Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-10-2020] Một giáo viên tiểu học 45 tuổi ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, đã bị kết án ba năm mười tháng với khoản tiền phạt 50.000 nhân dân tệ vào ngày 24 tháng 9 năm 2020, vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Bà Chu Tố Vinh đã đệ đơn kháng cáo bản án.
Bà Chu Tố Vinh
Vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, chồng của bà Chu bị bắt và cô con gái lớn của họ bị mất việc làm, đều vì tìm kiếm công lý cho bà.
Với việc bà Chu bị kết án sau đó 2 tháng đã giáng thêm một đòn nặng nề nữa vào gia đình bà. Cô con gái lớn vừa sinh con phải vất vả chăm sóc cậu con trai mới sinh vừa phải chăm sóc người em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học và bà nội cao tuổi.
Bị bắt sau khi tên trộm báo cáo bà với công an
Bà Chu đang giảng dạy trên lớp vào ngày 11 tháng 10 năm 2019, thì các công an đến sách nhiễu bà. Bà bị bắt tại nhà vào cuối ngày hôm đó và bị đưa đến Trại tạm giam thành phố Bảo Định.
Hóa ra một tên trộm trong làng đã lấy trộm xe đạp điện của bà đã báo công an sau khi tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong giỏ xe đạp. Thay vì bắt tên trộm, công an đã bắt bà Chu.
Vài ngày sau khi bà Chu bị bắt, hơn 300 người dân trong làng đã ký đơn thỉnh nguyện yêu cầu trả tự do cho người giáo viên rất được yêu mến này. Tuy nhiên công an vẫn tiếp tục tạm giữ bà và gửi hồ sơ của bà lên Viện kiểm sát.
Có lúc, cảnh sát đã hứa với bà Chu rằng họ sẽ thả bà ngay lập tức nếu bà ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng bà đã từ chối tuân thủ.
Bà Chu bị Tòa án Cao Dương đưa ra xét xử vào các ngày 12 tháng 5, ngày 19 tháng 6 và ngày 6 tháng 7 năm 2020, trước khi bị kết án.
Phiên xét xử đầu tiên
Trong phiên xét xử đầu tiên của bà Chu vào ngày 12 tháng 5, luật sư của bà đã chỉ ra rằng việc công an lục soát nhà của bà mà không có lệnh khám xét là bất hợp pháp và họ đã không cung cấp danh sách các vật dụng bị tịch thu theo yêu cầu của pháp luật. Trong lần khám xét nhà bà Chu lần thứ hai, công an đã trèo qua hàng rào và đột nhập vào bên trong.
Luật sư nói thêm rằng theo hồ sơ của công an về việc bắt giữ bà Chu và giấy tờ phê chuẩn việc bắt giữ, họ đã tịch thu 985 cuốn sách Pháp Luân Công và 133 tờ rơi từ nhà của bà. Tuy nhiên, trong danh sách tịch thu mà họ nộp và bản cáo trạng của bà Chu, ghi rằng chỉ có 977 cuốn sách Pháp Luân Công và 113 tờ rơi đã được lấy từ nhà của bà Chu.
Vì cả công an và công tố viên đều không giải thích được lý do cho sự khác biệt, luật sư cho biết không loại trừ khả năng một số bằng chứng là ngụy tạo.
Bà Chu cũng làm chứng rằng công an đã thẩm vấn bà và buộc bà phải thừa nhận đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Sau khi thẩm vấn, công an đã tắt camera giám sát và cưỡng chế lấy dấu vân tay của bà vào biên bản thẩm vấn.
Bí thư thôn Lý Văn Châu đã làm chứng chống lại bà Chu và nói rằng ông đã nghe một số người nói rằng bà Chu đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công tại các chợ địa phương. Nhưng khi được hỏi ai đã nói với ông ta điều đó, ông ta trả lời rằng đã lâu rồi và không thể nhớ được ai nói.
Công tố viên đã giữ im lặng trong phần lớn phiên xét xử.
Để đòi công lý cho bà Chu, gia đình bà đã đệ đơn khiếu nại viên công an Biên Kế Huy, người phụ trách vụ bắt giữ bà, cũng như công tố viên Hầu Chí Dũng, người đã kết tội bà phi pháp.
Phiên xét xử thứ hai
Phiên xét xử thứ hai của bà Chu diễn ra vào ngày 19 tháng 6 và kéo dài khoảng 2 giờ. Công tố viên đã đến muộn 20 phút và thẩm phán yêu cầu giải lao khoảng 45 phút, chỉ còn chưa đầy một giờ để nguyên đơn và bị đơn trình bày lập luận của họ.
Công an đã thêm một tài liệu vào trường hợp của bà Chu và nói rằng họ đã nhầm lẫn khi đếm số đồ bị tịch thu từ bà. “Xin tham khảo bản cáo trạng để biết con số chính xác,” một đại diện công an nói.
Trong phiên xét xử, bà Chu nói rằng bà không thể nghe được những gì công tố viên nói. Không có bằng chứng nào trong bản cáo trạng được đưa ra trước tòa.
Vào ngày 23 tháng 6, bốn ngày sau phiên xét xử thứ hai của bà Chu, công an đã đột nhập vào nhà bà và khám xét trước mặt cô con gái nhỏ của bà. Một tuần sau, vào ngày 1 tháng 7, trường mẫu giáo mà con gái lớn của bà Chu làm việc đã bị công an ép buộc phải sa thải cô. Cùng ngày hôm đó, công an đã bắt chồng của bà Chu và phạt ông 600 nhân dân tệ.
Phiên xét xử thứ ba
Trước phiên xét xử thứ ba của bà Chu vào ngày 6 tháng 7, luật sư của bà đã yêu cầu viên công an Biên Kế Huy ra đối chấp trước tòa. Tuy nhiên Biên không hề lộ diện.
Công an đưa ra một tài liệu khác nói rằng họ đã mắc lỗi đánh máy trong khi in danh sách tịch thu. Luật sư của bà Chu chỉ ra rằng việc công an tự ý thay đổi số lượng vật phẩm bị tịch thu mà không có sự xác minh của bên thứ ba là bất hợp pháp.
Cô con gái lớn của bà Chu, người cũng đang bào chữa cho bà trước tòa nói: “Làm sao công an có thể phạm sai lầm bất cẩn như vậy? Họ đếm sai hay đánh máy sai? Hoặc họ có thể đưa ra một con số theo cách họ muốn? Công an đã làm công việc này như thế nào? ”
Cô nói thêm rằng bất kể mẹ cô có bao nhiêu tài liệu Pháp Luân Công ở nhà, chúng đều là tài sản hợp pháp của mẹ cô và không thể được sử dụng như bằng chứng cáo buộc rằng bà đã vi phạm luật hay phá hoại việc thực thi pháp luật, đây là một cái cớ quy chuẩn được chính quyền Trung Quốc sử dụng để kết án các học viên Pháp Luân Công.
Vào ngày 27 tháng 9, chưa đầy 3 tháng sau phiên xét xử thứ ba của bà Chu, con gái lớn của bà đã nhận được phán quyết đối với bà. Cô nói rằng cô cảm thấy đau lòng khi mẹ mình bị kết án chỉ vì đức tin của mình, nhưng cô không có bất kỳ cách nào để đòi công lý cho bà.
Bài liên quan:
Giáo viên tiểu học bị xét xử vì kiên định đức tin của mình
Giáo viên tiểu học vẫn bị giam giữ trong dịp Tết vì đức tin của mình
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/15/413805.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/24/187950.html
Đăng ngày 03-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.