Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-04-2021] Ngày 9 tháng 4 năm 2021, tám cư dân huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm đã bị đưa ra hầu tòa vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Tòa án thành phố Đức Huệ đã cấm luật sư của các học viên biện hộ cho họ trước tòa. Mỗi học viên chỉ có một thành viên gia đình được phép tham dự phiên tòa với điều kiện họ phải có giấy xác nhận rằng bản thân họ không tu luyện Pháp Luân Công.

Trong tám học viên, chỉ có cha của ông Trương Kính Nguyên được phép tham dự phiên xét xử sau khi ông nhận được giấy xác nhận của đồn công an địa phương. Tất cả thân nhân của các học viên khác và luật sư đều bị chặn ở bên ngoài phòng xét xử. Chủ tọa phiên tòa là Vương Vinh Phú vẫn tuyên bố rằng ông ấy đang tổ chức một phiên tòa công khai.

Trong phiên xét xử, tám học viên từ chối chấp nhận luật sư do tòa án chỉ định, bởi những luật sư này được chỉ đạo nhận tội thay các học viên. Sau khi thẩm phán Vương từ chối yêu cầu được biện hộ bởi các luật sư riêng, các học viên đã tự bào chữa cho mình và họ đều không nhận tội.

Hiện tại tám học viên đang đợi phán quyệt tại Trại tạm giam huyện Nông An (Nông An là một huyện thuộc địa cấp thị Trường Xuân).

Bị bắt giữ trong một cuộc truy bắt của cảnh sát

Tám học viên gồm ông Trương, bà Cao Hiểu Kỳ, bà Triệu Tú Lan, bà Tôn Phượng Tiên, bà Thái Ngọc Anh, con gái bà Thái là cô Vu Kiều Như, bà Tôn Tú Anh và ông Thiện Vi Hòa là mục tiêu trong một cuộc bắt giữ quy mô lớn của cảnh sát vào ngày 15 tháng 7 năm 2020.

Các vụ bắt giữ diễn ra chỉ một vài ngày trước cột mốc đánh dấu 21 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công và trước chuyến thăm của lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình tới khu vực vào ngày 23 tháng 7 năm 2020.

Có thông tin cho rằng Mã Duyên Phong, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL) ở Trường Xuân, Trương Khải Nam, Bí thư UBCTPL huyện Nông An và Lý Hưng Đào, Trưởng Công an huyện Nông An đã ra lệnh tiến hành các vụ bắt giữ.

Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, UBCTPL, một tổ chức ngoài vòng pháp luật, có vai trò giám sát an ninh quốc gia và hệ thống tư pháp đã đóng vai trò trung tâm trong việc hoạch định và thực thi các chính sách bức hại.

2021-4-5-mh-jilin-zhaoxiulan.jpg

Bà Triệu Tú Lan

Khoảng 3 giờ sáng hôm đó, bà Triệu, 67 tuổi, nghe thấy tiếng gõ cửa. Khi bà ra mở cửa, một nhóm cảnh sát đã xông vào trong nhà. Có thông tin rằng 6 máy tính xách tay (mỗi chiếc trị giá khoảng 4.000 nhân dân tệ), vài điện thoại di động, nhiều sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và một vài usb của bà bị tịch thu.

2021-4-5-mh-jilin-gaoxiaoqi.jpg

Bà Cao Hiểu Kỳ

Khoảng 6 giờ sáng, bà Cao đến gặp bà Triệu, và bị cảnh sát đang lục soát nhà bà Triệu bắt giữ. Sau đó, cảnh sát kéo tới lục soát nhà bà Cao và tịch thu một lượng lớn biểu ngữ in thông điệp Pháp Luân Công, các sách Pháp Luân Công, một bức ảnh chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và hơn 100.000 nhân dân tệ tiền mặt của bà. Mẹ mẹ già ngoài 90 tuổi của bà Cao đã rất kinh hãi trước cuộc đổ bộ của cảnh sát.

Cảnh sát tỏ ra rất phấn khích khi lấy được những đồ vật có giá trị từ nhà bà Cao. Một người trong số họ cười nói: “Đây đều là những món đồ đáng giá!”

Sau đó bà Cao bị đưa tới đồn công an địa phương để thẩm vấn. Cảnh sát đã tát vào mặt bà vì bà không trả lời câu hỏi của họ.

Cũng vào khoảng 6 giờ sáng, cảnh sát sử dụng cưa máy để phá cửa an ninh nhà bà Thái và đột nhập vào trong. Bà Thái, con gái, và chồng bà là ông Vu Xuân Lâm đều bị bắt giữ. Cảnh sát tịch thu máy tính xách tay, máy in, hơn 100 cuốn sách Pháp Luân Công, một ảnh chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và nhiều món đồ khác của gia đình bà. Mặc dù sau đó ông Vu được trả tự do, nhưng vợ và con gái của ông vẫn bị giam giữ.

2021-4-5-mh-jilin-zhangjingyuan.jpg

Ông Trương Kính Nguyên

Khoảng 7 giờ sáng, khi ông Trương cùng vợ là bà Nhâm Vĩnh Bình chuẩn bị đưa con gái đi học, họ phát hiện lỗ khóa của cửa nhà đã bị bịt kín bằng giấy. Lúc họ đang làm sạch lỗ khóa, một nhóm cảnh sát xuất hiện ghì ông Trương xuống đất và còng tay ông.

Sau khi giam cả gia đình ông Trương trong một căn phòng, cảnh sát lục soát nhà và tịch thu máy tính xách tay, máy in, sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và một chiếc máy nghe nhạc. Cô con gái đang ở tuổi vị thành niên bị tổn thương. Sau đó, hai vợ chồng ông Trương bị giam giữ.

Viện kiểm sát đã bác bỏ vụ án của bà Nhâm và trả tự do cho bà vào ngày 4 tháng 3 năm 2021, ông Trương vẫn bị giam giữ và hiện đang đối mặt với án tù.

2020-9-11-mh-changchun-jiangquande_ipvgove.jpg

Ông Khương Toàn Đức

Buổi sáng cùng ngày, còn có một cặp vợ chồng khác là ông Khương Toàn Đứcvà bà Tôn Tú Anhcũng bị bắt giữ. Thời gian đó, ông Khương đang bị bệnh và tiều tụy, nhưng cảnh sát vẫn tống giam ông.

Hai tuần sau, ông Khương được trả tự do, và hàng ngày ông vẫn phải truyền tĩnh mạch để duy trì sự sống. Cảnh sát từ chối thả bà Tôn, nên bà không thể chăm sóc cho chồng của mình.

Ngày 26 tháng 8 năm 2020, 4 ngày sau khi Viện kiểm sát huyện Nông An phê chuẩn vụ bắt giữ của bà Tôn, ông Khương đã qua đời ở tuổi 66

Bà Tôn Phượng Tiênbị bắt giữ khi vừa mở cửa nhà để đi làm. Bà bị bệnh và phải nhập viện trước khi bị đưa vào trại tạm giam huyện Nông An.

Ông Thiện cũng bị thẩm vấn tại đồn công an. Hiện ông rất gầy yếu và hốc hác sau 9 tháng bị giam giữ.

Bài liên quan:

Huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm: 11 học viên bị bắt giữ và 1 trường hợp bị sách nhiễu trong vòng 24h

14 học viên Pháp Luân Công bị nhắm đến trong các vụ bắt giữ nhóm ở tỉnh Cát Lâm vẫn đang bị giam cầm

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/10/423209.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/17/191911.html

Đăng ngày 12-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share