Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-04-2019] Ông Lý Kiều Minh, một học viên bị giam tại trại tạm giam Huyện Tấn Ninh, tỉnh Vân Nam, đã qua đời vào ngày 12 tháng 2 năm 2009, khoảng hai tuần sau khi ông bị đưa tới đó. Truyền thông ban đầu đưa tin rằng ông vô tình đập đầu vào tường trong khi chơi trò trốn tìm. Nhưng kết quả điều tra sau đó cho thấy ông Lý đã bị các tù nhân khác đánh đến chết.
“Sự cố trò chơi trốn tìm” này đã trở thành một chủ đề thu hút sự chú ý nhưng cũng sớm bị lãng quên. Những kẻ sát hại ông Lý không bao giờ bị trừng phạt.
Ông Lý không phải là người duy nhất bị ngược đãi trong các trại tạm giam tỉnh Vân Nam nhưng công lý chưa bao giờ được thực thi. Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ và tra tấn ở đó chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin, nhưng thủ phạm lại không hề phải chịu trách nhiệm gì.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Pháp môn này đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Một nhóm học viên Pháp Luân Công đã từng bị giam tại nhiều trại tạm giam ở Vân Nam vào các khoảng thời gian khác nhau, những tác giả của báo cáo này, dưới đây đã chia sẻ các vi phạm nhân quyền đối với các học viên và những người không phải học viên mà họ đã trải nghiệm và chứng kiến.
Hệ thống phân cấp trong trại tạm giam
Để quản lý những người bị giam giữ, các viên chức thường chỉ định một tù nhân là người đứng đầu một buồng giam, theo sau đó là một tay sai. Trưởng buồng có nhiều quyền lực và thường phối hợp với các tay sai để trừng phạt các tù nhân khác. Ngoài ra, các cảnh sát có thể sắp xếp một số người cung cấp thông tin để theo dõi những người khác và khuyến khích các tù nhân tố cáo lẫn nhau.
Trước năm 2004, mỗi buồng giam, đặc biệt là các buồng giam dành cho tù nhân nam, có một hệ thống phân cấp với trưởng buồng là người đứng đầu kèm theo một tay sai. Một tù nhân cấp thấp hơn được phân công chăm sóc trưởng buồng, bao gồm chuẩn bị bữa ăn, lấy nước, giặt quần áo và mát xa. Cấp tiếp theo là những người cung cấp thông tin được yêu cầu để mắt đến mọi người. Cấp dưới cùng gồm những người bị giam giữ còn lại, họ phải chịu trách nhiệm làm nhiều công việc khác nhau.
Ngược đãi người mới
Những người mới bị giam thừa nhận là đã bị cởi hết quần áo để khám xét ngay khi vừa đến các trại giam. Cảnh sát đã tịch thu không chỉ đồng hồ, dây chuyền, giày da và thắt lưng mà còn cả khuy và khóa bằng kim loại trên quần áo của họ.
Bà Ngô Trị Anh, một học viên Pháp Luân Công 49 tuổi ở thành phố Côn Minh, bị yêu cầu cởi hết quần áo trước mặt ba cảnh sát nam và hai cảnh sát nữ. Khi bà phản kháng, các cảnh sát nam đe dọa sẽ tự cởi đồ của bà.
Sau khi vào buồng giam, họ lại có thêm một đợt kiểm tra khác. Các trưởng buồng hoặc tay sai sẽ lấy bất kỳ vật nào có giá trị còn sót lại và hầu hết số tiền. Trước năm 2004, hầu hết những người mới bị giam giữ đều bị tù nhân “chào đón” bằng các hình thức ngược đãi khác nhau.
Sự ngược đãi người mới bao gồm đánh đập, lột hết quần áo, tưới nước lạnh lên người, đứng trong tư thế “máy bay bay” (bắt họ giơ tay lên và quặt ra sau lưng) và “ngồi lên thùng đựng đá” (ép họ ngồi xổm trần truồng trong mùa đông lạnh giá trong một thời gian dài). Đối với phụ nữ, việc tra tấn có thể bao gồm chà sát âm đạo bằng bàn chải đánh răng hoặc dùng dây treo đồ vật vào núm vú của họ.
Ông Chu Cát Xương, ngoài 70 tuổi, một nhân viên hưu trí của Viện Nghiên cứu Luyện kim Côn Minh, bị đưa đến trại tạm giam Huyện Ngũ Hoa vào năm 2001. Sau khi bị tưới nước lạnh lên người, ngày nào ông cũng bị đánh đập tàn nhẫn đến mức ông bị bầm tím toàn thân và chân tay ông rất khó cử động.
Các tù nhân được lệnh phải hỗ trợ ép họ thú tội
Các cảnh sát điều tra hình sự tại các trại tạm giam thường ra lệnh cho các trưởng buồng ngược đãi thể xác những học viên mới và những người không phải học viên để lấy lời thú tội.
Trong một chiến dịch vào năm 2005, trại tạm giam Số 2 Bàn Long đã nhận được chỉ tiêu bắt giữ những người nghiện ma túy. Một người nghiện bị giam giữ đã được lệnh hỗ trợ cảnh sát đi bắt những người nghiện khác. Vì chuyến đi không có kết quả, các cảnh sát đã treo 9 kg xích lên người anh ta để trừng phạt. Ngày hôm sau, một người nghiện ma túy khác được gửi đi, và lần này cảnh sát đã có thể bắt giữ thêm một số người nghiện. Tù nhân này đã được khen thưởng khi trở về.
Một nghi phạm ngoài 20 tuổi đã từng bị gửi đến trại tạm giam Số 2 Bàn Long. Vì không đủ bằng chứng buộc tội anh, cảnh sát đã ra hiệu cho trưởng buồng tra tấn anh để lấy lời thú tội. Chàng trai trẻ này đã bị dìm đầu vào nhà vệ sinh nhiều lần, khiến anh gần như nghẹt thở.
Tra tấn
Các trại tạm giam đã sử dụng nhiều hình thức tra tấn khác nhau do cảnh sát hay tù nhân thực hiện. Một số cảnh sát đã được huấn luyện võ thuật và thường làm nạn nhân bị thương nghiêm trọng.
Chỉ một chiếc còng chân nhỏ cũng đủ để khống chế các tù nhân, bao gồm cả tử tù. Những vật nặng hơn thường được dùng để gây ra đau đớn nhiều hơn. Một lần, sau khi một tù nhân chửi lính canh, anh ta không chỉ bị đánh đập mà còn bị còng xuống đất trong một tháng mà không được vào nhà vệ sinh.
Đôi khi, các lính canh và trưởng buồng vẽ một vòng tròn trên sàn nhà hoặc trên giường và ra lệnh cho nạn nhân ở trong vòng tròn trong một tuần hoặc thậm chí một tháng. Những nạn nhân này không được phép xem tivi hay mua nhu yếu phẩm hàng ngày. Các học viên còn bị cấm nói chuyện với nhau hay luyện các bài công pháp.
Những người bị biệt giam thường bị còng hai bàn tay và bàn chân với nhau, khiến họ chỉ có thể ngồi xổm và đi vệ sinh tại chỗ. Ngoài ra, lính canh thường quay camera giám sát ra góc khác để không quay được cảnh họ tra tấn các học viên trong phòng biệt giam.
Bà Trương Như Quỳnh, một học viên 46 tuổi, bị giam tại Nhà tù Quan Độ vào tháng 8 năm 2001. Bà kể về sự đau khổ của mình: “Đầu tiên, tôi bị lột hết quần áo. Bởi vì tôi có kinh nguyệt nên sau đó họ đã trả lại đồ lót cho tôi. Các tù nhân liên tục lăng mạ tôi và nhét tất bẩn vào miệng tôi khi tôi hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo’’.
Vì luyện các bài công pháp Pháp Luân Công, bà Trương bị các tù nhân trói chặt đến nỗi bà trở nên bất tỉnh chỉ sau vài phút. Sau đó, các lính canh đưa bà vào phòng biệt giam và giam bà bằng xích chân nặng 9 kg được neo xuống sàn nhà. Bà đã phải chịu đựng cả việc bị rệp cắn và mùi hôi thối của phân người.
Ngoài ra, các lính canh không đưa băng vệ sinh cho bà trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy kinh nguyệt lan ra khắp nơi. Bà Trương viết: “Họ đã không cho tôi uống nước trong vài ngày. Khi tôi yêu cầu, họ đã bức thực tôi bằng nước trộn thuốc không rõ nguồn gốc.” Kết quả là bà trở nên chóng mặt và cao huyết áp.
Bà Lý Quân Bình, một công nhân đã nghỉ hưu của Nhà máy Thiết bị Vận chuyển Vân Nam, bị giam giữ tại trại tạm giam Tây Sơn vào năm 2005 sau khi bà bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bức thực và bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc trong tư thế hai tay hai chân bị trói vào giường. Gia đình bà cũng bị buộc phải nộp 2.000 Nhân dân tệ để chi trả tiền thuốc.
Bà Đới Kim Lan là một công nhân nghỉ hưu của một nhà máy luyện kim ở thành phố Cá Cựu. Sau khi bị bắt vào tháng 8 năm 2007, bà bị giam tại trại tạm giam Cá Cựu. Khi bà từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, lính canh đã đâm tăm tre vào đầu ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa của bà. Họ cũng ép bà lấy dấu vân tay.
Tái hiện cảnh tra tấn: Đâm tăm tre nhọn vào đầu ngón tay
Bà Hà Liên Xuân, 36 tuổi, bị giam tại trại tạm giam Mông Tự vào năm 2009. Lính canh đã tát vào mặt bà và túm tóc đập đầu bà vào tường khi bà hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân – Thiện – Nhẫn hảo”. Bà cũng bị đeo xích chân nặng 9 kg trong một tháng. Khi bà tuyệt thực để phản đối, các tù nhân đã trói bà vào giường để bức thực, làm cho bà bị thương nặng và tổn thương tinh thần.
Ông Trương Lương, một học viên 65 tuổi, bị cảnh sát Côn Minh bắt giữ vào năm 2005 và bị giam tại trại tạm giam Tây Sơn. Ông bị ép phải hái đậu mỗi ngày. Công việc này rất nặng nhọc và mỗi tù nhân phải hái 200 kg đến 300 kg đậu mỗi ngày. Khi ông ngồi thiền, lính canh thường đội nước lạnh lên người ông và nhiều tù nhân xông vào đánh ông.
Trong các trại tạm giam, các học viên thường bị ép phải ngồi hoặc đứng úp mặt vào tường trong thời gian dài. Bà Trần Vinh Hoa bị bắt và đưa đến trại tạm giam Ngũ Hoa vào năm 2001 khi bà ngoài 70 tuổi. Các tù nhân được chỉ định đánh bà mỗi ngày và chửi rủa bà. Họ còn để băng vệ sinh lên lưỡi bà. Khi bà bị đưa đến một trại lao động, bà đã bị bầm tím khắp người.
Anh Khổng Khánh Hoàng là trợ lý của chủ tịch thành phố Liên An, quận Kiến Thủy. Trong năm 2000, anh bị gửi đến trại tạm giam Kiến Thủy hai lần, lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 4 và lần thứ hai vào ngày 28 tháng 6, vì không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Khi anh tuyệt thực để phản đối, anh bị lính canh bức thực cứ bốn hoặc năm ngày một lần. Điều đó dẫn đến cổ họng anh bị rách, mạch máu bị vỡ và chảy máu. Cuối cùng, anh rơi vào tình trạng nguy kịch khi được đưa đến Bệnh viện Quận Kiến Thủy vào ngày 25 tháng 8. Nhưng mọi nỗ lực hồi sức đều thất bại, và anh đã qua đời khi mới ngoài 30 tuổi.
Cô Hoàng Cúc Mỹ là một nhân viên của Tập đoàn Thành phố Côn Minh. Trong khi bị giam tại trại tạm giam Số 1 Bàn Long vào năm 2002, cô đã bị tra tấn tàn bạo chỉ vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Huyết áp của cô lên tới 280 mmHg, nhưng chỉ đến khi tình trạng tim mạch của cô trở nên hết sức xấu cô mới được đưa đến bệnh viện. Cô Hoàng qua đời không lâu sau đó ở độ tuổi 30.
Lao động khổ sai
Lao động khổ sai là rất phổ biến trong các trại tạm giam, bao gồm hái ớt, hái đậu, làm túi giấy và phong bì, hoặc lắp ráp đèn trang trí. Những người bị giam hầu như không nhận được bất kỳ khoản tiền nào. Đơn cử như, mỗi tháng, vài chục tù nhân tại trại tạm giam Ngũ Hoa chỉ nhận được tổng cộng vài trăm Nhân dân tệ.
Điều kiện làm việc cũng rất nguy hiểm. Những người bị giam không được mặc quần áo bảo hộ, làm việc trong căn phòng bụi bặm, hay mùi ớt cay nồng làm họ chảy nước mắt. Một số tù nhân còn bị sờn hết móng tay, và mùi hăng từ dung môi sơn mài và chất tẩy khiến họ bị hen phế quản cũng như dị ứng da.
Các trại tạm giam còn kiếm lời từ việc ép những người bị giam mua thực phẩm với giá cao vì họ chỉ được cấp thực phẩm nghèo dinh dưỡng được chế biến từ nguyên liệu chất lượng kém, ví dụ như khoai tây để cả vỏ và thịt lợn còn lông.
Nhu cầu ăn kiêng của nhiều nhóm dân tộc khác cũng bị bỏ qua. Chẳng hạn, người Hồi không ăn thịt lợn, nhưng bữa ăn của họ thường không đủ và do đó phải ăn thêm các thức ăn thông thường. Vì vậy, một số tín đồ trung thành trong nhóm đã từ chối ăn thức ăn và sống dựa vào rau muối hoặc cơm trộn muối.
Các tù nhân giàu có có thể trả tiền để người khác làm công việc lao động chân tay cho họ. Các lính canh và những người đứng đầu phòng giam thường nhận một khoản tiền để thu xếp “các giao dịch” đó. Ngoài ra, các cảnh sát thường ép những người bị giam mua các mặt hàng hoặc ép họ làm việc cho lợi ích riêng của mình.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/13/385067.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/11/178025.html
Đăng ngày 17-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.