Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-11-2021] Ngày 20 tháng 12 năm 2012, bà Lưu Hiểu Bình, 65 tuổi, quê ở thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông đã bị bắt tại nơi tạm trú ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Bà Lưu bị theo dõi vì đã nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999.

Sau hai lần xét xử tại tòa án huyện Lộc Phong, bà Lưu bị kết án 10 năm tù. Ngày 1 tháng 11 năm 2013 bà được ra khỏi nhà tù Nữ số 2 tỉnh Vân Nam và thất vọng khi biết rằng lương hưu của bà bị đình chỉ trong thời gian bà thụ án tù.

Thụ ích cả tâm lẫn thân từ tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lưu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1998. Không lâu sau, mọi chứng bệnh như đau đầu do thần kinh, bệnh dạ dày và đau thắt lưng biến mất hoàn toàn. Bà trở nên khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.

Ngoài ra, tu luyện Pháp Luân Công đã khiến phẩm chất đạo đức của bà cũng được nâng cao. Bà sống chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn và biết nghĩ cho người khác. Là một chủ doanh nghiệp, bà không còn nhận quà từ khách hàng mặc dù đó là việc rất thịnh hành trong ngành của bà. Vì bà không còn nói dối trong kinh doanh nên được khách hàng và đối tác rất tin tưởng.

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại chưa có tiền lệ đối với Pháp Luân Công và người tu luyện pháp môn này. ĐCSTQ đã tiến hành tuyên truyền một cách có hệ thống nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công, trong đó có việc dàn dựng vụ tự thiêu giả tại Quảng trường Thiên An Môn.

Nhằm giúp mọi người hiểu rõ sự thật, bà Lưu cũng như vô số học viên Pháp Luân Công đã không quản tính mạng để lên tiếng giảng thanh chân tướng. Vì thế, họ trở thành mục tiêu bức hại của ĐCSTQ.

Vụ bắt giữ đầu tiên và giam giữ trong một trung tâm tẩy não

Ngày 20 tháng 12 năm 1999, bà Lưu và một học viên khác lên đường tới Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Công và bị bắt tại Nhà ga xe lửa Quảng Châu, rồi bị đưa đến Đồn Công an Cát Đại, thành phố Châu Hải vào buổi tối. Sau đó, họ bị đưa đến trại tạm giam Châu Hải ngay trong đêm khuya.

Trong 15 ngày bị tam giam, hàng ngày bà Lưu và các học viên khác bị bắt làm công việc tách vỏ hạt hồ trăn bằng kìm từ 6 giờ sáng đến 11 giờ tối. Tay của họ bị phồng rộp và chảy mủ vàng.

Họ bị cho ăn cơm thiu, vài lá rau và một miếng thịt lợn nhỏ xíu với bì còn dính lông. Bộ đồ trải giường dính đầy máu mà không được giặt giũ, bốc mùi nồng nặc khiến cho bà Lưu rất khó ngủ. Bà bị lính canh chiếm đoạt 680 nhân dân tệ, họ đã nói dối bà rằng họ dùng khoản tiền này để mua nhu yếu phẩm hàng ngày như giấy vệ sinh, bột giặt cho tù nhân khác. Họ không hề trả lại số tiền này cho bà.

Buồng giam rất nhỏ nhưng chứa đến 20 người. Mỗi người đều phải nằm nghiêng khi ngủ. Phòng tắm giặt cũng rất đông người vào buổi tối. Bà Lưu luôn nhường mọi người dùng trước, còn bà thường tắm giặt xong vào lúc 1 giờ sáng. Buổi sáng mọi người thức dậy lúc 6 giờ và bà cũng nhường cho họ dùng trước, trong khi đó bà xếp chăn gối và chuẩn bị dụng cụ cần thiết cho một ngày lao động.

Vào một ngày tháng 7 năm 2001, sáu nhân viên từ Đồn Công an Cát Đại, Phòng 610 và Ủy ban thôn Quan Thôn đã đột nhập vào nhà bà Lưu trong khi bà đang làm cơm trưa. Họ kiên quyết bắt bà đến trung tâm tẩy não. Bà Lưu nói rằng họ sẽ không thể khiến bà từ bỏ Pháp Luân Công.

Sau một hồi chống cự, bà bị bắt đến một trung tâm tẩy não được đặt bên trong một khách sạn tại thành phố Châu Hải. Hàng chục học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ ở đó và mỗi học viên phải ở chung phòng với một người được chỉ định giám sát họ. Bà Lưu bị giám sát bởi một người ở thôn Quản Thôn.

Giám đốc Ủy ban Chính trị và Pháp Luật thành phố Châu Hải là người phụ trách trung tâm tẩy não này. Ông ta cho gọi một người lính đến để thực hiện nhục hình kiểu quân đội đối với các học viên Pháp Luân Công, bằng cách cho các học viên phơi mình dưới cái nắng như thiêu như đốt trong hai tiếng đồng hồ. Một số học viên lớn tuổi không chịu đựng nổi sự tra tấn này nên hầu như đều bị bất tỉnh.

Bà Lưu bị giam trong trung tâm tẩy não này ba tháng.

Bị bắt vì phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công

Sau đó, bà Lưu chuyển đến thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Ngày 20 tháng 12 năm 2012, bà và ba học việc khác phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công tại một thôn thuộc huyện Lộc Phong, tỉnh Vân Nam. Họ bị tố giác và bị bắt đưa về đồn công an.

Tất cả bốn học viên bị tách riêng để thẩm vấn. Bà Lưu bị bắt ngồi xổm trong khi bị cảnh sát trưởng họ Vương thẩm vấn bà. Bà không trả lời các câu hỏi, thay vào đó, bà đã nói cho ông ấy về Pháp Luân Công và cuộc bức hại.

Sau đó, nhân viên từ Đại đội An ninh Nội địa huyện Lộc Phong đến. Họ khám người bà Lưu và ba học viên, tịch thu tất cả tài liệu Pháp Luân Công mà họ mang theo. Cảnh sát không cho họ ăn uống hay sử dụng nhà vệ sinh. Họ bị còng tay sau lưng và bị tống lên xe cảnh sát lúc nửa đêm trong tình trạng vừa lạnh vừa đói.

Giam giữ tùy tiện

Bốn học viên bị đưa đến Công an huyện Lộc Phong lúc 6 giờ sáng ngày hôm sau. Cảnh sát chụp hình họ trước khi đưa từng người vào phòng riêng và thẩm vấn suốt cả ngày.

Bởi vì không học viên nào nói ra tên tuổi hay địa chỉ cho cảnh sát, nên họ đã huy động cán bộ ủy ban thôn lục soát từng nhà ở nơi các học viên đã phân phát tài liệu. Bất kỳ ai nhận được tài liệu đều phải giao nộp và nói ra tên người đã phát tặng.

Sau một ngày tại trụ sở công an huyện, các học viên bị đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe vào buổi tối và bị đưa về trại tạm giam huyện Lộc Phong lúc 11 giờ đêm.

Ngày 24 tháng 12, đội trưởng Đại đội An ninh Nội địa và thuộc cấp của ông ta lấy chìa khóa nhà của bà Lưu và lục soát nhà mà không thông báo cho gia đình bà. Họ tịch thu ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, tài liệu, máy tính, máy in, đầu đĩa VCD, máy thu âm, TV và 4.200 nhân dân tệ. Họ nộp danh sách các đồ vật bị tịch thu để làm bằng chứng truy tố nhưng không giao cho bà một bản như đã hứa. Họ còn lừa dối bà Lưu rằng chị gái bà đã có mặt trong vụ bắt giữ, mặc dù không rõ là sự việc đã xảy ra khi nào.

Xét xử

Cuối tháng 4 năm 2013, Tòa án huyện Lộc Phong tiến hành xét xử bốn học viên. Trước ngày xét xử, luật sư được gia đình thuê đã nhiều lần tìm cách gặp bà Lưu nhưng bị phía tòa án, Phòng 610 huyện Lộc Phong và trại tạm giam ngăn cản.

Vào ngày diễn ra phiên tòa, bà Lưu từ chối mặc đồng phục tù nhân để phản đối việc bức hại. Bà đã phải chống cự lại ba hay bốn lính canh nữ đang cố mặc bộ đồng phục cho bà khiến bà bị thương ở cổ tay. Sau đó, các học viên cũng bị dẫn giải đến phòng xử án và có một hàng rào an ninh dày đặc xung quanh tòa án.

Suốt trên đường đến phòng xử án, bà Lưu hô to: “Pháp Luân Công bị bôi nhọ. Tuyên truyền trên TV là giả. Chúng tôi bị bức hại bởi vì chúng tôi đã nói cho mọi người sự thật về Pháp Luân Công!”

Lần bà Lưu gặp luật sư tại tòa án thì cũng là lần đầu tiên họ gặp nhau. Bởi vì luật sư của bà cũng như của các học viên khác đều phản đối các cơ quan chức năng ngăn cản họ tiếp cận thân chủ của mình nên họ đã bị đẩy ra khỏi phòng xử án, trong đó có một người gần như bị đẩy ngã nhào xuống đất. Sau đó, phiên tòa kết thúc.

Một ngày trước phiên xử thứ hai vào ngày 31 tháng 5, vài thẩm phán đã đến trại tạm giam để cố thuyết phục các học viên thuê luật sư khác vì họ cho rằng các luật sư hiện tại không thể biện hộ cho các học viên. Tất nhiên, các học viên không đồng ý.

Luật sư của bà Lưu yêu cầu nhân chứng có mặt tại tòa để đối chất nhưng không ai đến. Ông và các luật sư khác yêu cầu trình ra những tài liệu được tịch thu từ các học viên nhưng thẩm phán đã bác bỏ.

Thẩm phán tuyên án bà Lưu 10 năm tù, hai học viên khác mỗi người 8 năm tù và học viên thứ tư 7,5 năm tù. Ông ta buộc tội các học viên vi phạm Điều 300 Bộ Luật Hình sự, cho rằng họ đã “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ được chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng để gán tội học viên Pháp Luân Công.

Khi bà Lưu phản đối bản án, thẩm phán thách thức bà rằng: “Bà nên cảm thấy may mắn vì tôi đã không kết án bà 13 năm tù giam“.

Tháng 6 năm 2013, bà Lưu kháng án lên Tòa án Trung cấp khu tự trị Sở Hùng Di, nhưng tòa đã bác bỏ kháng cáo và đưa ra quyết định giữ nguyên bản án ban đầu vào ngày 10 tháng 10. Ngày 1 tháng 11 năm 2013, bà bị đưa đến Nhà tù Nữ số 2 tỉnh Vân Nam.

Bị bức hại tại Nhà tù Nữ số 2 tỉnh Vân Nam

Nhà tù Nữ số 2 Vân Nam là cơ sở duy nhất được chỉ định giam giữ học viên nữ tại tỉnh Vân Nam. Trong đó, khu số 9 là khắc nghiệt nhất.

Ngay khi bà Lưu vừa được đưa đến, bà bị lột trần truồng. Lính canh bắt bà quay tròn hai vòng trước khi ngồi xổm xuống và đặt hai tay lên đầu. Họ ném bỏ hết áo của bà trừ đồ lót, rồi bắt bà mặc đồng phục tù nhân. Hai tù nhân đưa bà đến gặp đội nghiêm quản (quản lý nghiêm ngặt) tại khu số 9.

Một khi bị đưa vào đội nghiêm quản, mọi học viên Pháp Luân Công đều bị bắt ngồi ghế đẩu nhỏ có bề mặt gồ ghề. Cuộc tra tấn thường khiến cho chân và mông bị sưng, thậm chí đến chảy máu và mủ.

Bà Lưu thường bị bắt ngồi ghế đẩu nhỏ từ 15 đến 16 tiếng một ngày. Bà bị cấm nói chuyện, cử động hay nhắm mắt trong khi ngồi. Buổi tối khi bà cần đi vệ sinh cũng phải có người theo sát. Bà được cấp cho một chậu nước duy nhất dùng cho cả một ngày để đánh răng, rửa mặt. Bà cũng chỉ được tắm mỗi tuần một lần. Lính canh tước đi quyền giao tiếp và sự thăm nom của gia đình. Bà phải thừa nhận rằng mình đã phạm tội thì lính canh mới cho phép bà mua đồ thiết yếu.

Do bị lính canh xúi giục để được giảm án, hai tù nhân theo dõi sát sao một học viên suốt cả ngày. Đặc biệt, các tù nhân được chọn thường là những người phạm tội buôn bán ma túy bị kết án tử hình hoặc chung thân.

Các tù nhân được chỉ định giám sát bà Lưu đối xử với bà rất thô bạo. Trong thực tế, cả ba trở thành một nhóm. Khi một người có lỗi, hai người còn lại cũng sẽ bị phạt. Để bảo vệ bản thân, các tù nhân giám sát bà rất chặt chẽ và tước cả quyền tự do đi lại của bà. Một tù nhân sẽ làm tất cả những việc lặt vặt như lấy nước, lấy thức ăn hay phơi quần áo cho cả ba. Sau đó cô ta sẽ trút giận lên bà Lưu. Bà sẽ có một ngày tồi tệ nếu bất kỳ tù nhân nào bị lính canh trừng phạt.

Có một lần, tù nhân Từ Thiệu Anh bắt bà Lưu phải ngồi thẳng lưng và ngồi im trên ghế đẩu nhỏ. Bà không được uống nước mãi cho đến khi ăn tối, khiến cho môi bị nứt nẻ và khô cổ họng.

Lính canh trong chốt giám sát sẽ đến kiểm tra vào ban đêm khi bà đi ngủ. Nếu họ thấy bà uốn cong đầu gối, họ liền cho rằng bà đang đả toạ. Khi đó, họ sẽ buông lời sỉ nhục bà hoặc lấy chăn quấn chân bà. Ban đêm bà không được phép đi vệ sinh một mình mà phải có tù nhân đi kèm.

Do chịu sự bức hại tàn bạo, bà Lưu phát bệnh cao huyết áp. Bà bị bắt phải uống thuốc trong một thời gian dài.

Bà đã phải chịu đựng sự ngược đãi tàn bạo trong một năm ròng.

Bị bức hại tại khu số 7

Sau đó, bà Lưu bị chuyển đến khu số 7 để làm công việc kết hạt cườm, tại đây bà vẫn bị tù nhân giám sát suốt cả ngày. Bà không được phép nói chuyện với người khác, đặc biệt là với học viên Pháp Luân Công khác. Các tù nhân ghi chép mọi hoạt động của bà như uống thuốc, tuân thủ nội quy nhà tù, các cuộc gọi và thăm viếng của gia đình và cả những việc linh tinh khác để báo cáo cho lính canh.

Một ngày vào đầu năm 2014, khu số 7 thông báo kiểm tra sức khỏe cho hàng chục học viên Pháp Luân Công được chọn lựa, trong đó có bà Lưu. Trước khi kiểm tra sức khỏe, họ bị bắt phải cởi hết quần áo và ngồi xổm lên xuống 5 lần. Khi được hỏi lý do vì sao bị bắt, bà đáp rằng bà không phạm tội gì cả; bản thân bị bắt bởi vì bà đã nói cho mọi người biết sự thật về Pháp Luân Công. Lính canh đã ngăn bà nói tiếp và ra lệnh cho bà ngồi xổm lên xuống 10 lần.

Cuối tháng 5 năm 2016, lính canh nhà tù được trang bị vũ trang đầy đủ, đột nhiên ra lệnh cho tù nhân xếp hàng trên sân khấu lớn trong sân. Họ bắt tù nhân nhìn lên áp phích tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Lính canh Trần Trác phụ trách diễn giải nội dung áp phích. Bà ta phỉ báng Pháp Luân Công và yêu cầu tù nhân viết báo cáo tư tưởng sau buổi tẩy não.

Bị cưỡng bức lao động tại khu số 5

Bà Lưu bị chuyển đến khu số 5 để vận hành máy may trong nhà xưởng. Do máy may hoạt động rất nhanh nên mắt, tay và chân phải làm việc đồng thời và phối hợp nhịp nhàng. Do tuổi tác (lúc này bà đã ngoài 60 tuổi), đôi khi bà bị trượt tay và bị thương ở các ngón tay.

Vận hành máy may tốc độ cao là một công việc không hề đơn giản và người vận hành dễ bị mệt mỏi. Có lần bà chợp mắt, bà bị một lính đánh đập và khiển trách.

Đầu năm 2021, xưởng bắt đầu sản xuất hàng điện tử. Bà Lưu được phân công quấn dây điện trở vốn mỏng hơn sợi tóc và cần dùng nhíp để làm. Vì thị lực kém nên bà không thể nhìn rõ được sợi dây dù đã đeo kính hai tròng. Bà không ngừng chảy nước mắt dưới ánh sáng mạnh. Bà đã nhiều lần yêu cầu đổi sang công việc khác nhưng không được phản hồi.

Có 600 người làm việc trong xưởng. Vì chỉ có bảy nhà vệ sinh nên mọi người phải chờ gần ba giờ mới đến lượt của mình. Mỗi học viên chỉ được phép đi đại tiện lâu nhất trong ba phút. Bà Lưu uống ít nước hơn mức cần thiết và nhịn tiểu gần 2/3 thời gian. Bà ấy luôn cảm thấy khát nước.

Ngày 20 tháng 6 năm 2021, bà Lưu dự kiến sẽ được thả khỏi Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam. Ngày hôm đó, một lính canh đã gọi em gái và con trai của bà đến để nói chuyện tại Phòng Giáo dục trước khi cho phép bà Lưu ra tù.

Bức hại tài chính

Cuối tháng 6 năm 2021, bà Lưu trở về nơi thường trú tại thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông. Cảnh sát thuộc Đồn Công an Cát Đại và Văn phòng Cộng đồng Cát Đại nói với bà rằng bà sẽ được đưa vào diện “cần giúp đỡ và giáo dục” trong 5 năm. Họ lấy dấu vân tay và chụp hình bà. Khi biết bà vẫn còn cư trú tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, họ đánh dấu thẻ công dân và gọi cho bà hết lần này đến lần khác.

Ngày 28 tháng 6, bà Lưu đi tới Cục An sinh Xã hội thành phố Châu Hải để làm thủ tục xin phục hồi lương hưu. Bà biết rằng tiền lương hưu của bà đã ngừng hoàn toàn trong thời gian bị giam giữ từ tháng 10 năm 2013 đến tháng 6 năm 2021. Các nhà chức trách tuyên bố rằng một chính sách mới quy định rằng các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì đức tin của họ không được hưởng bất khoản hưu trí nào, mặc dù luật lao động Trung Quốc không hề có một quy định như vậy.

Cục An sinh Xã hội cho biết rằng họ sẽ phục hồi lương hưu của bà từ tháng 7 năm 2021. Tuy nhiên, số tiền được hưởng sẽ căn cứ theo mức trợ cấp mà bà đã nhận từ 10 năm trước, nghĩa là bà không được nhận theo mức lương tăng trong thời gian bà bị cầm tù như mức mà những người về hưu khác đang được lĩnh.

Thông tin của những thủ phạm tham gia bức hại:

Vương Tiến Trung (王进忠), công tố viên, Viện kiểm sát huyện Lộc Phong +86-878-4122224
Lý Lương Thăng (李良升), thẩm phán chủ tọa, Tòa án Nhân dân huyện Lộc Phong +86-878-4122937
Đổng Ba (董波), thẩm phán chủ tọa, Tòa án Trung cấp Sở Hùng Di +86-878-3394653

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/12/433545.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/7/196900.html

Đăng ngày 14-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share