[MINH HUỆ 20-05-2019] Theo thông tin do Minghui.org tổng hợp, 688 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bắt và 434 học viên đã bị sách nhiễu trong tháng 4 năm 2019 vì từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm tính lẫn thân thể dựa trên những lý Chân – Thiện – Nhẫn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Trong tình trạng kiểm duyệt thông tin chặt chẽ ở Trung Quốc, không phải trường hợp bức hại nào cũng có thể được báo cáo kịp thời hoặc thu thập được đầy đủ thông tin.
Hai học viên đã bị chết vì bị cảnh sát sách nhiễu. Bà Dương Hiểu Huy, ở huyện Văn An, tỉnh Hà Bắc, đã bị ngã chết khi bà đang cố gắng chạy trốn cảnh sát bằng cách trèo xuống từ ban công căn hộ tầng ba của mình. Bà Từ Tuấn Minh, một người phụ nữ ở Bắc Kinh có vấn đề về sức khỏe, đã bị chết vài ngày sau khi bị cảnh sát sách nhiễu.
Ngày 25 tháng 4 là ngày kỷ niệm 20 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Văn phòng Kháng cáo Quốc gia tại Bắc Kinh năm 1999 để yêu cầu trả tự do cho một số học viên bị bắt giữ vô lý vài ngày trước đó. Ngày này đã trở thành một ngày nhạy cảm về chính trị đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, và cảnh sát thường bắt các học viên trên diện rộng xung quanh thời gian này mỗi năm. Một số vụ bắt giữ tập thể đã được đưa tin trên khắp Trung Quốc vào tháng 4 vừa qua.
Tổng cộng 571 học viên vẫn bị giam giữ tại thời điểm viết bài báo này. Các cuộc bắt giữ đã diễn ra ở 26 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, 17 địa khu báo cáo đã thực hiện hàng chục vụ bắt giữ, nhiều nhất là tỉnh Tứ Xuyên 89 vụ, kế đến là tỉnh Hắc Long Giang 77 vụ và Hà Bắc 69 vụ.
Số học viên Pháp Luân Công bị bắt và sách nhiễu trong tháng 4 năm 2019
Các học viên cao tuổi cũng không nằm ngoài chiến dịch bắt giữ này, trong đó, có 117 người (87 người bị bắt và 30 người bị sách nhiễu) đều từ 65 đến 87 tuổi.
Số học viên Pháp Luân Công cao tuổi bị bắt và sách nhiễu trong tháng 4 năm 2019
Ngoài ra, 312 học viên đã bị lục soát nhà và bị tống tiền hoặc tịch thu tài sản, với tổng thiệt hại lên đến 464.335 Nhân dân tệ. Bảy học viên đã nghỉ hưu bị treo lương hưu.
Gia đình bà Vương Ngọc Lan ở thành phố Hào Châu, tỉnh An Huy, nằm trong số những học viên bị nhắm đến. 10 người trong gia đình bà đã bị bắt, bị cảnh sát tịch thu 300.000 Nhân dân tệ, một xe hơi, và những tài sản khác.
Bà Lãnh Tuyết Phi, 56 tuổi, đã nghỉ hưu, người ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Bà đã bị treo lương hưu từ tháng 6 năm ngoái. Bà đã bị mất nhà khi chồng bà ly dị bà sau khi bà bị đưa vào một trại lao động cưỡng bức vì tín ngưỡng của mình và được trả tự do vào năm 2002. Sau đó, bà bị kết án bốn năm tù vào năm 2006 và ba năm rưỡi vào năm 2013. Trong cơn tuyệt vọng, bà muốn chuyển ra nước ngoài sống với con trai, nhưng bà đã bị từ chối cấp hộ chiếu vì tín ngưỡng của mình.
Hai người tử vong vì bị cảnh sát sách nhiễu
Một người phụ nữ ở tỉnh Hà Bắc bị ngã chết khi đang cố thoát khỏi bị bắt vì tín ngưỡng của mình
Bà Dương Hiểu Huy, ở huyện Văn An, tỉnh Hà Bắc, bị ngã chết trong khi cố gắng thoát khỏi cảnh sát bằng cách leo xuống từ ban công của căn hộ của bà ở tầng ba vào ngày 9 tháng 4 năm 2019.
Tám cảnh sát đã gõ cửa nhà bà Dương vào khoảng 11 giờ đêm ngày 8 tháng 4 năm 2019. Khi bà từ chối cho họ vào, họ đã dùng dụng cụ để phá cửa. Bà Dương đã chạy ra ban công và cố trốn thoát từ đó. Bà bị ngã xuống đất. Bà bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện. Đến 2 giờ sáng, bệnh viện tuyên bố bà đã qua đời.
Bà Dương qua đời ở tuổi 55, chỉ vài tháng trước đám cưới của con gái bà. Cảnh sát đã không cho gia đình bà chuẩn bị lễ tang cho bà, tuyên bố rằng họ phải xin phép cấp trên trước khi hỏa thiêu và mai táng bà.
Bà đã nhiều lần bị bắt giữ vì tín ngưỡng của mình hơn một thập kỷ qua. Bà bị đưa đến một trung tâm tẩy não hai lần và bị bắt giam một lần.
Bà Từ Tuấn Minh đã được phát hiện là đã chết vào ngày 26 tháng 4 năm 2019 sau vài ngày gia đình bà mất liên lạc với bà. Qua tư thế của thi thể bà, gia đình bà nghi ngờ rằng bà có thể đã chết do bị đột quỵ hoặc vấn đề tim mạch sau khi bị cảnh sát làm cho kinh hãi. Cảnh sát đã trèo qua tường rào và đột nhập vào nhà bà vài ngày trước đó để đe dọa bà không được tu luyện Pháp Luân Công nữa.
Bà Từ và chồng bà, ông Tôn Phúc Nghĩa, sống ở quận Hoài Nhu, Bắc Kinh, đã nhiều lần bị chính quyền nhắm vào vì từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình. Cái chết bi thảm của bà Từ xảy ra khi ông Tôn, 71 tuổi, vẫn đang bị giam ở một trung tâm tẩy não vì tu luyện Pháp Luân Công.
Ông Tôn vừa mới trở về nhà vào ngày 10 tháng 1 năm 2019, sau ba năm thụ án tù vì phổ biến thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chưa đầy hai tháng sau đó, hai vợ chồng già lại bị bắt lại vào ngày 7 tháng 3. Cảnh sát đã đưa bà Từ về nhà ngay đêm hôm đó vì tình hình sức khỏe của bà. Tuy nhiên, cảnh sát lại sách nhiễu bà lẫn nữa vào sáng 9 tháng 3.
Ông Tôn đã được thả ra khỏi Trại tạm giam vào đầu tháng 4, nhưng hai tuần sau đó đã bị bắt lại và đưa vào một trung tâm tẩy não.
Bốn cảnh sát đã gõ cửa nhà bà Từ vào sáng ngày 22 hay 23 tháng 4. Bà từ chối mở cửa. Cảnh sát đã trèo tường vào nhà bà. Họ ép bà từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công và yêu cầu được biết nơi bà lấy tài liệu về Pháp Luân Công. Bà không trả lời những câu hỏi của họ. Cảnh sát đã ở đó vài giờ và rời đi vào khoảng 11 giờ trưa. Bà đã chết vài ngày sau đó ở tuổi 65.
Bắt giữ tập thể
Tháng 4 vừa qua có các báo cáo về những vụ bắt giữ tập thể ở nhiều tỉnh trên khắp Trung Quốc
Thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô: 47 người bị bắt trước ngày 25 tháng 4
Cảnh sát thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, đã bắt giữ 47 học viên Pháp Luân Công trong tháng 4. Trong đó, 7 người bị bắt vài ngày trước ngày 25 tháng 4, bao gồm Chung Tú Phong, Đường Ngọc Linh, Tiểu Phương (biệt danh), Kiều Tử (biệt danh). Ba người khác đã bị bắt vào ngày 30 tháng 4; họ là Khổng Lệnh Tú, Nghiêm Kim Lan và Tào Phúc Lâm. 44 học viên bị bắt đã bị đưa đến các lớp tẩy não được tổ chức tại Khách sạn Ái Xá, thành phố Diêm Thành.
Khách sạn Ái Xá
Hơn 20 học viên bị bắt ở hai tỉnh Tứ Xuyên và Chiết Giang
Tại thành phố Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên, cảnh sát địa phương đã bắt đầu bắt giữ các học viên Pháp Luân Công vào ngày 23 tháng 4. Hơn 20 người đã bị bắt. Cảnh sát cố gắng ép họ ký văn bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và đe dọa sẽ đưa họ đến các lớp tẩy não nếu họ từ chối.
Vào sáng ngày 18 tháng 4, cảnh sát ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, đã bắt giữ các học viên tại nhiều khu vực trên toàn thành phố. Tại nhà của hai học viên, nơi các nhóm học viên cùng đọc sách Pháp Luân Công, cảnh sát đã bắt tất cả những người tham gia và lục soát nơi ở của họ. Tổng cộng có khoảng 20 học viên đã bị bắt, hầu hết đã ngoài 60 và 70 tuổi.
Cảnh sát Ninh Ba đã theo dõi những học viên bị theo dõi từ hai tháng trước đó và thu thập thông tin về thời gian họ thường gặp nhau. Một số học viên bị bắt giữ vẫn bị giam ở trại tạm giam Thành phố Ninh Ba.
Các học viên trở thành mục tiêu bắt giữ trong chiến dịch trấn áp băng đảng ở tỉnh An Huy
Vào sáng ngày 19 tháng 4, cảnh sát từ Phòng An ninh Nội địa Huyện Thái Hòa và các đồn cảnh sát địa phương ở huyện Thái Hòa, tỉnh An Huy, đã bắt giữ ít nhất 15 học viên và lục soát nhà họ sau khi đột nhập vào. Một số học viên đã được trả tự do sau khi cảnh sát không tìm thấy tư liệu Pháp Luân Công trong nhà họ, trong khi những người khác bị đưa đến trại tạm giam.
Có tin cho hay, một số trong những học viên này đã bị theo dõi trong một thời gian dài trong chiến dịch chống các băng đảng của chính quyền. Cảnh sát nhằm vào các học viên Pháp Luân Công thay vì các thành viên băng đảng để đạt chỉ tiêu.
14 học viên bị bắt ở thành phố Bình Hương, tỉnh Giang Tây
Tại thành phố Bình Hương, tỉnh Giang Tây, ngày 23 tháng 4 năm 2019, khi 14 học viên Pháp Luân Công đang cùng nhau đọc sách của Pháp Luân Công thì bị hơn chục cảnh sát đột nhập vào bắt mà không xuất trình bất cứ giấy tờ nào. Những học viên này đã bị đưa đến các đồn cảnh sát địa phương để thẩm vấn rồi bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Bình Hương.
Dưới danh nghĩa nâng cao ổn định xã hội, trưởng phòng Lý Hồng Vũ của Phòng 610 Huyện Lai Thủy, tỉnh Hà Bắc đã chỉ đạo cảnh sát địa phương bắt các học viên Pháp Luân Công ở huyện Lai Thủy ngày 20 tháng 4. 8 học viên đã bị bắt.
Người cao tuổi trở thành mục tiêu bắt giữ vì tín ngưỡng của họ
Sau 12 năm tù, một cụ bà 70 tuổi lại bị bắt lần nữa
Bà Giả Nãi Chí, 70 tuổi, sống ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt ngày 18 tháng 4 năm 2019. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, bà đã bị giam giữ hai năm tại một trại lao động cưỡng bức và 10 năm thụ án tù sau khi lên tiếng phản đối cuộc bức hại. Bà đã bị tra tấn đến gần chết một số lần trong khi bị giam giữ.
Một cư dân ở Thượng Hải bị bắt lại sau 10 năm tù
Ông Trương Cầm, một cư dân 64 tuổi ở Thượng Hải, đã bị bắt ngày 24 tháng 4 năm 2019. Cảnh sát đã lục soát nhà ông và tịch thu các cuốn sách Pháp Luân Công của ông. Ông hiện bị giam ở trại tạm giam Quận Từ Hối. Mẹ ông Trương mới mất cách đây không lâu, còn bố ông, đã ngoài 90 tuổi, hiện đang phải ở nhà một mình sau khi ông bị bắt.
Ông Trương đã bị kết án bốn năm ở Nhà tù Thì Lam Kiều sau khi bị bắt vào năm 2001. Không lâu sau khi được ra tù, ông Trương lại bị bắt lần nữa vào ngày 7 tháng 10 năm 2005. Không lâu sau đó, ông đã phải nhận án một năm lao động cưỡng bức. Chưa đầy ba năm sau đó, ông lại bị bắt vào ngày 5 tháng 6 năm 2009 và bị kết án năm năm ở Nhà tù Thì Lam Kiều. Ông Trương đã bị tra tấn nghiêm trọng trong thời gian bị giam.
Ba học viên cao tuổi là bà Phan Kim Đệ, bà Hà Hạnh Nga, và bà Thẩm Tuyết Anh đã bị bắt vào trưa ngày 10 tháng 4 năm 2019 trong khi họ đang cùng nhau đọc các cuốn sách của Pháp Luân Công tại nhà bà Phan ở Quận mới Phố Đông, Thượng Hải. Họ không được đi giầy dép trước khi bị tống vào xe cảnh sát. Họ đã được trả tự do vào chiều cùng ngày.
Cán bộ ủy ban nhân dân quay lại nhà bà Phan ngày 22 tháng 4 để cố ép bà từ bỏ Pháp Luân Công nhưng bà đã từ chối.
Năm người cao tuổi trở thành mục tiêu bức hại ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên
Năm người cao tuổi ở quận Ôn Giang, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị sách nhiễu vào ngày 10 tháng 4, một số người đã bị cảnh sát ập vào nhà vài giờ sau đó.
Ngày 10 tháng 4, ông Nhiễm Tòng Phát, đã ngoài 80 tuổi, đang ở nhà thì cảnh sát từ Đồn cảnh sát Liễu Thành và ủy ban nhân dân đột nhập vào lúc 11 giờ trưa. Họ yêu cầu ông từ bỏ Pháp Luân Công. Sau khi ông từ chối và giải thích với họ là Pháp Luân Công tốt cho sức khỏe của ông, họ đã bỏ đi.
Quá 2h30 chiều, cán bộ ủy ban nhân dân đã đột nhập vào nhà bà Vương Mỹ Trân, hơn 70 tuổi, và chồng bà là ông Hà Quốc Chương, 79 tuổi. Hai học viên khác là bà Hùng Tập Phương, 85 tuổi, và bà Hà Doãn Quý (không phải là họ hàng của ông Hà), 76 tuổi, đang đến thăm. Cảnh sát đã bắt ông Hà, bà Hùng và bà Hà đến đồn cảnh sát địa phương ở Thành Đô và lục soát nhà họ. Họ đã được trả tự do cùng ngày.
Một cụ bà 83 tuổi bị bắt phải đeo thiết bị giám sát điện tử
Bà Phạm Cầm Hà, một học viên Pháp Luân Công 83 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị bắt đến đồn cảnh sát địa phương. Tại đồn, cảnh sát bắt bà đeo một thiết bị giám sát có khoảng tín hiệu 200 mét để cảnh sát và cán bộ ủy ban nhân dân theo dõi vị trí của bà.
Bà Phạm đã bị kết án một năm tù sau khi bị bắt hồi tháng 2 vừa qua vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Mặc dù bà vừa hết thời hạn bảo lãnh tại ngoại, cảnh sát đã dọa bắt bà trở lại nhà tù nếu bà từ chối đeo thiết bị giám sát.
Các trường hợp sách nhiễu
Một luật sư nhân quyền bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công sau khi đại diện cho các học viên, cũng bị bức hại
Luật sư Vương Vĩnh Hàng, 42 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ông đã bào chữa cho nhiều học viên Pháp Luân Công và được trao “Giải thưởng 10 Luật sư Bảo vệ Nhân quyền Xuất sắc nhất” của Hiệp hội Luật sư Nhân quyền Trung Quốc vào năm 2012. Vào năm 2009, ông đã bị kết án 7 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.
Vào ngày 16 tháng 4 năm 2019, khi ông Vương vừa lên tàu hỏa tại Ga Đường sắt Bắc Đại Liên thì một cảnh sát tiến đến yêu cầu ông cho xem vé tàu và thẻ căn cước mà không đưa ra phù hiệu của cảnh sát. Ông Vương đã từ chối yêu cầu của ông ta và cảnh báo người đó rằng ông sẽ kiện ông ta. Viên cảnh sát đã chụp hình Luật sư Vương mà không được phép và bỏ đi.
Đây là lần thứ ba ông Vương bị sách nhiễu tại ga xe lửa này. Hai lần đầu là vào năm 2017.
Một học viên ở Thiên Tân bị sách nhiễu tại nơi làm việc
Ông Giang Quốc Lương là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Thiên Tân. Hai ngày trước ngày 25 tháng 4, cảnh sát địa phương đã bắt ông tại nơi ông làm việc. Họ đưa ông đến đồn cảnh sát địa phương và lục soát nhà ông. Sau đó, ông đã được trả tự do.
Một giáo viên ở tỉnh Hồ Bắc lại bị sách nhiễu sau 10 năm bị cầm tù vì tín ngưỡng của mình
Ông Từ Húc Đông, một giáo viên ở thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, phát hiện ra có người ghi hình ông sau khi ông rời chỗ làm vào chiều ngày 25 tháng 4.
Năm ngày sau đó, cảnh sát đã đến nhà bố ông ở huyện Trúc Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Họ đã đe dọa người cha cao tuổi của ông và hỏi cụ nhiều câu hỏi về ông Từ.
Ông Từ đã từng hai lần bị kết án 5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công và đã bị tra tấn tàn bạo trong 10 năm ông bị cầm tù.
Các báo cáo liên quan khác
Báo cáo Minh Huệ: 245 học viên Pháp Luân Công bị bắt vào tháng 3 năm 2019
Báo cáo Minh Huệ: 101 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong tháng 2 năm 2019
Báo cáo Minh Huệ: 181 Học viên Pháp Luân Công bị bắt trong tháng 1 năm 2019
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/20/387461.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/29/177827.html
Đăng ngày 10-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.