Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc
[MINH HUỆ 12-10-2020] Gần đây, một cư dân thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây bị kết án hai năm tù giam vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Tháng 7 năm 2019, ông Phạm Lộ Kiệt, 65 tuổi bị bắt và bị giam giữ tại Trại tạm giam Cửu Giang. Tại thời điểm viết bài, chi tiết về bản án gần đây của ông vẫn đang được điều tra.
Ông Phạm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 11 năm 1995. Hành xử theo nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn của Pháp Luân Công khiến ông có thể coi nhẹ lợi ích cá nhân. Khi nơi làm việc của ông tặng những căn hộ cho nhân viên, ông đã nhường căn hộ của mình cho một đồng nghiệp khác. Ông cũng tình nguyện nhận một dự án lớn là nối lại đường dây điện bên ngoài nhà kho của công ty và góp phần tiết kiệm được một số tiền lớn cho công ty.
Ngoài những cải biến về tâm tính, sức khỏe của ông cũng được cải thiện đáng kể. Nhiều bệnh của ông gồm có viêm tai giữa gây tổn thương nghiêm trọng cho màng nhĩ, vấn đề thị lực và chảy máu dạ dày của ông cũng được trị khỏi.
Sau khi chính quyền ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông nhiều lần bị bắt giữ và bị kết án lao động cưỡng bức ba lần vì kiên định đức tin của mình. Dưới áp lực vô cùng lớn, mẹ của ông đã qua đời vì quá đau khổ, vợ của ông cũng bị kinh hãi và sinh ra đau ốm.
Lần đầu ông Phạm bị bắt giữ vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, khi ông tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị giam giữ 17 ngày và được lệnh phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Tháng 9 năm 1999, ông quay lại Bắc Kinh một lần nữa để thỉnh nguyện, nhưng vài tuần sau ông lại bị bắt giữ. Sau khi giam giữ ông 5 ngày ở Bắc Kinh, họ chuyển ông về Cửu Giang và kết án ông một năm rưỡi lao động cưỡng bức.
Chỉ sáu tháng sau khi được trả tự do, ông bị bắt một lần nữa vào tháng 9 năm 2001. Cảnh sát lục soát nhà, tịch thu sách và những tài liệu Pháp Luân Công của ông. Ông bị gam giữ trong trại tạm giam Tam Lý Nhai ba tháng và lính canh đã bỏ đói ông. Lần này ông bị kết án ba năm hai tháng lao động cưỡng bức.
Tháng 6 năm 2008, ông Phạm bị bắt giữ một lần nữa, ông bị thẩm vấn hai lần vào tháng 9 và tháng 10. Bởi ông từ chối hợp tác với cảnh sát, nên họ lấy tay ghìm vào cổ ông và sử dụng thanh tre để đánh đập ông. Sau khi đánh đập, họ buộc ông phải đứng nhiều giờ đồng hồ. Cả hai lần thẩm vấn kéo dài 36 giờ. Trong suốt thời gian đó, họ không cho phép ông ăn hay ngủ. Sau đó ông bị kết án hai năm lao động cưỡng bức.
Tra tấn trong trại lao động
Trong cả 3 lần ông Phạm đều thụ án tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Gia Lũng (hiện đã đóng cửa). Lính canh luôn sắp xếp tù nhân giám sát ông cả khi ăn, ngủ và sử dụng nhà vệ sinh. Ông không được phép nói chuyện với bất kỳ học viên Pháp Luân Công nào khác bị giam giữ ở đó.
Trong lần thụ án đầu, ông Phạm bị cưỡng bức lao động tới nửa đêm. Lính canh luôn giao cho ông khối lượng công việc lớn khiến ông không thể hoàn thành và sử dụng điều đó làm lý do để tra tấn ông hàng ngày.
Một lần họ cưỡng bức ông cúi người xuống, ngón tay chạm vào bàn chân trong khi chân vẫn phải giữ thẳng trong nhiều giờ. Một lần khác, họ buộc ông quỳ xuống trước một bức tường, hai chân giang ra hết mức có thể. Sau đó họ cưỡng chế ông tựa phần thân trên vào tường. Trong khi hầu hết mọi người không thể chịu được sự tra tấn như vậy trong vài giây thì ông Phạm phải giữ tư thế đó trong hai giờ đồng hồ.
Lính canh không cho phép ông ngủ trên giường, mà buộc ông phải ngủ trên một tấm gỗ đặt dưới đất. Vì căn phòng bị thủng nên mỗi khi trời mưa nước sẽ chảy vào bên trong. Đôi khi nước động lại trong phòng cao bằng tấm gỗ mà ông đang nằm.
Do môi trường ẩm ướt, ông Phạm bị ghẻ khắp người. Nó rất đau và ngứa. Mủ chảy ra ở khắp mọi nơi. Khi ông ngồi một ngày lao động không lương, mủ ở mông sẽ chảy ướt hết quần và thấm vào ghế. Khi ông đứng dậy, một lớp da sẽ bị xé ra và khiến ông vô cùng đau đớn. Lính canh làm ngơ trước tình trạng của ông và vẫn cưỡng bức ông lao động nặng nhọc.
Sau đó mắt cá chân của ông bắt đầu có mủ và có một lỗ lớn trên mỗi mắt cá chân. Những vết thương rỉ máu hôi tanh và chân của ông cũng chuyển sang màu đen. Một lính canh họ Từ nói với ông: “Tôi không thể ăn một tuần sau khi nhìn thấy chân của ông.” Bác sỹ trại lao động cảnh báo rằng họ sẽ cưa chân của ông nếu việc điều trị kéo dài lâu hơn nữa.
Trong lần thụ án thứ hai, ông Phạm đã trình một tuyên bố trịnh trọng để rút lại tuyên bố mà ông bị buộc phải viết từ bỏ Pháp Luân Công trong lần thụ án trước đó. Lính canh rất tức giận và kéo dài thời gian thụ án của ông thêm ba tháng. Sau khi ông tuyệt thực để phản đối bức hại, họ liên tục bức thực ông gồm cả ngày cuối cùng của lần thụ án thứ ba.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/12/413693.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/23/187934.html
Đăng ngày 01-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.