Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 09-03-2023] Tháng 2 năm 2023 đã ghi nhận tổng cộng 110 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vì kiên định đức tin.

Trong số 110 trường hợp mới được báo cáo này, 15 trường hợp xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2021, 66 xảy ra vào năm 2022, 4 trong năm 2023 và 24 trường hợp xảy ra trong tháng 2 năm 2023; 1 trường hợp hiện đang chưa thu thập được thông tin về thời điểm kết án và mức án. Bởi sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt từ chính quyền cộng sản Trung Quốc nhằm cố gắng giấu cuộc bức hại trong bóng tối để tránh sự theo dõi từ quốc tế, các trường hợp bức hại vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời hoặc đầy đủ thông tin.

Các học viên bị kết án phân bố ở 12 tỉnh và 3 thành phố trực thuộc trung ương (Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thiên Tân). Tỉnh Sơn Đông báo cáo nhiều vụ kế án nhất với 37 trường hợp. Hắc Long Giang xếp thứ 2 với 19 trường hợp. Các tỉnh còn lại có số vụ kết án ghi nhận ở mức 1 con số.

1.jpg

Thời hạn bản án của các học viên dao động từ 2 tháng đến 8 năm. Trong số 45 học viên đã có thông tin về tuổi tác, độ tuổi của họ nằm trong khoảng 25-88 (tại thời điểm kết án), 8 học viên ngoài 70 tuổi và 5 học viên ngoài 80 tuổi. Trong số những học viên bị kết án có 1 người là phó hiệu trưởng của trường tiểu học, 1 giảng viên đại học, 1 kỹ sư về hưu và 1 cựu bí thư của Cục Lưu trữ thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

2.jpg

Dưới đây là tóm lược về các trường hợp học viên bị kết án. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh và tiếng Trung).

Học viên trẻ tuổi bị kết án

Một Phật tử nhiệt thành trở thành học viên Pháp Luân Công bị kết án 8 năm tù vì tín ngưỡng của mình

Sau gần 2 năm bị giam giữ, ông Khúc Hưng (34 tuổi) ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã bị Tòa án Quận Cao Tân kết án 8 năm tù và phạt 30.000 Nhân dân tệ vào ngày 15 tháng 2 năm 2023.

Ông Khúc quê gốc ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Từ thuở thiếu thời ông đã rất hứng thú với việc tu luyện. Ông đã nghiên cứu Phật giáo và cũng đi đến Tây Tạng để học Mật tông. Sau đó ông đến Nepal và cố gắng học tập theo sự chỉ dạy của một vị hòa thượng danh tiếng. Vị hòa thượng đó không nói cụ thể là có thu nhận ông Khúc làm đồ đệ hay không, nhưng đã để ông ở tu viện hơn 1 năm. Ông Khúc ở trong một túp lều làm bằng tre và sống một cuộc sống đạm bạc.

Năm 2018, ông Khúc biết đến Pháp Luân Công trên Internet và rất vui mừng sau khi đọc Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công). Ông nói Pháp Luân Công chính là điều mà ông luôn tìm kiếm bấy lâu. Ông nói với vị hòa thượng rằng ông đã quyết định tu luyện Pháp Luân Công và vị hòa thượng rất vui mừng cho ông.

Vì thế ông Khúc đã quay trở về Trung Quốc. Sau khi dừng chân ở Thành Đô, ông cảm thấy yêu thích thành phố này và đã quyết định ở lại đây. Tuy nhiên khoảng 3 năm sau, ông Khúc lại bị chính quyền bắt giữ vào ngày 8 tháng 6 năm 2021, vì treo biểu ngữ Pháp Luân Công trong khi đi giao đồ ăn.

Tòa án Quận Cao Tân đã xét xử vụ án của ông Khúc vào ngày 15 tháng 2 năm 2023. Người nhà ông, trong đó có mẹ ông, đã không được vào tham dự phiên xét xử. Luật sư của ông Khúc đã biện hộ vô tội cho ông. Thẩm phán đã kết án ông 8 năm tù vào buổi chiều ngày hôm đó.

Người thanh niên 25 tuổi bị kết án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Anh Tôn Dục Sơn, một cư dân 25 tuổi của thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, đã bị kết án 3,5 năm tù vào ngày 15 tháng 2 năm 2023. Anh bị bắt vào ngày 20 tháng 1 năm 2022 và 2 ngày sau anh bị đưa tới Trại tạm giam Số 2 Thành phố Trường Sa.

Ban đầu, Thẩm phán Trần Dũ Siêu của Tòa án Thành phố Lưu Dương đã lên lịch xét xử vụ án của anh Tôn vào ngày 28 tháng 7, nhưng đã hủy bỏ chỉ 1 ngày trước ngày mở phiên tòa mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Gia đình anh Tôn đã yêu cầu hủy bỏ vụ án của anh, nhưng vô ích.

Vào ngày xét xử 15 tháng 2 năm 2023, nhiều xe cảnh sát và cứu thương đỗ vây quanh tòa án, bên cạnh đó còn có sự hiện diện của một số quan chức chính quyền.

Ban đầu tòa án chỉ cho phép 10 người tham dự phiên tòa, nhưng sau đó đã cho gần hết người nhà của anh Tôn vào trong sau khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía gia đình. Thẩm phán Trần liên tục cắt ngang phần bào chữa của người nhà anh Tôn, người đóng vai trò là thân nhân bào chữa cho anh.

Anh Tôn khẳng định bản thân không vi phạm bất kỳ luật nào khi tu luyện Pháp Luân Công. Anh tiết lộ rằng trong 3 ngày bị giữ tại đồn công an, anh chỉ được cung cấp đúng 1 bữa ăn.

Cuối phiên tòa, thẩm phán đã kết án anh Tôn 3,5 năm tù và phạt tiền 10.000 Nhân dân tệ.

Bị tước quyền được có đại diện pháp lý

Người đàn ông ở Cát Lâm bị tước quyền đại diện pháp lý và bị kết án 1,5 năm tù

Bị tước quyền được có đại diện pháp lý kể từ sau vụ bắt giữ vào tháng 7 năm ngoái, anh Vương Bằng, một người đàn ông 47 tuổi ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã bị kết án 1,5 năm tù vào khoảng tháng 2 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công.

Tào Huy, phó trưởng Đồn Công an Đường Thái Vũ, đã dẫn theo một cảnh sát đến nhà anh Vương vào ngày 20 tháng 7 năm 2022 để tìm mẹ anh (cũng là một học viên Pháp Luân Công). Sau khi biết mẹ anh từng sống cùng với anh nhưng hiện đã chuyển đi nơi khác để tránh bị bức hại, cảnh sát đã xới tung ngôi nhà và lấy đi máy tính, điện thoại, và các sách Pháp Luân Công của anh Vương.

51effcebb0ac2d470c34c6d1f13028b6.jpg

d0fdc3f176ea13508db31f3385f57e82.jpg

f8a741bf9153bfc39a09d166eff9e6b3.jpg

Cuộc đổ bộ của cảnh sát vào nhà anh Vương

Anh Vương bị giam giữ hình sự ở trong Trại tạm giam Vi Tử Câu và gia đình đã thuê luật sư cho anh. Tuy nhiên, lính canh tù không cho luật sư gặp anh Vương với lý do là luật sư cần phải có sự phê duyệt của Đội An ninh Nội địa.

Gia đình anh Vương thuê một luật sư khác, nhưng Đội An ninh Nội địa đã từ chối yêu cầu vào gặp mặt thân chủ của luật sư.

Gia đình gọi đến đường dây nóng của thị trưởng để khiếu nại viên cảnh sát này, nhưng lại nhận được phản hồi rằng Ủy ban Chính trị Pháp luật Thành phố Trường Xuân có chính sách cấm các học viên Pháp Luân Công được thuê luật sư đại diện.

Tòa án Quận Khoan Thành đã mở phiên tòa xét xử vụ án anh Vương ở trong trại tạm giam vào ngày 21 tháng 11 năm 2022. Gần đây gia đình anh đã xác nhận được rằng anh đã bị kết án 1,5 năm tù.

Cựu chiến binh tỉnh Tứ Xuyên bị tước quyền thuê luật sư và bị kết án tù

Một cựu chiến binh 40 tuổi ở huyện Mễ Dịch, tỉnh Tứ Xuyên đã bị kết án 3 năm tù vì đức tin của anh vào Pháp Luân Công vào khoảng tháng 2 năm 2023.

Anh La Bảng Lâm bị bắt tại nhà vào ngày 15 tháng 3 năm 2022. Một tháng sau anh bị chuyển tới trại tạm giam Miên Sa Loan. Một công tố viên đến từ Viện Kiểm sát Huyện Mễ Dịch đã tới phỏng vấn anh ở trong trại vào cuối tháng 5 và nói sẽ đề xuất mức án từ 3 đến 3,5 năm tù đối với anh La.

Vợ anh La đã đi tới viện kiểm sát để làm thủ tục đăng ký làm thân nhân bào chữa cho anh. Công tố viên phụ trách vụ án là Hồ Thọ Hoa đã yêu cầu cô ký tên vào bản cam kết không thuê luật sư cho chồng mình. Cô Hồng đã từ chối ký tên vào bản cam kết đó.

Ngày 12 tháng 8, cô Hồng nộp phần nội dung biện hộ của mình và 3 ngày sau cô nhận được cuộc gọi của Hồ. Hồ nói rằng cô không được phép đại diện cho chồng với tư cách người bào chữa không phải luật sư và không được phép vào thăm anh ở trong trại tạm giam.

Ngày 23 tháng 12 năm 2022, Tòa án Huyện Mễ Dịch đã ra quyết định kết án tù mà không cho phép anh La thuê luật sư.

Anh La từng đi nghĩa vụ quân sự 2 năm ở Tây Tạng (từ năm 2003 đến năm 2005). Anh bị mắc chứng say độ cao và phải vật lộn với sức khỏe kém sau khi kết thúc nghĩa vụ. Anh bắt đầu bị suy nhược thần kinh, mất ngủ, cả ngày đầu óc thơ thẩn và không có sức lực. Sau đó, anh đã học Pháp Luân Công theo lời giới thiệu của một người bạn và đã phục hồi sức khỏe. Anh bắt đầu mở một trang trại trồng xoài và một cửa hàng trực tuyến để bán trái cây.

Bi kịch gia đình

Người đàn ông Nội Mông bị kết án vì kiên định đức tin, vợ ông qua đời trong đau khổÔng Trương Quốc Sinh ở thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ đã bị bắt vào tháng 7 năm 2022, vào ngày trước khi ông bước sang tuổi 70. Tòa án địa phương đã nhanh chóng xét xử và kết án ông 1,5 năm tù. Bản án đã khiến vợ của ông bị đả kích nặng nề và nhanh chóng suy giảm sức khỏe, cuối cùng, bà đã qua đời vào ngày 30 tháng 10 năm 2022, ở tuổi 65.

Bản án gần nhất này bắt nguồn từ vụ bắt giữ trước đó của ông Trương tại một ngôi chợ nông sản vào ngày 18 tháng 10 năm 2019. Sau khi bắt giữ ông, cảnh sát đã lấy chìa khóa nhà và tiến hành lục soát nơi ở của ông khi không có ai ở nhà. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công và nhiều tài sản cá nhân khác của ông. Do ông bị huyết áp cao, trại tạm giam địa phương đã từ chối tiếp nhận và ông đã được tại ngoại vào buổi tối hôm đó.

Ông Trương được triệu tập đến viện kiểm sát vào năm 2020. Công tố viên cho biết họ sẽ truy tố ông. Để tránh bị bức hại thêm nữa, ông Trương quyết định rời xa nhà. Lương hưu của ông đã bị đình chỉ kể từ khi đó.

Trong thời gian ông Trương sống lưu lạc, cảnh sát đã nhiều lần khám xét nhà ông và nhà con gái ông. Khi hay tin người mẹ già 80 tuổi của ông nhập viện, cảnh sát thậm chí còn tìm đến bệnh viện để truy lùng ông.

Một đêm nọ, khi vợ của ông Trương là bà Lư Liên Lợi đang ở nhà một mình, cảnh sát đã gọi một thợ khóa đến và đột nhập vào nhà để tìm kiếm ông Trương. Khi xác định ông không có nhà, cảnh sát đã lái xe về quê ông suốt đêm và lục soát nhà người chú của ông.

Người đàn ông Hà Bắc bị tòa án ngoại tỉnh kết án, vợ ông vẫn phải sống lưu lạc để tránh bức hại

Gần đây, gia đình ông Quách Nguyên Vinh đã xác nhận được rằng ông đã bị kết án 2 năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Án tù lần này của ông Quách (59 tuổi), một người gốc huyện Úy, thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc bắt nguồn từ vụ bắt giữ của ông và vợ ông, bà Thái Kim Xuyên, vào ngày 30 tháng 8 năm 2019. Cả hai đều là mục tiêu trong một vụ bắt giữ 8 người ở cả tỉnh Hà Bắc và huyện Quảng Linh, thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây lân cận.

Ông Quách bị huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và tim đập nhanh trong khi bị giam giữ tại Trại tạm giam Huyện Hồn Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Ông đã được tại ngoại sau 30 ngày tạm giam. Bà Thái đã tuyệt thực ở trong trại tạm giam Nữ Thành phố Trương Gia Khẩu và được tại ngoại 8 ngày sau đó. Cả hai ông bà đều buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.

Ông Quách bị bắt tại nhà cháu trai ở huyện Quảng Linh vào ngày 8 tháng 9 năm 2022 và bị giam trong trại tạm giam Huyện Hồn Nguyên. Ông nhanh chóng bị chuyển đến bệnh viện nhà tù do tình trạng sức khỏe kém.

Khi gia đình ông Quách liên hệ với Thẩm phán Tôn Kiến Giang của Tòa án Vân Cương, thành phố Đại Đồng vào ngày 12 tháng 1 năm 2023, Tôn cam kết sẽ thông báo cho họ khi có lịch xét xử ông Quách. Nhưng khi gia đình ông gọi điện lại cho Tôn vào ngày 2 tháng 1, ông ta nói tòa đã kết án ông Quách 2 năm tù và trắng trợn bao biện cho việc không thông báo cho gia đình ông Quách. Tôn tuyên bố, ông Quách đã trưởng thành nên họ không có nghĩa vụ phải thông báo cho gia đình về việc kết án ông.

Gia đình ông Quách cũng xác nhận rằng ông đã bị đưa từ bệnh viện trở lại trại tạm giam Hồn Nguyên, nhưng lính canh tù vẫn từ chối cho họ vào thăm ông.

Hiện bà Thái vẫn đang phải sống lưu lạc tại thời điểm viết bài.

Người đàn ông Tứ Xuyên bị kết án tù vì đức tin, con gái đang sinh sống tại Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho cha mình

Gần đây, ông Đường Lễ Vinh (khoảng 60 tuổi) ở thành phố Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên đã bị bí mật kết án 4 năm tù. Người con gái hiện đang định cư ở Hoa Kỳ của ông Đường đang kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho cha mình.

Ông Đường bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 2 tháng 4 năm 2020. Cảnh sát vô cớ xông vào văn phòng của ông, tát vào mặt rồi còng tay ông. Cả hai chỗ ở của ông đều bị khám xét trong ngày hôm đó. Giấy tờ tùy thân và hộ chiếu của ông cũng bị tịch thu. Trong khi lục soát nhà ông, cảnh sát đã đưa ra lệnh khám xét nhưng nhanh chóng cất đi mà không để ông đọc được nội dung.

Trước khi thả ông Đường và ra quyết định quản thuc tại gia ông vào chiều hôm sau, cảnh sát đã chụp ảnh, thu thập dấu vân tay cùng mẫu máu của ông.

Ông Đường bị cảnh sát đã triệu tập 5 lần trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 18 tháng 5. Họ cố gắng khai thác từ ông thông tin về một học viên khác là bà Triệu Tiệp. Cảnh sát cũng cho ông Đường xem một tờ giấy liệt kê hơn 20 cái tên tiếng Anh và hỏi ông những người này là ai.

Trong khi họ đang thẩm vấn ông vào ngày 27 tháng 4 năm 2020, cảnh sát đã gọi điện cho con gái ông Đường là cô Đường Thụy, vì biết cô cũng là người tu luyện Pháp Luân Công. Họ gặng hỏi cô Đường đang làm gì tại Hoa Kỳ và cô có liên hệ hay biết những học viên nào khác không. Rồi họ nói với ông Đường: “Hiện tại chúng tôi không thể làm gì con gái ông vì cô ta đang ở Mỹ, nhưng chỉ cần con gái ông về nước, chúng tôi sẽ bắt cô ta ngay lập tức”.

Ngày 8 tháng 2 năm 2023, ông Đường bị triệu tập đến Tòa án Quận Tinh Dương. Khi đến nơi, ông bị đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và sau đó là đến đồn công an địa phương. Một cảnh sát họ Điêu tiết lộ rằng tòa án đã ra lệnh cho cảnh sát bắt giữ các học viên trước khi xét xử các vụ án của họ.

Sau đó, ông Đường đã bị bí mật kết án 4 năm tù. Tòa án không hề thông báo cho gia đình ông về phán quyết, nhưng một người trong cuộc đã xác nhận điều này vào ngày 20 tháng 2.

Người đàn ôn Cát Lâm bị kết án 4 năm tù, chị gái quá sợ hãi đến mức mất ngủ

Gần đây gia đình ông Ngô Đức Tú ở thành phố Giao Hà, tỉnh Cát Lâm mới xác nhận rằng ông đã bị bí mật kết án 4 năm tù vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Ông đã bị bắt tại nơi thuê trọ vào ngày 13 tháng 5 năm 2022. Cảnh sát đã xới tung chỗ ở của ông trong cuộc đổ bộ.

Chị của ông Ngô, ngoài 70 tuổi, đã gọi điện cho cảnh sát Chu Tư Vũ, là người phụ trách trường hợp của ông Ngô, nhiều lần để hỏi về em trai mình. Ban đầu Chu trả lời bà nhưng từ chối cho bà bất cứ thông tin gì. Khi bà tiếp tục gọi, Chu đã không nhấc máy nữa. Bà đã phải gọi anh ta từ một điện thoại khác để anh ta trả lời. Bà đã liên hệ với nhiều hãng luật nhưng không có luật sư nào sẵn lòng nhận trường hợp của em trai bà. Bà nói rằng, bất cứ khi nào bà nghĩ về việc em trai bà bị bắt là bà lại lạnh toát mồ hôi và ban đêm không thể ngủ được.

Em trai ông Ngô đã nhận được một tin nhắn bằng văn bản từ Tòa án Thành phố Thư Lan ngày 9 tháng 2 năm 2023. Tin nhắn nói rằng ông Ngô đã bị kết án 4 năm tù và bị phạt 5.000 tệ. Một lính canh ở Trại tù Công Chủ Lĩnh đã gọi cho em trai ông Ngô ngày 18 tháng 2 và xác nhận rằng ông Ngô đã bị đưa vào tù.

Ông Ngô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 6 năm 1996. Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc khởi động cuộc đàn áp vào năm 1999, ông đã nhiều lần bị bắt giam vì ông kiên định với tín ngưỡng của mình. Ông đã phải thi hành 3 án phạt lao động cưỡng bức tổng cộng là 4 năm. Ông đã bị đánh đập tàn bạo, bị sốc điện và bức thực trong khi bị giam.

Bị nhắm mục tiêu vì phổ truyền chân tướng

Hắc Long Giang: Một người phụ nữ 70 tuổi bị kết án 3 năm tù vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công

Một cư dân ngoài 70 tuổi ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án 3 năm tù vào ngày 17 tháng 1 năm 2023 vì lên tiếng cho Pháp Luân Công.

Ban đầu cảnh sát bắt giữ ông Khám Đại Bình, chồng của bà Tưởng Ích Phân, vào ngày 3 tháng 3 năm 2022, khi ông đang trên đường về nhà sau khi tan làm từ một trung tâm kiểm soát dịch bệnh địa phương. Ngay sau đó, ông bị đuổi việc. Cảnh sát còn đột nhập vào nhà của hai vợ chồng và tịch thu các sách Pháp Luân Công, một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và vài chiếc điện thoại di động của bà Tưởng.

Ông Khám được thả không lâu sau khi bị bắt, còn bà Tưởng bị tống giam. Khi cảnh sát chuyển hồ sơ vụ án của bà Tưởng sang viện kiểm sát, họ đã bổ sung một đoạn video giám sát đường phố quay cảnh bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở gần Bưu điện Quận A Thành vào bằng chứng truy tố chống lại bà. Cảnh sát truy vết vị trí của bà thông qua việc theo dõi điện thoại di động và dấu vân tay của bà khớp với dấu vân tay mà cảnh sát thu thập từ các tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát cũng buộc tội bà Khương là người tái phạm tội vì trước đó bà từng bị kết án 4 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 17 tháng 1 năm 2023, tòa án địa phương đã kết án bà Khương 3 năm tù.

Một cư dân Bắc Kinh bị kết án 27 tháng tù vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công

Gần đây, bà Triệu Tú Hoàn, một cư dân ở Bắc Kinh, đã bị kết án 2 năm 3 tháng tù, sau khi cảnh sát tuyên bố rằng họ tìm thấy DNA của bà ấy trên các tài liệu Pháp Luân Công được phân phát ở bên ngoài của một khu phố.

005983e5691b3d23b3199f66c071fc86.jpg

Bà Triệu Tú Hoàn

Ngày 21 tháng 11 năm 2020, bà Triệu Tú Hoàn (68 tuổi) bị bắt và bị giam trong Trại tạm giam Quận Hải Điến. Cảnh sát nói rằng một camera giám sát đã ghi lại cảnh bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát cũng tuyên bố họ đã tìm thấy DNA của bà trên 1 trong 7 tài liệu Pháp Luân Công được thu thập từ giỏ xe đạp và dưới cần gạt kính chắn gió của một chiếc ô tô đỗ bên ngoài khu phố.

Ngày 11 tháng 6 năm 2021, Tòa án Quận Hải Điến đã xét xử vụ án của bà Triệu. Sau đó thẩm phán đã lên lịch cho hai phiên tòa nữa, nhưng sau đó đã hủy bỏ cả hai mà không đưa ra lời giải thích. Kể từ năm 2022, luật sư của bà Triệu không được phép gặp bà do những hạn chế COVID nghiêm ngặt. Gần đây, luật sư mới xác nhận rằng bà Triệu đã bị kết án.

Một cư dân tỉnh Hồ Bắc bị tòa án tỉnh khác kết án vì gửi thông tin Pháp Luân Công trên WeChat

Bà Trâu Quế Hương (68 tuổi) ở thành phố Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc đã bị cảnh sát thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô bắt giữ vì đăng tải thông tin về Pháp Luân Công trên mạng Internet. Bà đã bị tra tấn tàn bạo và cưỡng ép từ bỏ Pháp Luân Công trong 10 tháng thụ án oan sai.

Bà Trâu, một công nhân đã nghỉ hưu của một xưởng ươm tơ, tin rằng Pháp Luân Công đã chữa khỏi căn bệnh nan y của bà. Vì kiên định đức tin vào pháp môn này, bà đã nhiều lần bị chính quyền nhắm đến trong suốt hơn 20 năm qua.

Vào 8 giờ tối ngày 10 tháng 12 năm 2021, cảnh sát từ Nam Kinh và Ma Thành đã lừa bà Trâu ra mở cửa. Sau một cuộc thẩm vấn ngắn tại Đồn Công an Nam Hồ ở Ma Thành, bà bị đưa đến Nam Kinh ngay trong đêm. Sau đó, bà bị chuyển đến một cơ sở giam giữ bí mật và thường xuyên phải đối mặt với thẩm vấn trong suốt 5 tháng ở đây.

Bởi bà Trâu đăng thông tin về Pháp Luân Công trên ứng dụng WeChat (một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc), cảnh sát và phân cục an ninh quốc gia ở Nam Kinh xếp trường hợp của bà là “vụ án đặc biệt nghiêm trọng” và buộc tội bà “câu kết với các thế lực phản Trung ở nước ngoài” và “phát tán các ngôn luận phản động“. Họ thành lập một tổ chuyên án và liên tục thẩm vấn bà về việc bà đã “thông đồng” với “thế lực hải ngoại”.

Sau nhiều tháng điều tra, cảnh sát xác định tất cả điện thoại di động và thẻ sim mà bà Trâu đã mua không có bất kỳ liên lạc nào với bất kỳ cá nhân nào ở bên ngoài Trung Quốc. Dù không có đủ bằng chứng, song Tòa án Nam Kinh cuối cùng vẫn kết án bà 10 tháng tù với tội danh “phát tán các ngôn luận phản động”.

Ngay sau khi bà Trâu bị kết án, các nhân viên an ninh quốc gia vẫn tiếp tục thẩm vấn bà. Họ bật đèn chiếu sáng trong phòng bà suốt 24 giờ và cưỡng chế bà phải xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công và video ca ngợi chế độ cộng sản hơn 10 tiếng mỗi ngày.

Trong thời gian bà Trâu bị giam giữ, đồn phó Đồn Công an Cao Thuần đã ba lần đến Ma Thành để sách nhiễu chồng và con gái bà, ngay cả anh trai của bà Trâu cũng không được buông tha. Cảnh sát đã quay video các thành viên trong gia đình bà và cố gắng ép họ phải cung cấp thông tin chống lại bà.

Bà Trâu cũng nhận thấy lính canh đã bỏ một chất giống gì đó như tinh thể vào nước uống của bà. Vì đôi lúc huyết áp bà trở nên cao bất thường và còn cảm thấy tức ngực, toàn thân phát lạnh và khó thở.

Ngoài việc bỏ thuốc lạ, các nhân viên chính quyền còn giảm khẩu phần ăn của bà Trâu, thậm chí bỏ đói bà. Cân nặng của bà giảm từ 57kg xuống còn 45kg trong 5 tháng. Chỉ đến khi bà tuyệt thực, họ mới bắt đầu cung cấp cho bà khẩu phần ăn bình thường.

Mặc dù bà bị giam 5 tháng trong cơ sở giam giữ bí mật, chính quyền chỉ tính 2,5 tháng vào thời gian chấp hành án của bà. Cuối cùng, thời hạn của bà đã bị kéo dài thêm 2,5 tháng nữa và bà được trả tự do vào ngày 21 tháng 12 năm 2022.

Băt giữ theo nhóm và bị kết án

Bị bắt trong một cuộc càn quét của cảnh sát, hai người phụ nữ Hắc Long Giang bị kết án tù

Hai cư dân ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang mới bị kết án tù vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Bà Trình Kiều Vân đã bị kết án 8 năm và bà Đỗ Xuân Hương bị kết án 4 năm tù.

Hai học viên này đã bị bắt ngày 12 tháng 7 năm 2022, trong một cuộc càn quét của cảnh sát đối với ít nhất là 135 học viên Pháp Luân Công. 89 học viên khác đã bị sách nhiễu và 156 người bị lục soát nhà.

Chiến dịch này bắt đầu vào 8 ngày trước ngày kỷ niệm lần thứ 23 kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp môn tu luyện tinh thần này vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Việc bắt giữ hàng loạt này là một cố gắng nhằm bắt những học viên bị nhắm đến từ bỏ tín ngưỡng của mình và ngăn họ lên tiếng trước ngày kỷ niệm.

Theo một cảnh sát viên, chính quyền đã bắt đầu theo dõi và ghi hình những học viên này từ 9 tháng trước khi chiến dịch bắt đầu. Ngày bắt đầu chiến dịch bắt giữ không được thông báo cho đến một tuần trước đó. Các cảnh sát đã không đưa ra tên, khu vực, hay thông tin liên hệ của họ trong khi tiến hành việc bắt giữ, nói rằng những thông tin đó là một bí mật quốc gia.

Hầu hết các vụ bắt giữ được thực hiện vào sáng sớm, từ 5 đến 7 giờ sáng, khi các học viên đang ở nhà. Nhiều đồ dùng cá nhân đã bị tịch thu, đặc biệt là các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy tính xách tay, điện thoại di động, và những tờ rơi mà các học viên dùng để phổ biến thông tin về cuộc đàn áp. Những đồ vật này sau đó được chính quyền sử dụng làm bằng chứng truy tố hòng kết tội các học viên.

Ngoài bà Trình và bà Đỗ, hai học viên khác bị nhắm vào trong cuộc càn quét của cảnh sát, bà Đường Tăng Nghiệp và bà Lý Đông Cử, cũng đã bị kết án tương ứng là 2,5 và 5,5 năm tù.

Liên tục bị bức hại

Sau 12 năm bị giam cầm và tra tấn, người đàn ông Hồ Bắc lại bị kết án 4 năm tù vì kiên định đức tin của mình

Gần đây, một nhân viên nghỉ hưu của trung tâm phòng chống dịch bệnh ở thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc đã bị kết án 4 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Trước lần tuyên án gần nhất này, ông Liễu Đức Ngọc (67 tuổi) từng nhiều lần bị tống giam. Ông đã chấp hành một bản án lao động cưỡng bức và hai án tù, tổng cộng 12 năm. Ông cũng nhiều lần bị buộc phải sống lưu lạc để tránh bị chính quyền bức hại, từng phải ngủ trong hang, ven đường hoặc gầm cầu.

Ngày 8 tháng 7 năm 2022, ông Lưu bị bắt khi đang nói với người dân về Pháp Luân Công ở trên đường phố. Cảnh sát lục soát nhà ông và lấy đi các sách Pháp Luân Đại Pháp cùng nhiều tài sản cá nhân khác của ông. Ông từ chối trả lời mọi câu hỏi của cảnh sát.

Ngày 28 tháng 10 năm 2022, Tòa án Quận Đông Bảo đã tổ chức một phiên tòa trực tuyến xét xử vụ án của ông Liễu. Gia đình ông không được phép tham dự phiên tòa. Ông từ chối luật sư do tòa án chỉ định và tự bào chữa vô tội cho mình. Gần đây, gia đình ông đã xác nhận được rằng ông đã bị kết án 4 năm tù.

Bài liên quan:

Báo cáo tháng 1 năm 2023: 117 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/9/457567.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/16/207691.html

Đăng ngày 27-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share