Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 11-01-2025] Ngày 9 tháng 1 năm 2024, cô Tạ Hiểu Đình, một sinh viên đại học tại cơ sở thành phố Trung Sơn của Đại học Dược Quảng Đông, bị bắt vì gỡ một tấm áp phích bôi nhọ Pháp Luân Công khỏi bảng thông tin trong khuôn viên trường. Cảnh sát phối hợp với ban lãnh đạo nhà trường để thẩm vấn cô, và yêu cầu cô từ bỏ Pháp Luân Công, dọa đuổi học nếu cô không tuân thủ. Sau khi được thả, chính quyền thường xuyên sách nhiễu và theo dõi cô. Cô bị bắt một lần nữa vào tháng 6 năm 2024, vì báo cáo việc mình bị bức hại cho Minh Huệ Net, và bị tạm giữ trong 15 giờ.
Sau khi bị bắt vào ngày 14 tháng 4 năm 2024, bà Mạnh Xuân Anh, cư dân thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, bị đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe theo yêu cầu của trại tạm giam địa phương. Bên trong đùi phải của bà bị bầm tím nặng do bị cảnh sát đá. Khi bà từ chối cung cấp mẫu nước tiểu, ba nam cảnh sát kéo quần của bà Mạnh xuống, và dùng ống thông để lấy mẫu nước tiểu của bà.
Trong khi cụ bà Từ Tử Lan, 91 tuổi, cư dân thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đang đi dạo ở một công viên địa phương vào giữa tháng 10 năm 2024 thì tình cờ gặp bà Trịnh Ảnh Anh, một người bạn mà bà chưa gặp trong nhiều năm. Họ đến một quán trà để trò chuyện, mà không biết đang bị cảnh sát theo dõi. Vài ngày sau, cảnh sát đột kích vào nhà bà Từ. Họ cho bà xem bức ảnh họ chụp bà và bà Trịnh tại quán trà. Họ còn đưa ra những bức ảnh bà đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công vào một thời điểm chưa xác định. Họ thẩm vấn bà, lục soát nhà và tịch thu sách và tài liệu Pháp Luân Công của bà.
Ba trường hợp nêu trên chỉ là một ít ví dụ về những bức hại các học viên Pháp Luân Công đang hàng ngày phải đối mặt ở Trung Quốc. 25 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) triển khai chiến dịch diệt trừ Pháp Luân Công, cuộc bức hại vẫn tiếp diễn không ngừng nghỉ, ngay cả khi đất nước đang phải đối mặt với những thách thức về kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Năm 2024, ngoài 164 trường hợp tử vong và 764 trường hợp bị kết án đã được báo cáo trước đó, Minh Huệ Net cũng xác nhận 2.828 học viên bị bắt giữ và 2.864 trường hợp sách nhiễu.
Với chính sách bức hại được trung ương đề ra: “Hủy hoại thân thể, bôi nhọ thanh danh và vắt kiệt tài chính”, các học viên có thể bị bắt hoặc sách nhiễu bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Khi bị giam giữ, họ có thể bị tra tấn thể xác, tẩy não hoặc giam giữ dài hạn thông qua các bản án tù oan sai, hay đơn giản chỉ là giam giữ tùy tiện. Ngay cả sau khi được trả tự do, họ vẫn phải đối mặt với sự sách nhiễu hoặc bức hại tài chính không ngừng. Một số học viên bị nơi làm việc sa thải hoặc bị đình chỉ lương hưu. Một số bị chủ nhà đuổi ra khỏi nhà, và một số khác bị giám sát chặt chẽ và không được phép đi lại.
PHẦN 1. TỔNG QUAN VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP BẮT GIỮ VÀ SÁCH NHIỄU MỚI ĐƯỢC BÁO CÁO
1.1. Học viên ở 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu tự trị bị nhắm mục tiêu
Trung Quốc có 22 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc trung ương (Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải và Trùng Khánh) và 5 khu tự trị (Quảng Tây, Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương và Ninh Hạ). Ngoại trừ Tây Tạng, tất cả 30 khu vực hành chính còn lại đều báo cáo các trường hợp bắt giữ và sách nhiễu vào năm 2024.
Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu cách đây 25 năm, hầu hết các tỉnh phía bắc, bao gồm Hà Bắc, Sơn Đông, Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang, đã liên tục triển khai những bức hại tàn khốc nhất. Năm 2024 cũng không ngoại lệ.
Hà Bắc, một tỉnh bao quanh Bắc Kinh, báo cáo nhiều vụ nhất với tổng số 978 trường hợp, gần gấp 5 lần số trường hợp trung bình trên toàn quốc (190). Việc bức hại ở Sơn Đông, Liêu Ninh và Cát Lâm cũng rất nghiêm trọng, với lần lượt 687, 655 và 591 trường hợp được báo cáo. 8 khu vực khác ghi nhận các trường hợp có ba chữ số, từ 129 đến 472. 14 khu vực khác có số trường hợp có 2 chữ số, từ 12 đến 96 và 4 khu vực còn lại ghi nhận số trường hợp với 1 chữ số, từ 1 đến 6.
Tỉnh Cát Lâm báo cáo 2 vụ bắt giữ tập thể, với ít nhất 46 học viên bị bắt ở thành phố Trường Xuân từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2024, và 35 học viên khác bị bắt ở thành phố Thư Lan vào ngày 5 tháng 6.
Ở Tây Nam Trung Quốc, 25 người dân địa phương ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị bắt giữ vào ngày 6 tháng 6 năm 2024, trong một cuộc truy quét của cảnh sát mang tên là “Chuyên án 6.6.” Tám người trong số họ, ở độ tuổi từ 67 đến 87, bị hơn 30 cảnh sát bắt giữ trong khi đang học các bài giảng Pháp Luân Công tại một nhà riêng. Cảnh sát đã theo dõi các học viên bị nhắm mục tiêu và thu thập bằng chứng chống lại họ trong ít nhất 6 tháng trước khi bắt giữ.
Kể từ tháng 8 năm 2024, nhân viên của ủy ban khu phố và đồn công an ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đến nhà các học viên Pháp Luân Công để sách nhiễu và chụp ảnh họ. Các học viên cũng bị bắt viết cam kết từ bỏ đức tin của mình. Ở một số quận, các cán bộ gõ cửa từng hộ dân và trả tiền mặt để họ tố giác các học viên Pháp Luân Công. Điều này dẫn đến việc một số người bí mật ghi hình các học viên khi họ ra ngoài nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công. Nếu các học viên tình cờ phát hiện mình bị ghi hình, người cung cấp thông tin sẽ phủ nhận và nói không ghi gì. Khi các học viên cố gắng giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho họ thì sẽ bị ghi âm lại.
Trong khi hầu hết các học viên bị nhắm mục tiêu ở quê nhà, một số bị cảnh sát ngoại tỉnh bắt giữ vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.
Bà Khưu Hồng Mai và bà Lý Hồng Lị, hai công nhân về hưu từ Mỏ dầu Thắng Lợi ở thành phố Đông Doanh, tỉnh Sơn Đông, cùng nhau đi nghỉ tại huyện Long Thắng, tỉnh Quảng Tây, vào ngày 13 tháng 5 năm 2024. Khi ở đó, họ nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công, và bị bắt giữ. Họ bị giam tại một trại tạm giam gần Long Thắng, và bị tước quyền thăm thân. Ngày 21 tháng 5, cảnh sát Long Thắng di chuyển gần 2.000km đến nhà của họ ở thành phố Đông Doanh để lục soát.
Cũng ở Tây Nam Trung Quốc, bà Du Toàn Phương, người dân gốc thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt vào cuối tháng 7 năm 2024, và bị chuyển đến một trại tạm giam ở thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam. Khổ nạn của bà bắt nguồn từ vụ bắt giữ trước đó vào ngày 21 tháng 4 năm 2023, khi bà đến thăm gia đình con gái ở Lệ Giang. Cảnh sát nghi ngờ bà phát tài liệu Pháp Luân Công, và giam bà trong 15 ngày. Sau khi thả bà tại ngoại vào ngày 5 tháng 5 năm 2023, họ tiếp tục theo dõi các hoạt động hàng ngày của bà, và không cho phép bà ra ngoài mà không có giám sát. Bà sớm quay về nhà riêng ở Bành Châu. Do bị sách nhiễu liên tục, bà buộc phải sống xa nhà, nhưng lại bị bắt chỉ sau vài tháng.
1.2. Các vụ bắt giữ và sách nhiễu suốt cả năm, đặc biệt quanh những ngày nhạy cảm về chính trị
2.828 trường hợp bắt giữ và 2.864 trường hợp sách nhiễu được báo cáo đều xảy ra vào năm 2024. Ngoại trừ 82 vụ bắt giữ và 81 vụ sách nhiễu chưa rõ tháng, thì 5.529 trường hợp còn lại xảy ra trong suốt cả năm. Đặc biệt, việc bức hại từ tháng 3 đến tháng 9 nghiêm trọng hơn nhiều so với những tháng còn lại của năm, với trung bình 613 vụ bắt giữ và sách nhiễu mỗi tháng trong 7 tháng (tháng 3 – tháng 9) gần gấp 2,5 lần số vụ trung bình hàng tháng (248) trong 5 tháng còn lại (tháng 1, tháng 2, tháng 10, tháng 11 và tháng 12).
Số trường hợp bức hại tăng đột biến vào giữa năm có liên quan đến một số ngày kỷ niệm Pháp Luân Công và các kỳ họp chính trị thường niên của ĐCSTQ. Vào tháng 3, ĐCSTQ tổ chức hai kỳ họp chính trị thường niên của mình. “Ngày 25 tháng 4” là ngày kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện lịch sử của 10.000 học viên bên ngoài khu phức hợp chính phủ trung ương ở Bắc Kinh, yêu cầu trả tự do cho một số học viên bị bắt và một môi trường tự do để thực hành tín ngưỡng của họ. “Ngày 13 tháng 5” là “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới” và cũng là ngày kỷ niệm Pháp Luân Công được hồng truyền. “Ngày 20 tháng 7” đánh dấu 25 năm cuộc bức hại. Và “Ngày 1 tháng 10” là Quốc khánh, ngày ĐCSTQ tuyên bố thành lập chính phủ.
1.2.1. Sách nhiễu trong kỳ họp “Lưỡng Hội”
Từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 3 năm 2024, ĐCSTQ tổ chức kỳ họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại), thường được gọi là “Lưỡng Hội“.
Ngày 27 tháng 2 năm 2024, bà Do Vũ Toàn, một cư dân của thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, mua vé tàu đi Bắc Kinh vào ngày 2 tháng 3 để chữa răng. Cảnh sát phát hiện việc bà mua vé thông qua hệ thống giám sát dữ liệu lớn của họ, và yêu cầu bà trả lại vé. Bà từ chối hủy bỏ chuyến đi của mình, nên bị bắt vào ngày 1 tháng 3.
Trong kỳ họp “Lưỡng Hội”, Phòng An ninh Nội địa huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm, và các đồn công an trực thuộc bắt giữ ít nhất 4 học viên. Một hôm, chồng bà Uyển Cảnh Liên trở về nhà và thấy một đống hỗn độn. Tối hôm đó, trại giam địa phương gọi cho ông để thông báo rằng vợ ông đã bị bắt giữ. Một học viên khác họ Phùng cũng bị cảnh sát của Đồn Công an Hoàng Long bắt giữ trong khi đang đi trên phố vào ngày 6 tháng 3 năm 2024, sau đó bị giam giữ trong bốn ngày.
Lúc 6 giờ 30 phút chiều ngày 6 tháng 3 năm 2024, khi vừa đi làm về thì ông La Gia Tân, một cư dân thành phố Hoài Hóa, thấy một số cảnh sát bên ngoài cửa nhà. Họ cho hay cấp trên yêu cầu họ đến chụp ảnh ông tại nhà, để chứng minh ông không tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông khuyên họ dừng bức hại học viên Pháp Luân Công, sau đó họ rời đi.
Ngày 11 tháng 3 năm 2024, trong khi bà Nhậm Chiêm Tuệ, cư dân thành phố Thạch Gia Trang, đang nói với mọi người về Pháp Luân Công thì một người qua đường giữ bà lại và tố giác với cảnh sát. Cảnh sát cho biết trường hợp của bà đặc biệt “nghiêm trọng” vì dám tuyên truyền Pháp Luân Công vào ngày cuối cùng của kỳ họp “Lưỡng Hội”. Họ phạt bà 14 ngày tạm giữ hành chính.
1.2.2. Sách nhiễu trước ngày kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện lịch sử
Trước thời điểm kỷ niệm Cuộc thỉnh nguyện 25 tháng 4 lịch sử, cảnh sát và nhân viên khu phố ở Bắc Kinh sách nhiễu nhiều học viên địa phương, đôi khi vào nhà họ để đe dọa và chụp ảnh họ. Một học viên nhận thấy có hai cảnh sát ở bên ngoài nhà bà theo dõi bà suốt ngày đêm.
Các học viên bị sách nhiễu bao gồm bà Hồ Hành Tiển, 82 tuổi, bà Quách Mỹ Anh, 84 tuổi, bà Hình Quế Linh, ở độ tuổi 80, bà Ngô Kỳ Trân, ở độ tuổi 60, bà Vương Thúy Quyên, ở độ tuổi 60, và bà Hác Thuỵ Hoa, ở độ tuổi 50.
1.2.2. Giám sát và bắt giữ trước “Quốc khánh” của Trung Quốc
Trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh ngày 1 tháng 10, chính quyền Thượng Hải bắt đầu giám sát các học viên địa phương suốt ngày đêm kể từ cuối tháng 9 năm 2024. Hầu hết các học viên đều bị 4 người theo dõi, chia làm 2 ca, mỗi ca 2 người. Họ được cấp xe đạp điện hoặc ô tô. Hầu hết những người này được thuê thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm. Họ cũng ký thỏa thuận bảo mật với các đồn công an địa phương. Ngay khi các học viên ra ngoài, họ sẽ bám theo và báo cáo hoạt động cho cảnh sát.
Bà Lý Hồng cho biết bà bắt đầu nhận thấy mình bị theo dõi khi ra ngoài vào ngày 27 tháng 9 năm 2024. Cũng có người lai vãng gần thang máy của chung cư bà ở. Bà Trần Bình cho biết cảnh sát thông báo với bà rằng bà sẽ bị theo dõi từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 7 tháng 10. Ông Đỗ Đĩnh không được phép rời khỏi khu phố của mình trong tuần đầu tiên của tháng 10. Có người ở bên ngoài nhà ông suốt ngày đêm để theo dõi ông.
Ngày 23 tháng 9 năm 2024, 14 học viên ở quận Diên Khánh của Bắc Kinh, trong đó có bà Dương Tú Lan và bà Ngô Phương Linh, bị bắt giữ. Cảnh sát lục soát nhà bà Dương và vứt tất cả những vật dụng liên quan tới Pháp Luân Công xuống đất. 2 máy vi tính, 1 máy in, một khoản tiền mặt và 1 điện thoại di động bị tịch thu. Sau đó, 2 trong 3 viên cảnh sát này quay lại và chụp hình các vật dụng.
1.3. 1.067 học viên trên 60 tuổi bị nhắm đến
Trong số 5.692 học viên bị nhắm đến, có 1.067 người từ 60 tuổi trở lên, bao gồm 365 người ở độ tuổi 60, 498 người ở độ tuổi 70, 194 người ở độ tuổi 80 và 10 người ở độ tuổi 90. Học viên lớn tuổi nhất, bà Lưu Tâm Lan, 99 tuổi, ở thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, bị sách nhiễu tại nhà vào ngày 31 tháng 3 năm 2024. Cảnh sát tịch thu một cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công.
Bà Lý Thụ Liên, 65 tuổi, cư dân thành phố Diên An, tỉnh Thiểm Tây, nằm liệt giường từ đầu năm 2020. Ngày 3 tháng 1 năm 2024, bà bị cảnh sát khiêng ra khỏi giường. Đã 1 năm rồi mà vẫn chưa rõ tung tích của bà.
Bà Trương Ngọc Hà, ngoài 70 tuổi, cũng là cư dân thành phố Trường Xuân, bị bắt vào ngày 20 tháng 4 năm 2024. Trong quá trình bắt giữ, cảnh sát đánh bà dã man đến nỗi bà bị mất thính lực ở một bên tai.
Ngày 24 tháng 4 năm 2024, trong khi bà Trương Tú Quân, 70 tuổi, nhân viên về hưu của Mỏ dầu Thắng Lợi ở tỉnh Sơn Đông, đang mua hàng tạp hóa thì 2 cảnh sát mặc thường phục bất ngờ xuất hiện trước mặt bà. Họ đẩy bà ngã và đè bà xuống đất. Trong khi giẫm lên người bà, cảnh sát giật ví và đe dọa tịch thu điện thoại di động của bà. Sau đó, 4 cảnh sát mặc thường phục tham gia vào vụ bắt giữ, và đưa bà Trương đến đồn công an.
Khi ông Vương Quân Hằng, 75 tuổi, cư dân thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, được tại ngoại vào ngày 20 tháng 5 năm 2024, sau 37 ngày bị giam giữ, gia đình ông không nhận ra ông. Ông tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ sai trái, nhưng lại bị bức thực và bị đánh đập liên tục. Gia đình ông đưa ông tới một bệnh viện và các bác sỹ kiểm tra thấy một xương sườn của ông bị gãy. Nhiều tuần sau đó, ông vẫn rất đau đớn.
Trong ba ngày liên tiếp, từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 3 năm 2024, cảnh sát đến sách nhiễu bà Liệu An An, 88 tuổi, cư dân thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc. Bà vô cùng sợ hãi và không dám ra ngoài.
Ông Tăng Ngọc Hiền, 61 tuổi, cư dân huyện Thương Khê, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt vào ngày 24 tháng 7 năm 2024, khi đang tập lái xe cùng một người bạn. Cảnh sát đã tịch thu xe của ông và đưa ông đến trại tạm giam địa phương. Trước lần bắt giữ mới nhất, ông Tăng từng nhiều lần bị nhắm đến vì kiên định đức tin. Ông bị giam giữ tổng cộng 16 năm 9 tháng, trong đó có 1 án lao động cưỡng bức trong 2 năm, và 3 án tù. Ngoài lao động cưỡng bức và 3 lần kết án tù, ông còn bị giam giữ tại nhiều trại tạm giam khác nhau với tổng thời gian hơn 1 năm.
1.4. Học viên từ mọi tầng lớp xã hội bị nhắm mục tiêu
Các học viên đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm giảng viên đại học, kỹ sư, bác sỹ, nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng, công tố viên và thẩm phán.
Ông Tạ Minh Quang, cựu kỹ sư đường sắt ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt tại thành phố Lợi Xuyên cùng tỉnh, vào ngày 8 tháng 2 năm 2024. Ông bị bắt sau khi bị tố giác vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công trong thời gian ngắn lưu trú tại Lợi Xuyên. Cảnh sát lừa ông mở cửa bằng cách giả làm nhân viên quản lý tòa nhà. Họ lục soát nơi tạm trú của ông ở Lợi Xuyên và lấy đi nhiều vật phẩm liên quan đến Pháp Luân Công. Cảnh sát hứa với vợ ông rằng họ sẽ thả ông vào ngày 23 tháng 2, nhưng lại chuyển ông đến trại tạm giam địa phương chỉ 1 ngày trước ngày ông dự kiến được thả. Ông bị kết án 3 năm tù vào tháng 10 năm 2024.
Sau khi bà Trương Hiểu Hoa, 76 tuổi, thủ thư về hưu của Đại học Hồ Bắc, bị bắt vào đầu tháng 2 năm 2024, một trong những sinh viên cũ của bà, hiện đang làm việc tại một công ty thuộc danh sách 500 của tạp chí Fortune bên ngoài Trung Quốc, đã vô cùng lo lắng và kêu gọi thả bà ngay lập tức. Anh cho biết anh gặp bà Trương khi anh còn học cấp ba. Anh bị căng thẳng khi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Bà Trương thường khuyên anh giữ bình tĩnh và cố gắng hết sức. Anh ấy tin rằng bà Trương đã góp phần tạo nên thành công của mình và dạy anh luôn giữ tinh thần lạc quan.
Bà Trương Kim Hoa, 58 tuổi, kiểm toán viên về hưu ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, chỉ mới bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2023, sau nhiều năm không thể điều trị khỏi nhiều căn bệnh của mình. Bà dần dần hồi phục và không còn bị thiếu cân trầm trọng nữa. Bà trở nên tràn đầy năng lượng và bước đi nhanh nhẹn hơn. Bà còn có làn da hồng hào. Có vài lần, những người quen kinh ngạc trước sự thay đổi của bà sau khi tình cờ gặp bà trên phố. Bà luôn nói với họ bí mật của mình là tu luyện Pháp Luân Công. Vì sự dũng cảm này, bà bị bắt vào ngày 2 tháng 6 năm 2024 và bị kết án 1,5 năm tù giam và 2 năm quản chế vào tháng 12 năm 2024.
PHẦN 2. CHÍNH SÁCH BỨC HẠI TUYỆT DIỆT
Sau khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc, ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông ta đã huy động toàn quốc, bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật, viện kiểm sát, tòa án, trại tạm giam, trường học và doanh nghiệp, để thực hiện chính sách tiêu diệt các học viên Pháp Luân Công: “Hủy hoại thân thể, bôi nhọ thanh danh và vắt kiệt tài chính”. Giang đã thành lập một tổ chức ngoài vòng pháp luật, Phòng 610, để phối hợp với Ủy ban Chính trị Pháp luật (PLAC, cũng là một cơ quan ngoài tư pháp) vốn có từ trước để thi hành chính sách bức hại của ông ta. Cả hai cơ quan này đều được trao quyền vượt qua hệ thống tư pháp, và họ đã sử dụng các biện pháp quyết liệt để đảm bảo cuộc bức hại thâm nhập đến tất cả các cấp chính quyền.
2.1. Bôi nhọ thanh danh
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, ĐCSTQ chưa bao giờ ngừng bôi nhọ Pháp Luân Công. Mặc dù không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công hoặc liệt kê đây là tà giáo, nhưng chính quyền cộng sản vẫn luôn sử dụng cái mác tà giáo để biện minh cho việc đàn áp môn tu luyện này và lừa gạt công chúng.
Các thủ đoạn được sử dụng bao gồm trao thưởng cho những người tố cáo học viên Pháp Luân Công, yêu cầu người dân tham gia vào các đợt ký tên phỉ báng Pháp Luân Công hoặc viết cam kết không tham gia vào các hoạt động tà giáo, đăng tin nhắn chống lại Pháp Luân Công trên WeChat (một ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội phổ biến) và đăng tuyên truyền chống Pháp Luân Công trên các bảng thông báo.
Ngày 28 tháng 2 năm 2024, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Tương Đàm và Công an Thành phố Tương Đàm cùng phối hợp đăng một thông báo trong nhiều kênh trên WeChat. Thông báo kêu gọi công chúng tố giác những môn đồ của “tà giáo”, trong đó có Pháp Luân Công, và hứa hẹn thưởng cho người chỉ điểm từ 500 đến 4.000 Nhân dân tệ mỗi lần. Các ủy ban khu phố và ba công ty viễn thông lớn của Trung Quốc, bao gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom, cũng giúp quảng bá thông điệp này.
Giữa tháng 4 năm 2024, Tập đoàn Bình Mai ở khu Nguyên Bảo Sơn, thành phố Xích Phong, bắt tất cả các công nhân viên ký bản cam kết hứa không tham gia vào các hoạt động mang màu sắc “phong kiến”, “mê tín”, hoặc chống chủ nghĩa Mác. Người lao động cũng phải ghi rõ họ tên, số CMND trong bản cam kết. Những người từ chối ký sẽ bị đe dọa đuổi việc.
Ngày 17 tháng 4 năm 2024, chính quyền Thành phố Cát Lâm ra lệnh cho tất cả các khu dân cư phải dán thông báo tại mọi tòa nhà chung cư. Thông báo kêu gọi người dân tố cáo những môn đồ tà giáo, và hứa sẽ tặng thưởng lên tới 5.000 Nhân dân tệ. Các tổ dân phố trên toàn thành phố cũng được chỉ thị phát động một cuộc kêu gọi chữ ký trực tuyến trong cùng ngày, yêu cầu người dân ký vào các tuyên bố phỉ báng Pháp Luân Công.
Ngày 29 tháng 4 năm 2024, Công an tỉnh Quảng Đông ban hành thông báo: “Biện pháp khen thưởng vì báo cáo các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm liên quan đến tà giáo”, cam kết thưởng 100 nghìn Nhân dân tệ cho mỗi người cung cấp thông tin giúp cảnh sát phát hiện người bị tình nghi tham gia các hoạt động tà giáo. Thông báo có hiệu lực trong 5 năm, kể từ ngày 6 tháng 6 năm 2024.
Sau khi làm túi xách để bôi nhọ Pháp Luân Công vào năm ngoái, đến năm 2024, Ủy ban Chính trị và Pháp luật tại huyện Phần Tây, tỉnh Sơn Tây, có sáng kiến mới là sản xuất cốc giấy dùng một lần có thông điệp chống lại Pháp Luân Công và phân phát chúng tại nhiều buổi tụ họp khác nhau, chẳng hạn như đám cưới hoặc đám tang.
2.2. Hủy hoại thân thể
2.2.1. Bạo lực trong và sau khi bắt giữ
Trong khi bắt giữ các học viên, cảnh sát đe dọa họ một cách vô đạo đức, nói những câu như “Từ lâu tao đã nằm trong danh sách thủ phạm bức hại, và tao không sợ quả báo”, “Mày đã báo cáo cảnh sát bọn tao, nên bọn tao phải trả thù mày” và “Chúng tao sẽ để cho mày chết đói và thiêu sống mày”. Một số cảnh sát thậm chí còn khoe khoang rằng nếu các học viên bị tra tấn đến chết, họ có thể báo cáo cái chết đó là tự tử. Kết quả là, cảnh sát không bao giờ ngại sử dụng bất kỳ hình thức tra tấn nào để cố gắng khiến các học viên khuất phục sau khi bắt giữ họ.
Vào đêm 11 tháng 4 năm 2024, 4 cảnh sát đột nhập vào căn hộ ở tầng 4 của bà Hoắc Quế Lan, 74 tuổi, ở thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây. Họ kéo lê bà xuống tầng 1, khiến bà bị đập mạnh qua nhiều bậc bê tông. Toàn thân bà bị bầm tím. Một bên mắt cá chân của bà bị thương nặng và sưng tấy. Sau đó, bà đi lại khó khăn, và đi khập khiễng trong đau đớn. Các vết bầm tím không thuyên giảm trong hơn 3 tháng.
Cảnh sát không cho bà Hoắc thay quần áo hoặc giày dép. Họ đẩy bà vào xe tuần tra và đưa bà tới trại tạm giam. Bà xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm chóng mặt, đau lưng, chảy máu âm đạo, đau ngực, khó thở và các triệu chứng khác. Thính lực và thị lực của bà ngày càng suy giảm. Gia đình bà nộp đơn xin tại ngoại cho bà, nhưng yêu cầu của họ bị từ chối.
Sau khi bà Lý Lệ và bà Thạch Nhị, ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, bị đưa đến trại tạm giam sau khi bị bắt vào giữa tháng 4 năm 2024, lính canh chỉ thị cho các tù nhân lột đồ của họ để khám xét, 2 lần một ngày. Bà Lý đã tuyệt thực để phản đối việc lột đồ khám xét, và trở nên gầy hốc hác sau khoảng 2 tuần. Chỉ khi đó, lính canh mới dừng việc khám xét cơ thể bà để làm nhục.
Tại thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, một bà lão 71 tuổi bị 7 nam cảnh sát hành hung sau khi bị bắt vào ngày 21 tháng 5 năm 2024. Để thu thập mẫu máu, dấu vân tay, dấu chân và nhiệt độ cơ thể của bà Lý Mạnh Quân, 7 cảnh sát cưỡng bức giữ tay chân bà và ấn ngón tay bà vào máy sinh trắc học. Cảnh sát phải mất vài giờ để thu thập những thứ họ cần. Họ cũng lấy máu trái với ý nguyện của bà.
2.2.2. Cưỡng chế tiêm thuốc độc
Bà Vương Lệ Quân, 54 tuổi, ở thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang, bị bắt vào ngày 23 tháng 2 năm 2024. Tại một địa điểm giam giữ bí mật, bà bị lừa uống một cốc nước. Ngay sau đó, dạ dày bà bắt đầu đau. Cơn đau dữ dội tới mức bà lăn trên đệm. Bà nói mình chưa bao giờ đau đớn như vậy trong suốt cuộc đời, và tự hỏi liệu mình có chết vào ngày hôm đó không. Sau 30 phút, cảm giác khó chịu lan ra khắp cơ thể. Bà cảm thấy như thể có thứ gì đó đang bò khắp người cùng với thứ trào ngược từ dạ dày lên lưỡi. Bà chống chọi với cơn đau trong 4 giờ tới khi ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, bà được cung cấp cháo gạo. Bà ăn và không cảm thấy có gì bất thường. Lính canh cung cấp nước cho bà trong bữa trưa. Bà quyết định không uống bất kỳ chút nước nào trong địa điểm bí mật này, nhưng bữa trưa rất mặn nên bà phải uống hai ngụm nước.
Bà Vương đột nhiên cảm thấy có gì không ổn lần nữa. So sánh với đêm trước, những triệu chứng tương tự bớt nghiêm trọng hơn một chút vì bà không uống hết cả cốc nước. Bà nghi rằng nước cung cấp cho bà có pha thuốc không rõ chủng loại. Bà không uống nước được mang đến trong bữa tối.
Vào ngày thứ 3, mắt bà Vương bắt đầu đau và chảy nước mắt. Mắt bà còn có những chất nhầy và nhìn rất khó khăn. Lưng của bà cũng đau. Vài ngày tiếp đó, bà cảm thấy như kiệt sức. Bà không uống bất kỳ chút nước nào nữa. Bà nhận thấy nước có mùi axit và đôi khi nhìn có màu xanh lục.
Nhiều tháng sau khi được trả tự do vào ngày 22 tháng 3 năm 2024, bà vẫn cảm thấy chóng mặt và phải chật vật để giữ thăng bằng khi đi lại. Hiện răng của bà lung lay tới mức bà không thể cắn được trái táo. Bà cũng không thể ở nhà một mình do những cơn hoảng hoạn tấn công, và bà phải sống cùng một người họ hàng hơn 4 tháng. Mắt bà vẫn đau và chảy nước mắt, thị lực của bà cũng bị mờ.
Vào đêm ngày 29 tháng 9 năm 2024, bà Lưu Binh Hoan bị bắt tại nhà thuê ở thành phố Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông. Bà bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Từ Hàng, bị trói và tiêm thuốc an thần nhiều lần.
Ngày hôm sau, cảnh sát đưa bà Lưu đến trại tạm giam, nhưng bà bị từ chối do kết quả khám sức khỏe phát hiện bà có huyết áp tâm thu trên 200 mmHg (trong khi mức bình thường là 120 hoặc thấp hơn). Thay vì thả bà, cảnh sát đưa bà đến Bệnh viện Nhân dân Số 3 thành phố Thanh Nguyên (một bệnh viện tâm thần khác). Bà lại bị tiêm thuốc an thần, cùng với một số loại thuốc không rõ chủng loại. Kết quả bà bị mất trí nhớ tạm thời. Bà cũng trở nên choáng váng và lú lẫn.
2.3. Vắt kiệt tài chính
2.3.1. Đình chỉ lương hưu, trợ cấp thu nhập thấp và cơ hội làm việc
Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Cao Tiệp, một giáo viên tiểu học 66 tuổi ở Trùng Khánh, từng bị bắt khoảng 10 lần vì đức tin. Chồng của bà sợ bị liên luỵ nên đã ly dị bà. Con gái của họ phải cố gắng trang trải học phí đại học. Bố mẹ của bà Cao bị chính quyền sách nhiễu, và chết trong đau khổ.
Khi bà Cao được thả vào ngày 3 tháng 1 năm 2024 sau khi mãn hạn án tù lần 2, bà bị từ chối trợ cấp cho người thu nhập thấp và cũng bị cảnh sát sách nhiễu liên tục khi bà cố gắng tìm những việc vặt để kiếm sống.
Đầu tháng 3 năm 2024, chỉ vài ngày sau khi bà bắt đầu làm việc chăm sóc cá nhân cho một giáo viên về hưu, chính quyền sách nhiễu bà Cao tại nhà của chủ. Bà đành phải nghỉ việc. Sau đó, bà tìm được việc chăm sóc cá nhân cho một gia đình ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, cách đó hơn 320km, nhưng lại bị sách nhiễu chỉ 2 tuần sau đó, và bị yêu cầu rời khỏi Thành Đô. Ngày 31 tháng 3 năm 2024, bà trở về nhà.
Giữa tháng 7 năm 2024, bà Cao tìm được một việc khác là giúp việc gia đình ở Trùng Khánh. Sau khi cảnh sát biết được thông tin, họ bắt đầu theo dõi bà. Ngày 24 tháng 7 năm 2024, bà Cao bị bắt giữ ngay khi bà lấy tờ 20 Nhân dân tệ để trả tiền hàng của mình, và người cảnh sát theo dõi bà nhận thấy thông điệp về Pháp Luân Công được in trên tờ tiền. Hiện tại, chưa rõ tung tích của bà.
Bà Triệu Hiển Thường, một cư dân 54 tuổi của thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, từng bị giam tại 2 trại lao động cưỡng bức trong 5 năm (2000-2002 và 2004-2007) kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999. Trường Trung học Số 3 Quảng Hán, đơn vị công tác của bà, đã sa thải bà ngay sau khi bà bị bắt vào tháng 6 năm 2004. Họ cũng xóa hết thâm niên công tác để tính trợ cấp hưu trí tương lai của bà, về cơ bản khiến bà không có lương hưu.
2.3.2. Hàng trăm nghìn nhân dân tệ bị tịch thu trong các cuộc đột kích của cảnh sát
Tại thành phố Hưng Ninh, tỉnh Quảng Đông, ông Lý Trác Hưng và vợ là bà Liêu Uyển Quần bị hơn 10 cảnh sát bắt giữ vào sáng ngày 19 tháng 4 năm 2024. Cảnh sát dành hơn ba giờ để lục soát nơi ở của họ, tịch thu hơn 10 máy in, hơn 20 thùng giấy in, các thùng sách Pháp Luân Công và tài liệu thông tin, cũng như 200.000 Nhân dân tệ tiền mặt.
Bà Doãn Thu Trân, ở thành phố Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, bị camera giám sát ghi lại cảnh xịt sơn mang thông điệp về Pháp Luân Công lên cột điện vào ngày 2 tháng 5 năm 2024. Bà bị bắt sau đó 4 ngày, và chứng chỉ tiền gửi ngân hàng trị giá 540.000 Nhân dân tệ của bà bị tịch thu.
Ngày 11 tháng 5 năm 2024, ông Hạ Hồng Quân và vợ là bà Phó Văn Huy đến cửa hàng in của ông Lan Thanh Trung tại thành phố Xích Phong, Nội Mông (cách đó khoảng 100 dặm). Ngay khi họ đến nơi, cảnh sát mặc thường phục từ Phòng Công an Tiền Tiến của thành phố Triều Dương xông vào. Họ tịch thu máy in, máy tính và 320.000 Nhân dân tệ tiền mặt của ông Lan, cũng như 120.000 Nhân dân tệ tiền mặt của đôi vợ chồng này. Vài giờ sau, cảnh sát áp giải ông Hạ về nhà ông tại thành phố Triều Dương và tịch thu hơn 91.000 Nhân dân tệ, chìa khóa nhà, chìa khóa xe và các tài sản khác của ông.
Ngày 6 tháng 6 năm 2024, bà Lưu Túy Tiên, cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị bắt tại nhà trong khi đang đọc sách Pháp Luân Công cùng 7 học viên khác. Cảnh sát tịch thu 100.000 Nhân dân tệ tiền mặt của bà và đóng băng tài khoản ngân hàng của bà với số tiền lên tới hàng triệu nhân dân tệ.
2.4. Gián đoạn cuộc sống hàng ngày
Việc bức hại các học viên Pháp Luân Công không chỉ giới hạn ở việc bắt giữ, giam cầm hoặc tra tấn, mà còn liên quan đến sự gián đoạn lớn trong cuộc sống hàng ngày của các học viên.
2.4.1. Giám sát chặt chẽ và hạn chế đi lại
Để cung cấp thông tin cho hệ thống giám sát dữ liệu lớn, ngoài việc thu thập các đặc điểm sinh trắc học phổ biến như đặc điểm khuôn mặt, dấu vân tay, chiều cao và cân nặng từ các học viên, cảnh sát còn ghi âm giọng nói, dáng đi và mống mắt của họ để đưa thông tin vào hệ thống giám sát tiên tiến hơn. Một số học viên cho biết họ bị quét mống mắt khi đi qua trạm kiểm soát an ninh nhà ga.
Đối với một số học viên, việc sử dụng căn cước hoặc thẻ giao thông để đi xe buýt và tàu điện ngầm, cũng sẽ tiết lộ các hoạt động hàng ngày của họ với cảnh sát Trung Quốc, những người có thể theo dõi nơi họ lên và xuống xe, họ gặp ai hoặc liệu họ có làm gì để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại không. Một số cảnh sát cũng lắp đặt camera giám sát gần nhà các học viên hoặc gắn thiết bị định vị trên xe đạp điện của họ.
Giữa tháng 1 năm 2024, ông Vương Vĩnh Hàng, cư dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đi tàu cao tốc ở Thượng Hải. Ngay khi ông ngồi xuống, cảnh sát đường sắt đến kiểm tra hành lý của ông, mặc dù ông đã qua kiểm tra an ninh. Khi ông đến nhà ga ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, thẻ đi tàu của ông báo động khi ông quẹt nó ở lối ra của nhà ga. Một số cảnh sát đứng cạnh đó đến kiểm tra hành lý của ông một lần nữa.
Bà Lưu Hồng Lệ, 69 tuổi, đã ngồi vào chỗ trên một khoang giường nằm ở một chuyến tàu tại Ga Tàu Thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây vào ngày 19 tháng 8 năm 2024, khi hai nam cảnh sát và một nữ cảnh sát mặc thường phục yêu cầu kiểm tra danh tính của bà. Họ yêu cầu bà mở túi xách và sau đó kiểm tra điện thoại và ví của bà. Sau khi phát hiện thẻ bình an Pháp Luân Công trong ví bà, những cảnh sát này yêu cầu bà ra khỏi tàu và mang theo hành lý. Họ cũng lấy luôn căn cước và điện thoại của bà. Bà Lưu nói với cảnh sát rằng bà đang trên đường tới thăm người mẹ 90 tuổi của mình, đang phải chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện, nhưng cảnh sát vẫn yêu cầu bà phải xuống tàu. Cuối cùng bà lỡ chuyến tàu đó và phải đổi vé sang giờ khác.
Sau khi ông Giả Lâm Tuyền, đang học tập tại Nhật Bản, trở về nhà ở huyện Bình Sơn, tỉnh Hà Bắc, vào tháng 9 năm 2023 để ăn mừng Tết Trung thu với gia đình, cảnh sát địa phương liên tục đến sách nhiễu ông và cấm ông xuất ngoại. Sau khi ông bị cấm lên máy bay tại Sân bay Quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải vào ngày 18 tháng 1 năm 2024, cảnh sát địa phương nói với ông: “Những người như ông không được phép rời khỏi đất nước. Ông nằm trong danh sách giám sát dữ liệu lớn. Thật tệ là nó đã không phát hiện ra ông khi ông rời Nhật Bản lần trước”. Ngày 25 tháng 11 năm 2024, ông Giả phát hiện lệnh hạn chế đi lại 1 năm của mình đã hết hạn. Ông nhanh chóng mua vé và bay đến Nhật Bản vào ngày 27 tháng 11. Cảnh sát lại đến sách nhiễu gia đình ông 2 ngày sau đó.
2.4.2. Một gia đình ở Sơn Đông liên tục bị sách nhiễu
Một gia đình ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, đã phải chịu đựng 25 năm sách nhiễu liên tục vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Trước kỳ họp “Lưỡng Hội” vào tháng 3 năm 2024, cảnh sát gọi cho bà Lý Tổ Bình, yêu cầu bà mang thông báo được thả của chồng bà là ông Tiến Xuân Vĩ tới báo cáo cho họ.
Trước đó, ông Tiến và bà Lý bị bắt giữ vào ngày 6 tháng 1 năm 2016, và bị kết án lần lượt là 4 năm và 3,5 năm tù vào ngày 6 tháng 9 năm 2016. Sau khi ông Tiến được trả tự do vào đầu năm 2020, ông buộc phải sống phiêu dạt để tránh bị cảnh sát sách nhiễu liên tục. Không thể tìm thấy ông, cảnh sát thường xuyên gọi cho bà Lý và đe dọa bà.
Ngày 30 tháng 8 năm 2024, cảnh sát lại gọi cho bà Lý và yêu cầu bà cung cấp cho họ số điện thoại của ông Tiến. Bà Lý từ chối. Cùng ngày, cảnh sát cũng tới nhà chị gái ông Tiến để cố gắng lấy được số điện thoại của ông và hỏi về tung tích của ông, nhưng không thành.
Ngày hôm sau, một nhóm cảnh sát gõ cửa nhà bà Lý. Bà không có ở nhà, và cha bà, khi ấy cùng sống với bà, không thể ra mở cửa vì ông cụ gặp vấn đề đi lại. Cảnh sát gõ cửa nhà hàng xóm của bà Lý, nhưng người hàng xóm này cũng từ chối mở cửa cho họ. Cảnh sát đợi một lúc ở tầng dưới và quay lại gõ cửa nhà bà Lý một lần nữa. Họ đã thực hiện nhiều lần trong buổi sáng, và cuối cùng đã rời đi khi không có ai ra mở cửa trong lần thử cuối cùng vào khoảng 1 giờ chiều.
Cửa nhà bà Lý Tổ Bình bị hư hỏng nặng sau khi bị cảnh sát đá
2.4.3. Cảnh sát Thượng Hải ra lệnh cho chủ nhà đuổi học viên Pháp Luân Công
Khoảng 3 giờ chiều ngày 7 tháng 2 năm 2024, khi trở về căn hộ thuê của mình ở khu dân cư Hải Đường Thôn, khu mới Phổ Đông, Thượng Hải, cô Trần Úy thấy có dấu niêm phong của cảnh sát trên cửa.
Dấu niêm phong của cảnh sát trên cửa
Cả hai tờ giấy niêm phong đều ghi “Phòng Công an Phổ Đông của Sở Công an Thành phố Thượng Hải”. Ngoài ra, còn có lời nhắn “Liên hệ với cảnh sát Ngô của Đồn Công an Thái Lộ càng sớm càng tốt”. Đồn Công an Thái Lộ thuộc quyền kiểm soát của Phòng Công an Phổ Đông.
Lời nhắn của cảnh sát Ngô trên cửa
Cô Trần gọi cho chủ nhà là Nhân (hóa danh), và được biết cảnh sát Ngô Khản Thần đã đến tìm cô vào khoảng 10 giờ sáng cùng ngày. Cô không ở nhà, nên cảnh sát Ngô gọi cho ông Nhân ngay tại chỗ để yêu cầu ông đuổi cô Trần vì cô là học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát Ngô gọi cô Trần là người của tà giáo, một cái mác mà ĐCSTQ gán cho Pháp Luân Công kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, mặc dù Trung Quốc không có luật nào định tội Pháp Luân Công.
Cảnh sát Ngô cũng hỏi chủ nhà có chìa khóa dự phòng để mở căn hộ cho anh ta vào trong không. Chủ nhà trả lời không có chìa khóa dự phòng ở đó. Sau đó, cảnh sát Ngô ra lệnh cho chủ nhà gọi cho anh ta ngay khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà với cô Trần. Cảnh sát Ngô nói anh ta sẽ đích thân đến kiểm tra căn hộ cho thuê sau khi cô Trần bị đuổi ra khỏi đây. Cảnh sát Ngô cảnh báo chủ nhà rằng sau này phải kiểm tra lý lịch của tất cả những người thuê nhà để đảm bảo họ không phải là học viên Pháp Luân Công.
2.5. Sự bức hại mở rộng đến người nhà các học viên
Với sự bức hại toàn diện, các thành viên trong gia đình của những người tu luyện cũng phải chịu đựng áp lực tâm lý tương tự. Một số quay lưng lại với những người tu luyện để tránh bị liên lụy. Đối với những thành viên trong gia đình ủng hộ những người tu luyện kiên định đức tin, đôi khi họ cũng trở thành mục tiêu.
Sau khi bà Từ Quốc Cần, ngoài 70 tuổi, cư dân thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, bị buộc phải sống xa nhà vào cuối tháng 9 năm 2024 để tránh bị kết án vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công, cảnh sát đã bắt giữ con gái bà và buộc bà Từ phải tự thú.
Quá giận dữ trước hành vi hèn hạ của cảnh sát, chồng bà Từ bị xuất huyết não và qua đời. Sau khi bị đưa đến trại tạm giam địa phương, bà Từ không được phép tham dự đám tang của chồng.
Cô Trương Hiểu Giai, con gái của một học viên Pháp Luân Công tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, bị tạm giữ khi đi qua hải quan ở Hồng Kông sau khi bị phát hiện có tài liệu Pháp Luân Công trong hành lý. Cô bị trục xuất về đồn công an ở Sán Đầu.
Vào lúc 12 giờ 40 phút ngày 16 tháng 10 năm 2024, cô Trương (không tu luyện Pháp Luân Công) gọi về cho gia đình sau khi đáp chuyến tàu cao tốc từ Sán Đầu đến Hồng Kông. Sau đó, gia đình cô không thể liên lạc với cô. Khoảng 4 giờ chiều ngày hôm sau, họ được thông báo rằng cô Trương bị từ chối nhập cảnh Hồng Kông sau khi nhân viên hải quan phát hiện tài liệu Pháp Luân Công trong túi của cô. Cô bị đưa trở về một đồn công an ở thành phố Sán Đầu.
Anh Điền Bằng Phi là một trong hơn 70 cư dân thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh bị cảnh sát bắt giữ trong một cuộc vây bắt tập thể vào ngày 11 tháng 5 năm 2024. Trong khi hầu hết những người khác bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công, thì anh Điền, chủ một cửa hàng máy tính, không tu luyện Pháp Luân Công nhưng ủng hộ cha mẹ anh trong việc giữ vững đức tin của họ. Trong lúc bắt giữ, con trai năm tuổi của anh rất hoảng sợ. Cậu bé khóc lóc trong sợ hãi và quỳ trước cảnh sát rồi nói: “Xin đừng bắt cha cháu!” Thế nhưng, cảnh sát vẫn còng tay anh Điền Bằng Phi và theo sát anh khi anh đưa con trai tới trường mẫu giáo. Cảnh tượng này gây ra sự náo động, khiến nhiều phụ huynh và giáo viên bàng hoàng khi chứng kiến.
Báo cáo liên quan:
Báo cáo tháng 10 năm 2024: 435 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin
Báo cáo tháng 9 năm 2024: 522 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì đức tin
Báo cáo nửa đầu năm 2024: 2.714 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/1/11/488181.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/1/20/223746.html
Đăng ngày 14-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.