Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 06-11-2024] Theo thông tin được thu thập bởi Minghui.org, tháng 10 năm 2024 có 48 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù.

Các trường hợp mới được xác nhận bao gồm 2 trường hợp xảy ra vào năm 2023, 38 trường hợp từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2024, và 8 trường hợp chưa rõ thời điểm. Với việc kiểm duyệt thông tin ngày càng nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều chi tiết về cáo trạng, xét xử và kết án của các học viên rất khó (nếu không nói là không thể) thu thập được, gây ra sự chậm trễ hơn nữa trong việc báo cáo.

Các học viên Pháp Luân Công bị kết án đến từ 15 tỉnh hoặc khu tự trị trực thuộc trung ương. Sơn Đông, Liêu Ninh, và Hà Bắc lần lượt báo cáo 9, 8, 7 trường hợp. 12 khu vực còn lại báo cáo từ 1 đến 4 trường hợp.

Án tù của các học viên dao động từ 6 tháng đến 7,5 năm, với mức trung bình là 2 năm 7 tháng. Trong số 20 học viên xác định được độ tuổi vào thời điểm bị kết án, 7 người ở độ tuổi ngoài 50, 5 người ở độ tuổi ngoài 60, 7 người ở độ tuổi ngoài 70, và 1 người ở độ tuổi ngoài 80. Họ đến từ mọi giai tầng trong xã hội, bao gồm giáo viên về hưu, nông dân, thu ngân, và một kỹ thuật viên bảo trì thang máy.

Từng 3 lần bị giam trong trại lao động và 2 án tù tổng cộng 14 năm, một cựu bác sỹ sản khoa ngoài 70 tuổi ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, lại bị kết án 5 năm tù vào ngày chưa xác định được, sau khi bị bắt giữ vào tháng 7 năm 2022. Bà bị tra tấn đến nỗi không thể đi lại được. Việc bà phải ăn uống bằng dịch lỏng (vì không có răng) càng khiến cuộc sống trong tù trở nên khó khăn hơn nữa.

Sau khi bị bắt giữ vào tháng 3 năm 2023 vì nói chuyện với các học sinh về Pháp Luân Công bên ngoài trường học, một cựu giáo viên ở huyện Cảnh Ninh, tỉnh Cam Túc, bị kết án 3 năm 3 tháng tù. Trước đây, ông từng bị giam 3 năm trong trại lao động cưỡng bức, từ tháng 11 năm 2000 đến tháng 11 năm 2003, và bị đuổi việc vào tháng 12 năm 2000. Sau một lần bị bắt giữ khác vào tháng 3 năm 2005, ông bị kết án không rõ thời hạn. Ông bị tra tấn đến gần chết, và được thả ra trước thời hạn. Vợ ông phải vật lộn để chăm sóc cho con cái và cha mẹ già của họ trong thời gian ông bị giam giữ. Bà mắc bệnh phong thấp, và phải chịu đau đớn quanh năm suốt tháng, cuối cùng đã qua đời vào ngày tháng không xác định.

Kể từ tháng 8 năm 2022, một đôi vợ chồng ngoài 60 tuổi sinh sống ở huyện Ly Kiền, tỉnh Thiểm Tây, buộc phải sống lang bạt để tránh sự sách nhiễu của cảnh sát. Tháng 4 năm 2024, họ bị bắt tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Tháng 10 năm 2024, họ bị kết án hơn 3 năm tù. Người chồng hiện được phép thụ án ngoại giam, sau khi ông mất khả năng tự chăm sóc và mất khả năng tự chủ vì bị tra tấn trong tù.

Dưới đây là chi tiết về một số trường hợp học viên bị kết án. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể tải xuống tại đây (PDF).

Vi phạm mọi thủ tục pháp lý trong quá trình xét xử

Người phụ nữ Sơn Đông thất bại trong việc kháng cáo bản án hai năm tù vì đức tin

Ngày 19 tháng 8 năm 2024, bà Phó Nhạn Lệ, một người phụ nữ 58 tuổi ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, bị kết án 2 năm tù. Ngày 25 tháng 9, đơn kháng cáo của bà đã bị bác bỏ.

Bà Phó, một cựu bác sỹ của Bệnh viện Nhân viên Số 2, chi nhánh 14 của Sở Đường sắt Thái An, bị sa thải vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, và bà còn bị tước phúc lợi hưu trí. Bà kiếm sống bằng cách cho thuê bất động sản và mở một cửa hàng quần áo. Vụ bắt giữ gần đây của bà xảy ra vào ngày 26 tháng 10 năm 2023, do cảnh sát của Đội An ninh Nội địa quận Đại Nhạc thực hiện. Ngày 15 tháng 3 năm 2024, Viện Kiểm sát quận Đại Nhạc đã truy tố bà và chuyển hồ sơ vụ án của bà tới Tòa án quận Đại Nhạc.

Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 6 tháng 8 năm 2024, khi bà Phó phải hầu tòa sau gần 10 tháng giam cầm, trông bà rất hốc hác, yếu và không thể tự đi lại được. Khi bà ngồi xuống, chấp hành viên tòa án không hỗ trợ đủ nhiều cho bà, khiến bà ngã khụy xuống ghế. Thẩm phán hỏi bà cảm thấy thế nào. Bà trả lời rằng bà cảm thấy rất yếu, chóng mặt và buồn nôn.

Ban đầu, thẩm phán hỏi bà Phó mô tả về vụ bắt giữ. Bà nói rằng ai đó đã tiếp cận bà trong thang máy của tòa chung cư nơi bà sinh sống khi bà đang đi cắt tóc về vào ngày 26 tháng 10 năm 2023. Anh ta hỏi bà có phải là Phó Nhạn Lệ không. Khi bà trả lời là “phải”, anh ta đẩy bà vào tường trong thang máy. Sau đó, 10 cảnh sát mặc thường phục khác xuất hiện, và không trả lời khi bà hỏi họ là ai.

Thẩm phán hỏi bà: “Bà có biết rằng máy tính và máy in của mình ở nhà bị tịch thu không? Bà có nhận được danh sách tài sản bị tịch thu không?”

Bà Phó trả lời rằng bà không biết những đồ vật đã bị tịch thu từ nhà mình, bởi bà bị đưa vào xe ô tô màu trắng sau vụ bắt giữ và không có mặt trong vụ lục soát nhà. Cảnh sát cũng không cung cấp danh sách tài sản tịch thu cho bà. Bà nói thêm rằng điện thoại di động, xe ô tô gia đình và chìa khóa xe ô tô cũng bị tịch thu. Bà không biết cảnh sát đã làm gì với điện thoại hay xe ô tô của bà, hay những gì được sử dụng làm bằng chứng chống lại bà.

Tiếp đó, thẩm phán yêu cầu bà giải thích tại sao bà luyện Pháp Luân Công. Bà đã kể lại rằng bà bị bệnh thận nặng vào khoảng năm 1990. Bà bị dị ứng thuốc kháng sinh và bàc sỹ không thể kê đơn thuốc cho bà. Tình cờ là thời điểm đó khí công trở nên phổ biến và rất nhiều người đã cải biến sức khỏe nhờ luyện khí công. Giám đốc bệnh viện liên kết với cơ quan làm việc của bà đã khích lệ bà luyện Pháp Luân Công. Bà đã thử và thấy pháp môn này rất tốt. Bà đã tu luyện kể từ đó và sức khỏe của bà thực sự được phục hồi.

Khi được hỏi bà có muốn nói thêm gì không, bà Phó nói rằng ở Trung Quốc không có điều luật hình sự hóa Pháp Luân Công hoặc dán nhãn pháp môn là tà giáo. Pháp Luân Công cũng không có trong danh sách 14 tà giáo do Bộ Công an công bố vào năm 2000.

Luật sư của bà Phó nói rằng Tổng Cục Báo chí và Xuất bản đã ban hành Thông cáo 50 vào ngày 1 tháng 3 năm 2011, bãi bỏ hai thông báo cấm xuất bản sách Pháp Luân Công. Do đó, việc bà Phó sở hữu hay phân phát tài liệu Pháp Luân Công là hoàn toàn hợp pháp, và bà không thể bị buộc tội vì điều đó.

Luật sư cũng chỉ ra một số vấn đề liên quan tới bằng chứng chống lại thân chủ của mình.

Đầu tiên là lời khai của hai học viên Pháp Luân Công là bà Vương Nhiễm Các và bà Trình Quế Phượng bị bắt giữ vào năm 2020 và năm 2021 vì phân phát lịch chứa thông tin về Pháp Luân Công. Bà Vương được trả tự do sau 3 tháng giam giữ, và bà Trình bị kết án 6 tháng tù cùng 1 năm quản chế vào tháng 5 năm 2022. Công tố viên phụ trách vụ án của bà Phó cáo buộc rằng cả bà Vương và bà Trình cùng với con cái của họ đều làm chứng rằng các cuốn lịch họ phân phát do bà Phó cung cấp.

Luật sư nói rằng không có nhân chứng nào có mặt tại tòa để thẩm tra chéo, cảnh sát hay công cố viên cũng không xác minh được lời khai của họ. Bởi có thông tin phổ biến rằng cảnh sát từng giả mạo biên bản thẩm vấn để khép tội các học viên (bao gồm cả vụ án của bà Phó), nên những bằng chứng chưa được xác thực không thể sử dụng làm bằng chứng truy tố hợp pháp. Mặt khác, nếu những cuốn lịch thực sự do bà Phó cung cấp, tại sao cảnh sát không bắt giữ bà ngày lúc đó mà phải đợi đến 3 năm sau mới nộp hồ sơ vụ án chống lại bà?

Sau đó, công tố viên đã trình bày lời khai của một nhân viên giao hàng nhớ lại có một người phụ nữ ngoài 50 tuổi đã tới cửa hàng của anh ta 2 lần để lấy 2 hộp giấy in. Biển số xe mà nhân viên này ghi lại giống với biển số xe của bà Phó.

Bà Phó phàn hổi rằng việc bà mua giấy in là chuyện hoàn toàn bình thường. Điều gì thúc đẩy việc người giao hàng này ghi lại biển số xe của bà. Luật sư nói thêm rằng giấy in không phải là sản phẩm bất hợp pháp, và tất cả mọi người đều có thể mua. Ngoài ra, người giao hàng không thể xác nhận rằng bà Phó là người nhận giấy in, và đó có thể là người thân lái xe của bà đến nhận giấy in.

Công tố viên trình chiếu một đoạn video được quay vào ban đêm cách đây 3 năm với độ phân giải thấp, tuyên bố đó bà Phó đang phân phát tài liệu. Luật sư nói rằng video rất mờ và không thể nhận diện rõ người được ghi hình trong video. Ông cũng nói thêm rằng nếu số lịch thực sự được thân chủ ông phân phát, cảnh sát đã có thể trích xuất được dấu vân tay trên đó, nhưng không có thông tin nào như vậy được cung cấp.

Công tố viên cáo buộc bà Phó không ký vào biên bản thẩm vấn hay danh sách tài sản tịch thu. Bà Phó làm rõ rằng cảnh sát chưa từng cho bà xem danh sách. Lý do tại sao bà không ký biên bản thẩm vấn là vì thông tin do cảnh sát viết không phải những gì bà nói và tất nhiên bà không thể ký.

Cuối cùng, luật sư của bà Phó chỉ ra rằng trong khi công tố viên cáo buộc thân chủ của ông tội “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ quy chuẩn được các tòa án Trung Quốc sử dụng để khép tội học viên Pháp Luân Công, ông ấy không chỉ ra được việc bà Phó phá hoại việc thực thi điều luật như thế nào, với động cơ gì. Hơn nữa, công tố viên không thể chứng minh được bà Phó có thể gây hại gì cho bất kỳ cá nhân nào hoặc cho xã hội nói chung với việc tu luyện Pháp Luân Công. Những công dân tuân thủ pháp luật như vậy không thể bị truy tố chỉ đơn giản vì thực hành đức tin để trở thành người tốt và giữ gìn sức khỏe. Luật sư yêu cầu thẩm phán tha bổng cho bà.

Thẩm phán hoãn phiên tòa xét xử vào lúc 12 giờ 30 phút chiều mà không đưa ra phán quyết.

Hai cư dân Nội Mông Cổ bị kết án tù dài hạn chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Công

Tháng 10 năm 2024, Minh Huệ Net đã xác nhận hai cư dân thành phố Nha Khắc Thạch, Nội Mông Cổ, bị kết án 7 năm và 7,5 năm tù chỉ vì có cùng đức tin vào Pháp Luân Công.

Ông Quách Trường Tỏa bị bắt trong một đợt truy quét của công an vào ngày 8 tháng 4 năm 2023, và ông Tôn Văn Điền bị bắt gần 2 tuần sau đó, vào ngày 19 tháng 4 năm 2023. Cả hai bị giam tại trại tạm giam thành phố Nha Khắc Thạch, sau đó bị truy tố bởi Viện Kiểm sát thành phố Nha Khắc Thạch. Tòa án thành phố Nha Khắc Thạch kết án ông Quách 7 năm tù và ông Tôn 7,5 năm tù vào ngày 9 tháng 7 năm 2024. Họ đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Hô Luân Bối Nhĩ, tòa án đã ra lệnh xét xử lại vụ án.

Trong phiên tái thẩm, gia đình ông Quách và ông Tôn đã đứng ra biện hộ vô tội cho họ. Hai học viên cũng tự bào chữa và cung cấp lời khai của chính mình. Thẩm phán không ngắt lời họ như thường xảy ra trong các phiên xử học viên Pháp Luân Công.

Sau phiên tái thẩm, gia đình các học viên cũng gửi thư đến thẩm phán, trình bày về việc Pháp Luân Công được tự do thực hành trên khắp thế giới và việc thiếu căn cứ pháp lý trong cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thẩm phán vẫn giữ nguyên bản án tù như cũ đối với cả hai học viên.

Các học viên lại tiếp tục kháng cáo. Thẩm phán chủ tọa Miêu Hoán Xuân của tòa phúc thẩm từ chối mở phiên xử công khai cho vụ án, và ngày 23 tháng 9 năm 2024 thì ban hành phán quyết giữ nguyên bản án mà không thông báo cho gia đình của các học viên. Khi người thân của các học viên tìm hiểu về bản án và đến tòa để hỏi thông tin, họ ngạc nhiên khi được biết quyền đại diện của họ đã bị đình chỉ, nhưng tòa án lại từ chối cung cấp tài liệu chứng minh quyết định này.

Gia đình đã thuê luật sư đến thăm các học viên để cập nhật thêm về tình hình, nhưng phát hiện rằng tòa án đã yêu cầu trại tạm giam không cho phép luật sư gặp các học viên. Tòa án còn nhắn gửi đến luật sư rằng nếu các học viên muốn đệ đơn yêu cầu xét xử lại vụ án, họ phải làm việc này với nhà tù, vì tòa không còn phụ trách hồ sơ nữa.

Bị kết án vì nâng cao nhận thức về Pháp Luân Công và cuộc bức hại

Sau 5,5 năm giam cầm, người phụ nữ Liêu Ninh bị kết án 4,5 năm vì làm mặt dây chuyền quả bầu và hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo”

Ngày 11 tháng 10 năm 2024, bà Nhiếp Tinh, một cư dân 50 tuổi ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, bị kết án 4,5 năm tù. Công tố viên tố cáo bà làm mặt dây chuyền hình quả bầu có thông tin về Pháp Luân Công tại nhà một học viên vào một năm trước. Ông ta còn tố cáo bà đã hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” khi bị đưa tới bệnh viện để khám sức khỏe trái với mong muốn vào ngày 24 tháng 4 năm 2024.

Trong phiên tòa xét xử của bà Nhiếp vào ngày 9 tháng 10 năm 2024, luật sư của bà đã bào chữa vô tội cho bà. Ông lập luận rằng công tố viên đã không đưa ra được bằng chứng việc bà Nhiếp tu luyện Pháp Luân Công gây hại cho bất kỳ ai hay cho xã hội như thế nào. Không nhân chứng nào có mặt tại tòa án để thẩm tra chéo.

Thẩm phán Dương đã ra lệnh rằng bà Nhiếp có thể chỉ trả lời “Có” hoặc “Không” với câu hỏi của ông ta. Khi bà Nhiếp kể lại tình trạng bệnh dạ dày và bệnh thận của mình đã biến mất như thế nào sau 1 tháng tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, Dương ngắt lời bà và nói: “Bà có phải là người Trung Quốc không? Bà không thể hiểu tiếng Trung [ví dụ như yêu cầu trả lời “có hay không”] hay sao?”

Dương hoãn phiên tòa xét xử sau 1 giờ. Ngày hôm sau, ông ta kết án bà Nhiếp 4,5 năm tù.

Đây không phải là lần đầu bà Nhiếp bị nhắm đến vì kiên định đức tin của mình. Ngay sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, bà bị kết án 3 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng. Bà bị trói và bị sốc điện bằng dùi cui điện vào cổ, ngực, lưng và cho đến tận bàn chân. Da của của bà bị bỏng và phồng rộp vô cùng đau đớn khắp cơ thể.

Ngày 24 tháng 9 năm 2019, bà Nhiếp bị bắt giữ lần nữa, sau đó bị kết án 2,5 năm tù cùng với 20.000 Nhân dân tệ tiền phạt vào ngày 29 tháng 12 năm 2019.

Người phụ nữ Hà Bắc bị kết án 4 năm vì tu luyện Pháp Luân Công đã bị sa thải

Ngày 23 tháng 2 năm 2023, bà Triệu Hồng Mai (51 tuổi) sinh sống ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, treo biểu ngữ Pháp Luân Công và bị tố giác. Bằng việc kiểm tra kỹ lưỡng các video do camera giám sát đường phố ghi lại, cảnh sát đã xác định được danh tính của bà, và bắt giữ bà ở bên ngoài nhà của cha bà vào ngày 8 tháng 3 năm 2023.

Vụ bắt giữ của bà Triệu khiến cha bà (khi đó ngoài 90 tuổi) suy sụp. Sức khỏe của ông suy giảm nhanh chóng, và ông đã qua đời vào năm 2024 mà không được gặp con gái lần cuối.

Sau đó, toà án kết án bà 4 năm tù với mức phạt 5.000 Nhân dân tệ. Chị gái bà không được phép tham dự phiên toà của bà.

Sau khi bà Triệu bị kết án, tòa án trích 5.000 Nhân dân tệ từ tài khoản ngân hàng của bà để nộp phạt. Chủ quản của bà, cơ quan giáo dục địa phương, cũng sa thải bà.

Người phụ nữ 53 tuổi ở Giang Tây bị kết án 3,5 năm tù, đã bị từ chối thăm thân kể từ sau vụ bắt giữ của bà vào tháng 7 năm 2023

Ngày 13 tháng 7 năm 2023, bà Chu Lan Huệ (53 tuổi) ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Giang Tây, bị hơn 10 đặc vụ của các cơ quan khác nhau, gồm Đội An ninh Nội địa, Phòng 610, Ủy ban Chính trị Pháp luật và Ủy ban Khu phố bắt giữ tại nhà riêng. Cảnh sát nhận được tin báo rằng có ai đó phân phát tờ rơi Pháp Luân Công ở nơi nào đó, và cảnh sát xác định danh tính của bà thông qua các video do camera giám sát ghi lại. Máy tính của bà bị tịch thu, nhưng sau đó đã được trả lại.

Bà Chu tuyệt thực hơn 10 ngày và trở nên rất yếu. Bà chỉ nặng khoảng 30kg, lính canh trại giam đã bức thực bà bằng sữa và truyền dịch tĩnh mạch cho bà.

Gia đình bà đã chi hơn 10.000 Nhân dân tệ để thuê một luật sư cho bà, nhưng người này lại thay bà nhận tội. Bà bị kết án 3,5 năm tù vào một ngày chưa xác định. Chỉ đến gần đây, gia đình (không được phép gặp bà trong trại tạm giam) mới biết về bản án oan sai của bà và việc bà bị chuyển tới nhà tù, nhưng không được cho biết ngày chính xác của những sự kiện này. Họ gọi cho nhà tù (chưa biết chính xác tên nhà tù này) để yêu cầu được gặp bà, nhưng lại được thông báo cuộc gặp sẽ chỉ được chấp thuận sau khi bà từ bỏ Pháp Luân Công. Một người trong cuộc tiết lộ rằng bà Chu đã bị đau ở bàn chân mà không rõ lý do.

Người phụ nữ Trùng Khánh 71 tuổi bị kết án 1,5 năm tù vì đức tin

Đầu tháng 2 năm 2024, bà Dương Lệ (71 tuổi) ở Trùng Khánh bị tố giác khi nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công bên ngoài Chợ Quán Âm Kiều ở quận Giang Bắc. Sáng ngày 8 tháng 2, Đồn Công an Đại Hưng Thôn gọi điện cho chồng bà, yêu cầu ông bảo bà đến trình diện vào lúc 2 giờ chiều hôm đó.

Bà Dương đến đồn công an, đưa cho các cảnh sát một tờ chân tướng về Pháp Luân Công, hy vọng họ có thể tìm hiểu sự thật về cuộc bức hại. Thay vì đọc nó, cảnh sát bỏ tờ rơi vào một túi nhựa, và nói đó là “bằng chứng” cho thấy bà đã vi phạm pháp luật. Họ cũng khám xét người bà, và tịch thu 4 bùa hộ mệnh in thông điệp của Pháp Luân Công và một số tờ tiền in thông điệp của Pháp Luân Công. (Vì ĐCSTQ ngăn chặn mọi kênh hợp pháp để các học viên Pháp Luân Công kháng cáo cho quyền thực hành đức tin của họ, nên họ sử dụng những cách sáng tạo để truyền bá thông tin về Pháp Luân Công.)

Cảnh sát đưa bà Dương đến Công an Quận Giang Bắc, và giam bà ở đó qua đêm. Sáng hôm sau, họ bắt bà đi khám sức khỏe, và bà được phát hiện là không đủ điều kiện để giam giữ. Vào buổi chiều, cảnh sát vẫn đưa bà đến trại tạm giam địa phương. Bà được phát hiện bị huyết áp cao và bị từ chối tiếp nhận.

Cuối cùng, cảnh sát thả bà Dương vào đêm hôm đó. Bà được chồng cho biết trong thời gian bà bị giam giữ, cảnh sát đã đột kích vào nhà bà. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, hơn 10 tài liệu chân tướng Pháp Luân Công và danh sách những người thoái xuất khỏi ĐCSTQ.

Cảnh sát yêu cầu bà Dương phải trình diện bất cứ khi nào được triệu tập. Họ cũng cảnh cáo bà không được ra ngoài và tiếp tục nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Họ yêu cầu bà ký vào các tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, và không rõ liệu bà có làm theo hay không. Sau đó, họ đệ trình vụ án của bà Dương lên Viện Kiểm sát Quận Giang Bắc, và công tố viên Lưu Tiệp truy tố bà về tội “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, cái cớ thường dùng để hình sự hóa Pháp Luân Công. Thẩm phán Vương Quốc Bình của Tòa án Quận Giang Bắc được phân công xét xử vụ án của bà.

Ngày 14 tháng 8 năm 2024, bà Dương bị xét xử, sau đó bị quản thúc tại gia. Ngày 30 tháng 9, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Vương Quốc Bình công bố phán quyết, tăng thêm 3 tháng vào mức án 15 tháng tù do công tố viên đề xuất.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Dương, một công nhân nhà máy về hưu, bị bức hại vì đức tin của mình. Trước đó, bà từng bị giam giữ ít nhất 6 lần (3 lần trong các trung tâm tẩy não, 1 lần trong trại tạm giam và 2 lần trong nhà tạm giữ). Ngày 13 tháng 11 năm 2013, bà bị kết án 4 năm tù, và được trả tự do khỏi Nhà tù Nữ Trùng Khánh vào ngày 10 tháng 1 năm 2017. Cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà sau khi bà được thả.

Các báo cáo liên quan:

Báo cáo tháng 9 năm 2024: 18 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết và 57 học viên bị kết án

Báo cáo tháng 7 và tháng 8 năm 2024: 94 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo nửa đầu năm 2024: 447 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 5 năm 2024: 71 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 4 năm 2024: 84 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 3 năm 2024: 73 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 2 năm 2024: 56 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 1 năm 2024: 122 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/6/484696.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/13/221635.html

Đăng ngày 01-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share