Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-07-2024] Ngày 6 tháng 7 năm 2024, Cục công an thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam chỉ đạo các đơn vị cấp dưới bắt giữ 25 cư dân địa phương chỉ vì họ tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm và thân bị ĐCSTQ bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Theo những người trong cuộc, vụ bắt giữ quy mô lớn này được gọi là “chuyên án 6.6”. Thời gian cảnh sát theo dõi các học viên này và thu thập bằng chứng chống lại họ ít nhất là sáu tháng trước khi tiến hành bắt giữ.

Các cơ quan tham gia bao gồm Đội An ninh Nội địa các quận Tây Sơn, Ngũ Hoa, Bàn Long và Quan Độ, cùng các đồn công an phụ trách khu dân cư nơi các học viên sinh sống.

Tại thời điểm viết báo cáo này, đa số các học viên đã được tại ngoại, thế nhưng chính quyền đã ban hành lệnh bắt giữ chính thức với ít nhất tám học viên và họ phải đối mặt với bản cáo trạng chỉ vì đức tin của mình.

Báo cáo trước đây về vụ bắt giữ tập thể tám học viên tại nhà riêng

Minh Huệ trước đây đã đưa tin về vụ bắt giữ tám phụ nữ Côn Minh tại một tư gia. Dưới đây là tóm tắt nhanh cùng các thông tin bổ sung

Khoảng 1 giờ chiều ngày 6 tháng 6, hơn 20 người từ Đội An ninh Nội địa quận Tây Sơn và Đồn công an Tông Thụ Doanh đột nhập vào nhà bà Lưu Thúy Tiên và bắt giữ bà cùng tám vị khách, tất cả họ đều là học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát lục soát và chụp hình chín học viên này.

Nhà bà Lưu đang ở và một nơi cư trú khác đều bị lục soát. Máy vi tính, máy in, và hơn 30.000 nhân dân tệ tiền mặt cùng nhiều tài sản có giá trị khác của bà đều bị tịch thu. Bà cùng các vị khách, gồm có bà Quế Minh Trân 77 tuổi, bà Doãn Quỳnh Anh 87 tuổi, bà Lý Trúc Tú 73 tuổi, bà Vương Ngọc lan 73 tuổi, bà Lưu Hiểu Bình 67 tuổi, bà Hoàng Vân Vân ở độ tuổi 60 và bà Chu Cầm ở độ tuổi 50, đều bị thẩm vấn tại đồn công an phụ trách khu dân cư của họ. Bà Quế, người phải dùng nạng, được tại ngoại vào khoảng 10 giờ tối, còn các học viên khác sau đó bị đưa tới Phân cục công an Tây Sơn để tiếp tục thẩm vấn.

Một người bị bắt trên đường

Bà Dương Huệ Phương 56 tuổi, đang nói chuyện điện thoại trên đường thì một nhóm cảnh sát bắt giữ và đưa bà về nhà để lục soát. Sau đó, bà bị đưa tới Phân cục công an quận Tây Sơn.

Một người bị bắt ở Văn phòng ủy ban khu phố

Bà Trịnh Thúy Lan 77 tuổi, bị lừa tới ủy ban khu phố địa phương sau khi bà tin rằng chính quyền đang phát gạo cho cư dân địa phương. Cảnh sát bắt bà tại đây và sau đó lục soát nhà bà trước khi đưa bà tới Phân cục công an quận Tây Sơn.

Một người bị bắt bên ngoài nhà riêng

Bà Tiêu Ngọc Hà 60 tuổi, vừa trở về khu chung cư nơi bà sinh sống vào khoảng hơn 6 giờ chiều thì một nhóm cảnh sát chờ sẵn bên ngoài vây lấy bà. Họ lục soát nhà bà và đưa bà tới Phân cục công an quận Tây Sơn.

14 người bị bắt tại nhà

Hơn 10 cảnh sát từ Đồn công an Tông Thụ Doanh đã lừa ông Tô Côn (khoảng 50 tuổi) mở cửa nhà vào khoảng 7 giờ tối. Họ bắt giữ ông cùng vợ là bà Trương Hiểu Đan (khoảng 50 tuổi) và đưa họ tới Phân cục công an quận Tây Sơn.

Bà Hạ Tồn Phân 71 tuổi đang ngủ trưa thì một nhóm cảnh sát xông vào bắt giữ bà. Nhà bà bị lục soát và bà bị đưa tới Phân cục công an quận Tây Sơn.

Bà Mã Linh 67 tuổi và con gái là cô Trương Tắc 39 tuổi, bị nhân viên văn phòng quản lý tài sản lừa mở cửa. Rồi năm người xông vào và lục soát nhà họ. Cả hai mẹ con bà đều bị thẩm vấn tại Phân cục công an quận Ngũ Hoa trước khi bị đưa tới Phân cục công an quận Tây Sơn.

Bốn giờ sau, em gái bà Mã là bà Mã Yến, ở độ tuổi 60, bị bắt giữ tại nhà. Bà bị thẩm vấn tại Đồn công an Liên Hoa và được trả tự do một ngày sau. Cảnh sát bắt bà trở lại trại giam vào ngày 29 tháng 6 và đưa bà vào Trại tạm giam thành phố Côn Minh. Bà bị giam giữ ở đây 15 ngày.

Các học viên khác bị bắt tại nhà, gồm có bà Lý Hoán Trân (ở độ tuổi 80), bà Trương Tú Trân 65 tuổi, bà Trương Gia Huệ 82 tuổi và con trai là ông Tất Thắng 62 tuổi, học viên họ Tô (không rõ tên, tuổi, giới tính), ông Quản Học Hằng (ở độ tuổi 40), bà Chu Vĩnh Trân (không rõ tuổi) và một học viên khác cũng không rõ tên, tuổi, giới tính).

Bà Trương Gia Huệ và học viên họ Tô được tại ngoại vào tối hôm đó, các học viên khác bị bắt tại nhà họ tất cả đều bị đưa tới Phân cục công an quận Tây Sơn.

22 người bị thẩm vấn tại Phân cục công an

Trừ bà Trương Gia Huệ, học viên họ Tô và bà Mã Vân là được tại ngoại sau vài giờ bị bắt, 22 học viên còn lại đều bị đưa tới Phân cục công an quận Tây Sơn vào tối hôm 6 tháng 6. Người từ Đồn công an Kim Gia Hà và một đồn công an khác đã được cử đến để canh gác. Các học viên bị thẩm vấn riêng trước khi bị chia ra giam trong ba phòng.

Bà Quản xuất hiện một số triệu chứng bệnh và được tại ngoại vào đêm muộn hôm đó. Ngày hôm sau, 21 học viên còn lại bị ép khám sức khỏe, bao gồm lấy máu và chụp CT. 6 giờ tối ngày 7 tháng 6, ông Tất bị đưa vào Trại tạm giam Tây Sơn và tất cả các học viên nữ bị đưa tới Trại tạm giam thành phố Côn Minh (Trừ bà Chu, bà đã bị chuyển tới trại giam giữ địa phương và được thả sau khi bị giam giữ một khoảng thời gian chưa xác định được).

Tình trạng các trường hợp hiện tại

Như đã nêu trên, bà Quế, bà Trương Gia Huệ, bà Quản và học viên họ Tô được tại ngoại vào ngày 6 tháng 6. Bà Vương và bà Mã Yến được tại ngoại vào ngày hôm sau, nhưng sau đó lại bị đưa trở lại trại giam vào ngày 29 tháng 6, rồi bị giam giữ thêm 15 ngày nữa trước khi được trả tự do.

Bà Chu cũng được thả, nhưng chưa biết chính xác là ngày nào.

Bà Tiêu, ông Tô, bà Trương Hiểu Đan, cô Trương Tắc, bà Hạ và bà Lý Trúc Tú đều được tại ngoại vào ngày 12 tháng 7 sau khi Viện kiểm sát quận Tây Sơn xác định rằng không có đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục giam giữ họ.

Ngày 12 tháng 7, Viện kiểm này cũng ban hành lệnh bắt giữ chính thức bà Lý Hoán Trân, bà Trương Tú Trân, bà Doãn, bà Lưu Thúy Tiên, bà Lưu Hiểu Bình, bà Mã Linh, ông Tất và bà Dương. Họ đang phải đối mặt với cáo trạng chỉ vì đức tin của mình.

Hiện chưa rõ về tình trạng trường hợp của bà Trịnh, bà Hoàng, bà Chu Vĩnh Trân và một học viên không biết tên.

Bức hại trong quá khứ

Nhiều học viên bị bắt, trước đây đã từng bị giam giữ chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Tô bị kết án ba năm lao động cưỡng bức vào tháng 12 năm 2004. Ông cùng vợ là bà Trương Hiểu Đan bị bắt vào ngày 4 tháng 5 năm 2012 và bị kết án lần lượt mỗi người là sáu năm và bốn năm tù. Ông bị sa thải công việc giảng dạy tại trường Học viện kỹ thuật công nghiệp quốc phòng Vân Nam và vợ ông là bác sĩ Trung y, không thể tìm được việc làm sau khi được trả tự do.

Bà Lý Hoán Trân, là công chức nhà máy dệt đã nghỉ hưu, bị kết án hai năm lao động cưỡng bức sau vụ bắt giữ bà ngày 18 tháng 4 năm 2005. Tuy nhiên, chính quyền không cung cấp cho bà một bản sao thông báo lao động cưỡng bức cho tới khi bà được thả vào ngày 15 tháng 12 năm 2006. Bà lại bị bắt giữ vào tháng 5 năm 2007 và bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não ba ngày. Bà cũng bị bắt trả hơn 1.000 nhân dân tệ cho chi phí sinh hoạt trong đó. Vụ bắt giữ bà tiếp đó diễn ra vào ngày 19 tháng 5 năm 2010 sau khi bà bị tố giác vì phát tặng tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Công tố viên Vu Lâm của Viện kiểm sát thành phố Côn Minh truy tố bà chín tháng sau đó và bà bị kết án ba năm cùng ba năm quản chế vào thời điểm chưa xác định được rõ.

Bà Trương Tú Trân, là công chức về hưu của Công ty Kim khí Vân Nam. Bà bị kết án ba năm lao động cưỡng bức sau vụ bắt giữ bà ngày 16 tháng 5 năm 2009. Sau vụ bắt giữ khác vào ngày 15 tháng 4 năm 2016, bà bị đưa vào một bệnh viện để khám sức khỏe. Con trai bà bị bắt phải trả 6.000 nhân dân tệ trước khi được phép đón bà lúc 3 giờ sáng hôm sau. Hai người từ Đồn công an Đại Quan đến nhà bà ngày 30 tháng 12 năm 2020 và lệnh cho bà ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng bà từ chối tuân theo.

Bà Mã Linh, nhân viên về hưu của Thư viện Đại học Vân Nam, đã hai lần phải lao động cưỡng bức với tổng thời gian lên tới 6,5 năm (vào năm 2000 và năm 2004). Sau khi bà và con gái là cô Trương Tắc bị bắt ngày 19 tháng 4 năm 2014, họ bị kết án lần lượt mỗi người là 4 năm và 3,5 năm. Em gái bà là bà Mã Yến bị bắt ngày 25 tháng 6 năm 2004 và bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não với thời hạn chưa xác định được rõ. Sau một lần bắt giữ khác vào ngày 20 tháng 4 năm 2014, bà bị giam giữ một tháng.

Bà Doãn bị kết án lao động cưỡng bức trong Trại lao động cưỡng bức nữ tỉnh Vân Nam vào năm 2001, nhưng chưa rõ thời hạn bao lâu.

Bà Quế từng làm việc tại Công ty Luyện kim Á Long. Bà tin rằng Pháp Luân Công đã chữa khỏi cho bà bệnh mất ngủ kinh niên, bệnh tim, gan, phổi, cùng bệnh viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng. Bà bị bắt vào tháng 7 năm 2000 và bị giam giữ một tháng chỉ vì tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà lại bị bắt vào tháng 12 năm 2000 và bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não một tuần. Sau một vụ bắt giữ khác vào ngày 16 tháng 10 năm 2007, bà bị kết án hai năm lao động cưỡng bức. Lương hưu của bà bị đình chỉ trong thời gian bà phải chịu án tù phi pháp. Ngoài những gì bà phải chịu, thì con trai bà là ông Lý Siêu cũng phải chịu hai năm lao động cưỡng bức vào năm 2000. Chồng bà là ông Lý Lân Thư, bị đưa vào một trung tâm tẩy não vào các năm 2000 và năm 2003. Vào năm 2008, ông Lý Lân Thư bị kết án ba năm tù.

Bà Lý Trúc Tú bị kết án 1,5 năm tại Trại lao động cưỡng bức nữ tỉnh Vân Nam vào tháng 8 năm 2002. Bà bị kết án tù ba năm vào năm 2012 và 3,5 năm vào năm 2019. Lương hưu của bà bị đình chỉ sau khi bà được ra khỏi nhà tù.

Bà Vương bị kết án lao động cưỡng bức hai lần, vào năm 2002 và năm 2004. Trong khi bị giam giữ, bà bị tra tấn tàn bạo. Mắt bà đỏ ngầu, răng cửa và cột sống phía dưới của bà bị gãy.

Bà Lưu Thúy Tiên bị bắt ngày 20 tháng 12 năm 2012 cùng với con dâu là bà Bành Học Bình chỉ vì họ phát tặng tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Họ bị kết án mỗi người là tám năm tù. Mẹ bà Lưu qua đời trong thời gian bà bị cầm tù và bà không được gặp mặt mẹ mình lần cuối. Tra tấn thể chất và đau khổ về tinh thần khiến sức khỏe bà Bành bị tổn hại. Bà qua đời vào ngày 11 tháng 7 năm 2023 ở tuổi 46. Ngoài án tù, bà Lưu còn phải chịu hai án lao động cưỡng bức (hai năm vào năm 2003 và một năm vào năm 2005).

Bà Lưu Hiểu Bình bị bắt vào ngày 20 tháng 12 năm 2012 cùng với bà Lưu Thúy Tiên và bà Bành chỉ vì họ phát tặng tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Bà bị kết án mười năm tù và lương hưu của bà bị đình chỉ trong suốt 7,5 năm bà bị cầm tù.

Bà Hoàng bị bắt vào tháng 12 năm 2000 trong khi đang tham dự buổi gặp mặt của hơn 50 học viên. Sau đó bà bị kết án lao động cưỡng bức.

Tin tức liên quan:

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/21/479925.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/23/219167.html

Đăng ngày 30-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share