Bài viết của Tân Minh
[MINH HUỆ 23-05-2019] Bà Hoàng Ngọc Bình, học viên Pháp Luân Công tại thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, đã rất nhiệt tình tham gia cứu tế cho người dân sau trận lụt lớn xảy ra ở thành phố vào ngày 16 tháng 8 năm 2013. Một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất là thị trấn Nam Khẩu, nơi bà Hoàng từng sinh sống một vài năm.
Sau trận lụt, người dân gần như không còn mảnh vải che thân. Bà Hoàng không chỉ cung cấp quần áo cho dân làng mà bà còn mua cả đồ ăn, đồ dùng và tự mình đi bộ chuyển chúng đến cho người dân gặp khó nạn. Một số ngôi làng xe hơi không thể đi vào được nên thiếu đồ tiếp tế nghiêm trọng. Một trong những người dân làng đã nói: “Cảm ơn bà. Chỉ những người tình nguyện như bà mới đến đây để giúp chúng tôi như vậy.”
Trong chuyến đi lần thứ năm vào ngày 23 tháng 8, ngay khi bà Hoàng đang giúp một người dân dựng lều thì một cảnh sát bất ngờ xuất hiện. Anh ta tóm lấy hai cánh tay bà và vặn chúng ra sau lưng. Nhiều cảnh sát khác ập đến và bắt bà Hoàng cùng hai học viên Pháp Luân Công khác lên một chiếc xe cảnh sát. Với chìa khóa lấy được từ bà, cảnh sát đã lục soát nhà riêng của bà Hoàng và tịch thu của bà các sách Pháp Luân Công, máy tính, máy nghe nhạc, điện thoại di động, máy ảnh và giấy xác nhận tiền gửi ngân hàng. Sau đó, bà bị giam giữ một tháng.
Đây là một trong rất nhiều ví dụ về cách mà cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành bắt giữ các học viên và đột nhập vào nhà họ. Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, một số lượng lớn các học viên đã bị bắt, bị giam giữ hay bị đột kích vào nhà và bị tịch thu những vật dụng cá nhân – tất cả chỉ vì niềm tin của họ vào nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công.
Nhân viên Phòng 610 nói với cảnh sát: “Cứ thoải mái mang những thứ này về nhà”
Tháng 3 năm 2014, gần 20 cảnh sát do nhân viên Phòng 610 Hoàng Cương dẫn đầu đã đến Nhà máy Hóa chất Viễn Đông ở thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc để bắt giữ ông Trần Tùng, kỹ sư trưởng của nhà máy.
Sau đó, cảnh sát đã tiến hành lục soát nơi ở của ông Trần nhiều lần. Họ thậm chí còn lục soát cả thùng rác nhà ông. Những vật dụng bị tịch thu bao gồm một máy tính xách tay, máy ảnh, điện thoại di động, đầu đĩa DVD, thiết bị GPS, giấy xác nhận tiền gửi ngân hàng, và tiền mặt. Tất cả khoảng 20 vật phẩm với tổng trị giá hơn 13.000 Nhân dân tệ. Ngoài ra, cảnh sát cũng lấy đi các tài liệu quan trọng liên quan đến nhà máy.
Sau khi tiến hành bắt giữ và lục soát, cảnh sát tiếp tục đe dọa và thẩm vấn đồng nghiệp của ông Trần. Đứng trước các nhân viên nhà máy, một nhân viên Phòng 610 đã nói với các cảnh sát: “Chúng tôi chỉ quan tâm đến máy tính và các thông tin trong đó. Còn lại, các vị cứ thoải mái mang những thứ này về nhà.”
Cảnh sát tịch thu vốn đầu tư của người nhà học viên
Tháng 7 năm 2008, chín cảnh sát từ Phòng Cảnh sát Lộ Bắc, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã đột nhập vào nhà vợ chồng ông Hà Ích Hưng và bà Trương Nguyệt Cần. Họ dẫn theo hai xe cứu hỏa và đi qua cầu thang bộ. Họ thu giữ nhiều vật phẩm có giá trị, bao gồm một chiếc xe hơi và 600.000 Nhân dân tệ tiền mặt. Trong đó có một khoản tiền là vốn đầu tư của con gái họ, Hà Đan, và phần còn lại là tiền tiết kiệm hưu trí của hai ông bà.
Cô Hà nghe tin về cuộc đột kích và ngày hôm sau đã đến sở cảnh sát để đòi tiền với lý do phục vụ nhu cầu công việc kinh doanh của cô. Tuy nhiên, cảnh sát đã từ chối trả lại số tiền. Khi cô Hà thuê một luật sư để giúp cô thì cảnh sát đã từ chối trả lời, cung cấp tài liệu hay gặp luật sư. Không có vốn, cô Hà không thể mở một cửa hàng mới như đã dự định và cửa hàng cũ của cô cũng gặp khó khăn về tài chính.
Thay vì bắt trộm, cảnh sát lại bắt giữ người dân vô tội
Ngày 5 tháng 3 năm 2011, khi bà Lý San San ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đi ra ngoài mua đồ ăn sáng thì bốn cảnh sát ở Phòng Cảnh sát Đường Sơn đã cưỡng ép bà vào xe cảnh sát. Một cô gái cũng mua đồ ăn sáng gần đó chạy lại và vội vã đập vào xe cảnh sát, nói rằng ví của cô vừa bị một tên trộm lấy mất. Cảnh sát phớt lờ cô và tập trung sự chú ý vào việc kìm giữ bà Lý.
Sau khi tìm thấy chìa khóa trong túi bà, cảnh sát đã đến nhà bà và bắt giữ chồng bà là ông Chu Hướng Dương. Khi họ lục soát căn nhà, họ đã lấy đi 13.000 Nhân dân tệ tiền mặt (số tiền này được dùng cho công việc kinh doanh nhỏ của vợ chồng bà Lý), bốn giấy xác nhận tiền gửi ngân hàng, hai máy tính, một máy in, vài chiếc điện thoại di động cùng một bút laser. Cảnh sát thậm chí còn lấy cả một chiếc kéo.
Ông Chu Hướng Dương và bà Lý San San
Ông Chu là một trong 60 kỹ sư đắt giá được chứng nhận tại Trung Quốc. Ông và vợ đã từng bị bắt và bị giam giữ nhiều lần kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Lần cuối cùng họ bị bắt là vào tháng 3 năm 2015. Năm 2016, ông Chu bị kết án bảy năm tù, trong khi bà Lý bị kết án 6 năm tù vào cùng một thời điểm. Cả hai vợ chồng ông Chu hiện vẫn đang bị giam giữ.
Học viên bị tàn tật cũng không được tha
Ông Khấu Cường ở thành phố Mục Lăng, tỉnh Hắc Long Giang đã bị tàn tật từ khi còn trẻ. Việc tu luyện Pháp Luân Công đã giúp ông cải thiện đáng kể sức khỏe, cân nặng của ông đã tăng từ 36 kg lên gần 60 kg. Thấy được hy vọng vào cuộc sống, ông trở nên hoạt bát hơn và những thay đổi tích cực ở ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người dân trong làng bước vào tu luyện Pháp Luân Công.
Buổi tối ngày 18 tháng 1 năm 2001, hơn 20 cảnh sát từ Phòng Cảnh sát Mục Lăng đã trèo qua hàng rào và đột nhập vào nhà ông Khấu. Họ lôi ông ra khỏi giường và bắt giữ ông, cha mẹ ông, và một học viên khác. Ông bị giam giữ trong bốn tháng.
Tuy nhiên, năm tháng sau khi được thả, cảnh sát lại quay lại nhà ông và tịch thu 10.000 Nhân dân tệ tiền mặt, một máy ảnh, một máy ghi âm, một đèn pin và các sách Pháp Luân Công.
Sau nhiều lần bị giam giữ, bị nhục mạ và sự căng thẳng của những người thân trong gia đình vẫn liên tục thường trực, ông Khấu đã qua đời vào ngày 2 tháng 4 năm 2009 khi mới 47 tuổi.
Buộc phải đóng cửa công ty và bị cướp đoạt tài sản trị giá hai triệu Nhân dân tệ
Tháng 9 năm 2002, cảnh sát Kim Ngưu ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã buộc hai nhà máy và một công ty vật liệu xây dựng thuộc sở hữu của bà Châu Vận Thu và chồng phải đóng cửa. Cảnh sát cũng tịch thu tiền mặt, hàng hóa, đồ dùng văn phòng và hai xe hơi từ công ty, cùng với hơn 200.000 Nhân dân tệ tiền mặt và các tài sản giá trị khác từ nhà họ. Những vật dụng này có tổng trị giá khoảng hai triệu Nhân dân tệ.
Vì các nhà máy và công ty phải đóng cửa, hai vợ chồng bà không thể hoàn thành các hợp đồng đã ký và phải chịu lỗ gần 10 triệu Nhân dân tệ. Tháng 9 năm 2005, khi bà Châu cần tiền và yêu cầu cảnh sát trả lại khoản tiền đã bị tịch thu, thì bà lại bị bắt, bị giam giữ và bị kết án 8 năm tù vào ngày 6 tháng 3 năm 2006.
Cướp đoạt 100.000 Nhân dân tệ từ người thân
Ông Lưu Kim Phú là một cư dân thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh. Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 19 tháng 7 năm 2012, một cảnh sát đã trèo qua hàng rào để mở cổng sân nhà ông Lưu. Sáu cảnh sát khác bước vào và bắt đầu lục soát ngôi nhà. Họ đã lấy đi của ông Lưu máy tính, máy in và các tài sản cá nhân khác của ông, trong đó có một chiếc xe hơi.
Vợ ông Lưu đã phải nằm liệt giường trong nhiều năm vì bại liệt và bà không thể tự chăm sóc bản thân. Người thân của bà đã tìm cách giải cứu chồng bà và được yêu cầu phải nộp 100.000 Nhân dân tệ. Họ chỉ có thể gom góp được chưa đến 20.000 Nhân dân tệ. Vào thời điểm đó, anh rể ông Lưu vừa bán một ngôi nhà cũ và có 100.000 Nhân dân tệ tiền mặt. Không còn lựa chọn nào khác, gia đình đã phải đưa số tiền đó cho cảnh sát để đổi lấy việc ông Lưu được trả tự do.
Cuộc đột kích khác tại một ngôi làng ở Hà Bắc
Vào 4 giờ sáng ngày 25 tháng 5 năm 2006, các nhân viên từ Phòng Cảnh sát Thành phố Tân Tập, tỉnh Hà Bắc đã đi bốn xe cảnh sát xuống thôn Trần Trang. Họ đột nhập vào nhà của bốn học viên Pháp Luân Công, gồm Sái Tăng Tài, Sái Mãn Căn, và Sái Sinh Châu. Khi cảnh sát thấy 2.000 Nhân dân tệ tiền mặt trong một ngăn kéo trong nhà, họ ngay lập tức bỏ số tiền đó vào túi. Họ cũng tịch thu một két an toàn chứa nhiều tiền mặt, ba máy ghi âm nhạc, ba đầu đĩa VCD và một chiếc tivi.
Báo cáo liên quan:
Gia đình các nạn nhân kiện cảnh sát lấy cắp của họ 600.000 Nhân dân tệ tiền mặt
Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:
Good People Helping Disaster Victims Are Arrested and Persecuted; Relatives Request Their Release
Hubei Province: Mother Demands Her Son’s Release in Front of Brainwashing Center
Báo cáo liên quan bằng tiếng Hán:
https://www.minghui.org/mh/articles/2013/2/18/270132.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/25/384311.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/11/178026.html
Đăng ngày 14-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.