Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-06-2019] Nhà tù Phạm Gia Đài của tỉnh Hồ Bắc là nơi tập trung giam giữ các học viên Pháp Luân Công trên địa bàn tỉnh. Trung bình luôn có khoảng 100 học viên bị giam ở đó tại mỗi thời điểm. Các nhân viên nhà tù dùng nhiều phương thức khác nhau để tra tấn họ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nhà tù này nằm ở thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, thuộc miền Trung của Trung Quốc.

Giám sát và cô lập

Lính canh chỉ đạo hai đến sáu tù nhân làm “giám sát viên” để canh trừng mỗi khi có học viên bị đưa vào tù. Những “giám sát viên” này thực hiện đợt tra tấn đầu tiên. Học viên mới vào sẽ bị bắt phải đứng dựa vào tường, không được nói chuyện, không được dùng ánh mắt, nụ cười, hay ra dấu tay với người khác. Một số học viên vì bị cấm nói trong thời gian dài khiến giọng nói bị khàn, thậm chí còn bị nói lắp.

Lính canh khuyến khích các tù nhân khác đánh, đá và cô lập các học viên.

Tẩy não

Nhà tù dùng những lời dối trá, tra tấn tinh thần và đòn tâm lý hòng thay đổi tư tưởng của các học viên.

Các học viên thường xuyên bị rót vào tai những lời dối trá, như được bảo rằng các học viên Pháp Luân Công tự tử trên Quảng trường Thiên An Môn, mặc dù truyền thông bên ngoài Trung Quốc đã đưa tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ngụy tạo vụ tự thiêu đó để hãm hại Pháp Luân Công.

Nhà tù dùng chiêu bài mời các “chuyên gia” tới nhà tù, và những người này dùng các tà thuyết, đạo lý bị bẻ cong gây rối trí các học viên. Những “chuyên gia” dạng này gồm có giáo sư Lưu Gia Thuân của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, nhà tâm lý học Nghiêm Phúc Mai, Ngô Thiên Tường – “Tấm gương đạo đức” của quốc gia, và các nhân viên của các đơn vị chống Pháp Luân Công khác. Một số họ đến khá thường xuyên.

Chính trị viên Đinh Thành Hà còn phát minh ra một loại “Liệu pháp chán ghét” để dùng cho các học viên. Ban đầu lính canh dùng các phương pháp bạo lực và lưu manh để bức hại trường kỳ các học viên, khiến họ muốn ‘sống không được, chết chẳng xong’ mà sinh chán ghét cuộc sống, rồi đến chán ghét hết thảy. Sau đó họ lại giả nhân giả nghĩa mà ra vẻ quan tâm tới sức khỏe và gia đình của các học viên. Lính canh cũng hứa với các học viên rằng sẽ cho họ vị trí trưởng xà lim để họ không phải lao động nặng nhọc. Dùng các thủ đoạn dụ dỗ, cưỡng ép học viên thỏa hiệp. Một số học viên đã sập bẫy và từ bỏ đức tin của mình.

Lính canh cũng lệnh cho các học viên viết “tam thư” để tuyên bố rằng họ hối hận khi luyện tập Pháp Luân Công và từ bỏ pháp môn này. Học viên nào từ chối hợp tác sẽ bị tra tấn.

Tra tấn

“Đào tường”: Đây là phương pháp tra tấn cơ bản được sử dụng nhiều nhất ở đây. Người bị tra tấn sẽ phải đứng cách tường ba bước và cúi người về phía tường cho đến khi đỉnh đầu chạm vào tường. Nạn nhân không được phép ngủ và chân họ bị sưng phồng lên theo cách tra tấn này. Một số người chân họ bị thương tổn đến mức họ chỉ có thể bò lết.

Tra tấn thể xác: Cả lính canh và “giám sát viên” đều thường xuyên đánh đập các học viên. Họ đánh và đá các học viên, tát vào mặt, dùng gậy đánh vào đầu, móc vào xương quai xanh, bóp tinh hoàn, v.v.

2018-12-29-torture-duda--ss.jpg

Minh họa phương thức tra tấn: Đánh đập

“Giám sát viên” cũng thường xuyên nhục mạ các học viên. Họ viết những từ lăng mạ lên giấy và sau đó dán chúng lên mặt của các học viên, lên tường hoặc giường ngủ. Thậm chí họ còn tổ chức cho phạm nhân xếp thành hàng chửi các học viên và thân nhân của họ.

Cấm ngủ và bỏ đói: Một số học viên không được phép ngủ trong ba ngày, hoặc thậm chí là bảy ngày, và một số chỉ được phép ngủ bốn tiếng mỗi ngày. Khi ông Lý Đạo Huy từ chối từ bỏ đức tin của mình, ông chỉ được cung cấp một muôi cơm cho mỗi bữa ăn trong một thời gian dài.

Không được mua đồ dùng cá nhân, không được thăm nom: Lính canh không cho phép các học viên mua các nhu yếu phẩm căn bản, như giấy vệ sinh, xà phòng, kem đánh răng. Học viên từ chối từ bỏ đức tin sẽ không được phép gặp hoặc nói chuyện qua điện thoại với thân nhân.

Bức thực: Khi các học viên tuyệt thực để phản kháng việc bị ngược đãi, họ bị tra tấn bằng phương pháp “đào tường.” Sau khi yếu đến mức không thể đứng vững, lính canh sẽ kéo họ tới bệnh viện nhà tù để tiến hành bức thực. Lính canh trói học viên vào giường và nhét ống nhựa qua mũi chọc thẳng xuống dạ dày người đó. Ông Liễu Đức Ngọc, ngoài 60 tuổi, đã bị bức thực trong một tháng và trở nên rất hốc hác.

2014-1-7-kuxing-guanshi--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Bức thực

Đông lạnh: Vào mùa đông giá rét, lính canh lệnh cho các “giám sát viên” dội nước lên quần áo của các học viên. Ông Trương Húc Dân đã bị lôi ra ngoài trời lạnh giá có gió bấc sau khi các “giám sát viên” ngâm ướt quần áo của ông. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục thiện ý giảng chân tướng cho những người đã tra tấn ông, và nói với họ về luật nhân quả.

Đâm chọc: Khi một học viên bị cấm ngủ nhắm mắt lại, “giám sát viên” sẽ dùng tăm hoặc kim để đâm người đó. Ông Trần Toàn Long bị trói chặt và đẩy ra ngoài trời cho muỗi đốt. Một giám sát viên còn dùng kim đâm vào chân ông như là một trò tiêu khiển.

Cưỡng chế uống nước tiểu: “Giám sát viên” không để ông Lưu Đức Ngọc sử dụng nhà vệ sinh và còn táng tận lương tâm bắt ông phải uống nước tiểu của chính mình.

Hạ độc bằng thuốc: Ông Lý Minh bị bức thực bằng chất không rõ nguồn gốc. Sau đó, toàn thân ông bị sưng phù.

Còng tay và xích chân: Ông Lý Vạn Đức bị tra tấn bằng hình thức “Treo người hình chữ đại (大)”. Bởi ông bị còng tay trong thời gian dài, nên còng tay cứa vào cổ tay và xương nhô cả ra ngoài. Miệng vết thương còn có cả giòi.

2015-1-1-minghui-persecution-kuxing-01--ss.jpg

Minh họa phương thức tra tấn: “Treo người hình chữ đại (大)

Ghế cọp: Lính canh trói ông La Văn Đào vào một chiếc ghế và họ không cởi trói khi ông cần đi vệ sinh. Họ cũng nhét tai nghe vào tai ông, mở âm lượng lớn nhất, và cưỡng chế ông nghe những tà thuyết của ĐCSTQ và nội quy của nhà tù.

2004-6-6-tiger_bench--ss.jpg

Minh họa phương thức tra tấn: Ghế cọp

Lôi kéo gia đình học viên bằng những lời dối trá

Nhân viên nhà tù thường tới nhà của các học viên bị bắt giữ. Họ giả bộ tử tế và yêu cầu gia đình giúp khuyên các học viên từ bỏ đức tin của mình, và nói rằng nếu làm vậy thì các học viên sẽ được giảm án.

Nếu sau đó học viên từ chối từ bỏ đức tin, lính canh sẽ nói rằng học viên đó không quan tâm gì đến gia đình, và cố gắng ly gián, chia rẽ tình thân, khiến người nhà oán hận học viên, cừu hận Đại Pháp.

Khi một học viên được thả, nhà tù sẽ chuyển người đó thẳng đến Phòng 610 địa phương chứ không phải là gia đình của học viên đó.

Nhà tù Phạm Gia Đài:
Điện thoại: +86-72-48570016, +86-72-48570067, +86-72-48562210

Trang Quảng Lăng, quản giáo (Số hiệu 4244000)
Mã Trí Dũng, chính ủy (Số hiệu 4244004)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/22/388908.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/17/178468.html

Đăng ngày 24-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share