Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 10-09-2024] Theo báo cáo của Minghui.org, vào tháng 7 và tháng 8 năm 2024, tổng cộng 1.219 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin.
Trong số 1.219 trường hợp, có 579 trường hợp bắt giữ và 640 trường hợp sách nhiễu. 579 trường hợp bắt giữ bao gồm 167 trường hợp xảy ra trong nửa đầu năm 2024, 277 trường hợp tháng 7, 112 trường hợp tháng 8 và 23 trường hợp không rõ tháng. 640 trường hợp sách nhiễu gồm có 242 trường hợp trong nửa đầu năm, 259 trường hợp tháng 7, 112 trường hợp tháng 8 và 27 trường hợp không rõ tháng. Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ báo cáo là do sự kiểm duyệt thông tin của chế độ cộng sản Trung Quốc, khiến các phóng viên Minh Huệ khó thu thập, xác minh và gửi dữ liệu đến trang web. Các học viên bị bức hại cũng phải đối mặt với nguy cơ bị trả thù khi báo cáo về việc bức hại bằng tên thật của mình.
1.219 học viên bị nhắm mục tiêu thuộc 20 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc Trung ương (Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải và Trùng Khánh) và 2 khu tự trị (Nội Mông và Ninh Hạ). Hà Bắc báo cáo nhiều trường hợp bắt giữ và sách nhiễu nhất, với 296 trường hợp (24,3%), tiếp theo là 180 (14,8%) trường hợp ở Liêu Ninh, 147 (12,1%) ở Sơn Đông và 112 (9,2%) ở Cát Lâm. 4 tỉnh này chiếm 60,3% tổng số trường hợp bức hại. 13 khu vực khác ghi nhận các trường hợp ở mức 2 chữ số từ 10 đến 83. 9 khu vực còn lại có các trường hợp ở mức 1 chữ số từ 2 đến 9.
Trong số các học viên bị bắt giữ, có ít nhất 130 trường hợp từ 60 tuổi trở lên tại thời điểm bị bắt, trong đó có 61 trường hợp ở độ tuổi 60, 56 trường hợp ở độ tuổi 70, 12 trường hợp ở độ tuổi 80 và 1 học viên 91 tuổi. 69 học viên bị sách nhiễu có độ tuổi 60 trở lên, với 24 học viên ở độ tuổi 60, 30 trường hợp ở độ tuổi 70 và 15 trường hợp ở độ tuổi 80 (3 người đã 88 tuổi).
I. Sự bức hại trên toàn quốc
a) Bắt giữ tập thể
Một số vụ bắt giữ tập thể diễn ra vào tháng 7 năm 2024. Tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, 25 người dân địa phương đã bị bắt vào ngày 6 tháng 7. Theo những người trong cuộc, vụ bắt giữ quy mô lớn này được gọi là “chuyên án 6.6”. Thời gian cảnh sát theo dõi và thu thập bằng chứng chống lại các học viên này ít nhất là 6 tháng trước vụ bắt giữ.
Ngày 12 tháng 7, 2 vụ bắt giữ tập thể xảy ra tại thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc và huyện Thanh Nguyên, tỉnh Liêu Ninh, với lần lượt 9 và 10 học viên bị bắt giữ.
Khoảng 5 giờ sáng ngày 12 tháng 7 năm 2024, ông Vương Trạch Tinh bị đánh thức bởi một tiếng đập mạnh vào cửa. Khi ông mở cửa, 2 cảnh sát mặc đồ đen xô ông sang một bên để 8 cảnh sát khác xông vào. Khi vợ ông ra phòng khách để kiểm tra tình hình sau khi nghe thấy tiếng động, bà bàng hoàng khi thấy chồng mình bị vài người khống chế, trong khi những người khác đang lục soát nhà họ. Khi thấy bà, họ quát lên và yêu cầu bà đứng yên. Sau khi nhanh chóng hoàn thành cuộc lục soát, cảnh sát đưa ông Vương đi, để lại một mớ hỗn độn trong nhà.
Ngày 1 tháng 8 năm 2024, khi gia đình nói với người cha 83 tuổi của ông về vụ bắt giữ này, ông cụ đau đớn đến nỗi khăng khăng đòi đến Đồn công an huyện Thanh Nguyên để yêu cầu thả đứa con duy nhất của mình, nhưng không thành công. Sau 2 đêm không ngủ, ông cụ đột ngột qua đời vào tối ngày 3 tháng 8. Vợ ông Vương yêu cầu cho ông được tại ngoại để về dự tang lễ cha mình, nhưng bị Công an thành phố Phủ Thuận từ chối.
b) Bị cảnh sát ngoại tỉnh bắt giữ vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại
Ngày 13 tháng 5 năm 2024, bà Khưu Hồng Mai và bà Lý Hồng Lị, hai công nhân về hưu của Mỏ dầu Thắng Lợi ở thành phố Đông Doanh, tỉnh Sơn Đông, cùng nhau đi nghỉ ở huyện Long Thắng, tỉnh Quảng Tây. Họ nói chuyện với người dân ở đó về Pháp Luân Công nên bị bắt. Họ bị giam tại một Trại tạm giam gần Long Thắng, và bị từ chối thăm thân. Ngày 21 tháng 5, cảnh sát Long Thắng di chuyển khoảng 2.000km đến nhà họ ở thành phố Đông Doanh và đột kích nơi ở của họ. Hiện họ đang phải đối mặt với việc bị truy tố tại Long Thắng.
Cũng ở phía Tây Nam Trung Quốc, bà Du Toàn Phương, người gốc thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt vào cuối tháng 7 năm 2024, và bị đưa đến một trại tạm giam ở thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam. Khó nạn của bà bắt nguồn từ vụ bắt giữ vào ngày 21 tháng 4 năm 2023, khi bà đang thăm gia đình con gái ở Lệ Giang. Cảnh sát nghi ngờ bà phát tài liệu Pháp Luân Công và giam bà trong 15 ngày. Sau khi thả bà tại ngoại vào ngày 5 tháng 5 năm 2023, họ tiếp tục theo dõi các hoạt động hàng ngày của bà và không cho phép bà ra ngoài mà không có giám sát. Bà nhanh chóng quay về nhà riêng ở Bành Châu. Do liên tục bị sách nhiễu, bà buộc phải sống xa nhà, để rồi bị bắt lại vài tháng sau đó.
II. Nỗ lực bịt miệng những người lên tiếng đòi công lý
Như đã đề cập ở trên, các học viên Pháp Luân Công thường phải đối mặt với sự trả thù vì phơi bày những trải nghiệm về việc bức hại của họ. Một ví dụ là cô Tạ Hiểu Đình, một sinh viên đại học tại cơ sở Trung Sơn thuộc Đại học Dược Quảng Đông. Cô bị bắt vào ngày 9 tháng 1 năm nay vì gỡ xuống một tấm áp phích bôi nhọ Pháp Luân Công trên một bảng thông tin trong khuôn viên trường. Cảnh sát làm việc với ban lãnh đạo nhà trường để thẩm vấn cô và yêu cầu cô từ bỏ Pháp Luân Công, đe dọa đuổi học cô nếu không tuân theo. Sau khi cô được thả, chính quyền thường xuyên sách nhiễu cô.
Cô Tạ Hiểu Đình phát hiện mình bị nhân viên phòng quản lý ký túc xá và cảnh sát trong trường theo dõi khi cô đến nhà ăn và thư viện vào ngày 4 và 5 tháng 6 năm 2024. Sáng hôm sau, khi cô đang học trên lớp, cô bị triệu tập đến văn phòng tư vấn của trường, sau đó bị đưa đến đồn công an địa phương. Cảnh sát đưa ra bài viết trên Minh Huệ về việc bức hại trước đây của cô, và hỏi ai đã viết báo cáo. Cô nói ban đầu chính cảnh sát đã tùy tiện bắt giữ cô, vậy tại sao họ lại sợ cô phơi bày điều đó. Nhiều cảnh sát, ban lãnh đạo nhà trường và “chuyên gia tẩy não” thay phiên nhau nói chuyện với cô Tạ, vẫn cố gắng buộc cô viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Cô vẫn kiên định với đức tin của mình. Cảnh sát uy hiếp cô Tạ rằng nếu họ lại thấy các báo cáo trên trang Minh Huệ liệt kê họ là thủ phạm, họ sẽ bắt cô lần nữa.
Trong một trường hợp khác, bà Lưu Thông, cư dân thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh, bị nhắm đến vì tìm kiếm công lý cho chồng mình, ông Loan Trường Huy, một kỹ sư hàng hải cao cấp đang thụ án tù 4 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà đại diện cho chồng mình với tư cách là người bào chữa không phải luật sư trong phiên tòa xét xử ông, và cũng nỗ lực không biết mệt mỏi để kháng cáo sau khi ông bị kết án.
Sau khi đơn kháng cáo của ông bị bác bỏ, bà Lưu đệ đơn xin xem xét lại bản án oan sai của chồng. Trong khi chờ đợi kết quả, bà bị bắt vào ngày 12 tháng 7 năm 2024, sau khi cảnh sát lừa bà mở cửa bằng cách giả làm hàng xóm sống dưới nhà. Khi đột kích vào nhà bà, cảnh sát không chỉ lấy đi những vật phẩm liên quan đến Pháp Luân Công của bà, mà còn lấy đi các tài liệu pháp lý mà bà đã chuẩn bị cho hồ sơ của chồng mình. Bản thân bà hiện đang phải đối mặt với việc truy tố. Cha mẹ và chị gái của bà, hiện đang sống ở Nhật Bản, đang kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho bà.
III. “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể”
a) Sự thô bạo của cảnh sát trong quá trình bắt giữ
Vì “hủy hoại thân thể” là một trong ba chính sách bức hại, cảnh sát thường khoe khoang rằng nếu các học viên bị tra tấn đến chết, họ có thể chỉ cần báo cáo là tự sát. Kết quả, cảnh sát không ngần ngại sử dụng hình thức tra tấn để cố gắng buộc các học viên phải khuất phục sau khi bắt giữ họ.
Bà Hứa Thanh Diễm, 66 tuổi, cư dân thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ tùy tiện sau khi bị bắt vào ngày 13 tháng 4 năm 2024. Lính canh đưa bà đến bệnh viện để bức thực mỗi ngày. Hiện tại, bà gầy gò, đại tiểu tiện không tự chủ và bị liệt. Y tá trưởng phụ trách cảnh báo rằng bà không còn sống được bao lâu nữa.
Thay vì thả bà, cảnh sát cố gắng phẫu thuật cho bà để có thể giam giữ bà lâu hơn. Gia đình bà từ chối ký vào đơn đồng ý phẫu thuật. Cảnh sát thuê một trợ lý để chăm sóc bà trong bệnh viện. Trong khi đó, họ nộp hồ sơ của bà lên viện kiểm sát để tìm cách truy tố bà.
Một ngày sau khi bà Hứa bị bắt, cũng tại Cẩm Châu, bà Mạnh Xuân Anh bị bắt và đưa đến bệnh viện để khám sức khỏe đầu vào cho trại giam địa phương. Khi bà từ chối cung cấp mẫu nước tiểu, 3 nam cảnh sát kéo quần của bà xuống và đẩy bà xuống bệ bồn cầu, sau đó dùng ống thông để lấy mẫu nước tiểu của bà. Trong quá trình bắt giữ, cảnh sát đá bà rất mạnh, khiến phía trong đùi bên phải của bà bầm tím nghiêm trọng.
Tại thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, một bà cụ 71 tuổi báo cáo rằng bà bị 7 nam cảnh sát hành hung sau khi bị bắt vào ngày 21 tháng 5 năm 2024. Để thu thập mẫu máu, dấu vân tay, dấu bàn chân và thân nhiệt của bà Lý Mạnh Quân, 7 cảnh sát nắm lấy tay và chân bà và ấn ngón tay bà vào máy sinh trắc học. Cảnh sát mất vài giờ để thu thập mọi thứ họ cần. Họ cũng lấy 2 ống máu nhỏ của bà trái với ý muốn của bà.
Ngày 11 tháng 5 năm 2024, cảnh sát ở thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh đến cửa hàng in của ông Lan Thanh Trung ở thành phố Xích Phong, Nội Mông, sau khi phát hiện ông đã cung cấp tài liệu Pháp Luân Công cho một đôi vợ chồng ở thành phố Triều Dương, ông Hạ Hồng Quân và bà Phó Văn Huy. Cảnh sát lục soát cửa hàng của ông Lan, tịch thu 4 máy in, 2 máy tính, 320.000 Nhân dân tệ tiền mặt của ông Lan cũng như 120.000 Nhân dân tệ tiền mặt của ông Hạ và vợ ông. Khi 2 khách hàng đến trong thời gian đột kích, cảnh sát yêu cầu họ lăng mạ nhà sáng lập Pháp Luân Công. Hai người khách từ chối tuân theo và bị giam giữ trong vài giờ.
Vào buổi chiều, khi giải ông Lan đến Triều Dương (cách Xích Phong khoảng 100 dặm) cảnh sát đã trói tay ông. Một cảnh sát đánh vào đầu và mặt ông cho đến khi máu chảy ra từ miệng ông. Họ lau vết máu để che giấu việc hành hung. Khi ông Lan gọi điện cho gia đình vào buổi chiều, họ nhận thấy ông nói năng lắp bắp và khó khăn khi diễn đạt. Ông nói mình cảm thấy rất khó chịu, nhất là ở vùng đầu. Ông cũng mất một phần khả năng vận động tứ chi.
Cảnh sát không chỉ dùng tiền của ông Lan để trả tiền khám sức khỏe, mà còn trả phí đường cao tốc đến Triều Dương. Ông được chẩn đoán bị đột quỵ và huyết áp tâm thu là 195 mmHg (trong khi mức khỏe mạnh không quá 120 mmHg). Bác sỹ khám nghiệm vẫn tuyên bố ông đủ sức khỏe để giam giữ. Ông được đưa đến trại tạm giam thành phố Triều Dương, và đang phải đối mặt với việc truy tố.
b) Tước lương hưu, trợ cấp thu nhập thấp và cơ hội việc làm
Từ khi chế độ Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Cao Tiệp, một cựu giáo viên tiểu học 66 tuổi ở Trùng Khánh, từng bị bắt khoảng 10 lần vì đức tin của mình. Chồng của bà sợ bị liên luỵ nên đã ly dị bà. Con gái của họ phải cố gắng trang trải học phí đại học. Bố mẹ của bà Cao bị chính quyền sách nhiễu, và chết trong đau khổ.
Khi bà Cao được thả vào ngày 3 tháng 1 năm 2024 sau khi mãn hạn án tù lần 2, bà bị từ chối trợ cấp cho người thu nhập thấp, và cũng bị cảnh sát sách nhiễu liên tục khi cố gắng tìm những việc vặt để kiếm sống.
Đầu tháng 3 năm 2024, chỉ vài ngày sau khi bà bắt đầu làm việc chăm sóc cá nhân cho một giáo viên về hưu, chính quyền sách nhiễu bà Cao tại nhà của chủ. Bà đành phải nghỉ việc. Sau đó, bà tìm được việc chăm sóc cá nhân cho một gia đình ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, cách đó hơn 320km, nhưng lại bị sách nhiễu chỉ 2 tuần sau đó, và bị yêu cầu rời khỏi Thành Đô. Ngày 31 tháng 3 năm 2024, bà trở về nhà.
Giữa tháng 7 năm 2024, bà Cao tìm được một việc khác là giúp việc gia đình ở Trùng Khánh. Sau khi cảnh sát phát hiện, họ bắt đầu theo dõi bà.
Ngày 24 tháng 7 năm 2024, bà Cao bị cảnh sát bắt giữ ngay khi bà lấy tờ 20 Nhân dân tệ để trả tiền hàng của mình, và người cảnh sát theo dõi bà nhận thấy thông điệp về Pháp Luân Công được in trên tờ tiền. Hiện tại, không rõ tung tích của bà.
Bà Triệu Hiển Thường, 54 tuổi, cư dân thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, từng thụ án tại 2 trại lao động cưỡng bức, tổng cộng 5 năm (2000-2002 và 2004-2007) kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999. Cơ quan của bà, Trường Trung học Cơ sở Số 3 Quảng Hán, sa thải bà ngay sau khi bà bị bắt vào tháng 6 năm 2004. Họ cũng xóa hết thâm niên công tác để tính lương hưu trong tương lai của bà, về cơ bản khiến bà không có lương hưu.
Sau khi mãn hạn lao động cưỡng bức lần thứ 2 vào năm 2007, bà Triệu bắt đầu cuộc chiến khó khăn để quay lại làm việc và phục hồi thâm niên công tác. Sở giáo dục không chỉ từ chối những yêu cầu liên tục của bà, mà còn thu hồi giấy phép giáo viên của bà. Họ thậm chí còn báo cảnh sát khi bà xin quay lại làm việc vào năm 2022. Cảnh sát lắp đặt camera giám sát và bố trí người đi ô tô hoặc đi bộ để theo dõi bà, việc này vẫn tiếp diễn cho đến nay.
Ngày 16 tháng 1 năm 2024, bà Triệu gửi đơn lên Văn phòng Khiếu nại Thành phố Quảng Hán, sau đó là Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 9 tháng 5 năm 2024, yêu cầu trợ cấp cho người thu nhập thấp và trợ cấp hưu trí [vì bà sắp đủ 55 tuổi, độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ giáo viên ở Trung Quốc]. Đơn của bà được chuyển đến Chính quyền thị trấn Hướng Dương, và họ trả lời bằng văn bản cho bà vào ngày 3 tháng 7 năm 2024.
Văn bản trả lời của chính quyền viết: “Chúng tôi đã nhận được đơn thư của bà từ Văn phòng Chủ tịch, và phúc đáp những quan ngại của bà thông qua công văn này. Sau khi bà được trả tự do khỏi trại lao động, sở giáo dục đã nhiều lần làm việc với bà, cố gắng giúp bà thoát khỏi Pháp Luân Công. Bà đã từ chối sự giúp đỡ, và sở giáo dục đã tiến hành thu hồi giấy phép giáo viên của bà. Trước khi tái cơ cấu ủy ban khu phố địa phương, bà đã nộp đơn xin trợ cấp cho người thu nhập thấp lên trưởng ban đương thời Doãn Đại Hương. Giám đốc Doãn giải thích rằng bà cần phải viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối tuân thủ, do đó đã bị từ chối hưởng trợ cấp. Vì bà đã bị sa thải và thâm niên làm việc của bà bị xóa bỏ sau khi bà bị kết án lao động cưỡng bức, nên chúng tôi không thể xử lý đơn xin nghỉ hưu của bà. Vì bà vẫn chưa mất khả năng làm việc nên chúng tôi cũng không thể trợ cấp tàn tật cho bà.”
Không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công. Đáng lẽ ngay từ đầu bà Triệu không nên bị bắt lao động cưỡng bức, càng không bị đuổi việc và xóa bỏ thâm niên làm việc. Bây giờ, bà phải vật lộn để vượt qua khổ nạn này.
c) Các học viên trong cùng một gia đình bị bức hại; Người nhà không phải là học viên bị liên lụy
Sau khi Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc từ năm 1992, pháp môn này nhanh chóng truyền bá trên cả nước, với nhiều thành viên trong cùng một gia đình tu luyện. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, các thành viên trong những gia đình này thường cùng bị nhắm mục tiêu vì kiên định đức tin chung. Một số thành viên khác trong gia đình họ không tu luyện Pháp Luân Công cũng bị liên lụy.
Ông Ngụy Ứng Tân, 85 tuổi, là một nhà khoa học y khoa về hưu của Công ty Dược phẩm Bạch Vân Sơn ở thành phố Quảng Châu. Ông cũng từng là nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quản lý Trung Quốc. Trong hơn hai thập kỷ qua, cả ông cùng vợ, bà Vạn Mạnh Anh, nhiều lần bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công. Trước đây, ông từng bị kết án 4 năm tù sau khi bị bắt vào năm 2005, và bị tra tấn tàn bạo tại Nhà tù Dương Giang. Khi mẹ ông qua đời ở tuổi 97 vào năm 2008, ông không được phép gặp mẹ mình lần cuối. Con trai nhỏ của ông phải cố gắng để đương đầu với việc ông bị cầm tù, khiến anh mắc chứng trầm cảm lâm sàng.
Cặp vợ chồng già này lại bị sách nhiễu vào ngày 19 tháng 6 năm 2024, khi 4 cảnh sát gõ cửa nhà họ trong suốt 1 giờ. Ngay khi cảnh sát ập vào, một người bắt đầu quay video và chụp ảnh hai vợ chồng.
Khoảng 8 giờ tối, con gái của đôi vợ chồng này đến thăm, và thuật lại cho họ việc cảnh sát đến nhà cô trước khi sách nhiễu họ. Họ yêu cầu con trai cô dẫn họ về nhà ông bà ngoại. Cậu thiếu niên vô cùng sợ hãi và gọi cho cha mình, và ông cảnh báo cảnh sát qua điện thoại rằng ông sẽ kiện họ nếu có chuyện gì xảy ra với cậu bé.
Sau đó, con gái của họ cho biết anh trai cô sẽ đến đón họ trong chốc lát vì cảnh sát cũng gọi điện cho con trai lớn của hai ông bà cụ, yêu cầu anh đưa cha mẹ mình đến đồn công an trước 9 giờ tối. Ông Ngụy lập tức nhắn tin cho con trai, yêu cầu anh không tuân lệnh cảnh sát, vì ông bà không vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng theo hiến pháp. Ông Ngụy khuyên con trai trả lời cảnh sát là ông nói như thế nếu họ gọi lại. Con trai của ông Ngụy làm theo lời khuyên của ông, để rồi nhận được một cuộc gọi khác từ cảnh sát vào hôm sau, một lần nữa thúc giục anh đưa bố mẹ đến đồn công an. Ông Ngụy cố gắng tự mình liên lạc với cảnh sát, nhưng vô ích.
Ngày 16 tháng 7 năm 2024, con gái và con rể của ông Ngụy đến thăm ông và cho biết cảnh sát lại sách nhiễu họ vào hơn 10 giờ tối hôm trước. Cảnh sát đe dọa gây ảnh hưởng đến công việc của họ cũng như việc học đại học trong tương lai của con trai họ nếu họ từ chối hợp tác để thuyết phục vợ chồng ông Ngụy từ bỏ Pháp Luân Công.
Ngày 19 tháng 4 năm 2024, một cặp vợ chồng khác ở thành phố Hưng Ninh, tỉnh Quảng Đông là ông Lý Trác Hưng và bà Liêu Uyển Quần bị bắt giữ. Cảnh sát cưa bỏ một bên cánh cửa, thay ổ khóa ban đầu và niêm phong cửa trước. Một thời gian dài sau vụ bắt giữ, cảnh sát liên tục quay lại để lục soát nơi này. Cảnh sát cũng từ chối cho gia đình chuyển quần áo cho họ và đến thăm họ.
Hai vợ chồng ông Lý chỉ có một cô con gái vừa với tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Trong hơn 25 năm qua, cô đã chứng kiến nhiều vụ bắt giữ của cha mẹ và lớn lên trong sự sợ hãi. Cô phải ở với họ hàng khi cả cha và mẹ đều bị giam giữ. Sau vụ bắt giữ lần này của hai vợ chồng, cảnh sát liên tục tạo áp lực cho người thân để họ cung cấp số điện thoại của cô gái trẻ. Sau đó, họ gọi cho cô và hỏi liệu cha mẹ cô có liên lạc với các học viên khác hay thậm chí còn hỏi cô có bạn trai hay không. Cô sợ hãi và sụt cân nhanh chóng.
Ông Lý đang lâm bệnh nặng và hiện đang bị biệt giam trong một bệnh viện. Ông bị cưỡng bức dùng thuốc điều trị bệnh lao và tiểu đường ba lần một ngày.
d) Bị giám sát và sách nhiễu liên tục sau 15 năm bị giam giữ
Bà Hoàng Chính Lan, 61 tuổi, cư dân Trùng Khánh, liên tục bị giám sát và sách nhiễu từ sau khi mãn hạn án tù thứ ba vào tháng 7 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công.
Tháng 7 năm 2023, ngay sau khi bà Hoàng ra tù, ủy ban dân phố địa phương lắp 2 camera giám sát hướng về phía cửa nhà bà. Lưu Ất của ủy ban dân phố cũng nhiều lần dẫn cảnh sát đến nhà bà để sách nhiễu bà.
Ngày 9 tháng 4 năm 2024, tòa án địa phương trích khoảng 5.000 Nhân dân tệ từ tài khoản ngân hàng của bà Hoàng để bù vào số tiền phạt mà bà phải chịu khi bị kết án tù lần thứ ba sau khi bị bắt vào tháng 12 năm 2020. Khoản tiền này là khoản trợ cấp tích lũy trong 4 năm qua dành cho những bậc cha mẹ chỉ có một con. Vì lý do này, bà Hoàng phải làm nhiều việc vặt để kiếm sống.
Ngày 20 tháng 7 năm 2024, khi bà Hoàng tham dự tang lễ của mẹ chồng cũ, các cán bộ thôn và một quản lý mạng lưới bám theo bà. Những người dự đám tang vô cùng phẫn nộ, và một người nói: “Những viên chức này chỉ biết hiếp đáp những người tốt!”
Cả ba kẻ giám sát bà Hoàng trở về nhà sau đám tang.
Báo cáo liên quan:
Báo cáo nửa đầu năm 2024: 2.714 học viên Pháp Luân Công bị bắt hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/10/482005.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/15/219965.html
Đăng ngày 27-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.