Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-12-2021] 13 cư dân huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm đã bị kết án vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Các kháng cáo của họ đều bị bác bỏ vào cuối tháng 11 năm 2021. Một người trong số họ bị xuất huyết não và vẫn hôn mê vào thời điểm viết bài.

Dưới đây là chi tiết các bản án:

Bà Trương Tú Chi, 64 tuổi, bị kết án 10 năm.
Bà Cao Hiểu Kỳ, 56 tuổi, bị kết án 9 năm.
Bà Thái Ngọc Anh, 66 tuổi, bị kết án 9 năm.
Ông Phùng Lập Tề bị kết án 9 năm.
Bà Ngô Đông Mai, 50 tuổi, bị kết án 7 năm.
Cô Vu Giảo Như (con gái bà Thái), 34 tuổi, bị kết án 6 năm.
Ông Đan Vi Hoà bị kết án 6 năm.
Ông Lữ Tương Phú bị kết án 6 năm.
Bà Triệu Tú Lan, 66 tuổi, bị kết án 5 năm.
Bà Tôn Tú Anh, 68 tuổi, bị kết án 4 năm.
Ông Trương Kính Nguyên bị kết án 2 năm.
Bà Tôn Phượng Tiên, 65 tuổi, bị kết án 2 năm.
Bà Đổng Tú Huy bị kết án 1,5 năm.

Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Một người phụ nữ đang ở trong tình trạng nguy kịch

Ngày 15 tháng 7 năm 2020, bà Tôn Phượng Tiên, 65 tuổi, bị bắt giữ. Đến ngày 26 tháng 7 năm 2021, bà bị kết án 2 năm tù, và kháng cáo của bà bị bác bỏ vào ngày 29 tháng 11. Vào lúc 4 giờ 30 chiều ngày 3 tháng 12, bà bị xuất huyết não ở trong Trại tạm giam huyện Nông An và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ đã phẫu thuật cho bà với sự đồng ý của gia đình. Ca phẫu thuật kéo dài gần 5 tiếng và bác sĩ nói rằng ca phẫu thuật đã thành công, nhưng sau đó, bà Tôn vẫn hôn mê và đang phải ở trong phòng chăm sóc tích cực.

Gia đình nghi ngờ rằng bà Tôn bị lâm vào tình trạng hiện tại là do bà đã bị ngược đãi trong khi bị giam giữ. Họ cũng nói rằng trại tạm giam phải chịu trách nhiệm vì đã ngăn cản họ vào thăm bà trong vài tháng, trước khi sức khỏe bà rơi vào tình trạng nguy hiểm. Họ nói rằng họ được phép vào thăm bà sớm hơn, họ sẽ biết rõ về tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của bà hơn, và có thể bi kịch này đã không xảy ra.

Gia đình cho biết lần cuối cùng luật sư đến thăm bà là vào ngày 26 tháng 8 năm 2021. Ban đầu trại tạm giam yêu cầu luật sư phải tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19, sau đó họ đã phải nhượng bộ sau khi gia đình khiếu nại với Chính quyền huyện Nông An.

Nhưng khi luật sư yêu cầu được gặp mặt bà một lần nữa vào ngày 9 tháng 10 (sau khi bà kháng cáo), trại tạm giam đã yêu cầu luật sư phải trình ra các xác nhận của văn phòng tư pháp địa phương cùng phê chuẩn của thẩm phán của Tòa án Trung cấp thành phố Trường Xuân. Luật sư và gia đình bà đã nộp nhiều đơn khiếu nại đối với thẩm phán Tang Vạn Thành của tòa trung cấp vì đã ngăn cản việc gặp bà nhưng vô ích.

Bắt giữ 12 học viên khác

Ngày 15 tháng 7 năm 2020, vài ngày trước lễ kỷ niệm lần thứ 21 cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 và chuyến thăm dự kiến ​​của lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình tới khu vực vào ngày 23 tháng 7, còn có 12 học viên khác cũng bị bắt giữ cùng với bà Tôn. Hai học viên khác cũng bị bắt trong ngày hôm đó là ông Khương Toàn Đức (chồng bà Tôn Tú Anh), người đã qua đời một tháng sau khi được thả vào đầu tháng 8 năm 2020, và bà Nhâm Vĩnh Bình (vợ ông Trương Kính Nguyên), người được trả tự do vào ngày 4 tháng 3 năm 2021, sau khi được miễn truy tố.

Khoảng 6 giờ sáng, bà Cao đến gặp bà Triệu, và bị cảnh sát đang lục soát nhà bà Triệu bắt giữ. Sau đó, cảnh sát kéo tới lục soát nhà bà Cao và tịch thu một lượng lớn biểu ngữ in thông điệp Pháp Luân Công, các sách Pháp Luân Công, một bức ảnh chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và hơn 100.000 nhân dân tệ tiền mặt của bà. Mẹ già ngoài 90 tuổi của bà Cao đã rất kinh hãi trước cuộc đổ bộ của cảnh sát.

Cảnh sát tỏ ra rất phấn khích khi lấy được những đồ vật có giá trị từ nhà bà Cao. Một người trong số họ cười nói: “Đây đều là những món đồ đáng giá!”

Sau đó bà Cao bị đưa tới đồn công an địa phương để thẩm vấn. Cảnh sát đã tát vào mặt bà vì bà không trả lời câu hỏi của họ.

Khoảng 7 giờ sáng khi ông Trương chuẩn bị đưa con gái đi làm, họ phát hiện rằng lỗ khóa cửa nhà bị giấy bịt kín. Khi họ đang gỡ giấy ra thì một nhóm cảnh sát xông vào, ghì ông Trương xuống đất và sau đó còng ông lại.

Bà Ngô Đông Mai, 49 tuổi, bị bắt bởi cảnh sát mặc thường phục. Vụ bắt giữ xảy ra chỉ mười ngày sau khi chồng bà là ông Triệu Đại Chí qua đời. Con gái lớn của bà vừa tốt nghiệp đại học và hiện phải chăm sóc cho hai em nhỏ.

Các học viên khác bị bắt bao gồm bà Trương Tú Chi, bà Thái Ngọc Anh, con gái bà Thái là cô Vu Giảo Như, ông Đan Như Hòa, bà Tú Anh, ông Phùng Lập Tế, ông Lữ Tương Phú và bà Đổng Tú Huy.

Các thẩm phán của cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm ngang nhiên phạm pháp

Ngày 9 tháng 4 năm 2021, trước phiên xét xử sơ thẩm các học viên do Tòa án thành phố Đức Huệ tiến hành, thẩm phán Vương Vinh Phú đã ngăn cản luật sư và những người bào chữa cho gia đình không phải luật sư xem xét các tài liệu vụ án hoặc tham dự phiên xét xử với lý do họ không cung cấp được tài liệu chứng minh bản thân không tu luyện Pháp Luân Công.

Ông ta đã thốt ra những lời xúc phạm thân nhân của các học viên trong khi nói chuyện với họ, ví dụ như: “Chúng tôi đã hỏi tòa án cấp trên về việc này và tòa án cấp trên đã trả lời như những gì tôi nói [không cho phép luật sư bào chữa cho các học viên trước tòa]”, “Đừng nói chuyện với tôi về việc nó có hợp pháp hay không – đây là cách chúng tôi làm việc. Để tôi nói với các vị một điều: Các vụ án Pháp Luân Công là đặc thù”, “Không được biện hộ là không được biện hộ. Đúng, chúng tôi đã vi phạm pháp luật đấy, vậy thì sao?! Các vị có thể thưa kiện nếu muốn”.

Thẩm phán Vương thậm chí còn không thông báo cho các học viên về phiên tòa trước ba ngày theo quy định của pháp luật. Sáng ngày 9 tháng 4, các nhân viên hỗ trợ tòa án lại đến phòng giam của các học viên tại trại tạm giam huyện Nông An, kéo họ lên xe và đưa họ đến tòa án. Bà Cao bị lính canh túm tóc lôi đi và bà bị đánh vào lưng khiến bà bị đau nhiều tuần sau đó. Cánh tay của cô Vu bị thâm tím sau khi cô bị lính canh kéo đi. Tất cả tám học viên buộc phải mặc đồ bảo hộ trước khi bị đưa đến tòa án.

Ngày 26 tháng 7 năm 2021, thẩm phán Vương đã tuyên án các học viên. Gia đình của các học viên đã nộp đơn khiếu nại đối với thẩm phán Vương với nhiều cơ quan khác nhau. Họ đã nhận được câu trả lời từ Tòa án Đức Huệ vào ngày 25 tháng 10, trong đó viện dẫn một văn kiện bí mật để biện minh cho việc thẩm phán Vương tước đoạt quyền đại diện của luật sư bào chữa đối với các học viên tại tòa và kết tội sai trái của ông ta đối với các học viên. Họ kết luận rằng thẩm phán Vương đã tuân thủ luật pháp trong việc đưa ra các bản án đó. Gia đình của các học viên đã mạnh mẽ yêu cầu được xem nội dung của văn kiện bí mật đó, nhưng vô ích.

Tất cả các học viên đã kháng cáo các phán quyết lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân. Vào ngày 1 tháng 9, kháng cáo của bà Cao, bà Triệu và bà Tôn Phượng Tiên đã được chấp thuận và thẩm phán Tang Vận Thành được chỉ định thụ lý vụ việc của họ.

Ngày 9 tháng 9 kháng cáo của bà Thái, cô Vu, ông Đan và bà Tôn Tú Anh đã được chấp thuận và thẩm phán Phạm Văn Hạo được chỉ định thụ lý vụ việc của họ. Thẩm phán này cũng thụ lý vụ án của ông Trương, sau khi kháng cáo này được chấp thuận vào ngày 13 tháng 9.

Một thẩm phán khác là Hà Phúc được chỉ định thụ lý các kháng cáo của bà Trương, ông Lữ và ông Phùng.

Chi tiết về các kháng cáo của bà Ngô và bà Đổng hiện vẫn đang được điều tra.

Khi các thành viên gia đình và luật sư của các học viên đến Viện kiểm sát thành phố Trường Xuân để xem xét tài liệu vụ án của họ, ban đầu thư ký tòa án nói rằng tài liệu chưa được tải vào hệ thống của viện, rồi sau đó lại nói rằng họ chưa ghi đĩa cho hồ sơ của các vụ án đó. Các tài liệu sau đó được chuyển thẳng đến tòa án trung cấp mà không hề được các luật sư xem xét.

Tương tự như tòa sơ thẩm, Tang Vạn Thành của tòa án cấp cao hơn cũng yêu cầu các luật sư và người đại diện bào chữa cho gia đình nộp các tài liệu chứng minh họ không tu luyện Pháp Luân Công. Tang cũng gây áp lực với các bưu điện địa phương và cấm họ gửi bất kỳ tài liệu pháp lý nào cho gia đình, trong khi ông ta từ chối nhận tài liệu trực tiếp. Ông ta cũng ra chỉ thị yêu cầu trại tạm giam cấm luật sư đến gặp các học viên.

Tòa án cấp cao hơn sau đó đã giữ nguyên các phán quyết ban đầu của các học viên mà không thông báo cho luật sư hoặc gia đình của họ.

Bài liên quan:

Bức thư ngỏ của người chồng gửi công tố viên và thẩm phán thúc giục trả tự do cho vợ mình

Huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm: 10 học viên Pháp Luân Công bị kết án từ hai đến mười năm tù

Giáo viên tiểu học bị đưa ra xét xử vì đức tin của mình sau chín tháng giam cầm

Người con gái hiếu thảo đang đợi phán quyết của tòa án vì tu luyện Pháp Luân Công

Tỉnh Cát Lâm: Tòa án xét xử tám cư dân, ngăn cấm luật sư biện hộ cho thân chủ

Huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm: 11 học viên bị bắt giữ và 1 trường hợp bị sách nhiễu trong vòng 24 giờ

14 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến trong các vụ bắt giữ nhóm ở tỉnh Cát Lâm vẫn đang bị giam cầm

Người cha qua đời sau 1,5 tháng bị bắt giữ, con trai viết thư tìm kiếm công lý cho người mẹ đang phải đối mặt với phiên tòa vì kiên định đức tin của mình

Từng bị cầm tù 11 năm, người đàn ông Cát Lâm qua đời sau một tháng rưỡi bị bắt giữ vì đức tin của mình

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/9/434559.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/24/197123.html

Đăng ngày 14-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share