Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-07-2019] Hai phụ nữ ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt giữ vào ngày 20 tháng 6 năm 2019 khi họ đang dán các miếng dán tự dính có thông tin về Pháp Luân Công. Bà Ngô Nguyệt Hà, 62 tuổi và bà Vương Ngọc Bình, 63 tuổi, hiện đang bị giam trong Trại tạm giam Song Áp Sơn.
Bà Ngô Nguyệt Hà, một cư dân 62 tuổi của thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang lại một lần nữa bị bắt giam vì đức tin của mình
Đây là lần thứ sáu bà Ngô bị giam giữ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Em trai bà, anh Ngô Nguyệt Khánh, cũng nhiều lần bị bắt giữ và kết án 12 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Anh bị tra tấn tàn bạo trong Nhà tù Mẫu Đan Giang, kết quả là, phổi của anh bị thương tổn và tạo thành một lỗ hổng lớn. Cân nặng của anh sụt xuống chỉ còn khoảng 35 kg. Anh đã qua đời vào ngày 23 tháng 12 năm 2007, khi mới chỉ ngoài 30 tuổi.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện với các bài công pháp nhẹ nhàng cùng với Chân-Thiện-Nhẫn là Pháp lý chỉ đạo. Kể từ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp pháp môn này vào tháng 7 năm 1999, rất nhiều học viên đã bị bắt, giam giữ, và tra tấn.
Một nhà giáo đáng kính
Bà Ngô là giáo viên ngữ văn của một trường trung học ở thành phố Song Áp Sơn. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 12 năm 1998. Trước đó, bà từng bị bệnh đau đầu mãn tính và đau chân. Bà đã dùng đủ mọi loại thuốc, phương thuốc dân gian, và luyện các loại khí công, nhưng đều không có hiệu quả. Thế nhưng, chưa đầy 20 ngày kể từ khi bắt đầu học Pháp Luân Công, các chứng bệnh đó đều không cánh mà bay.
Bà hành xử chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn và trở thành một người thiện lương, khoan dung và chân thành hơn, cả trong cuộc sống gia đình lẫn trong công việc. Bà không còn cằn nhằn chồng và làm việc nhà nhiều hơn trước. Ở đơn vị công tác, khối lượng công việc của bà phải tương đương với của hai giáo viên—bà giảng dạy các lớp từ khối 10 đến 12. Bà không đòi thêm tiền cho việc này, và các lớp cuối cấp mà bà dạy thường có kết quả thi tốt nghiệp cao nhất trong toàn thành phố. Học sinh yêu quý bà, và các giáo viên khác cũng như lãnh đạo nhà trường đều rất ấn tượng trước những thay đổi của bà. Nhiều người trong số họ đã bước vào tu luyện, và được sự ủng hộ từ phía nhà nước, họ có thể cùng nhau luyện công ở trong phòng học vào những ngày trời đông lạnh giá.
Bị bắt và giam trong trại lao động
Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, cảnh sát, lãnh đạo trường, và cán bộ khu phố đã sách nhiễu bà kể từ đó đến nay. Bởi đi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện, bà đã bị nhà trường sa thải.
Khi bà Ngô quay trở lại sau khi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện lần ba, cảnh sát thường đến sách nhiễu bà. Không còn lựa chọn nào khác, bà buộc phải rời khỏi nhà sống trôi dạt hơn nửa năm. Vào tháng 3 năm 2000, bà bị bắt và giam trong trại tạm giam Song Áp Sơn. Ở đó, bà bị ghẻ trong bốn tháng. Sau bảy ngày bà tuyệt thực, nhân viên Chu Á Như của trại giam đã bảo các nam tù nhân hàng ngày kéo lê bà ra hành lang để bức thực.
Lần bắt giữ thứ hai của bà Ngô xảy ra vào tháng 12 năm 2006, khi đó Trần Chấn của Phòng 610 Bảo Sơn đã giam bà trong trại tạm giam Song Áp Sơn tám ngày. Khi bà tuyệt thực để phản kháng và gia đình bà yêu cầu thả người, các quan chức trại giam đã tống tiền gia đình bà.
Sáu giờ sáng ngày 28 tháng 9 năm 2007, nhân viên của Phòng 610 địa phương đã kéo đến nhà bà. Họ bắt bà đi mà không tuân theo trình tự pháp luật, và chuyển bà tới Trại Lao động Tây Cách Mộc ở thành phố Giai Mộc Tư.
Ngay khi bà bị đưa tới trại lao động, lính canh đã yêu cầu bà ký tên vào những tờ giấy tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công mà họ đã chuẩn bị sẵn. Khi bà từ chối, một toán cảnh sát đã lao tới và nắm tay bà để cưỡng chế bà ký tên. Một cảnh sát đã đánh vào đầu bà khiến phần cổ phía sau của bà bị chảy máu. Bà cũng bị cưỡng bức lao động khổ sai.
Khi bà Ngô ở trong trại lao động, em trai bà, anh Ngô Nguyệt Khánh đã được bảo lãnh tại ngoại khỏi Nhà tù Mẫu Đan Giang để điều trị y tế. Anh Ngô đã bị kết án 12 năm tù và sức khỏe của anh tiếp tục xấu đi. Ngày 23 tháng 12 năm 2007, anh Ngô đã qua đời.
Tẩy não và giam giữ
Bà Ngô bị bắt lần bốn vào tháng 7 năm 2011 vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công và bị giam trong trại tạm giam Tập Hiền 15 ngày. Vì bà từ chối từ bỏ đức tin của mình, Đỗ Chiêm Nhất cùng các cảnh sát khác của Phòng 610 Song Áp Sơn đã bí mật chuyển bà tới Trại tẩy não Ngũ Thường.
Tái hiện phương thức tra tấn: Còng tay vào ống sưởi
Trong trại tẩy não này, bà bị ngược đãi tàn bạo cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngay khi vừa tới, bà đã bị yêu cầu phải viết “ngũ thư” tuyên bố và cam kết ngừng tu luyện và từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, lính canh đã còng tay bà ra sau lưng vào ống sưởi. Với cách còng tay này, bà bị ở trong tư thế nửa ngồi, khiến bà không thể ngồi xuống mà cũng không đứng lên được.
Sau 24 giờ, bà Ngô thấy chân phải bị tê và không thể bước đi. Vì bà vẫn từ chối từ bỏ đức tin của mình, sáu tù nhân nam đã trói chặt bà, bịt miệng bà, và ấn đầu bà xuống. Sau đó một người nắm lấy tay bà để ký tên vào “ngũ thư” đó. Một tù nhân đã đọc to các tuyên bố đó trong buồng giam.
Mỗi ngày bà đều bị tẩy não, trong đó có việc xem các video và đọc các tài liệu vu khống Pháp Luân Công. Khi bà từ chối viết những lời phỉ báng Pháp Luân Công, các tù nhân đã nắm tay bà và cưỡng chế bà viết những từ đó. Bà bị tra tấn như vậy trong một tháng.
Ngày 14 tháng 10 năm 2014, khi đang tới nhà một học viên khác, bà Ngô đã bị hơn 10 cảnh sát của Đồn Công an Hướng Dương bắt giữ. Ngày hôm sau họ đưa bà tới trại tạm giam Song Áp Sơn và tiến hành lục soát nhà bà vào buổi tối. Họ lấy đi các sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một máy in và vài máy tính.
Lần bắt giữ thứ sáu và cũng là lần bắt giữ gần đây nhất xảy ra vào ngày 20 tháng 6 năm 2019. Cảnh sát lục soát nhà bà và lấy đi máy tính của chồng bà.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/9/389762.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/19/178500.html
Đăng ngày 24-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.