Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 03-07-2019] Theo thông tin tổng hợp từ Minh Huệ Net, 329 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án tù vì không từ bỏ đức tin của họ trong nửa đầu năm 2019.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.
Thời hạn tù của các học viên là 6 tháng đến 13 năm, trung bình là 3,51 năm.
Ông Tả Hồng Đào ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc đã bị kết án 13 năm tù. Ba học viên khác bị bắt cùng ông là ông Ngô Văn Chương, bà Lý Quốc Ái, và ông Lưu Trường Phú, cũng bị kết án nặng, lần lượt là 11 năm, 10 năm và 8 năm. Vợ của ông Tả, bà Thôi Thu Vinh, không tu luyện nhưng ủng hộ Pháp Luân Công nên cũng bị kết án 19 tháng tù. Công an đã cướp đoạt 150.000 nhân dân tệ trong khi lục soát công ty bất động sản của cặp vợ chồng này.
Trong nửa đầu năm 2019, hàng tháng đều có các học viên bị kết án tù, trong đó tháng 1 có tỉ lệ cao nhất (94 bản án), còn những tháng khác số lượng bản án cũng là hai con số.
Tổng cộng có 62 học viên trên 65 tuổi đã bị kết án. Người cao tuổi nhất là ông Trương Tân Vỹ, 89 tuổi, bị kết án 3 năm tù giam vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, tội phát động đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999.
Trong số này, có 136 học viên bị công an tống tiền hoặc bị toà án tuyên phạt, tổng cộng 1.808.300 tệ, trung bình 13.296 tệ/1 người.
Ông Loan Ngưng ở thành phố Ngân Xuyên, khu tự trị Ninh Hạ, đã bị kết án 10 năm tù và phạt 100.000 tệ.
Các học viên bị kết án đến từ 23 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Tỉnh Sơn Đông dẫn đầu với 67 học viên bị kết án, tiếp đó là tỉnh Hắc Long Giang (39) và tỉnh Liêu Ninh (34).
Việc kết án tập thể khá nổi cộm trong nửa đầu năm 2019. Đặc biệt, 13 học viên ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án từ 3,5 đến 10 năm tù vào ngày 28 tháng 2 năm 2019. 11 học viên khác ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô đã bị kết án từ 1 đến 7 năm tù vào ngày 25 tháng 3 năm 2019.
Do ĐCSTQ phong toả thông tin, số lượng học viên Pháp Luân Công bị kết án luôn không thể được báo cáo kịp thời, và không có sẵn đầy đủ thông tin.
Vi phạm các trình tự pháp lý
Từ bằng chứng nguỵ tạo đến các phiên xét xử bí mật, chính quyền đã vi phạm mọi bước trong quy trình tố tụng nhằm bỏ tù các học viên.
Ông Đỗ Dĩ Hợp ở huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông, đã bị kết án 4,5 năm tù vào ngày 10 tháng 1 năm 2019. Gia đình ông đã nghe ngóng được một số thông tin không chính thức về bản án vào đầu tháng 10 năm 2018, một tháng trước phiên toà bí mật bên trong một phòng xử án tạm thời tại Trạm tạm giam Nghi Nam vào ngày 24 tháng 11 năm 2018.
Bà Mạc Á Cầm, 73 tuổi, ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án bí mật 1 năm tù vào ngày 28 tháng 3 năm 2019. Toà án đã không thông báo phán quyết cho luật sư của bà. Mãi đến khi luật sư đến thăm bà trong trại tạm giam vào tháng 5, ông mới biết về bản án.
Bà Nhậm Tố Hương, 55 tuổi, ở thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ, đã bị kết án 8 năm tù vào ngày 15 tháng 4 năm 2019. Sau khi bà bị truy tố, luật sư do toà án chỉ định cho bà đã cố buộc bà nhận tội. Khi bà từ chối hợp tác, luật sư đã quay sang con bà và đe doạ rằng bà có thể bị 15 năm tù hoặc thậm chí tù chung thân nếu bà không từ bỏ đức tin của mình.
Trong hai phiên xét xử diễn ra vào ngày 28 tháng 2 và 14 tháng 3 năm 2019, công an đã đưa ra hai bản báo cáo không thống nhất về quá trình họ đã thu giữ tài liệu từ bà Nhậm. Một bản, họ giải thích rằng các tài liệu này do người đã tố cáo bà Nhậm chuyển đến; tuy nhiên, trong bản còn lại, công an lại nói rằng họ có được các tài liệu này khi tiến hành lục soát nhà riêng của bà Nhậm.
Bà Nhậm cho biết công an đã không mặc cảnh phục hay xuất trình lệnh khám xét trong khi đột kích nhà bà. Ông Trương Chí Cường, trưởng đồn công an địa phương đã đáp lại: “Thẻ công an chính là lệnh khám xét. Sau phiên tòa, chúng tôi có thể điền thông tin một cách dễ dàng vào lệnh khám xét đối với trường hợp của bà.”
Ông Lý Chấn Dương ở thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị còng tay và xích chân, đồng thời có một sợi dây xích nối giữa còng tay và xích chân của ông trong phiên toà diễn ra vào ngày 22 tháng 3 năm 2019, khiến ông không thể đi hay đứng thẳng người.
Khi gặp ông lần đầu tiên sau lần bị bắt giữ vào ngày 22 tháng 8 năm 2018, gia đình đã đau lòng khi thấy ông Lý đã bị kết án 4 năm tù vào tháng 6 năm 2019.
Minh hoạ tra tấn: Còng tay nối vào xích chân
Các học viên lớn tuổi bị kết án tù
Bà lão 81 tuổi ở tỉnh Liêu Ninh bị kết án hai năm tù giam vì đức tin của mình
Ngày 25 tháng 6 năm 2019, các viên chức tòa án đã tới nhà bà Hồng Thục Vân để thông báo rằng bà đã bị kết án 2 năm tù giam và phạt 5.000 nhân dân tệ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.
Sau nhiều giờ khám sức khỏe, bà Hồng, một cư dân 81 tuổi ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, đã bị đưa tới trại tạm giam Nam Câu. Sau khi bà Hồng trở về nhà, các quan chức tòa án lại yêu cầu bà khám sức khỏe bổ sung để giam giữ bà.
Bản án của bà Hồng được đưa ra vài tháng sau khi các quan chức của viện kiểm sát và tòa án tới nhà bà để tổ chức “những phiên xét xử” trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2019.
Cụ bà 82 tuổi bị kết án một năm tù vì phân phát tài liệu về đức tin của mình
Ngày 18 tháng 4 năm 2019, Toà án Khu Đại Hưng đã kết án bà Mã Tú Anh, 82 tuổi 1 năm tù và phạt 2.000 nhân dân tệ. Sau khi trại tạm giam Đại Hưng ở địa phương từ chối tiếp nhận bà vì lý do sức khỏe, công an đã đưa bà về nhà trong ngày hôm đó và bảo bà đợi thông báo tiếp theo.
Bà Mã bị bắt vào ngày 25 tháng 9 năm 2015, sau khi bị tố giác vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Sau đó bà đã được bảo lãnh, nhưng bị bắt lại vào tháng 6 năm 2017 khi chuẩn bị rời thị trấn. Công an tuyên bố rằng bà đã vi phạm điều kiện bảo lãnh.
Bà Cao Tông Hoa, 78 tuổi, ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, đã bị kết án 1 năm tù và phạt 2.000 tệ vào ngày 24 tháng 1 năm 2019 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà vừa kết thúc án tù 7 năm (cũng chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công) cách đây hai năm.
Người mẹ đã 100 tuổi của bà Cao cùng cháu gái đã tới tòa án để yêu cầu thả bà Cao vào ngày 21 tháng 1 năm 2019, và bị thẩm phán Nghê Na từ chối. Ba ngày sau, bà ta đã kết án bà Cao. Mẹ của bà Cao đã rất đau buồn vì không thể đón Tết Nguyên đán cùng với con gái.
Ba học viên Pháp Luân Công ở độ tuổi ngoài 70 bị kết án nặng vì đức tin của họ
Ba cư dân ở huyện Ba Ngạn, tỉnh Hắc Long Giang, đều ngoài 70 tuổi, đã bị kết án từ 7 đến 9 năm tù vào tháng 2 năm 2019.
Bà Phạm Thục Phân, 70 tuổi, và bà Vũ Quế Chi, 73 tuổi, bị kết án tới 7 và 8 năm tù giam trong Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang. Ông Trương Hồng Chu, 72 tuổi, phải nhận mức án 9 năm tù trong Nhà tù Hô Lan.
Ba học viên đã bị bắt từ giữa tháng 9 đến tháng 10 năm 2017 và đã bị đưa ra xét xử tại Toà án Ý Lan vào ngày 19 tháng 7 năm 2018.
Liên tục bị bức hại
Một cư dân Tân Cương lại bị kết án phi pháp 12 năm tù sau 9 năm bị cầm tù oan sai
Ông Trương Thuận Tân, 53 tuổi ở thành phố Khách Thập, Tân Cương đã bị kết án 12 năm tù vào ngày 1 tháng 2 năm 2019 vì gửi thư có thông tin về Pháp Luân Công. Thẩm phán đã không thông báo cho luật sư của ông Trương về bản án và ông ta đã chờ cho đến khi hết thời hạn kháng án 15 ngày mới thông báo cho gia đình ông về việc kết án vào ngày 25 tháng 2.
Trước án tù 12 năm này, ông Trương từng bị cầm tù 9 năm trong Nhà tù Số 5 Tân Cương từ năm 2002 đến năm 2011. Ông đã bị tra tấn theo nhiều cách khác nhau, trong đó có việc chỉ được ngủ một tiếng mỗi ngày. Đây là một trong số những phương thức tra tấn của nhà tù hòng ép ông từ bỏ tín ngưỡng của mình.
Người đàn ông Ninh Hạ lại bị kết án 10 năm tù vì gửi thư giảng chân tướng Pháp Luân Công
Ông Loan Ngưng, 60 tuổi, cựu giám đốc của Trung tâm Nguồn nhân lực và Lao động Ngân Xuyên, đã bị kết án 10 năm tù và phạt 100.000. Phiên xét xử diễn ra vào ngày 14 tháng 2, và bản án được tuyên vào ngày 16 tháng 4 năm 2019.
Ông Loan đã bị chính quyền nhắm đến vào tháng 2 năm 2017 sau khi bị tố giác vì gửi thư có thông tin về Pháp Luân Công. Công an đã theo dõi và giám sát ông vài tháng trước khi tiến hành bắt giữ ông vào ngày 27 tháng 8 năm 2017.
Ông Loan đã bị cáo buộc tội danh “lật đổ chính quyền”, một cái cớ thường được chính quyền cộng sản Trung Quốc dùng để kết tội các nhà hoạt động nhân quyền và học viên Pháp Luân Công. Luật sư của ông đã lập luận rằng “bằng chứng” được cung cấp là giả mạo.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Loan bị bỏ tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước đây ông đã từng bị kết án hai lần với án tù lần lượt là ba và bốn năm.
Tình trạng sức khoẻ bị làm ngơ
Bà Trương Phú Trân
Bà Trương Phú Trân, 73 tuổi, một cư dân thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đã bị kết án 2 năm tù vào tháng 3 năm 2019, không lâu sau khi bà trở về nhà sau một năm sống trôi dạt để tránh bị bức hại. Các con bà, những người đã bị công an sách nhiễu và đe dọa trong gần một năm, đã báo bà với công an.
Với sức ép từ phía chính quyền và các con, bà Trương bị huyết áp cao, bệnh tim, và bệnh tiểu đường. Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm đã từ chối tiếp nhận bà. Các nhà chức trách đã thuê hai người theo dõi bà mỗi ngày và báo cáo cho họ nhất cử nhất động của bà.
Trong vòng hai tháng, Tòa án Khu Lịch Hạ đã liên hệ với ba bệnh viện để kiểm tra sức khỏe cho bà Trương, nhưng mỗi lần kết quả đều cho thấy sức khỏe của bà rất yếu kém.
Tháng 5 năm 2019, hai công an đã đưa bà Trương tới trại tạm giam Trọng Cung để kiểm tra sức khỏe. Ngay trước khi họ nhận kết quả, họ đã đưa bà tới bệnh viện của Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông, và bà đã bị giam cầm ở cơ sở này kể từ đó.
Một phụ nữ Sơn Đông bị từ chối cho bảo lãnh tại ngoại và bị kết án tù vì đức tin của mình
Bà Vương Thu Lan, 69 tuổi, một cư dân thành phố Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông, đã bị bí mật kết án 3,5 năm tù vào tháng 3 năm 2019.
Bất chấp sự thật là do bị giam trong trại tạm giam nên bà đã phát sinh bệnh đau bao tử và các vấn đề về thận, chính quyền vẫn từ chối cho bà được bảo lãnh tại ngoại và đã đưa bà đến Nhà tù Nữ Sơn Đông vào giữa tháng 3 năm 2019.
Tình trạng sức khỏe của bà Vương và lần cầm tù gần đây đã khiến gia đình bà thống khổ cực độ. Người chồng 70 tuổi và người mẹ già gần 100 tuổi của bà rất lo lắng cho bà.
Bị kết án vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại hoặc giúp đỡ các học viên
Cư dân Trùng Khánh 72 tuổi bị kết án bốn năm tù giam vì có tài liệu thông tin Pháp Luân Công
Ngày 13 tháng 6 năm 2019, Tòa án Khu Giang Bắc ở Trùng Khánh đã kết án bà Lan Thái Liên, 72 tuổi, 4 năm tù và phạt 5.000 tệ.
Bà Lan bị bắt giữ vào tháng 1 năm 2019 vì sở hữu tài liệu Pháp Luân Đại Pháp và sử dụng tiền giấy có ghi chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.
Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Trùng Khánh, nói rằng quyết định của tòa án cấp thấp hơn đã vi phạm pháp luật; thẩm phán và công tố viên đã rất minh bạch rằng Pháp Luân Đại Pháp là hoàn toàn hợp pháp ở Trung Quốc.
Mẹ, con trai và con gái bị kết án tù vì giúp đỡ một học viên Pháp Luân Công, người đã trốn thoát khỏi án tù giam bị kéo dài
Bà Tôn Sỹ Anh và các con
Bà Tôn Sỹ Anh và hai người con của bà ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt vào ngày 6 tháng 3 năm 2017 vì đã cung cấp chỗ ở cho bà Lữ Vinh Trân, người đã trốn thoát khỏi trại giam khi vừa kết thúc 9 năm tù giam vì tu luyện Pháp Luân Công.
Đầu tháng 6 năm 2017, công an đã chuyển hồ sơ vụ án của bà Tôn, con trai bà là anh Vương Hồng Nham, và con gái của bà là cô Vương Hồng Diễm tới Viện Kiểm sát khu Triều Dương. Ngày 10 tháng 7 năm 2018, công tố viên đã truy tố họ và chuyển vụ án của họ tới Tòa án Triều Dương.
Thẩm phán đã cản trở hai luật sư của gia đình xem xét tài liệu vụ án, và cũng tìm mọi cách ngăn cản hai vị luật sư đó đại diện cho các học viên, bằng cách yêu cầu họ gửi thông tin cá nhân tới Văn phòng Tư pháp địa phương, điều mà luật pháp không yêu cầu.
Bà Tôn và cô Vương bị đưa ra xét xử vào ngày 30 tháng 11 năm 2018. Thẩm phán đã kết án tù hai mẹ con bà Tôn mỗi người 2,5 năm tù và phạt mỗi người 5.000 nhân dân tệ.
Anh Vương ra toà vào ngày 8 tháng 11 năm 2018. Phiên xét xử kéo dài vỏn vẹn tám phút đồng hồ. Cả luật sư và gia đình của anh Vương đều không được thông báo. Năm tháng sau thẩm phán mới công bố bản án 2,5 năm tù vào ngày 9 tháng 4 năm 2019.
Kết án theo nhóm
Chín người dân tỉnh Tứ Xuyên bị kết án vì đức tin của họ
Chín học viên Pháp Luân Công ở thành phố Ba Châu, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị kết tội vào ngày 7 tháng 1 năm 2019, ba tháng sau phiên xử của họ vào tháng 11 năm 2018. Tất cả học viên đều bị kết án lên đến 5 năm tù và bị phạt tiền.
Sáu người trong số họ là từ 70 tuổi trở lên, trong đó có hai người trên 80 tuổi. Họ bị bắt vào ngày 22 tháng 12 năm 2017 vì không từ bỏ đức tin.
Dưới đây là chi tiết về tuổi, án tù, và tiền phạt của các học viên:
Ông Trương Tân Vĩ, 89 tuổi, ba năm và 4.000 tệ.
Ông Trương Minh Lãng, 82 tuổi, năm năm và 10.000 tệ.
Ông Khang Tôn Lục, 71 tuổi, ba năm rưỡi và 5.000 tệ.
Ông Chúc Thiên Quý, 71 tuổi, bốn năm và 6.000 tệ.
Ông Nhạc Anh Thông, 70 tuổi, bốn năm và 6.000 tệ.
Ông Đại Vạn Nghĩa, 70 tuổi, ba năm và 4.000 tệ.
Bà Chu Lệ Hoa, 62 tuổi, bốn năm và 6.000 tệ.
Bà Trần Quốc Quỳnh, 54 tuổi, hai năm rưỡi và 3.000 tệ.
Bà Tôn Dung, 40 tuổi, một năm rưỡi và 2.000 tệ.
Học viên thứ mười, bà Dương Gia Thuận, 69 tuổi, được tha bổng.
13 cư dân ở tỉnh Hắc Long Giang bị kết án tù vì đức tin của mình
Ngày 28 tháng 2 năm 2019, 13 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án tù vì đức tin của họ. Án tù của họ dao động từ 3,5 – 10 năm, trung bình là 5,8 năm. Chín người trong số họ có độ tuổi từ 45 đến 59, và bốn người còn lại ở độ tuổi 63 đến 70. Mức phạt trung bình là 35.769 nhân dân tệ.
Cụ thể, bà Tống Ngọc Chi bị mức án nặng nhất với 10 năm tù và bị phạt 65.000 nhân dân tệ.
Những học viên này bị bắt trong khoảng thời gian từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 13 tháng 10 năm 2017. Họ đã bị đưa ra xét xử tại Toà án huyện Y Lan vào ngày 24 tháng 7 năm 2018. Các luật sư của họ đã biện hộ vô tội cho họ và lập luận rằng không có cơ sở pháp lý nào cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Những học viên bước vào phòng xử án đều bị còng tay và cùm chân. Luật sư của họ phàn nàn về sự ngược đãi này và yêu cầu tháo còng tay cho thân chủ của mình. Thẩm phán Lữ Thủ Phương đã đồng ý.
11 cư dân tỉnh Giang Tô bị kết án tù vì đức tin của họ
11 cư dân ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, bao gồm 7 người trên 60 và 70 tuổi, đã bị kết án tù trong phiên hầu tòa thứ hai vào ngày 25 tháng 3 năm 2019 vì tu luyện Pháp Luân Công.
11 học viên này đã bị bắt giữ vào ngày 5 tháng 6 năm 2018. Công an đã lục soát nhà họ và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, điện thoại di động và các vật dụng khác. Họ bị tòa án địa phương xét xử lần đầu vào ngày 27 tháng 11 năm 2018.
Sáu học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông bị kết án
Sáu học viên ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, đã bị Toà án Thành phố Phượng Thành kết án tù vào ngày 13 tháng 6 năm 2019.
Bà Lộc Khắc Cần, 68 tuổi, một nhân viên hưu trí của Đại học Khoa học Kỹ thuật Sơn Đông, và bà Hàn Tuyết Hoa, 74 tuổi, đều bị kết án 3,5 năm và phạt 30.000 tệ.
Ông Trương Tự Dân, 54 tuổi, cựu phó giám đốc Cục Tài nguyên – Đất đai Thành phố Phượng Thành, và bà Lưu Thiên, 53 tuổi, một cựu giáo viên tiểu học, đều bị kết án 2,5 năm và phạt 30.000 tệ.
Bà Hồ Tú Hương, 43 tuổi, bị kết 1,5 năm và phạt 10.000 tệ.
Bà Mã Tuấn Đình, 78 tuổi, giáo sư về hưu của Đại học Khoa học Kỹ thuật Sơn Đông, bị kết án 3 năm tù với 4 năm quản chế, và phạt 40.000 tệ.
Sáu học viên bị bắt vào thời điểm khác nhau nhưng đều bị Viện Kiểm sát Thành phố Phượng Thành truy tố vào ngày 29 tháng 12 năm 2018.
Danh sách các học viên Pháp Luân Công bị kết án vì đức tin của họ vào nửa đầu năm 2019 (PDF)
Báo cáo liên quan:
60 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án tù trong tháng 5 năm 2019 vì từ chối từ bỏ đức tin
38 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án tù trong tháng 4 năm 2019 vì không từ bỏ đức tin
109 học viên Pháp Luân Công bị kết án trong tháng 1 và tháng 2 năm 2019 chỉ vì đức tin của họ
52 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vào tháng 1 năm 2019 vì không chịu từ bỏ đức tin
931 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vì đức tin của họ trong năm 2018
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/3/389483.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/17/178478.html
Đăng ngày 29-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.