Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-4-2019] Theo thông tin được thu thập bởi trang web Minh Huệ, tháng 3 năm 2019 đã ghi nhận 245 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị bắt và 162 người khác bị sách nhiễu ở Trung Quốc chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin của họ.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Pháp môn này đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Trong số các học viên bị nhắm đến vào tháng 3 năm 2019, 107 trường hợp đã bị lục soát nhà cửa; 145 trường hợp vẫn bị giam giữ tại thời điểm viết bài báo này.

Vì sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, nhiều trường hợp bức hại không thể luôn được báo cáo kịp thời, cũng như không dễ dàng thu thập được mọi thông tin.

Các học viên bị nhắm đến sống tại 24 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Mười khu vực được báo cáo có số trường hợp bị bắt giữ hai chữ số, trong đó tỉnh Sơn Đông có nhiều học viên bị bắt nhất (30), tiếp theo là Bắc Kinh với 28 học viên.

36 học viên bị nhắm đến trong tháng 3 năm 2019 trên 65 tuổi. Trong số đó, mười học viên đã bị sách nhiễu, học viên cao tuổi nhất là 83 tuổi.

“Chúng tôi có thể bỏ qua tội phạm, nhưng phải bắt những người tu luyện Pháp Luân Công”

Ngày 11 tháng 3, trang web Minghui.org báo cáo rằng ba cảnh sát từ Đồn Cảnh sát Thị trấn Cốc Nhiêu, tỉnh Sơn Đông đã đến nhà cô Mã Dịch Luân để bắt giữ cô. Khi gia đình cô từ chối mở cửa, cảnh sát đe dọa sẽ bắt cô Mã và đưa cô đến trung tâm tẩy não.

Gia đình cô yêu cầu được biết lý do việc bắt giữ cô và lập luận rằng thay vào đó, cảnh sát nên bắt giữ tội phạm.

Phó đồn cảnh sát nói: “Chúng tôi có thể bỏ qua tội phạm, nhưng chúng tôi phải bắt những người tu luyện Pháp Luân Công.”

Cô Mã được biết đến là một người mẹ trẻ tốt bụng. Cô mới bị bắt trước Tết Dương lịch 2019 và bị tạm giam 15 ngày chỉ vì cô không chịu từ bỏ đức tin.

Người đàn ông Bắc Kinh bị bắt trở lại khi mới được ra khỏi tù

Sáng ngày 7 tháng 3, cảnh sát Bắc Kinh và Phòng 610 bắt đầu theo dõi ông Tôn Phúc Nghĩa, trên 70 tuổi, và vợ ông là bà Từ Tuấn Minh, khi họ lái xe từ huyện Hoài Nhu, Bắc Kinh về quê ở Cửu Độ Hà. Các cảnh sát đã theo dõi các hoạt động của ông Tôn trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Ông bị bắt vào buổi chiều và bị giam tại Trại tạm giam Hoài Nhu.

24d8c13428cf0bedf53092dc68e0fbcb.jpg

Ông Tôn Phúc Nghĩa

Sau vụ bắt giữ, một số cảnh sát đã lục soát nhà ông Tôn ở Cửu Độ Hà và tịch thu sách Pháp Luân Công, tài liệu liên quan và những vật dụng cá nhân khác.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tôn bị bắt vì đức tin. Ông chỉ vừa mãn hạn ba năm tù và được thả vào ngày 10 tháng 1 năm 2019.

Ngay sau khi ông Tôn bị bắt, bà Từ cũng bị bắt cùng ngày và bị đưa đến trại tạm giam Toàn Hà. Ngày hôm sau, bà Từ bị đưa đến trại tạm giam Hoài Nhu để kiểm tra sức khỏe, nhưng trại tạm giam này đã từ chối tiếp nhận bà do huyết áp cao. Trong lúc thẩm vấn, bà Từ từ chối ký bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và nói với cảnh sát về việc Pháp Luân Công đã cho bà một cuộc đời thứ hai ra sao. Bà Từ được trả về nhà vào lúc nửa đêm.

Từng bị sốc điện với sáu dùi cui điện 150.000 Vôn, người đàn ông Trường Xuân phải đối mặt với việc xét xửÔng Mục Quân Khê, 49 tuổi, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 9 năm 2018 sau khi bị cảnh sát theo dõi một thời gian. Cảnh sát đã lục soát nhà và kho của cơ sở kinh doanh của gia đình ông. Nhiều tài sản của ông và của cơ sở kinh doanh đã bị tịch thu.

637f08baa90daa173f43a98880c86419.jpg

Ông Mục Quân Khê

Trong khi bị giam tại Nhà tù Số 1 Trường Xuân, ông Mục bị đánh vào đầu và mặt và còn bị ngược đãi trong một cuộc kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện. Một cảnh sát còng tay ông chặt đến nỗi cổ tay ông bị sưng lên.

Ông được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 30 tháng 9 do không đủ bằng chứng.

Vào cuối tháng 2 năm 2019, ông Mục đã đi công tác xa nhà sau khi được Viện Kiểm sát chấp thuận. Song, ông đã bị bắt trên đường trở về và bị đưa trở lại Nhà tù Số 1 Trường Xuân vào ngày 20 tháng 3. Ông được công tố cho biết rằng họ đang cố gắng hoàn tất hồ sơ của ông và đưa ông ra xét xử.

Người phụ nữ Hắc Long Giang bị tổn thương não và các vấn đề về tim sau khi bị cảnh sát đánh đập dã man

Bà Trương Lệ Bình, 56 tuổi, cùng với bà Đồng Quế Hương, 75 tuổi, đã bị bắt tại một khu chợ địa phương ở thành phố Thất Đài Hà, tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 11 tháng 3 năm 2019, sau khi bị báo với cảnh sát vì phân phát các cuốn tài liệu nhỏ chứa thông tin về Pháp Luân Công.

Trong lúc thẩm vấn, bà Trương nói tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp nhưng cảnh sát bảo với bà rằng việc của họ là bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Khi bà Trương từ chối tiết lộ tên và địa chỉ của mình, một cảnh sát đã túm tóc bà và cố gắng chụp ảnh bà. Một cảnh sát khác nhận xét rằng việc họ tra tấn các học viên Pháp Luân Công như thế nào không quan trọng, miễn là họ không tra tấn họ đến chết ngay tại đồn cảnh sát.

Bà Trương bị còng vào một chiếc ghế kim loại vào buổi chiều nhưng bà tiếp tục khuyên nhủ các cảnh sát ngừng tham gia vào cuộc bức hại. Một cảnh sát siết chặt còng tay của bà để trừng phạt bà.

Vào buổi tối, cảnh sát đã ra lệnh cho bà Trương lấy dấu vân tay lên máy quét dấu vân tay nhưng bà từ chối. Sau đó, các cảnh sát cố đập bàn tay đang nắm chặt của bà vào máy để lấy dấu vân tay, khiến bà thấy rất khó thở và khó nói chuyện. Bà gần như ngất đi.

Tiếp theo đó, sáu cảnh sát lôi bà vào phòng tắm để ép bà lấy mẫu nước tiểu. Bà đã bị đánh khi từ chối ký vào biên bản chấp nhận xét nghiệm nước tiểu. Rồi bà bị lôi vào một buồng giam và bị yêu cầu ký vào một tài liệu. Bà đã không ký mà viết một tuyên bố rằng Hiến pháp cho phép tự do tôn giáo. Cảnh sát đã mang tài liệu này đi khi bà chưa kịp viết xong tuyên bố của mình.

Vào lúc nửa đêm, tuyết rơi nhưng cảnh sát đã đưa bà Trương trong bộ quần áo mỏng đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Họ tát vào mặt và đánh bà khi bà từ chối hợp tác. Cảnh sát đã bức thực bà bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc khi thấy huyết áp của bà bị cao.

Sau đó, bà bị đưa đến một trại tạm giam. Một quản giáo cõng bà vào buồng giam vì bà quá yếu không thể đi lại, và người này chỉ đạo các tù nhân đánh đập bà.

Ngày 15 tháng 3, bà Trương đã được thả ra sau khi huyết áp lên tới 260 mmHg. Mặc dù đã trở về nhà, mặt bà vẫn bị bầm tím và sưng tấy. Bà cũng gặp khó khăn khi ngồi và đứng, vì hông và chân của bà bị thương.

Sinh viên đại học bị bắt vì nói với giảng viên về Pháp Luân Công

Vương Viên Viên, 20 tuổi, hiện đang là sinh viên của Đại học Khoa học và Nghệ thuật Hồ Bắc. Ngày 29 tháng 3 năm 2019, cô nói với giảng viên của mình về Pháp Luân Công và đưa một cuốn tài liệu nhỏ có thông tin về môn tu luyện. Người giảng viên từ chối nhận nó và báo cáo với nhân viên tư vấn học đường.

Vào ngày hôm đó, nhân viên tư vấn đã nói chuyện với cô hai lần. Trong cuộc nói chuyện thứ hai, tư vấn viên và một thư ký khác đã yêu cầu cô nói về nguồn gốc của các tài liệu và giao chúng cho họ. Tư vấn viên nói rằng anh sẽ không gây rắc rối cho cô và cho phép cô rời đi vào khoảng 9 giờ tối.

Cô Vương bị mất liên lạc từ đêm ngày 30 tháng 3. Khi liên lạc với tư vấn viên của cô, anh nói rằng cô Vương đã vi phạm nội quy của trường nên đã bị bắt và đưa đến một trại tạm giam địa phương.

Người phụ nữ Thượng Hải phải đối mặt với cáo trạng vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại

Bà Tưởng Ngọc Anh, 58 tuổi, đã bị bắt vào ngày 7 tháng 3 năm 2019 và nhà của bà bị lục soát nhà sau khi bà bị báo cáo đã sử dụng tiền giấy in thông điệp về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Việc bắt giữ bà đã được chấp thuận vào ngày 21 tháng 3 và hiện bà đang phải đối mặt với bản cáo trạng chỉ vì đức tin của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Tưởng bị bắt. Ngày 12 tháng 4 năm 2012, bà bị kết án ba năm tù và ba năm án treo chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.

Người đàn ông Nội Mông Cổ bị bắt, người vợ mất tích

Sáng ngày 29 tháng 3 năm 2019, ông Ngô Tĩnh Cương ở thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ đang ở nhà cùng với mẹ thì các cán bộ ủy ban địa phương xông vào nhà và bắt giữ họ. Ngôi nhà do ông Ngô cùng vợ thuê từ chị gái của vợ ông đã bị lục soát và nhiều vật dụng cá nhân cũng như tiền mặt bị tịch thu.

Sau đó, cảnh sát nói với chị gái của ông Ngô đưa mẹ của họ trở về nhà còn ông Ngô bị giam tại trại tạm giam Tả Kỳ. Trong khi đó, gia đình mất liên lạc với vợ của ông Ngô, bà Triệu Xuân Hoa, vốn không ở nhà trong cuộc đột kích.

Vài ngày sau, ngày 2 tháng 4, con gái của ông Ngô đã đến ủy ban xã để yêu cầu trả lại 12.000 Nhân dân tệ tiền mặt bị tịch thu trong lúc bố cô bị bắt. Cô được cho biết rằng số tiền đó đang ở chỗ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khi các quan chức chính quyền địa phương gọi cho cảnh sát, họ được thông báo rằng số tiền này đã bị tịch thu và sẽ không được trả lại.

Một phụ nữ Trùng Khánh bị đưa đến Trung tâm tẩy não

Bà Hoàng Trung Anh, 76 tuổi, ở Trùng Khánh đã bị bắt vào ngày 3 tháng 3 khi đang phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Bà được thả vào lúc nửa đêm sau khi cảnh sát đã chụp ảnh, lấy dấu vân tay và mẫu máu của bà.

Tuy nhiên, vào ngày hôm sau bà lại bị bắt tại nhà và bị đưa đến trung tâm tẩy não địa phương, ở đó bà bị ép phải xem những video bôi nhọ Pháp Luân Công. Khoảng bảy đến tám người vây quanh bà mỗi ngày để cưỡng ép bà ký tuyên bố từ bỏ đức tin của mình.

Bà Hoàng đã được trả về nhà.

Phòng 610 Hà Bắc sử dụng chương trình phúc lợi để sách nhiễu các học viên

Từ ngày 31 tháng 3 năm 2019, Phòng 610 của tỉnh Hà Bắc đã ra lệnh cảnh sát sách nhiễu nhiều học viên ở huyện Lai Thủy. Phòng 610 này đã lấy lý do tiến hành kiểm tra phúc lợi để đến nhà các học viên địa phương và thu thập thông tin về các thành viên gia đình của họ.

Tại thời điểm báo cáo, hơn chục viên ở Lai Thủy đã bị bắt giữ.

Cựu nhà nghiên cứu biển bị theo dõi trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc

Bà Đổng Tương Như, 74 tuổi, cựu nghiên cứu viên cao cấp tại Cục Thủy sản Tỉnh Chiết Giang, đã bị kết án hai năm rưỡi tù vào tháng 10 năm 2018 chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Do sức khỏe yếu, bà hiện đang bị quản thúc tại nhà. Chính quyền địa phương đã nhiều lần quấy rối bà ở nhà. Trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc từ ngày 5 đến 15 tháng 3 năm 2019, cảnh sát và nhân viên ủy ban dân cư đã theo dõi bà hàng ngày và đi theo bà đi bất cứ nơi nào.

Vì bà không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, bà đã nhận được thông báo bằng miệng của cơ quan cũ rằng lương hưu của bà sẽ bị cắt từ tháng 3 năm 2019.

Người mẹ già của một người đàn ông Giang Tây bị sách nhiễu trong kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc

Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông Dương Đức Tân ở thị xã Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây đã nhiều lần bị bắt và bỏ tù vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Năm 2017, ông rời khỏi nhà để tránh bị bức hại một lần nữa sau khi được thả ra sau một năm rưỡi tù giam.

Vì ông Dương sống xa nhà, các cảnh sát đã đến nhà ông để sách nhiễu người mẹ già và anh trai ông. Cảnh sát đã quấy rối gia đình ông một lần nữa trong kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và hỏi mẹ ông về nơi ở của ông và liệu ông đã từng liên lạc với gia đình không. Trước khi rời đi, cảnh sát bảo mẹ ông nhắc ông đến đồn cảnh sát nếu ông có dịp về nhà.

Cảnh sát mặc thường phục đột nhập vào nhà để ép một phụ nữ ký vào văn bản

Ngày 22 tháng 3 năm 2019, bốn nhân viên cảnh sát mặc thường phục ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã đến nhà cô Vương Tú Vân và yêu cầu cô mở cửa. Cô Vương đã được tại ngoại từ ngày 2 tháng 9 năm 2017 đến tháng 9 năm 2018, trước khi bị giám sát tại nhà được nửa năm.

Khi cô Vương không chịu mở cửa, cảnh sát đã gọi một thợ khóa đến phá cửa nhà cô. Họ rời đi sau khi đột nhập vào nhà cô để buộc cô ký vào một tài liệu.

Cặp vợ chồng ở Tế Nam bị giam giữ một thời gian ngắn tại ga tàu cao tốc Thượng Hải

Ông Dư Diệu Âu và vợ, bà Lý San San, đến Thượng Hải vào giữa tháng 3 năm 2019 để tham dự một triển lãm thương mại quốc tế và bà Lý đại diện cho công ty của mình. Họ đã bị theo dõi. Sau cuộc triển lãm vào ngày 21 tháng 3, họ đang chuẩn bị lên tàu cao tốc để rời Thượng Hải thì cảnh sát yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân và hành lý của họ.

Họ từ chối và nói với cảnh sát rằng việc bức hại Pháp Luân Công là bất hợp pháp. Cảnh sát đã cố gắng kéo cặp vợ chồng đi, nên đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người tại nhà ga.

Sau khi hai vợ chồng bị đưa đến một văn phòng, một cảnh sát lấy ra một mảnh giấy và nói với bà Lý rằng bà đã truyền rộng thông tin về Pháp Luân Công trên trang web Minghui.org, thực tế là có một báo cáo được công bố vào ngày 20 tháng 3 năm 2019 về việc bức hại mà hai vợ chồng họ đã trải qua từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2018.

Hai vợ chồng nói với cảnh sát rằng không có luật pháp nào ở Trung Quốc kết tội Pháp Luân Công. Sau đó, họ đã được thả vào buổi chiều ngày hôm đó và rời Thượng Hải.

Trước khi bị bức hại vào năm 2018, ông Dư khi đó là nghiên cứu sinh, đã bị bắt và giam giữ vào tháng 3 năm 2015. Ông đã nộp luận án tiến sỹ với đoạn mở đầu bày tỏ lòng biết ơn của mình với Pháp Luân Công vì đã cho ông sức mạnh để viết luận án.

Các bài viết liên quan:

Báo cáo Minh Huệ: 101 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong tháng 2 năm 2019

Báo cáo Minh Huệ: 181 Học viên Pháp Luân Công bị bắt trong tháng 1 năm 2019

Báo cáo Minh Huệ: Gần 9.000 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc quấy nhiễu trong năm 2018 vì đức tin của họ

Người đàn ông ở Trường Xuân đối mặt với việc bị xét xử vì kiên định đức tin của mình

Người phụ nữ Hắc Long Giang bị tổn thương não và gặp vấn đề về tim mạch sau khi bị cảnh sát đánh đập

Một người phụ nữ Thượng Hải bị buộc tội vì sử dụng tiền giấy có in thông điệp về đức tin của mình

Sau khi kết án, cựu nhà nghiên cứu biển bị đình chỉ lương hưu vì không từ bỏ đức tin

Một người Bắc Kinh phải hầu tòa vì đức tin của mình

Tin tức bổ sung về bức hại tại Trung Quốc – Ngày 02 tháng 4 năm 2019 (8 báo cáo)

Tin tức bổ sung về cuộc bức hại tại Trung Quốc – Ngày 31 tháng 03 năm 2019 (9 báo cáo)

Các bài viết bằng tiếng Trung:

https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/2/384656.html

https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/24/384259.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/17/385187.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/6/176741.html

Đăng ngày 11-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share