Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 13-03-2023] Tổng cộng có 624 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin đã được báo cáo trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023.

Trong số 380 trường hợp học viên bị bắt giữ, 2 trường hợp ghi nhận vào năm 2021, 144 trường hợp ghi nhận vào năm 2022 và 234 trường hợp vào năm 2023. Trong số 244 trường hợp học viên bị sách nhiễu, 108 vụ xảy ra vào năm 2022 và 136 vụ xảy ra vào năm 2023. Do kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các vụ bức hại thường không thể luôn luôn được báo cáo kịp thời, cũng như không phải tất cả đều có sẵn thông tin.

Các trường hợp mới được ghi nhận phân bổ ở 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sơn Đông là tỉnh đứng đầu danh sách với tổng cộng 100 vụ bắt giữ và sách nhiễu, tiếp theo là Cát Lâm với 84 trường hợp, kế đến là Hắc Long Giang ghi nhận 69 trường hợp và Tứ Xuyên 68 trường hợp; 11 tỉnh khác cũng có số trường hợp ghi nhận ở mức hai con số và 11 khu vực có số vụ bắt giữ và sách nhiễu ở một con số.

109 học viên mục tiêu đã bị bắt hoặc bị sách nhiễu có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên, trong đó có 32 học viên ngoài 60, 51 học viên ngoài 70 tuổi, 25 học viên ngoài 80 tuổi và 1 học viên ngoài 90 tuổi.

Một học viên 85 tuổi đã bị kết án vào năm 2022 sau khi thẩm phán tùy tiện sửa tuổi của bà (từ 84 xuống 75) đã lại bị bắt giữ vào ngày 8 tháng 2 năm 2023. Bà đã tuyệt thực để phản kháng và hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Một cựu nhân viên kiểu mẫu 86 tuổi, vợ và con gái của ông đã liên tục bị sách nhiễu trong vài tháng qua. Đợt sách nhiễu gần đây nhất là sự tiếp diễn dai dẳng của cuộc bức hại mà gia đình ông đã phải chịu đựng, tổng cộng thời hạn ngồi tù oan sai của của họ là 31,5 năm.

Các học viên bị nhắm đến bao gồm một số chủ doanh nghiệp nhỏ, trong đó có một chủ nhà máy dệt và một chủ cửa hàng thủy tinh. Ngoài ra còn có một cựu giảng viên đại học, đã từng bị cầm tù 14 năm và mất chồng lẫn con trai trong cuộc bức hại.

Sau khi các học viên bị bắt giữ, cảnh sát đã đe dọa và nói ra những lời đại loại như: “Tôi sẽ tra tấn bà đến chết và chôn bà ở đây” và “Chúng tôi không cần cơ sở pháp lý để sách nhiễu các vị!”

Một số hoạt động sách nhiễu đã diễn ra trước kỳ họp “Lưỡng Hội” của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại) thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khai mạc lần lượt vào ngày 4 và ngày 5 tháng 3, kéo dài trong hai tuần.

Cảnh sát ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên khai mào việc sách nhiễu các học viên địa phương kể từ cuối tháng 2. Họ chụp ảnh các học viên để chứng minh đã hoàn thành nhiệm vụ “thăm hỏi” của mình. Cảnh sát cũng đe dọa các học viên không được đi ra ngoài hoặc nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công trong các kỳ họp của ĐCSTQ.

Dưới đây là tóm lược một số trường hợp bức hại trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023.

Lời đe dọa bất lương từ cảnh sát

Cảnh sát trưởng tra tấn và đe dọa một cụ bà vì tín ngưỡng của cụ

Bà Hàn sống ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh trong mấy năm qua để giúp chăm sóc cháu trai của bà. Trong thời gian rảnh, bà đi ra ngoài để nói với mọi người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ngày 29 tháng 1 năm 2023, trong khi bà nói chuyện với một người phụ nữ trẻ, người đó đã bí mật ghi âm lại và báo bà với cảnh sát. Cảnh sát đã nhanh chóng bắt giữ bà Hàn ở bên ngoài siêu thị và đưa bà đến đồn công an.

Cảnh sát trưởng họ Mã đã phun nước cay lên hai mắt, mặt và đầu bà Hàn. Bà cảm thấy da đầu và mặt bà đang bị bỏng và không thể mở được mắt. Mã cũng còng tay bà.

Ngay khi nghe tin vụ bắt giữ, con trai bà đã đi đến đồn công an vào buổi chiều để tìm cách để bà được phóng thích. Cảnh sát buộc tội bà là không hợp tác với họ. Họ nói là chỉ khi bà thừa nhận lỗi và từ bỏ Pháp Luân Công thì họ mới phóng thích bà. Bà đã từ chối tuân theo.

Cảnh sát trưởng Mã lại phun nước cay lên người bà Hàn vào buổi chiều và đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Khi ở trong xe ô-tô cảnh sát, Mã đã giẫm chân lên đầu, cổ và lưng bà. Do bà bị huyết áp cao và nhịp tim nhanh, Trại tạm giam địa phương đã từ chối tiếp nhận bà.

Trước khi cảnh sát ép trại tạm giam nhận bà Hàn vào ngày 31 tháng 1, bà đã bị phun nước cay 4 lần. Huyết áp của bà cũng đã tăng lên đến mức nguy hiểm.

trại tạm giam đã dùng vũ lực để chụp ảnh bà Hàn và lấy dấu vân tay của bà vào ngày 1 tháng 2. Bà đã không thể trở mình trong khi ngủ do bị đau nghiêm trọng ở vùng cổ và lưng. Bà cũng cần có người giúp mỗi khi ngồi dậy.

Ngày 2 tháng 2, bà Hàn bị chảy máu nhiều ở mũi và cảm thấy buồn nôn, váng đầu. Huyết áp của bà vẫn tiếp tục tăng cao. Khi Mã đến đó để kiểm tra tình trạng của bà, ông ta đã tát bà vào phía sau của đầu bà. Ông ta cũng đe dọa bà sau khi đưa bà đến bệnh viện: “Tôi sẽ tra tấn bà đến chết và chôn bà ở đây”.

Sau đó cảnh sát gọi điện cho gia đình bà Hàn. Chồng và con trai bà đã rất phẫn nộ khi biết về tình trạng sức khỏe của bà. Chồng bà hỏi Mã: “Ai cho anh quyền đánh người? Bản thân anh đang vi phạm luật pháp đấy!”

Bà Hàn bị đau dữ dội ở lưng và bị trướng bụng. Sau khi kiểm tra, cảnh sát đã khiêng bà và đưa bà trở lại trại tạm giam. Chồng bà cố gắng ngăn họ lại, nhưng cảnh sát tuyên bố bà vẫn chưa hết hạn tạm giam.

Sau khi quay trở lại trại tạm giam, lính canh đã từ chối tiếp nhận bà Hàn. Mã đã phải đưa bà trở lại bệnh viện, và ở đó được phát hiện ra là bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Chỉ lúc này cảnh sát mới đồng ý cho bà được bảo lãnh tại ngoại.

Ở bên ngoài bệnh viện, cảnh sát đe dọa con trai của bà Hàn rằng bố của anh đã sỉ nhục họ và rằng họ sẽ bắt ông nếu ông làm như thế một lần nữa. Con trai bà Hàn đã phản bác: “Mẹ tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh khi bà bị bắt. Bây giờ bà ấy gần như đã bị liệt. Nếu điều này xảy ra với mẹ các anh thì các anh sẽ cảm thấy như thế nào?” Ngay sau đó con trai bà đưa bà về nhà.

Cảnh sát tỉnh Hồ Bắc: “Chúng tôi không cần cơ sở pháp lý để sách nhiễu các vị”

Trong khi sách nhiễu hai vợ chồng ở thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc vì tín ngưỡng của họ vào Pháp Luân Công, cảnh sát đã phỉ báng môn tu luyện cổ xưa này và tuyên bố họ không cần bất cứ cơ sở pháp lý nào cho việc bức hại đó.

Bà Khương Hồng Diễm nhận được một cuộc gọi là Đồng Xuân Lâm, trưởng hội liên hiệp phụ nữ xã vào ngày 21 tháng 2 năm 2023, hỏi rằng bà có ở nhà không. Không lâu sau cuộc gọi, Đông dẫn 4 người, bao gồm trợ lý của cô ta, 2 cảnh sát và một quan chức chính quyền xã đến nhà bà Khương.

Một cảnh sát cao to nói rằng anh ta đến từ Đồn Công an Vạn Hà và rằng họ của anh ta là Trần. Anh ta nói thêm rằng bà Khương không có quyền hỏi thông tin cá nhân của anh ta. Bà Khương sau đó đã xác định được rằng tên anh ta là Trần Binh Dương.

Cảnh sát kia và quan chức chính quyền nói rằng họ có cùng họ là Vương nhưng không cho biết thêm thông tin về họ.

Trần tiếp tục bôi nhọ Pháp Luân Công và nhấn mạnh rằng bởi vì họ sống ở Trung Quốc nên họ phải tuân theo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Lưu hỏi Trần: “Cơ sở pháp lý nào cho phép anh đến nhà tôi?”

“Cơ sở pháp lý ư? Chúng tôi không cần bất cứ cơ sở pháp lý nào cả!” Trần ngông cuồng nói.

Sau khi cảnh sát rời đi, hai vợ chồng hỏi Đông lý do cảnh sát sách nhiễu họ. Đông đáp lại rằng cảnh sát chỉ đề nghị cô ta đưa họ đi tìm hai vợ chồng. Họ là cấp trên của cô ta và không có cách nào để họ nói cho cô ta bất cứ điều gì khác hay để cô thách thức lệnh của họ.

Cảnh sát đe dọa kết án một phụ nữ từ 3 tới 5 năm tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công

Cảnh sát ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh đã đe dọa kết án một cư dân địa phương từ 3 tới 5 năm tù sau khi bắt giữ bà vì nói với mọi người về Pháp Luân Công.

Bà Lưu Phẩm Đồng (52 tuổi) bị bắt giữ vào ngày 3 tháng 2 năm 2023 (chỉ 3 năm sau khi bà mãn hạn án tù 8 năm trước đó). Ban đầu, cảnh sát giam bà 15 ngày ở trong trại tạm giam Nam Câu. Đến ngày 8 tháng 2, họ cưỡng chế gia đình bà dẫn họ tới nhà bà để lục soát.

Ngày 14 tháng 2, gia đình bà Lưu đã gọi điện cho Tiêu Thần, phó đội trưởng Đội An ninh Nội địa quận Thuận Thành, để hỏi về vụ án của bà. Tiêu nói rằng do trước đó bà Lưu từng bị bắt vào tháng 5 năm 2022 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công và nói với mọi người về Pháp Luân Công, nên họ đang dự định kết án bà từ 3 đến 5 năm tù.

Khi thời hạn tạm giam hành chính 15 ngày của bà Lưu kết thúc, Tiêu lại ra quyết định giam giữ hình sự bà và chuyển bà tới trại tạm giam Lưu Sơn.

Vụ bắt giữ trước đây của bà Lưu xảy ra vào ngày 3 tháng 3 năm 2012, cũng vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cảnh sát đã ép con bà ký tên vào các giấy tờ trong hồ sơ vụ án mà họ ngụy tạo thay cho bà. Bà bị kết án 8 năm và suýt chết vì suy thận do bị tra tấn trong tù.

Bắt giữ theo nhóm

Bốn cư dân Hồ Bắc bị bắt vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công, một người trong số họ bị cảnh sát đánh đập

Bốn học viên Pháp Luân Công ở thành phố Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc, bao gồm bà Nhan Thanh Nga, bà Đào Tế Ái (69 tuổi), bà Tào Quế Vinh khoảng (ngoài 60 tuổi) và ông Hác, đều bị bắt vào ngày 31 tháng 1 năm 2023, sau khi bị báo cảnh sát vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Trong khi thẩm vấn bốn học viên, một cảnh sát cao lớn không những đánh đập bà Đào mà còn vặn cánh tay bà, thậm chí đập mạnh bàn tay bà xuống bàn khiến bàn tay bà sưng vù và bầm tím. Viên cảnh sát này cũng đập đầu bà vào tường, khiến bà hoa mắt choáng váng. Bà Đào và các học viên khác bị cưỡng chế ấn dấu vân tay lên các biên bản.

Cảnh sát lục soát nhà của cả bốn học viên và tịch thu kinh sách Pháp Luân Công. Cảnh sát còn sách nhiễu bà Nhan vài lần nữa sau khi bà được thả vào cùng ngày.

Sau 17 ngày bị giam trong trại tạm giam thành phố Ma Thành, vào ngày 17 tháng 2 năm 2023, bà Đào được trả tự do. Trong khi đó, ông Hác vẫn đang bị giam giữ trong trại tạm giam này, còn bà Tào đã bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Hoàng Cương.

Bốn cư dân Cát Lâm đã bị tạm giam 1 tháng, 3 người trong số họ đang gặp vấn đề về sức khỏe

Bốn cư dân thành phố Công Chủ Lĩnh, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt giữ vào ngày 6 tháng 2 năm 2023 vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Sau một thời gian bị giam giữ, ba người trong số họ đã xuất hiện các vấn đề sức khỏe khác nhau, nhưng cảnh sát vẫn từ chối thả họ.

Ông Loan Đức Vũ, bà Vương Lệ, bà Lưu Quế Kiệt và ông Trương Thiên đã bị cảnh sát của Đồn Công an thị trấn Song Long bắt giữ vào ngày 6 tháng 2 và bị giam giữ hành chính 13 ngày ở trong trại tạm giam thành phố Công Chủ Lĩnh.

Hai ngày sau, cảnh sát thông báo cho gia đình bà Lưu về vụ bắt giữ, nhưng không cho phép người nhà vào thăm bà, bất chấp sự yêu cầu mạnh mẽ từ phía gia đình.

Ngày 10 tháng 2, gia đình bà Lưu phát hiện một tủ quần áo đã bị lục lọi và máy tính của bà đã bị mất. Con gái bà, cô Lý Tĩnh, đã trình báo vụ việc này với cảnh sát, cho rằng một số cảnh sát đã lục lọi nhà của họ. Không lâu sau đó, một số cảnh sát mặc thường phục đã xuất hiện và lôi cô Lý vào xe cảnh sát. Họ đánh vào đầu cô khi cô kháng cự việc bị đẩy vào trong xe.

Tại Đồn Công an thị trấn Đại Lĩnh, cảnh sát đã trả hỏi cô Lý là bản thân cô có luyện Pháp Luân Công hay không và bố mẹ cô đã luyện được bao lâu rồi. Cảnh sát cũng tịch thu 2 chiếc điện thoại di động mà cô dùng cho công việc của mình và kiểm tra lịch sử cuộc gọi của cô. Họ mang xe ô tô của cô đến đồn công an. Sau đó tiếp tục hỏi cung và đe dọa cô trước khi cho cô trở về nhà. Không rõ là họ đã trả lại xe ô tô cho cô Lý hay chưa.

Trong trại tạm giam địa phương, bà Lưu có triệu chứng huyết áp cao ở mức nguy hiểm và nhịp tim bất thường và phải nhập viện. Ông Trương cũng bị đưa đến bệnh viện sau khi tuyệt thực kháng nghị trong 6 ngày.

Một cảnh sát từ Đồn Công an Thị trấn Song Long đã liên hệ với gia đình bà Lưu vào ngày 11 tháng 2, thông báo họ dự định thả bà. Tuy nhiên vào sáng hôm sau, khi gia đình bà vội đến bệnh viện, cảnh sát lại thay đổi ý định. Họ nói mình không phụ trách trường hợp của bà và bảo gia đình đến Đội An ninh Nội địa thành phố Công Chủ Lĩnh nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vụ việc của bà.

Ngày 19 tháng 2, trại tạm giam gọi điện cho gia đình của 4 học viên và bảo họ đến đón người thân về vào 8 giờ 30 sáng hôm sau. Tuy nhiên, trước khi gia đình của các học viên kịp đến, cảnh sát đã đến vào sáng sớm và đưa ông Loan và bà Vương đến bệnh viện nơi ông Trương và bà Lưu đang điều trị để khám sức khỏe. Cảnh sát cũng ra lệnh cho bệnh viện để ông Trương và bà Lưu xuất viện vào cùng ngày hôm đó.

Cả 4 học viên đều bị đưa đến trại tạm giam thành phố Cửu Đài vào buổi tối để giam giữ hình sự. Bởi bà Lưu, ông Trương và bà Vương đều đã bị từ chối tiếp nhận do sức khỏe yếu nên cảnh sát đã phải đưa họ trở lại Công Chủ Lĩnh.

Cảnh sát đưa các học viên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe một lần nữa vào ngày 21 tháng 2, trước khi gây sức ép khiến trại tạm giam Cửu Đài phải tiếp nhận họ để cách ly ngắn ngày.

Bà Lưu, ông Trương và bà Vương hiện đang bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Công Chủ Lĩnh. Hiện chưa rõ ông Loan đang ở đâu.

Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm: 17 học viên Pháp Luân Công và người thân bị bắt trong một ngày

Cảnh sát ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bắt giữ 17 học viên Pháp Luân Công cùng người nhà của họ. Hầu hết học viên đều bị lục soát nhà và bị tịch thu sách và tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Cảnh sát còn trực sẵn tại nhà của một số học viên để bắt giữ thêm học viên khác nếu họ ghé tới.

Một người trong cuộc tiết lộ, đợt bắt giữ này của cảnh sát được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL) Trường Xuân, Phòng 610 và Đội An ninh Nội địa quận Nhị Đạo. Cảnh sát âm thầm theo dõi hầu hết các học viên này trong nhiều tháng trước khi bị bắt giữ. Thậm chí cảnh sát còn lắp đặt các camera giám sát ở phía ngoài nhà của ông Lục Kim Hoa để theo dõi các hoạt động hàng ngày của ông cũng như các học viên mà ông tiếp xúc.

Ông Vương Khải Học bị bắt trong lúc đang gặp bà Lưu Hiểu Hoa. Khi con trai của ông Vương (không tu luyện Pháp Luân Công) đến nhà bà Lưu vào buổi chiều để tìm cha mình, anh ấy cũng bị bắt cùng với họ. Người thanh niên trẻ tuổi này đã sớm được thả, nhưng cha của anh đã bị giam 10 ngày ở trong trại tạm giam Vi Tử Câu.

Bốn cảnh sát ập vào nhà bà Trương Xuân Khiết và bắt giữ bà và chồng bà. Cảnh sát tịch thu hơn 40 cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp, một bức ảnh của Nhà sáng lập pháp môn, tài liệu thông tin và một máy nghe nhạc của họ. Sau đó chồng của bà Trương đã được trả tự do.

Buổi sáng hôm đó, khi chồng của bà Trương Xuân Lệ ra mở cửa, ông đã rất sốc khi thấy 7 cảnh sát đứng sẵn bên ngoài cửa nhà. Cảnh sát lập tức xông vào và lục soát nhà của họ. Bà Trương bị bắt và bị giam 10 ngày.

Bà Vương Mẫn bị bắt tại nơi làm việc và điện thoại di động của bà bị tịch thu. Một số học viên Pháp Luân Công cũng bị bắt tại cùng thời điểm.

Những học viên khác bị bắt cùng ngày hôm đó bao gồm bà Đường Hiểu Yến, mẹ và chị gái của bà, bà Đường Hiểu Hồng (không phải học viên), bà Triệu Quế Chi, (em gái của ông Lục Kim Hoa) bà Lưu, Trương, Liêm, và một nam học viên không rõ tên.

Bức hại học viên cao tuổi

Cụ bà 85 tuổi đã tuyệt thực 8 ngày để phản bức hại và bị cáo buộc phạm tội vì kiên định đức tin

Bà Thái Trạch Phương, một cư dân 85 tuổi ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên, đã mất tích sau khi đi ra ngoài vào ngày 8 tháng 2 năm 2023. Sau khi bà Thái tuyệt thực để phản đối sự bắt giữ tùy tiện vào ngày 18 tháng 2, bà đã bị đưa tới Bệnh viện Nhân dân Số 2 thành phố Nam Sung. Cảnh sát vẫn xích bà trên giường và bức thực bà. Có hai cảnh sát trong phòng giám sát bà cả ngày lẫn đêm.

Hơn 2 năm qua, bà Thái đã thường xuyên trở thành mục tiêu của chính quyền vì kiên định đức tin. Sau vụ bắt giữ vào ngày 29 tháng 1 năm 2021 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công, cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của bà tới viện kiểm sát và tiếp tục sách nhiễu bà.

Ngày 8 tháng 11 năm 2021, viện kiểm sát thông báo tới bà Thái rằng bà đã bị khởi tố. Bà bị xét xử và ngày 3 tháng 1 năm 2022 và bị buộc tội “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ quy chuẩn được chính quyền sử dụng để khép tội danh cho các học viên Pháp Luân Công. Lần bức hại mà bà đã trải qua trước đây được đưa vào làm bằng chứng để truy tố bà và bà bị cáo buộc là người tái phạm tội.

Ngày 9 tháng 2 năm 2022, thẩm phán Đán triệu tập bà Thái để công bố bản án 1,5 năm tù cùng với 3.000 nhân dân tệ tiền phạt. Khi bà Thái hỏi thẩm phán tại sao tuổi của bà lại bị thay đổi từ 84 xuống 75, thẩm phán trả lời rằng 75 tuổi cũng là 80 tuổi.

Bà Thái bị đưa tới trại tạm giam Thành phố Nam Sung vào cùng đêm. Khi lính canh từ chối tiếp nhận bà, cảnh sát đã đưa bà về nhà vào khoảng 3 giờ sáng.

Cảnh sát đã đưa bà Thái tới trại tạm giam lần nữa vào ngày 16 tháng 2. Do huyết áp của bà cao tới mức nguy hiểm (220/180mmHg), lính canh vẫn từ chối tiếp nhận bà và cảnh sát phải đưa bà về nhà.

Ngày 24 tháng 4, 3 cảnh sát kéo tới nhà bà Thái. Họ giữ tay của bà, kéo bà vào xe cảnh sát và đưa bà tới đồn công an. Bà bắt đầu tuyệt thực để phản đối sự bức hại và được tại ngoại vào khoảng 8 giờ tối. Cảnh sát yêu cầu bà báo cáo cho đồn công an của họ bất cứ khi nào được triệu tập.

Tòa án yêu cầu cảnh sát bắt giữ bà Thái lần nữa vào ngày 16 tháng 5. Họ đưa bà tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và sau đó đưa tới một cơ sở giam giữ không có biển tên ở cửa vào tối cùng ngày. Khi lính canh từ chối tiếp nhận bà, cảnh sát đã dành 1 tiếng đồng hồ để cố gắng thuyết phục họ nhận bà nhưng không có tác dụng. Họ phải đưa bà Thái về nhà vào nửa đêm.

Hiện chưa rõ cảnh sát có thi hành bản án gần đây nhất của bà Thái hay không.

Một cựu công nhân kiểu mẫu đặc cấp 86 tuổi và vợ bị sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công

Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông cụ Quách Đức Hữu, một cựu công nhân kiểu mẫu cấp đặc biệt ở Thiên Tân, cùng vợ và con gái đã nhiều lần trở thành mục tiêu của chính quyền. Tổng thời gian họ bị giam giữ lên tới 31,5 năm.

Chỉ vài tháng sau khi người con gái Quách Thành Như (58 tuổi) của họ được trả tự do sau khi thụ án 5 năm, cha mẹ già của bà lại bị sách nhiễu trong khi đang chăm sóc cho bà, người đã trở nên tiều tuỵ và rơi vào trạng thái tinh thần thất thường do bị cảnh sát tra tấn trong trong thời gian bị giam giữ.

Ngày 15 tháng 10 năm 2022, chỉ 2 tháng sau khi bà Quách được thả, cha của bà là ông cụ Quách (86 tuổi) và mẹ bà là bà cụ Hàn Ngọc Hà đã bị bắt khi đang đến thăm một học viên địa phương khác. Hơn 10 cảnh sát đã lục soát nhà của họ và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính và máy in của họ.

Ngày 5 tháng 12, cảnh sát sát lại xuất hiện tại nhà của cặp vợ chồng già cả này và ra lệnh đưa bà cụ Hàn đến Tòa án Quận Hà Tây. Bà cụ đến đó và bị xét xử vì đức tin của mình. Bà Hàn đã kiên quyết không thừa nhận sự bức hại này.

Ngày 14 tháng 12, cảnh sát lại đến và tuyên phạt hai vợ chồng mỗi người 1.000 nhân dân tệ vì tìm thấy các sách Pháp Luân Công tại nhà của họ vào hồi tháng 10, nhưng vợ chồng họ từ chối nộp khoản tiền phạt vô lý này.

Ngày 13 tháng 2 năm 2023, lại thêm 2 cảnh sát đến sách nhiễu vợ chồng ông Quách. Họ nói rằng ông Quách được tại ngoại với điều kiện là không được phép rời khỏi Thiên Tân nếu không có sự cho phép của họ. Cảnh sát cũng cảnh báo ông không được để những món đồ “bất hợp pháp” kia ở nhà.

Ông cụ Quách đã chất vấn cảnh sát những món đồ nào được coi là “bất hợp pháp”. Một cảnh sát trả lời “tà giáo”. Ông giải thích rõ rằng không có luật nào ở Trung Quốc quy định Pháp Luân Công là tà giáo. Cảnh sát cáo buộc ông không hợp tác với họ và đe dọa sẽ báo cáo ông ấy lên cấp trên.

Một người chủ nhà 75 tuổi bị mất khách thuê do cảnh sát sách nhiễu bà vì tín ngưỡng của bà

Trong một cuộc càn quét của cảnh sát đối với các học viên Pháp Luân Công địa phương ở thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam vào ngày 29 tháng 8 năm 2022, một người chủ nhà 75 tuổi đã bị sách nhiễu và nhà của bà đã bị lục soát. Một số khách thuê nhà của bà đã kinh hãi bởi cuộc vây bắt của cảnh sát và đã rời đi, và điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập cho thuê của bà.

Bà Lý Phát Tú đã nhận được một cuộc gọi từ một người phụ nữ vào ngày 29 tháng 8 năm 2022. Người đó hỏi bà có còn căn hộ nào cho thuê trong tòa nhà của bà không (cũng là nơi bà sinh sống). Bà nói là có và cả hai đều đồng ý gặp mặt ở bên ngoài tòa nhà. Một người đàn ông ngoài 40 tuổi đã đến cùng với người phụ nữ nhưng hai người đó trông không giống như hai vợ chồng.

Khi họ đang tiếp cận căn hộ của mà bà Lý đang ở, người đàn ông đó đã đột ngột dừng lại và nói với bà Lý rằng: “Tôi là cảnh sát”. Anh ta nhanh chóng cho bà xem thẻ căn cước của anh ta và cất đi trước khi bà nhìn thấy bất cứ điều gì trên đó. Anh ta giật lấy chìa khóa của bà và mở cửa.

Ngay lập tức, một số cảnh sát mặc đồng phục cảnh sát cũng xuất hiện. Một số ghi hình và chụp ảnh bà Lý. Một số cầm công cụ được chuẩn bị sẵn để phá cửa. Còn có một vài cảnh sát mang vũ khí. Họ ghì bà Lý trên sàn và cũng bắt 3 học viên Pháp Luân Công khác đang tình cờ có mặt tại nhà bà.

Cảnh sát đã dùng vài giờ tiếp theo để lục soát tòa nhà của bà Lý và sách nhiễu những người thuê nhà bà. Nhà của một khách thuê phòng (cũng là một học viên Pháp Luân Công) ở trên tầng 4 cũng bị lục soát. Học viên đó cũng đã bị tịch thu các quyển sách Pháp Luân Công, các bức ảnh của người sáng lập Pháp Luân Công, các tư liệu thông tin và máy nghe nhạc.

Một vài khách thuê nhà của bà Lý vì sợ hãi mà đã chuyển đi sau đó.

Ba học viên bị bắt tại nhà bà Lý đã bị đưa đến đồn công an. Một trong số họ đã được phóng thích vào đêm hôm đó và hai người khác đã được phóng thích vào ngày hôm sau. Cảnh sát cũng cố gắng bắt bà Lý nhưng đã phải bỏ ý định sau hơn 2 giờ đồng hồ căng thẳng. Họ đã bắt bà ký tên vào một mảnh giấy trắng trước khi họ rời đi.

Tỉnh Quảng Đông: Một người phụ nữ 84 tuổi bị chính quyền sách nhiễu 4 lần trong 1 năm vì kiên định đức tin của mình

Vào lúc 7 giờ sáng ngày 20 tháng 1 năm 2023 (29 tháng Chạp), 4 cảnh sát ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông đã theo dõi nhà bà Liệu Ngọc Anh. Sau một hồi không thấy ai ra khỏi nhà, cảnh sát đã gõ cửa và con dâu của bà Liệu cho họ vào mà không biết họ là ai.

Ngay khi cảnh sát ập vào, họ bắt đầu lục soát ngôi nhà mà bà Liệu (84 tuổi) đang ở cùng con trai và con dâu, sau đó tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) của bà. Bà Liệu lúc này đang nằm liệt giường vì đau chân, cảnh sát đã cố gắng khiêng bà đi nhưng sau đó bỏ cuộc vì tình trạng sức khỏe nghiêm trọng của bà.

Cảnh sát yêu cầu con dâu của bà Liệu đi cùng họ đến đồn công an để ký tên vào giấy tờ liên quan đến vụ việc của bà, nhưng cô từ chối hợp tác. Sau đó, con trai bà đã hỏi cảnh sát liệu họ có đem lệnh khám xét hay không. Một cảnh sát giơ một tờ giấy, nhưng phần bên dưới đã được gấp lại và không nhìn thấy con dấu. Người con trai hỏi cảnh sát: “Giấy tờ này là giả à?” Cảnh sát im lặng và thôi yêu cầu vợ anh ký vào văn bản.

Trước khi cảnh sát rời đi, họ xé bỏ những câu đối trang trí viết những thông điệp mang các giá trị truyền thống mà bà Liệu mới treo được vài ngày trước.

Đây là lần thứ tư bà Liệu bị sách nhiễu trong vòng 12 tháng qua vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999.

Hơn mười cảnh sát đã đột kích vào nhà bà Liệu vào ngày 21 tháng 4 năm 2022. Khi bà từ chối cho cảnh sát vào, họ đã đột nhập bằng cách dùng kìm cạy cửa nhà bà. Họ khám xét nhà của bà và tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp, ảnh của Nhà sáng lập pháp môn. Sau khi bà Liệu bị đưa đến đồn công an, một số cảnh sát đã ở lại và thay khóa cửa trước của nhà bà.

Vào lúc 5 giờ chiều, một cảnh sát trở lại cùng với một nhân viên ủy ban khu dân cư và lại khám xét nhà của bà Liệu và tịch thu thêm các vật dụng liên quan đến Pháp Luân Công, bao gồm một tác phẩm nghệ thuật bà treo trên tường và bộ đồ tập luyện của bà. Theo những người hàng xóm của bà, cảnh sát đã chất nhiều túi và một chiếc thùng lớn các vật dụng bị tịch thu từ bà.

Ngày 9 tháng 6 năm 2022, cảnh sát lại đột nhập vào nhà bà Liệu trong lúc bà không có ở nhà. Cảnh sát đã lắp một ổ khóa mới trên cửa trước của bà, họ giữ hai chiếc chìa khóa và đưa hai chiếc chìa khóa còn lại cho người hàng xóm để giao lại cho bà Liệu. Để tránh bị bức hại thêm, bà Liệu phải sống xa nhà.

Do sức khỏe suy giảm và toàn thân đau nhức, bà Liệu không thể tự sinh hoạt và đã được về nhà vào ngày 4 tháng 7. Sau vài ngày nghỉ ngơi, cuối cùng bà đã có thể đi lại được. Tuy nhiên sau đó một tuần, cảnh sát đã xuất hiện vào ngày 11 tháng 7 và đe dọa sẽ trói và bắt giữ bà. Bà buộc phải sống xa nhà thêm một lần nữa.

Bức hại triền miên

Một cựu giáo viên trung học từng bị cầm tù 2 lần nay lại bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công

Kể từ năm 2016, bà Phan Thành Anh (49 tuổi), một cựu giáo viên trung học cơ sở tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đã 2 lần bị kết án tù 2 năm vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công. Bà bị bắt một lần nữa vào ngày 5 tháng 1 năm 2023 và hiện đang bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Nam Kinh.

Bà Phan từng công tác tại Trường THCS Số 1 huyện Lật Thủy. Bà được nhiều học sinh yêu quý và được trao nhiều giải thưởng. Thế nhưng chỉ vì kiên định với đức tin vào Pháp Luân Công, bà đã liên tục bị chính quyền nhắm mục tiêu trong suốt hai thập kỷ qua.

Bà Phan bị bắt lần đầu vào ngày 10 tháng 10 năm 2007 và bị giam ở trung tâm tẩy não vì chia sẻ thông tin về Pháp Luân Công trên Internet.

Ngày 4 tháng 3 năm 2009, Phòng 610 và Đội An ninh Nội địa huyện Lật Thủy đã bắt bà Phan tại trường học, đây cũng là khoảng thời gian diễn ra “Lưỡng Hội” (Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc của chính quyền cộng sản). Bà bị giam 1 năm ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Cú Đông.

Ngày 8 tháng 6 năm 2012, bà Phan bị bắt một lần nữa sau khi có người trình báo cảnh sát việc bà nói với người dân về Pháp Luân Công. Nhà của bà cũng bị lục soát.

Ngày 17 tháng 5 năm 2016, bà lại bị bắt khi đang đi ra ngoài. Bà bị giam ở Trung tâm Tẩy não Bạch Mã. Trong vòng 1 tuần, cảnh sát đã lục soát nhà bà 3 lần và tịch thu 2 máy tính, hàng loạt máy in, và 1 thiết bị mà bà sử dụng để sản xuất tài liệu thông tin Pháp Luân Đại Pháp. Một khoản tiền mặt 20.000 nhân dân tệ có in thông điệp Pháp Luân Đại Pháp (đây là một trong những cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại vì sự kiểm duyệt thông tin gắt gao tại Trung Quốc) cũng bị cảnh sát lấy đi. Bà được chuyển đến trại tạm giam thành phố Nam Kinh vào ngày 20 tháng 6.

Tháng 5 năm 2017, bà Phan bị xét xử tại Tòa án quận Lật Thủy. Luật sư của bà đã biện hộ vô tội cho bà. Bà đã bị kết án 2 năm tù và thụ án trong Nhà tù Nữ Nam Kinh. Trường học đã sa thải bà khi bà ra tù vào tháng 6 năm 2018.

Chỉ 1 năm sau khi ra tù, bà lại bị bắt sau khi có người trình báo bà nói với người dân về Pháp Luân Công ngày 24 tháng 6 năm 2019. Đến cuối tháng 5 năm 2020, Tòa án quận Vũ Hoa đã kết án bà 2 năm tù và phạt tiền 20.000 nhân dân tệ.

Sau 10 năm ngồi tù oan sai và mất cả chồng lẫn con trai, nguyên giảng viên đại học lại bị bắt vì kiên đức tin của mình

Một cư dân của thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt vào cuối năm 2022 vì đức tin vào Pháp Luân Công. Bà Khương Xuân Mai đã tuyệt thực để phản bức hại, và 3 ngày sau, cảnh sát đã để bà tại ngoại. Hiện bà đang ở nhà chăm sóc cho cha mẹ già và có khả năng đối diện với truy tố.

Vụ bắt giữ gần đây nhất của bà Khương xảy ra chỉ 6 năm sau khi bà ngồi tù 14 năm oan sai vì kiên định đức tin của mình. Chồng và con trai lớn của bà lần lượt qua đời trong khi bà đang bị cầm tù.

Bà Khương, nguyên giảng viên của Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Mẫu Đơn Giang, đã bị bắt tại nhà vào ngày 18 tháng 12 năm 2022. Công an lục soát nhà và lấy đi 1 máy tính xách tay, 3 điện thoại di động, 1 máy tính bảng, 1 máy in, các sách Pháp Luân Đại Pháp, và 550 nhân dân tệ tiền mặt của bà. Bà đã từ chối ký vào bất kỳ văn bản nào mà cảnh sát đưa ra.

Cảnh sát đã bắt bà Khương đứng bên cạnh chiếc xe đạp của bà và cố chụp ảnh để làm bằng chứng chống lại bà. Bà từ chối làm theo và bị cưỡng chế vào xe cảnh sát trong khi đang bị bịt mắt. Một cảnh sát đấm vào mũi và ngực bà. Nhằm đạt mục đích tạm giữ hình sự bà, cảnh sát đã cưỡng chế bà khám sức khỏe và tiêm vắc-xin COVID-19. Bà đã tuyệt thực và được tại ngoại 3 ngày sau đó.

Trong vụ bắt giữ gần đây nhất của bà Khương, cảnh sát ngụ ý rằng họ đang cố gắng truy tố bà vì trước đó vào ngày 27 tháng 3 năm 2020 bà đã bị bắt vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Khi đó, cảnh sát đã lấy chìa khóa nhà của bà và lục soát ngôi nhà, nơi bà ở chung cùng với cha mẹ. Để tránh bị bức hại thêm nữa, bà Khương phải sống xa nhà để trốn cảnh sát, nhưng rồi đã bị bắt lại vào 2 năm sau đó.

Bức hại trước đây

Bà Khương và chồng bà, ông Kim Hựu Phong, bị bắt vào ngày 20 tháng 7 năm 1999 và bị giam vài ngày. Khi thấy sự kiên định đức tin của họ, cảnh sát đã chuyển họ đến trại tạm giam Mẫu Đơn Giang trước Tết Trung thu (ngày 24 tháng 9). Họ bị giam giữ ở đó 15 ngày.

Bà Khương lại bị bắt vào tháng 3 năm 2000 và bị tạm giam hành chính 15 ngày.

Ngày 22 tháng 6 năm 2000, bà Khương bị bắt và đưa đến trại tạm giam địa phương. Bà bị giam giữ hình sự và được thả 3 tháng sau đó. Thời điểm đó, chồng bà đang bị giam ở trong một trại lao động, và đứa con trai nhỏ Kim Lộ Nghi mới 7 tuổi của họ bị bỏ lại ở nhà một mình.

Bà Khương và một học viên khác đã bị bắt vào tháng 11 năm 2001. Tiền mặt và điện thoại trị giá hàng nghìn nhân dân tệ của họ đã bị tịch thu và cảnh sát từ chối trả lại tài sản cho họ sau khi thả họ.

Bà Khương và chồng bà bị bắt vào ngày 22 tháng 10 năm 2003. Ông Kim bị kết án 13 năm trong Nhà tù Mẫu Đơn Giang; bà Khương bị kết án 14 năm trong Nhà tù Nữ Hắc Long Giang. Khi đó, cậu con trai thứ hai Kim Phán Phán của họ mới 15 tháng tuổi và vẫn đang còn bú sữa mẹ.

Ông Kim bị tra tấn dã man ở trong tù. Ông bị đánh đập, treo người, biệt giam, phơi mình giữa thời tiết lạnh giá; bị bỏ đói, bị bức thực và bị sốc điện bằng dùi cui điện vào vùng kín. Sau đó, ông mắc bệnh lao nặng nhưng đến 10 tháng sau ông mới được tạm tha y tế vào tháng 6 năm 2008.

Con trai lớn của hai vợ chồng đã tròn 20 tuổi khi ông Kim được trả tự do. Dù biết bệnh lao rất dễ lây nhưng anh vẫn ngày đêm tận tâm chăm sóc cho cha mình. Không lâu sau khi ông Kim qua đời vào ngày 21 tháng 1 năm 2009, con trai ông cũng mất vì bị nhiễm bệnh, khi mới 23 tuổi.

Bà Khương đã bị đơn vị công tác sa thải sau khi được trả tự do. Bà chuyển đến huyện Long Giang ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ vào năm 2018 để chăm sóc cha mẹ và làm các công việc bán thời gian để mưu sinh.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo năm 2022: 7.331 học viên Pháp Luân Công bị bắt và sách nhiễu vì kiên định đức tin

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/13/457663.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/17/207711.html

Đăng ngày 20-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share