Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-07-2019] Theo thông tin tổng hợp từ Minh Huệ Net, 2.014 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và 1.369 người bị sách nhiễu vì đức tin của họ trong nửa đầu năm 2019.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.

Trong số 2.014 học viên bị bắt giữ có 1.155 người hiện vẫn đang bị giam tại thời điểm viết bài.

Việc bắt giữ và sách nhiễu diễn ra ở 28 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Hà Bắc, Tứ Xuyên, Sơn Đông, Hắc Long Giang và Liêu Ninh là năm tỉnh có số lượng học viên bị nhắm đến nhiều nhất. Chính quyền ở năm tỉnh này đã tích cực thực thi chính sách đàn áp trong 20 năm qua và tình hình bức hại vẫn nghiêm trọng tại các khu vực này.

1284752e9a37a5f43def2e66b761941a.jpg

Trung bình mỗi tháng có 336 học viên bị bắt và 228 người bị sách nhiễu. Tháng 4 là đỉnh điểm nhất. Trong tháng này, ngày 25 tháng 4 là kỷ niệm 20 năm của cuộc thỉnh nguyện ôn hoà của 10.000 học viên bên ngoài Văn phòng Kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh nhằm yêu cầu thả các học viên đã bị bắt giữ phi pháp trước đó. Sự kiện này đã trở thành một ngày chính trị nhạy cảm đối với ĐCSTQ, và công an thường xuyên bắt giữ các học viên trên diện rộng vào thời điểm này mỗi năm. Nhiều vụ bắt giữ đã diễn ra trên khắp Trung Quốc vào tháng 4. (Xem tại:cuộc bắt giữ theo nhóm đã được báo cáo)

29acaeec0e0411c27683f6eb8a595f86.jpg

Ít nhất 271 học viên hơn 65 tuổi đã bị nhắm đến vì đức tin của họ, bao gồm 81 học viên trên 80 tuổi

da142c5abb52834c12d7c4b1b3b9ec61.jpg

Tổng cộng 1.008 học viên đã bị lục soát nhà. Công an đã tống tiền 78 học viên với tổng tiền là 1.078.333 tệ. Cụ thể, công an đã lấy đi 300.000 tệ tiền mặt, một xe hơi và các tài sản cá nhân khác của bà Vương Ngọc Lan ở thành phố Bạc Châu, tỉnh An Huy, và 180.000 tệ tiền mặt của ông Trương Quốc Bình, 79 tuổi ở thành phố Nguyên Bình, tỉnh Sơn Tây.

12 học viên khác đã bị đình chỉ lương hưu vì không từ bỏ đức tin của họ.(xem tại: đình chỉ lương hưu)

Sự tàn bạo của công an trong các vụ bắt giữ là điểm nổi bật trong nửa đầu năm 2019. Một bà lão 82 tuổi đã chết trong đồn công an sau vài giờ bị bắt. Một phụ nữ gặp nhiều vấn đề về sức khoẻ đã chết ở nhà một mình, chỉ vài ngày sau khi bà bị công an sách nhiễu. Những trường hợp tử vong khác sẽ được tường thuật chi tiết trong một báo cáo khác.

Ngoài những cái chết bi thảm, công an cũng đánh đập tàn bạo một số học viên, dẫn đến bị thương tích. Một người phụ nữ bị tổn thương não và gặp vấn đề về tim mạch sau khi bị công an đánh đập vì từ chối tiết lộ tên và địa chỉ. Một phụ nữ khác bị bức thực bằng nước bởi công ăn nhằm lấy mẫu nước tiểu. Bà đã kiệt sức và có những vết bầm tím và đau khắp cơ thể.

I. Tổng quan về các vụ bắt giữ

1. Bắt giữ theo nhóm

Bắt giữ theo nhóm đã được báo cáo liên tục trong nửa đầu năm 2019, đặc biệt là trong khoảng thời gian những ngày nhạy cảm như kỷ niệm 20 năm ngày 25 tháng 4 và Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13 tháng 5.

Tháng 1 năm 2019, không lâu trước Tết Nguyên đán, 13 học viên ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt giữ và hơn 10 học viên khác đã bị sách nhiễu.

47 học viên ở tỉnh Giang Tô, hơn 20 học viên ở tỉnh Tứ Xuyên, và 14 học viên ở tỉnh Giang Tây đã bị bắt vài ngày trước 25 tháng 4.

Ngày 12 tháng 5, 8 học viên lớn tuổi ở thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông đã bị bắt khi đang cùng nhau đọc các sách Pháp Luân Công. Công an đã ghi lại thông tin chi tiết của mỗi học viên, bao gồm thông tin việc làm và số điện thoại của con cái của họ, trước khi đưa họ về nhà và lục soát nhà của họ.

Năm ngày sau, 8 học viên khác ở thành phố Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây đã bị bắt và giam trong 12 ngày. Công an cho biết họ bị tố giác vì cùng nhau đọc sách Pháp Luân Công vào năm ngoái.

2. Sự tàn bạo của công an

Bà Lưu Diệu Phượng bị công an đánh đập tàn bạo trên đường

Bà Lưu Diệu Phượng ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt vào ngày 25 tháng 4 năm 2019 sau khi bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Một nhóm công an đã đánh và đá bà trên đường hơn 10 phút trước khi đưa bà vào xe công an. Bà bị thương khắp người và có một khối u trên đầu.

Mặc dù ban đầu Trại tạm giam Thành phố Thẩm Dương từ chối nhận bà Lưu do tình trạng sức khoẻ của bà, nhưng công an đã ép họ phải nhận.

Bà Vương Thuý Hoa bị xịt nước tiêu

Bà Vương Thuý Hoa ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt vào ngày 18 tháng 5 năm 2019 khi đang nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại một khu chợ nông sản. Ban đầu công an xịt nước tiêu vào người nhà bà khi họ đến đồn công an để yêu cầu thả bà, sau đó bà Vương cũng bị xịt nước khi phản kháng việc bị đưa đến trại tạm giam địa phương.

Sau khi bất tỉnh, công an đã lôi bà đến trại tạm giam bằng còng tay. Cổ tay bà vẫn còn bị đau mãi đến nhiều tháng sau đó.

Khi bà yêu cầu công an không tham gia bức hại, một người đã đe doạ sẽ đốt bà bằng sắt nóng rồi đổ mật ong và kiến vào những vết thương của bà.

Công an bức thực thô bạo một người phụ nữ bằng nước để lấy mẫu nước tiểu

Tối ngày 22 tháng 4 năm 2019, bà Diêu Ái Anh bị bắt khi đang chở bà La Kiến Vinh về nhà. Cả hai đều bị đưa đến đồn công an địa phương để thẩm vấn.

Chín giờ tối, năm công an đưa hai học viên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Bà Diêu từ chối đưa mẫu nước tiểu và bị kéo vào phòng tắm của nam giới và bị bức thực bằng nước từ vòi nước.

Hai tay bà Diêu bị trói sau lưng, công an túm tóc và cổ bà, áp bà vào tường và đổ chai nước vào miệng bà.

Cái chai rơi ra khi bà chống cự. Công an liền ghì bà xuống đất. Ba công an giữ cổ, đầu và chân của bà, viên công an thứ tư ghì đầu gối vào thân trên của bà, bịt mũi bà rồi bức ép bà uống vài chai nước. Bà gần như ngạt thở.

Sau khi ép uống nước, một nữ công an khác kéo quần bà xuống và ấn vào bụng dưới của bà. Bà vẫn không chịu đi tiểu. Sau đó, họ ép bà uống thêm nước, khiến bà không nhịn được nữa và cuối cùng đi tiểu.

Đến lúc đó, bà Diêu đã kiệt sức và có những vết bầm tím và đau khắp cơ thể. Đầu bà bị sưng và miệng bị thương. Quần áo của bà ướt sũng, thậm chí tai bà cũng đầy nước.

Công an xông vào nhà bắt giữ người phụ nữ tàn tật

Ngày 18 tháng 4 năm 2019, một nhóm công an đã gõ cửa nhà bà Cốc Tố Dân, 59 tuổi, ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông và cố bắt bà. Khi bà từ chối mở cửa, công an đã ngắt điện và ở bên ngoài nhà bà vài ngày. Họ đã xông vào nhà bà vào lúc 5 giờ 40 phút chiều ngày 23 tháng 4 và bắt bà. Công an cũng sách nhiễu hàng xóm của bà.

Bà Cốc bị bại liệt và tàn tật từ khi còn nhỏ. Hiện bà đang bị giam trong trại tạm giam. Chị bà, hiện sống ở nước ngoài, đã nhiều lần gọi cho công an để hỏi thông tin về trường hợp của bà, nhưng họ từ chối cung cấp mọi thông tin.

3. Bắt giữ tuỳ tiện

Nguyên giáo sư đại học bị bắt lần ba vì đức tin vào Pháp Luân Công

050fa2ad6384c44c65fc3d3bf038f084.jpg

Ông Vu Xuân Sinh

Ông Vu Xuân Sinh ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt tại một nhà ga xe lửa địa phương vào ngày 19 tháng 6 năm 2019, sau khi công an quét (scan) thẻ căn cước của ông tại cửa kiểm tra an ninh và phát hiện ông là học viên Pháp Luân Công.

Ông Vu, 61 tuổi, đã bị chuyển tới một cơ sở giam giữ của Đồn Công an Đường sắt Thẩm Dương vào buổi tối cùng ngày. Đến nay gia đình vẫn chưa được phép vào thăm ông.

Đây là lần thứ ba cựu giáo sư kiêm chủ nhiệm khoa kỹ thuật cơ giới của Viện Công nghệ Thẩm Dương bị bắt vì không từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Công an giả mạo bằng chứng sau khi bắt giữ các học viên

Ông Hứa Thế Khai, con trai là Hứa Minh Thanh và con dâu là Chu Vạn Cầm, ở huyện Hội Lý, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt vào tối ngày 23 tháng 4 năm 2019. Công an đã đưa họ đi khắp thị trấn và chụp ảnh họ. Công an cũng lấy hình ông Hứa trên một cột điện thoại và cáo buộc rằng ông đã dán thông tin Pháp Luân Công trên cột.

Vào thời điểm viết bài này, ông Hứa vẫn bị giam tại Trạm tạm giam Huyện Hội Lý, con trai và con dâu ông đã được thả sau khi bị giam gần 1 tháng. Trong trại con trai ông bị tù nhân đánh đập tàn bạo và bầm tím khắp người.

Cả hai vợ chồng hiện phải sống xa nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.

Các học viên Pháp Luân Công bị bắt và lấy thông tin sinh trắc khi cố gắng tham dự phiên xét xử một phụ nữ địa phương

Ngày 13 tháng 6 năm 2019, hơn 20 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu đã bị bắt và bị lấy thông tin sinh trắc khi họ cố tham dự phiên xét xử bà Lý Nguyên Hựu, 62 tuổi, bị bắt hồi năm ngoái vì phát tài liệu về Pháp Luân Công.

Công an đã chụp ảnh từng người, lấy dấu vân tay mà mẫu máu của họ. Họ còn ghi hình từng người một, cả trước mặt lẫn hai bên thân, cũng như hai bàn chân.

Khi Trung Quốc tăng cường nâng cấp các công cụ giám sát trên diện rộng hơn bao giờ hết, bao gồm cả thiết bị nhận diện khuôn mặt và dáng đi, những học viên này nghi ngờ chính quyền mưu đồ dùng phiên xét xử để bắt họ và thu thập thông tin của họ để tiếp tục theo dõi sau này.

4. Gia đình bị liên luỵ

Hà Bắc: Người mẹ đơn thân bị bắt giữ hai tháng trước kỳ thi đại học của con gái

Hai tháng trước kỳ thi đại học của con gái, bà Trương Học Mai ở huyện Nam Bì, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt .

Ngày 28 tháng 3 năm 2019, khi trở về nhà để ăn trưa, cô gái học lớp 12 này đã rất sốc khi thấy nhà đã bị lục soát. Cô tới gặp một học viên khác, bà Sa Mai, để nhờ giúp đỡ, nhưng chỉ để bị Thiện Từ Phòng, viên công an đang lục soát nhà bà Sa sau khi đột nhập vào nhà bà, lừa lấy mất điện thoại di động.

Vì bà Trương đang bị giam trong trại tạm giam Thành phố Thương Châu, nên chị gái bà phải giúp bà chăm sóc con gái.

Có thông tin rằng bà Trương bị chính quyền nhắm đến sau khi họ nghi ngờ bà đã treo biểu ngữ có thông tin về Pháp Luân Công tại một khu dân cư ở huyện Nam Bì.

Người bà bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 20 tháng 4 năm 2019, bà Vương Nghệ Lâm, một cư dân ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt khi đang nói chuyện với người dân ở Công viên Nam Hồ về Pháp Luân Công. Hiện bà Vương đang đối mặt với việc bị truy tố vì đức tin của mình, và gia đình bà đang tìm cách để bà được trả tự do vô điều kiện.

Chồng bà Vương cho biết, từ khi vợ bị bắt, ông đã vô cùng quẫn trí. Ông suýt bị đâm xe hai lần vì vô tình vượt đèn đỏ vì bị phân tâm. Con gái đang mang thai của họ đã khóc mỗi ngày, khiến ông thực sự lo lắng cho con gái và sức khỏe của đứa bé trong tương lai. Bệnh trầm cảm của em vợ đã tái phát và gần đây em ấy liên tục gọi cho ông để hỏi về chị gái của mình.

Người mẹ đang nuôi con bú bị bắt giam vì tu luyện Pháp Luân Công, gia đình phải vật lộn để chăm sóc cho con trai một tuổi của cô

Một người mẹ đang cho con bú ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông vẫn bị giam giữ vì đức tin của cô, gia đình đang phải vật lộn để chăm sóc cho con trai một tuổi của cô.

Ngày 14 tháng 6 năm 2019, cô Lưu Hy Phương, ngoài 30 tuổi, đã bị bắt giữ khi cô cùng chồng và con trai đang ở nhà bà ngoại ở huyện Huệ Dân, tỉnh Sơn Đông. Cô Lưu trở thành mục tiêu của công an vì cô bị tố cáo đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công vào ngày hôm trước.

Một công an tham gia bắt giữ cô Lưu nói: “Đây là Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cai sữa cho con trai của cô đấy!”

Công an uy hiếp chồng của cô Lưu phải bế theo đứa con nhỏ một tuổi dẫn họ về nhà riêng của vợ chồng anh ở thành phố Tế Nam, quãng đường dài khoảng 110km.

Công an không tìm thấy bất cứ thứ gì có lợi cho họ tại nơi ở của cô Lưu, do đó, họ đã chụp hình bức tranh năm mới có dòng chữ “Chân-Thiện-Nhẫn”, Pháp lý cơ bản của Pháp Luân Công.

Ngày 15 tháng 6, khi chồng cô Lưu quay lại huyện Huệ Dân để tìm cách giải cứu cô, thì cô đã bị chuyển tới trại tạm giam Thành phố Tân Châu từ chiều hôm trước.

Chồng cô Lưu đã tới trại tạm giam đó để yêu cầu được gặp cô. Nhưng Khúc Chinh, giám đốc trại tạm giam đã từ chối.

Chồng của cô Lưu đề nghị rằng ít nhất thì cô cũng phải được phép con bú, con trai của họ đã bắt đầu khóc gào, nhưng Khúc đã từ chối.

Cha già bị bắt giữ sau khi con gái bị bắt giữ vài tháng, bỏ lại sau lưng đứa cháu tật nguyền

Năm tháng sau khi cô Thịnh Thục Lệ ở thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công, cha cô, ông Thịnh Tùng Cương, 75 tuổi, cũng bị bắt tại nhà vào ngày 21 tháng 6 năm 2019.

Vài giờ sau khi cô Thịnh bị bắt vào ngày 22 tháng 1 năm 2019, con trai cô, một người khuyết tật đã đến đồn công an địa phương để gặp cô, nhưng cậu đã bị đe dọa và đuổi về. Việc tương tự cũng xảy ra khi cậu đến đồn công an này để thăm ông nội của mình.

Vì cả mẹ và ông đều bị giam tại trại tạm giam Phổ Đông, con trai cô Thịnh đã bị bỏ rơi và phải cố gắng để tự lo cho bản thân.

5. Người lớn tuổi bị bắt giữ

Một phụ nữ 79 tuổi đối mặt việc bị truy tố vì đức tin của mình

Bà Tôn Duy Trân, 79 tuổi ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh bị bắt khi đang đi trên đường vào ngày 15 tháng 6 năm 2019, sau khi bị tố cáo là học viên Pháp Luân Công.

Công an đã lục ví của bà và tìm thấy một bản sao thông báo hủy bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công do Tổng Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc ban hành vào năm 2011.

Bà Tôn liên tục nói với công an rằng việc thực hành Pháp Luân Công là hợp pháp và không vi phạm bất cứ điều luật nào. Mặc dù vậy, công an đã từ chối lắng nghe và sau đó tiến hành lục soát nhà bà nhưng không tìm thấy bất cứ thứ gì họ muốn.

Ngày 2 tháng 7 năm 2019, công an đã trình trường hợp của bà Tôn lên Viện kiểm sát Khu Trấn Yên và buộc tội bà vì đã lưu giữ thông báo từ Cục xuất bản Trung Quốc.

Từng bị bỏ tù ba năm, một bà lão 78 tuổi lại bị bắt giữ chỉ vì đức tin của bà

Bà Chu Tuấn Linh, 78 tuổi, ở Thiên Tân, bị bắt giữ vào ngày 24 tháng 4 năm 2019 chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Đây là lần thứ hai bà Chu bị bức hại vì đức tin của mình. Bà từng thụ án ba năm tại Nhà tù nữ Thiên Tân sau lần bắt giữ thứ nhất vào ngày 27 tháng 8 năm 2008 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Hai tù nhân được phân công giám sát bà cả ngày lẫn đêm. Bà không được phép nói chuyện với bất kỳ ai. Bà bị ép xem các chương trình và tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công, và phải ngồi trên “ghế nhỏ” trong thời gian dài. Trong mùa đông lạnh giá, cai tù còn không cho mang lò sưởi vào phòng giam của bà khiến bà bị lạnh. Lúc đó thời tiết lạnh đến mức hai người giám sát bà không thể ngủ được vào ban đêm.

Bà còn bị ép phải lao động khổ sai trong nhà tù này. Nhiệm vụ của bà là làm những túi đựng thức ăn. Một số nguyên liệu thô để làm túi rất độc hại. Do đó, bàn chân phải của bà bị sưng phù đến mức bà đã phải đi giầy với cỡ to hơn bốn cỡ giầy bình thường của bà.

Cụ bà 78 tuổi bị giam giữ phi pháp hơn một tháng vì tín ngưỡng vào Chân-Thiện-Nhẫn

Ngày 11 tháng 4 năm 2019, bốn công an đã bắt giữ bà Mưu Quế Cần, một cư dân thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, ngay ở bên ngoài chung cư nơi bà sinh sống. Công an lục soát căn hộ của bà và lấy đi máy tính, máy in và các sách Pháp Luân Công.

Một ngày trước vụ bắt giữ, bà nhận được cuộc điện thoại của Cục Công an Khu Thuyền Doanh hỏi liệu rằng gần đây bà có tới Đài Loan, một quốc gia mà Pháp Luân Công rất phổ biến hay không.

Hiện bà Mậu đang bị giam trong trại tạm giam Thành phố Cát Lâm. Công an đang xem số sách Pháp Luân Công lấy từ nhà bà là “chứng cứ phạm tội,” và dự mưu kết án tù bà.

6. Bị bức hại liên tục

Em trai chết vì bị tra tấn, chị gái bị giam lần thứ sáu

bce3f9296af2fde27e82bb0d3ee07099.jpg

Bà Ngô Nguyệt Hà

Bà Ngô Nguyệt Hà, một cư dân 62 tuổi của thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt giữ vào ngày 20 tháng 6 năm 2019 khi đang dán các miếng dán có thông tin về Pháp Luân Công.

Đây là lần thứ sáu bà Ngô bị giam giữ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Em trai bà, anh Ngô Nguyệt Khánh, cũng nhiều lần bị bắt giữ và kết án 12 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Anh bị tra tấn tàn bạo trong Nhà tù Mẫu Đan Giang, kết quả là, phổi của anh bị thương tổn và tạo thành một lỗ hổng lớn. Cân nặng của anh sụt xuống chỉ còn khoảng 35 kg. Anh đã qua đời vào ngày 23 tháng 12 năm 2007, khi mới chỉ ngoài 30 tuổi.

Trong thời gian anh Ngô bị giam tù, bà Ngô đã nuôi dưỡng bé Ngô Anh Kỳ, con trai 13 tuổi của anh Ngô, bé đã mất mẹ trong một tai nạn xe hơi vài năm về trước. Nhưng chẳng bao lâu, bà Ngô cũng bị bắt và bị đưa đến trại lao động vì đức tin của mình, và cậu bé tuổi thiếu niên bị đưa đến trại mồ côi địa phương.

100c58ce1e58234103b15ae9062e26c9.jpg

Ngô Anh Kỳ

Sau mười năm cầm tù chỉ vì đức tin, một cựu thương nhân lại sắp bị truy tố

Sau khi bị cầm tù 10 năm, một cựu thương nhân lại sắp bị truy tố do không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Ngày 29 tháng 5 năm 2019, ông Hàn Húc, một cư dân 53 tuổi ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, đã bị bắt sau khi bị tố cáo đã nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công. Ông bị giam tại trại tạm giam Đào Thụ Bình trong 15 ngày rồi bị chuyển sang trại tạm giam Tiêu Gia Viên để giam giữ hình sự vào ngày 13 tháng 6.

Công an đã đệ trình vụ việc của ông lên Viện Kiểm sát Thành Quan vào ngày 20 tháng 6 năm 2019. Gia đình ông Hàn đến gặp công tố viên Trương vào ngày 25 tháng 6 và nộp đơn đề nghị không phê duyệt việc bắt giữ ông, nhưng Trương nói rằng cô không thể làm như vậy.

Cô Trương còn nói: “Vì trước đây ông ấy đã bị kết án 10 năm tù giam, nên lần này ông ấy có thể nhận án tù nặng hơn.”

Người mẹ đơn thân tàn tật tuyệt thực phản đối việc bị bắt giữ phi pháp lần thứ sáu, đang trong tình trạng nguy kịch vì bị bức thực

cdd86b1f652afbc0d56f307d4ca7ce88.jpg

Bà Vương Hồng Ngọc và con trai trước khi cuộc bức hại xảy ra

Bà Vương Hồng Ngọc đã tuyệt thực để phản đối bức hại sau khi bị bắt lần thứ 6 vào ngày 18 tháng 4 năm 2019 vì tu luyện Pháp Luân Công

Người phụ nữ 48 tuổi ở thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông này đã bị bức thực và rất yếu. Bà bị chóng mặt, buồn nôn, và ói mửa. Gia đình bà vô cùng lo lắng cho sự an nguy của bà.

Đây không phải là lần đầu bà Vương trở thành mục tiêu bức hại vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn đã giúp bà phục hồi sức khỏe. Bà Vương bị tàn tật sau khi bị tổn thương cột sống trong khi cố gắng trốn thoát khỏi một trung tâm tẩy não vào năm 2001. Chồng bà không thể trụ vững trước việc vợ mình liên tục bị bắt giữ, nên đã ly dị bà. Lần bắt giữ gần đây nhất của bà Vương xảy ra sau bảy năm kể từ khi bà mãn hạn án tù năm năm vì kiên định đức tin của mình.

7. Tịch thu tài sản cá nhân

Ngôi nhà thuê của người phụ nữ bị chiếm sau khi bà bị bắt

Bà Lý Đông Hoa, một cư dân 60 tuổi ở Bắc Kinh, đã bị bắt vào ngày 20 tháng 4 năm 2019 sau khi công an lừa bà mở cửa và sau đó tìm thấy các sách Pháp Luân Công trong nhà bà.

Bà Lý đã tuyệt thực để phản đối tại trại tạm giam Khu Triều Dương và bị bức thực. Không lâu sau đó, bà bắt đầu có nhịp tim bất thường, các cơn hoảng loạn và có lúc bị mê sảng.

Sau một tháng giam cầm, bà bị chuyển đến một trung tâm tẩy não. Do sức khoẻ suy giảm vì bị bức thực, bà đột nhiên hôn mê và rơi vào tình trạng nguy kịch. Dù bà sớm được thả sau khi nhập viện vài ngày, bà đã tuyệt vọng khi phát hiện ngôi nhà thuê đã bị lấy lại và không còn nơi nào để ở.

Sau khi kết án, cựu nhà nghiên cứu biển bị đình chỉ lương hưu vì không từ bỏ đức tin

Tháng 10 năm 2018, bà Đổng Tương Như, 74 tuổi, ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Vì sức khỏe kém, bà Đổng hiện đang bị quản thúc tại gia. Chính quyền địa phương đã liên tục sách nhiễu bà tại nhà và cơ quan cũ của bà, Cục Thủy sản Tỉnh Chiết Giang, đã đình chỉ lương hưu của bà kể từ tháng 3 năm 2019 vì bà từ chối từ bỏ đức tin.

Công an bí mật lục soát nhà của học viên khi ông đang bị giam vì đức tin của mình

Một nhóm công an đã xông vào nhà ông Sơn Côn Cương ở thành phố Tần Hoàn Đảo, tỉnh Hà Bắc vào ngày 19 tháng 4 năm 2019 và bắt ông. Công an đã lục soát nhà ông và tịch thu các sách Pháp Luân Công, hai điện thoại và những tài sản cá nhân khác.

Trong khi đột kích, công an đã phá cửa phòng ngủ của ông. Ba công an đã ngồi lên ông và ấn đầu gối của họ vào lưng ông. Hai tay và cổ tay của ông bị thương

Ông Sơn đã bị đưa đến đồn công an và bị chuyển đến một cơ sở giam giữ địa phương. Theo lời hàng xóm, công an đã quay trở lại nhà ông nhiều lần và lục soát trong khi ông bị giam. Họ liên tục lấy đi máy tính của ông và đem trả về. Lần cuối cùng công an đến nhà ông là ngày trước khi ông được thả.

II. Sơ lược về các vụ sách nhiễu

Một phụ nữ Hà Bắc phải sống tha phương để tránh bức hại chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 14 tháng 5 năm 2019, hơn 20 công an đã đột nhập vào nhà bà Đỗ Tiểu Cúc ở thành phố Thần Châu, tỉnh Hà Bắc và cố gắng bắt bà. Bà đã trốn thoát trong lúc công an đang lục soát nhà bà. Công an còn giam giữ người chồng đang bị bệnh của bà trong 4 giờ và mấy lần quay lại để sách nhiễu gia đình bà, khiến bà không thể quay về.

Các học viên độ tuổi bát tuần bị đe doạ đình chỉ lương hưu vì kiên định đức tin của họ

Hai giáo viên về hưu ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, ông Bách Tại Tiến và ông Hầu Ngọc Phúc, đều ở độ tuổi bát tuần, đã bị người của ban giáo dục địa phương sách nhiễu vào ngày 15 tháng 4 năm 2019. Họ hăm doạ đình chỉ lương hưu của các học viên nếu không từ bỏ Pháp Luân Công. Cả hai đều đã từ chối hợp tác.

Một phụ nữ Sơn Đông bị lấy sự nghiệp học hành của cháu trai ra đe doạ vì không từ bỏ đức tin của họ

Bà Dư Liên Sơn, ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, đã bị nhiều quan chức địa phương sách nhiễu vào ngày 26 tháng 6 năm 2019. Họ ra lệnh cho bà phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, hoặc họ chặn đứng con đường vào đại học của cháu trai bà. Khi bà Dư từ chối hợp tác, họ đã lục soát nhà bà và tịch thu các tài liệu Pháp Luân Công. Việc sách nhiễu đã khiến con và cháu trai bà, vốn vừa mới nhận được học bổng của một trường đại học, bị áp lực nặng nề.

Công an lắp đặt camera giám sát bên ngoài nhà của học viên

Khi ông Lý Phượng Húc trở về nhà vào ngày 18 tháng 6 năm 2019, ông phát hiện ổ khoá cửa trước đã bị phá. Ông vội vã vào nhà và phát hiện hơn 10 DVD có thông tin về Pháp Luân Công mà ông để trong ngăn kéo đã biến mất. Ông biết rằng công an vừa mới đến và lục soát nơi ở.

Để giám sát ông, công an đã cài đặt những camera giám sát trước và sau nhà ông. Công an cũng trả tiền cho một số hàng xóm để theo dõi ông.

Một phụ nữ Thâm Quyến bị ép phải chuyển ra khỏi nhà và mất việc do bị công an sách nhiễu

b83b19883e827ffeb366a9510354da24.jpg

Cô Hàn Tuyết Kiều

Công an địa phương và người của uỷ ban khu phố ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã sách nhiễu cô Hàn Tuyết Kiều từ tháng 11 năm 2018. Họ thường xuyên theo dõi và giám sát cuộc sống hàng ngày của cô nhằm ép cô từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Khi cô Hàn từ chối hợp tác, thỉnh thoảng họ gõ cửa nhà cô vào nửa đêm hay thậm chí lấy chìa khoá căn hộ của cô từ chủ nhà và xông vào nơi ở của cô. Bị công an sách nhiễu, chủ nhà thuê đã chấm dứt hợp đồng thuê nhà vào tháng 4 và ra lệnh cho cô chuyển ra ngoài trước ngày 1 tháng 5.

Ngày 25 tháng 4, Phòng An sinh Xã hội và Nhân sự Thành phố Thâm Quyến đã ghi nhận một hồ sơ tín dụng xấu đối với cô Hàn, với lý do là cô đã tham gia “những hoạt động và tổ chức ngoài vòng pháp luật.”

Sau khi bị công an sách nhiễu, ông chủ của cô Hàn đã sa thải cô vào ngày 17 tháng 5 năm 2019.

Bài liên quan:

Báo cáo Minh Huệ: 341 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong tháng 5 năm 2019

Báo cáo của Minh Huệ: 688 học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc bị bắt trong tháng 4 năm 2019

Báo cáo Minh Huệ: 245 học viên Pháp Luân Công bị bắt vào tháng 3 năm 2019

Báo cáo Minh Huệ: 101 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong tháng 2 năm 2019

Báo cáo Minh Huệ: 181 Học viên Pháp Luân Công bị bắt trong tháng 1 năm 2019

Báo cáo Minh Huệ: Gần 9.000 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc quấy nhiễu trong năm 2018 vì đức tin của họ


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/13/389788.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/21/178520.htm

Đăng ngày 07-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share