Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-11-2021] Thẩm phán chủ tọa phụ trách vụ án chống lại tám học viên Pháp Luân Công ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm đã không cho phép luật sư của họ xem xét hồ sơ vụ án hoặc biện hộ cho họ trước tòa. Ông ta cũng tuyên bố: “Kẻ sát nhân có thể thuê luật sư biện hộ, nhưng các học viên Pháp Luân Công thì không!”. Ông ta viện dẫn một văn kiện mật do Tòa án Tối cao Cát Lâm ban hành để biện minh cho hành vi vi phạm các thủ tục pháp lý trong việc xử lý vụ án Pháp Luân Công của mình.

Cả thẩm phán và các cơ quan liên quan khác đều không cho phép các học viên, luật sư hoặc gia đình của họ xem văn kiện đó, nhưng từ những gì đã xảy ra với các học viên, thì có lẽ văn kiện mật này được bàn hành nhằm để tước đoạt quyền được xét xử một cách công bằng theo quy định pháp luật của các học viên.

Tất cả tám học viên đã bị kết án oan sai vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Các thành viên trong gia đình của các học viên đã cố gắng kháng cáo bản án của họ, nhưng bị nhà chức trách ngăn cản. Hiện họ đang nộp đơn khiếu nại thẩm phán và yêu cầu ông ta phải chịu trách nhiệm cho các hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Thông tin nhanh về vụ án của các học viên

Ngày 15 tháng 7 năm 2020, bà Cao Hiểu Kỳ, bà Thái Ngọc Anh, ông Thiện Vi Hòa, bà Triệu Tú Lan, bà Tôn Phượng Tiên, ông Trương Kính Nguyên, cô Vu Giảo Như và bà Tôn Tú Anh đã bị bắt giữ tại nhà trong một cuộc truy quét của cảnh sát. Vụ bắt giữ được thực hiện theo lệnh của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Trường Xuân (UBCTPL) và UBCTPL huyện Nông An, dưới sự chỉ đạo của Trương Khải Nam (bí thư Đảng ủy UBCTPL huyện Nông An) và Lý Hưng Đào (Trưởng Công an huyện Nông An).

Ngày 9 tháng 4 năm 2021, thẩm phán Vương Vinh Phú của Tòa án thành phố Đức Huệ đã ngăn cản luật sư và những người đại diện bào chữa của gia đình (không phải luật sư) xem xét các tài liệu vụ án hoặc tham dự phiên tòa, với lý do là họ đã không cung cấp được giấy tờ chứng minh họ không tu luyện Pháp Luân Công.

Ông ta đã thốt ra những lời xúc phạm thân nhân của các học viên trong khi nói chuyện với họ, ví dụ như: “Chúng tôi đã hỏi tòa án cấp trên về việc này và tòa án cấp trên đã trả lời như những gì tôi nói [không cho phép luật sư bào chữa cho các học viên trước tòa]”, “Đừng nói chuyện với tôi về việc nó có hợp pháp hay không – đây là cách chúng tôi làm việc. Để tôi nói với các vị một điều: Các vụ án Pháp Luân Công là đặc thù”, “Không được biện hộ là không được biện hộ. Đúng, chúng tôi đã vi phạm pháp luật đấy, vậy thì sao?! Các vị có thể thưa kiện nếu muốn”.

Thẩm phán Vương thậm chí còn không thông báo cho các học viên về phiên tòa trước ba ngày theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 26 tháng 7 năm 2021, ông ta đã đưa ra các bản án chống lại các học viên các học viên vào ngày 26 tháng 7 năm 2021, cụ thể:

Bà Cao Hiểu Kỳ, 56 tuổi, bị kết án 9 năm.
Bà Thái Ngọc Anh, 66 tuổi, bị kết án 9 năm.
Bà Ngô Đông Mai, 50 tuổi, bị kết án 7 năm.
Cô Vu Giảo Như (con gái bà Thái), 34 tuổi, bị kết án 6 năm.
Ông Thiện Vi Hoà bị kết án 6 năm.
Bà Triệu Tú Lan, 66 tuổi, bị kết án 5 năm.
Bà Tôn Tú Anh, 68 tuổi, bị kết án 4 năm.
Ông Trương Kính Nguyên bị kết án 2 năm.
Bà Tôn Phượng Tiên, 65 tuổi, bị kết án 2 năm.

Các luật sư và thân nhân của các học viên đã cố gắng kháng cáo, nhưng Tòa án Trung cấp Trường Xuân đã từ chối thụ lý. Các thành viên gia đình hiện đang đệ đơn khiếu nại đối với thẩm phán Vương, cáo buộc ông ta: 1) cản trở các luật sư bào chữa và thân nhân bào chữa thực hiện quyền hợp pháp của họ để bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công, 2) sao lãng và vi phạm luật tố tụng hình sự, và 3) xúc phạm các thành viên trong gia đình bị cáo.

Các khiếu nại cũng yêu cầu thẩm phán Vương công khai văn kiện bí mật mà ông ta đã trích dẫn để biện minh cho sự vi phạm các thủ tục pháp lý của mình.

Dưới đây là chi tiết vụ việc.

Luật sư và thân nhân biện hộ đại diện cho các học viên bị từ chối

Ngày 11 tháng 11 năm 2020 luật sư của bà Tôn Phượng Tiên đã nộp “Giấy ủy quyền” của mình lên Tòa án thành phố Đức Huệ. Vì thẩm phán Vương Vinh Phú không có mặt tại văn phòng làm việc nên trợ lý của ông ta là Triệu Phong là người tiếp nhận tài liệu này. Luật sư cũng nộp thư ý kiến pháp lý của mình, thúc giục thẩm phán bác bỏ vụ án, vì nơi cư trú của bà Tôn không thuộc thẩm quyền của tòa án quận. Ngày hôm sau, thẩm phán Vương đã gọi điện cho luật sư và nói rằng luật sư phải nộp các tài liệu để chứng minh rằng ông không tu luyện Pháp Luân Công trước khi ông có thể ra tòa bào chữa cho bà Tôn.

Ngày 16 tháng 11 năm 2020, khi con trai của bà Triệu gọi điện cho thẩm phán Vương, thẩm phán đã nói cụ thể hơn về những giấy tờ mà luật sư của họ cần phải nộp: 1) một lá thư do cục tư pháp địa phương cấp, xác nhận rằng luật sư không tu luyện Pháp Luân Công; và 2) một lá thư khác của cục tư pháp hoặc cơ quan quản lý cấp giấy phép hành nghề cho luật sư, chấp thuận để luật sư bào chữa vô tội cho bà Triệu.

Ngày 11 tháng 11 năm 2020, con trai của bà Triệu cũng hỏi thẩm phán Vương về đơn xin đại diện bào chữa cho bà Triệu mà anh đã nộp. Vương đã trả lời với thái độ coi thường: “Bào chữa cho bà ấy á? Sao anh lại đánh giá cao bản thân mình như vậy? Tôi thực sự thấy anh đang quá tự tin rồi đấy.“

Vương đe dọa sẽ kết án bà Triệu mức án nặng nếu con trai bà không hợp tác với nhà chức trách hoặc có thái độ không tốt (kiên quyết cho rằng Pháp Luân Công vô tội).

Không bị thẩm phán Vương làm cho nản lòng, gia đình bà Triệu cùng gia đình bà Cao đã đến tòa án để nộp đơn xin đại diện bào chữa cho những người thân của họ vào ngày 24 tháng 11. Phó chánh án tòa án là Lý Khôi Lượng là người nhận hồ sơ. Lý nói rằng để được quyền đại diện cho một thành viên trong gia đình có người tu luyện Pháp Luân Công, họ phải nhận được một lá thư từ cảnh sát địa phương hoặc ủy ban khu dân cư xác nhận rằng bản thân họ không tu luyện Pháp Luân Công.

Các gia đình đã hỏi Lý về cơ sở pháp lý cho yêu cầu này. Lý nhấn mạnh rằng có những quy định như vậy và ông ta sẽ chỉ chấp thuận yêu cầu đại diện bào chữa của họ sau khi họ gửi tất cả các tài liệu nói trên.

Ngày 25 tháng 11, người nhà bà Triệu đã gọi điện lại cho thẩm phán Vương, Vương nói với anh: “Đưa cái gì cho anh? Tôi không cấp cho anh bất cứ thứ gì! Anh đúng là đồ ngốc! Đồ chó! Tôi thách anh nghĩ đến việc bảo vệ bà ấy trước tòa đấy! Hãy để tôi nói rõ với anh. Anh phải nhận được một lá thư từ công an địa phương, xác nhận rằng anh không tu luyện Pháp Luân Công.”

Khi gia đình bà Triệu nói rằng họ sẽ gửi đơn kiện Vương, ông ta đã quát tháo: “Sao cũng được. Các vị có thể gửi đơn khiếu nại tôi tới bất cứ nơi nào các vị muốn”.

Ngày 30 tháng 11, luật sư của bà Tôn Tú Anh đã đệ trình Giấy ủy quyền của mình lên tòa án. Nhân viên Triệu Phong bảo luật sư có thể đưa giấy cho bảo vệ ở lối vào, sau đó người này sẽ chuyển nó cho thẩm phán Vương. Vài ngày sau, Vương gọi cho luật sư và yêu cầu một lá thư xác minh ông không tu luyện Pháp Luân Công trước khi được phép bào chữa cho bà Tôn trước tòa.

Ngày 8 tháng 12, khi luật sư của bà Cao đến tòa án để nộp Giấy ủy quyền, Vương đã tiếp luật sư tại văn phòng của ông ta và vẫn yêu cầu lá thư chứng minh rằng luật sư không tu luyện Pháp Luân Công. Vương cũng từ chối yêu cầu được xem xét hồ sơ vụ án của bà Cao của luật sư.

Hai ngày sau, luật sư của bà Triệu đã đến tòa án để nộp Giấy ủy quyền đại diện cho thân chủ của mình. Bảo vệ đã nối máy để ông nói chuyện với phó chủ tọa phiên tòa Giả Hiểu Thu, người này đã đồng ý sẽ chuyển tiếp tài liệu của ông cho thẩm phán Vương, nếu luật sư có thể nộp: 1) thư xác nhận của công an khẳng định ông không tu luyện Pháp Luân Công; và 2) một lá thư từ cục tư pháp địa phương và công ty luật, chấp thuận việc ông bào chữa vô tội cho thân chủ là học viên Pháp Luân Công.

Luật sư hỏi liệu Giả có bất kỳ tài liệu pháp lý nào làm căn cứ cho yêu cầu đó của ông ta không, Giả trả lời rằng Tòa án Cấp cao tỉnh Cát Lâm đã ban hành yêu cầu đó. Nếu luật sư muốn xem văn bản đó, thì chỉ có thể liên lạc với thẩm phán Vương, sau đó ông ta liền cúp máy.

Ngày 13 tháng 12 năm 2020, một số thân nhân của các học viên đệ đơn khiếu nại thẩm phán Vương vì đã từ chối quyền đại diện bào chữa cho người thân của họ lên Văn phòng Kháng cáo của Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Cát Lâm và Văn phòng pháp chế của Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Trường Xuân. Khiếu nại của họ sau đó đã được chuyển đến văn phòng kháng cáo của Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Đức Huệ.

Ngày 14 tháng 12, thân nhân của một học viên, người vốn vẫn đang cố gắng liên lạc với thẩm phán Vương, đã kết nối được với ông ta. Lần này Vương nói rằng Tòa án Cấp cao tỉnh Cát Lâm đã đưa ra yêu cầu rằng bất kỳ ai đại diện bào chữa cho các vụ án Pháp Luân Công đều phải cung cấp bằng chứng chứng minh rằng bản thân họ không tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên ông ta từ chối cung cấp các thông tin chi tiết khác về văn kiện này của tòa án cấp cao.

Không còn lựa chọn nào khác, thân nhân của các học viên đã liên hệ với Văn phòng An ninh Nội địa huyện Nông An và các đồn công an địa phương nơi họ sinh sống để xin những lá thư xác nhận theo yêu cầu đó, nhưng cả hai cơ quan này đều nói rằng họ không thể cấp thư xác nhận nói trên, trừ khi họ nhận được yêu cầu trực tiếp từ phía tòa án.

Ngày 18 tháng 12, khi thân nhân của một học viên liên lạc với thẩm phán Vương, Vương đã trả lời rằng tòa án không có trách nhiệm liên hệ với công an, và nói: “Đừng mơ mộng nữa. Anh và các luật sư của anh có thể bỏ cái tư tưởng về việc bào chữa cho họ trước tòa nếu các anh không thể có được các lá thư xác nhận đó.“

Vương còn ngang ngược tuyên bố rằng ông ta có thể dễ dàng chấp thuận một luật sư đại diện cho một kẻ giết người, nhưng nói không với luật sư của các học viên Pháp Luân Công. Thân nhân này đã hỏi về quy định liên quan đến việc cấm các luật sư đại diện cho các học viên Pháp Luân Công. Vương nói: “Đó là quyết định của chính quyền. Tại sao tôi phải cho anh xem? Anh nghĩ mình là ai?”

Thân nhân này đã nghiên cứu thêm về các luật liên quan và nhận thấy rằng yêu cầu của Vương là phi pháp. Vì vậy vào ngày 11 tháng 1 năm 2021, anh đã gọi điện lại cho Vương và nói rằng các luật sư có thể đại diện cho các học viên Pháp Luân Công ở bất kỳ nơi nào khác trên toàn quốc, tại sao ở tỉnh Cát Lâm lại không được?

Vương trả lời: “Ở Cát Lâm là không được phép. Không có gì đặc biệt ở đây cả. Chính là cấp trên yêu cầu như vậy, tôi chỉ đang thực hiện theo mà thôi.“

Vì tòa án vẫn chưa chấp thuận yêu cầu đại diện mà luật sư của bà Tôn Phượng Tiên đã gửi vào ngày 11 tháng 11 năm 2020, nên đến ngày 4 tháng 3 năm 2021, luật sư đã đi đến tòa án để gặp thẩm phán Vương và yêu cầu được xem xét tài liệu vụ án của bà Tôn. Vương đã cũng viện dẫn tài liệu bí mật của tòa án cấp trên kia để từ chối yêu cầu của luật sư.

Ngày 11 tháng 3 năm 2021, luật sư của ông Trương đã đến tòa án cũng để nộp Giấy ủy quyền của ông. Vương đã tiếp ông ở hành lang và từ chối yêu cầu của luật sư về việc xem xét tài liệu vụ án, và yêu cầu luật sư cung cấp một thư xác nhận chứng minh ông không tu luyện Pháp Luân Công.

Luật sư trả lời rằng không có cách nào để có được lá thư như Vương yêu cầu. Luật sư cũng hỏi Vương rằng yêu cầu đó được đưa ra dựa trên cơ sở pháp lý nào. Vương nói rằng đó là chỉ thị truyền miệng và ông ta không có tài liệu bản cứng.

Luật sư bác bỏ lập luận của ông ta và hỏi rằng liệu Tòa án thành phố Đức Huệ có đang trên quyền của luật pháp hay không. Sau đó, ông đã đệ đơn kiện Vương vì đã tước bỏ quyền bảo vệ thân chủ của ông.

Ngày 15 tháng 3 năm 2021, gia đình các học viên nhận được cuộc gọi từ giám đốc Phòng của Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Đức Huệ, liên quan đến đơn khiếu nại mà họ đã nộp vào ngày 13 tháng 12 năm 2020. Giám đốc Phòng tuyên bố rằng ông ta sẽ liên lạc với tòa án và sẽ yêu cầu tòa án có phúc đáp chính thức cho họ.

Ngày 25 tháng 3 năm 2021, khi luật sư khác của ông Trương đến tòa án để nộp Giấy ủy quyền, thẩm phán Vương đã từ chối gặp ông. Vương cũng từ chối yêu cầu xem xét tài liệu vụ án từ phía luật sư.

Vương lại yêu cầu luật sư cung cấp thư xác minh rằng ông không tu luyện Pháp Luân Công. Luật sư đã hỏi Vương rằng mình nên liên hệ với công an nơi sinh, hay công an nơi đang cư trú hay nơi ông đang làm việc? Vương nói rằng ông ta cũng không biết, nhưng cho rằng có lẽ là đồn công an nơi luật sư cư trú. Vương cũng yêu cầu luật sư cho xem thư của văn phòng luật của ông và cục tư pháp địa phương về việc chấp thuận để ông bào chữa vô tội cho các học viên Pháp Luân Công. Luật sư đã yêu cầu được có một lá thư giới thiệu của tòa án hoặc tòa án tự liên hệ với cục tư pháp, nhưng Vương trả lời rằng đó không phải là trách nhiệm của họ.

Luật sư cho biết ông sẵn sàng làm việc với tòa án để có được tất cả các tài liệu theo yêu cầu nếu Vương có thể cung cấp một bản sao của tài liệu pháp lý chứng minh cho yêu cầu đó. Vương trả lời rằng Ủy ban Chính trị và Pháp luật Cát Lâm, Tòa án Cấp cao tỉnh Cát Lâm và Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân đều có nó. Nhưng đó là một tài liệu bí mật và ông ta không thể đưa nó cho luật sư. Ông ta nói có hợp tác hay không là tùy luật sư. Nếu luật sư không thể gửi các thư xác nhận theo yêu cầu đó, thì luật sư sẽ không thể đại diện cho ông Trương trước tòa.

Sau đó, luật sư nó rằng vì ông đã đi một quãng đường dài như vậy cho vụ kiện, liệu tòa án có thể nhận Giấy ủy quyền của ông trước, trong khi ông làm việc để xin những lá thư xác nhận kia hay không. Vương đã từ chối và nói rằng ông ta sẽ chỉ nhận Giấy ủy quyền khi luật sư có được tất cả những giấy tờ mà ông ta yêu cầu.

Ngày 25 tháng 3, luật sư của cô Vu cũng đã gọi cho thẩm phán Vương và hỏi về việc đại diện bào chữa cho cô Vu. Vương lặp lại điều tương tự mà ông ta đã nói với các luật sư khác.

Ngày 1 tháng 4 năm 2021, một thân nhân của học viên đã gọi điện cho thẩm phán Vương một lần nữa và nói rằng họ biết về việc một luật sư đứng ra bào chữa vô tội cho một học viên Pháp Luân Công tại Tòa án quận Long Sơn ở thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm. “Nếu tòa án đó ở Cát Lâm cho phép luật sư đại diện cho các học viên Pháp Luân Công, tại sao tòa án của các ông lại không thể?”

Vương trả lời rằng đó là từ một chính sách mới do Tòa án Cấp cao Cát Lâm ban hành vào năm 2020. Ông ta cho biết rằng ông ta đã xin đặc cách từ tòa án cấp cao hơn, nhưng được trả lời rằng tất cả các giấy tờ kia vẫn là yêu cầu bắt buộc. Ông ta cũng nói: “Đừng nói hợp pháp hay không hợp pháp ở đây – đây là cách chúng tôi làm việc. Tôi nói cho anh biết: Các vụ án Pháp Luân Công đều là đặc biệt.”

Phiên tòa phi pháp

Nhiều ngày sau, tòa án thông báo cho gia đình các học viên rằng phiên tòa sẽ được tổ chức vào ngày 9 tháng 4 năm 2021. Không có luật sư hoặc thân nhân đại diện nào được phép bào chữa cho họ trước tòa. Chỉ một thành viên trong gia đình của mỗi học viên được phép tham dự phiên xét xử, với điều kiện họ phải cung cấp được thư xác nhận của công an rằng họ không tu luyện Pháp Luân Công.

Một ngày trước phiên tòa, thân nhân của các học viên đã gọi cho công tố viên Đằng Kế Khôn của Viện kiểm sát thành phố Đức Huệ và nói với công tố viên về việc thẩm phán Vương đã ngặn cản người đại diện bào chữa của các học viên như thế nào. Đằng trả lời rằng yêu cầu của Vương là hợp pháp.

Gia đình của các học viên và luật sư của họ cũng đã đến văn phòng kháng cáo của Tòa án thành phố Đức Huệ và phòng kỷ luật địa phương, nhưng vô ích.

Chiều ngày 8 tháng 4, gia đình của các học viên và luật sư của họ đã đến Viện kiểm sát thành phố Đức Huệ để tìm công lý. Viện trưởng Bàng và Từ nói rằng họ đã biết tình hình và họ đã trao đổi với tòa án, và nói thêm rằng sở dĩ tòa án có yêu cầu này là do chỉ đạo từ các quan chức cấp tỉnh.

Khi các gia đình hỏi tại sao họ phải trình các lá thư chứng minh không tu luyện Pháp Luân Công thì mới được tham dự phiên xét xử, Bàng và Từ nói rằng họ phải đi họp và yêu cầu luật sư và gia đình các học viên rời đi.

Sau đó, gia đình của các học viên sau đó quay trở lại tòa án và trình một yêu cầu lên phó chánh án tòa án là Lý Khôi Lượng, yêu cầu thẩm phán Vương rút lui khỏi phiên tòa. Lý trả lời rằng họ không đủ điều kiện để đưa ra yêu cầu đó. Lý cho rằng Vương chỉ đơn giản là chấp hành mệnh lệnh của cấp trên trong việc đề nghị họ cung cấp các giấy tờ nêu trên.

Sáng ngày 9 tháng 4, các nhân viên hỗ trợ tòa án lại đến phòng giam của các học viên tại Trại tạm giam huyện Nông An, kéo họ lên xe và đưa họ đến tòa án. Bà Cao bị lính canh túm tóc lôi đi và bà bị đánh vào lưng khiến bà bị đau nhiều tuần sau đó. Cánh tay của cô Vu bị thâm tím sau khi cô bị lính canh kéo đi. Tất cả tám học viên buộc phải mặc đồ bảo hộ trước khi bị đưa đến tòa án.

Trong số tám học viên, chỉ có cha của ông Trương được tham dự phiên xét sau khi ông có được thư xác nhận từ đồn công an địa phương. Tất cả các thành viên gia đình và luật sư của các học viên khác đã bị chặn bên ngoài phòng xử án. Họ phải áp sát vào cửa để nghe những gì đang diễn ra bên trong. Tuy nhiên, thẩm phán Vương vẫn tuyên bố rằng ông ta đang tổ chức một phiên xét xử công khai.

Trong phiên tòa, tám học viên đã từ chối chấp nhận các luật sư do tòa chỉ định, bởi lẽ những người này đã được chỉ đạo để nhận tội cho các học viên. Sau khi yêu cầu được đại diện bởi luật sư riêng của họ bị thẩm phán Vương từ chối, các học viên đã tự biện hộ vô tội cho mình. Yêu cầu Vương không tham dự phiên xét xử của các học viên cũng bị từ chối. Vương đã cười nhạo họ và nói rằng họ không có quyền làm như vậy.

Phiên xét xử kết thúc vào khoảng 1 giờ 30 phút chiều, và sau đó các học viên bị đưa trở lại trại tạm giam huyện Nông An.

Kháng cáo các phán quyết

Ngày 26 tháng 7 năm 2021, gần bốn tháng sau phiên xét xử, thẩm phán Vương đã tuyên phán quyết đối với các học viên.

Tất cả các học viên đã kháng cáo các phán quyết lên Tòa án Trung cấp Thành phố Trường Xuân. Vào ngày 1 tháng 9, kháng cáo của bà Cao, bà Triệu và bà Tôn Phượng Tiên đã được chấp thuận và thẩm phán Tang Vận Thành được chỉ định thụ lý vụ việc của họ.

Ngày 9 tháng 9 kháng cáo của bà Thái, cô Vu, ông Thiện và bà Tôn Tú Anh đã được chấp thuận và thẩm phán Phạm Văn Hạo được chỉ định thụ lý vụ việc của họ. Thẩm phán cũng thụ lý kháng cáo của ông Trương, sau khi kháng cáo được chấp thuận vào ngày 13 tháng 9.

Ngày 9 tháng 9, luật sư của bà Cao đã đến Tòa án Trung cấp thành phố Trường Xuân sau khi hẹn với thẩm phán Tang Vận Thành để xem xét hồ sơ vụ án của bà và nộp Giấy ủy quyền. Khi đến tòa, thư ký tòa nói với luật sư rằng ông phải đăng ký việc làm đại diện cho bà Cao với cục tư pháp địa phương.

Luật sư đã gọi cho thẩm phán Tang và hỏi về cơ sở pháp lý cho yêu cầu này và làm cách nào để ông có thể có được tài liệu pháp lý hỗ trợ cho yêu cầu này. Tang trả lời rằng đó không phải là yêu cầu của họ mà là chính sách do Tòa án cấp cao tỉnh Cát Lâm ban hành.

Thư ký tòa án từ chối chấp nhận Giấy ủy quyền của luật sư và nói với ông rằng tài liệu hồ sơ vụ án bà Cao thuộc Viện kiểm sát thành phố Trường Xuân, không phải của họ. Sau đó, luật sư đến viện kiểm sát, nơi xác nhận rằng họ có tài liệu vụ án, nhưng luật sư không thể xem vì tài liệu chưa được tải vào hệ thống của họ.

Ngày hôm sau, luật sư trở lại viện kiểm sát. Lần này, nhân viên lễ tân chuyển lời từ công tố viên Tống Xuân Vi, rằng họ chưa tạo đĩa lưu trữ cho hồ sơ vụ án này. Họ yêu cầu luật sư để lại số điện thoại và nói rằng họ sẽ thông báo cho ông khi tài liệu vụ án sẵn sàng để xem.

Trong vài ngày tiếp theo, luật sư liên tục gọi điện cho viện kiểm sát để kiểm tra tình trạng tài liệu vụ án. Cuối cùng, viện kiểm sát cho biết công an đang tiến hành một cuộc điều tra bổ sung và bổ sung thêm chứng cứ cho vụ án. Do đó, họ chưa thể cho luật sư xem tài liệu vụ án.

Ngày 22 tháng 9, gần hai tuần sau lần đầu tiên luật sư đến tòa án trung cấp, ông được biết rằng viện kiểm sát đã chuyển hồ sơ vụ án sang tòa án trung cấp vào ngày 14 tháng 9. Tuy nhiên, viện kiểm sát liên tục nói với ông rằng tài liệu không có sẵn để ông xem xét.

Cũng vào ngày 22 tháng 9, luật sư của bà Tôn Phượng Tiên và gia đình đã đến tòa án trung cấp để nộp đơn đại diện bào chữa và xem xét hồ sơ vụ án của bà. Thẩm phán Tang và thư ký tòa án Ôn Hằng đã thụ lý hồ sơ. Tang từ chối chấp nhận tài liệu của thân nhân bào chữa đại diện cho bà Tôn và nói rằng cũng giống như luật sư, họ cũng phải đăng ký tài liệu đó với Cục Tư pháp thành phố Trường Xuân.

Tang cũng nói rằng đó là chính sách chung của nhà nước, không phải chỉ áp dụng với Trường Xuân hay tỉnh Cát Lâm, và họ đang chấp hành nghiêm quy định. Ông ta nói thêm rằng ngoài yêu cầu pháp lý đó, còn có các chính sách liên quan được đưa ra căn cứ trên tình hình thực tế.

Luật sư cho hỏi luật nào quy định luật sư phải đăng ký đại diện cho thân chủ của mình với cục tư pháp? Ông đã đi khắp cả nước và chưa bao giờ gặp vấn đề gì khi đại diện cho một học viên Pháp Luân Công ở các địa phương khác, vậy tại sao các tòa án ở tỉnh Cát Lâm lại làm khác với các tỉnh khác? Nếu họ đang tuân theo luật pháp quốc gia, thì có nghĩa là các tòa án ở các khu vực khác đều vi phạm pháp luật?

Ngày 24 tháng 9, con trai của bà Triệu đã đến Cục Tư pháp thành phố Trường Xuân để nộp đơn xin làm thân nhân đại diện bào chữa cho bà. Giám đốc Trần Quang nói với anh rằng anh chỉ cần một lá thư của bà Triệu, đồng ý cho anh đại diện bào chữa cho bà, cũng như cung cấp tài liệu để chứng minh mối quan hệ huyết thống của họ. Vì anh không phải là một luật sư chuyên nghiệp, nên anh không cần phải đăng ký với cục tư pháp. Trần cho biết tòa án trung cấp có thể tự liên lạc với ông ta nếu họ có bất kỳ câu hỏi nào về việc này.

Sau đó con trai của bà Triệu đã gọi cho thẩm phán Tang. Thư ký Ôn Hằng là người trả lời cuộc gọi. Anh ta nói Tang không có ở văn phòng và mình có thể chuyển tiếp lời nhắn cho Tang, nhưng tốt hơn là anh ấy nên tự mình nói chuyện với thẩm phán. Vào buổi chiều, con trai của bà Triệu liên tục gọi cho thẩm phán cho đến khi tòa án đóng cửa lúc 5 giờ chiều nhưng không có ai bắt máy.

Ngày 26 tháng 9, con trai của bà Triệu đã đến Viện kiểm sát thành phố Trường Xuân để nộp đơn khiếu nại Tang vì đã tước đoạt quyền đại diện hợp pháp cho mẹ anh. Viện kiểm sát cho biết họ sẽ chỉ nhận đơn khiếu nại đối với những vụ án đã đóng lại. Con trai của bà Triệu đã gọi cho Viện kiểm sát tỉnh Cát Lâm, và được cho biết điều tương tự. Sau đó, anh đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Cát Lâm, cơ quan giám sát các ngành tư pháp và an ninh, và họ đã đồng ý chấp thuận các tài liệu của anh.

Cùng lúc đó, con trai của bà Triệu đã gọi cho phòng kiểm tra kỷ luật của Tòa án Trung cấp thành phố Trường Xuân để khiếu nại về thẩm phán Tang. Anh liên tục gọi trong một tiếng đồng hồ, nhưng không ai trả lời. Anh ấy đã gọi trực tiếp đến số của Tang, nhưng cũng không có ai bắt máy.

Không còn lựa chọn nào khác, con trai của bà Triệu đã gọi điện đến văn phòng kháng cáo của tòa án và được thông báo rằng bộ phận kiểm tra kỷ luật không bao giờ trả lời bất kỳ cuộc gọi nào, kể cả cuộc gọi nội bộ hay từ bên ngoài. Cách duy nhất để liên lạc với họ là qua thư. Con trai của bà Triệu đã vô cùng phẫn nộ và gửi một khiếu nại khác đến đường dây nóng của Tòa án Nhân dân Tối cao.

Ngày hôm sau, con trai của bà Triệu nhận được cuộc gọi từ Vương của phòng kiểm tra kỷ luật của Tòa án Trung cấp thành phố Trường Xuân. Vương hỏi một số chi tiết của vụ việc và yêu cầu anh gửi tài liệu qua đường bưu điện để họ xem xét. Sau cuộc gọi, con trai của bà Triệu đã gửi bốn lá thư bảo đảm cho họ.

Vào lúc 2 giờ 36 phút chiều ngày 28 tháng 9, con trai của bà Triệu gọi lại cho thẩm phán Tang. Thư ký Ôn là người nhận cuộc gọi, và con trai bà Triệu nhắc lại những gì mà giám đốc Trần của cục tư pháp đã nói với anh. Anh cũng yêu cầu Ôn chuyển lời tới Tang và bảo ông ta làm việc với mình.

Vào lúc 3 giờ 24 phút chiều, con trai bà Triệu gọi lại cho Tang. Lần này, Ôn cho biết Tang đang làm việc trong văn phòng của ông ta ở tầng trên, và nơi đó không có điện thoại. Anh ta không nói bất cứ điều gì về việc liệu con trai bà có cần đăng ký với cục tư pháp hay không, nhưng yêu cầu anh ấy phải có thư của Văn phòng An ninh Nội địa, xác nhận rằng anh ấy không tu luyện Pháp Luân Công.

Vào lúc 4 giờ 20 phút chiều, con trai bà đến bưu điện để gửi thêm tài liệu về vụ việc của bà Triệu. Một nhân viên bưu điện nói với anh ấy rằng bức thư anh ấy gửi cho thẩm phán Tang vào ngày 25 tháng 9 bị phát hiện có nội dung liên quan đến Pháp Luân Công, và họ vừa bị quản lý khiển trách vào sáng hôm đó. Bởi sợ bị phạt, bưu điện từ chối gửi thêm bất kỳ lá thư nào cho anh.

Con trai bà đã ghi hình lại cuộc trò chuyện của họ và nói rằng mẹ anh đã bị kết án oan 5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Việc gửi thư là để tìm kiếm công lý cho bà ấy không phải để quảng bá Pháp Luân Công.

Nhân viên bưu điện đã gọi điện thoại cho cấp trên. Sau khi đọc nội dung bức thư, một người quản lý nói rằng không có vấn đề gì khi con trai bà gửi thư qua đường bưu điện, nhưng một người quản lý khác lại yêu cầu anh ấy suy nghĩ kỹ hơn về bức thư. Người quản lý này gọi điện cho ai đó và cố gắng ngăn cản con trai bà quay video. Con trai bà Triệu đã đi theo người này ra bên ngoài bưu điện và nghe được rằng ông ta đang gọi cảnh sát đến kiểm tra lá thư.

Vài người quản lý bưu điện khác cũng đến sảnh và một người cho biết sáng hôm đó có cấp trên đến để điều tra về bức thư mà con trai bà đã gửi mấy ngày trước. Họ biết là mấy lá thư kháng nghị của anh ấy không có gì sai, nhưng họ đã phải chịu áp lực rất lớn khi gửi những lá thư đó cho anh.

Một người quản lý khác nói thêm rằng họ không có thẩm quyền hành pháp và tốt hơn hết là cảnh sát nên quyết định xem họ có thể gửi những lá thư này qua đường bưu điện hay không. Con trai của bà Triệu nói rằng nếu đúng như vậy, thì liệu họ có phải gọi cảnh sát mỗi khi anh đến bưu điện để gửi các lá thư khác không? Người quản lý trả lời rằng họ chỉ đang làm theo quy định và họ không có bất kỳ cách xử lý nào khác.

Khi họ đang nói chuyện, nhiều khách hàng và nhân viên bưu điện đã chú ý tới cuộc trò chuyện của họ. Con trai của bà Triệu đã nhân cơ hội này đọc lá thư kháng cáo của mình cho họ nghe, đặc biệt là cách thẩm phán Vương đã nói những lời xúc phạm anh. Anh hỏi đám đông: “Làm sao một thẩm phán lại có thể nói ra những lời như vậy?”

Vài phút sau, cảnh sát đã đến. Con trai của bà Triệu tiếp tục ghi hình lại khung cảnh đó. Sau khi nói ngắn gọn về vụ việc bắt giữ và kết án mẹ anh, cũng như cách Vương ngăn cản luật sư và anh làm người đại diện bào chữa cho bà, anh đã đưa cho cảnh sát xem lá thư kháng nghị của mình và giải thích lý do tại sao anh lại gửi đơn khiếu nại đối với thẩm phán Vương.

Cảnh sát khám xét túi của anh và nói sẽ mang những lá thư kháng cáo mà anh ấy đang định gửi đi này về đồn công an để đánh giá thêm, vì nội dung của nó có nhiều thông tin về Pháp Luân Công.

Con trai bà đã gọi cho luật sư của mình ngay sau đó và nói rằng anh đã bị triệu tập đến đồn công an. Luật sư yêu cầu cảnh sát cung cấp tài liệu về cuộc thẩm vấn.

Sau khi đến đồn công an lúc 4 giờ 50 phút chiều, cảnh sát đã xem xét tất cả các tài liệu mà con trai bà Triệu mang theo. Một cảnh sát hỏi anh ấy về tình trạng của thư xác nhận không tu luyện Pháp Luân Công của anh. Con trai bà nói với cảnh sát về yêu cầu của thẩm phán Vương. Anh nói rằng khi anh đến Văn phòng An ninh Nội địa huyện Nông An và nói chuyện với đội trưởng Vu Bách Tường, Vu trả lời rằng ông chưa bao giờ cấp cho ai thư xác nhận như vậy. Ông ta nói rằng anh đã đến nhầm chỗ, việc anh đến đó không khác gì đến ngân hàng để mua hạt giống cây trồng vậy.

Viên cảnh sát đó cũng nói rằng trong suốt 10 năm làm cảnh sát, anh ta chưa bao giờ nghe nói về việc có lá thư xác nhận không tu luyện Pháp Luân Công như vậy.

Viên cảnh sát chỉ ra rằng ngay cả khi anh ta thấy việc con trai bà gửi tài liệu qua đường bưu điện là không có vấn đề gì, thì anh ta cũng không thể yêu cầu bưu điện làm điều đó, bởi họ đang phải đối mặt với chính sách bức hại đến từ những người đứng đầu chính quyền cộng sản. Anh ta hỏi liệu con trai bà có thể tự chuyển nó cho tòa án không. Con trai bà nói với anh ta rằng thẩm phán Vương đã từ chối trả lời cuộc gọi hoặc nhận tài liệu của anh như thế nào khi anh cố gắng nộp nó trực tiếp.

Tài liệu bí mật của Tòa án cấp cao tỉnh Cát Lâm

Trong quá trình nỗ lực của các gia đình học viên và luật sư trong việc tìm kiếm công lý cho họ, các nhà chức trách liên tục đề cập đến một chính sách bí mật do Tòa án Tối cao tỉnh Cát Lâm ban hành.

Ngày 1 tháng 4 năm 2021, khi gia đình của các học viên liên hệ với giám đốc Phòng của Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Đức Huệ, để hỏi về tình trạng đơn khiếu nại của họ đối với Tòa án thành phố Đức Huệ, Phòng tuyên bố rằng mình đã nhận được câu trả lời từ tòa án trong đó tuyên bố rằng chính sách đó là phù hợp với văn bản số 226 năm 2020 do tòa án cấp cao ban hành. Tuy nhiên, ông ta từ chối cung cấp bản cứng của chính sách này.

Ngày 21 tháng 4 năm 2021, gia đình của các học viên đã liên lạc lại với Phòng. Ông đã cho họ xem một lá thư từ Tòa án Đức Huệ liên quan đến văn kiện bí mật này, có tiêu đề “Thông báo về việc tăng cường hơn nữa công tác xét xử các vụ án tội phạm về tà giáo”.

Trong lá thư gửi từ Tòa án Đức Huệ có viết: “Theo văn kiện số 226 do Tòa án Tối cao Cát Lâm ban hành năm 2020,‘ Thông báo về việc tăng cường hơn nữa công tác xét xử các vụ án tội phạm về tà giáo’, theo đó yêu cầu nghiêm việc kiểm tra tư cách của các luật sư đại diện cho các vụ án tà giáo, trên nguyên tắc cấm chỉ các luật sư tham gia vào loại vụ án tà giáo này.” [Ghi chú: Pháp Luân Công là Đại Pháp cao đức, dạy người ta hướng thiện].

Sau đó, gia đình của các học viên đã nộp đơn lên Cục Tư pháp tỉnh Cát Lâm để yêu cầu được xem văn kiện này, nhưng đến ngày 25 tháng 4, họ nhận được câu trả lời rằng họ không có chính sách như vậy và yêu cầu gia đình làm việc với tòa án cấp cao.

Trong khi đó, các gia đình đã đến tòa án cấp cao bốn lần, vào các ngày 23 tháng 4, 11 tháng 5, 13 tháng 5 và 9 tháng 6 năm 2021, hỏi về văn kiện bí mật này, tuy nhiên lễ tân cho biết họ chưa từng nghe nói về nó.

Ngày 11 tháng 6 năm 2021, thân nhân của các học viên đã gửi đơn đến Từ Gia Tân, chánh án Tòa án Tối cao tỉnh Cát Lâm, yêu cầu ông thu hồi văn kiện bí mật và công khai nội dung của văn kiện. Tuy nhiên họ vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào của Từ.

Trong những nỗ lực mới nhất của họ để tìm kiếm công lý, các gia đình hiện đang nộp đơn khiếu nại thêm đối với thẩm phán Vương và tìm kiếm thêm thông tin về văn kiện bí mật này.

Họ tóm tắt trong đơn khiếu nại rằng trước phiên tòa, thân nhân của các học viên đã chiểu theo pháp luật đưa ra yêu cầu được đại diện cho các học viên. Nhưng Vương đã thẳng thừng từ chối yêu cầu và đòi các thành viên trong gia đình xuất trình “giấy xác nhận không tu luyện Pháp Luân Công”. Khi các luật sư được các thành viên trong gia đình thuê đến tòa để nộp giấy tờ ủy thác bào chữa, Vương đã liên tục từ chối đến 10 lần. Nhiều lần, tòa án và Vương cũng yêu cầu luật sư xuất trình nhiều tài liệu không hợp lý và trái pháp luật. Ngay cả vào ngày xét xử, không có thành viên gia đình hoặc luật sư nào được phép bào chữa cho các học viên trước tòa.

Họ nói rằng bằng việc tuyên bố là đang làm theo một văn kiện bí mật, Vương đã tước đoạt quyền hợp pháp của các học viên.

Dựa trên phát ngôn và hành động của các quan chức Tòa án Đức Huệ, đặc biệt là thẩm phán Vương, các thành viên trong gia đình của các học viên tin vào sự tồn tại của văn kiện bí mật số 226 này. Thông qua trao đổi của của họ với các cơ quan liên quan, có vẻ như phần lớn nội dung của vặn kiện bí mật là liên quan đến việc tước đoạt quyền tố tụng của các học viên, một điều vốn được Hiến pháp Trung Quốc và các luật khác bảo vệ. Xuất phát từ quyền tố tụng của các học viên Pháp Luân Công, văn kiện này cũng hạn chế và tước bỏ quyền tố tụng của luật sư và các thành viên gia đình bào chữa cho các học viên. Trong một văn bản trả lời của Tòa án Đức Huệ cho các thành viên gia đình, tòa án đã thừa nhận sự tồn tại của văn kiện này.

Văn kiện bí mật này không chỉ không công bằng đối với các học viên Pháp Luân Công, mà còn vô cùng tà ác. Điều này là do văn kiện này đã vi phạm Hiến pháp Trung Quốc, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Luật sư, Luật Thẩm phán, Giải thích của Tòa án Tối cao về việc áp dụng Luật Tố tụng Hình sự, Quy tắc Tố tụng Hình sự của Tòa án Tối cao, và các quy định khác. Văn kiện này cũng đã vi phạm “Quy định của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an và các ban ngành khác trong “quy định về quyền lợi hành nghề của luật sư theo pháp luật”.

Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại:

Tang Vạn Thành (臧万成), thẩm phán: + 86-431-88558653
Tống Xuân Vi (宋春 微), công tố viên: + 86-17643106693, + 86-431-89988402
Vương Vinh Phú (王荣富), thẩm phán của Tòa án thành phố Đức Huệ: + 86-431-87005016

Bài liên quan:

Huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm: 10 học viên Pháp Luân Công bị kết án từ hai đến mười năm tù

Giáo viên tiểu học bị đưa ra xét xử vì đức tin của mình sau chín tháng giam cầm

Người con gái hiếu thảo đang đợi phán quyết của tòa án vì tu luyện Pháp Luân Công

Tỉnh Cát Lâm: Tòa án xét xử tám cư dân, ngăn cấm luật sư biện hộ cho thân chủ

Huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm: 11 học viên bị bắt giữ và 1 trường hợp bị sách nhiễu trong vòng 24 giờ

14 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến trong các vụ bắt giữ nhóm ở tỉnh Cát Lâm vẫn đang bị giam cầm

Người cha qua đời sau 1,5 tháng bị bắt giữ, con trai viết thư tìm kiếm công lý cho người mẹ đang phải đối mặt với phiên tòa vì kiên định đức tin của mình

Từng bị cầm tù 11 năm, người đàn ông Cát Lâm qua đời sau một tháng rưỡi bị bắt giữ vì đức tin của mình

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/19/433777.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/3/196837.html

Đăng ngày 14-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share