Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-011-224] Báo cáo tháng 10 năm 2024 ghi nhận 13 học viên Pháp Luân Công qua đời do bị bức hại vì kiên định đức tin.

13 trường hợp tử vong mới được báo cáo bao gồm 1 trường hợp xảy ra vào năm 2017, 1 trường hợp năm 2021, 2 trường hợp năm 2023 và 9 trường hợp từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2024. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt, việc bức hại các học viên Pháp Luân Công không phải lúc nào cũng có thể được báo cáo kịp thời, cũng như không phải đều có sẵn tất cả thông tin.

10 phụ nữ và 3 người đàn ông đã qua đời phân bố ở 6 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc trung ương. Cát Lâm ghi nhận nhiều trường hợp nhất, với 4 trường hợp, tiếp theo là Hồ Nam với 3 trường hợp. 6 khu vực còn lại, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Hà Bắc, Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Tứ Xuyên, mỗi nơi có 1 trường hợp.

Trong số 10 học viên có thông tin về tuổi tác tại thời điểm qua đời, độ tuổi của họ từ 60 đến 84, trong đó 4 người ở độ tuổi 60, 3 người ở độ tuổi 70 và 3 người ở độ tuổi 80.

Hầu hết các học viên này qua đời sau nhiều thập kỷ bị bắt giữ, sách nhiễu, giam giữ và tra tấn. 2 người chết trong khi bị giam giữ, trong đó có 1 người đàn ông 60 tuổi qua đời 5 ngày sau khi bị tống giam, và 1 phụ nữ 68 tuổi đã chết trong Trại tạm giam 1 tháng sau khi bị bắt. Một cụ bà 80 tuổi qua đời 4 tháng sau khi được ra tù, và gia đình bà nghi ngờ rằng bà bị đầu độc trong khi bị giam giữ.

Dưới đây là thông tin chi tiết về các trường hợp tử vong. Danh sách đầy đủ các học viên đã qua đời có thể được tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh và Trung).

Hai trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ

Người đàn ông 60 tuổi đã qua đời sau 5 ngày bị đưa tới nhà tù

Ông Nhậm Trưởng Bân, 60 tuổi, cư dân thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời sau 5 ngày bị đưa tới nhà tù Song Áp Sơn để thụ án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Thi thể của ông có nhiều vết bầm tím và thương tích, mắt ông thâm quầng và đầu ông có nhiều vết khâu.

2024-10-15-195242-0.jpg

Ông Nhậm Trưởng Bân

Theo thông tin từ em gái ông Nhậm, bà đã nhận được một cuộc điện thoại của nhà tù vào khoảng 8 giờ sáng ngày 28 tháng 9 năm 2024, thông báo ông Nhậm đã qua đời trong phòng cấp cứu. Bà hỏi lý do cụ thể, nhưng lính canh từ chối cung cấp thêm thông tin, ngoại trừ việc thi thể của ông Nhậm đã được đưa tới nhà tang lễ.

Em gái ông Nhậm lập tức thông báo cho những người thân khác trong gia đình về tin tức bi thảm này, và họ vội tới nhà tang lễ, tại đây họ nhìn thấy những thương tích trên thi thể của ông.

Khi gia đình hỏi lính canh nhà tù về việc liệu người thân của họ có bị tra tấn đến chết không, lính canh nói rằng khi được đưa vào tù ông Nhậm rất yếu và họ đã bố trí 2 tù nhân để chăm sóc cho ông. Họ còn nói rằng ông Nhậm đã bị ngã trong khi tắm, và đó là nguyên nhân gây ra các vết thương trên đầu và cơ thể ông.

Gia đình ông Nhậm phản bác rằng ông rất khỏe mạnh khi bị bắt giữ, và hỏi làm sao mà ông lại trở nên yếu như vậy chỉ trong 1 tuần giam giữ. Nếu nhà tù thực sự sắp xếp 2 tù nhân “chăm sóc” ông Nhậm, tại sao họ không ngăn được việc ông bị ngã trong khi đang tắm.

Ông Nhậm, một cựu nhân viên nhà máy thủy tinh, đã bị bắt giữ trong một đợt truy quét của cảnh sát vào tối ngày 14 tháng 9 năm 2024, và bị kết án 3 năm tù vào ngày 25 tháng 7 năm 2024. Ngày 23 tháng 9, ông bị chuyển tới Nhà tù Song Áp Sơn, và đã qua đời chỉ sau 5 ngày.

Nhà tù Song Áp Sơn (trước đây còn được gọi là Nhà tù Bút Giá Sơn) là một nhà tù quản lý nghiêm ngặt, được chỉ định để giam giữ học viên Pháp Luân Công. Tất cả nam học viên bị kết án ở tỉnh Hắc Long Giang bị đưa tới Nhà tù Song Áp Sơn đầu tiên, tại đây họ phải chịu đựng sự tra tấn kéo dài 2 tháng nhằm buộc họ từ bỏ Pháp Luân Công, sau đó mới bị chuyển tới các nhà tù khác trên toàn tỉnh.

2024-10-15-195242-1--ss.jpg

Nhà tù Song Áp Sơn

Bị bắt giữ vì kiên định đức tin, người em gái 68 tuổi đã qua đời sau một tháng, người anh trai 80 tuổi đối mặt với cáo trạng

Bà Vương Ngọc Anh, ở thành phố Công Chủ Lĩnh, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời sau 1 tháng bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 68 tuổi.

Bà Vương cùng anh trai bà, ông Vương Kiếm Anh, 80 tuổi, và bà Khổng Khánh Chi, khoảng 50 tuổi, bị bắt giữ tại nhà riêng của họ vào ngày 7 tháng 8 năm 2024, bởi cảnh sát từ Đồn Công an thị trấn Phạm Gia Truân. Sách Pháp Luân Công và ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công bị tịch thu. Trong khi bà Khổng được thả 5 ngày sau đó, anh em bà Vương bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Công Chủ Lĩnh sau khi bị tạm giữ 15 ngày tại Nhà tạm giữ thành phố Công Chủ Lĩnh.

Theo một người trong cuộc, bà Vương bắt đầu gặp khó khăn khi di chuyển trong trại tạm tạm giam, và lính canh đã chỉ định 1 tù nhân chăm sóc bà. Một hôm, bà đột nhiên ngã gục, và được đỡ trước khi ngã xuống đất. Bà qua đời trong trại tạm giam vào tối ngày 18 tháng 9.

Sau cái chết của bà Vương, nhà chức trách đề nghị trả cho gia đình bà 30.000 Nhân dân tệ để đổi lấy sự im lặng của họ về cái chết đáng ngờ của bà. Người thân của bà đã tham vấn ý kiến của một luật sư, và được biết rằng không ai có thể giúp họ thắng kiện, vì cảnh sát sẽ chặn tất cả các kênh nếu họ cố gắng thu thập bằng chứng. Không rõ liệu gia đình có chấp nhận lời đề nghị nhận tiền bịt miệng hay không.

Cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của ông Vương tới viện kiểm sát địa phương, nên ông hiện đang đối mặt với việc truy tố. Ông được thả vào khoảng ngày 26 tháng 9 và không được phép rời khỏi nhà. Kể từ đó, cảnh sát liên tục sách nhiễu ông.

Qua đời sau khi bị bắt, giam giữ và sách nhiễu

Cụ bà 80 tuổi qua đời sau bốn tháng ra tù

Ngay sau khi bà Tạ Trường Xuân, ở thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, được trả tự do vào ngày 19 tháng 4 năm 2024, sau khi thụ án 1 năm tại Nhà tù nữ tỉnh Tứ Xuyên, bà bị đau nhói ở bên trái bụng. Da bà chuyển sang màu tối và bà trở nên gầy gò. Bốn tháng sau, vào ngày 12 tháng 8, bà qua đời. Bà hưởng thọ 80 tuổi. Gia đình bà nghi ngờ rằng bà bị cho uống thuốc độc trong tù.

Trước án tù lần này, bà Tạ từng nhiều lần bị bắt và bị lục soát nhà vì nói chuyện với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Giáo viên trung học đã nghỉ hưu qua đời 3 tháng sau vụ bắt giữ mới nhất

Sau 2 thập kỷ liên tục bị bắt giữ và sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công, sức khỏe của bà Phùng Ngọc Thu đã xấu đi sau lần bắt giữ gần đây nhất vào ngày 5 tháng 6 năm 2024. Bà qua đời 3 tháng sau đó, vào ngày 9 tháng 10 năm 2024, hưởng thọ 73 tuổi.

Bà Phùng, một giáo viên về hưu của Trường Trung học Cơ sở Số 25 thị trấn Thất Lý, thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, đã thụ 2 án lao động, cũng như bị giam giữ tại trung tâm tẩy não 2 lần sau khi chế độ Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Bà phải chịu đựng sự tra tấn liên tục trong thời gian bị giam giữ, gây tổn hại đến sức khỏe và khiến bà bị sang chấn tinh thần.

Năm 2000, bà Phùng bị bắt 2 lần vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Tại một trại tạm giam địa phương, lính canh đã đấm vào miệng và đầu bà, giẫm lên chân và bức thực bà bằng nước muối. Sau đó, họ nhét một ống bức thực vào mũi bà, khiến mũi và cổ họng bà chảy máu.

Ba ngày sau, bà Phùng bị đưa đến Công an huyện Tỉnh Hình, tỉnh Hà Bắc, nơi 3 cảnh sát sốc điện vào mặt, tai và tay bà bằng dùi cui điện. Họ còn bắt bà quỳ xuống, vặn tay bà ra sau lưng, rồi giật mạnh lên, khiến khớp vai bà đau đớn dữ dội.

Cảnh sát giật tóc bà mạnh đến nỗi tóc bà tróc ra từng mảng lớn. Họ bắt bà quỳ trên sàn xi măng và đặt một thanh gỗ dài ngang bắp chân bà. Sau đó, 2 gã đàn ông thay phiên nhau lăn thanh gỗ qua lại như một chiếc cán bột trên bắp chân và bàn chân của bà. Trong khi thẩm vấn bà, họ dùng lực ngày càng mạnh hơn lên thanh gỗ, cho đến khi bà không thể chịu đựng được nữa. Sau khi dừng lại một lúc, họ lặp lại hành vi tra tấn thêm 3 lần nữa. Bắp chân bà sưng lên đến mức bà không thể cởi đồ lót ra được. Bà không thể cử động chân và phải được khiêng trở lại phòng giam. Bà phải bò vào nhà vệ sinh. Việc tra tấn khiến một số ngón chân của bà bị biến dạng vĩnh viễn.

Sau đó, bà Phùng bị kết án 1 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Hắc Chuỷ Tử ở tỉnh Cát Lâm. Bà phải chịu đựng sự tra tấn thể xác liên tục vì không từ bỏ Pháp Luân Công. Ngoài việc bắt bà làm việc hơn 10 giờ một ngày mà không được trả công, lính canh còn bắt bà xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, viết báo cáo tư tưởng hàng tháng và tham dự các sự kiện khác ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi bà mãn hạn, lính canh đã đe dọa bà và ra lệnh cho bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối làm theo và bị tát vào mặt.

Bà Phùng bị bắt thêm một số lần nữa và cũng phải đối mặt với sự sách nhiễu liên tục. Do bị sách nhiễu liên tục, bà gặp các vấn đề về sức khỏe. Từ năm 2023, tình trạng chân và ngón chân của bà, vốn bị thương nặng do bị tra tấn trong khi bị giam giữ, đã nhanh chóng xấu đi, khiến bà không thể đi lại được. Bà cũng phải vật lộn với tình trạng thị lực suy giảm. Bà vô ý bị ngã và gãy chân.

Trước khi bà hoàn toàn bình phục, cảnh sát đã bắt giữ bà trong một vụ bắt giữ tập thể vào ngày 5 tháng 6 năm 2024 và giam giữ bà một thời gian ngắn tại Đồn công an Bắc Thành. Bà được bảo lãnh tại ngoại, nhưng đã qua đời 3 tháng sau đó.

Ra tù trong tình trạng gầy gò và yếu ớt, cụ bà 77 tuổi đã qua đời sau 3,5 năm

Bà Lưu Phượng Linh, từng là người cao lớn và khỏe mạnh, nhưng trở nên gầy gò hốc hác khi được trả tự do vào tháng 4 năm 2021, 9 tháng trước khi mãn hạn án tù 5,5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi về nhà, bà phải đối mặt với sự sách nhiễu không ngừng của cảnh sát. Bà đã qua đời vào giữa tháng 9 năm 2024, hưởng thọ 77 tuổi.

Bà Lưu, cư dân thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Ngày 22 tháng 7 năm 2016, bà bị bắt và bị đưa tới trại tạm giam thành phố Phủ Thuận. Do sự tra tấn trong nhà giam gồm việc đứng trong nhiều giờ, khiến bà bị đau tim, và được đưa tới bệnh viện để hồi sức. Trong khi đó, bà cũng phải chật vật với bệnh tiểu đường và không thể ngủ ngon vào ban đêm.

Cuối năm 2016, bà Lưu bị Tòa án quận Tân Phủ kết án 5,5 năm tù và bị đưa tới Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh vào tháng 2 năm 2017. Do sự tra tấn trong tù, bà đã bị rụng răng và sưng tấy chân. Bà phải sử dụng gậy để giữ thăng bằng. Tháng 4 năm 2021, nhà tù đã trả tự do cho bà sớm hơn 9 tháng vì suy giảm sức khỏe.

Sau đó 3,5 năm, bà đã qua đời vì sự sách nhiễu liên tục của sảnh sát và suy giảm sức khỏe.

Người phụ nữ Thượng Hải đã qua đời trong khi đang thụ án 5 năm tại nhà vì tu luyện Pháp Luân Công

Năm 2021, bà Lý Vỹ Linh, một cư dân ở Thượng Hải đã bị kết án 5 năm tù vì chia sẻ thông tin về Pháp Luân Công trên WeChat (nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc). Bà Lý đã được phép thụ án bên ngoài nhà tù vì sức khỏe yếu. Tuy nhiên, sự giám sát nghiêm ngặt và sách nhiễu không ngừng của cảnh sát khiến sức khỏe của bà liên tục suy giảm, và bà đã mắc bệnh ung thư dạ dày. Bà qua đời vào tháng 8 năm 2024.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Lý đã bị kết án 3 lần với tổng thời gian 17 năm vì kiên định đức tin. Chị gái của bà là bà Lý Vĩ Hồng, cũng là học viên Pháp Luân Công, đã qua đời trong cuộc bức hại vào tháng 4 năm 2003, hưởng dương 43 tuổi. Mẹ của hai chị em là bà Dụ Bồi Anh, ngoài 90 tuổi, cũng bị bắt giữ nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công khiến bà bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức và 3 năm tù. Do bà Dụ tuổi đã cao, gia đình không dám báo tin cho bà cụ về cái chết của con gái (bà Lý Vĩ Linh), sợ rằng bà có thể không chịu được nỗi đau này.

Chồng bà Dụ đã bị tổn thương do sự bức hại mà người thân ông phải chịu đựng. Sau nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu và đe dọa, ông đã mắc bệnh tim và tiểu đường nghiêm trọng. Ông thường được đưa tới bệnh viện để hồi sức. Trong thời gian diễn ra Hội chợ Quốc tế Thượng Hải vào năm 2010, ông đã suy sụp sau khi biết tin con gái ông (bà Lý Vĩ Linh) lại bị sách nhiễu lần nữa. Khi bà Lý vội vã tới thăm ông, cụ ông (đang nằm liệt giường và tiểu mất tự chủ) đã nắm lấy tay bà và nói bằng giọng run rẩy: “Bố sợ rằng con lại có thể bị bắt giữ lần nữa.” Sau vụ bắt giữ của bà Lý vào tháng 3 năm 2011 bốn tháng, ông đã qua đời.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo tháng 9 năm 2024: 18 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết và 57 học viên bị kết án

Báo cáo nửa đầu năm 2024: 69 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 4 và tháng 5 năm 2024: 24 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 3 năm 2024: 13 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 2 năm 2024: 10 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Báo cáo tháng 1 năm 2024: 13 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/2/484574.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/7/221547.html

Đăng ngày 16-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share