Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 04-02-2024] Lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mấy thập kỷ qua là một lịch sử đẫm máu với những thủ đoạn tàn bạo. Từ chiếm đoạt khu vực sản xuất tư nhân và tiêu diệt địa chủ trong Cải cách Ruộng đất (thập niên 1950), đàn áp giới trí thức trong Chiến dịch Chống Cánh hữu (cuối thập niên 1950), đến Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Thảm sát Thiên An Môn (1989), cuộc Bức hại Pháp Luân Công (từ năm 1999 đến nay), và các đợt phong tỏa vì Covid-19 theo kiểu quân sự, đã gây ra vô vàn bi kịch và nước mắt.
Nhưng vẫn còn nhiều người chưa nhận thức được thực trạng này, bởi họ đã bị ĐCSTQ tẩy não quá triệt để. Một số thanh niên thậm chí còn bênh vực cho các biện pháp hà khắc của chính quyền này. Những người này được gọi là “tiểu phấn hồng”, họ không biết ĐCSTQ, với bản chất tàn bạo, sớm muộn gì cũng sẽ diệt sạch tất cả mọi người – chỉ là vấn đề thời gian. Đọc những ví dụ về các học viên Pháp Luân Công bị ngược đãi dưới đây có thể giúp họ hiểu ra sự thật.
Chiều ngày 3 tháng 7 năm 2020, cụ ông Tôn Cúc Như, 88 tuổi, ở thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang đang ở nhà thì có hai người tự xưng là cảnh sát xông vào và nói rằng họ đến để lấy mẫu máu của ông. Khi ông Tôn hỏi lấy máu để làm gì, một viên cảnh sát trơ tráo trả lời: “Để bổ sung dinh dưỡng cho ông.”
Từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, hệ thống hành pháp nước này đã bị lạm dụng để bức hại các học viên vô tội. Dưới đây là một số ví dụ nữa về những hành vi mang tính côn đồ như vậy của các viên chức ĐCSTQ đối với các học viên như ông Tôn, do trang web Minh Huệ tiếng Trung (Minghui.org) thu thập trong 5 năm qua.
1. Những ngôn từ lưu manh trong các vụ bạo lực
“Chúng tôi có thể bắt giữ và đánh đập ông bất cứ lúc nào!”
Ông Đặng Truyền Cửu, một học viên ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị kết án bốn năm vào năm 2017. Tuy nhiên, khi ông mãn hạn tù, các đặc vụ từ Phòng 610 Bành Châu đã bắt ông tại nhà tù để tiếp tục giam giữ thay vì thả ông ra.
Liêu Hiểu Huy, Phó Thị trưởng thị trấn Cát Tiên Sơn, nơi ông Đặng sinh sống, đã đánh ông ở nơi công cộng. Liêu nói: “Tôi biết nói đạo lý sẽ không thắng nổi ông, vậy tôi sẽ đánh ông. Xem ông còn không chịu ký không [tuyên bố từ bỏ tu luyện]!” Tuy nhiên, ông Đặng đã kiên quyết không ký.
Khoảng một tháng sau, ông Đặng được thả. Tối ngày 22 tháng 11, Liêu và ba cảnh sát khác lại đến nhà bắt ông. Họ đánh đập dã man khiến ông bầm tím khắp người. Trong khi cảnh sát lục soát nhà ông, Liêu nói trước mặt người nhà ông: “Hôm nay mới là bắt đầu thôi. Chúng tôi có thể bắt giữ, đánh đập ông bất cứ lúc nào!“
Cảnh sát: “Tôi là kẻ biến thái thích đánh người đấy!”
Cô Vương Quyên là một học viên ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Khi rời nhà vào lúc 6 giờ sáng ngày 28 tháng 2 năm 2022, cô bị bắt và đưa đến Đồn Công an Đường Văn Nghệ và bị đánh đập dã man. Cô hỏi: “Tôi là một công dân tốt. Tại sao các anh lại nhốt tôi dưới tầng hầm và đánh đập tôi?”
Một cảnh sát đã xưng tên giả và nói: “Tôi từ chức rồi, hôm nay là ngày cuối cùng của tôi. Tôi là kẻ biến thái thích đánh người đấy!” Mấy cảnh sát khác nói xen vào, ra lệnh cho cô từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công; nếu không, họ sẽ tống cô vào tù.
Cảnh sát còn cưỡng chế cô Vương khám sức khỏe và tiếp tục đánh đập cô trong suốt quá trình gọi là kiểm tra sức khỏe đó. 15 ngày sau đó, cô Vương được về nhà, nhưng liên tục bị cán bộ đăng ký hộ khẩu địa phương theo dõi.
Cảnh sát: “Thích đánh chết thì đánh thôi.”
Ông Trần Tái Sơn, một học viên đã ngoài 80 tuổi ở thành phố Hải Dương, tỉnh Sơn Đông. Ông bị bắt vào ngày 9 tháng 11 năm 2018 khi đang làm việc ngoài đồng.
Tại Đồn Công an Khu Phát triển, một cảnh sát đã đánh ông Trần dã man. Khi ông Trần hỏi tại sao anh ta lại đánh đập một ông già vô tội dã man như vậy, anh ta nói: “Vì ông là học viên Pháp Luân Công. Thích đánh chết thì đánh thôi, tôi cũng chẳng làm sao.” Sau đó, ông Trần đã được thả ra.
Các tù nhân: “Đánh cho ông tàn phế, chữa trị xong, lại đánh cho ông tàn phế tiếp.”
Ông Ngô Hải Ba, 59 tuổi, ở tỉnh Quảng Đông, từng làm việc cho một công ty dược phẩm ở thành phố Trạm Giang. Ông bị Tòa án Hà Sơn kết án 5 năm tù tại Nhà tù Tứ Hội ở tỉnh Quảng Đông vào tháng 6 năm 2016.
Các lính canh và tù nhân đã tra tấn ông Ngô một cách không thương tiếc. Ông bị bắt ngồi xổm trong thời gian dài và bị cấm ngủ. Ông không được đi vệ sinh và phải chịu đựng sự sỉ nhục không ngừng. Một tù nhân bị lính canh xúi giục, nói: “Đánh cho ông tàn phế, chữa trị xong, lại đánh cho ông tàn phế tiếp.”
2. Đe dọa tính mạng kiểu côn đồ
Chính trị viên: “Cô chết đi cho rồi”
Cô Trương Lộ Thiền bắt đầu làm công việc dọn dẹp vệ sinh trên một cây cầu sông Hoàng Hà gần thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc vào tháng 10 năm 2020. Cảnh sát từ Phòng An ninh Nội địa quận Lan Châu Mới đã sách nhiễu cô tại nơi làm việc. Chính trị viên Vương Đạo Văn cho biết họ sẽ khiến cuộc sống của cô Trương “sống không bằng chết.”
Ngày 17 tháng 9 năm 2021, Vương đe dọa gây áp lực buộc quản lý của cô Trương sa thải cô và còn nói chỉ muốn đẩy cô Trương xuống cầu.
Hai ngày sau, Vương quay lại và nói với cô Trương: “Chiến dịch ‘Thành phố Văn minh’ đã kết thúc. Cô chết đi cho rồi.” Anh ta đe dọa sẽ đưa cô Trương đến một trung tâm tẩy não ở quận Lan Châu Mới.
Viên chức ĐCSTQ: “Nếu vài ngày tới cô biến mất, thì chúng tôi cũng đỡ phiền.”
Cô Vương Tú Hoa, một học viên ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, đã bị gọi đến chính quyền khu phố vào ngày 1 tháng 6 năm 2021. Một nhân viên họ Lục cho biết họ sẽ đưa cô đến một trung tâm tẩy não.
Cô Vương cho biết cô đang cố gắng trở thành một người tốt hơn bằng cách tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, và điều đó không có gì sai cả. Viên cảnh sát trở nên giận dữ và quát lên: “Cô không được hô ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.’ Nếu cô làm vậy, tôi sẽ bắt cô ngay lập tức!
Anh ta còn nói: “Nếu vài ngày tới cô biến mất, chúng tôi đỡ phiền, cô cũng đỡ phải nói nhiều thế này. Ở Trung Quốc cộng sản, nếu Đảng muốn ai đó “biến mất”, điều đó có nghĩa là người đó sẽ “biến mất không dấu vết. Điều này cũng nhất quán với chính sách của Phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ nhằm “hủy hoại thân thể [các học viên Pháp Luân Công]” khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999.
“Tôi sẽ đánh bà đến chết”
Bà Bành Khiết đã nghỉ hưu tại Nhà máy Cơ khí Giang Lộc ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Bà bị bắt và đưa đến Đồn Công an Vạn Lâu vào lúc 7 giờ sáng ngày 18 tháng 8 năm 2020. La Khải Cường cùng một người họ Tôn từ Phòng An ninh Nội địa đã thẩm vấn bà.
Vì bà Bành chỉ ra rằng cảnh sát đã sử dụng những lá thư về Pháp Luân Công từ các nguồn khác để bịa đặt bằng chứng chống lại bà, La trở nên tức giận và dọa sẽ đánh chết bà Bành. Anh ta và người họ Tôn ra lệnh cho bà ký vào những bức ảnh bịa đặt nhưng bà từ chối.
Trưởng đồn công an: “Tôi sẽ bắn chết cô”
Cô Lý Lị Hồng, giáo viên trung học ở thị trấn Ninh Hương, tỉnh Hồ Nam. Vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công, cô đã bị cảnh sát Đồn Công an Bạch Mã Kiều bắt vào ngày 23 tháng 7 năm 2021 và bị giam trong 7 ngày.
Trương Kiệt, trưởng đồn công an, nhiều lần dùng đầu ngón tay ấn vào trán cô Lý và nói lớn: “Tôi sẽ bắn chết cô.”
Cảnh sát: “Tôi sẽ đánh chết bà nếu bà còn đến đây lần nữa”
Bà Chu Thục Anh là một học viên ngoài 80 tuổi ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Ngày 14 tháng 11 năm 2021, bà và một học viên khác đã đến một khu chợ cộng đồng ở thành phố Bồng Lai để nói với mọi người về Pháp Luân Công. Một cảnh sát mặc thường phục đã bắt bà Chu và đưa bà đến Đồn Công an Nam Vương. Mặc dù cảnh sát không bắt giữ bà vì bà đã cao tuổi nhưng đe dọa sẽ đánh chết bà nếu bà còn đến đó lần nữa.
Cảnh sát: “Bất cứ ai tố Giang Trạch Dân sẽ bị bắt và bắn chết”
Trịnh Dũng, một cảnh sát ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, và các cảnh sát khác trong đó có nhân viên cộng đồng Lý Đan đã đến sách nhiễu một số học viên Pháp Luân Công vào ngày 18 tháng 7 năm 2019.
Các học viên bị nhắm đến bao gồm bà Dương Sỹ Anh, bà Dương Kế Phương, bà Hà Tuyết Lan và bà Vương Nhị Nương. Cảnh sát đã khám xét căn hộ của họ và chụp ảnh. Họ bóc những câu đối trên cửa phòng bà Dương và cảnh báo: “Bất cứ ai kiện Giang Trạch Dân sẽ bị bắt và bắn chết.”
Cảnh sát: “Lẽ ra chị nên chết từ lâu rồi”
Bà Vệ Đăng Huệ ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, nguyên là giảng viên tại Đại học Tập đoàn Hóa chất Tứ Xuyên. Ngày 19 tháng 8 năm 2022, bà bị triệu tập đến Đồn Công an Thủy Thành và bị Trần Phúc Cương từ Phòng Công an huyện Kim Đường thẩm vấn.
Bà Vệ từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào và nói Trần đang cố ép bà “thú tội.” Trần trả lời: “Tôi không còng tay là đã tử tế với chị lắm rồi. ĐCSTQ đối xử tốt thế với chị khi trả lương cho chị và kiểm soát được đại dịch. Vậy mà chị vẫn phản đối. Lẽ ra chị nên chết từ lâu rồi.”
3. Đe dọa làm thương thân thể kiểu lưu manh
“Tôi sẽ bẻ gãy ngón tay của các bà”
Ngoài hành hạ về thể xác và gây áp lực tinh thần, các viên chức của ĐCSTQ còn đe dọa các học viên bằng những lời khiến họ càng thêm tổn thương và đau đớn. Ngày 20 tháng 1 năm 2021, ba học viên ở huyện Bảo Định (bà Trương Thục Bình, ông Hạ Hồng Dân, và bà Ký Hương Lan) đã đến chợ nông sản ở thị trấn Lai Thủy để nói với mọi người sự thật về Pháp Luân Công.
Sau khi bắt giữ các học viên và đưa họ đến Đồn Công an Lai Thủy, cảnh sát bắt họ ngồi trên những chiếc ghế kim loại và thu thập dấu vân tay và dấu chân của họ. Một cảnh sát nói với bà Trương và bà Ký: “Nếu các bà không để cho chúng tôi lấy dấu vân tay, tôi sẽ bẻ gãy ngón tay của các bà.”
Bí thư Đảng ủy thôn: “Nếu bà còn dám luyện, tôi sẽ đưa bà vào nhà lạnh bảy ngày”
Bà Liêu Minh Hương là cư dân ở thị trấn Mông Dương, thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Dương Quỳnh Anh, phó bí thư Đảng ủy thôn Hán Vương nơi bà Liêu sinh sống, nói với bà: “Nếu bà còn dám luyện [Pháp Luân Công], tôi sẽ đưa bà vào nhà lạnh bảy ngày.”
“Nếu không ký vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, ông đừng nghĩ đến việc ra khỏi đây”
Ông Cẩu Gia Văn là một học viên ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Sáng ngày 15 tháng 9 năm 2023, thấy có người gõ cửa, ông Cẩu hỏi ai thì người này nói là La Tiểu Dũng ở ủy ban khu phố. Khi ông Cẩu vừa mở cửa thì có chín người xông vào.
Các cán bộ này đã yêu cầu ông Cẩu ký vào một bản tuyên bố. Một trong số họ nói: “Nếu ông không ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, ông đừng nghĩ đến việc ra khỏi đây. Còn nữa, chúng tôi sẽ đình chỉ lương hưu mà Cục An sinh Xã hội cấp cho ông.” Cùng lúc đó, mấy cán bộ giữ tay của ông Cẩu chấm vào hộp mực rồi ấn ngón tay của ông vào bản tuyên bố đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, họ nắm lấy tay ông và viết nguệch ngoạc vào bản tuyên bố.
Cảnh sát Phòng 610: “Chúng tôi sẽ truy tìm con trai bà đến cùng và không để cho anh ta yên”
Bà Dương Tùng Lệ là cư dân ở khu Giang Bắc, Trùng Khánh. Ngày 12 tháng 4 năm 2023, Trịnh Quốc Luân từ Phòng 610 Giang Bắc và bốn cảnh sát khác đã đến nhà bà để bắt con trai bà, anh Cao Dương, 39 tuổi. Khi thấy anh không có ở đó, Trịnh nói với bà Dương, 67 tuổi, rằng: “Bà già rồi, bà rèn luyện thân thể thì không có vấn đề gì. Nhưng con trai của bà, Cao Dương, còn trẻ, không được luyện. Chúng tôi sẽ truy tìm con trai bà đến cùng và không để cho anh ta yên.”
Cảnh sát: “Nếu bà theo Pháp Luân Công, thì bà là kẻ thù của tôi”
Bà Trần Khải Hoa sống ở thị trấn Trí Hòa, thành phố Bành Châu, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Vào ngày 2 tháng 8 năm 2022, có người đập cửa nhà bà. Bà mở cửa ra thì thấy đồn trưởng và các cảnh sát từ Đồn Công an Trí Hòa, cùng một người mặc áo choàng trắng và mấy người của ủy ban khu phố. Một nữ cảnh sát ra lệnh: “Mau khám xét nơi này!”
Bà Trần đã cố gắng khuyên các cảnh sát đừng tham gia vào cuộc bức hại, nhưng bà chưa kịp nói xong, nữ cảnh sát đã quát lên: “Nếu bà theo Pháp Luân Công, thì bà là kẻ thù của tôi. Tôi đại diện cho chính quyền và có thể khởi kiện bà.”
4. Bức hại tài chính
Trong những ngày đầu của cuộc bức hại, Giang Trạch Dân đã chỉ đạo cho Phòng 610 ngược đãi các học viên Pháp Luân Công bằng chính sách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể”. Dưới đây là một số ví dụ về các hình thức bức hại tài chính.
“Đừng hòng nghĩ đến chuyện lấy lại tiền”
Ông Triệu Bảo Lỗi sở hữu một doanh nghiệp ở thị trấn Đào Thôn, thành phố Tây Hà, tỉnh Sơn Đông. Năm 2017, khi ông đến thị trấn Miếu Hậu để phân phát tài liệu Pháp Luân Công, ông đã bị bắt và bị đưa vào một trại tạm giam. Cảnh sát đã tống tiền gia đình ông 20.000 nhân dân tệ để xin cho ông được bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử
Khi em gái của ông Triệu hỏi khi nào họ được trả lại số tiền 20.000 nhân dân tệ, trưởng Đồn Công an trả lời: “Đừng hòng nghĩ đến chuyện đó [lấy lại tiền].”
“Nộp 100.000 nhân dân tệ ra đây thì tôi sẽ thả bà ấy”
Bà Huyền Lập Phân là một học viên ở thành phố Thiên An, tỉnh Hà Bắc. Bà bị bắt vào ngày 18 tháng 10 năm 2021 và bị giam giữ.
Vì một người thân cao tuổi trong gia đình qua đời nên gia đình bà Phân một mực yêu cầu thả cho bà về chịu tang. Một cảnh sát nói: “Nộp 100.000 nhân dân tệ thì tôi sẽ thả bà ấy.” Gia đình đã phải hoãn tang lễ 12 ngày cho đến khi bà Phân mãn hạn tù.
Bị tống tiền 240.000 nhân dân tệ
Bà Lưu Quốc Hoa, một học viên ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt vào ngày 12 tháng 5 năm 2021. Cảnh sát từ Phòng Công an Tân Đô và Đồn Công an Trúc Hoa Viên gợi ý rằng gia đình nộp 240.000 nhân dân tệ thì sẽ thả bà.
Lưu Kiện, một cảnh sát khác từ Đồn Công an Quế Hồ, cũng yêu cầu gia đình phải nộp tiền, nhưng gia đình không làm theo. Bà Lưu đã bị kết án ba năm.
Bí thư thôn: “Chỉ cần một cú điện thoại thôi là các vị sẽ bị đuổi”
Bà Dương Thiện Dung là một học viên Pháp Luân Công ở thị trấn Mông Dương, thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Ba cán bộ thôn, gồm Cổ Tường Phi, Trần Thế Siêu, và Đường Tống đã sách nhiễu bà vào ngày 17 tháng 4 và ngày 12 tháng 9 năm 2021.
Họ ép con gái, con rể, và cháu gái của bà Dương phải thuyết phục bà Dương từ bỏ đức tin của mình. Trần đe dọa họ: “Nếu chúng tôi gọi điện đến trường học hoặc cơ quan của các vị, các vị sẽ bị đuổi học hoặc bị sa thải. Các vị tự quyết định xem mình nên làm gì.”
“Một cuộc điện thoại sẽ khiến anh thành người vô gia cư ngay”
Anh Quan Tự Bình là một học viên ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Cảnh sát từ quận Tây Cố và Đồn Công an Hà Khẩu Nam đã đưa anh đến một trung tâm tẩy não ở quận Tây Cố vào ngày 18 tháng 5 năm 2021.
Một số viên chức trong đó có bí thư quận ủy Tây Cố và một người được gọi là “chuyên gia tẩy não” đã thay phiên nhau phỉ báng Pháp Luân Công từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối. Một người nói: “Tôi chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là sẽ khiến anh mất việc, thêm một cuộc điện thoại nữa sẽ khiến anh thành người vô gia cư ngay. Làm gì có ai dám thuê hay cho anh thuê nhà nữa.” Họ còn đe dọa sẽ truy lùng cha mẹ, con cái của anh.
(Còn nữa)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/4/471797.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/6/214609.html
Đăng ngày 09-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.