Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-02-2023] Bà Trâu Quế Hương (68 tuổi) ở thành phố Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc đã bị cảnh sát thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô bắt giữ vì đăng tải thông tin về Pháp Luân Công trên mạng Internet. Bà Trâu đã bị tra tấn tàn bạo và cưỡng ép từ bỏ Pháp Luân Công trong 10 tháng thụ án oan sai.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà Trâu, một công nhân đã nghỉ hưu của một xưởng ươm tơ, tin rằng Pháp Luân Công đã chữa khỏi căn bệnh nan y của bà. Vì kiên định đức tin vào pháp môn này, bà đã nhiều lần bị chính quyền nhắm đến trong suốt hơn 20 năm qua.

Vào 8 giờ tối ngày 10 tháng 12 năm 2021, cảnh sát từ Nam Kinh và Ma Thành đã lừa bà Trâu ra mở cửa. Sau đó họ tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, tài liệu chân tướng, 7 chiếc điện thoại di động và 7.000 nhân dân tệ tiền mặt của bà Trâu.

Sau một cuộc thẩm vấn ngắn tại Đồn Công an Nam Hồ ở Ma Thành, bà bị đưa đến Nam Kinh ngay trong đêm. Cảnh sát đã nhốt bà tại Đồn Công an Thuần Khê để thẩm vấn vài ngày trước khi đưa bà tới Trại tạm giam thành phố Nam Kinh, và bà bị giam giữ ở trại 10 ngày. Bà từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát về nơi bà lấy các tài liệu Pháp Luân Công. Sau đó, bà bị chuyển đến một cơ sở giam giữ bí mật và thường xuyên phải đối mặt với thẩm vấn trong suốt 5 tháng ở đây.

Ngoài ra, bà Trâu cũng đăng thông tin về Pháp Luân Công trên ứng dụng WeChat (một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc), cảnh sát và phân cục an ninh quốc gia ở Nam Kinh xếp trường hợp của bà là “vụ án đặc biệt nghiêm trọng” và buộc tội bà “câu kết với các thế lực phản Trung ở nước ngoài” và “phát tán các ngôn luận phản động“. Họ thành lập một tổ chuyên án và liên tục thẩm vấn bà về việc bà đã “thông đồng” với “thế lực hải ngoại” như thế nào?

Sau nhiều tháng điều tra, cảnh sát xác định tất cả điện thoại di động và thẻ sim mà bà Trâu đã mua không có bất kỳ liên lạc nào với bất kỳ cá nhân nào ở bên ngoài Trung Quốc. Dù không có đủ bằng chứng, song Tòa án Nam Kinh cuối cùng vẫn kết án bà 10 tháng tù với tội danh “phát tán các ngôn luận phản động”.

Ngay sau khi bà Trâu bị kết án, các nhân viên an ninh quốc gia vẫn tiếp tục thẩm vấn bà. Họ bật đèn chiếu sáng trong phòng bà suốt 24 giờ và cưỡng chế bà phải xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công và video ca ngợi chế độ cộng sản hơn 10 tiếng mỗi ngày.

Trong thời gian bà Trâu bị giam giữ, đồn phó Đồn Công an Cao Thuần đã ba lần đến Ma Thành để sách nhiễu chồng và con gái bà, ngay cả anh trai của bà Trâu cũng không được buông tha. Cảnh sát đã quay video các thành viên trong gia đình bà và cố gắng ép họ phải cung cấp thông tin chống lại bà.

Bà Trâu cũng nhận thấy lính canh đã bỏ một chất giống gì đó như tinh thể vào nước uống của bà. Vì đôi lúc huyết áp bà trở nên cao bất thường và còn cảm thấy tức ngực, toàn thân phát lạnh và khó thở.

Ngoài việc bỏ thuốc lạ, các nhân viên chính quyền còn giảm khẩu phần ăn của bà Trâu, thậm chí bỏ đói bà. Cân nặng của bà giảm từ 57kg xuống còn 45kg trong 5 tháng. Chỉ đến khi bà tuyệt thực, họ mới bắt đầu cung cấp cho bà khẩu phần ăn bình thường.

Mặc dù bà bị giam 5 tháng trong cơ sở giam giữ bí mật, chính quyền chỉ tính 2,5 tháng vào thời gian chấp hành án của bà. Cuối cùng, thời hạn của bà đã bị kéo dài thêm 2,5 tháng nữa và bà được trả tự do vào ngày 21 tháng 12 năm 2022.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/3/456385.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/9/207258.html

Đăng ngày 23-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share