Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-06-2019] Theo Minghui.org thống kê, trong tháng 5 năm 2019, đã ghi nhận 60 học viên Pháp Luân Công bị hệ thống toà án của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết án tù.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp môn này vào tháng 7 năm 1999, nhiều học viên đã bị bắt, giam cầm, bỏ tù, tra tấn, lao động cưỡng bức và thậm chí là bị mổ cướp nội tạng.
Các học viên đã bị kết án vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công, bao gồm gửi thông tin chân tướng đến điện thoại di động của mọi người. Một số bị bắt trong khi đang đọc sách của Pháp Luân Công tại nhà. Một chủ doanh nghiệp tư nhân ở Quảng Đông bị bắt và bị kết án sau khi thông tin liên quan đến Pháp Luân Công được tìm thấy trong tài khoản WeChat của công ty ông.
Các học viên bị kết án thuộc 13 tỉnh thành và khu tự trị ở Trung Quốc, nhiều nhất là ở tỉnh Sơn Đông và Hắc Long Giang, lần lượt là 12 và 10 trường hợp. Thời hạn tù dao động từ sáu tháng đến 10 năm, mức án trung bình là 3,33 năm.
Bởi ĐCSTQ phong toả thông tin, số lượng học viên bị kết án luôn không thể được báo cáo kịp thời, hoặc hoàn toàn không có thông tin.
Trong 60 trường hợp, có 29 học viên bị công an tống tiền hoặc bị toà án phạt tiền với tổng số tiền là 287.000 tệ, tiền phạt trung bình 9.897 tệ/người.
Sáu học viên từ 65 tuổi trở lên. Mức án của họ là từ 1 đến 10 năm, trong đó bà Vương Tố Bình (67 tuổi) bị kết án 10 năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ.
Dưới đây là sơ lược thông tin về một số học viên bị kết án.
Tám học viên ở Thái Nguyên bị kết án tù và bị phạt tiền
Gần đây, tám học viên Pháp Luân Công ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây đã bị kết án vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, sau phiên toà ngày 2 tháng 4 năm 2019. Tất cả đều bị phạt tiền, và thời hạn tù từ 1 đến 10 năm.
Sau đây là tên, tuổi, án tù và tiền phạt của các học viên:
Bà Tôn Chí Phân, 60 tuổi, 10 năm tù, 30.000 tệ tiền phạt.
Bà Vương Tố Bình, 67 tuổi, 10 năm tù, 30.000 tệ tiền phạt.
Bà Trương Thanh Hương, 69 tuổi, sáu năm tù, 20.000 tệ tiền phạt.
Bà Điền Ngọc Cầm, 60 tuổi, sáu năm tù, 20.000 tệ tiền phạt.
Ông La Bảo Quân, 62 tuổi, năm năm tù, 20.000 tệ tiền phạt.
Bà Trương Nhuận Anh, 71 tuổi, hai năm tù, 10.000 tệ tiền phạt.
Bà Quách Nhuận Tiên, 68 tuổi, một năm tù, 6.000 tệ tiền phạt.
Bà Hồ Lan Anh, 65 tuổi, một năm tù, 5.000 tệ tiền phạt.
Các học viên này bị bắt vào ngày 25 tháng 6 năm 2018. Trong đó năm người gồm bà Tôn, bà Điền, bà Hồ, ông La và bà Quách đã bị bắt khi đang đọc sách Pháp Luân Công tại nhà bà Tôn.
Ba người còn lại, bà Trương Thanh Hương, bà Trương Nhuận Anh (không có quan hệ huyết thống) và bà Vương Tố Bình bị bắt vào khoảng 9 giờ tối cùng ngày.
Bài liên quan:
Chín cư dân ngoài 60 và 70 tuổi ở tỉnh Sơn Tây bị xét xử vì tu luyện Pháp Luân Công
Bảy học viên ở tỉnh Sơn Đông bị kết án tù
Năm học viên ở thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, đã bị kết án tù và phạt tiền sau hơn một năm bị giam giữ kể từ khi bị bắt vào năm 2018.
Bà Khương Hải Anh bị kết án bốn năm tù và phạt 10.000 tệ. Bà đã bị đưa đến Nhà tù nữ Tế Nam.
Ông Vinh Xuân Thành bị kết án bốn năm tù và phạt 10.000 tệ.
Ông Cao Liên Hồng bị kết án ba năm tù và phạt 10.000 tệ. Vợ ông, bà Cừu Ngọc Hương, bị kết án ba năm tù với bốn năm thử thách và phạt 10.000 tệ.
Bà Đái Truyền Hoa, bị kết án ba năm tù với ba năm thử thách và phạt 10.000 tệ.
Ông Vinh và ông Cao đã bị đưa đến Nhà tù Tế Nam.
Hai học viên khác là bà Dương Tiểu Hoa và bà Tề Ái Hoa, ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, đã bị kết án bốn năm và ba năm. Gia đình họ đã nhận được phán quyết của toà án vào ngày 10 tháng 5 năm 2019.
Hai học viên này đã bị chính quyền nhắm đến trong đợt bắt giữ trên diện rộng được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2019, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được tổ chức tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, vào ngày 9 và 10 tháng 6 năm 2018.
Bài liên quan:
Sơn Đông: Ba người phụ nữ thiện lương là mục tiêu trong đợt bắt giữ quy mô lớn đã bị xét xử vì kiên định đức tin của mình
Ngày 24 tháng 5 năm 2019, bảy cư dân thành phố Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án tù vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Họ đều đã kháng cáo các bản án.
Ông Dương Truyền Hậu, bà Vương Phương, bà Vương Phúc Hoa, bà Bạch Hà và bà Triệu Đình Đình đã bị kết án hai năm tù giam. Bà Tống Hồng Vỹ lĩnh bản án 1,5 năm tù. Bà Cao Cẩm Thục, người bị huyết áp cao nghiêm trọng kể từ khi bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái, bị kết án một năm tù. Ngoài ra, mỗi người còn bị phạt 5.000 tệ.
Bảy học viên lần đầu xuất hiện tại Tòa án Thành phố An Đạt vào ngày 16 tháng 4 năm 2019. Phiên xét xử đã phải dừng lại chỉ vài phút sau khi bắt đầu vì bà Cao trở nên không tỉnh táo và nôn mửa do huyết áp cao.
Mặc dù tòa án đã đồng ý cho bà Cao được tại ngoại để điều trị y tế sau phiên xét xử đầu tiên vào tháng 4, song lãnh đạo của Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương (UBCTPL) đã ngăn cản điều đó.
UBCTPL là một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công và được trao quyền lực vượt trên hệ thống tư pháp.
Phiên xét xử thứ hai được tổ chức vào ngày 14 tháng 5, kéo dài từ 9 giờ 10 phút sáng đến tận 8 giờ tối. Sáu luật sư đã biện hộ vô tội cho bảy học viên. Họ lập luận rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Các luật sư cũng nhấn mạnh rằng các học viên sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công chỉ có thể mang lại lợi ích cho xã hội mà không gây hại cho bất kỳ ai.
Năm cư dân Quảng Đông bị kết án tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đức tin của họ
Năm cư dân ở thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông đã bị kết án tù vào giữa tháng 5 năm 2019 vì truyền rộng thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Ông Ngô Xuân Hùng, chủ sở hữu một công ty nhỏ ở huyện Yết Tây, thành phố Yết Dương, đã bị bắt giam vào ngày 22 tháng 5 năm 2017 sau khi bị công an theo dõi một thời gian vì phát hiện thông tin liên quan đến Pháp Luân Công trên tài khoản WeChat của công ty ông. Ba nhân viên của ông và cũng là học viên Pháp Luân Công, bao gồm ông Ngô Húc Khâm (không có họ hàng với Ngô Xuân Hùng), ông Đường Kiến Quần và bà Thái Lâm Hoa, đã bị bắt cùng ngày hôm đó.
Khi công an đưa ông Ngô Húc Khâm về nhà và lục soát nơi ở của ông, họ cũng bắt mẹ ông, bà Trần Hiểu Bân, cũng là một học viên Pháp Luân Công. Cha ông, ông Ngô Mai Bình, đã thoát khỏi bị bắt giữ vì ông không có ở nhà trong lúc cảnh sát đột kích. Sau đó, ông Ngô Mai Bình đã bị liệt vào danh sách truy nã của Phòng 610 địa phương, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt chỉ để bức hại Pháp Luân Công. Ngày 15 tháng 3 năm 2019, ông đã bị bắt vào khi đi xin phép tham dự phiên xét xử của con trai và vợ. Hiện ông đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Thành phố Yết Dương.
Ngoài gia đình ông Ngô Húc Khâm, công an cũng thẩm vấn các nhân viên khác và hỏi ai đã giới thiệu họ đến công ty và ai là người nhà của họ. Sau đó công an đã bắt giữ một số cá nhân liên quan, gồm cả một số nhân viên cũ của công ty.
Ông Ngô Xuân Hùng đã bị buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh và nhiều tài sản cá nhân của ông đã bị tịch thu.
Năm học viên đã bị kết án tù sau khi bị Viện Kiểm sát Khu Dong Thành truy tố vào ngày 29 tháng 1 năm 2019 và bị Tòa án Khu Dong Thành xét xử vào ngày 19 tháng 3 năm 2019. Ông Đường bị kết án 8 năm tù, ông Ngô Húc Khâm nhận bản án 7,5 năm, bà Trần và bà Thái mỗi người 2,5 năm. Thời hạn thi hành án đối với ông Ngô Xuân Hùng vẫn đang được xem xét.
Một người đàn ông chỉ còn da bọc xương bị cầm tù vì không từ bỏ đức tin của mìnhÔng Kha Xương Viêm, một cư dân thành phố Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc vừa bị kết án bốn năm tù vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị xét xử lần đầu vào ngày 15 tháng 11 năm 2018.
Gia đình ông Kha được gặp ông lần đầu tiên vào ngày 28 tháng 5 năm 2019, một ngày trước khi ông bị chuyển từ trại tạm giam Hùng Gia Biên đến Nhà tù Sa Dương. Gia đình ông rất sốc khi thấy ông chỉ còn da bọc xương sau gần 16 tháng bị giam giữ kể từ khi bị bắt vào ngày 16 tháng 1 năm 2018.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Kha bị bức hại vì đức tin của mình. Trước án tù mới nhất, ông từng liên tục bị bắt và hai lần thụ án trong trại lao động cưỡng bức với thời gian tổng cộng bốn năm. Ông phải chịu nhiều hình thức tra tấn và bức thực bởi thuốc không rõ nguồn gốc, sau đó ông thường xuyên bị chóng mặt, mất trí nhớ và rối loạn thần kinh.
Liên tục bị bắt giữ và tra tấn, người phụ nữ Nội Mông Cổ lại bị kết án tù
Gần đây, một phụ nữ ở Nội Mông Cổ đã bị kết án ba năm tù, không lâu sau phiên tòa diễn ra vào đầu tháng 5 năm 2019.
Bà Đoàn Học Cầm, khoảng 70 tuổi, bị bắt trong khi phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công vào ngày 6 tháng 12 năm 2018, sau 11 tháng được trả tự do khỏi nhà tù. Công an đã lục soát nhà bà và tịch thu một máy tính xách tay và các sách Pháp Luân Công. Ba tuần sau, Viện Kiểm sát Ba Lâm Tả Kỳ đã truy tố bà.
Sau khi bị bắt, bà Đoàn đã bị giam giữ và tra tấn, trong đó có sốc điện ở trong trại tạm giam Ba Lâm Tả Kỳ, và bà trở nên rất yếu.
Trước án tù này, bà Đoàn từng bị giam và tra tấn liên tục kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999.
Một phụ nữ Liêu Ninh lại bị kết án sau chín năm tù giam
Bà Thiệu Trường Hoa, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án 3,5 năm tù vào ngày 30 tháng 5 năm 2019 vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Bà đã kháng án.
Ngày 17 tháng 8 năm 2018, bà Thiệu bị bắt khi tiễn bạn ra về. Thân nhân của bà được công an thông báo rằng bà bị bắt vì đã cùng hai học viên khác treo biểu ngữ có thông tin Pháp Luân Công cách đây một năm trước, và bà sẽ được thả ra sau bảy ngày.
Tuy nhiên, vào ngày thứ năm gia đình biết rằng bà đã bị giam giữ hình sự và bị đưa đến trại tạm giam Đan Đông.
Một tháng sau, vào ngày 19 tháng 9 năm 2018, luật sư đến thăm bà và thấy bà rất yếu. Gia đình đã đề nghị thả bà nhưng được biết hồ sơ của bà được gửi tới viện kiểm sát. Sau hai lần hồ sơ bị trả lại cho viện kiểm sát vì thiếu bằng chứng, cuối cùng bà đã bị truy tố và ra hầu toà vào ngày 11 tháng 4 năm 2019. Phiên xử đầu tiên kéo dài trong 1,5 giờ đồng hồ.
Ngày 19 tháng 5 năm 2019, phiên xử thứ hai được tổ chức bí mật tại Toà án Nhân dân Chấn An. Sau phiên xử, con gái bà Thiệu đã đến toà án và yêu cầu thả bà. Cô nói với thẩm phán rằng mẹ cô không hề vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thẩm phán đã nói với cô rằng nếu thả bà, ông ta sẽ bị ngồi tù thay bà, thêm nữa việc giam giữ bà là do bà đã từ chối từ bỏ đức tin.
Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, bà Thiệu đã bị giam hai lần trong Nhà tù nữ Liêu Ninh, vì đã nói với mọi người về Pháp Luân Công. Lần đầu tiên bà Thiệu bị ngồi tù năm năm vào năm 2005 sau khi bị bắt vào tháng 10 năm 2004. Bà lại bị bắt giữ vào ngày 6 tháng 9 năm 2010 và bị kết án tù bốn năm tù.
Bài liên quan:
Chín năm tù oan, chín năm bị tra tấn tàn nhẫn
Ngày 31 tháng 5 năm 2019, một cư dân thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã bị kết án 3,5 năm tù và phạt 5.000 tệ chỉ vì nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Ông Diêm Vinh Kiệt bị bắt vào ngày 23 tháng 7 năm 2018 sau khi bị tố giác đã gửi thông tin về Pháp Luân Công tới điện thoại di động của người dân. Tối hôm đó, công an đã lục soát nhà ông. Sự thô bạo và tàn nhẫn của công an đã khiến cha ông Diêm, một cụ ông ngoài 80 tuổi, vô cùng sợ hãi. Ông cụ không chịu ăn uống gì sau lần đột kích đó và một tháng sau ông cụ bị đau tim.
Sau bảy tháng tạm giam, viện kiểm sát đã trả lại hồ sơ của ông cho công an vì thiếu chứng cứ, ông Diêm đã có mặt tại Toà án Quận Lệ Loan vào ngày 22 tháng 2 năm 2019. Luật sư đã biện hộ vô tội cho ông. Luật sư viện dẫn không có bộ luật nào ở Trung Quốc kết tội Pháp Luân Công và cũng nhấn mạnh việc truyền rộng thông tin của thân chủ mình là để phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công, và nó không gây hại cho bất cứ ai.
Ngày 20 tháng 5 năm 2019, học viên Pháp Luân Công bà Trần Khiết, ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã bị kết án bốn năm tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà cũng bị phạt 5.000 tệ.
Ngày 16 tháng 5 năm 2018, khi bà Trần, 57 tuổi, đang phân phát tài liệu phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công thì bị một công an mặc thường phục bắt giữ sau khi nhận một tập tài liệu của bà. Công an đã tiến hành lục soát nhà và tịch thu máy tính của bà, một số thẻ nhớ và nhiều tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công.
Bà đã bị giam giữ hình sự tám ngày. Đến ngày thứ 12, công an chuyển hồ sơ vụ án của bà đến Viện Kiểm sát Khu Thanh Bạch Giang.
Bà Trần bị đưa ra Tòa án Khu Thanh Bạch Giang vào ngày 20 tháng 5 sau khi công tố viên đã hai lần trả lại hồ sơ vụ án của bà cho công an và yêu cầu thêm bằng chứng trước khi gửi đến Tòa án Khu Thanh Bạch Giang vào tháng 1 năm 2019. Luật sư của bà đã biện hộ vô tội và yêu cầu tha bổng bà. Bà Trần cũng tự làm chứng cho phần biện hộ cho mình.
Trước án tù gần đây nhất, bà Trần đã từng bị lĩnh hai án tù với tổng mức án tám năm chỉ vì bà không từ bỏ đức tin của mình. Chồng bà đã ly dị bà ngay sau khi bà được thả ra vào năm 2012 vì không chịu được áp lực của cuộc bức hại.
Tải danh sách đầy đủ các học viên bị kết án tại đây
Các báo cáo liên quan:
109 học viên Pháp Luân Công bị kết án trong tháng 1 và tháng 2 năm 2019 chỉ vì đức tin của họ
52 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vào tháng 1 năm 2019 vì không chịu từ bỏ đức tin
38 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án tù trong tháng 4 năm 2019 vì không từ bỏ đức tin
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/15/388684.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/1/178274.html
Đăng ngày 08-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.