một nữ học viên là bà Dư Nghiệp Nghỉ, bị bắt cùng ngày hôm đó.
Sáu cư dân Thượng Hải cao tuổi bị bắt trong khi đọc các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp
Sáu cư dân cao tuổi ở Thượng Hải đã bị bắt giữ vào ngày 15 tháng 7 năm 2019 trong khi đang cùng nhau đọc cuốn sách chính “Chuyển Pháp Luân”.
Các học viên bị bắt gồm có bà Tạ Tạ Nam, 83 tuổi, bà Lý Thúy Phượng, 75 tuổi, bà Quách Tố Kiều, 75 tuổi, bà Tôn Văn Quyên, 72 tuổi, bà Trương Mai Trân, 72 tuổi, bà Kim Thục Mẫn, 56 tuổi. Vụ bắt bớ xảy ra tại nhà của bà Kim.
Tối hôm đó, tất cả các học viên này đều bị thẩm vấn riêng rẽ tại đồn công an.
Cảnh sát cho hay họ đã theo dõi các học viên này từ lâu trước khi tiến hành bắt giữ họ.
Tám cư dân thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, hầu hết đều đã cao tuổi, bị bắt từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 7 năm 2019. Cảnh sát buộc tội các học viên đã sử dụng điện thoại của mình làm thiết bị để truyền bá thông tin về cuộc bức hại.
Sáu học viên bị bắt vào ngày 9 tháng 7 gồm có ông Mã Dân Khánh cùng mẹ là bà Vương Tuyết Trinh 79 tuổi; bà Trương Tuệ ngoài 60 tuổi; bà Lâm Tác Anh 80 tuổi và hai học viên khác cũng đều đã ngoài 80 tuổi.
Hai học viên nữa là bà Lương Huệ Thiền và ông Tằng Gia Canh, đều 77 tuổi, bị bắt vào ngày 10 tháng 7.
Bà Lâm Tác Anh
Ông Tằng Gia Canh
Tất cả các học viên trên hiện đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Số 1 Thành phố Quảng Châu.
Ngày 15 tháng 7, khi luật sư của ông Tằng Gia Canh đến thăm ông ở trại tạm giam, ông Tằng nói với luật sư rằng ông chưa bao giờ dùng điện thoại của mình để truyền tin. Khi nghe thấy điều này, các lính canh đã vội vàng đẩy luật sư ra ngoài trong khi họ chưa hết thời gian thăm cho phép.
Lần bắt giữ mới đây của ông Tằng xảy ra vào thời điểm con trai ông, anh Tằng Hạo, một giáo sư đại học, đang trong thời gian thụ án ba năm rưỡi tù chỉ vì đã đăng thông tin về Pháp Luân Công trên mạng xã hội. Đơn kháng cáo của anh Tằng đối với bản án của cha đã bị Toà Trung cấp Quảng Châu bác bỏ vào tháng 6 năm 2019.
Thêm nhiều vụ bắt giữ
Bà lão 80 tuổi bị bắt chỉ vì đức tin, cụ ông chồng bà nằm liệt giường chật vật tìm người chăm sóc
Bà Phùng Quế Cần, gần 80 tuổi, là một trong số 15 học viên Pháp Luân Công bị bắt ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 7 năm 2019. Bà bị đưa đi ngay trước mặt người chồng nằm liệt giường vào sáng ngày 26 tháng 7.
Công an còn lục soát nhà bà và tịch thu toàn bộ sách về Pháp Luân Công của bà, một tấm hình của Nhà sáng lập môn tu luyện, và các tài liệu liên quan.
Buổi chiều, công an đã bắt và thẩm vấn con trai và con gái của bà Phùng, là anh Văn Thái và cô Văn Hoa, cả hai đều không tu luyện Pháp Luân Công. Công an đã đe doạ sẽ bắt giữ em gái của bà Phùng là bà Phùng Quế Phân, hiện đang phải sống xa nhà để thoát khỏi bàn tay công an.
Chồng bà Phùng là ông Văn Đức Phương, một cựu chiến binh trong chiến tranh Triều Tiên, đã bị đột quỵ và nằm liệt giường trong 15 năm, ông phải sống dựa vào vợ để giúp đỡ ông sinh hoạt hàng ngày. Việc bà bị bắt đã khiến ông chật vật tìm người chăm sóc.
Bà Phùng Quế Phân và người chồng nằm liệt giường, ông Văn Đức Phương
Một tân sinh viên đại học bị giam giữ ở Thượng Hải vì tu luyện Pháp Luân Công
Anh Chung Nhất Minh, 19 tuổi, đã bị giam giữ ở Thượng Hải từ đầu tháng 7 năm 2019 chỉ bởi anh lan truyền các thông tin về Pháp Luân Công. Tuy nhiên, chính quyền từ chối cung cấp thông tin về nơi giam cầm anh Chung cho cha mẹ anh.
Anh Chung quê ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, là một tân sinh viên của Đại học Giao thông Thượng Hải.
Trường đại học này đã gọi điện cho cha mẹ anh và họ đã bay tới Thượng Hải vào ngày 3 tháng 7. Đến nơi, họ được thông báo rằng con trai họ đang bị tạm giam để điều tra vì camera giám sát của nhà trường ghi lại cảnh anh Chung đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công trong khuôn viên trường.
Nhà trường đã tố giác anh với công an Thượng Hải, và công an đã chuyển anh đến một trại tạm giam ở Thượng Hải vào ngày 5 tháng 7 vì anh không chịu từ bỏ đức tin của mình. Gia đình anh đã cố tìm ra nơi anh bị tạm giam nhưng vô ích.
Được biết, các nhà chức trách Thượng Hải đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ khắp nơi trên thế giới kêu gọi trả tự do cho anh Chung. Hiện tại, họ đang cho rằng anh Chung có mối liên hệ với “các thế lực phương Tây”.
Cũng có thông tin cho hay công an Thượng Hải đã bay tới thành phố Đại Liên vào ngày 22 tháng 7 để cố gắng bắt giữ người bà ngoài 80 tuổi của anh Chung, cũng là học viên Pháp Luân Công.
Cảnh sát làm gẫy lưng của một phụ nữ và giam giữ bà 15 ngày mà không cho bà điều trị y tế
Bà Diêu Vĩ Mẫn, 62 tuổi, sống ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, đã bị bắt giữ vào ngày 3 tháng 7 năm 2019 chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Diêu bị đưa đến đồn công an và bị nhốt trong một lồng sắt.
Tám cảnh sát đã đến và cố gắng cưỡng chế lấy dấu vân tay của bà. Bà chống cự lại khi họ ghì và ấn tay bà xuống. Một nữ cảnh sát đã dùng đầu gối thúc mạnh vào phần thắt lưng của bà, khiến bà ngay lập tức ngã gục xuống đất. Họ đã lấy được vân tay và vân chân của bà.
Tiếp đó, bà Diêu bị nhốt trong lồng kim loại mà không được cung cấp đồ ăn thức uống trong một ngày. Bà không thể đứng lên và cảm thấy vô cùng khó chịu khi ngồi xuống. Ngày hôm sau, theo lời đề nghị của bà, một nữ cảnh sát đã cầm tiền của bà Diêu đi mua cho bà một ít bánh mỳ.
Tối ngày 4 tháng 7, cảnh sát đã chuyển bà Diêu tới Trại tạm giam Lục Mộ, khi đó bà Diêu không thể di chuyển bởi bà bị thương ở lưng. Bà vô cùng đau đớn mỗi khi lên cơn ho. Năm ngày sau, huyết áp của bà tăng lên 200mmHg.
Khi bà được thả sau 15 ngày giam giữ, người bà hốc hác và tiều tuỵ. Gia đình đã đưa bà tới bệnh viện, và bà được chẩn đoán gãy xương cột sống L1.
Hắc Long Giang: bốn cư dân bị bắt vì đức tin của mình, một người buộc phải rời nhà
Năm cư dân của thành phố Triệu Đông, tỉnh Hắc Long Giang bị tố giác với cảnh sát vì đã nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công vào ngày 16 tháng 7 năm 2019. Công an đã tới bắt bốn học viên, gồm cô Lý Nhã Lệ, cô Trương Quốc Vinh và mẹ của cô, cùng ông Dương Học Văn. Người học viên thứ năm, cô Nghiêm Chí Thu đã lên cơn động kinh ngay tại đó và công an không thể bắt cô đi.
Khi cảnh sát tới nhà cô Nghiêm vào chiều hôm sau. Cô đã rời khỏi nhà để tránh việc bị bắt. Sau đó, cảnh sát đã quay lại nhiều lần để sách nhiễu gia đình cô.
Cả bốn học viên đã bị đưa đến các trại tạm giam và nhà của họ đều bị lục soát.
Vợ bị bức hại đến chết, một cư dân ở Hà Bắc bị bắt giữ
Ông Lưu Quốc Bình và một học viên Pháp Luân Công khác là Vương Hồng đều sống tại thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, bị tố giác với chính quyền khi họ đang phát tài liệu về cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 7 tháng 7 năm 2019. Hai học viên này đã bị bắt giam tại một trại tạm giam ở địa phương.
Khi gia đình họ tới đồn công an để yêu cầu trả tự do cho hai học viên, công an đã nói với họ về việc công an sẽ tạm giam hai người cho đủ chỉ tiêu và cả hai học viên này sẽ được trả tự do sau khi bị giam tối đa 15 ngày.
Ông Lưu không phải là người duy nhất trong gia đình bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công. Vợ ông, bà Ngô Bảo Linh, đã qua đời từ nhiều năm trước vì bị bức hại. Bà rất trân quý Pháp Luân Công vì pháp môn này đã giúp bà hồi phục sức khỏe. Song, công an lại thường xuyên sách nhiễu tại nơi làm việc của bà, chỉ bởi bà không từ bỏ niềm tin sau khi cuộc bức hại xảy ra.
Sức khoẻ của bà suy sụp sau khi bà bị giam 15 ngày [thời gian cụ thể về tháng và năm giam cầm đang được điều tra], nhưng công an vẫn tiếp tục đến nhà sách nhiễu bà. Vì không thể chịu đựng áp lực nên bà đã qua đời hai tháng sau khi được tự do.
Hai phụ nữ ở Giang Tây bị bắt
Ngày 18 tháng 7 năm 2019, hơn 20 công an đã xông vào nhà bà Trần Bảo Chi ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Họ bắt giữ bà và một học viên khác đang đến nhà thăm bà là bà Giang Lan Anh chỉ bởi niềm tin của họ vào Pháp Luân Công. Công an đã tịch thu 280.000 Nhân dân tệ tiền mặt và nhiều vật dụng cá nhân khác.
Có thông tin cho hay cảnh sát đã dùng camera giám sát bà Trần trong hơn hai tuần. Họ đã quá quen với nhà bà và khu vực xung quanh. Họ có sẵn chìa khóa nhà bà và xông vào nhà sau khi tự mở cửa.
Một cư dân Thiểm Tây bị đánh đập dã man trước khi bị bắt
Ngày 15 tháng 7 năm 2019, bảy công an đã xông vào nhà ông Dương Hân ở một thôn thuộc thành phố Bảo Kê tỉnh Thiểm Tây khi ông đang giặt giũ quần áo ở sân. Họ lôi ông vào trong nhà và bắt đầu đánh ông.
Mẹ ông Dương, đã gần 80 tuổi, nghe thấy tiếng hét của con trai ở sân sau nên đã đến ngăn công an lại. Nhưng công an đã kéo bà vào phòng khác rồi khoá cửa lại.
Họ cùm chân và còng tay ông Dương hơn một tiếng và cố gắng đưa ông đi. Khi ông Dương không chịu vào xe cảnh sát và phản kháng, công an đã đánh ông tàn bạo ngay trước sự chứng kiến của nhiều người.
Sau khi ông Dương bị đưa đi, có một nhóm công an khác đã đến lục soát nhà ông.
Các trường hợp bị sách nhiễu
Một người phụ nữ Thượng Hải 74 tuổi bị giám sát suốt ngày đêm lần thứ tư trong chín tháng
Bà Lý Mỹ Trân phát hiện ra mình lại bị giám sát suốt ngày đêm vào ngày 16 tháng 7 năm 2019, chỉ vì bà tu luyện Pháp Luân Công. Đây là lần thứ tư người phụ nữ 74 tuổi này bị cảnh sát theo dõi chặt chẽ kể từ khi bà chuyển đến quận Tùng Giang ở Thượng Hải vào năm ngoái.
Bà Lý cho biết cảnh sát ở Đồn Cảnh sát Đông Kinh luôn nhắm đến bà quanh những ngày nhạy cảm và trong các sự kiện lớn. Cảnh sát đỗ xe bên ngoài tòa nhà chung cư của bà và thay phiên nhau theo dõi bà. Họ cũng đi theo bà bất cứ nơi nào bà đi, kiểm soát hoàn toàn tự do cá nhân của bà. Mỗi đợt giám sát thường kéo dài từ 16 đến 23 ngày.
Hai học viên lớn tuổi ở Tứ Xuyên bị sách nhiễu, nhà họ bị lục soát
Bà La Diện Cẩm, ngoài 80 tuổi, và chồng bà là ông Ngô Tiên Quốc, 90 tuổi, mới chuyển tới căn hộ thuê của họ được một tháng. Song, ngày 20 tháng 7 năm 2019, công an đã tới căn hộ cũ của họ và không thấy ai ở đó.
Nhân chứng kể lại rằng có hơn 20 công an xuất hiện và cố cạy cửa nhưng không thành công. Họ gọi một thợ sửa khoá đến và sau đó mở được cửa. Nhưng họ không tìm thấy thứ gì. Họ cũng không mở được cửa phòng ngủ nên đã rời đi.
Năm công an đã tới căn hộ mới của họ vào buổi tối cùng ngày. Hai ông bà người được ra lệnh mở các ngăn tủ nhưng công an không tìm thấy gì.
Sau đó, họ đưa hai ông bà về lại căn hộ cũ để tìm kiếm toàn bộ nhưng không tìm được gì. Công an chụp hình hai người và đưa họ về lại căn hộ mới.
Cư dân Hồ Nam 88 tuổi bị sách nhiễu
Bà Trương Thắng Anh, 88 tuổi, sống tại thành phố Hoài Hoá, tỉnh Hồ Nam, tới Đồn Công an Thành Trung để chuyển tài liệu về Pháp Luân Công cho vị trưởng đồn.
Vì người này không có mặt tại đồn nên bà Trương đã quyết định ngồi ở ghế để nghỉ một chút trước khi rời đi vì thời tiết hôm đó khá nóng. Tuy nhiên, công an đã bê cả ghế có bà Trương đang ngồi ở trên và quăng ra ngoài. Một công an còn đẩy bà ngã ra đất.
Vào ngày hôm sau, bà Trương quay lại cùng một học viên khác là bà Lôi Hoa Mai, hai bà muốn nói cho công an biết thêm về Pháp Luân Công. Công an đã dọa sẽ lục soát nhà bà Lôi.
Ba công an đã tới nhà bà Trương vào ngày 25 tháng 7 để sách nhiễu bà.
Một cư dân ngoài 80 tuổi ở Sơn Đông bị sách nhiễu
Bà Vương Quý Vân, 81 tuổi, sống một mình ở thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Trịnh Đăng Sinh, người ở uỷ ban khu phố địa phương, đã dẫn năm công an xông vào nhà bà vào ngày 23 tháng 7 năm 2019.
Những công an này đều mặc thường phục và không xuất trình thẻ công an hoặc lệnh khám. Họ tịch thu các sách về Pháp Luân Công và các vật dụng khác liên quan đến Pháp Luân Công.
Nhà của một cư dân ở Cam Túc bị lục soát trong khi ông bị tạm giam
Ông Hàn Tấn, 53 tuổi, bị bắt ngày 29 tháng 5 năm 2019 chỉ bởi niềm tin của ông vào Pháp Luân Công. Lệnh bắt giữ ông được phê chuẩn vào ngày 26 tháng 6 và ông đang bị giam tại trại tạm giam.
Ngày 31 tháng 7, công an đưa ông Hàn về nhà. Họ dùng vũ lực để mở cửa và khám xét nhà ông trong hơn một tiếng. Không một ai trong gia đình ông được thông báo về việc lục soát nhà này.
Ông Hàn, một thương gia thành công, đã bị bức hại tàn bạo trong nhiều năm qua, kể cả trong 10 năm ông bị giam cầm.
Các báo cáo liên quan:
Báo cáo Minh Huệ: 2.014 học viên Pháp Luân Công bị bắt vì đức tin của họ trong nửa đầu năm 2019
Báo cáo Minh Huệ: 341 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong tháng 5 năm 2019
Báo cáo của Minh Huệ: 688 học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc bị bắt trong tháng 4 năm 2019
Báo cáo Minh Huệ: 245 học viên Pháp Luân Công bị bắt vào tháng 3 năm 2019
Báo cáo Minh Huệ: 101 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong tháng 2 năm 2019
Báo cáo Minh Huệ: 181 Học viên Pháp Luân Công bị bắt trong tháng 1 năm 2019
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/10/391281.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/22/178996.html
Đăng ngày 06-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.